main billboard


Phóng tác từ “Fifty Minutes” của Joe Donnelly & Harry Shannon trong “The best American Mystery Stories – 2012.”

50 minutes
Người bệnh nhân đầu hói da sạm nắng có vẻ phong sương. Anh là người khách cuối cùng chiều Thứ Sáu này của bác sĩ tâm thần nổi tiếng trong thành phố Cần Thơ, bác sĩ Bình.

4:10 phút, từ phòng đợi anh mở cửa bước vào phòng khám vội đến nổi suýt đụng ngã bức tượng Phật đặt trên một bệ gỗ trang trí trong phòng. Anh vói tay khép cánh cửa sau lưng, nhìn quanh chưa biết phải làm gì. Bác sĩ Bình ngồi sau bàn giấy của ông, quan sát. Thói quen nghề nghiệp cho biết quan sát một bệnh nhân mới tới trong lần khám bệnh đầu tiên giúp ông một số chỉ dẫn về bệnh trạng. Bác sĩ Bình thấy người khách thiếu bình tĩnh, mồ hôi thấm nơi nách chiếc áo vải ngắn tay, hơi thở vội. Ông nghĩ cũng không có gì lạ lắm đối với một bệnh nhân tâm thần.

Ông đón người khách bằng một nụ cười và mời ngồi trên chiếc ghế bọc da màu xanh trước bàn giấy của ông. Phong – tên người khách - ngã người vào ghế đặt cái bao vải xách tay trên vai xuống chiếc ghế nhỏ trước mặt. Bác sĩ Bình thoáng nhìn thấy tên và địa chỉ của Phong nơi khung tên và địa chỉ trên bao vải. Chiếc quần kaki của Phong đã có vết sờn.

Ông Phong hỏi: “Bác sĩ khám tôi bao lâu? Hết một giờ không?”

“50 phút thôi”, bác sĩ Bình vừa cười vừa trả lời.

Phong nhìn bác sĩ Bình trong một giây, rồi rút một khẩu súng nhỏ dấu trong chiếc áo, chỉa thẳng vào bác sĩ Bình và nói, “Vậy ông còn 50 phút nữa để sống!”

Ngạc nhiên pha lẫn sợ hãi làm đắng cổ bác sĩ Bình. Bác sĩ nào trong ngành này cũng từng trải qua những giây phút khó khăn với bệnh nhân bất ổn tâm thần. Bệnh nhân đôi khi dọa giết bác sĩ chữa trị, nhưng bản thân ông chưa bao giờ trải qua sự sợ hãi trước cái chết cầm chắc nó như thế nào. Cá nhân ông có lần bị một nữ bệnh nhân dọa dùng chìa khóa móc mắt ông nếu ông không giúp cô gặp người tình vừa mất của cô. Nhưng ông hoàn toàn bất ngờ trước họng súng đen ngòm trước mắt. Bác sĩ Bình tính kế thoát hiểm mặc dù sự sợ hãi làm ông không suy nghĩ một cách mạch lạc được. Chiếc điện thoại dây đặt trên bàn nằm trong tầm tay, nhưng không dùng được. Trên tường ngoài tầm tay là cái gậy baseball một lực sĩ tặng trả ơn ông đã giúp giải cơn nghiện ngập cho hắn. Phải làm gì đây, bác sĩ Bình hỏi thầm, “van xin, kêu cứu, nhào tới cướp súng hay thuyết phục hắn?” Vài giọt mồ hôi chảy đọng trên môi Phong, nhưng lúc này trông hắn bình tĩnh và quyết tâm một cách đáng ngại. Hắn nhìn thẳng đôi mắt không liếc ngang dọc, đôi chân không rung. Bác sĩ Bình cố gắng giữ bình tình và xử dụng “nghề” của ông là nói.

“Tôi xin lỗi đã làm gì để ông bực mình muốn giết tôi” Bác sĩ Bình hỏi.

“Thật ông không biết sao?” Phong trả lời.

“Tôi không muốn và cũng chưa hề làm ai khổ sở và đau đớn.”

“Thật vậy sao, ông bác sĩ?”, Phong hỏi gằn, giọng mỉa mai.

Bác sĩ Bình nhìn sâu vào đôi mắt của Phong cố chuyển đạt cái nhìn thông cảm bệnh nhân của ông.

“Đúng vậy! Và đó là lý do tại sao tôi chọn nghề này. Và tại sao ở thành phố Cần Thơ này người ta xem tôi là một bác sĩ có lương tâm.” Nhìn đôi mắt của Phong bớt căng thẳng, ông tấn công “Tôi xin gọi ông bằng cháu nhe. Cháu cũng cỡ tuổi con trai đầu của tôi.”

