Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói… rất tiếc”. Erich Segal
Kính dâng hương hồn dì Thiệp
Nì An, mai mốt mi làm dâu dì nghe, thằng Phúc tau dễ thương lắm.
Dì Thiệp vừa lấy cái quạt phe phẩy cho An mấy cái vừa nói. An quẹt những giọt mồ hôi hai bên thái dương, thở ra:
– Thôi dì ơi, làm dâu dì rồi mẹ chồng con dâu cãi nhau cả ngày.
– Không mô, tau thương mi buôn bán giỏi mà hiền lành nữa.
– Dì thương con mà chưa chắc con trai dì chịu cưới con.
Dì Thiệp trợn mắt:
– Giỡn hoài, thằng Phúc tau có hiếu lắm, tau nói chi hắn nghe nấy mà.
An lắc đầu:
– Dì nói miết mà con có thấy con trai dì ra răng mô, dì giấu kỹ quá mà.
Dì Thiệp cười cười:
– Ðược rồi, rứa hỉ, thằng Phúc tau học y khoa ngoài Huế, chuyến ni hắn về tau cho hai đứa gặp mặt hỉ?
Ở khu vực hàng ngũ cốc của chợ Tam Giác Ðà Nẵng, ai cũng gọi dì Thiệp là bà Thiệp điên, bà Thiệp khùng. Từ lúc An giã từ sách vở để theo bà chị họ – vốn từ kinh tế mới về – ra chợ tập buôn bán. Hàng của hai chị em sát bên cạnh hàng dì Thiệp. Chợ Tam Giác ở gần ga Ðà Nẵng, thuở ấy hàng ngũ cốc và đường, nhất là loại đường bát vàng sản xuất tại Quảng Nam bán chạy lắm. Bạn hàng đa số từ hướng bắc vào, nhiều nhất là Huế và các vùng gần đèo Hải Vân như Thừa Lưu, Hương Thủy, Ðá Bạc, Truồi… thỉnh thoảng cũng có một số từ Quảng Trị, Quảng Bình vào. Mặt hàng đậu, đường hầu như được vận chuyển bằng tàu lửa để dễ dàng tránh con mắt của thuế vụ. Chợ Tam Giác trở thành nguồn cung cấp đường bát cho đám bạn hàng hướng bắc vì chợ ở gần ga.
Mỗi buổi sáng sau khi dọn hàng cho mình xong, An thường chạy sang giúp dì Thiệp, thấy dì vất vả với những kiện hàng tổ bố, An không cách nào ngó lơ được.
Dì Thiệp người nhỏ nhắn, hơn năm mươi tuổi mà nét thanh xuân vẫn còn, nhất là khi chớp chớp đôi mắt tròn với hàng mi cong, dì rất hãnh diện là con gái đất Thần kinh.
– Dì Thiệp, chắc hồi còn trẻ dì đẹp lắm hả?
Dì Thiệp chớp chớp đôi mắt:
– Chớ răng, hồi nớ tau bốn đứa con rồi mà ra đường còn có nhiều người đi theo đó.
Cứ mỗi khi vui vui, nhắc lại quá khứ, dì Thiệp thường bắt đầu bằng… Ba con Dung… ông Quang tau …
An chưa bao giờ hình dung người đàn ông trong lòng dì như thế nào. Cứ nghe dì tơ tưởng suốt ngày, An tưởng dì góa chồng. Sau nhiều lần trò chuyện An mới biết đó là người đành đoạn dứt áo ra đi, để lại cho dì Thiệp sáu đứa con và… một khối u hoài. Người con gái lớn nhất của dì hơn An vài tuổi.
Thắm Nguyễn
– Mi biết không An, khi nớ tau sinh con Dung, con Hằng rồi ông Quang dắt bồ về nhà trước mặt tau. Có khi ông với con tê đi đâu chơi mất tiêu vài tháng, tau làm thư ký nuôi con, ông chẳng đoái hoài chi hết. Tau buồn, sinh bịnh luôn. Ông Quang ác rứa mà răng tau cứ thương hoài mới lạ chớ. Rứa rồi ổng đi ba đồng bảy đỗi, trở về tau đẻ thêm thằng Phúc, thằng Lộc. Trai có, gái có rứa mà ổng cũng bỏ tau đi nữa mi ơi.
