main billboard


Cho đến bây giờ, câu chuyện giữa Lan Anh và Tích vẫn còn là một bí mật...

phunuvn02

Tôi đứng lên đi ra vườn để khỏi nghe giọng cười ngặt nghẽo, khoái trá như xoáy vào tai của Lan Anh. Có tiếng dỗ dành nhẹ nhàng của Trinh vang lên từ chiếc xích đu ở góc vườn:

- Mẹ ăn thêm chút nữa đi, còn ba muỗng nữa là hết rồi.


Bước thật khẽ, tôi đến gần hơn để nhìn thấy đôi môi mím chặt và cái đầu lắc nguầy nguậy của bà mẹ tuổi thọ gần con số tám mươi.

- Mấy bữa rày mẹ ăn ít. Coi nè! Da mặt đâu còn đẹp như lúc trước nữa.

Chạm nhẹ bàn tay lên má, mẹ tôi lo lắng hỏi:

- Thiệt hả?

- Dạ thiệt, chút nữa con lấy kiếng cho mẹ coi.

Ngần ngừ một lát, mẹ há miệng, ăn lẹ làng mấy muỗng cơm còn lại. Thì ra, đây là chiêu dụ dỗ rất hiệu quả của cô con dâu út dành cho bà mẹ chồng tuy đã già nhưng còn điệu đà, thích được khen đẹp. Vừa nhìn thấy tôi, Trinh có vẻ thẹn thùng, nên vội bào chữa:

- Mấy ngày nay mẹ không chịu ăn chị ơi!

Tôi đứng xen vào giữa, một tay ôm ngang lưng mẹ, một tay quàng lên vai Trinh, thân mật nói khẽ vào tai:

- Em giỏi thiệt, mấy ngày nay đút cơm cho mẹ, chị mới thấy quả là vất vả. Cám ơn em nhiều lắm.

Không giấu được vẻ cảm động, Trinh nói với nụ cười tươi:

- Bổn phận của em mà, sao chị lại cám ơn.

- Không phải chỉ là bổn phận mà còn có cả tình thương và sự nhẫn nại trong đó. Em thật tốt lành. Việc chăm sóc mẹ và nấu ăn chiếm quá nhiều thời gian, nên thấy em phải may vá đến nửa khuya chị thật ái ngại.

- Không sao đâu chị, em quen rồi.

Tôi dò hỏi:

- Chắc cuối tuần em đỡ mệt hơn vì có Lan Anh phụ giúp phải không?

Trinh cúi đầu im lặng. Tôi hỏi lại lần nữa thì Trinh ngập ngừng:

- Dạ...dạ... em...

Hình như Trinh đang né tránh để khỏi phải trả lời một câu hỏi khó? Về đây mới có hai tuần, nhưng tôi đã nhìn thấy nhiều điều không hay về cô em dâu cả. Ngày đám giỗ ba tôi, nhìn trước, nhìn sau, cả ngày quần quật dưới bếp chỉ có mình Trinh, tôi hỏi mẹ:

“Lan Anh đâu, sao không thấy nó phụ Trinh hả mẹ?”.

Mẹ cho biết Lan Anh đã đi làm từ sáng sớm. Tôi ngạc nhiên:

“Ủa! Lan Anh phải làm việc ngày thứ bảy sao?”

“Hồi trước tới giờ đâu có. Chắc bữa nay có chuyện gấp rút nên nó phải đi”.

Tôi thấy xót cho cô em dâu út nên phải vào bếp giúp vài chuyện lặt vặt, dù trong người cảm thấy uể oải sau bốn giờ đồng hồ ngồi trên phi cơ từ California sang đây.