“Thôi đi bác sĩ,” Phong dứt khoát, “xin đừng đánh lạc hướng. Ông không đánh lừa tôi được đâu. Tôi cũng không muốn thấy cô ấy đau khổ.”

“Cô ấy là ai?”

“Ông biết cô ta là ai mà!”

“Xin lỗi ông Phong. Tôi không biết. Ông cứ quả quyết như vậy thì thật là ép tôi. Xin ông vui lòng cho tôi biết cô ấy là ai.”

Phong vắt chân phải lên chân trái để lộ đôi vớ ngắn màu đen trên ống chân được băng bó như thể vừa bị thương. Ông đọc lại tên và địa chỉ của Phong trên chiếc bao vải, tự nhủ thầm bình tĩnh là phương sách thoát hiểm tốt nhất.

Bằng một giọng bình thản, bác sĩ Bình nói, “Thôi để tôi đi thẳng vào vấn đề. Ông Phong, tại sao ông muốn giết tôi?”

“Ồ, tôi nghĩ ông biết!”

“Tôi không biết. Đây là lần đầu tôi bị dọa giết một cách nghiêm trọng.”

“Việc gì cũng phải có lần đầu mới có lần cuối, ông bác sĩ!

“Ông Phong ! Có phải ông hẹn gặp tôi chỉ cốt để giết tôi?”

Phong không trả lời câu hỏi.

Bác sĩ Bình nghĩ thầm, hắn không chịu tiết lộ điều gì, không bày tỏ cảm xúc. Có ai chỉ vẻ cho hắn không?

“Ông Phong, có ai giới thiệu ông đến đây? Một chuyên viên tâm thần nào khác chăng ?” Bác sĩ Bình hỏi.

“Bác sĩ Bình. Tôi không đến đây để kể lể chuyện tâm tình với ông. Ông là bác sĩ tâm thần tôi gặp lần cuối trong đời tôi. Ông nhìn đồng hồ kìa nó đang đánh nhịp thời gian còn lại của ông. Ông hãy nói đi, thú tội đi!”

Bác sĩ Bình chợt nhớ ra rằng Phong đã lấy hẹn này ít nhất là một tuần trước để xin lấy giờ hẹn là người bệnh nhân cuối cùng để thực hiện toan tính của anh ta. Nghề nghiệp dạy ông với bệnh nhân mới, điều quan trọng là “đập vỡ” cái vỏ bên ngoài của bệnh nhân, và ông phải chạy đua với 50 phút đồng hồ phù du để thực hiện. Sinh mạng của ông tùy thuộc vào sự khéo léo của ông. Nhìn chiếc kim đồng hồ chỉ phút nhích dần bác sĩ Bình ý thức Phong là một đe dọa chết người, và ông nghĩ rằng muốn sống ông không thể để cho chiếc kim đồng hồ làm ông mất bình tĩnh. Bác sĩ Bình tính rằng, mục đích của hắn không phải đến đây chỉ để giết mình, vì nếu chỉ có thế hắn đã thực hiện rồi. Hắn còn muốn nói trước khi hành động, mặc dù hắn phủ nhận điều đó, và ta phải tìm cách làm cho hắn nói nguyên do.

Phong dục: “Chỉ còn 46 phút thôi, ông bác sĩ.”

Bác sĩ Bình hít một hơi dài, kín đáo thở ra và cho phép mình điểm một nụ cười héo hắt, ruột cồn cào, “Được rồi, thì giờ là của ông. Ông muốn tôi nói về đề tài gì bây giờ?”

“Bác sĩ Bình, ông đừng giả vờ. Ông biết tôi muốn ông nói về đề tài gì.”

“Không, ông Phong, tôi không thể biết được. Và chỉ mất thì giờ của ông nếu ông muốn tôi đoán tại sao ông đến đây để giết tôi. Tôi không đoán được. Hay ông cho biết tại sao ông không nói cho tôi biết vì lẽ gì ông nghĩ ông phải giết tôi.”

“Vì ông là một người gian dối với người khác, ông bác sĩ.”

“Nguyên do nào để ông kết luận như vậy.”

“Ở đâu thì ông đã biết.”

“Ông Phong, tôi quả tình không biết. Nhưng cứ tạm cho rằng tôi có “gian dối”, thì việc gian dối đó có ý nghĩa gì đối với ông.”

“Ý nghĩa là … là vì vậy tôi sẽ giết ông.”

