main billboard


Lần này là lần cảnh cáo cuối cùng. Nói không nó không sợ. Để coi, nó mà còn dụ dổ lão mò tới nữa thì phải cho ăn đòn mới chừa.
..


01 hoahong-tim

Người lính biệt cách dù bị thương nằm trong bệnh viện quân đội trên tận đồi Căng cuối dãy Trường Sơn, giả bộ nhăn nhó than đau để cô nữ sinh rối rít thương hại, xoa bàn tay mềm ấm quanh vết thương, mong làm dịu cơn đau của anh chàng lính. Cô y tá xoay người trừng mắt dọa dẫm anh chàng lính  nghịch ngợm trong ánh mắt ngạc nhiên của cô nữ sinh ngây thơ: người ta đau mà không cho than thở. Cái khăn trắng thêu hoa của các cô nữ sinh cắm cúi thêu trong giờ nữ công để làm quà tặng cho người chiếc sĩ trong kỳ đi thăm ủy lạo thương binh trước Tết. Định mệnh nào đun đuổi cho anh lính  lại được tặng chính cái khăn do cô nữ sinh này thêu. Cái khăn trắng nhỏ xíu được viền tỉ mỉ và ở một góc khăn là một cành hoa hồng nhỏ nhắn với búp hoa bằng đầu ngón tay út của anh lính, hai cái lá như nâng cành hoa, cả hoa và lá đều được thêu bằng cọng chỉ tím đậm. Cánh hoa hồng màu tím nằm khiêm nhường ở một góc khăn. Người lính vuốt ve cánh hoa nhỏ, niềm cảm xúc trên gương mặt người lính làm cô bé trông  ngổ nghịch  vì mái tóc lưng chừng vừa qua khỏi vai cọng ngắn cọng dài, không thẳng ngọn, có giọng cười khanh khách cảm động sung sướng. Ba cánh hoa ngọc lan dài mảnh mai đã úa vàng rơi từ lòng khăn, anh chàng lính đưa lên  mũi để hít một mùi thơm ngọt dịu của ba cánh hoa còn vương lại trong khăn. Cả một sự tẩn mẩn ngọt dịu của người xếp khăn. Cô bé hồi hộp hỏi: “Còn thơm không ông?”  Người lính nhìn cô bé, nhìn thật lâu…làm cô bé loay hoay, lúng túng hỏi: “Chút ông ra coi văn nghệ được không?”

Ba cô bé nhí nhảnh trong cánh áo bà ba đen, đầu chít khăn như ba con quạ xinh cố giả giọng miền nam vừa hát tung tăng vừa làm điệu bộ: “Kêu cái màu quạ kêu.Kêu cái mà quạ kêu. Quạ kêu nam đáo, tắc đáo nữ phòng, người dưng mà khác họ, chẳng nọ thề kia, nay dìa mai ở. Ban ngày thì mắc cỡ, tối ở ớ quên dìa. Rằng a í a ta dìa lòng thương nhớ thương. Rằng a í a ta dìa lòng thương nhớ thương”. Tiếng vổ tay, đập bàn, đập gập vang cả hội trường giả chiến. Ba cô bé chạy nhanh vào phía sau tấm màn, bất ngờ, chạy ngược ra sân khấu, xin được hát một bài nữa. Tiếng hoan hô vang ầm, những gương mặt sung sướng, những nụ cười không chút ưu tư vì số phần tật nguyền. Tiếng hát lần này mềm nhẹ thiết tha như lời nhạc, làm mọi người ngẩn ngơ vì sự thay đổi quá đột ngột: “Chiều chiều, chiều chiều, dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo tà là đèo qua đèo. Chim kêu, chim kêu, tình như bến nớ. Ỉ, oả, chi rứa, chi rứa, ơi hởi vượt đèo là là đèo qua đèo, tà là đèo qua đèo. Ơi hởi vượt đèo tà là đèo… qua… đèo….” Mắt những người lính cay cay, mũi những người lính ngây ngây, không khí im lặng giây lát, rồi tiếng vổ tay do người điều khiển chương trình phá tan giây phút sâu xa này. Tiếng vổ tay vang vang nhưng lần này không có những giọng cười la hét, không có những gương mặt sung sướng.

