main billboard

 

Ngồi trước hai con người đặc biệt này tôi mới thấm thía cái câu “ vợ chồng do duyên số”...

01 hinh-chu-thu-phap9

Ngồi trước hai con người đặc biệt này tôi mới thấm thía cái câu “ vợ chồng do duyên số”. Đây đúng là một cuộc xếp đặt quái dị của ông Tơ bà Nguyệt. Một người đàn bà xinh đẹp trẻ trung duyên dáng, nhân hậu, một phụ nữ nói năng nhỏ nhẹ, tế nhị, nàng tiên, niềm mơ ước của mọi người đàn ông, như thế lại đi lấy một thằng cha hình thức thì già nua xấu xí, tướng tá bần tiện, ăn mặc như một tên ăn xin. Còn tư cách thì chỉ cần vài lần tiếp xúc cũng chỉ biết dùng cái từ “ một gã vô lại” để chỉ hắn. Thế mà trong vụ kiện dân sự này hắn lại là nguyên đơn. Hắn nộp đơn xin li dị cô vợ tuyệt vời của mình.

Lúc đó tôi mới hai mươi lăm tuổi, một ông toà tài giỏi, bằng cấp cao, trong ngành tôi là người trẻ nhất nước, làm công việc đáng lẽ ra phải là của một người có tuổi từng trải, nhiều kinh nghiệm sống, việc ngồi thẩm định xét xử, quyết địng số phận nhiều con người, một việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn này. Tôi tưởng mọi sự trên cõi đời tôi đều đã thông thạo. Ai dè sự đời chẳng đơn giản như tôi tưởng. Trong vụ án này tôi cứ băn khoăn mãi tại sao lại có người vứt đi cái của báu trời cho như lão này? Hôm nay tôi mời hai vợ chồng lại hoà giải lần thứ hai, lần cuối cùng. Tôi hỏi hắn:

- Tôi xem đơn thấy ông nại cớ vợ không yêu thương mình nữa nên nộp đơn xin toà cho li dị. Nhưng tại sao chị này khăng khăng nói vẫn còn yêu thương ông?

Hắn trả lời, giọng khô khốc, không chút tình cảm:

- Ra toà cô ta khai thế. Trong bụng nghĩ khác…

- Ông nghi ngờ vợ yêu người khác sao?

- Không!

- Cô ta khai như thế để làm gì?

- Để toà không chấp nhận li dị.

- Theo ông cô ta muốn duy trì cuộc hôn nhân này làm gì?

Hắn đáp rất lơ đểnh:

- Cái đó ai mà biết…

Hắn còn muốn nói gì đó nên ngập ngừng. Sau thì đổi ra lý do khác, nói:

- Hai người tính tình không hợp nhau.

Tôi nói, pháp luật không công nhận lí do không hợp tính tình để xin li hôn. Không ai bắt buộc anh chị lấy nhau, cuộc hôn nhân đặt trên cơ sở tự nguyện và mọi cuộc hôn nhân đều bắt đầu bằng các giai đoạn gặp gỡ, tìm hiểu, yêu thương và tiến tới hôn nhân. Tìm hiểu nghĩa là tìm biết tính tình của nhau, thấy hợp mới lấy. Vậy nên không thể nói vì không hợp nên đòi để bỏ.

Hắn nghe thế đuối lí, chuyển thành lí do khác:

- Cô ta sống với tôi gần mười năm, không con. Không lẽ tôi tuyệt tự. Người xưa có nói: “ Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại”

Tôi nói:

- Pháp luật cũng không công nhận lí do vợ không con mà ruồng rẫy. Biết đâu lí do không con thuộc về người chồng?

Tôi thấy người vợ quay mặt đi, cố không cho người khác thấy mình đang đau khổ tột cùng, sắp khóc. Cô ta cúi xuống lấy khăn tay trong ví chậm đôi mắt rất đẹp, ngước lên, đỏ hoe, giọng nói đầy nước mắt. : “Thưa toà, tôi có sinh, sinh ba lần nhưng đều không giữ con được, các bác sĩ nói vợ chồng tôi có loại máu mang yếu tố Rhesus âm dương gì đó, không có con được. Tôi hỏi chữa được không? Họ nói không.”

Hắn cướp lời:

- Không khí trong nhà lúc nào cũng ngột ngạt như địa ngục, chịu không nổi.

- Lí do gì?

- Đủ thứ, chuyện vặt vãnh đàn bà. Chuyện rất nhỏ cũng xé thành to. À, mà còn có cả chuyện ngoại tình!