“Ông Phong, ông định giết hết những người gian dối hay chỉ dành ân huệ đó cho riêng tôi?”

“Có thể tôi bắt đầu bằng ông.”

“Rồi đến ai? Chính khách, giám đốc công ty, tu sĩ …. ? Có ai bảo ông hành động không?”

“Không, bác sĩ Bình. Tôi không bị bệnh phân liệt tâm thần, tôi không bị bệnh hoang tưởng, hay gì gì khác. Tôi có công ăn việc làm ổn định, có nhà có cửa, có chỗ đứng vững chãi trong xã hội. Tôi không điên. Tôi là một người bình thường. Một người bình thường đôi khi cũng phải làm những việc thấy cần phải làm.”

Phong đưa nòng súng đen ngòm nhắm vào bác sĩ Bình làm ông Bình lên ruột, nói tiếp:

“Một phát đạn vào sọ của ông là xong thôi ông bác sĩ. Tôi biết ông theo đạo Phật ảo tưởng rằng có đời sau. Ông nghĩ cái gì sẽ đến sau đó. Một đời sống yên lành khác, hay chẳng có gì cả? Tôi tò mò muốn biết, ông hãy nói cho tôi biết đi. Thời gian 50 phút là của ông chứ không phải của tôi.”

Trí óc của bác sĩ Bình thoáng nhanh mấy câu hỏi, hắn nói hắn biết mình tin đạo Phật. Hắn lục loại tài liệu tìm hiểu về mình hay nghe ai nói về mình ? Hắn có nói đến một phụ nữ mà hắn chứng kiến sự đau đớn thể xác. Vợ hắn, con hắn, bạn gái hay mẹ hắn?

Bác sĩ Bình lục trí nhớ xem mới đây có bệnh nhân nữ nào có khuôn mặt hao hao giống Phong không. Nhiều tên, nhiều khuôn mặt ông không nhớ được hết. Những năm tháng hành nghề làm ông trở thành người máy. Ông không phân biệt người, tên, bệnh trạng, tất cả biến thành một khối hỗn độn.

Điều bác sĩ Bình biết chắc chắn là bệnh nhân của ông ai cũng xem mình là trung tâm của vũ trụ dù trung tâm đó rất đông đảo. Riêng ông, ông tự hỏi có khi nào mình quan tâm đến từng bệnh nhân để biết tuần sau, tháng sau hay năm sau cái gì sẽ đến cho bệnh nhân này hay bệnh nhân khác. Hay ông chỉ biết rằng bệnh nhân mỗi lần đến khám bệnh ai cũng vui lòng trả 200.000 đồng để nghe những lời giải thích và an ủi của ông, để tuần sau lại đến trả 200.000 đồng khác để nghe lại những lời giải thích và chẩn đoán không khác mấy.

Phong hạ thấp nòng súng nói:

“Bác sĩ Bình, ông đang nghĩ gì? Tôi muốn biết cảm tưởng của ông nếu tôi bắn ông?”

Bác sĩ Bình đắng miệng. “Ông Phong, ông dọa bắn bể óc tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi sợ, dù tôi tin đạo Phật hay không. Tôi không muốn chết tại đây, hôm nay mà không biết lý do, ông hiểu chứ ?”

“Tôi hiểu, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng kiểm soát được những gì xẩy đến cho mỗi chúng ta.”

“Ông muốn nói đến cái “nghiệp”?

Phong nhún vai.

Bác sĩ Bình nhủ thầm, mình phải làm cho hắn nói, và mình cần cho hắn thấy hắn đang đối diện với một người bằng da bằng thịt. Người ta có thể phá hoại dễ dàng một vật vô tri, nhưng không dễ giết một người.

“Lẽ dĩ nhiên đời sống có những bất ngờ không thể tiên liệu, nhưng điều đó không thể dùng để chứng minh sự đúng sai của thuyết “nghiệp” của nhà Phật.” Bác sĩ Bình nói, “nhưng việc đang xẩy ra hôm nay không có yếu tố bất ngờ. Ông đến đây với một ý định rõ ràng. Tôi đang hình dung xem nguyên nhân nào đưa ông đến đây và khủng bố tôi như thế này.”

Phong dùng lòng súng cọ vào lưng mũi.

“Ông cho tôi gọi ông là cháu” Bác sĩ Bình lặp lại đề nghị cũ, “chúng ta nên trao đổi một cách thân mật thì tốt hơn.”

Phong lắc đầu đứng dậy trước chiếc ghế da màu xanh, nói: “Ông cứ nói tiếp đi.”