Anh chàng lính nhảy dù trở về lại thành phố Phan Thiết thường hơn, anh trở thành một trong những người ngóng chờ tiếng chuông trường tan học, mong chờ các cô nữ sinh duyên dáng nghiêng chiếc nón lá trong tà áo dài trắng thướt tha trên đường Nguyễn Hoàng mỗi sáng mỗi trưa. Vết thương nơi đùi không cản được lòng ước muốn đấu  tranh của người lính biệt cách dù với đồng đội, anh trở ra chiến trường, anh trở thành người khách thường xuyên trong ngôi nhà im vắng trên đường Trần Quí Cáp, ngôi nhà chỉ có ông bà nội, người cô đã luống tuổi và cô bé mồ côi  châm chút cho nhau. Tiếng cười cô bé trong thanh hơn, tiếng hát ngọt ngào hơn trong những ngày có anh lính nhảy dù về thăm. Rồi một đêm nào đó, dưới gốc cây ngọc lan già cằn cõi, trên băng ghế cây, cô bé mắc cở ngã vào vai người lính nhảy dù, dấu gương mặt nóng bừng vì lời tỏ tình thiết tha: Anh yêu  miệng em cười, anh yêu tiếng em hát, anh yêu ánh mắt em lung linh, anh yêu hương tóc bồ kết ngây ngây, anh…

 

Những tiểu tiết đó, những nũng nịu đó, những hương thơm đó… đã từng trở về trong những giấc mơ của anh, thoang thoảng, không rõ nét. Anh như nghẹt thở, tay anh hơi run đẫm mồ hôi. Anh tìm thêm những bài viết với cái tên “Thanh Hà”. Truyện ngắn “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài”, truyện ngắn “Biết Đâu Bờ Bến”,  tô đậm thêm những hình ảnh,  hương thơm của hoa ngọc lan trong đêm mưa vừa tạnh, mùi nước mắm nồng nồng xông lên từ khu dân chài  không xa thành phố bao nhiêu trong  trưa nắng oi ả… trong những tối bên ly rượu một mình trong phòng làm việc, trong những lúc lang thang đi dạo một mình trong rừng.

Rồi từ đó vườn chùa Vạn Thiện nằm phía ngoài thành phố lại có thêm đôi nhân tình trẻ, cô bé tung tăng, mái tóc không dài không ngắn lay lay bay trong gió chiều, tiếng cười trong thanh làm xáo động lòng chú tiểu kéo nước sau vườn. Người lính biệt cách dù không về thăm gia đình ngoài Phú Yên nữa. Ngôi nhà  với khu vườn nhỏ phía sau nằm khiêm nhường trên đường Trần Quí Cáp, không xa ngôi nhà của nữa sĩ Mộng Cầm, ngày xưa đã một lần là người yêu của thi sĩ Hàn Mặc Tử là nơi dừng chân của anh lính nhảy dù trong những ngày phép ngắn ngủi. Món cá nục kho có cái đầu nhét vô bụng cá cay nồng, tô bánh canh chả cá , gỏi cá mai….trong những bữa cơm ồn ào hơn thường ngày vì cô bé quá vui, vì ông nội có người nói chuyện. Những săn sóc nhỏ nhẹ kín đáo, nhỏ nhẹ như cành hoa tím nằm khiêm nhường bên góc khăn trắng nuốt mang vết nâu không phai của cánh hoa ngọc lan được ép bên trong.

Rồi cô bé vào Sài Gòn học, ở nhà người mẹ với người cha  của những hai đứa em trai xa lạ. Người mẹ không dám tỏ lòng thương yêu con gái mình trước mặt chồng, người mẹ dấu diếm quà cáp cho con gái làm cô bé thêm tủi thân. Anh lính nhảy dù không được về phép thường xuyên như  trước vì chiến trận càng lúc càng dồn dập. Anh lính nhảy dù không còn được những săn sóc thương yêu của gia đình cô bé nữa. Những lá thư từ thành phố không còn lời chọc đùa cho anh đỡ nhớ , lời thư mang đầy nước mắt nhớ nhung buồi tủi cô đơn trong gia đình xa lạ làm lòng người lính chết lịm.

