Trung tuần tháng Mười, thời tiết North Dakota đi vào giữa mùa Thu. Hôm nay trời lộng gió, lá vàng bay lả tả ngoài đường, và không khí về chiều se lạnh. Cả buổi chiều tôi làm việc mà lòng bồn chồn đứng ngồi không yên vì cha mẹ từ trại tỵ nạn Ðồn Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas bay đến Bismarck lúc ba giờ chiều. Ðúng năm giờ, tôi liệng ngòi bút lên bàn giấy rồi chạy vội về nhà, mong gặp mẹ sớm; tôi xa mẹ đã gần sáu tháng nay rồi. Trong nhà, ba em Bình, Lâm và Trọng ngồi xếp ve mỗi đứa một góc và nhìn tôi với ánh mắt lo âu. Mẹ và Quỳnh Châu nấu nướng sau nhà bếp, cha mặt hầm hầm đi lui đi tới trong phòng khách. Tôi rụt rè chào,
“Thưa cha mới tới.”
“Cha con chi với mi? Mi tới đây thì họ đạo mấy trăm người kèn trống ra phi trường đón rước, còn cha mẹ mi tới thì chỉ có thằng Gardner với con Châu ra đón như vợ chồng thằng ăn mày. Anh em mi không đứa mô thèm ló mặt, coi tau là đồ bỏ hay răng?”
Tôi hiểu ra lý do khiến cha giận dữ. Lúc mới tới Bismarck và được họ đạo nhà thờ Ba ngôi Lutheran tiếp đón nồng hậu, tôi vui mừng viết thư vào trại Ðồn Chaffee kể hết ngọn ngành để mẹ mừng mấy đứa con thương yêu của mẹ đã định cư an lành nơi xứ người, quên mất rằng dưới mắt cha tôi là thằng con “bất hiếu bất mục” ở Sài Gòn bỏ cha mẹ ra đi trước. Tôi hối hận đã tạo cơ hội cho cha ganh tị trách mắng, nhưng gắng gượng giải thích,
“Cha mẹ đến buổi chiều, bên nhà thờ ai cũng phải đi làm. Mấy đứa nhà mình đi học ba giờ rưỡi chiều mới về. Con đang tập sự, gọi là ‘thời kỳ thử thách,’ không thể bỏ sở mà đi. Thằng Sang cũng bận đi làm bây giờ chưa về.”
Thực ra tôi biết thằng Sang ra ba (bar) uống bia với bạn và cố tình về trễ để khỏi gặp cha ngay. Ngày ở Tuy Hòa, nó hay bị cha kiếm cớ đánh đập tàn nhẫn đến độ mẹ xót con chịu không nổi phải gửi nó vào Sài Gòn ở với tôi. Tôi ra bếp chào mẹ, nhưng mẹ mắc làm cơm tối cho cha ăn và đi ngủ sớm, và xua tay bảo tôi đi lên nhà trên. Giống như ngày nào, cha ăn riêng một mâm một cỗ, Lâm và Trọng túc trực để cha sai vặt và thỉnh thoảng bị mắng vì không làm đúng ý cha. Tôi ngồi xớ rớ trong phòng khách để lỡ cha gọi tới. Cha chậm rãi thưởng thức bữa cơm Việt Nam mẹ nấu, uống nước trà, và lấy tăm xỉa răng rồi chửi trổng,
“Con tau là con quỷ con yêu. Cha hắn một đời đem xương máu nuôi hắn ăn học để chừ hắn giam cha mẹ nằm dưới hầm như ri. Trời ơi là trời!”
