main billboard

Ăn chiều xong, đợi bọn đồng nghiệp ồn ào kéo nhau đi hết, Tuấn vói lấy một tập sách mỏng trên kệ, rời khu nhà nghỉ, lững thững theo những lối dạo quanh co trong vườn, đi ra hướng bờ sông. Khách sạn toạ lạc trong khu đất rộng, nghe nói trước đây là một vườn bưởi Thanh Trà mênh mông, bây giờ vẫn còn nhiều lô trồng riêng giống cây này, nhưng đã xen lẫn với các dãy nhà ngang dọc, hồ bơi, sân quần vợt và nhiều loại hoa màu, cây trái khác.
co nhu

Chiều đã bảng lảng vào tối, Tuấn nghĩ bụng, cầm tập sách cho đỡ buồn tay, chứ trời nhá nhem thế này, chẳng lẽ lại soi đèn pin ra ven sông đọc sách! Tìm được một băng ghế sát mé nước, Tuấn phủi bay vài chiếc lá tre, ngả ra nằm.

Sông Hương khúc này, giờ này lặng như tờ, đò đón du khách xế cổng chùa Thiên Mụ phía bờ bên kia đã neo bến từ lâu. Ðúng là mình đang hưởng đời đây, có gì thanh bình hơn một mặt sông phẳng lặng, một chiều xuân mát dịu, ngát hương hoa, một nơi chốn có thể thoải mái nằm, ngồi chẳng vướng bận, với thiên nhiên lồng lộng chung quanh, tuyệt không bóng người.
Tuấn hài lòng khi đã từ chối lời rủ rê của lũ đồng nghiệp muốn kéo nhau ra thăm khu phố đi bộ «Huế by night» để nghe nhạc xập xình, nhìn đèn màu xanh đỏ giữa nườm nượp người, bia bọt, đàn đúm, nhảy nhót. Ðêm qua, theo chương trình của tour du lịch «Nước Việt từ Bắc chí Nam», cả đám tây đầm lố nhố lên thuyền ở bến Toà Khâm Huế, hớn hở chụp hình, quay phim cầu Tràng Tiền đổi màu như thay áo, chen nhau thả đèn giấy hoa đăng trên mặt nước thẫm đen, hít hà khen bánh lá, bánh ram, bánh nậm chan nước mắm ớt ngon mà cay, và sau đó chịu trận hơn một tiếng đồng hồ ù ù cạc cạc nghe ca Huế. Chỉ có Tuấn được hưởng trọn niềm vui, say mê với tiếng đàn cổ, tiếng hát thê thiết buồn lênh đênh giữa dòng sông đêm, ánh mắt dịu mà lẳng của cô ca sĩ khi diễn tả tâm trạng của người vợ nhớ chồng đang chinh chiến phương xa. Ừ, vậy mà hay, đêm nay, lũ chúng nó đang «phục hận» với pop, rap, rock, còn mình được yên thân tận hưởng đất trời này…
Thật lạ, cứ tưởng nằm chưa nóng ghế đá, muỗi sẽ kéo cả bầy cả lũ đến tấn công, vậy mà nãy giờ không có lấy một tiếng vo ve bên tai! Vì trời chuyển lạnh? Vì gió sông đang lên? Không hẳn thế… Hay vì hương thanh khiết như màu trắng tinh khôi của ngàn vạn hoa bưởi đang lan toả quanh đây đã làm chùn chân, chùn cánh bọn khát máu? Tuấn căng ngực hít đầy vào phổi cả một khoảng chiều và tối, trong đầu lan man nhớ đến câu hát «Ðêm thơm không phải từ hoa…» Có chứ! Hoàng hôn quanh Tuấn đang ướp đẫm hương hoa, vậy mà vẫn không ngào ngạt đến nhức đầu, chóng mặt, chỉ vừa đủ ngan ngát, thoang thoảng như chút nắng cuối ngày lúc ẩn lúc hiện giữa những tàn lá trong vườn.
Theo truyền thuyết, trên thượng nguồn sông Hương có mọc giống cỏ lạ rễ bám vào đá núi, lá xoải xuống dòng nước, từ gốc đến ngọn đều tiết ra mùi thơm dễ chịu. Chính mùi thơm ấy đã ấp ủ, đã gợi hứng để người ta đặt tên Hương cho con sông đang rì rào trước mặt. Tuấn nghĩ bụng: biết đâu chính hương hoa, nhuỵ hoa, cánh hoa bưởi Thanh Trà đang lớp lớp rụng trắng ven sông kia đã ướp thơm cho con nước, cho con người đất này? Huế, giữa Sài Gòn bon chen và Hà Nội kèn cựa, giữ riêng nét trầm mặc cho mình. Ngự Bình không cao, Hương Giang không sâu, người xứ Huế hình như không tạo nhiều kỳ tích, nhưng ẩn nhẫn sống hoà vào thiên nhiên, tĩnh lặng cùng non nước. Tuấn nghe nhắc nhiều đến Huế ngày lên 5 tuổi, trong mùa Tết đau thương, khói lửa khắp nơi. Ðứa bé ngờ nghệch vậy mà cũng hiểu thế nào là cái chết tức tưởi, trước hình ảnh người sống vật vã khóc gào bên lớp lớp xác chết được kéo lên từ hố chôn tập thể, san sát xếp cạnh nhau. Những đoạn phim đen trắng tang tóc ấy được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình, kèm theo tiếng nhạc thê lương ảo não còn ám ảnh Tuấn đến tận ngày hôm nay.
Cứ mỗi lần bất chợt nghe lại giai điệu bài «Exodus», Tuấn thấy hiện ngay ra trước mắt Huế của Mậu Thân, Huế của chết chóc. Năm mươi năm đã trôi qua. Tròn nửa thế kỷ. Huế có liền miệng vết thương, bôi xoá ký ức, có quên đi nỗi đau ngày ấy không? Hình như không. Trên những con đường đất gập ghềnh quanh các lăng mộ, khi xe du lịch của đoàn lướt qua, Tuấn vẫn thấy thấp thoáng dăm ngôi miếu nhỏ, vài bàn thờ đơn sơ khói hương nghi ngút.
Người dân Huế cúng bái đất trời dịp Tết hay thương tưởng người đã khuất đúng vào những ngày này? Dù mười mấy năm sau, thằng bé 5 tuổi đầu ấy đã biết thế nào là «Huế đẹp và thơ», đã thấm vào đầu mấy ca khúc tẩm đậm chất Huế, đã mê mệt với giọng nói trong nhẹ như tiếng chim của nàng Tôn Nữ Thuỳ Mai học cùng lớp, nhưng những địa danh Bãi Dâu, Kim Long, Nam Giao, Nội Thành… qua giọng ca Khánh Ly, Thái Thanh vẫn hằn sâu trong trí nhớ nó như chứng tích của một thời.