Anh tìm kiếm, anh muốn đọc thêm, anh muốn biết quảng đời cô bé từ ngày anh không về lại Sài Gòn, từ ngày anh  theo dòng người xuống tàu với gia đình người thiếu nữ đã di tản cùng với những người lính còn sót lại trong những Ngày N+… (Hoàng Khởi Phong), cuối tháng tư. Gia đình người thiếu nữ săn sóc vết thương nơi đùi anh đang làm độc trở lại, gia đình tranh đấu cho anh được đi theo cùng chuyến tàu với họ. Người thiếu nữ miền trung ấy yêu anh và trở thành vợ anh khi vừa định cư  tại thành phố Seattle. Trong lần cùng gia đình về thăm Việt Nam, về làng du lịch Mũi Né cách thành phố Phan Thiết 20 km, anh lặng lẻ một mình tìm về căn nhà ở đường Trần Quí Cáp, hỏi thăm. Người ta kể rằng cha của cô bé đi tập kết từ năm 1954 khi cô bé được 3 tháng, ông trở về với gia đình mới từ Nghệ Tỉnh. Người vợ Bắc này nghĩ rằng chồng mình có công với cách mạng nên chồng mình có quyền chiếm trọn căn nhà. Ông bà nội mất từ lâu, cô bé và người cô già về quê nội ở làng Phú Long, không ai biết thêm gì nữa.

Anh tìm đọc nhiều truyện ngắn nữa của “Thanh Hà”. Truyện ngắn “Với Tay” làm anh bàng hoàng.

Người phụ nữ với đôi mắt nâu dài, ánh mắt lunh linh cười phải chịu số phần làm lẻ cho một người đàn ông nàng đã gặp trong thời gian ở trại tị nạn Bataan, người đàn ông đã có vợ và 3 con còn ở lại Mỹ Tho. Người đàn ông lừa dối nàng, lừa dối vợ. Nàng và hai đứa con trai phải dọn ra thuê một căn nhà  nhỏ ở một tỉnh khác khi người đàn ông bảo lảnh vợ con qua. Nàng tìm cách xa lánh, người đàn ông đeo đuổi, con nàng cần cha, nàng sống trong dằn vặt, nàng sống trong sự ghen tuông của người vợ. Nàng muốn tìm sự an bình nơi cửa Phật, con nàng cần mẹ, nàng sống âm thầm với con. Nàng làm thơ, nàng viết văn. Những bài thơ tình lãng mạng trữ tình, những bài thơ ca tụng tình yêu, không một lời oán trách người lính biệt cách dù ngày xưa, không một lời than thở cho số phần lận đận, không một độc giả nào có thể tưởng tượng rằng tác giả của những truyện ngắn ngọt dịu đó, tác giả của những bài thơ trử tình đó được viết từ người đàn bà đã ngậm nuốt nhiều nổi đắng cay trong ba mươi năm.

 

Anh đã quyết định. anh ghi tên vào trang net đó. Anh phải bằng mọi cách liên lạc cho được tác giả “Thanh Hà”. Anh quyết bù đắp lại cho cô bé đã cắm cúi thêu cành hoa hồng tím thẩm nhỏ xíu ở một góc khăn, cô bé đã âu yếm hôn lên vết sẹo nơi đùi anh, cô bé đã nũng nịu than em nhớ anh nhớ sáng nhớ trưa nhớ chiều nhớ tối, em suýt thi rớt vì nhớ anh…

Con anh đã trưởng thành, người vợ có cha mẹ, anh chị em  chung quanh, người vợ sẽ khổ sẽ trách.  Nhưng không nổi khổ nào so được với những bất hạnh của cô bé một thời làm anh chết lịm vì nhớ nhung.

Kính gởi nhà văn Thanh Hà,

Tôi là một độc giả của trang ….net, đang sống tại tiểu bang Seattle, USA. Tình cờ tôi được đọc những truyện ngắn của nhà văn Thanh Hà. Trong những truyện ngắn của nhà văn Thanh Hà,  chuyện ngắn Ngàn Mây, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Biết Đâu Bến Bờ và Với Tay có những tiểu tiết, những hương thơm, những dịu ngọt… làm tôi liên tưởng đến một cô bé, nữ sinh trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết vào  năm 1973.