An cười cười nhìn dì:
– Ðáng đời dì, ai biểu dì lụy vì tình, dì mê trai chi.
Dì Thiệp bực bội:
– Mô có, tau mô có mê trai. Ông Quang là chồng tau, có cưới có hỏi, chồng tau thì tau thương chớ. Cái con khốn nạn tê hắn có bùa mê, hắn dụ chồng tau chớ.
An vẫn tiếp tục chọc dì:
– Bùa chi mà bùa, tại dì không đủ bản lãnh để giữ chồng dì chớ, tại răng lại chửi người ta.
Dì Thiệp la làng:
– Răng không chửi, người ta có vợ con rồi mà hắn còn theo miết, cái thứ đàn bà mất nết, thứ khốn nạn…
Thế là từ tâm sự cho nhẹ cõi lòng. Dì Thiệp đâm ra nổi khùng, chửi bới người đàn bà cướp đi hạnh phúc của dì một cách không tiếc lời. Bởi rứa dì mới có tên bà Thiệp điên khùng.
– Mi biết không An, ổng đi một hai năm trở về là… tau có bầu tiếp đẻ ra con bé Lớn, bé Nhỏ đó!
Lần này An thật sự… nổi khùng theo dì:
– Mệt cho dì quá, bụng làm dạ chịu chớ than chi nữa.
Dì thiệp nhỏ giọng:
– Tụi bây mà biết chi, vợ chồng thì quen hơi quen mùi chớ. Nói như mi thì mắc mớ chi tau phải nuôi một bầy con khổ như ri.
Sau đó, dường như bị chạm vào nỗi đau. Dì Thiệp khóc hu … hu …
– Trời ơi là trời, răng tui khổ ri. Ông Quang ơi, ông đi mô mà để lại cho tui một bầy con như ri, làm răng tui lo cho nổi…
Ai nói chi thì nói, An vẫn cứ ngày ngày sang giúp dì dọn hàng và sẵn sàng nghe dì “trút bầu tâm sự”. Từ trong vô thức, An như cảm nhận được nỗi đớn đau, hiu quạnh đến tội nghiệp của dì.
Có khi An tự hỏi, không biết có sức mạnh từ nơi nào trong cái cơ thể gầy gò kia khiến dì Thiệp có thể chống chỏi được với bao nhiêu là khó khăn trong cuộc đời. Làm mẹ của sáu đứa con vào thời điểm sau năm 1975 thật không phải là điều đơn giản.
An biết hầu như những người phụ nữ trong chợ đều có cùng tình trạng không có chồng ở nhà. Ða số là vợ của sĩ quan chế độ cũ, hiện đang còn trong trại cải tạo. Một số là quả phụ, có số ít chồng vượt biên ra nước ngoài. Cái hàng đường nho nhỏ của chợ Tam Giác như là một tiểu xã hội, mà dân số chỉ toàn là phụ nữ và trẻ con. An cũng có một ông bồ đi cải tạo, mẹ An cũng là phụ nữ đảm đang với bầy con dại tám đứa, nhưng cái cô đơn và khó khăn của gia đình An còn có một chút le lói ánh sáng ở cuối đường. Mẹ con An nghĩ về Ba là nghĩ đến những tháng năm sum vầy hạnh phúc. Dì Mười có chồng vượt biên thì có những phút giây hy vọng cho ngày gia đình được đoàn tụ. Chị Mai góa phụ hai con vẫn còn có niềm vui khi bắt gặp vài ánh mắt theo đuổi. Dì Thiệp thì không bao giờ, sự đớn đau sau những tháng năm sống chung khiến dì Thiệp như một con chim bị trúng đạn, quằn quại và đầy âu lo, với gánh nặng trên đôi vai gầy guộc.