Tôi hỏi:

- Ông nghi vợ ngoại tình sao? Có bằng chứng gì không?

Hắn tỏ tra vô cùng lúng túng. Người vợ đỡ lời:

- Có một thời gian gia đình tôi lộn xộn vì việc chồng tôi ăn chơi trác táng…

Tôi thấy hắn không phản đối, tôi biết vợ nói đúng. Tôi vừa tức cười vùa giận thằng cha này. Tôi hỏi :“ Ngoại tình là anh hay chị?” Hắn không nói, tôi biết thủ phạm chính là hắn. Nhân đây tôi muốn dạy hắn một bài học về pháp luật:

Phấp luật có một nguyên tắc bất di bất dịch: Không thể nại ra lỗi của mình để yêu cầu quyền lợi. Tôi biết hắn không thể nào hiểu, tôi giải thích : Ví dụ, không thể nói vì mình sơ xuất không đếm tiền nên thiếu, đi kiện để đòi đền bù. Anh cũng không thể nêu lí do vì anh trai gái nên gia đình lộn xộn để xin toà cho li dị chị này. Làm như thế dễ quá, muốn bỏ vợ chỉ việc đi trai gái !

Hắn cố cãi:

- Chuyện có gì đâu mà cô ấy làm ầm lên.

Vợ:

- Kính thưa toà, tôi có nói đôi lời. Tôi biết lỗi mình không con, nên đồng ý cho chồng đi kiếm con, miển là người tử tế, đừng dây vào bọn gái ăn sương…

Nghe nói thế hắn cười khẩy, nói :

- Ôi thế ra lâu nay tôi sống với một bà thánh mà tôi không hay !

Hắn nhìn lên trần cười, cái cười vô nghĩa, vô duyên. Đã quá mười hai giờ trưa, tôi kết thúc biên bản hoà giải bất thành, dặn hai người trở về suy nghĩ lại cẩn thận. Sáu tháng sau toà đưa ra xử. Hắn tỏ vẻ bất bình, nói:

- Kể từ ngày nộp đơn, đến nay, gần giáp năm. Nay thêm sáu tháng nửa vị chi năm rưỡi. Một vụ kiện li hôn cỏn con như thế mà kéo dài một năm rưỡi, làm ăn chậm như rùa, hành hạ dân vừa vừa chứ!

Tôi giận lắm nhưng không được phép tỏ thái độ. Tôi nhẫn nại giải thích:

- Không phải con rùa hành chính, cũng không phải luật lệ bày đặt ra như thế để hành người đi kiện. Đây là sự cẩn trọng của pháp luật. Luật tố tụng dân sự buộc thế. Thụ lý đơn xin li hôn không thể đem ra xét xử ngay, phải trải qua một quá trình lâu dài, hai lần hoà giải cách nhau sáu tháng, hoà giải không thành mới đem ra xét xử cho li hôn hay không.

Hắn lại cười khẩy:

- Thế không hành hạ đương sự là gì?

Tôi nén giận:

- Vợ chồng gây gổ nhau là chuyện thường ngày, chồng lỡ tát vợ một cái, vợ lỡ lời hỗn hào chồng một câu, trong cơn nóng giận đâm đơn ra toà, toà cho li dị ngay thì chẳng mấy chốc, chẳng còn gia đình nào. Vợ chồng bất đồng chào xáo là chuyện thường. Ban ngày có thể xung đột, tối lại lên giường, xoay qua trở lại, đụng chạm nhau, làm lành ôm ấp hôn hít hoà giải hết cả giận hờn, rồi đâu lại vào đó… Thành ra pháp luật buộc hai vợ chồng phải qua một giai đoạn dài với hai lần hoà giải của toà mà vẫn thấy không thể chung sống được với nhau, toà sẽ cho li dị. Nghe cho li hôn hắn hí hửng ra mặt, đứng lên bỏ đi, không một lời chào hỏi. Chị vợ buồn bã thất vọng, đứng lên, lễ phép cúi chào bước ra, nhẹ nhàng khép cửa lại.