Nếu Ông/bà không coi đây là một sự đường đột, tôi xin hỏi: Cái tên Trần Hà Toàn có đánh thức trong tiềm thức nhà văn Thanh Hà một hình ảnh nào không? Và người con gái mang tên Nguyễn Thị Thanh Ngân có một sự  liên hệ  nào đó với nhà văn Thanh Hà hay không?

Xin ông/bà dành chút thì giờ để viết vài dòng cho một độc giả đang mang rất nhiều ưu tư về những tiểu tiết trong các truyện ngắn kể trên dầu tôi biết rằng tác giả chỉ mượn một vài hình ảnh, một vài chi tiết hay đôi khi hoàn toàn tưởng tượng khi viết. Nhưng những chi tiết, những hình ảnh vay mượn đó lại trùng hợp với những giấc mơ  thường hiện về trong tôi, cho nên tôi ưu tư.

Rất mong

Kính chào!

Đồi Căng

…………………………………………………

Kính gởi ông/ bà Đồi Căng

Trước tiên tôi cảm ơn ông/bà đã chú ý đến những truyện ngắn của tôi. Tôi xin thú nhận là cô bé Nguyễn Thị Thanh Ngân, nữ sinh trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết là tôi. Và Trần Hà Toàn là một người bạn thân của tôi trong những năm 73, 74, 75.

Tôi cũng mạng phép được hỏi là hai người trên có liên hệ thế nào với ông/bà để đến nổi ông /bà phải mang mối ưu tư vào trong giấc mộng. Và nickname Đồi Căng phải có một nguồn gốc. Đồi Căng, ở phía cuối cùng của dãy Trường Sơn, nằm ngoài thành phố Phan Thiết,  nơi có bịnh viện quân đội, nơi có phi trường quân đội?

Rất mong e-mail từ ông/bà

Kính chào!

Thanh Hà

……………………………………………….

Thanh Ngân thương,

Anh không thể khách sáo với em được nữa. Dầu em có cho phép hay không thì anh vẫn cứ gọi em là “Thanh Ngân thương” bởi vì hình ảnh con bé Thanh Ngân ngày nào còn nằm mãi trong góc tim anh, còn tiếp tục làm nghẹn tim anh khi anh nghĩ tới căn nhà ở đường Trần Quí Cáp. Dầu cho tiếng “Thanh Ngân thương” có làm em buồn giận hay không thì anh vẫn không thể dối lòng mình mà dùng những từ ngữ khách sáo khác. Anh biết Thanh Ngân vẫn còn ôm ấp rất nhiều những kỷ niệm của tháng ngày nơi thành phố Phan Thiết qua những truyện ngắn, thơ. Nhưng có một điều làm anh phân vân rất nhiều, đã làm anh thao thức và tự dằn vặt mình là anh không hề nghe một lời trách móc giận hờn về nổi mất mát to lớn trong cuộc tình chúng ta mà em là người gánh chịu tất cả. Em không thắc mắc tại sao anh không trở về lại căn nhà ông bà nội khi mà tất cả những người lính đã trở về với gia đình họ dầu cho cái trở về của kẻ bại trận? Em không thắc mắc là hương thơm ngọc lan sau những đêm mưa, hương bồ kết mộc mạc trên mái tóc sợi ngắn sợi dài vừa mới gội không làm anh ngây ngất nữa sao? Em không thắc mắc là những châm chút kín đáo như cành hoa hồng tím thẩm trên mảnh khăn trắng nhỏ xíu không còn làm anh sung sướng sao? Em không giận hờn oán trách cho cuộc tình bị cắt đứt một cách đành đoạn mà em hoàn toàn đóng vai thụ động?

Tại sao? Thanh Ngân!

Em có muồn nghe lời kể của kẻ đã cắt đứt? Anh muốn nói là lời kể vì đây không phải là lời trần tình, lời biện hộ hay lời giải thích.

Mong thư em.

Em hiểu tại sao anh có cái nickname Đồi Căng rồi chứ.

… Ôi sao cứ nghĩ đến em là tim anh nghẹn lại!

Trần Hà Toàn

……………………………………………………..