“Vâng, tôi nghĩ rằng nếu ông đến đây chỉ để giết tôi thì ông đã giết tôi rồi. Vậy tại sao ông không nói cho tôi biết ông còn muốn biết điều gì. Ông nói tôi theo đạo Phật. Ai nói cho ông biết điều đó? Và người đó có liên quan gì đến việc ông đến đây không?”

“Bác sĩ Bình, ông biết người đó”, Phong ngắt lời “và thưa ông, ông còn 41 phút nữa để nói cho tôi biết tại sao ông làm như vậy.”

Bác sĩ Bình mất bình tĩnh, vừa lo vừa giận. Ông run lên vì sợ. Ông kềm chế để khỏi chồm đến giật súng nơi tay Phong, hành hung anh ta để trả thù, nhưng ông biết hành động như thế là nguy hiểm. Phong cảm nhận được cơn giận của bác sĩ Bình, bước lui một bước, nâng lòng súng lên ngang tầm ngực bác sĩ Bình, tay trái tìm lưng ghế và ngồi xuống. Hắn mỉm cười. Bác sĩ Bình nhủ thầm đừng để cho hắn đọc được cảm xúc của mình. Ông nói:

“Vậy ông nghĩ rằng ông và tôi cùng biết một người, có phải vậy không?”

“Đúng vậy bác sĩ Bình, ông nói đi … ” Phong nhìn đồng hồ tay nói tiếp, “thì giờ còn lại là của ông.”

“Người ấy là một bệnh nhân của tôi ?”

“Đúng vậy. Tên cô ta là Phương Loan.”

“Phương Loan! Tôi không nhớ có bệnh nhân nào của tôi tên là Phương Loan.”

“Bác sĩ ráng nhớ đi. Có khi cô ta xưng là Loan thôi.”

“Ông có thể phát họa vài nét về hình dáng cô Loan hay Phương Loan không ?”

“Cô ấy đẹp, rất đẹp … và đầy sức sống cho đến khi gặp ông.”

“Vậy như ông nói, có một nữ bệnh nhân tên là Phương Loan. Cô ta đến thăm bệnh với tôi lâu chưa, và bao nhiêu lần rồi?”

“Khá nhiều lần để ông có thì giờ và cơ hội dụ dỗ rồi làm hại cô ta.”

“Tôi làm hại cô ta! Nếu ông nói vậy thì tôi phải nghĩ ông là một người không được bình thường” Bác sĩ Bình nhíu mày đổi đề tài, giọng chất vấn, “Tại sao chân ông bị thương vậy?”

Phong lúng túng trước câu hỏi đột ngột nhìn vết thương nơi chân vừa được băng bó. Hắn dường như mất quyết tâm lúc đầu và bác sĩ Bình nghĩ đây là cơ hội tốt để hành động. Nhưng chưa kịp làm gì, Phong đã kịp kéo ống quần che lớp băng trắng.

Bác sĩ Bình nghĩ thầm, đầu mối đây rồi. Ông nói: “Tôi muốn ông cho tôi biết cái gì đã xẩy ra. Ông hành hung ai và người ta kháng cự lại phải không?

Phong liếm môi như cá kiểng bơi đụng thành hồ bơi. Anh thở mạnh, mặt ửng đỏ như vừa lo lắng vừa hổ thẹn, khác hẵn với thái độ tự tin trước đây. Bác sĩ Bình biết đây là lúc ông cần tấn công.

“Phong, anh đã làm gì?”

Nghe gọi tên trổng, Phong càng lúng túng như một đứa bé bị bắt quả tang. Bác sĩ Bình biết ông đang đánh một đòn tế nhị. Trẻ con tuy dễ bị khuất phục, nhưng phản ứng của chúng có thể bất ngờ và không cân nhắc kỹ lợi hại nhất là hắn đang có súng trong tay.

Bác sĩ Bình nói như để giải thích: “Tôi thấy tên và địa chỉ của ông trên túi xách tay, Triệu Quang Phong số nhà 372 đường Nguyễn Đình Chiểu, Cần Thơ.”

Dùng phương pháp thông dụng trong nghề gọi Phong bằng tên trổng, đặt hắn vào một địa chỉ, cho nó ý thức một chỗ đứng hắn trở thành một con người và hắn sẽ bớt hung hăng, giúp ông ta thời gian cần thiết để khai thác sự bất an tinh thần của hắn. Quả thật Phong tỏ vẻ tiếc một cái gì. Hắn ta bị chứng thác loạn tâm thần và đang nghĩ rằng bác sĩ Bình là người có trách nhiệm chăng? Bác sĩ Bình chồm tới trước một chút cho gần hắn hơn, dịu dọng, thân mật.