Hai người ra khỏi phòng tôi. Tôi bâng khuâng, chưa muốn về. Đời chẳng đơn giản như tôi nghĩ…Mùa này cây lộc vừng trong khu vườn toà án Buôn Ma Thuột ra hoa. Lộc vừng là loài cây thân gỗ cao lớn, tán toả rộng che mát cả khu vườn toà án, ngọn vươn cao tới mái pháp đình. Hoa lộc vừng màu hồng nhạt phủ đầy ngọn cây, mỗi hoa trông như một túm lông tơ màu hồng. Những bông còn tươi màu sao đã vội lìa cành? Chung quanh gốc đầy xác hoa. Tôi phân vân không biết giải quyết vụ li hôn này ra sao? Không phải tôi chủ quan, suy nghĩ nông cạn. Làm nghề này không được phép mắc sai lầm. Tôi nghĩ, mình mới tiếp xúc người chồng có mấy giờ, mình nhận xét về hắn đã công bằng chưa? Người vợ đã sống với hắn mười năm, đàn bà vốn tinh tế, họ chẳng bao giờ nhầm trong việc xét người…Thế nhưng tôi vẫn thấy rất khó quyết định. Cái lão đó không thể là người tốt được. Chấp nhận đơn xin li hôn của người chồng để giải thoát một người phụ nữ tốt đẹp ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Hay bác đơn, theo nguyện vọng cô vợ ? Cuối cùng tôi quyết định cho li hôn để giải thoát người đàn bà tội nghiệp. Có thể cô ta sẽ đau khổ, đau một lần rồi thời gian sẽ làm lành những vết thương, cô ta trẻ đẹp, lo gì cô ta không có cuộc tình mới, người đàn ông khác tốt đẹp hơn thay thế cái lão đáng ghét, đáng khinh bỉ kia. Tôi ví cuộc hôn nhân này như chiếc răng sâu làm đau khổ người vợ một cách dai dẳng. Chịu đau một lần nhổ bỏ nó đi. Có lẽ lúc đầu cô vợ sẽ oán trách toà. Nhưng về sau thế nào cô ta cũng hiểu cho tôi, về một quyết định khó khăn này. Tôi, một thanh niên mới hai mươi lăm tuổi, lúc nhỏ sống với cha mẹ, ăn học, lớn lên đi làm, cuộc đời gặp toàn sự may mắn êm ả, dễ dãi, chưa có chút kinh nghiệm sống đắng cay nào cả. Tôi đã suy nghĩ, đã tưởng mình quyết định như thế là đúng. Tôi đã có định kiến, không ai thay đổi được. Tôi hành động đúng lương tâm, pháp luật, nghĩ như thế, tôi thanh thản ra về.

********

Công việc án từ bận rộn quanh năm, vụ này giải quyết chưa xong đã phát sinh vụ khác. Tất cả vụ án dân sự, hình sự đều khó khăn phức tạp. Không có vụ nào đơn giản như trong những bộ luật đã qui định. Khi tôi đã gần như quên cặp vợ chồng kia thì họ xuất hiện. Trước toà lời khai và thái độ của cả hai không thay đổi. Người vợ vẫn một mực nói yêu thương chồng, anh ta là người tốt, lý tưởng, hiếm có trên đời. Tôi tức cười về việc cô ta gọi hắn là một người hoàn hảo lí tưởng. Còn hắn vẫn đổ mọi tội lỗi lên đầu vợ và tha thiết yêu cầu được li dị để hắn làm lại cuộc sống mới.

Tôi tuyên bố li hôn. Hắn mừng rỡ, đi như chạy ra khỏi toà án. Người vợ ngơ ngác trước quyết định của toà. Phải một lúc sau nàng mới hiểu mình đã thua. Người thư kí toà án phải nhắc cô ta về, cô gái mới nặng nề ủ rũ bước đi như người mất hồn. Rồi bỗng nhiên cô như sực tỉnh đi như chạy theo hắn.

Hắn đi khá nhanh, tách ra hẳn đám đông. Hắn không về nhà mà tiến về phía ngoại ô, nơi có những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, dòng sông nhỏ và cây cầu gác ngang. Hắn dừng lại. Hắn giả bộ bình thản, tay đút túi quần, đưa mắt nhìn mông lung lên những áng mây chiều tha thước trên nền trời.

Người vợ, từ lúc rời toà án, đi như chạy theo hắn đến đây, mệt nhọc, thở hổn hển. Kêu:

- Mình ơi !

Hắn lạnh lùng:

- Không còn mình đầu gì cả, tôi với cô giờ đây đã là người dưng nước lã rồi.

- Tại sao mình không về nhà mà lại tới đây?