Anh Toàn,

Anh đã làm em khóc, khóc mùi mẫn, em chưa từng khóc như thế này đã lâu lắm rồi. Thư anh đến, lời anh nói, tên anh nằm đó, em tưởng như mơ.

Tại sao em phải trách móc giận hờn cho cuộc tình đứt đoạn. Đẹp quá mà! Em muốn ôm ấp. Em muốn đem những hình ảnh đẹp, những hương thơm ngọt ngào, những ánh mắt trìu mến, những yêu thương câu nói vào truyện, vào thơ để được sống lại trong mơ vì em biết không bao giờ trong đời em, em còn có cái diễm phúc đó nữa. Em viết cho em. Em viết để tô đậm lại trong trí nhớ em để mai này  một ngày nào đó trí nhớ không cho phép em đi lùi xa hơn nữa thì đó là liều thuốc bổ cho em. Em trân trọng những tình cảm ngày xưa ta trao cho nhau. Em không biết tả như thế nào cái tâm trạng chờ đợi tiếng chuông bấm hai ngắn một dài cả tám tháng trời trước khi bị đuổi ra khỏi nhà, căn nhà của ông bà nội. Em chỉ biết chờ đợi và tủi thân. Rồi em nghĩ: Phải có một lý do nào đó để anh không thể trở lại được và cái lý  đó chắc chắn ngoài ý muốn của anh, vì em tin rằng em hiểu anh, em hiểu tình anh. Em tin rằng anh cũng không sung sướng gì khi anh phải đi đến quyết định cắt đứt đó. Em sẽ trách móc ai đây? Chỉ có thế thôi.

Bây giờ em muốn biết là vết thương nơi đùi anh có hành anh những lúc trở mùa, nhất là vào mùa đông ở miền Seattle lạnh lẽo không khác gì miền Na Uy bên em. Cái tội anh cứng đầu, đòi ra viện để trở về đơn vị khi vết thương chưa lành hẳn. Nếu chuyện anh muốn kể để cho anh thư thả tâm hồn thì em xin nghe.

Mong thư anh

Thanh Ngân

……………………………………………………

Thanh Ngân thương,

Em có biết cái cảm giác của anh khi anh viết lại ba chữ “Thanh Ngân thương”  như thế nào không? Mặc dù không cầm cây viết nguyên tử, không kê tập giấy trên bàn gổ xiêu vẹo như ngày xưa nhưng cái cảm giác trìu mến vẫn còn Ngân ạ! Anh tự cho phép lòng mình, tự thả lòng mình mà không xin phép em vì màu sắc tình cảm không cần phải xin phép đối tượng, nếu đối tượng chấp nhận là một hạnh phúc nếu đối tượng từ chối màu sắc tình cảm của mình thì mình đành ôm cho riêng mình. Cho nên anh vẫn tiếp tục ba chữ “Thanh Ngân thương”.

Bây giờ anh kể cho em nghe những ngày cuối xuân 1975.

Em đã đọc quyển truyện dài Ngày N+… của Hoàng Khởi Phong, nếu không thì em nên tìn đọc vì anh là một trong những người lính trong đoàn di tản đó. Nhưng anh lại không là những người lính bảo vệ dẫn đường cho đoàn người di tản. Vết thương nơi đùi làm độc. Anh nóng mê mang. Một gia đình, thuộc thành phần to lớn, người vợ là em của tỉnh trưởng đã chăm sóc anh trong cơn nửa tỉnh nửa mê đó. Rồi gia đình được tách rời ra đoàn người di tản, được đưa xuống cảng. Người thiếu nữ trong gia đình yêu anh, muốn đem anh theo, gia đình tranh đấu để anh được nằm trong danh sách của gia đình. Anh trong tình trạng nóng sốt nhưng anh vẫn còn đủ sáng suốt để tự quyết định cho cuộc đời mình, anh không dùng sự sáng suốt đó, anh để cho mọi người thu xếp định mạng mình. Khi chiến hạm với hơn ngàn người cập đảo, anh hiểu rằng anh đã mất em. Anh để lại sau lưng mình một mối tình mà anh biết là ngàn năm không xóa được. Anh không ân hận là đã để gia đình người thiếu nữ mà không bao lâu trở thành vợ anh đã đưa anh thoát khỏi cảnh lao tù. Cảnh lao tù khi nghe các đồng đội kể lại sau này làm anh mang mặc cảm là mình không đóng trọn vai trò của người lính bại trận, cảnh lao tù mình không trải qua để lòng oán hận thực tiển hơn, cảnh lao tù để sau này mình hảnh diện kể cho con cháu nghe.