“Anh Phong, tôi xin lỗi đã chất vấn anh. Tôi chẳng những lo cho sự an toàn của tôi mà còn lo cho anh. Anh vừa gây thương tích cho một người nào phải không ?

Đôi mắt Phong nhìn ông không còn sắc bén, giữ khẩu súng hờ hững trong tay như thiếu quyết tâm. Ý nghĩ giựt súng chợt đến, nhưng bác sĩ Bình nghĩ sự đối thoại đang làm cho Phong dụ dự bất an thì tại sao không tiếp tục.

Phong ngả người vào chiếc ghế da.

“Bác sĩ Bình! Tôi không gây thương tích cho ai cả. Nếu có người đầu tiên là ông. Hãy gọi tôi là “ông Phong”, tôi không thân với ông để gọi tôi bằng anh hay bằng tên trổng.”

“Không sao ông Phong. Sao ông không nói cho tôi biết tại sao chân ông bị thương ?”

Phong ngừng một giây, hít một hơi dài, nói, “Được ông Bình, tôi sẽ nói cho ông biết vì việc này có liên hệ đến ông.”

“Thật vậy sao?”

“Đúng vậy bác sĩ Bình. Tôi bị thương khi tôi bước vào nhà của cô Phương Loan hôm Thứ Ba và hốt hoảng té khi thấy cô ta…”

Phong nhắm mắt không nói hết câu.

Bác sĩ Bình im lặng chờ Phong … trong không khí căng thẳng. Nhưng ông cảm thấy thần kinh ông suy sụp trước. Ông lắp bắp hỏi: “Ông thấy cô ta như thế nào?”

Phong mở to đôi mắt nói: “Tôi không gây thương tích cho cô ta. Chính ông. Tôi biết ông là người hại cô ta.”

Bác sĩ Bình hỏi dồn: “Cô Loan! cái gì xẩy đến cho cô Loan?”

Câu hỏi làm cho Phong thêm bức xúc. Hắn huơ huơ súng. Ông Bình giựt mình ngả chặt lưng vào lưng ghế.

“Tôi thấy cô Loan treo cổ nơi một thanh gỗ sau cửa ra vào bằng chiếc nịt áo … hay ai đó đã bố trí như thế.”

“Ông Phong, ông nói tiếp đi” bác sĩ Bình lạc giọng, “tại sao ông có mặt tại nhà cô Loan. Cô ấy là bạn gái của ông hay sao?”

“Tôi không quen cô, nhưng tôi yêu cô ấy” mắt Phong mờ, nước mắt chảy quanh, “thật đau lòng thấy cảnh tượng đó.”

Bác sĩ Bình im lặng chờ Phong. Hắn dùng ống tay áo lau nước mắt, giận dữ nâng súng lên nhắm vào bác sĩ Bình làm thân mình ông Bình tự động dán mạnh vào lưng ghế hơn.

“Tôi biết ông đang nghĩ tôi có quan hệ bất chính với cô Loan, nhưng không phải thế,” Phong nói, “tôi đứng xa mà yêu, yêu chân thành và trong sạch”

Bác sĩ Bình chợt hỏi, “Ông theo dõi từng bước chân của cô Phương Loan?

Phong đỏ mặt nhìn nhận, “Đúng, tôi theo dõi cô ta. Lần đầu tôi gặp cô đang mua rau cải tại một siêu thị gần nhà tôi. Trông quen quen, và tôi nhận ra ngay cô làm quảng cáo cho cà phê cao cấp Trung Nguyên.

Phong chờ, nghĩ rằng bác sĩ Bình sẽ nhớ ra cái quảng cáo đó.

“Xin lỗi ông Phong, tôi đọc báo và ít xem TV nên tôi không nhớ thấy cái quảng cáo đó.”

Phong nói như với chính mình, “Hôm ấy, cô Loan mặc áo len tay dài màu vàng nhạt giống như màu tóc của cô, và chiếc quần Jean đã cũ. Đôi mắt cô xanh thật khêu gợi. Tôi định nói vài lời làm quen, nhưng tính nhút nhát tôi thôi. Tôi đi theo cô đến chỗ đậu xe nhìn cô mở nắp thùng xe chất đồ vào. Tôi biết theo như vậy là không phải, nhưng không thấy gì quá đáng chừng nào tôi không làm phiền cô ta. Đàn ông ai cũng ưa nhìn đàn bà đẹp!”

Bác sĩ Bình im lặng nhìn Phong chằm chặp, cảm thấy yên tâm hơn.