An thương dì Thiệp. An không cần biết điều gì đã xảy ra giữa hai người, An cũng không cần rõ lý do gì khiến người chồng, người cha “trai có, gái có” trong gia đình dì Thiệp cứ phải chạy theo một bóng hình khác. Có khi An lại nghĩ đến người đàn bà đã lôi kéo ông ra khỏi cái tổ ấm kia. An không tin là vì sắc đẹp, vì dì Thiệp cũng là một phụ nữ đẹp. An lại càng không nghĩ ông ta là một người vô tâm. Vì nếu ông là một người đàn ông bạc bẽo thì điều gì ở ông đã khiến cho dì Thiệp dù bị phụ rẫy vẫn mãi luyến lưu? Mà đặc biệt là cho giận “cái kẻ bạc tình” kia bao nhiêu đi nữa, điều đáng khâm phục nhất ở dì Thiệp mà An dần dần nhận ra là dì rất nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái. Mắt dì Thiệp sáng lên hãnh diện:
– Con Dung tau học Cao đẳng sư phạm, có bồ rồi. Con Hằng đậu Bách khoa Ðà Nẵng, hắn hiền lành dễ thương lắm; còn thằng Phúc mới vô Y khoa Huế. Mai mốt con tau ra trường kỹ sư, bác sĩ hết. Thằng cha hắn mà về đây, đừng có hòng lôi thôi.
Dì Thiệp hay khóc lắm, buôn bán ế ẩm, hàng hóa ứ đọng, sợ không đủ tiền đóng thuế, dì khóc đã đành. Bán đắt quá thu tiền không kịp, khóc. Trời mưa dầm, đường bị ướt, sợ lỗ lã, khóc. Có bữa nhìn vợ chồng chú Hùng hàng ngũ cốc chưng diện thiệt đẹp chở nhau đi ăn đám cưới, dì Thiệp… nhớ chồng, tủi thân cũng khóc.
Vào mùa nắng, hàng đường chợ Tam Giác nóng hầm hập, dì Thiệp như người bị “tẩu hỏa nhập ma”, dì lấy cọng rơm vàng thắt lại thành hình nộm con người đàn ông, đàn bà rồi đào lỗ chôn, miệng cứ lảm nhảm, “Tau chôn hết, tau chôn hết … cái thứ bội bạc, cả hai đứa bay luôn đồ ác nhơn thất đức … “Lúc đó nhìn khuôn mặt dì thật dễ sợ, đôi mắt như lạc vào cõi xa xăm, đồng bóng nào đó. An cứ kiếm chuyện hỏi thăm bậy bạ để dì khuây khỏa.
– An ơi, tau đau lắm. Khi mình hết lòng hết dạ về một người mà người ta chẳng màng tới. Cứ chạy theo một ảo ảnh khác, thiệt không có chi đau đớn bằng. Mi biết không An?
An làm sao mà biết được. An chỉ bằng tuổi con dì Thiệp, làm sao An hiểu được những cơn bão, những đợt sóng ngầm trong lòng dì Thiệp. An cứ lắng nghe như một sự chia sẻ ngấm ngầm.
Ông trời cũng nhìn thấy và bù cho dì Thiệp mấy người con thật ngoan. Thằng Lộc những ngày nghỉ học hay ra chợ phụ má dọn hàng, bán đắt, ế gì nó cũng là cái cớ để dì Thiệp trút những cơn nóng giận la mắng con, oan ức kiểu gì nó cũng không nói lại một tiếng. Nhiều buổi tối Lộc đạp xe ra chợ đón dì Thiệp về, người ta ai cũng mong muốn sau một ngày buôn bán là vội vàng trở về với mái ấm gia đình, dì Thiệp cứ rề rề, ngồi lại trên sạp hàng nói năng lải nhải, thằng Lộc vẫn lặng lẽ ngồi bên cạnh. Ðã có lần dì Thiệp nói với An, “Tau đi ngang qua nhà tê, thấy gia đình họ sum vầy hạnh phúc trong bữa cơm tối, tau tủi thân lắm, cho nên tau thà ra về khi đường phố ngủ yên hết rồi” … Chi mà khổ rứa, dì ơi!
Có hôm dì Thiệp ra chợ hơi trễ, dì lầm lì dọn hàng. An thấy lạ:
– Dì Thiệp, chuyện chi rứa?
– Có chi mô.
– Dì bịnh hả? Bịnh thì nghỉ một bữa đi, ham tiền quá, khổ thân.
Dì nổi quạu liền:
– Tau mà bịnh hả, gần chết tau cũng bò ra chợ mà chết chớ không ở nhà mô, phiền quá!
An giận dỗi:
– Hỏi thăm mà cũng bị la nữa, phiền hả? Phiền thì… ra cầu Trường Tiền nhảy xuống …
-oOo-
Một ngày sau.
