main billboard

Lời Giới Thiệu: 30 Tháng Tư mà người Việt yêu nước tưởng niệm hàng năm không chỉ là một ngày trong Tháng Tư đen tối ấy, mà chỉ là một ngày khởi đầu những bi khúc. Và, “Bi khúc hòa bình” của nhà văn Đặng Mai Lan cũng chỉ là một bi khúc mở đầu của những bi khúc khác để mãi 46 năm mà chẳng ai quên được những năm tháng sau đó.

Người đàn bà bước vào con ngõ với những bước chân dè dặt. Chiếc nón kết bằng những cọng cói vàng, đan khít dầy dặn. Ðỉnh nón nhọn như nón của người Mễ Tây Cơ ở những bộ lạc xưa. Vành nón rộng che khuất gương mặt. Chiếc áo vải xanh da trời với hàng cúc gài tréo một bên. Kiểu áo nửa Tàu nửa Việt mà phụ nữ Sài Gòn vẫn có nhiều người yêu thích. Quần đen dài chỉ qua khỏi mắt cá chân, để lộ đôi dép nhựa. Bà xách một cái giỏ cũng bằng loại nhựa mềm như dép. Nhìn bà, người ta nghĩ ngay đến một người Hoa trong Chợ Lớn. Tệ hơn nữa là một bà Tàu đi thu mua ve chai, đồ cũ. Không ai biết được đó là một người Việt Nam, một cô gái Hà thành thanh lịch thời chưa chia đôi đất nước.

Từ ngày cộng sản chiếm miền Nam, người trong xóm như nín thở, ru rú trong nhà. Nhất là những gia đình có thân nhân trong quân đội cũ. Châu cũng bị ảnh hưởng nặng nề với tâm tính đó, kể từ khi đứa con gái ở cách nhà cô vài căn bỗng dưng đến nhà xin trò chuyện với Châu. Một cô hàng xóm mà Châu chỉ lịch sự mỉm cười mỗi khi chạm mặt.

Trạc tuổi Châu, nhưng hình như cô gái này chẳng đi học và cũng không thấy làm gì. Ông bố cô ta là Liên Gia trưởng của khu xóm. Sau ngày 30/4, ông nghiễm nhiên trở thành Tổ trưởng tổ Dân Phố. Ông đi hết nhà này nhà kia kêu gọi đóng góp, họp hành.

Lần đầu tiên Châu trò chuyện với cô hàng xóm và câu chuyện thật lạ lùng, không tưởng. Ðất nước chúng ta đã thống nhất. Bây giờ là một khối đại đoàn kết. Bằng những bàn tay chúng ta có thể chung sức để xây dựng lại. Chúng ta có thể biến những cánh đồng trơ trụi vì chiến tranh trở nên xanh mướt, tươi tốt hoa màu. Ðào xới ao hồ, dẫn thuỷ nhập điền cho những vùng đất khô cạn mà không cần tới những máy móc. Xưa, cha ông chúng ta chỉ với con trâu, đâu cần tới máy cày mà lúa vẫn trổ đầy đồng. Lòng yêu nước, dũng cảm chúng ta sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn…

Buổi nói chuyện làm tim Châu như ngừng đập. Cô không biết cái đứa con gái quê mùa, chữ nghĩa chẳng bao nhiêu, nó học được ở đâu những lời lẽ như thế? Châu không biết mình sẽ phải làm gì, làm thế nào để xây dựng đất nước? Việc xây dựng đất nước đầu tiên sau ngày hết chiến tranh của một cô gái mười bảy tuổi là trốn luôn trong nhà, lọc lựa từng cuốn sách. Cuốn nào còn có thể giữ được, cuốn nào đem đốt hay bán ve chai. Xây dựng bằng những giọt nước mắt, giọt vắn, giọt dài.