Phong tránh cái nhìn của bác sĩ Bình, nói như thú tội, “Hôm sau vào khoảng giờ đó tôi đến siêu thị và lại thấy cô ta đi chợ. Cô không mua gì nhiều, hình như đi siêu thị như một thói quen. Tôi giả vờ kiếm đồ mua, và đi theo cô, ước gì được đi chọn hàng với cô, đi chơi với cô một ngày cho thỏa thích.

Bác sĩ Bình hỏi:“Nhưng câu chuyện không dừng ở đó phải không ông Phong?”

“Không!”, Phong trả lời như nói với chính mình, “Tôi tò mò vào Google tìm hiểu về nhân vật quảng cáo cho hãng cà phê Trung Nguyên và biết được cô sinh ở An Giang, học ngành đạo diễn tại đó và về Cần Thơ tìm cách tiến thân trong nghề nghiệp.”

“Ông Phong, ông có biết sự ám ảnh hình ảnh một phụ nữ như thế là không lành mạnh không ?” Bác sĩ Bình nói.

“Nếu tình yêu là một ám ảnh thì sự ám ảnh đó không phải là một tội lỗi. Tôi nghĩ thế nào tôi cũng tìm cách làm quen với cô Loan nên tôi phải tìm hiểu về cô ta.”

“Thế ông đã có dịp bắt chuyện với cô Loan chưa ?” Bác sĩ Bình hỏi.

“Chưa bao giờ,” Phong trả lời “Tôi ngại sự đường đột. Nhưng như thể có một sức mạnh vô hình thúc bách, một hôm từ siêu thị tôi lái chiếc xe Honda hai bánh của tôi theo cô.”

Bác sĩ Bình nói như hạch hỏi, “Ông theo cô ta về nhà?”

“Đúng, nhưng không làm gì khác hơn là ngồi trên yên xe bên kia đường thích thú nhìn cô mang đồ vào nhà. Nhìn cô khuất bóng sau chiếc cửa nhà, tôi nổ máy xe định đi, thì bổng thấy cô trở ra xe định đi đâu. Như một cái máy tôi lái xe theo.”

Ngừng một giây, Phong ngẩng đầu nhìn thẳng bác sĩ Bình nhấn mạnh từng chữ, “Cô Loan lái xe đến phòng bệnh của ông, ngay tại nơi này.”

Để che đậy sự lúng túng, hoặc do phản ứng tự vệ bác sĩ Bình xoay chiếc ghế đưa lưng ghế đối diện với Phong, nói: “Tôi làm sao tin được những gì ông nói. Tôi không biết ông, tôi không biết gì về người phụ nữ làm ông bị ám ảnh. Tôi nghĩ ông có vấn đề về tâm thần và tôi có thể giúp ông.”

“Bác sĩ Bình, hãy xoay ghế lại. Tôi sẽ bắn ông xuyên qua lưng ghế, nếu ông không xoay mặt lại để tôi thấy khuôn mặt của ông.”

Bác sĩ Bình hít nhanh một hơi thở xoay người lại nhìn Phong.

“Vâng ông Phong. Ông nói cô Loan đến đây?”

“Đúng vậy.”

“Hôm đó là hôm nào?”

“Thứ Ba tuần trước. Và cô ấy ở đây 2 giờ đồng hồ, trong khi mỗi lần khám ông nói ông chỉ cần 50 phút”, vừa nói Phong vừa vuốt ve cái bán súng.

“Nhưng tôi dám khẳng định với ông, không có bệnh nhân nào của tôi tên là Phương Loan.Thứ Ba tuần trước chẳng có ai tên là Phương Loan đến đây. Để tôi kiểm chứng lịch hẹn bệnh nhân cho ông xem.”

Bác sĩ Bình dở lịch trên bàn, ngón tay lần theo danh sách khách hẹn, nói: “Đấy, ông Phong, tôi không muốn làm ông thất vọng, nhưng quả thật không có bệnh nhân nào tên là Phương Loan cả.”

“Nhưng hôm đó ông có ghi hẹn một bệnh nhân tên là Đặng Thị Tâm Bích phải không?”

Bác sĩ Bình tự nhũ thầm phải bình tĩnh. Xem lại lịch hẹn, ông nói: “Phải! Có một nữ bệnh nhân tên là Tâm Bích họ Đặng, tương đối mới. Cô ấy xin hai cái hẹn vì sau cái hẹn thứ nhất cô ta phải lên Sài gòn có việc riêng.”