Người thiếu nữ, vợ anh đã đem đến cho anh tình thương, sự bình an, một mái ấm gia đình như mọi người ao ước. Anh không có gì để ân hận. Và bây giờ, viết lại ba chữ “Thanh Ngân Thương” anh mớí hiểu rằng tình yêu với em và tình yêu với vợ anh hoàn toàn khác nhau. Tình yêu anh dành cho vợ anh không giống như tình yêu chúng ta ngày xưa, không có niềm đam mê, không có những nhớ nhung lịm người, không có những giọt nước mắt trong đêm trằn trọc khi nhận được thư em từ căn nhà ở Sài Gòn. Nhưng anh yêu vợ anh, anh yêu gia đình với ba đứa con tất cả đều trưởng thành, tất cả đều tự lập, tình yêu như một bổn phận, không rõ nét nhưng luôn hiện hữu. Tình yêu với vợ anh như một thói quen. Đó cuộc đời của anh như thế.

Thanh Ngân, trong truyện ngắn “Với Tay”, em viết về cuộc đời một người đàn. Người đàn bà có cặp mắt nâu dài , ánh mắt lung linh cười. Người đàn bà có nét mặt chỉ cần một  sớ thịt nhích động là cả khuôn mặt như cười. Thế mà nàng phải sống đời làm lẻ vì con cần cha, nàng sống trong sự ghen tuông của người vợ, nàng sống âm thầm với hai đứa con, nàng viết văn, nàng làm thơ ca tụng tình yêu. Người đàn bà ấy có mang chút nào thân phận của Thanh Ngân? Cho anh biết về đời sống của em sau tháng tư 1975 cho đến bây giờ. Anh xin em, Thanh Ngân.

Hương tóc em có còn mùi bồ kết?

Mong thư em.

Anh

Toàn

………………………………………………………………

…Em vui vì anh đang hạnh phúc, cho dù đó là một thói quen. Anh biết, người viết văn thường đem những điều mắt thấy tai nghe từ chung quanh, từ người thân cho đến người sơ rồi thêm thắt, rồi tưởng tượng thêm để tạo thành một cốt truyện, đôi lúc mang một vài chi tiết của mình để tạo một nhân vật, đôi lúc người viết cũng khóc cũng vui theo số phận nhân vật mình tạo ra nữa đó. Anh đừng bận tâm về truyện này.

Dạ, em sẽ kể vắn tắc về em từ tháng tư năm 1975 cho đến nay. Em bỏ học trường Khoa Học, về lại Phan Thiết. Anh biết là ba em đi tập kết từ khi em được ba tháng, má lấy chồng khác, em sống trong sự nuông chiều của ông bà nội và cô Tư. Sau tháng tư 1975, ba em trở về lại Phan Thiết với người vợ miền Nghệ Tỉnh và bốn người con. Người vợ này cũng như nhiều người thắng trận lúc đó nghĩ rằng họ có quyền  làm chủ bất cứ những gì họ muốn. Ông bà nội, cô Tư và em được cất một căn nhà nhỏ sau vườn, lúc đầu thì có cây ngọc lan cằn cỏi chia cắt căn nhà nhỏ sau vườn với căn nhà trước. Nhưng sau đó, ngươi vợ cho rằng cây ngọc lan làm phí đất, bà chặt đi, bà không biết rằng bà chặt đi cây ngọc lan là bà đã chặt đi tình nghĩa với gia đình chồng. Ba em biết cây ngọc lan được trồng để kỷ niệm người cô thứ ba đã mất khi lên bốn, người cô có tên Ngọc lan, thế mà ba em để bà ấy chặt. Hình như người cộng sản không biết tôn trọng tình cảm anh ạ! Đối với họ cái cây là cái cây, miếng ăn, cái áo là quan trọng. Ông bà nội buồn rầu, thay nhau mất không đầy sáu tháng sau khi ba em dọn về căn nhà ở đường  Trần Quí Cáp. Cái vui sum hợp với người con trai trưởng tan như bọt bong bóng. Em và cô Tư về Phú Long sống với gia đình ông chú, em của ông nội. Em và cô Tư tìm đường vượt biển. Cô Tư, anh biết là ốm yếu, không chịu nổi  20 ngày lênh đênh trên biển cả, thiếu thức ăn, thiếu nước, vô vọng vì không tàu nào chịu ngừng, cô mất hai ngày trước khi tàu Na Uy vớt vì họ biết là đêm ấy sẽ có bão lớn.

