main billboard

 

Thầy bà nào coi tuổi lại cho “mèo” “chuột” lấy nhau biểu sao bữa ni không kéo nhau ra tòa để bỏ ? Anh chồng tuổi Tý con chuột, bị chị vợ tuổi Mão con mèo ăn hiếp là phải rồi.

chuotvameo


Hình như đêm xuân nền trời đen hơn, trong hơn, thăm thẳm hơn, mặt trăng trở nên trắng như một khối mỡ đông. Thường vào những đêm trăng sáng thì sao mờ, song đêm nay những ngôi sao vẫn cứ sáng lấp lánh giống như mảnh vỡ thủy tinh rải đầy trời. Ngân hà trông như một dòng sữa nhạt loang từ đông sang tây. Đầu hôm có ngọn gió biển thổi vào đất liền mang theo hơi ấm, lúc đầu còn mạnh, sau yếu dần rồi ngừng. Lúc đó những nhánh lúa đẻ non sau mùa gặt đứng yên như những mũi tên nhọn hướng lên trời. Đến khuya gió từ núi Voi tràn xuống bìa rừng thổi nhẹ ra cánh đồng.

Hai người lầm lũi bước đi trên bờ ruộng nhấp nhô dấu chân trâu, dưới một vòm trời đầy xuân và đầy trăng sao, trong ngọn gió mơn man rất dễ chịu. Hai người không ngờ đêm nay, sau những giây phút căng thẳng nặng nề ở tòa án, họ lại có được giây phút nhẹ nhàng, đầu óc chẳng còn bận tâm điều gì. Họ cũng không ngờ giây phút này đang còn giữa cánh đồng Cọ. Họ cố đi nhanh cho kịp về nhà, nhưng không làm sao băng qua hết cánh đồng rộng mênh mông này. Nhất là chị Son mang guốc cao gót cả tấc làm sao đi nhanh trên con đường lồi lõm đầy dấu chân trâu? Tại sao lại có đôi guốc cao gót xuất hiện không phải lúc thế này ? Cũng có nguyên do của nó. Nội việc chị Son ra tòa li dị với chồng phải ăn mặc ra sao đã làm cho phụ nữ xã Cận Sơn phân hóa ra làm hai phái. Phái đầu chủ trương ăn mặc thật tồi tàn rách rưới để cho tòa… thương ! Phái thứ hai có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Họ buộc chị phải ăn mặc thật sang trọng, trang điểm cho ác vào để (nguyên văn) :“ Để cho thằng chả (tức là anh Mãn) vừa thèm, vừa tức lại vừa tiếc cho bỏ ghét” Phe này thuyết phục khéo hơn làm cho chị Son ngã theo xu hướng ăn diện làm đẹp, vì thế mà giờ này chị đang khổ vì đôi guốc cao gót. Đi một lúc, Son nói, nói một mình, giống cách nói chị thường dùng với người lạ : “Đi nhanh, mỏi quá, không theo kịp, ngồi lại nghỉ chân đã” Anh Mãn nói, tuy là nói với Son nhưng vẫn với cái gọng lạnh lùng không chút tình cảm : “Ráng đi cho kịp về nhà” Son không nói, âm thầm bước theo.

Sở dĩ xảy ra chuyện nữa đêm hai người còn ở giữa cánh đồng rộng mênh mông vì vụ án này tòa xử ráng, năm giờ rưỡi chiều tòa mới tuyên án. Tòa đã lên lịch hôm nay xử ba vụ dân sự, hai vụ kia rắc rối quá, cải cọ lung tung, tòa mất cả buổi mai với một nữa buổi chiều. Vụ ly hôn giữa Son với anh Mãn tòa đã lên lịch nên xử luôn. Đây là vụ án đơn giản tòa cố xử cho xong nên có sự muộn màng này. Xử xong hai người ra bến xe, nhưng không còn chiếc xe nào. Hai người tính đi xe ôm lại thấy không tiện. Trước đây vợ chồng ôm nhau ngồi chung một xe cho người ta chở là chuyện bình thường. Bây giờ pháp luật không cho phép hai người nam nữ ôm nhau nữa. Vì thế mà nữa đêm hai người còn phải lặn lội giữa đồng.

- Còn tới bảy cây số nữa mà bây giờ đã 10 giờ, chân đau quá, đi chân không đã đau, mang guốc lại còn đau hơn, đi không nổi nữa. Tìm thử có cái lều chăn vịt nào không ?

- Mùa này người ta đổ vịt ra chợ bán tết hết rồi, lều họ cũng dỡ. Có muốn ngủ thì nằm đại ở đây.

Son đau chân quá, nói càng :

- Ừ !

