main billboard


Nhờ ơn trên độ trì, gia đình chúng tôi thoát được những gian nan khi chạy loạn, và lần này nhờ bức tượng Di Lặc mà chúng tôi được che chở, bình yên sống còn.

tuong-phat
Lúc đó vào khoảng năm 1945, một năm đầy loạn lạc, dân chúng chịu nhiều điêu linh, khổ sở. Xóm làng nhiều chỗ không được bình yên. Dân làng phải tìm cách tản cư lánh nạn. Gia đình tôi cũng không thoát khỏi hoàn cảnh đó. Ba má tôi phải mướn một chiếc ghe nhỏ đủ chở một gia đình có đến 10 người con để đi lánh nạn. Ba tôi là một công chức, sở làm còn đang làm việc, nên không thể đi cùng một lượt. Mọi việc tản cư đều do má tôi đảm đang lo cho chúng tôi. Các anh chị tôi cũng vừa khá lớn, biết phụ giúp má tôi làm các việc lặt vặt như giặt giũ, hái rau, quét nhà, nấu cơm, v.v… Má phải thu xếp gạo, muối, nước mắm, cá khô để làm thực phẩm cho cuộc hành trình. Mới đầu gia đình không muốn rời nhà quá xa, khó trở về nên chỉ rời làng Song Châu để đến Hòa Tịnh.

Nhờ có nhà bà con, má tôi đến đó tá túc. Nhưng rồi thấy nhà Cô Dượng cũng có vài gia đình đã đến đó ở nhờ; hơn nữa mới có vài tuần lễ, làng này lại lộn xộn, có tiếng súng về đêm nên má tôi lại rời nơi đây để đến Lộc Hòa ở nhà Bác. Vừa đi khỏi chỗ cũ chừng vài ngày thì nơi đó bị cháy chợ, nhà cửa phố xá bị bắn phá nhiều nơi. Dân chúng lại phải chạy lánh nạn. Cứ như vậy mà rất nhiều chỗ như Nha Mân, Sa Đéc, Bình Tiên… cứ mỗi nơi ghe chúng tôi đến ở tạm vài ngày rồi bỏ đi thì dân làng ở đó bị lộn xộn. Gia đình tôi coi như được thoát nạn. Không biết có phải là nhờ ơn trên phù hộ hay không!? Chiều nào má tôi cũng thắp hương cầu nguyện, trên bàn thờ chỗ nhà tạm dung và ở đầu mũi ghe nữa. Má tôi chọn mấy nhà bà con để xin ở tạm năm ba ngày, chờ tin tức của ba tôi.

Ba tôi lúc đó vẫn đi làm việc ở tại Vĩnh Long, vì là công chức nên không dám bỏ sở, sợ mất việc. Sau cùng các công chức đều được giải tán để về lo cho gia đình. Vợ con các ông tản lạc khắp nơi. Các ông bàn nhau mướn ghe vừa đi di tản vừa tìm gia đình. Các ông mua cả thúng hột vịt để làm món hột vịt luộc dầm nước mắm ăn cơm hằng ngày vì đâu biết nấu nướng gì. Tội nghiệp, ông nào ông nấy ốm nhom, kẻ bị bịnh, người ghẻ lở. Ba tôi kể lại rằng, trên đường đi ghe mỗi khi thấy máy bay trên trời thì vớt lục bình đội trên đầu để ngụy trang. Vừa đi các ông vừa hỏi thăm tin tức gia đình. Cũng may các bà nội trợ dẫn dắt gia đình lẩn quẩn các làng lân cận, chưa đi xa lắm.

Ba tôi gặp lại gia đình ở làng Bình Tiên nầy. Bây giờ má tôi mới thấy nhẹ lo. Hai người kể cho nhau nghe những khó khăn khi phải tự lo một mình. Ba nói: “Bọn đàn ông chúng tôi nấu cơm bữa sống bữa khê, đâu biết kho cá kho thịt gì, chỉ có hột vịt luộc chín dầm nước mắm là xong. Lúc tôi đi, nhà chỉ khóa cửa trước, cửa sau khép khít lại thôi, không biết sẽ ra sao nữa…”. Má tôi kể lại, lúc ở nhà Cô Dượng, mỗi khi nghe dân làng hô lên “Tây vô, Tây vô…” là má cùng mấy người tị nạn chung đều bỏ nhà chạy ra vườn măng cụt mà núp, mỗi người một gốc cây để che thân. Ba tôi kêu lên: “Trời ơi! Ở trong nhà kín đáo không núp, ra gốc cây ngồi làm bia cho súng đạn hay sao?” Má tôi trả lời: “Chớ sợ quá, thấy người ta chạy mình cũng chạy theo chớ biết làm gì hơn! Quýnh quá, tôi dẫn chị em nó chạy ra vườn mà bỏ quên con bé Út, nó cũng chạy theo vừa la vừa khóc: Còn em nữa, mấy anh chị ơi! Còn em nữa! Một đứa trong đám chạy loạn bồng nó chạy theo. Thật là sợ hết hồn! Chạy giặc khổ ơi là khổ!”

Tội nghiệp má tôi, một mình mà lo cho bầy con nheo nhóc, đứa lớn chừng 19 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi; không bị thiếu sót làm sao được! Có điều là ở miệt vườn, xa chợ mà đồ ăn không có nên mắc lắm, nhất là thịt cá; chỉ có tôm tép rẻ nên ai cũng chọn thứ rẻ tiền mà dùng. Sau này mới biết vì sao tôm tép rẻ (người ta đi vớt tôm tép theo mấy cái xác chết trôi sình nên rất nhiều). Rau cỏ thì hái quanh nhà, không khó kiếm. Ít lâu sau, Dì tôi hay gia đình tôi đang chạy giặc nên mướn người đem ghe xuống rước chúng tôi về Bình Tiên ở với dì.