“Ông giả vờ khéo lắm”, Phong nói, “tôi biết ông biết Phương Loan là tên dùng trên TV của cô Tâm Bích.”

“Tôi không biết điều đó”, bác sĩ Bình trả lời, “và tôi không biết ông định nói gì. Cái tôi biết là trước mắt tôi có một người bị ảo gíác đang chĩa súng vào người tôi và nói những chuyện không ai hiểu nổi.”

“Bác sĩ Bình! Cái gì đã xẩy ra đêm Thứ Ba đó?”

Kềm chế luồng khí lạnh truyền theo xương sống, bác sĩ Bình trả lời: “Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ ông biết”

Phong dùng mũi súng chỉ qua cửa sổ, nói: “Tôi ngồi trên yên xe đợi ngoài kia suốt 2 giờ cô ở đây và tôi lái xe theo cô về nhà. Tôi muốn vào nhà để giới thiệu mình nhưng tôi không đủ can đảm”

Bác sĩ Bình nhận thấy Phong trở nên xúc động, mí mắt căng tay hơi run và chân đánh nhịp, một dấu hiệu thuốc an thần hết hiệu lực, ông vội đổi đề tài:

“Ông Phong, ông từng dùng và hiện đang dùng một thứ thuốc thuốc chữa bệnh tâm thần phải không?

Phong nhăn mặt khó chịu, cầm chặt khẩu súng: “Lang băm các ông ai cũng giống nhau. Xin đừng đánh trống lảng. Tôi không mắc mưu đâu.”

“Tôi xin lỗi ngắt lời ông” bác sĩ Bình nói giọng ôn tồn, “xin ông nói tiếp đi, vậy ông đậu xe trước phòng khám của tôi khi cô Tâm Bích, hay cô Phương Loan ở đây?”

Bỗng tiếng chuông báo có người mở cửa phòng đợi. Bác sĩ Bình giật mình và Phong nâng khẩu súng lên tầm ngắm.

“Ông đừng lo” bác sĩ Bình nói: “Tôi không có hẹn ai sau ông.”

“Ông hãy bảo họ đi đi nếu không tôi sẽ giết ông ngay.” Phong chồm tới trước một chút nói qua hơi thở.

“Nếu ông giết tôi sẽ có người làm chứng.”

“Bác sĩ Bình, ông là một kẻ sát nhân. Ông đã giết một bệnh nhân. Nếu tôi giết ông thiên hạ cũng không trách tôi.”

“Tôi không giết ai cả, ông Phong.” Sự thật, trái lại, ngày tôi khám bệnh cho cô Tâm Bích là cái ngày ông theo cô ấy đến đây. Theo luật, đó là sự quấy nhiễu người khác. Ông có vấn đề về tâm trí. Ông hãy để tôi viết cho ông một phái thuốc.”

“Không thuốc men gì cả, tôi chán thuốc lắm rồi. Các ông khi nào cũng thuốc … và thuốc”, Phong phản ứng như một đứa bé, đôi môi run run. “Tôi thấy ông vào nhà người thiếu phụ xinh đẹp đó. Vài phút sau tôi thấy ông hốt hoảng chạy ra lái xe đi. Cách ông bỏ đi làm tôi lo cho sự an toàn của cô Phương Loan thúc giục tôi phải vào nhà cô xem sao, và tôi thấy cô ta treo cổ. Ông làm như cô ta tự vận nhưng tôi biết ông đã giết cô ta. Tại sao ông giết người thiếu phụ hiền lành đó? Cô dọa tố cáo với hội đồng y khoa lấy bằng hành nghề của ông hay mách với vợ ông?”

Bác sĩ Bình đứng dậy đặt một bàn tay lên bàn giấy nói một cách chậm rãi: “Tôi thành thật nói với ông, ông Phong, tôi không hiểu ông nói gì”. Nhưng tôi biết một điều giờ phút này thần trí ông không được ổn định. Ông xem mộng là thật và thật là mộng.

“Không, không ! Tôi không lẫn lộn mộng với thực. Tôi không điên. Tôi có bằng chứng.”

Phong đưa tay vào túi quần. Bác sĩ Bình ngồi xuống ghế, chờ đợi.”

“Ông xem đây, ông có vào nhà cô Loan”, Phong chìa ra chiếc Iphone, bấm cho bác sĩ Bình xem một đoạn phim dài mấy giây đồng hồ. Bác sĩ Bình nhíu mắt, “hình đó không phải là tôi, ông nhầm lẫn với một người có tầm vóc của tôi thôi”. Bác sĩ Bình hỏi tiếp: “Nhưng sao ông biết tôi vào nhà cô Loan. Ông đã gặp tôi bao giờ đâu?”