Kể từ khi những chuyến xe Bắc-Nam được thông thương đi lại. Trong xóm vẫn xuất hiện những người lạ, họ vào xóm tìm thân nhân. Nhưng người đàn bà trước mắt Châu thật lạ lùng. Hình ảnh chưa bao giờ cô nhìn thấy, và cô càng ngạc nhiên hơn khi thấy bà tần ngần đứng trước cửa nhà mình.

 bi khuc hoa binh

  Bảo Huân

Má là người ra mở cửa cho người khách lạ. Họ ôm chầm lấy nhau, khi người đàn bà giở chiếc nón rộng vành ra khỏi đầu. Một khuôn mặt nâu nâu những vết nám, đôi mắt to đầy nét tinh anh, làn mũi thẳng. Nếu không có những chiếc răng hô làm vành môi bị nhô ra, làn da nam nám thì đó là một gương mặt đẹp của một phụ nữ đứng tuổi.

– Cô Tú đây sao? Trời ơi mừng quá!

Hai người đàn bà ôm nhau khóc.

Chị em Châu lẩn trốn vào phòng trong lén nhìn cảnh sum họp. Cô ruột của mình đó sao? Có lần Châu nghe kể, xưa cô là một cô gái xinh xắn. Khi dinh tê về thành tạm trú ở Nha Trang, một ông giáo sư nổi tiếng ở Nha Trang thời đó đã phải lòng cô. Nhưng cô đã yêu chú, một đảng viên sáng giá của Việt Minh, cô trở ra Hà Nội và ở luôn ngoài ấy cho tới bây giờ. Cô đẹp như thế nào, Châu chưa thể mường tượng ra. Nhưng Châu nghe nói có những người sống nơi vùng quê bão cát, bụi bặm, hay những người nghèo khổ quanh năm cạp bắp, họ có đôi mắt kèm nhem và thường bị hô răng. Cô Tú không như thế, cô chú thuộc tầng lớp trí thức. Con cái của họ đều là những người xuất sắc, du học bên Nga. Tuy nhiên, cả hai chị em Châu đều khóc khi nhìn thấy cô ruột của mình. Những giọt nước mắt không chảy ra từ lòng cảm động của thân tình máu mủ, hay cái nghèo nàn quê kệch của người thân, mà là một sự đối nghịch buồn thảm của đôi bờ. Châu khóc khi chở mẹ đến một ngôi nhà ở khu Lăng Cha Cả để thăm cô và những người em họ của mình. Một ngôi nhà có lẽ của một ông Tướng ông Tá nào đó. Trên bàn trong phòng khách vẫn còn những cuốn catalogue, những tạp chí Pháp, Mỹ mới toanh. Có lẽ chủ nhân không có thời gian đọc trước khi rời bỏ ngôi nhà.

Những giọt nước mắt thâm tình ấy lại chảy ra thêm một lần nữa khi người chị của má đến thăm. Không như bà cô, dì là một người đàn bà đẹp, cốt cách sang cả dù dì chỉ khoác trên người một bộ đồ đơn giản là chiếc sơ mi trắng, quần sa tanh đen.

Dì cùng người anh trai và cô em gái đi tập kết trước năm 1954, cả ba anh em đều là bác sĩ. Cung cách của bà dì không làm Châu ngại ngùng sợ sệt như bà cô bên nội. Có lẽ dì có gương mặt đẹp. Châu thấy dì đẹp không thua gì nữ diễn viên Mai Trâm trong phim “Chúng Tôi Muốn sống”.

Châu trầm trồ:

– Dì ơi, dì có làn da đẹp quá!

Dì nhìn Châu cười, nhưng giọng nói của dì như gáo nước lạnh tạt vào mặt hai chị em Châu.

– Con à, hầu như quanh năm dì ở trong rừng, ăn toàn khoai sắn, nhưng dì có lý tưởng, tinh thần tốt thì mới được thần thái như vậy.