Có tiếng hát khẽ, thoảng trong gió. Mình mơ ngủ chăng? Ðúng là bài hát mà mình vừa nhớ khi nãy. Không phải «Exodus», cũng không phải «Hát trên những xác người», «Cơn mê chiều» hay «Ðêm tàn bến Ngự», «Huế mù sương». Lời như ru, lãng đãng, mênh mang, gọi đêm khoác màu áo siêu thực phủ lên tiếng hát:

Lung linh

Trăng lại về nữa

Cánh gió đưa

Hương ngả đầu mây

Phất phơ
Ðêm thơm

Không phải từ hoa

Mà bởi vì ta

Thiết tha tình yêu

Thái hoà…

Tuấn nhổm dậy. Trong bóng tối loè nhoè, dáng một thiếu nữ với bộ quần áo màu sáng thấp thoáng sau rặng tre, đang lom khom cạnh mép nước, chỉ cách chiếc ghế đá Tuấn nằm chừng mươi thước. Sau khi cắm xuống mô đất nổi mấy nén nhang, không biết có người đang nhìn trộm, cô vén mấy sợi tóc mai qua tai, hồn nhiên vừa tiếp tục hát khẽ, vừa thoăn thoắt nhặt những cánh hoa rụng trắng đất vào chiếc rổ nhỏ kẹp bên hông. Mái tóc cắt ngang vai cứ rối bay theo gió, nên chốc chốc, cô gái lại ngừng tay nhặt hoa, lại vén tóc, nhưng không ngưng ngân nga khúc hát. Khi thấy cô gái càng lúc càng tiến đến gần, Tuấn đành nhổm ngồi dậy, ho khẽ một tiếng. Cô gái vụt sững lại, chiếc rổ hoa suýt rơi khỏi tay.
– Ai đó?