Ngày hôm qua, thêm một cái đám giỗ nữa—của bà ngoại—cô dâu cả của mẹ tôi lại “Còn nhiều việc chưa xong nên phải đi làm Chúa nhật”. Nghe Lan Anh nói với Trinh như thế trong đầu tôi bỗng hiện ra một dấu hỏi to tướng, sao có sự trùng hợp ngộ nghĩnh vậy há! Tuần trước thứ bảy, tuần này Chúa nhật, cả hai lần đều nhằm vào ngày giỗ. Mấy bữa qua tôi bắt đầu để ý quan sát thì thấy Lan Anh luôn về đến nhà đúng ngay giờ cơm. Ăn cơm xong, cô ta ngồi tán hươu, tán vượn với Tích—cậu em trai út của tôi—cho đến khi Trinh rửa chén xong. Nếu không nói chuyện thì cô nàng ra chiều chăm sóc mẹ chồng “để con massage cho mẹ”. Thế là bàn tay có những ngón thon dài sơn móng đỏ chót của cô xoa hờ hững trên lưng mẹ tôi cho có lệ, còn cặp mắt thì dán dính vào chiếc TV sáu mươi hai inches. Thật là một chọn lựa khôn ngoan. Bởi vì, đó cũng là một công việc, nhưng nhẹ nhàng hơn rửa chén với bao nhiêu là nồi niêu, xoong chảo chất đầy bồn. Đã vậy lại còn được tiếng là nàng dâu hiếu thảo, vì bất cứ ai gọi điện thoại thăm, Lan Anh cũng được mẹ tôi tuyên dương, “Nhờ có vợ thằng Thành xoa bóp mỗi ngày mà dạo này tôi khỏe hẳn ra”. Không thấy mẹ tôi nhắc đến những bữa cơm tươm tất do Trinh nấu mỗi ngày với những món ăn mẹ ưa thích. Không thấy mẹ kể lể nỗi vất vả của cô dâu út khi phải xăn áo, vén quần, mệt nhoài người trong công việc tắm gội cho mẹ chồng. Tôi bất nhẫn trước sự bất công rất vô tư của mẹ.

Thật ra, ngay lần đầu Thành đưa Lan Anh về nhà để giới thiệu tôi đã không thích. Cô bạn gái được em trai tôi mô tả là xinh đẹp, khôn ngoan, vui vẻ, lịch thiệp, dưới mắt tôi chỉ là một con bé lanh chanh, đỏm dáng pha chút kiêu ngạo, biết cách lấy lòng người khác bằng lời ngon, tiếng ngọt, nhưng thiếu sự chân thành. Thêm những tiếp xúc, gần gũi khi Lan Anh đã trở thành vợ Thành thì tôi lại biết thêm một cá tính nữa của cô em dâu cả là coi trọng chủ nghĩa cá nhân, lúc nào cũng tìm cách lòn lách, né tránh công việc để nhàn hạ tấm thân mặc cho ai cực nhọc, và luôn chọn cho mình những gì tốt nhất, có lợi nhất trong sinh hoạt gia đình hằng ngày. Nhưng điều làm tôi mất thiện cảm với Lan Anh nhất là thái độ chê bai, xem thường Trinh và sự thân mật quá đáng với Tích. Chỉ sang Mỹ trước Trinh khoảng ba năm, nhưng lúc nào cô cũng lên giọng khinh khỉnh “mấy người Việt Nam mới qua Mỹ sau này sao mà quê mùa thấy ớn, nhất là dân dưới tỉnh”. Câu ám chỉ trắng trợn của Lan Anh khiến tôi nóng mặt. Cũng may là Thành lên tiếng kịp thời, nếu không tôi lại phải mang tiếng là bà chị chồng vừa ế, vừa già, vừa khó tính.

- Có đúng không đó? Sao anh thấy thím Út cũng ở tỉnh mà phong cách đâu thua hàng tiểu thơ.

- Cái gì?

Mắt Lan Anh trợn ngược như muốn nổ tung. Tôi cười nhẹ:

- Thành nói đúng. Trinh mà chịu ăn diện là ăn đứt thiên hạ. Nhưng cần gì bề ngoài, Trinh cứ giữ cái dáng vẻ đằm thắm, nết na như thế này, không những phái nam điên đảo mà cả phái nữ cũng phải mềm lòng. Không chừng lại có người ganh tỵ nữa đó.

- Chị Hai không nhớ sao? Mới nhìn thấy Trinh thì chú Út nhà mình đã mất hồn, mất vía, quýnh quáng gọi điện thoại về nói với mẹ, phải cưới gấp không thôi thằng khác cuỗm mất. Nghe chú em trầm trồ “chỉ nhìn cái dáng e ấp của con bé trong chiếc áo dài tha thướt với mái tóc buông dài, làn da trắng muốt và đôi mắt trong sáng ngây thơ là em chết đứng”, thì em biết thằng em mình bị trúng đạn rồi.