Chị Chuyên lặng ngắt bỏ vô phòng. Những giọt nước mắt của một cô công chức lại lặng lẽ ứa ra. Chị khóc ngay khi thấy những vòng xích sắt của đoàn xe thiết giáp nghiến trên mặt đường. Chị khóc ròng rã mười ngày đi học tập. Châu không khóc như chị, lòng cô đầy những ưu tư nặng trĩu. Cô phải làm gì đây? Ði học tiếp hay ngưng, mà học cái gì trong cuộc đổi đời này. Chưa nghe chính quyền mới đề ra một chương trình giáo dục học đường. Họ chỉ đang kêu gọi mọi tầng lớp đi họp đi hành, học tập tư tưởng cách mạng.

Tất cả mọi mơ ước về một tương lai đều tan vỡ. Châu chưa tìm thấy một lối đi nào khác ngoài chuyện vượt biên hiện đang là một giấc mơ của bao người.

Qua tấm màn cửa, mắt hướng về con ngõ phía sau nhà. Châu nhìn thấy Nhã. Dáng xưa đã buồn giờ như mang nặng thêm nỗi u uất nặng nề. Nhìn chị bơ vơ thất thểu đến tội.

Châu bước nhanh ra cửa, loay hoay mở ống khoá. Cái cổng nhỏ vào nhà thường chỉ khép hờ giờ lúc nào cũng khoá kín. Trừ cái loa sáng chiều ra rả những bài hát chói tai, chữ nghĩa nghèo nàn, hay lời kêu gọi hội họp.

Tình hình an ninh xóm làng vẫn bình thường, chẳng trộm cắp lọc lừa, nhưng mọi người như co cụm lại với những diễn biến đang xảy ra chung quanh. Một quyền lực mơ hồ với những con mắt vô hình đang nhìn họ. Những con mắt ẩn nấp đâu đó làm họ sợ hãi.

Châu gọi khẽ:

– Chị Nhã!

Nhã đứng lại nhìn con bé.

– Vào đây chơi với em một lát.

– Chị nghe nhà có khách mà! Họ về hết chưa?

– Về hai hôm rồi chị!

Nhã nhìn xuống giỏ xách của mình. Nó chẳng có gì ngoài miếng thịt bạc nhạc mà cô đã xếp hàng chầu chực mua ở cửa hàng lương thực.

Nhã ngần ngừ và nói với vẻ hậm hực:

– Hay để chị về cất miếng thịt vào tủ lạnh. Mà thôi, kệ bà nó, ăn không được thì vứt. Quý báu gì!

Hai chị em ngồi bệt xuống thềm nhà. Nhã hỏi:

– Gặp lại người thân có vui không?

– Không vui, không buồn. Họ là những người trí thức, cuộc sống không đến nỗi nên chẳng cầu cạnh gì mình. Bên nội em thì không sao, nhưng mấy bà bên ngoại, nghe họ giảng “đạo đức cách mạng” nản lắm chị à!

– Rồi Châu tính sao? Ði học lại chứ?

– Em không biết, nhưng chắc là không rồi. Còn chị?

– Chắc cũng như em thôi. Nhưng em còn nhỏ, học gì cũng phải ráng cho xong trung học đi!

Nhã buồn bã:

– Chị học từng ấy đủ rồi. Em biết mà, cả năm nay chị tới giảng đường, nhưng có vô được chữ nào trong đầu đâu.

Chợt nhớ đến người em họ của Nhã, một anh lính bộ đội có gương mặt sạm xanh, song tính tình lúc nào cũng cười nói vui vẻ khi thấy Châu qua nhà tìm Nhã. Gã thanh niên đã có lần lên cơn run lẩy bẩy như người lên đồng bị ma quỷ nhập, vì chứng bệnh sốt rét tái phát, chứng bịnh từ những năm tháng rừng thiêng nước độc khi giẫm nát dãy Trường Sơn đi “diệt Mỹ cứu nước”. Hôm đưa hắn vào bệnh viện cứu cấp, Nhã cũng run rẩy không thua gì cậu em họ.

Châu cười thú vị:

– Chị mua được mấy thằng phỗng (1) cho anh Tuấn vậy?