- Không còn việc gì ở ngôi nhà mà tôi chán ghét đó. À mà có…

Hắn làm bộ như chợt nhớ ra điều quan trọng. Hắn dột ngột quay lại, không nhìn mặt cô gái mà nhìn chầm chập vào bàn tay cô. Người vợ hoàn toàn bất ngờ. Hắn cất tiếng, giọng nói như người xa lạ, khác hẳn ngày thường, đầy sự trơ trẻn:

- Chiếc nhẫn đính hôn tôi tặng cho cô lúc làm lễ ở nhà thờ Núi rất đắt tiền. Thân nhẫn bằng bạch kim nguyên chất, mặt nhẫn là hạt kim cuơng bốn li bảy, giá trị mấy cây vàng. Cả một gia tài. Tôi mua nó cho tới nay vẫn chưa trả hết nợ. Mình chẳng còn là vợ chồng, tháo ra trả lại cho tôi bán lấy tiền trả nợ người ta!

Người phụ nữ kinh ngạc trước đòi hỏi không thể ngờ này. Nàng tỉnh ngộ. À hoá ra hắn theo đuổi kiện tụng, bỏ vợ, phá tan hạnh phúc gia đình cũng bởi cái lí do bỉ ổi này. Không đợi hắn nói đến lần thứ hai, nàng cởi chiếc nhẫn ra.

Mười năm trước bàn tay và những ngón tay cô gái trẻ trung còn xinh đẹp nhỏ nhắn như những búp măng. Lúc ấy nàng vừa từ giả mái trường trung học nữ, bước vào đời với những bước đầu tiên dè dặt khám phá thứ hạnh phúc kì ảo của tình yêu và hôn nhân. Nàng còn nhớ hôm đó trong ánh nến lung linh nhạt nhoà nơi thánh đường, trước mặt vị linh mục thay mặt chúa, và trong tiếng thánh ca dìu dặt. Chồng nàng, một người đàn ông hơi lớn tuổi hơn nàng, không đẹp trai nhưng là một con người đức độ, nhân cách sáng ngời, âu yếm đeo chiếc nhẫn đính hôn vào ngón tay nhỏ nhắn xúc động run rẩy như cánh chim non.

Mười năm sau, đầy nhọc nhằn của cuộc sống công việc nhà, giặt giũ nấu ăn, săn sóc chồng, làm ra tiền nuôi sống cái gia đình tý hon nhưng không thiếu tiếng cười hạnh phúc. Nay tuổi tác, những ngón tay không còn nhỏ nhắn mềm mại như xưa. Những đốt ngón tay gồ lên, không thể tháo chiếc nhẫn ra được.. Nàng cố kéo nhưng chiếc nhẫn đến đốt xương thì dừng lại, không thể nào kéo ra được nữa. Hắn đứng hút thuốc, mắt nhìn buổi chiều lan toả từ dải núi tím phía tây xuống cánh đồng. Hắn không quay lại, giục:

- Xong chưa?

- Tháo không ra.

- Kéo mạnh ra!

Một lúc sau hắn lại hối:

- Xong chưa?

- Chưa!

- Sao lâu thế?

- Tháo mãi không ra.

Nàng tính nói:“ Đau đớn lắm” nhưng vì tức tối không thèm than, không muốn kẻ như hắn thương hại. Hắn nói:

- Cắn răng lại, cố mà lôi kéo nó ra !

Hắn vẫn còn quay lưng về phía vợ song không còn giữ được bình tĩnh, bước tới bước lui. Và hắn lại giục:

- Mau lên! Không ai chờ đợi được !

Người đàn bà nói liều:

- Ngón tay giờ đây to rồi, tháo không ra, không tháo nữa!

Hắn quay lại nhìn nàng, một ánh mắt lạ lẫm hung tợn. Hắn thốt lên một điều vô cùng tàn nhẫn với cái giọng thật ôn tồn:

- Thuở mới lấy nhau cô là con gái, nay là mụ già, tay chân thô kệt, đâu còn thời liễu yếu đào tơ nữa. Tháo không được thì chặt ngón tay ra mà lấy…!

Người vợ giận quá, hết cả sợ, cương quyết :

- Chặt thì chặt, về nhà tôi lấy dao chặt ngón tay lấy chiếc nhẫn trả lại cho ông !

Hắn ra lệnh:

- Ngay bây giờ, tôi không chờ về nhà được. Đưa ngón tay đây!

Người vợ cũng chẳng cần. Nàng biết trong túi quần hắn luôn luôn có xâu chìa khoá, trong ấy có sẳn con dao nhỏ, cô nghĩ thế nào hắn sẽ cắt ngón tay mình. Cô điên tiết đưa tay ra, đối với cô giờ đây cái chết chẳng còn ý nghĩa nữa huống gì là mất một ngón tay. Cái nhẫn kim cương nằm lại ở đốt xương ngón tay áp út. Nó chặn dòng máu làm cho ngón tay sưng vù bầm tím.