Lan Anh bĩu môi, dài giọng:

- Nếu biết Tích có ý định về Việt Nam cưới vợ, Lan Anh đã giới thiệu con nhỏ em họ ở Saigon vừa đẹp lại vừa “mô đen” hết ý. Bảo đảm Tích sẽ cưới ngay tức thì chứ không đợi về Mỹ rồi trở lộn qua đâu.

Tôi nghiêm mặt nhìn Lan Anh:

- Từ trước đến giờ chị vẫn nghe Lan Anh kể “ai cũng khen em nói chuyện có duyên”. Vậy bữa nay cái duyên của Lan Anh đi vắng rồi sao?

- Một không.

Tích nói xong nheo mắt nhìn Thành, hai anh em cười ha hả. Tôi thỏa dạ nhìn khuôn mặt sa sầm của Lan Anh. Trinh đứng trong bếp tự nãy giờ với vẻ thản nhiên, không lộ chút khó chịu khi nghe Lan Anh xa gần chê bai mình, giờ quay lại nhìn tôi với nụ cười tủm tỉm và ánh mắt biết ơn. Dù biết cô em dâu cả khá đau vì câu nói của mình nhưng tôi vẫn còn ấm ức với ý nghĩ, cú đá của mình vẫn còn nhẹ hều chưa thấm vào đâu!

Tôi bước xuống chân cầu thang ngay lúc Trinh vừa tắt nến trên bàn thờ. Khuôn mặt buồn bã, thẫn thờ của Trinh nói lên sự bất an trong tâm hồn. Thật ra, ngay từ lúc Trinh trở về một mình và nói rằng Tích muốn ở lại Việt Nam chơi thêm vài ngày tôi đã cảm thấy có điều gì đó không ổn. Một câu hỏi được đặt ra. Bà con ruột rà đâu còn ai ở đó. Tích chỉ là theo Trinh về thăm gia đình bên vợ, vậy Tích ở lại làm gì? Đến khi nghe Lan Anh nói với mẹ tôi: “Mẹ đừng lo, con có dặn nhỏ em họ đưa Tích đi chơi và chăm sóc Tích đàng hoàng”, thì lòng tôi nóng như lửa đốt. Không lẽ đây là một toan tính đã được sắp đặt, trong đó Lan Anh là người chủ động và Tích chỉ là một con nai tơ khờ khạo? Đã lo lắng tôi càng lo lắng hơn khi nhìn thấy sắc mặt ngày càng xanh xao, phờ phạc của Trinh.

- Tích có gọi điện thoại cho em không?

- Dạ không!

Tôi thở dài thất vọng:

- Thiệt tình... cái thằng...! Nó đang chơi trò gì đây? Chắc em biết?

Nhìn vẻ ấp a, ấp úng của Trinh tôi nghĩ có thể cô em dâu này đang giấu giếm chuyện gì nên nghiêm giọng:

- Em phải nói thật cho chị biết chuyện gì đang xảy ra. Cứ che đậy cho đến lúc quá muộn thì không cứu vãn được gì đâu.

Trinh nhìn tôi rồi ngồi phịch xuống sofa ôm mặt khóc. Có lẽ chuyện gì ghê gớm lắm đang xảy ra, chứ bấy lâu nay Trinh chẳng phải là người giỏi chịu đựng sao? Sau một hồi dỗ dành Trinh mới chịu thú thật với tôi:

- Thật ra em chỉ lo lắng chứ không biết gì, vì anh Tích nói sẽ kể cho em nghe sau. Nhưng tối hôm qua chị Lan Anh hỏi em, muốn có tiền để sửa lại căn nhà cũ kỹ của ba má và cho anh chị một số vốn làm ăn không? Chị nói, chỉ cần em đồng ý ly dị để anh Tích kết hôn giả với em của chị thì em sẽ có một số tiền lớn để giúp gia đình.

- Em nghĩ sao về đề nghị này?

Trinh lau nước mắt, nói với giọng nghẹn ngào:

- Đối với em tiền không quan trọng bằng hạnh phúc. Với lại, em đã từng nhìn thấy có biết bao nhiêu trường hợp tương tự đã xảy ra, mới đầu là giả nhưng sau này trở thành thiệt. Tiền bạc rồi cũng hết mà gia đình tan nát. Em muốn giúp ba má, nhưng bằng chính công sức của em chứ không phải đem chồng em ra bán.