“Tôi thấy ông tiễn cô Loan ra tận cửa ngoài phòng mạch. Ông choàng tay vào vai cô ta một cách thân mật và nói lời từ biệt.”

“Tôi vẫn thường choàng vai bệnh nhân nhất là các bệnh nhân mới để tỏ tình thân mật tạo điều kiện tiếp cận giúp cho sự chữa trị được hữu hiệu. Hội đồng y khoa không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cấm sự thân mật đó. Tôi rất bất mãn khi ông cho đó là thái độ thân mật có ý tình đối với cô Tâm Bích”

“Ông nói gì thì nói, nhưng tôi biết sự thật”, Phong nói

Bác sĩ Bình nhổm người tới trước, “Ông Phong, điều tôi biết là ông đang ở trong tình trạng giả thuốc. Ông đã làm phiền một người đàn bà đẹp bằng cách theo riết cô ta. Vì vậy ông không dám khai với cảnh sát ông thấy cô ấy chết. Có thể cô ta tự vận. Nếu không, ông sẽ là người trước tiên bị nghi đã giết cô ấy. Và tôi vẫn muốn biết sự thật tại sao chân ông bị thương.”

“Đừng lo cho cái chân của tôi. Hãy nói sự thật đi. 50 phút của ông hết rồi.”

“Ông Phong, tôi đã nói hết sự thật. Tôi không có gì để nói thêm. Tôi có một bệnh nhân giống như người ông miêu tả. Cô ấy xin hai cái hẹn vì có việc cá nhân phải đi xa sau lần hẹn đầu tiên. Và bây giờ ông nói cô ấy đã chết, và ông là người chứng kiến cái chết đó. Ông là người đã bám theo cô ta. Nếu muốn tôi sẽ xin hội đồng y khoa xem lịch sử bệnh trạng của ông.”

“Ôi thôi ông bác sĩ, ông giết người rồi bây giờ ông tìm cách đổ tội cho tôi”. Phong quát lên hoàn toàn mất bình tĩnh. Hắn run tay nâng súng lên nhắm vào ngực bác sĩ Bình.

Linh cảm hắn sẽ hành động, bác sĩ Bình ngồi thụp xuống. Một tiếng nổ chát chúa, và một viên đạn găm vào bức tường sau lưng ông nghe như tiếng bắn đinh của thợ đóng sườn nhà. Bác sĩ Bình ngồi yên hồi hộp chờ đợi. Không có gì khác hơn là tiếng chân và tiếng tung cửa của Phong khi hắn chạy ra ngoài. Một phút … hai phút trôi qua, bác sĩ Bình đứng dậy rón rén mở cửa nhìn ra phòng đợi và thấy một cậu bé đang sợ hải nằm co mình trên chiếc ghế dài.

Bác sĩ Bình hỏi: “Cậu làm gì ở đây?”

Cậu bé ấp úng: “Tôi … tôi đến đây quảng cáo phòng mạch ông mua báo tháng. Vậy …. cái gì vừa xẩy ra? Tôi sợ quá.”

“Hãy đợi đây” Bác sĩ Bình bước tới khóa trái chiếc cửa ra ngoài hành lang, “để tôi gọi cảnh sát. Cậu có thấy rõ người vừa chạy ra khỏi đây không? Và nhớ diện mạo hắn không? Hắn có thể là một kẻ sát nhân.”

“Có, tôi thấy, và … vâng … tôi có thể tả người hắn ra sao.”

Bác sĩ Bình bước vào phòng khám bệnh của ông và gọi cảnh sát. Trước khi gọi ông không quên xóa một tin nhắn dài đầy giận dữ của cô Tâm Bích để trên máy ông. Cô Tâm Bích nói ông phải làm cho rõ trắng đen quan hệ tình cảm giữa hai người. Cô nói cô quá chán những lời hứa hẹn trống rỗng của ông. Cô sẽ đi Sài gòn mấy tuần và hy vọng khi trở về thì ông đã nói cho vợ ông biết tự sự. Nếu không cô không biết phải làm gì. Mách với vợ ông, báo cáo với hội đồng y khoa hay tự vận? Bác sĩ Bình không có can đảm nghe hết lời nhắn. Ông đã nghe nhiều lần những lời nhắn như vậy. Ông không ngờ lần này không còn là một lời de dọa suông.

Bây giờ chỉ còn việc gọi cảnh sát. Sau 50 phút kinh hoàng, bây giờ ông mới thở phào nhẹ nhõm./.