Mùa này cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Rạ đã khô và đổ xuống, mặt ruộng không còn ẩm thấp chỉ có rơm khô với một lớp cỏ gà, cỏ gấu trải ra êm lắm. Sau một ngày nắng gắt tất cả còn giữ hơi ấm rất dễ chịu. Cây hổ ngươi ở trên đồi tràn xuống ruộng nở ra những bông hoa tròn như hòn bi, êm như bông, một màu tím ngan ngát rất dễ thương nhưng lại đầy gai. Tối rồi hoa ngủ, lá ngủ, chỉ còn những chiếc gai nhọn là thức. Hai người tìm chỗ không có cây mắc cỡ ngồi xuống nghỉ chân. Chị Son mệt quá nằm xuống lớp rạ khô thơm mùi nắng, êm như nhung, than : “ Ôi đã quá !”

Anh Mãn cũng ngồi xuống tìm chỗ ngã lưng. Không hiểu vì sao trong giờ phút này anh thấy không tiện nằm cạnh Son. Son nằm bên này, anh chọn chỗ nằm bên kia bờ ruộng. Hai người nhìn lên một trời đầy trăng sao và nghe ngọn gió mang cả hương đồng cỏ nội thổi rời rợi bên tai. Lúc đó họ chẳng thấy tình cảm gì rõ rệt chẳng buồn, chẳng vui, không nghĩ tới tương lai, không quay về dĩ vãng…

Thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai ngồi nơi hàng ghế đầu trong phòng xử li hôn. Sau khi nghe hai đương sự khai tên tuổi xong, thầy bấm đốt tay, chắc lưỡi than :

- Thời buổi… thiệt tình…

Thầy bỏ lửng câu làm cho mấy người ngồi hàng ghế sau tò mò chồm lên hỏi :

-“ Thiệt tình” chi thầy Sáu ?

- Thầy bà nào coi tuổi lại cho “mèo” “chuột” lấy nhau biểu sao bữa ni không kéo nhau ra tòa để bỏ ? Anh chồng tuổi Tý con chuột, bị chị vợ tuổi Mão con mèo ăn hiếp là phải rồi.

Có tiếng ở hàng ghế sau :

- Trai gái thời buổi này yêu nhau thì kéo nhau chui vô bụi vô bờ “Ba mươi giây” đã xong. Cha mẹ nói chúng còn chẳng nghe huống hồ chi thầy với bà.

Thầy Sáu Đậu lại than :

- Bởi rứa mới ba bảy hai mươi mốt ngày kéo nhau ra tòa, nghe tòa phán xong chạy về nhà chia của. Đôi đũa cũng chia hai mỗi người một chiếc, thiệt chẳng ra làm sao, mới ngày nào thề non hẹn biển : Không có anh thì em chết, không có em anh cũng chết ! Ông bà mình đâu có rứa. Để bỏ nhau là chuyện vạn bất đắc dĩ mà cũng phải do lỗi của người vợ mới dám hạ “ly tờ” (Chồng viết giấy bỏ vợ, cho phép vợ đi lấy chồng khác). Lỗi của vợ phải là lỗi nặng, như không có con để nối dõi tông đường, có ác tật, hỗn hào với cha mẹ chồng, dâm ô… thì quan mới xét. Còn nếu vợ đang để tang bên họ nhà chồng, trước vợ chồng nghèo, sau giàu cũng không được phép rẩy (bỏ) vợ. Luật lệ thời xưa rõ ràng như thế chớ ai như bây giờ. Ngày nay thay đổi vợ chồng như thay áo. Nghĩ thiệt tình !

Kể từ ngày loài người sống tập hợp lại thành bầy đoàn, thành xã hội thì có chính quyền, chính quyền làm ra luật lệ. Luật lệ vốn yếu ớt, nó chỉ là tờ giấy, cho nên phải có kẻ đứng ra bảo vệ nó. Chính phủ lập ra cảnh sát công an, quân đội để bảo vệ luật pháp, bắt buộc mọi người phải tuân theo. Bản án li hôn giữa anh Mãn với chị Son là pháp luật của hai người. Đêm khuya thanh vắng ở chỗ đồng không mông quạnh, làm chi có cảnh sát công an. Trong trường hợp này cái bờ ruộng đầy vết chân trâu lồi lõm là kẻ bảo vệ công lý. Nó nằm chắn ngang người nam người nữ, nó còn là cái phòng tuyến khá vững chải ngăn kẻ xâm lăng. Lúc đầu hôm người bảo vệ pháp luật làm việc rất có hiệu lực. Hai người nam nữ nằm hai bên bờ ruộng không hề động đậy hó hé. Đây đúng là hai kẻ tự nguyện thi hành án với tinh thần rất tự giác, phục thiện, biết “Thượng tôn luật pháp” rất đáng khen ngợi.