Phải chăng đây là ý đồ lợi dụng Tích của Lan Anh? Số tiền cô em họ nào đó sẽ trả chưa chắc có. Đó chỉ là lời hứa suông, vì khi Tích đã sa vào mê hồn trận thì là đương nhiên mọi việc xảy ra sẽ theo ý của Lan Anh mà không cần tốn một xu. Hèn gì tôi cứ thấy Lan Anh và Tích thì thầm trò chuyện rất tâm đắc và thân mật đến nỗi có lần tôi sinh lòng nghi ngờ “không lẽ chị dâu, em chồng lại có quan hệ tình cảm bất chính”. Bây giờ tôi mới hiểu thâm ý của Lan Anh. Ghê gớm thay đứa em dâu tâm địa đầy rắn độc.

- Chị Hai ơi! Có khi nào anh Tích sẽ bỏ rơi em không?

Tôi ôm đầu Trinh trấn tỉnh:

- Đừng nghĩ bậy. Làm sao Tích có thể ngu ngốc đến nỗi bỏ rơi một người vợ tốt lành, hiền hậu như em.

Miệng tôi nói cứng mà lòng tôi rối bời trong nỗi bồn chồn, lo lắng. Lạy trời cho thằng em của tôi có đủ tỉnh táo, khôn ngoan để biết rằng, chỉ cần một phút mê muội, yếu lòng là nó sẽ vĩnh viễn mất đi cái hạnh phúc đích thật, quý giá đang có trong tay.

May mắn thay sự lo lắng của tôi và nỗi đau khổ của Trinh không kéo dài hơn sức chịu đựng. Vì ngay khi Tích từ Việt Nam trở về thì một trận cãi vã kịch liệt đã xảy ra giữa Tích và Lan Anh. Cả hai lôi nhau vào phòng xem phim kín mít, lời qua tiếng lại giữa tiếng nhạc xập xình—một cách để đánh lạc hướng những người trong gia đình. Tôi rất muốn đến gần, áp tai vào cánh cửa để lắng nghe những gì hai đứa đang nói với nhau hầu biết được sự thật, nhưng lại không muốn Trinh nhìn mình như nhìn một kẻ tò mò xấu tính, nên đành phải làm người lịch sự, xuống phòng khách đọc báo. Đôi mắt dán vào những dòng chữ chi chít nhưng đầu óc tôi lại hiện ra nhiều giả thuyết. Có phải chăng một chiếc bẫy vừa giăng ra, chưa kịp sập đã bị nạn nhân phác giác và chính sự phát giác kịp thời này khiến Tích nổi giận? Nhưng mục tiêu của cái bẫy là gì, tình hay tiền? Gần bên tôi, Trinh đang ngồi may, nhưng tâm trạng chắc chẳng khác gì tôi, nên tiếng máy đứt quãng, rời rạc chứ không rào rào như mọi ngày.

Chẳng bao lâu, Tích bước xuống nhà, trên khuôn mặt đỏ gay vẫn còn nguyên nét giận dữ. Tôi thắc mắc không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng khi thấy Tích bước tới, vòng tay ôm siết lấy Trinh, hôn lên đôi mắt nhòe lệ như một lời xin lỗi, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tạ ơn Trời, thằng em tôi đã thoát khỏi nạn tai trong đường tơ kẽ tóc.

Cho đến bây giờ, câu chuyện giữa Lan Anh và Tích vẫn còn là một bí mật. Nỗi thắc mắc vẫn ở trong lòng tôi nhưng không còn quan trọng nữa, chỉ cần biết Trinh và Tích hạnh phúc bên nhau tôi cũng đủ mãn nguyện. Điều khiến tôi bùi ngùi là sau cuộc xích mích giữa Tích và Lan Anh, vợ chồng Thành đã dọn ra riêng. Không biết tình cảm anh em có còn đậm đà gắn bó như ngày trước, hay bàn tay có những ngón thon dài sơn móng đỏ chót đã vạch thành một vết nứt, dù cạn, dù mờ nhưng cũng đã làm xót lòng nhau.