Ánh nắng buổi sáng mùa hè chiếu qua cửa sổ rọi vào giường đánh thức Ông Rick dậy, ông kéo chăn đắp phủ lên mặt, nhắm nghiền hai mắt lại cố ngủ thêm một chút nữa, cũng không ngủ lại được, nằm ngọ nguậy trong chăn một lúc lâu, đành phải dậy thôi. Ông chậm chạp ngồi dậy, chậm chạp bỏ chân xuống giường tìm đôi dép. Con mèo Lucie đến cọ cọ cái bộ lông xơ xác của nó vào bàn chân nhăn nheo của ông, nó cất tiếng meo meo chào ông thức dậy. Cả mày và tao đều già rồi! Ông lầm nhầm trong miệng.
Ông làm vệ sinh qua loa, ông cũng chẳng nghĩ đến cạo râu nữa, râu mọc thêm ra có đến ba ngày rồi, ông có đi gặp ai, hoặc ai đến gặp ông đâu mà cần trau chuốt. Ông vào bếp tìm pha cho mình một chén cà phê bột quấy với nước sôi, rót sữa ra ăn một chén nhỏ cereal, thế là đủ cho bữa điểm tâm. Trưa nay sẽ có người đến giúp ông dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho ông. Nghĩ đến dọn dẹp, ông vội vàng đứng dậy ôm chồng giấy bừa bộn trên cái quầy bếp mang để trước mặt mình, ông tự nhủ ngày hôm nay mình phải đọc cho hết tất cả những lá thư trong đống giấy này. Mấy ngày hôm nay, những lá thư bỗng dưng bay vào hộp thư của ông còn nhiều hơn lá mùa thu rụng, mà tại sao chúng lại rủ nhau đến một lúc, kể cũng lạ thật.
Từ khi nghỉ hưu, ngoài mấy cái giấy đòi tiền nước, tiền rác và đám giấy quảng cáo tạp nhạp, ông rất ít nhận được thư từ của ai, ngay cả mấy cái thiệp chúc năm mới cũng càng ngày càng thưa vì ông ít gửi nên ít nhận.
Chồng thư trước mặt là một hiện tượng lạ lùng. Bây giờ đâu có ai viết thư tay nữa, tất cả liên lạc họ đều dùng điện thư. Ông bật cười, cái máy vi tính phủ đầy bụi trong phòng ngủ của ông bị bỏ quên từ ngày ông về hưu. Ông đã nhất định không dùng đến nó nữa thì làm sao họ liên lạc được. Chồng thư ông nhận được thì phần đông viết trên một tấm thiệp, và thiệp hay giấy viết thư thì cũng chỉ có vài chữ nhắn ông, tên, và địa chỉ người gửi để ông liên lạc. Có một lá thư làm ông cảm động nhất thì lại không cho ông biết địa chỉ người gửi. Ông bỏ riêng ra một chỗ và không đánh số lá thư này.
Thắm Nguyễn
Lá thư số 1
Con muốn biết cha có cùng một sở thích về âm nhạc như con không? Cha có thích bài hát…
Lá thư số 2
Con rất muốn tìm ra lý lịch của cha, dù cha chỉ là một người cha vắng mặt. Con muốn một ngày nào đó con đến gõ cửa nhà cha và cha con mình sẽ gặp nhau.
Lá thư số 3
Cha có thể cho con biết là con có bao nhiêu anh, chị, em không? Mẹ con đã qua đời, con không còn ai thân thuộc cả, con phải tìm đến cha.
Lá thư thứ 4
Chỉ có một tấm hình, sau bức hình ghi:
Ông thử nhìn xem tôi có giống ông chút nào không?
Lá thư thứ 5
Con sắp lập gia đình, con cần có một người cha trong ngày đám cưới của con.
Lá thư thứ 6
Cha có ngạc nhiên khi biết cha có một cô con gái lai Việt Nam không? Cha có muốn biết mặt con không?
Ông ngừng lại một lúc, ho một hơi, ông uống một ngụm cà phê, ông không muốn tiếp tục mở thư nữa. Ít ra còn gần 10 cái nữa. Những người viết những lá thư nầy cho biết, họ ở trong khoảng từ hai mươi đến ba mươi tuổi. Ba mươi năm trước ông mới có 38 tuổi.