– Xin lỗi đã làm cô giật mình, nãy giờ tôi nằm ngủ quên trên băng ghế, nghe tiếng cô đến gần nên choàng tỉnh, tôi…

– Ông… ông làm em sợ quá, hết cả hồn, cứ tưởng ma!

Tuấn bật cười :

– Nếu tôi là cô, tôi sẽ sợ người sống hơn người chết. Chập choạng như thế này, ở cuối vườn, xa khu nhà nghỉ, nơi chẳng có ai qua lại…
Có tiếng cười khẽ :

– Dạ, em quen rồi. Mùa ni, hoa rụng nhiều, ngớt việc là em chạy ra sông mỗi chiều. Em ở ngay chỗ ni nì, khu tập thể của nữ nhân viên phục vụ cho khách sạn.

Cô gái chỉ tay về phía có ánh đèn. Tuấn nhớ đó là hướng có vài căn nhà, với vườn «rau sạch» bao quanh, nơi cung cấp rau tươi cho các bữa ăn của khách sạn, theo lời giới thiệu của người quản lý.

– Ông ghé thăm Huế hỉ?

Cô gái bước đến gần. Còn trẻ lắm, chắc chỉ ngoài đôi mươi.

– Tôi đi du lịch cùng với đoàn. Bạn bè kéo nhau đi phố Tết hết rồi. Riêng tôi muốn hưởng chút yên tĩnh. Không phải khách sạn dừng chân nào cũng có được một khung cảnh thanh bình như thế này.

Thấy cô gái cắp rổ đứng đối diện, trong khi mình vẫn còn ngồi yên trên ghế đá, Tuấn luống cuống đứng dậy:
– Cô… cô ngồi đi.

– Dạ mô có được, em là nhân viên khách sạn, ai lại vô phép ngồi trong khi khách phải đứng.

– Còn tôi, chẳng lẽ là đàn ông, lại tỉnh bơ ngồi nói chuyện trong khi cô đứng xớ rớ thế kia?

– Ông ni dùng chữ ngộ ghê, thôi, thay vì cùng đứng xớ rớ như ông nói, em nghĩ cả hai nên cùng ngồi cho công bằng hí!

Cô gái khúc khích bước đến ngồi một bên, cẩn thận để chiếc rổ xuống giữa băng ghế, như thể đó là vật phân định ranh giới giữa cô và người đàn ông lạ mặt.

– Tôi thấy hoa rụng đầy vườn, sao cô lại ra tận đây để nhặt?
– Bờ sông ít người qua lại, hoa rụng không ai đạp, lại ở gần nước nên sạch hơn hoa bên lối đi hay dưới mấy gốc cây nhiều phân bón. Ông thích hương hoa bưởi không?

– Tôi thích mùi thanh thoát, tinh khiết của hoa chanh, hoa cam. Ðây là lần đầu tiên trong đời, tôi được biết hương hoa bưởi. Mà… tôi tò mò chút xíu, cô nhặt cả rổ hoa bưởi để làm gì vậy?

– Một phần để mạ ướp trà, một phần em hoà vào nước gội đầu ướp tóc. Còn dư, đem phơi khô, độn vào túi vải làm gối…

– Ồ, tôi vô ý quá, nãy giờ nói chuyện mà lại quên… Tôi tên Tuấn.

– Em tên Hương.

– Hèn gì…

– Ông noái chi rứa, em không nghe rõ.
– À, xin lỗi cô, tôi già rồi, hay có tật nói lầm thầm một mình những điều đang nghĩ trong đầu. Tôi thấy như mình đang tham gia vào một sự việc đã được sắp đặt từ trước, một chuyện ngẫu nhiên có tiền định. Cô thấy ngộ không, tôi từ đâu xa lắc tới, tự dưng được đặt ngồi đây, giờ này, bên bờ sông Hương, nói chuyện với một người tên Hương về mùi hương hoa bưởi. Trùng hợp đến kỳ lạ, như trong một đoạn phim, hay một giấc mơ.