Cha trút cơn thịnh nộ lên đầu tôi vì ông Gardner và họ đạo bảo trợ sắp đặt cho cha mẹ ở dưới tầng hầm. Tầng này là một apartment riêng biệt có phòng ngủ, phòng tắm, bếp nấu ăn, và lối đi riêng ra bên ngoài. Cách xếp đặt theo nếp sống Mỹ khiến cha thấy bị xúc phạm vì từ trước đến nay cha luôn luôn chiếm căn phòng lớn nhất và sống tự do một mình một cõi ở nhà trên, mặc mẹ và anh em tôi chui rúc dưới nhà sau chật hẹp tù túng. Mắng mỏ chán chê, cha đứng dậy ho khan và khạc nhổ một hồi rồi vùng vằng đi xuống hầm. Bấy giờ mới đến lượt chúng tôi ngồi vào bàn ăn, và mẹ mới rảnh tay nhìn rõ mấy đứa con. Mẹ khóc vuốt mặt tôi,
“Ai ăn đồ Mỹ cũng béo trắng ra mà răng mi cứ doi doi (không mập không ốm) rứa?”
Tôi thương mẹ ứa nước mắt. Cả nhà vừa ăn cơm vừa sung sướng nói chuyện lung tung, thỉnh thoảng mẹ nhắc, “Nói dỏ dỏ (nho nhỏ) thôi, để ‘ông già’ mi ngủ.” Sau nửa đêm mẹ nhìn đồng hồ giục tôi, “Chết cha, mi đi ngủ để mai đi làm,” và vào phòng Bình ngủ chung với em. Trong căn phòng nhỏ nhất nhà, hai mẹ con ngủ trên chiếc giường đơn một người nằm vì cha giữ độc quyền phòng ngủ dưới hầm.
Bảo Huân
Tuần lễ kế tiếp, cha kê ra các chuyện tôi làm ngày mới đến và đòi phải làm giống y như thế. Thí dụ, tôi được mời lên bục giảng nhà thờ nói vài lời trong buổi lễ sáng Chủ Nhật, và được tờ Bismarck Tribune (Bismarck Diễn đàn) phỏng vấn. Cha vênh mặt,
“Mi là thằng kỹ sư quèn mà được trọng vọng như rứa, huống chi tau đã từng giữ chức vụ tối quan trọng, coi toàn một tỉnh, và chỉ huy hàng ngàn thằng lính. Thằng thống đốc (tiểu bang) ở đây ăn thua chi.”
Cha viết bằng tiếng Việt bài diễn văn đọc ở nhà thờ và bản trả lời cho các câu hỏi mà cha đoán chừng sẽ được hỏi trong cuộc phỏng vấn, và biểu tôi dịch ra tiếng Anh. Cha đọc bản dịch, bắt bẻ từng chữ, và chê tôi dịch “sai bét sai be.” Cha chê thì chê, tôi “Dạ, dạ” mà không giải thích, cãi lại, hay thay đổi một chữ nào. Cha được thể lên mặt,
“Tau biết mà, bọn kỹ sư mi chữ nghĩa được mấy mô. Làm răng bằng tau học tiếng Anh từ khi mi học tiểu học, đi Mỹ du học hai lần, và nói chuyện hằng ngày với mấy thằng cố vấn Mỹ?”
Trong buổi lễ nhà thờ, cha đọc diễn văn với giọng Pháp pha lẫn âm Quảng Bình nên không ai hiểu. Một bà ngồi cạnh tôi quay sang hỏi, “Ông ấy là cha anh, phải không? Ông ấy nói gì vậy?” Cuộc phỏng vấn với tờ báo cũng không suôn sẻ. Cô ký giả hỏi một đằng, cha không hiểu bèn làm bộ cười cười và cầm bản trả lời đọc một nẻo. Hai bên không ai hiểu ai, nhưng sau đó cha khoe mình,
“Chữ tau nói, con Mỹ béo nớ phải về nhà tra tự điển mới hiểu nổi.”
Ðể chuẩn bị kiếm việc làm, cha dùng bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) của tôi làm mẫu, thảo bằng tiếng Việt giặm thêm tiếng Pháp, và biểu tôi -viết lại bằng tiếng Anh. Mặc dù cha không tiếc lời chỉ trích chê bai bản tóm lược tôi soạn, tôi không buồn lòng vì nhờ đó tôi biết sơ lược về chuyện học hành và làm việc của cha thời niên thiếu, một quá khứ bí ẩn cha chưa hề tiết lộ với ai trong gia đình.