Ông không lập gia đình, nhưng ông không yêu đương bừa bãi. Ông chọn sống độc thân vì công việc đòi hỏi ông phải đi đây đi đó, ông cũng có giao thiệp thân mật với một vài phụ nữ nhưng không có nghĩa là ông có tới hơn 10 đứa con cùng đi tìm ông sau mấy chục năm. Ông mỉm cười với cái ý nghĩ hơn 10 đứa con cùng rủ nhau đi tìm mình. Ông có phải là triệu phú đâu mà có người muốn đến chia của. Ngôi nhà ông đang ở tuy là của ông nhưng nó nhỏ và cũ kỹ, có đến cả hơn mười năm nay ông cũng chưa hề tu bổ lại. Vì độc thân nên ông cũng đã viết chúc thư là sẽ tặng cho họ Ðạo căn nhà này sau khi ông qua đời. Bây giờ bỗng dưng có cả hơn mười người trẻ đến gọi ông là bố. Ông có lục trong trí ra độ năm, sáu người phụ nữ thân nhất xem có người nào ông có cơ hội để lại cho họ giọt máu của mình không?
Ông không biết phải làm gì với những lá thư này? Vứt đi thì tội, vì họ khi gửi cho ông thì chắc là muốn ông trả lời. Ông đoán đây là trò đùa của một nhóm bạn với nhau, chúng mở điện thoại niên giám ra chọn đại một cái tên, mà chúng hy vọng là một ông lão nhà giàu, rồi cùng viết thư nhận ông là cha. Nhưng suy nghĩ một hồi, ông thấy mình đoán sai, vì địa chỉ trên những phong bì này không cùng một thành phố, thậm chí không cùng một tiểu bang nữa, có cái còn ở bên Anh gửi sang, mà người viết là một sinh viên đang du học, khai có bệnh thận di truyền và tin là ông đã truyền cho cô. Bệnh về thận thì đúng là của ông rồi, ông đang dở sống dở chết vì cái bệnh này đã trở nặng mấy năm gần đây. Bây giờ lại có người được thừa hưởng bệnh của mình thì cái khổ sẽ tăng gấp hai rồi.
Sau bao nhiêu thu xếp trên điện thư, điện thoại, phải mất gần sáu tháng, họ mới hẹn được gặp nhau trong một cuối tuần camping ở Lake Chelan, Washington. Không phải tất cả cùng đến được, có ba bà mẹ, trong đó có một bà mẹ có con sanh đôi, vắng mặt, nên chỉ còn lại tám người. Nếu họ cùng đến được cả thì tổng cộng sẽ là mười một bà mẹ và hai mươi đứa con. Họ là những phụ nữ muốn được làm mẹ nhưng không muốn làm vợ. Rất giản dị họ đi đến “Ngân Hàng Tinh Trùng” xin thụ thai và bây giờ họ đã có những đứa con cùng chung một cha.
Laura nhìn Carol và hai người mẹ nhìn hai đứa nhỏ của nhau. Thằng James và thằng Dick giống nhau quá. Chúng cùng có một mầu tóc và đặc biệt cái miệng cười.
Laura nói:
– James có cặp mắt của chị
Carol ngửa mặt cười:
– Thì cũng phải có cái giống mẹ chứ, thằng Dick hai má đầy vết tàn nhang đáng yêu kia không phải của mẹ cho thì của ai đấy?
Laura là một Nha Sĩ, 34 tuổi, một bà mẹ độc thân thành công và sống rất thoải mái, chị không hề có tư tưởng cần một người đàn ông trong đời sống mình. Chị có hò hẹn, có đi nghỉ mát, đi ăn, đi chơi và có ân ái với đàn ông, nhưng toàn là những quan hệ ngắn hạn. Chị thích độc lập, không muốn ràng buộc vào tình cảm lâu dài. Ðối với chị thật là chán ngấy khi cứ phải đi theo mà chiều chuộng một người đàn ông như một đứa trẻ hoặc phải phục dịch họ như một ông hoàng. Cái đó không có chị.