Em định cư ở Na Uy, lập gia đình. Số phần vợ chồng em chậm trể, hai con  mới được 17 và 15. Em đi học ngành Y Tá và hiện đang làm việc cho một bệnh viện nằm vùng ngoại ô Oslo. Đời sống gia đình em thì cũng như mọi gia đình khác, yên vui vớí bổn phận, bảo bộc nhau trong cái gia đình nhỏ bé của tụi em. Anh biết là con bé Thanh Ngân đã từng nằm trong ban báo chí của trường nhiều năm, máu văn nghệ trở về sau ba mươi năm “gát bút nghiên” nên em bắt đầu viết lại từ hai năm nay. Em dùng bút hiệu Thanh Hà vì những gì em viết khởi nguồn từ mối tình chúng ta ngày xưa mà anh là “nhân vật” chính, cho nên chữ lót trong tên anh “được hưởng danh thơm” theo luôn đó.

Bây giờ em thật sự yên tâm. Anh yên vui vớí gia đình, vợ hiền con thành tài. Em yên vui với gia đình, chồng hiền, con ngoan. Thôi thì coi như cuốn phim  tình có được cái kết thúc đẹp. Em lúc này thường nghiên cứu kinh Phật, muốn tìm về cửa Phật, bỏ mọi sân si trong cuộc sống chung quanh, bỏ luôn cái ái trong ta.

Xin anh hãy giữ màu sắc tình cảm ngày xưa như một kỷ niệm đẹp, đừng đào sới lên mà nên cất gọn vào một ngăn tủ trong tâm, khi nào muốn nhìn lại thì cứ việc kéo ngăn tủ ra. Đừng ưu tư về những màu sắc tình yêu xưa nữa, đừng tô đậm nữa..

Thư cho em, kể cho em nghe về gia đình anh, cho em được là cô em lâu ngày anh mất tin. Chắc em thôi không còn hứng để viết nữa, cũng có thể em tìm những  đề tài khác để viết cho đỡ ghiền.

Thanh Ngân

……………………………………………………………………..

Toàn đọc đi, đọc lại e-mail anh nhận được từ hai ngày nay. Một linh cảm nào đó cho anh thấy là Ngân không kể hết về cuộc đời mình. Tại sao Ngân muốn loại bỏ hết sân, si, ái, hỷ…Tại sao Ngân muốn tìm sự bình an nơi cửa Phật. Đời sống của Ngân không đủ bình an sao? Anh biết, tính Ngân bao giờ cũng dành phần thiệt thòi về cho mình. Cành hoa hồng tím thẩm nhỏ xíu nằm kín đáo khiêm nhường ở một góc khăn trong khi những chiếc khăn của các nữ sinh cùng lớp cùng trường, cái nào cũng thêu cành hoa màu sắc rực rỡ nổi bậc trên khăn trắng để làm quà tặng ủy lạo chiến sĩ. Trong khi những nữ sinh khác sợ hải cảnh máu me trong bịnh viện thì cô bé Thanh Ngân theo những người y tá, phụ những người y tá săn sóc cho các anh chiếc sĩ bị thương và cô xót xa xoa những ngón tay mềm mại quanh vết thương anh mong làm dịu bớt cơn đau  khi chờ cô y tá đến làm thuốc.