– Em lại thấy cái nớ như một cái duyên. Duyên lành, hay… theo câu chuyện của ông, gọi là «Hương duyên» đi!

Tuấn bật cười.

– Không ngờ cô cũng nhanh trí, lém lỉnh thật. Nhưng cẩn thận nhé, từ «Hương duyên» đến lương duyên, người lãng tai như tôi có khi nghe nhầm đấy!

– Ông mới là ngộ. Em nghĩ sao, nói thế thôi, không biết xa xôi, bóng gió đâu.
– Tôi chọc cô chút cho vui vậy mà. Nếu đã để tâm, để bụng, sẽ không nói ngay thành lời như thế đâu. À, cô Hương, lúc nãy nghe cô hát, hay lắm. Nhưng làm sao cô biết bài này? Bây giờ đâu còn ai hát nữa.

– Em nghe mạ hát từ hồi còn bé xíu xiu. Nghe hoài rồi nhập tâm, hát theo và thuộc lòng luôn. Em cũng thuộc nhiều bài mạ hay hát, nhưng thích nhất bài ni.

– Bài hát nói về hương đêm. Cô đi nhặt hoa để ướp hương, hát bài đó vào lúc này, thật hợp tình, hợp cảnh. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao người nhạc sĩ lại viết «Ðêm thơm như một dòng sữa…»? Chẳng lẽ lại đem so sánh mùi hương đêm với mùi sữa tươi hay sữa đặc có đường? Hay mùi hoa sữa? Ở Hà Nội và vài thành phố nữa, tôi nghe nhiều người than phiền vì cái mùi quá nồng nàn, đậm đặc của loài hoa này. Nó khiến người ta ngầy ngật, dị ứng, váng vất vì bị overdose, xin lỗi cô, tôi quen miệng, vì gì nhỉ… vì bị ép dùng quá liều. Tôi không nghĩ người nhạc sĩ lại mở đầu một bài nhạc tuyệt đẹp như thế bằng một thứ hương phản cảm, hay dung tục như vậy.
– Em thử trả lời ông hí. Nghe mạ hát, em nghĩ ngay đến dòng sữa mẹ ngọt thơm, ấm áp. Còn nhiều bữa trời dày đặc sương, đi dọc bờ sông về nhà, em có cảm tưởng như hương bưởi quyện lẫn vào từng vạt sương đang phơ phất trong đêm. Khi ấy, màn sương như một nguồn sữa đục từ trời thong thả lan chảy khắp nơi, toả ngát, và em nghĩ mình đã hiểu hơn câu hát, theo cách riêng…

Tuấn nhìn sang. Hương đang nhoà vào đêm. Chút ánh sáng của mấy ngọn đèn giăng đây đó quanh các lối đi trong vườn không đủ để soi rõ bán diện cô gái, có phần quai hàm hiển lộ, nét đặc trưng trên khuôn mặt của nhiều cô gái đất Thần Kinh. Hương lại vừa đưa tay vén tóc qua tai, mắt vẫn ngó thẳng, hướng ra sông.
– Tôi thích bài ấy lắm, nhưng lâu chưa nghe lại. Cô hát cho tôi nghe được không?

– Dị lắm nợ! Em chỉ hát cho mình em nghe thôi, mạ còn chê em đôi khi hát lạc giọng, sai lời nữa đọ. Dạ em không dám mô!

– Cô có phải lên sân khấu, hát trước đám đông đâu mà sợ. Tôi năn nỉ đó, cô hát cho mình tôi nghe thôi. Hay… cô cứ coi như tôi không có ở đây, như cô đang đi nhặt hoa, như mọi ngày, như lúc nãy…

Hương cất giọng. Ban đầu e dè, nhưng, chỉ sau vài câu đầu, tiếng hát lấy lại được sự cân bằng, trong trẻo ngân nga theo nhịp nước sông vỗ nhẹ vào bờ và từng luồng gió đẩy xào xạc giữa khóm tre.