Carol là một phụ nữ có nhan sắc trên trung bình, chị là một Chuyên Viên Tiếp Thị cao cấp, công việc đòi hỏi chị đi xa thường xuyên, hàng năm chị đi làm việc ở các nước Á Châu nhiều hơn thời gian chị làm ở Mỹ, chị gặp gỡ những người đàn ông có học, thành công và mang quốc tịch khác nhau. Nhưng về một cách nhìn nào đó chị không thấy có người đàn ông nào đáng cho chị phải khâm phục. Họ kém chị hay chỉ ngang bằng chị là quá lắm rồi. Làm gì mà có người thông minh hơn và thành công nhanh như chị. Chị chọn ở độc thân hơn là lấy một người kém mình, nhưng chị vẫn muốn có một đứa con, chị muốn thưởng thức cái toàn vẹn của một người đàn bà, muốn hưởng cái hạnh phúc của tình mẹ con.
Ngoài Carol, Laura, còn có Joy, Teresa, Tina, Beth, Marie và Hiền. Tất cả tám người phụ nữ gặp nhau ngày hôm đó đều là những phụ nữ trí thức, tự lập, thành công trong xã hội. Họ muốn có kinh nghiệm sanh đẻ, muốn được làm mẹ nhưng không muốn lệ thuộc vào một người đàn ông, họ không muốn đổi Họ, cái Họ đã mang niềm hãnh diện cho mình.
Những đứa trẻ trên dưới 12 tuổi, bảy đứa con trai và năm đứa con gái. Có đứa bé nhất mới được 3 tuổi, là con của Hiền, con bé lai trông lại hóa ra đứa dễ yêu nhất trong đám, da nó mầu ngà ngà, tóc nó đen bóng trong khi hai con mắt thì trong veo, xanh biếc như nước biển. Bà mẹ trẻ Việt Nam này làm Tiếp Viên Hàng Không, rất hãnh diện về việc lựa chọn cho mình trong chức vụ Bà mẹ độc thân.
Ðám trẻ còn lại, đứa nào cũng mặt mũi rạng rỡ, thông minh và bằng cái mắt hay cái mũi, cái miệng, chúng giống nhau như con trong một gia đình.
Những người mẹ hẹn nhau mỗi năm gặp gỡ một lần để những đứa trẻ được gặp nhau. Họ hy vọng những đứa bé coi nhau như anh, chị, em. Hy vọng thế thôi. Làm sao mà biết được chúng bằng lòng chấp nhận nhau. Chúng có chung một cha nhưng chúng được nuôi dạy trong những gia đình và những hoàn cảnh khác nhau. Người cha chung không bao giờ xuất hiện, không có cả hình ảnh và tên, tuổi. Những bà mẹ thì nói về cha của chúng một cách không rõ rệt. Có đứa lớn hơn, đọc nhiều sách vở thì muốn nghĩ một cách huyền thoại là cha nó giống như những ông vua tận bên Trung Hoa, có mấy chục bà vợ, và mẹ nó là một trong những bà vợ đó. Có đứa đã hỏi mẹ nó là Ngày Father’s Day con gửi thư về đâu?
Con bé Rachel tám tuổi, thì cứ quấn lấy thằng Tom hơn nó ba tuổi. Hai đứa nhỏ này trông giống nhau nhiều nhất. Thằng Tom ra dáng một thằng anh lắm, nó cứ chạy theo Rachel đưa hết thức ăn cho em, lại đưa nước uống, cử chỉ của nó rất dịu dàng, thân mật như Rachel đã từng lớn lên cùng nó trong một nhà. Joy và Teresa, hai người mẹ nhìn nhau, họ đang cùng nghĩ trong đầu làm sao cho chúng nó gặp nhau thường hơn. Khó quá! Họ ở hai tiểu bang khác nhau, cách nhau 5 tiếng bay.