Dì Sáu là chị ruột của má tôi. Dì có một người con cũng đang lánh nạn ở Sài Gòn. Thời loạn lạc không có xe cộ giao thông nên gia đình anh chị ấy không về được. Dì sống một mình trong căn nhà xưa ba gian hai chái. Dì có ít con nên rất thương yêu chúng tôi. Dì bảo ba má tôi cứ ở với dì chừng nào Vĩnh Long yên rồi mới được về. Tôi không nhớ rõ thời gian tá túc ở đó là bao lâu.

Một buổi trưa, ba tôi đang ngồi thổi ống tiêu dưới hiên nhà, bỗng có hai ông Tây và vài ba ông làng xã gì đó bước vào nhà, nói là xin đi thăm dân làng. Tôi nghĩ chắc là cốt để xét nhà mà thôi. Qua cách nói chuyện của mấy ông làng xã với hai ông Tây, ba tôi biết họ không thông thạo tiếng Tây, nên ông đứng ra trả lời thay cho gia đình và cho các ông làng xã luôn. Ba tôi nói là chúng tôi đi lánh nạn từ Vĩnh Long đến đây ở tạm. Họ nói với ba tôi: “Nếu ông và gia đình muốn về thì cũng không sao, Vĩnh Long đã yên rồi. Ngày mai ông ra làng, tôi cho ông cái giấy đi đường để trình cho đồn bót khi bị xét hỏi…”.

Trên đường về lại Vĩnh Long cũng gian nan lắm, mỗi đồn bót đều có xét hỏi và trình giấy. Ghe chúng tôi chèo qua mấy rào cản của bót, mùi hôi thúi nồng nặc của xác chết xông lên cả một khúc sông.

Về lại nhà ai nấy cũng mừng như thoát nạn. Gia đình chúng tôi được bình yên trong thời gian đó, nhờ ơn trên độ hộ, nhà bỏ trống cửa không khóa nhưng đồ đạc vẫn còn nguyên không mất mát gì, thật là may quá! Má tôi mừng nhất vì không phải mua sắm lại món gì. Còn cái biệt thự lầu bên cạnh, bị trưng dụng làm một đồn lính với nhiều quân dụng như xe cộ, chỗ sửa xe, chỗ truyền tin…. Mấy gia đình trong xóm đã về lại nhà từ lâu. Họ bảo rằng quanh vùng không còn nghe tiếng súng nữa, đỡ lo rồi. Chắc có lẽ là nhờ đồn lính bên cạnh nên được êm.
Một hôm có một ông lính bên đồn, mang tới một pho tượng bằng sành với 5 cậu bé con vây quanh trên mình, xin ba tôi cho gởi tạm, hôm nào rảnh sẽ tới mang đi. Vì nể người quân nhân ăn nói đàng hoàng đó, ba tôi đồng ý. Ba quan niệm rằng, nhờ có quân lính, dân chúng mới được an.

Nhìn lại pho tượng đẹp đẽ miệng cười toe toét kia, nửa giống ông Địa, nửa giống tượng Phật, mà nếu là Phật sao lại có tới 5 con? Ba tôi thắc mắc nên chờ ông bạn hàng xóm ghé chơi sẽ tâm tình, hỏi coi cho biết.

Đêm đó là một đêm sáng trăng, mấy chị em chúng tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau chơi đùa dưới trăng. Con gái thì chơi trò cút bắt, con trai thì chơi đá lon ngoài ngõ. Ông Mười hàng xóm thấy bọn trẻ vui trăng, cũng bước sang chơi, ngồi trò chuyện với ba tôi. Ba tôi kể chuyện về pho tượng, và hỏi ông Mười có biết pho tượng đó gọi là Ông gì không? Ba tôi dẫn ông vào xem pho tượng.
Chúng tôi cũng ngưng chơi, lót tót chạy theo nghe. Mấy đứa bạn bỏ đi về nhà. Thình lình có hai tiếng nổ ầm ngoài sân với ánh sáng lóe lên, và rồi mùi thuốc pháo chan hòa trong khói. Mọi người đều kinh hoàng, hai ông già cùng la lên: Tất cả nằm xuống!

Qua phút hãi hùng đó, chung quanh trở lại yên lặng như tờ, không còn nghe tiếng động nào nữa. Sáng hôm sau mọi người mới phát giác có hai lỗ trũng sâu ngoài sân bên cạnh cửa ngõ. Thì ra, có hai trái lựu đạn từ bên sông được ai đó ném qua, thay vì phá bên đồn lính lại rớt trúng sân nhà tôi, ngay chỗ mà lũ trẻ chúng tôi vui chơi hồi đêm. Bà con hàng xóm bu lại xem, ai cũng chắc lưỡi lắc đầu… Ông bà Mười nói với ba má tôi: “Ông bà có phước lắm! Hồi hôm tôi thấy mấy cháu và bọn trẻ vui chơi ngay chỗ này. Nhờ có bức tượng Phật Di Lặc với ngũ tử mà mọi người cùng vào xem nên tránh được nạn tai, nếu không thì nguy hiểm biết chừng nào”.

Nhờ ơn trên độ trì, gia đình chúng tôi thoát được những gian nan khi chạy loạn, và lần này nhờ bức tượng Di Lặc mà chúng tôi được che chở, bình yên sống còn. Quả thật, đây là một pho tượng Phật kỳ diệu đã cứu độ chúng sanh. Nam Mô Di Lặc Tôn Vương Phật. Nam Mô A Di Đà Phật.