Ðường đêm sao yên vui
Người đi quen lối

Tình trai nở bốn phương trời

Ðàn em trong cơ ngơi

Nhờ đêm đưa tới

Những ai làm ngát hoa đời

Nhịp bàn chân hương đêm ơi!

Nhịp bàn tay hương yêu ơi!

«Tình trai nở bốn phương trời…» Mình đã đi qua bao nhiêu đất nước rồi, đã dọc ngang đủ bốn phương tám hướng chưa, đã nở hoa đơm trái được bao nhiêu mối tình ở những nơi ấy? Hay loanh quanh mãi rồi cũng sẽ như «đàn em trong cơ ngơi» cứ thong thả ra-vào chốn cũ, chỉ cần nhịp chân
khoả tay là đủ làm dậy lên cả một mùa hương đằm thắm? Hương đêm ơi! Hương yêu ơi! Trái tim có bao giờ quên là nó đã già nua, là nó đã lười biếng dần với những nhịp đập rộn ràng của mùa tình? Tôi không dám yêu em, chỉ xin yêu tiếng hát ngát hương của đêm nay. Như vậy, đã quá đủ rồi, phải không Tuấn?

Ðêm đêm trước khi ngủ kỹ

Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ

Ðêm thơm thêm một lần nữa

Rồi hẹn nhau thương nhớ!

Hai nốt nhạc cuối cùng quấn lấy chữ «thương nhớ», vút lên rồi vương vấn mãi như sợi tơ nhện vừa đứt, cứ lơ lửng trong gió, chưa muốn rời nhánh cây. Hương im lặng. Tuấn cũng vậy. Không ai muốn phá vỡ sự yên lặng đang kết tinh khi một bài hát tuyệt đẹp vừa dứt. Mãi một lúc sau, Tuấn đành phải lên tiếng.
– Cám ơn cô Hương. Ðây sẽ là kỷ niệm đẹp nhất của tôi trong mấy ngày viếng thăm Huế. Tôi biết, sẽ không bao giờ có lần thứ hai trong đời, được ngồi lại giữa trời đất ngát hương hoa này để nghe cô hát «Dạ Lai Hương» nữa đâu.

– Dạ. Ðây cũng là lần đầu tiên em dám hát trước một người không phải là mạ mình, và cũng là lần đầu tiên em biết, có một người chăm chú nghe em hát hết cả bài. Cũng khuya rồi. Em xin phép ông, em về.

– Tôi đưa cô một đoạn…

– Dạ thôi, em quen đường đi, không dám làm phiền ông. Chào ông, em về.

Tuấn ngoái nhìn cho đến khi chiếc bóng trắng mờ của cô gái khuất sau khúc rẽ. Ðêm xuống đậm từ khi nào. Tuấn đứng dậy, hít vào thật đầy, hít căng phổi thêm một lần nữa, như muốn níu lại chút hương thanh khiết. Của vườn đêm, hay, của người vừa rời khỏi?
Xong xuôi hành lý trước giờ rời Huế. Ăn vội bữa điểm tâm, Tuấn không la cà tán dóc bên ly cà-phê với bọn đồng nghiệp như thường khi, thoái thác đôi điều rồi xăm xăm bước về khu nhà ở của nhân viên. Tuấn muốn chào Hương một lần nữa. Nói đúng ra, Tuấn muốn nhìn rõ hơn mặt cô gái mà mình đã trò chuyện và được nghe tiếng hát đêm qua. Nhưng, không ai biết mẹ con cô gái nào tên Hương làm việc ở khách sạn và trú ngụ tại đây cả. Nhìn đồng hồ. Chỉ còn vài phút trước khi xe du lịch của đoàn chuyển bánh. Tuấn chạy vội ra hướng sông. Chiếc băng ghế anh ngồi đêm qua đã phủ một lớp mỏng hoa bưởi rã cánh. Còn mô đất nổi, chỗ cô gái cắm xuống mấy nén nhang, không còn dấu vết. Chỉ thấy nước sông Hương đang ì ọp chậm rãi dâng.
                                                                                                                                                            CN
                                                                                                                                     (Huế - Thiais 02.2018 - 06.2021)