Sau buổi họp mặt đó họ không gặp lại nhau lần nào nữa, một phần vì họ ở cách xa nhau quá, một phần vì công việc của những người phụ nữ thành công này cuốn họ đi như gió, họ chỉ liên lạc với nhau trên khung hình của máy vi tính, thỉnh thoảng một cú điện thoại, họ cũng có gửi hình con cái cho nhau. Nhưng những đứa nhỏ lớn lên, chúng liên lạc với nhau rất thân, chúng liên lạc cả với những đứa không đến được ngày họp mặt đó, có đứa dịp hè còn xin mẹ cho đi gặp nhau nữa.
Thế mà đã hơn mười năm, mấy đứa bé cùng cha đã vào tuổi trưởng thành, càng lớn, chúng càng khao khát có một người cha và chúng rủ nhau đi tìm người cha chung.
Buổi chiều xuống nhanh quá! Một ngày lại đi qua, người đàn bà phụ dọn dẹp cho ông đã bỏ ra về từ lúc nào, có lẽ từ lúc ông đang thiu thiu giấc trên ghế. Ông cứ ngỡ mặt trời mới ở đầu ngọn thông, ông mới vừa ngồi nhìn cái bóng dài của cây thông cô đơn hắt xuống cái mảnh sân sau nhà, vừa đọc thư, thế mà nhìn ra cái bóng thông đã biến mất, chỉ để lại một cái quầng tròn tối sẩm ngay dưới chân nó. Bất giác ông đưa tay lên vuốt mặt mình, một bàn tay khô nhám vuốt lên khuôn mặt già nua. Ông đọc lại lá thư ông không đánh số, cái thư làm ông suy nghĩ nhiều nhất:
Thưa cha,
Suốt quãng đời niên thiếu của con, lúc nào con cũng mong ước một ngày nào đó, con sẽ nghe tiếng gõ cửa, và cha sẽ hiện ra ngay trước mặt con. Con soi gương và con hình dung ra khuôn mặt của cha lồng trong gương mặt con, vì con không giống mẹ một điểm nào.
Con hỏi mẹ về cha thì mẹ nói về cha rất mơ hồ, con không rõ mối tình của cha mẹ, con không nhìn thấy một hình ảnh nào của cha ở trong nhà, con không biết mẹ còn yêu cha không, vì con không thấy mẹ nhắc đến cha bao giờ. Nhưng con nghĩ là chắc cũng phải có một thời cha mẹ yêu nhau lắm, vì con là một dấu tích của tình yêu bằng xương bằng thịt.
Nhưng bây giờ con đã 25 tuổi, con đã tìm ra được cha của con: Người Hiến Tinh Dịch số 401 (Sperm Donor 401.) Một con số, một con số vô tri, vô cảm trên tờ giấy, con số không phải chịu trách nhiệm gì cho những đứa con nó sanh ra, con số không biết yêu thương gì cho những con số nhỏ được chia ra từ nó. Con số không biết có bao nhiêu con số nhỏ sẽ hoang mang đi tìm gốc rễ của mình. Người ta bỏ tiền vào ngân hàng khi lấy ra thì sẽ hao hụt, cha bỏ di giống của cha vào ngân hàng thì khi lấy ra nó sẽ sinh sôi nẩy nở ngoài dự tính của cha. Con không hiểu có bao giờ con cá nghĩ đến những con nòng nọc bơi vô định trong hồ nước; Có bao giờ cha nghĩ đến những hậu duệ của mình rồi sẽ đi đâu và về đâu? Con muốn biết cái cảm tưởng của cha, khi cha bước ra từ ngân hàng tinh dịch? Mà thôi, con chắc là cha không thể nào mà nhớ nổi việc mình làm cả ba mươi năm về trước.
Có một điều con muốn nói với cha, con sẽ không bao giờ làm cái việc như cha đã làm. Vì con muốn mỗi cái mầm sống con cho ra đời, con phải cho nó tất cả tình yêu thương của con. Con cho nó có cái tên người cha trên giấy khai sinh, một người cha bằng xương thịt biết săn sóc thương yêu nữa chứ không phải bằng một con số vô tình.
Con sẽ không bao giờ tìm đến gặp cha, nếu mãi mãi cha chỉ là một con số.
Ông úp lá thư lên khuôn mặt nhăn nheo của mình.
Lá thư không ký tên, không có địa chỉ người gửi.
TMT(Tháng 3/ 06)