Trong 15, 16 năm đầu đời của tôi, mỗi năm cha về nhà (nơi mẹ và anh em tôi sống) một lần; lần nào cũng gieo rắc kinh hoàng khủng khiếp. Cha chỉ tử tế với mẹ được vài tiếng đồng hồ. Sau bữa cơm chiều, cha trổ ngón nã tiền với bài bản quen thuộc: Trước tiên, năn nỉ mẹ đưa tiền để trang trải nợ nần vì “lỡ thua” bạc, nếu không chủ nợ sẽ kiện cho mất chức và có thể vào tù. Dễ dầu gì mà mẹ xùy đồng tiền mồ hôi nước mắt chắt chiu dành dụm cho đàn con dại sống còn đến ngày mai. Cha bèn nổi cơn đập phá các thứ đồ dùng trong nhà rồi thượng cẳng tay hạ cẳng chân, mẹ chạy trốn và ẩn nấp khắp các xó xỉnh, và khi tìm ra cha cầm súng lục lên đạn răng rắc kê vào đầu mẹ dọa bắn. Mẹ sợ chết đi để con bơ vơ, đành bằng lòng với một đọi (tô) nước mắt. Ẵm được tiền, cha lại đàng hoàng nhỏ nhẹ với mẹ một đêm trước khi ra đi, để lại sau lưng căn nhà tan hoang.
Về sau, cha mẹ và các con ở chung. Cha làm chức vụ cao hơn, lương tiền và bổng lộc khá hơn, nhưng máu mê cờ bạc nhiễm vào các thớ thịt sâu hơn và cha dễ bị các con bạc khác bịp hơn. Trước khi cha đi đánh bài, mẹ thường hay hờn mát,
“Thôi ôông ơi, ngồi đánh bài làm chi cho đau lưng mỏi cổ? Ôông lấy cái khay để tiền lên và quỳ xuống dưng cho hắn có phải có ơn hơn không?”
Cha cũng ra tay đập vỡ đồ đạc, khủng bố gia đình, và nã tiền mẹ thường xuyên hơn. Nhiều lần, tối hôm trước anh em tôi ngủ trong nhà mình, sáng ra nhà thành ra nhà người khác vì đêm qua cha về nhà gí súng vào đầu mẹ buộc phải ký văn tự bán nhà. Ngày nay, trên đường đi tỵ nạn, chắc hẳn cha là vị cựu sĩ quan cao cấp giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa độc nhất không có lấy một chỉ vàng phòng thân.
Trước khi cùng với ông Gardner lên nha Chức nghiệp North Dakota tìm việc, cha gật gù,
“Kỹ sư chỉ với vài năm kinh nghiệm như mi mà lương chín trăm rưỡi ($950) một tháng, ít nhất hắn phải trả cho tau gấp đôi, chừng hai ngàn, tau mới nhận.”
Cha quên nói cha sẽ làm công việc gì. Nha Chức nghiệp phỏng vấn, cho thi trắc nghiệm khả năng, và khoảng một tháng sau mời cha đi phỏng vấn với công ty ráp và chế tạo đồ phụ tùng máy cày. Công ty cần tuyển tống thơ văn làm ở phòng công văn và có nhiệm vụ thu nhận, phân phát, và gửi đi các thư từ và gói đồ. Sau khi ăn cơm tối, cha ca tụng dài dòng việc làm “lý tưởng,” mặc cho chúng tôi đói meo đợi ăn cơm. Cha nói công ty trả lương hai đô la ($2.00) một giờ (vào khoảng $350 một tháng), trả lệ phí bảo hiểm sức khỏe cho cá nhân cha, và hàng năm cho nghỉ hai tuần vào dịp Giáng sinh và Tết tây. Hai tuần lễ cuối năm, công ty kiểm kê hàng hóa và vật liệu tồn kho, xưởng dây chuyền lắp ráp đóng cửa, và nhân viên nghỉ có lương. Cha hãnh diện,
“So với thằng Sang làm trạm xăng một đồng bảy mươi lăm xu ($1.75) mà không có quyền lợi chi hết, việc ni tốt gấp mấy lần chớ phải chơi mô.”