Nhưng không, hắn không dùng dao. Hắn run run cầm bàn tay lạnh ngắt của vợ cũ rồi hành động rất nhanh, làm như nếu hắn không hành động như thế thì chẳng đủ can đảm để làm nữa. Hắn nắm lấy bàn tay nàng, dùng mấy ngón tay có móng dài nhọn và khoẻ móc lấy chiếc nhẫn giật mạnh ra. Người vợ thét lên đau đớn ôm lấy bàn tay đẳm máu ngồi thụp xuống cỏ. Cắn răng không khóc. Hắn bỏ chiếc nhẫn vào túi quần, để mặc cô gái, bỏ đi.

Người vợ ôm bàn tay đau đớn ngẩng lên, thấy cái bóng của hắn lòm khòm bước đi như một con gấu. Lòng nàng lúc đầu căm hận rồi chuyển thành băng giá. Mười năm sống với hắn bỗng tan biến đi đâu cả. Nàng thầm cảm ơn ông toà trẻ đã giải thoát nàng khỏi cuộc sống với con quỉ đội lốt thánh nhân. Bao nhiêu đau buồn, nuối thiếc, thất vọng về cuộc chia tay tan biến hẳn. Nàng thấy lòng nhẹ tênh, đến nỗi tình cảm khinh bỉ sâu xa về con người ấy cũng chẳng còn. Nàng đứng lên ra về, thanh thản như vừa dạo chơi cánh đồng mùa xuân. Trước mắt nàng đã le lói ánh sáng của một cuộc sống mới không có hắn.

**************


Hắn lửng thửng đi tới bến sông. Dưới bến có người mẹ đem con ra tắm, cảnh tượng đơn sơ tầm thường nhưng đầy hạnh phúc của một gia đình nghèo mà đầm ấm khiến hắn chẳng dám nhìn lâu. Hắn bỏ bến sông đi lên cầu. Ra tới giữa cầu hắn thấy một thứ gió mát và ướt, lạnh lẽo pha mùi bùn non tanh tưởi mùi cá ươn ở hai bờ sông đưa lại. Hắn vịn lan can nhìn xuống sông. Dòng nước chảy qua cầu bỗng sụp xuống vặn mình thành cái xoáy lớn chạy ngược lên quấn quanh chân cầu. Hắn cảm thấy một tia rờn rợn chạy từ hai bàn chân theo xương sống ngược lên, nỗi sợ hãi của người đứng ở trên cao. Hắn tự nhủ: Thôi, bỏ đi, đừng nhìn nữa và cũng đừng kết thúc một cách đơn giản sơ sài như mọi tên hèn yếu khác, chọn cho mình cái kết thúc kiểu ấy để trốn tránh khó khăn trong đời. Ta không chọn nó, nhưng thế nào nó cũng đến với ta. Có kéo dài đi nữa cũng chừng một đôi năm. Không biết giờ này em đã về đến nhà chưa?

Hắn cho tay vào túi tìm chiếc nhẫn đính hôn, mân mê trong tay, hắn không dám nhìn chiếc nhẫn. Bỗng hắn lấy hết sức ném thật mạnh, thật cao và thật xa. Chiếc nhẫn tung lên đâu đó trong một buổi chiều muộn màng mà trời đất đã trộn đầy bóng tối. Hắn tự hỏi, sao không nghe tiếng rơi? Không thấy ngấn nước. Và cũng chính hắn gtự trả lời, nó nhỏ và nhẹ quá, rơi xuống nước rất xa, làm gì để lại âm thanh và hình ảnh. Cái vật nhỏ nhoi ấy đã nằm trong tay người mình yêu suốt mười năm nhiểm đầy hơi hám của nàng, cùng với nàng, với ta, với những ngày thăng trầm, hạnh phúc, khổ đau, mất biệt đâu đó trên dòng sông hoang vắng này rồi.