Anh cám ơn cái văn minh tiến bộ của kỷ thuật đã cho anh cơ hội tìm được địa chỉ của  Thanh-Ngan Nguyen. Thường thì người chồng đứng tên trong danh bạ sổ điện thoại, hay là đứng tên cả hai người. Thanh-Ngan Nguyen đứng tên một mình trong sổ điện thoại khi anh gọi điện thoại qua Na Uy để liên lạc với phòng hướng dẫn 1881. Cái vết thương ở đùi  cho phép anh xin hưu trí tàn tật chiến tranh bất cứ lúc nào anh muốn. Con anh đã ra riêng, tự lập. Vợ anh sống đầy đủ trong tình thương đại gia đình bên vợ. Anh đặt vé máy bay trong sự ngạc nhiên của vợ vì lý do anh tìm gặp một người bà con bên Na Uy mà chị chưa hề nghe anh nhắc tới.

Xe taxi đậu ở một khu phố Furuset. Địa chỉ trong tay, anh đi tìm số nhà Ryenveien 26C. Anh đã dự định, nếu không có ai ở nhà thì trở về khách sạn đã đặt trước, chiều lại đến. Anh đã tiên liệu những gì mình sẽ làm nếu người chồng ở nhà, anh sẽ không đưa Thanh Ngân vào hoàn cảnh khó khăn  nếu thật sự anh nhận thấy Thanh Ngân sống đời sống như Thanh Ngân đã kể. Khu phố với những căn chung cư màu xám u buồn, vườn chơi với vài cái xích đu bằng vỏ xe hơi, cái cầu tuột loang lổ sơn đỏ. Những người đàn bà trùm khăn từ chóp đầu đến tận chân, chỉ chừa một màng lưới mỏng ở khuôn mặt, những người đàn bà thùng thình trong trong cái áo màu sắc rực rỡ dài phủ đầu gối, bên trong là cái quần khác màu, xách bị vừa đi chợ về. Nhìn toàn khu chung cư, anh hiểu ngay đây là khu “nhà lá”. Ở đâu cũng thế, những khu vực có đông người ngoại quốc từ Trung đông, Asia, Đông Âu là những khu vực “nhà lá”, nếu có người bản xứ thì cũng thuộc thành phần kinh tế không mấy dư dả để có thể sống khu vực khác. Anh tìm đến khu phố 26, cầu thang C. Cửa đóng, lần tìm tên những gia đình được ghi trên những ô chuông hình chữ nhật nhỏ bằng ngón tay cái. Tên Nguyen nằm ở từng lầu ba. Đang phân vân, định bấm chuông thì từ cầu thang, hai người đàn bà , mặt mày hầm hầm đi nhanh xuống cầu thang Vừa đến cửa, người đàn bà lớn tuổi nói giọng hằn học:

-   Lần này là lần cảnh cáo cuối cùng. Nói không nó không sợ. Để coi, nó mà còn dụ dổ lão mò tới nữa thì phải cho ăn đòn mới chừa.

Hai người đẩy cửa lánh mình ra, không kịp nhìn anh đứng tránh vội qua. Anh chụp lấy cánh cửa lớn để cánh cửa không đóng lại, anh lách người vô trong. Khu chung cư không có thang máy, lên đến tầng lầu ba,  bốn căn chung cư nằm xoay cửa chính về hướng cầu thang. Một cánh cửa mở hờ, trên cửa treo một tấm bảng hình bầu dục, tên Thanh-Ngân, Phú-Hải, Phú-Long màu xanh đậm được viết mỹ miều trên nền trắng được điểm những bông nho nhỏ vàng nhạt chung quanh. Anh gõ cửa, không ai ra mở. Anh mạnh dạn đẩy cửa, bước vô lối đi phía trong, bước vài bước, nhìn bên trái là phòng khách. Người đàn bà đang nằm dài trên sô pha, tay gát che cả khuôn mặt, nghe tiếng động, bà xoay người vô lưng ghế như để dấu mặt, nói:

-   Long đó hả? Con coi làm cái gì ăn rồi đi bơi. Má mệt, má nằm nghỉ chút. Không có tiếng trả lời, không một tiếng động, người đàn bà ngồi dậy. Anh đứng đó, lặng câm. Người đàn bà nhìn anh, hai mắt sưng đỏ, gương mặt không chút son phấn đẩm nước mắt chưa kịp lau. Anh đứng đó. Người đàn bà vuột kêu:

-   Anh? anh Toàn?