– An, ba con Dung tau về đó.
An khai thác:
– Ổng ở mô về rứa dì?
Dì Thiệp trả lời nhát gừng:
– Sài Gòn
– Rứa… ông mô rồi?
– Tau đuổi ổng đi…
An tròn mắt:
– Trời đất, răng rứa, đuổi đi mô?
– Ði theo con khốn nạn tê chớ đi mô!
An thuyết phục dì:
– Dì ơi, ổng trở về là coi như đã biết lỗi rồi, chắc ổng nhớ dì với mấy đứa đó.
Dì trợn mắt:
– Hừ, tưởng tau không biết hả, cho ổng về nhà để ổng quơ hết đồ đem cho gái ăn hả.
An năn nỉ:
– Dì ơi, đàn ông tự ái, tự trọng ghê lắm, chắc bây chừ ổng hối hận rồi, dì cho ổng một cơ hội đi.
Dì Thiệp lắc đầu nguầy nguậy:
– Thôi tau sợ quá rồi, nhiều lần quá rồi. Ổng đã từng làm tau điên điên khùng khùng mi không thấy hả. Ðừng có hòng, tau không mắc mưu nữa đâu. Tau không muốn bị vấp té, u đầu sứt trán nhiều lần cũng tại một tảng đá, biết chưa?
An tâm lý:
– Rứa … dì không còn thương ổng nữa hả?
– Con ni, mi răng rắc rối rứa? Thương thì thương mà tha thứ thì không bao giờ nghe chưa? Không bao giờ …
An không biết mình rắc rối hay dì Thiệp rắc rối. Tại sao thương yêu da diết, con cái đùm đề mà không chịu tha thứ, không để… chuyện lớn hóa nhỏ… chuyện nhỏ hóa không được.
An tiếp tục lải nhải:
– Chán dì quá đi, ngày mô cũng… ông Quang ơi, ông Quang hỡi, dì cứ kêu réo miết, bây chừ ông Quang xuất hiện, dì đuổi ổng đi. Rứa lỡ như ổng chết mất từ lâu, dì thành người đàn bà góa chồng thì dì kêu réo ai, chờ đợi ai?
– Thà rằng ổng chết đi, sống mà hai lòng kiểu nớ là không được.
Sau đó dì ngập ngừng:
– Mà… mắc mớ chi tới mi?
– Con thấy lạ chớ, nè trong mấy chuyện dài tình cảm xã hội, trong xi nê, trong cải lương … Người ta yêu nhau cỡ như dì yêu chú Quang là… bất chấp, bỏ qua hết giai cấp địa vị; yêu nhau là… vượt biên giới cũng yêu.
Quân vương, hoàng tử mà yêu là giang sơn gấm vóc cũng không màng. Tiểu thơ, công chúa cũng đi yêu anh chàng bán than đó, còn… giới giang hồ hả … kẻ thù giết cha, khi yêu nhau cũng… cứ yêu rồi… dắt nhau đi biệt xứ. Yêu chi như dì, cứ ôm hận ngàn thu chi cho khổ, rứa thì làm răng mà nói là yêu được chớ?
Dì Thiệp ngạc nhiên khi nghe An thuyết trình một hồi về tình yêu, cái con nhỏ ngày thuờng ngó hiền lành mà cũng lý lẽ ghê.
An được nước tiếp tục:
– Dì yêu kiểu nớ là dì… ích kỷ quá rồi!
– Con ni hay ghê, dĩ nhiên yêu là ích kỷ rồi, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng chứ bộ tình yêu nhân loại, yêu chúng sanh mô mà mi biểu tau phải bao la với… bao bố.
An làm như bà cụ non:
– Chán ghê, yêu kiểu chi mà buộc người ta phải yêu lại, họ lỡ ham vui quá trớn ra đi rồi muốn trở về bến đò cũ cũng không còn chốn quay về.
Dường như thấy tranh luận với con bé bằng tuổi mình là chuốc thêm phiền não, dì Thiệp thở ra:
– Chuyện đời không đơn giản, không nên thơ như trong phim ảnh mô, không nói với mi nữa, con nít mà biết chi.