– Không nhớ, nó muốn gì thì chị mua. Còn nhiều thứ đồ chơi khác, đâu phải chỉ có thằng phỗng. Chắc làm quà cho cả xóm cả làng ấy mà. Nghĩ cũng tội nghiệp. Kể ra thì gia đình em còn may mắn hơn chị. Chị không biết phải gánh cái gánh “giải phóng” này đến bao giờ. Ðang chờ cô con gái vào rước bà mẹ về. Không biết sao đây?

Nhã nhìn cái cờ đỏ loét treo trước cửa căn nhà đối diện. Có lẽ không được chủ nhà ưu ái. Chiếc cờ được mắc vào một cây tre cong queo, nó rũ xuống với hình dáng oặt oẹo thật tội nghiệp.

Nhã đứng lên:

– Thôi chị về, nhìn cái cờ chóng cả mặt!

Cầm chiếc quạt nan phe phẩy trong tay, vẻ mặt lúc nào cũng như chìm trong một nỗi lo âu, thắc thỏm. Bà Ðoàn giật mình khi thấy Nhã bước vào nhà.

– Có mua được gì ngon không chị?

– Dạ, người ta bán gì thì mình mua nấy!

Trả lời bà xong Nhã cảm thấy hối hận. Nhưng thực lòng cô không sao chịu nổi cung cách của bà cụ. Ngồi ăn bát cơm, khen miếng thịt, miếng rau nhưng bao giờ cũng chặc lưỡi thương xót “chúng nó” ngoài ấy, thiếu thốn trăm bề. Ðiều gì bà cũng phân bì so sánh. Lắm lúc Nhã nghĩ như bà muốn ôm hết những thứ có trong căn nhà này mang về ngoài ấy cho chúng nó, đám con cháu của bà.

Vì tình nghĩa ruột rà của bố Nhã ngày xưa, thêm lòng tử tế, mẹ đã giữ bà Ðoàn ở lại khi bà vào tìm thăm. Tuấn đưa bà vào và hắn cũng vừa quay về Bắc.

Thoạt đầu, Nhã cảm thấy khó chịu khi nhìn Tuấn. Có lúc cô nghĩ, có thể chính hắn đã đẩy những viên đạn ra khỏi nòng đại bác, những viên đạn đã xô Quân ngã xuống nơi một cánh rừng trên đường chuyển quân. Nhưng rồi với sự vui vẻ, thật thà, khi nhắc về những ngày chinh chiến cũ. Tuấn không một chút nào hãnh diện kiêu ngạo như Nhã đã từng nghe. Cái quá khứ đao binh Tuấn nhắc tới như một món nợ của cuộc đời. Món nợ không bao giờ trả hết. Lâu lâu lại quay về đe doạ hắn bằng những cơn sốt lạnh tái tím thịt da. Sự ác cảm nơi Nhã cũng nhạt dần.

Nay mai gì người chị của Tuấn sẽ vào đưa bà Ðoàn về nhà. Nhã chưa biết cô em họ, người goá phụ này như thế nào. Nhã mong cô mau vào, đưa bà mẹ về Bắc trả lại nếp sống của gia đình mình. Cái nếp sống thực sự chẳng còn gì sinh khí vui tươi. Nó bị thay đổi trong một thời gian quá ngắn mà Nhã chưa làm quen được với cái mới. Nỗi đau này chồng với nỗi đau khác.

Sau ngày ký hiệp định ngưng bắn. Người ta nói đến hoà bình, mơ mộng hoà bình. Thứ hoà bình được dàn dựng cho những người lính Mỹ buông bỏ vũ khí quay về đất nước của họ. Hoà bình, nhưng tiếng súng lại vang rền khốc liệt hơn bao giờ hết trên phân nửa lãnh thổ này.

Trên những tờ báo, hàng ngày đầy tin báo tử. Tin mới, tin cũ kèn cựa bên nhau như những ngôi mộ. Mộ này vừa mới lấp hôm qua, hôm nay đã phải đào thêm huyệt mới. Nghĩa trang không còn là một nơi chốn tĩnh lặng yên bình cho tử sĩ an nghỉ. Tiếng động của cuốc xẻng, tiếng khóc lóc than van hàng ngày, hàng giờ. Âm thanh của một tấu khúc bi thương vang vang từ thành phố đến thôn quê, hoà điệu cùng với chiến trường sục sôi đạn pháo.