Thế nhưng nữa khuya chị Son sợ ma. Cả đời người đàn bà này chưa bao giờ nằm ngủ ở ngoài đồng như đêm nay. Chim đêm, chuột đồng, dế và lũ ếch nhái ở cái ao mọc đầy sen súng tấu khúc nhạc đồng quê nghe bắt rợn cả người. Chị lại còn sợ rắn. Ban đêm mấy con rắn rồng đi tìm chuột phun phì phì. Có tiếng con nhái nào đó đã bị rắn nuốt hai chân chỉ còn cái miệng ở ngoài kêu eo éo nơi bờ cỏ mé ao.

Anh Mãn nằm bên kia bờ ruộng. Trời càng khuya gió càng lạnh. Anh co ro trở bên này, trở bên nọ vẫn không ấm lên tí nào. Xưa nay anh là người dở chịu lạnh. Anh nằm nghe chị động đậy cả đêm. Chị biết anh thao thức không ngủ yên. Anh nghĩ khi còn là vợ chồng mỗi khi lạnh lẽo ôm ấp vợ sung sướng biết bao nhiêu ! Chị cũng nhớ lại ngày trước khi còn là vợ chồng có sợ ma ôm anh thì bao nhiêu sợ hãi trốn biệt. Anh đánh tiếng trước :

- Chưa ngủ à ?

- Chưa, sợ ma sợ rắn quá !

- Sợ thì qua đây.

Chị bò qua. Kể từ giờ phút đó, cái bờ ruộng, người chấp hành viên thi hành án, anh lính biên phòng, vị giám sát quan, người bảo vệ công lý không làm tròn nhiệm vụ. Cái bờ ruộng giương cặp mắt già nua bất lực ra nhìn người ta lăn lộn trên cỏ, nói theo kiểu cách báo đài ngày nay là “chà đạp thô bạo” lên pháp luật. Than ôi và cũng tiếc thay cái bờ ruộng không được trang bị còng số 8 với súng lục K54 để thi hành nhiệm vụ nên đành nằm im một chỗ mà nhìn cặp nam nữ bất tuân pháp luật. Tính ra bản án ly hôn do bao nhiêu người, bao nhiêu công sức của tòa án, bao nhiêu giấy mực bút lục chỉ có hiệu lực từ chiều tới khuya thì bị hủy !

Kể từ 17 giờ 23 phút, khi bà thẩm phán đọc bản án ê a như thầy chùa tụng kinh tuyên bố chấp nhận ly hôn thì cả hai người bỗng nhiên hóa thành người xa lạ. Ôi kiện cáo bao nhiêu năm nay chỉ để được hóa thành “người xa lạ”. Sự lạ, người khác, không phải vợ chồng có nghĩa là trái cấm. Trái cấm bao giờ cũng ngọt ngào ! Phụ nữ chẳng khác gì quả chín, nhà mình có, không ăn, chợ bán đầy, không thèm, thế nhưng thấy quả chín vàng bên vườn nhà người lại thèm. Kết quả của việc li dị là hai vợ chồng hóa thành người lạ, hóa thành trái cây vườn người, xem thế mà lại có có cái mặt tích cực của nó. Nó làm hai người náo nức tò mò, muốn nếm trái cấm. Và từ lý do đó hạnh phúc ùa tới, tràn trề vỡ bờ khác hẳn mọi lần. Mọi lần thì chán chết, làm ăn lấy lệ, xong thì mạnh ai nấy ngủ. Lại thêm đêm nay trên cánh đồng mùa xuân dưới một trời đầy trăng sao và đầy xuân đẩy thêm cái chất lãng mạn, thơ mộng, cọng thêm cái chất hoang dã. Một đêm cực lạc thi vị và dữ dội !

Sáng ra hai người hổ ngươi không dám nhìn mặt nhau. Hóa ra pháp luật cũng có tác dụng to lớn. Nó làm cho hai người xấu hổ và cảm thấy giống như vừa phạm một tội ác tày trời. Đêm qua họ đã ngoại tình ăn nằm với “người lạ” với người khác, với vợ hay với chồng một kẻ nào đó !

Mặt trời lên cao. Mấy con chim chiền chiện bay vút lên gieo những tràng tiếng hót trong như pha lê xuống cánh đồng cỏ xuân mơn mởn. Chị còn muốn nằm ráng trong nỗi mệt mỏi nhè nhẹ êm đềm dễ chịu làm sao ! Anh thức chị dậy. Chị hé một con mắt hỏi :

- Dậy sớm làm gì ? Còn có mấy cây số mình đi nửa buổi thi tới nhà, nằm ngủ thêm tí nữa…

- Về chớ !

- Về làm gì sớm vậy ?

- Về sớm còn ra ủy ban đăng ký kết hôn lại !!!