Vài ngày sau không nghe dì Thiệp nhắc nhở chi đến chuyện “con đò quay về bến xưa” An cứ tưởng mình làm quân sư đã có kết quả, một kết thúc có hậu. Ai ngờ đâu …
– Ổng đi rồi mi ơi …
An giật mình:
– Dì nói ai?
Dì thở dài:
– Ba con Dung chớ ai.
An nghi ngờ:
– Dì lại nói nặng nói nhẹ, chửi ổng chớ chi, phải không?
Im lặng một hồi…
– Không…
Tiếng “không” mới thốt ra thì giọt nước mắt cũng vừa ứa ra và lăn dài trên gò má dì Thiệp. An lặng lẽ ôm dì Thiệp, lòng xót xa. Cả ngày hôm đó An để ý, thấy dì Thiệp cứ ngơ ngác bâng khuâng. An cứ tự hỏi: Không biết tình yêu nó có mãnh lực gì mà khiến người ta sẵn sàng có những quyết định, vừa đau lòng mình vừa đau lòng người khác? Câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp.
-oOo-
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, hẳn nhiên có nhiều thay đổi không ngờ. Từ nửa vòng bên kia trái đất, một lần đi công tác trở về Ðà Nẵng. Phố biển đã trở nên xa lạ với An, cứ như An đang đi du lịch đến một nơi khác, không phải là nơi An đã được sinh ra, đã lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, đắng cay lẫn ngọt ngào.
Nhiều đường phố đã đổi tên, nhiều xây dựng mới, không thể nhận ra. Chợ Tam Giác thì đã giải tỏa, nay trở thành một công viên nhỏ. An đi qua đó nhiều lần, thật khó để gợi lại trong lòng An những kỷ niệm về những tháng ngày buôn bán ở đó.
Cho đến một hôm, tình cờ trong quán cà phê An gặp lại Hằng, con gái dì Thiệp, được biết dì Thiệp hiện rất yếu vì chứng tai biến mạch máu não. An dự định sẽ sắp xếp thì giờ đến thăm dì. Xem thử dì có còn nhớ những lần tâm sự, chia sẻ nỗi buồn thất tình với An năm xưa. An sẽ hỏi dì Thiệp: Nếu cho dì trở lại thuở 17, 18 tuổi có quyền chọn lựa lại người yêu, liệu dì có chọn chú Quang nữa không? Từ trong lòng An đã có sẵn câu trả lời.
Công tác bận rộn, An ra đi mà không nhớ để dành cho dì Thiệp một khoảng thời gian nào cả.
Một bữa đứa bạn thân gởi cho An tin nhắn “Phân Ưu: Cụ bà Nguyễn thị T… , thân mẫu của bạn Nguyễn thị Hằng đã từ trần ngày …”
Tính ra chỉ có hai tháng kể từ ngày An về Ðà Nẵng. Nỗi ân hận đã khiến An ray rứt mãi.
An từ từ nhớ lại từ khuôn mặt đến dáng đi của dì Thiệp, giọng nói khào khào, đôi mắt tròn hay khóc, hàng lông mi cong, nụ cười héo hắt, một vóc dáng nhỏ bé với sức chịu đựng vô hạn. An hỏi thăm mới biết, các con dì Thiệp đều đã công thành danh toại. Người đàn ông duy nhất mà dì yêu thương lẫn căm hận suốt một đời, cuối cùng đã trở về lại Ðà Nẵng nhưng không sống chung với dì trong những ngày cuối… cũng đã qua đời.
An bây giờ bằng tuổi dì Thiệp năm xưa, lòng vẫn hoài thắc mắc: Tình yêu có mãnh lực nào khiến người ta sẵn sàng chịu đau khổ trước những quyết định vừa làm đau lòng mình lẫn đau lòng người khác?
“Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.”
(Nguyen Du)
Dì Thiệp đã vĩnh viễn ra đi, mối tình sâu đậm của dì vẫn mãi là câu hỏi lớn trong lòng An. Những ngày hạnh phúc của đời dì không đếm đủ trên đầu ngón tay, sao lòng dì cứ mãi vấn vương.
Nếu chuyện kiếp trước kiếp sau có thật, An nguyện cầu cho dì ở cõi vĩnh hằng sẽ gặp lại người Dì đã từng yêu thương, vì An biết tận đáy lòng dì, đó là một tình yêu bất diệt.
NDAT