Hắn lửng thửng xuống cầu. Trời đã tối thực rồi, con đường dưới chân mờ mờ màu đất sét. Hắn đi thêm một đoạn, gần tới rìa thành phố xa xa thấy có chiếc xe xích lô của ông lão sau một ngày làm lụng nhọc nhằn trở về, thấy có khách kêu mừng rỡ vội dừng xe lại. Hắn leo lên bảo ông đạp đi. Ông lão không biết hắn muốn đi đâu hỏi, hắn nói cứ đi vào phố, tôi sẽ chỉ. Xe chạy đến một ngôi nhà to lớn có cái cổng mở rộng, hắn bảo dừng lại, xuống xe, móc hết tiền ra đưa ông lão, bước vội vào bên trong. Ông lão ngạc nhiên về người khách lạ, ông không biết đây là nơi nào? Ông chận một chiếc xe khác hỏi, người phu xe một thanh niên cười hỏi lại:

- Mù chữ sao “ cha nội”

- Đâu có thấy bảng báo gì?

- Kia kìa ! Cái bảng đồng gắn nơi vách. Bộ muốn chui vô trong đó sao?

- Không, hỏi cho biết, có người khách mới đi cuốc xe, ông ta trả tiền rất hậu, hỏi nhà ông nói ở trong ấy.

- Thôi chết cha rồi!

- Sao?

- Chỗ này là bệnh viện ung thư, mười người vô may ra chỉ có một người ra…

Ông lão xích lô thở dài than : “Tội nghiệp!” Đạp xe bỏ đi.

******


Người vợ đau khổ trong cuộc li hôn và buổi chiều đầy ác mộng đã nhanh chóng lấy lại quân bình tâm hồn, tâm hồn và thể xác. Nàng hoàn toàn không nghĩ ngợi quãng đời và người chồng bạc ác ấy nữa. Một năm sau nàng vui duyên mới. Nàng vẫn còn trẻ và đẹp lắm, chồng nàng là một anh trai tơ, trẻ hơn nàng mấy tuổi và rất yêu nàng. Hôm nay là ngày thành hôn. Lại một lần nữa nàng sắm vai cô dâu lên xe hoa. Đoàn xe của một đám cưới nhà giàu phô trương sự xa hoa, gồm nhiều chiếc ô tô du lịch sang trọng đắc tiền. Khách đưa dâu đều là những ông to bà lớn, những doanh nhân giàu sang phú quí. Và những người tên tuổi.

Chiếc hoa chở cô dâu chú rể chạy trước, xe được trang hoàng đầy hoa tươi sang trọng nhất. Cô dâu lộng lẫy trong chiếc áo cưới may bằng thứ voan trắng trong như tơ nhện, nghe nói cô tự bỏ tiền ra may, mấy triệu một chiếc, cô không cần thuê như mọi đám cưới bình thường khác. Chú rể sang trong trong bộ vét-tông đúng mốt, đến anh tài xế chở họ cũng ăn mặc sang trọng. Đoàn xe chạy vòng vèo qua nhiều đường phố chính. Thiên hạ trên đường dừng lại, ngắm đoàn xe, ngắm dung nhan cô dâu và thán phục sự sang trọng của một đám cưới nhà giàu sang quyền quí. Xe chạy đến đâu người hai bên đường đứng ngắm trằm trồ khen ngợi.

Khi đoàn xe chạy trên con đường đi ngang qua cửa trung tâm u bướu gặp một chiếc xe từ trong ấy đi ra. Chiếc xe chạy rất chậm, nghênh ngang giữa đường. Cả đoàn xe phải giảm tốc độ. Ai cũng bực mình, các tài xế bóp còi inh ỏi. Chiếc xe kia vẫn chẳng chịu phóng nhanh. Anh tài xế lái xe chở cô dâu chú rể chạy đầu đoàn xe rất bực mình, dấn lên chạy ngang chiếc xe kia.

Tất cả mọi người nhìn vào trong xe cứu thương thấy có người nằm trên chiếc cáng bằng vải màu xanh lính. Đầu người ấy trọc lóc vì chất phóng xạ cô-ban trong điều trị khối u ác tính. Cặp mắt mở trừng trừng. Mấy ngón chân lộ ra từ lỗ thũng tấm chăn, ngón chân vàng như nghệ và cứng như được đẽo bằng gỗ mít. Ấy đúng là ngón chân người chết. Trên đầu người ấy, treo túi máu, dây nhợ truyền dịch lòng thòng Túi máu và mấy bình dịch còn hay đã hết không ai biết.

Chú rể đang còn tràn ngập trong niềm hạnh phúc mới tỏ ra là người biết điều, tốt bụng, nói với bác tài xế:

- Chậm lại, nhường cho người ta đi trước.

Cô dâu không chịu, phản kháng:

- Xe đám cưới ai lại nhường xe đám ma ? Bóp còi. Rấn tới, qua mặt nó đi !!!