Tuy nhiên, công việc đòi hỏi khả năng nâng kiện hàng nặng ít nhất 40 pound (khoảng 18 ký). Hôm sau, cha đem hồ sơ đi khám sức khỏe. Kết quả ai cũng biết trước, mẹ trề môi,
“’Ông già’ mi chừ 52 tuổi, chỉ giỏi tài ôm mấy con bài, làm được chi mà nói tướng (nói huênh hoang, khoác lác)?”
Cả ngày cha đi ra lại đi vào, cái nhà là nhà của “cha,” cha muốn vào phòng nào thì hồn nhiên vặn cửa xông vào, không thèm gõ cửa, và không cần biết trong phòng có ai và người đó đang làm gì. Cha tung hoành khắp nhà như chốn không người, vì chúng tôi không ai dám hó hé mở miệng mà không được cha hỏi trước. Cuối tuần cha biểu tôi chở đi mua sắm áo quần ở thương xá bằng chiếc xe cũ bạn tôi vừa bán vừa cho với giá $100. Tôi làm tài xế, cha ngồi chễm chệ bên phải băng sau, giống như thời cha cầm đầu một tỉnh, ra ngoài có tiền hô hậu ủng, và trước có xe hụ còi sau có xe hộ tống.
Vào tiệm, cha không thèm mở miệng nhờ tôi giúp mà tự đi tìm áo quần đem vào phòng thử và chọn lựa món ưng ý rồi ra quầy trả tiền. Cha cũng tiết kiệm lời nói, không thèm đếm xỉa tới mấy người bán hàng vì khi nói về y phục, rào cản ngôn ngữ giữa cha và người bán hàng rất khó vượt qua. Về đến nhà, cha xé vụn biên lai và liệng ngay vào thùng rác. Khi mặc lại nếu thấy áo quần mua về không còn vừa ý, cha tức tốc kêu Lâm hay Trọng đem cho kho đồ cũ bên nhà thờ Ba ngôi. Nhà thờ nhận đồ cũ tín hữu tặng để mỗi Chủ Nhật cuối tháng mở rummage sale (cuộc bán đồ cũ linh tinh) bán với giá tượng trưng cho người nghèo. Quỳnh Châu và em Bình thi nhau đoán: Cha không biết ở Mỹ hàng mua ra khỏi tiệm trong vòng 30 ngày có thể mang trả lấy tiền lại, hay cha biết mà “sợ” không dám mang đi trả? Không cô nào biết giải đáp.
o O o
Tháng Ba năm 1984, vào năm 61 tuổi cha mất vì cơn liệt tim. Hậu quả của những năm đánh bạc thâu đêm, chơi bời trác táng, uống rượu như hũ chìm, và hút thuốc nhả khói như đầu máy xe lửa. Ngồi trong nhà quàn với mẹ và đông đủ các em, tôi hồi tưởng mối liên hệ giữa tôi và người vừa nằm xuống và không tìm thấy một thoáng tình cảm nào ngoài những ràng buộc của văn hóa Khổng Mạnh, các bài học luân lý, và câu ca dao,
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tôi không nhớ, trong 36 năm hiện hữu trên cõi đời, có bao giờ được ngồi ăn cơm gia đình chung mâm với cha hay không, nhưng chắc chắn tôi chưa bao giờ nghe một lời nói dịu dàng thương yêu hay săn sóc từ miệng cha. Ngược lại, tôi chưa bao giờ hỏi cha một câu. Cha hỏi, tôi trả lời. Cha ra lệnh, tôi thi hành. Cha chửi mắng, tôi nín khe tôi nghe. Cha đánh đập, tôi nghiến răng tôi chịu. Và tuyệt nhiên không hỏi hay xin cha điều gì.
Cha nghiêm khắc và khó lường trước, trông thấy cha là mấy anh em tôi sợ mất vía im thin thít. Không bao giờ chúng tôi dám nói cười khi cha hiện diện. Hôm nay là lần đầu tiên, và lần cuối cùng, tôi và các em vui cười thoải mái trước mặt cha, vì cha nằm yên trong quan tài. Cám ơn cha đã trả lại nụ cười cho tụi con.
NNH