Chiến tranh quá dài! người dân đã nghe quen với chuyện thắng thua. Mất hôm qua, lấy lại hôm nay. Chết chóc chỉ thấy nơi trận địa. Ðô thị vẫn yên bình, khăn áo đầy sắc màu tươi vui vẫn bay lượn giữa những vành khăn tang đen trắng. Nụ cười hay nước mắt, cuộc sống vẫn phải tiếp tục trôi đều.

Nhưng với Nhã, mọi nơi chốn ngay cả trường lớp quen thuộc của cô bỗng trở nên xa lạ, hoang vu. Ðời sống, nhịp sống như thuộc về một cõi nhân gian nào khác. Cô ngơ ngác như người mất phương hướng. Chưa tìm lại sự cân bằng để đi về phía trước thì cái ngày tang thương lại đến. Không phải Nhã chỉ mất một tình yêu, một đời hoa mộng tươi vui mà cả một giang sơn. Dù thế nào, tất cả đã không còn.

Bộ quân phục treo trong tủ kiếng của anh Nhân, người anh trai đã đi “cải tạo” và không biết hiện đang ở đâu, cũng chẳng biết bao giờ trở về. Khi nhìn thấy bộ quân phục của anh, Nhã lại nhớ Quân. Bộ đồ như một chiếc chìa khoá mở ra những hồi ức, cất giấu. Cô thường tìm lại quá khứ đời mình trong một chiếc hộp vuông mà cô cất giữ như tài sản quý báu một đời người, của một người đã chết.

Châu vứt hết tất cả những gì của chế độ cũ, nhưng Nhã thì nhất tâm giữ lại bộ đồ lính của Nhân, bộ đồ ngày anh buông súng trở về nhà. Kỷ niệm một phần đời oai hùng cao cả, và theo một cách nào đó Nhã cũng đã sống cùng, kề cận.

Nếu có một lá cờ nào trong nhà Nhã cũng sẽ giữ lại. Mẹ không vui, bà cho rằng Nhã ương ngạnh. Cứ thế chả sống yên với chế độ này. Mãi sau này bà mới thấy con gái mình có lý. Những bộ đồ lính bị vứt bỏ trên đường, bị những bước chân vội vã, giẫm lên một cách nhẫn tâm vào một buổi chiều, bây giờ lại là những thứ quý giá. Bởi vì nó dầy dặn, bền bỉ, người ta mua về để mặc vì chẳng còn vải vóc. Hàng hoá nào trong Nam cũng đều có giá, được tận tình tìm mua. Người Sài Gòn mua đi bán lại cho những người khốn khó từ Bắc vô Nam. Những con người ngơ ngác, tròn mắt trước một cuộc sống sung túc no ấm nơi một vùng đất mà họ đã được mang cái vinh dự là đi giải phóng.

Vẫn có gì đó làm Nhã khó chịu khi ngồi trò chuyện với người em họ. Cung cách hiền lành, ăn nói dịu dàng lễ phép của cô không chinh phục được Nhã. Một điều vâng, một điều dạ và xin khiến Nhã mệt mỏi. Có cần phải khách sáo đến thế không? Trước người goá phụ trẻ này, Nhã trở thành một đứa con gái bỗ bã, lạnh lùng. Một đôi lần Nhã cảm thấy hối hận, nhưng cô không kiểm soát được tình cảm của mình.

Buổi trưa yên ắng, cái loa xóm cũng biết tôn trọng những giấc trưa. Hình như mình cũng đã quen với những rôm rả hàng ngày. Sự yên lặng trưa nay, khiến Nhã buồn. Nỗi buồn lại lướt trên bộ quân phục của Nhân. Bao giờ gia đình mới được tin anh. Anh ở đâu?

Nhã ứa nước mắt khi nghĩ đến Quân. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng cái chết có phải là một ân sủng giải thoát anh ra khỏi miền đất bất hạnh này? Chắc gì anh đã yên thân nếu như còn sống sót. Như Nhân, như bao người lính khác.

– Cháu à, ngày còn bác trai, bác luôn nhắc về bố cháu với những kỷ niệm đẹp. Ðàn bà con gái cũng nên có chút trang sức cho bằng chị bằng em. Cháu cứ giữ đi, không đáng bao nhiêu đâu, bác cho làm kỷ niệm.

– Thôi bác à, cháu không dám nhận. Cháu nào có đi đâu, đến đâu mà phải cần đến những thứ này.

Ðang nằm lơ mơ lan man nghĩ tưởng, Nhã ngồi bật dậy. Mẹ lại cho gì nữa đây, những gì bố để lại không biết hai mẹ con sẽ sống được bao lâu. Anh Nhân thì đã tù đày. Một mình Nhã, cô chưa biết làm gì ra tiền để tồn tại trong cuộc đổi thay này. Vô lý quá!

Nhã đặt chiếc dây chuyền bằng inox được đúc kết lại bằng những hạt tròn như cườm với tấm thẻ bài sắc bóng lên mặt bàn.

– Chị Thuý, chị có muốn cái dây này không? Thứ quý báu nhất của đời tôi, tặng luôn chị đây.

Sáu con mắt đổ dồn về phía Nhã. Không khí đông lạnh, sững sờ tê buốt.

Ngay cả Nhã, lòng cô như một chảo dầu hừng hực sôi trên bếp lửa. Cô vừa mở tung một cánh cửa cho những ngọn gió lạnh buốt căm hờn tràn vào nhà. Nhưng cô cũng đang lảo đảo, run rẩy như muốn quỵ ngã.

Sau những cảm xúc nghẹn cứng, đông đặc. Người goá phụ nức nở:

– Chị Nhã, em hiểu nỗi đau của chị. Nhưng em nào có khác gì chị đâu. Chị còn may mắn hơn em, còn có một nấm mồ viếng thăm, hương khói. Nhưng chồng em, em nào biết xác thân anh giờ vùi dập nơi nào? Chúng ta là người một nhà. Hoà bình thống nhất rồi sẽ không còn ai chết. Mọi thứ cũng sẽ được lập lại trong sự bình đẳng. Sẽ không còn thù hận. Chúng ta là những nạn nhân của chiến tranh…

Những chữ thù hận, bình đẳng mà Thuý vừa thốt ra chận đứng những giọt nước mắt ăn năn mới vừa ứa ra từ đôi mắt Nhã.

Nhã hét lên:

– Bình đẳng à, chẳng phải người của chị đang trả thù sao? Các người chỉ lường gạt. Các người hèn hạ, dối trá. Anh Nhân tôi đâu? Mấy tháng rồi, sao chẳng ai có tin tức.

– Nhã, quá quắt vừa thôi!

Khi nghe mẹ quát lên, Nhã chụp lấy tấm thẻ bài lao ra cửa. Kỷ vật của người lính tử trận mà phải bằng những giọt nước mắt van lơn Nhã mới xin gia đình anh cho cô được cất giữ. Với Nhã, nó quý hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Châu mở cửa, đứa con gái sững sờ khi nhìn bộ dạng của Nhã. Gương mặt chị tái xanh, run rẩy. Nhìn bàn tay nắm chặt của chị, lấp ló một sợi dây chuyền màu bạc. Châu không biết chuyện gì vừa xảy ra với chị.

Châu ôm vai Nhã:

– Chị vào nhà ngồi đã. Ðể em đi rót nước.

Châu vào bếp, dù chưa hiểu chuyện gì nhưng nước mắt cô cũng ứa ra. Hoà Bình rồi sao chúng ta chưa thấy được một ngày vui. Sao chị khóc hoài vậy chị Nhã?

                                                                                                                                        ĐML

                                                                                                                                        (1) những con búp bê bằng nhựa.