Người đi giày dép vì muốn bảo vệ đôi chân.
Giày dép là một món trang phục hầu như không thể thiếu vì ngày nay chẳng mấy ai đi chân đất ngoài đường phố.
Người đi giày dép vì muốn bảo vệ đôi chân, nhưng cũng có kẻ dùng giày dép như một món trang điểm để tăng vẻ đẹp, sự tươm tất của bộ quần áo mặc trên mình.
Tùy theo mục đích sử dụng mà ta có những hình ảnh khác nhau. Kẻ diện từ đầu đến chân hay ton-sur-ton thì đôi giày đi cùng với màu sắc hay kiểu cọ của bộ cánh.
Người cần giày dép vì sợ đi đất thì đạp mảnh chai, đinh nhọn, gây thương tích thì bất kể quần áo kiểu chi, màu gì, cứ đôi giày, đôi dép lẹt quẹt cho chắc ăn.
Giày dép xuất hiện từ lâu lắm rồi, cả ngàn năm nay khi con người biết dùng da thú để che thân thể, và cũng dùng da thú để bao bọc đôi chân.
Thế rồi món trang phục kia thay hình đổi dạng theo thời gian. Giày mũi nhọn, mũi vuông, mũi hình cung…, gót giày cao thấp, vuông tròn, và cả màu sắc, đen đỏ, vàng bạc…
Thủy chung giày dép vẫn chỉ là một vật dụng cần thiết thường nhật nhưng đến ngày nay thì giày dép lại được lên ngôi.
Từ vị thế xoàng xoàng, giày dép trở thành những món trang điểm cần thiết và khi lên “ngôi” như thế thì giày dép cũng lên giá.
Cứ nhìn quanh mấy tiệm giày dép “hàng độc” (boutique) là ta sẽ …hoảng hồn vì bỡ ngỡ và bất ngờ. Không những vì giá cả, kiểu mẫu màu sắc mà vì giày dép bây giờ cũng được kỹ thuật giúp đỡ đến nơi đến chốn!
Hôm nọ, đi lanh quanh một lúc thì bàn chân trái của Dế Mèn giở chứng, cứ đau nhói một bên mỗi lần cất bước.
Đi khập khiễng một quãng thì nhớ ra rằng nếu cứ tiếp tục cà nhắc thì chiều về cái lưng sẽ đau nhức lắm vì xương sống bị vẹo một bên.
Thế là phe ta rẽ vào tiệm giày gần nhất trên phố nhằm mua đại đôi giày thoải mái nào đó may ra bàn chân sẽ dễ chịu hơn?
Bước vào tiệm giày, cửa hàng bài trí giản dị, gọn gàng, nhìn kỹ mới thấy bảng hiệu “Allbirds”. Allbirds là một trong những tiệm chuyên chế biến và bán giày thể thao, sneakers, trụ sở chính tại San Francisco.
Lần đầu Dế Mèn mới gặp kiểu ghế đẩu có chỗ ngồi dốc về phía trước, kiểu ghế đặc biệt chế tạo riêng cho tiệm bán giày dép, để khách hàng có thể tháo gỡ, đổi giày dép dễ dàng.
Người bán hàng cho biết rằng cái ghế đẩu ấy được kiến trúc sư vẽ kiểu và chế tạo đặc biệt cho tiệm nhà!
À, hóa ra giày dép không chỉ là món đồ dùng cần thiết hàng ngày mà nhất nhất mỗi món liên quan đến “nó” đều được soi mói, ngắm nghía và thiết kế với mục đích tạo một kinh nghiệm mua bán ưng ý khách hàng.
Từ cái ghế đẩu để ngồi thử giày đến đôi giày thể thao mới keng, mua xong thì Dế Mèn phục lăn mấy bộ óc đằng sau bảng hiệu Allbirds.
Họ tài tình quá, giỏi dang quá, đã mày mò tìm hiểu chi tiết về thị trường giày dép và đạt đúng ý muốn của khách hàng. Công ty này khoe rằng họ chế tạo và bán giày thể thao chỉ dùng những vật liệu “thân thiện với môi sinh”, nghĩa là những thứ ít gây hư hoại cho môi trường sống như cây cối (tre, khuynh diệp, bông gòn…) và lông cừu.
Họ lý luận rằng khi dùng da thú thì phải… nuôi thú, cho ăn cỏ như bò, cừu, da phải đem thuộc trước khi sử dụng và thuộc da là một tiến trình ảnh hưởng nhiều đến môi sinh.
Một chi tiết đặc biệt khác là việc Allbirds chế tạo loại giày thể thao nhưng đôi giày thoải mái ấy lại có hình thức của một đôi giày tuy không… kiểu cách nhưng có thể dùng chung với những bộ quần áo …không thể thao.
Khi Dế Mèn tò mò hỏi tới thì cô gái bán hàng cười toe mà biểu rằng giày của bổn tiệm được chế biến để dùng cho … mọi người, người già em bé và nhất là những người trẻ làm việc văn phòng trong môi trường kỹ thuật, họ không cần ăn mặc chải chuốt sơ mi cà vạt và giày da nhưng cũng không xuất hiện ở sở làm trong loại quần áo chạy bộ hay chơi quần vợt.
Người trẻ ăn mặc thoải mái, cổ áo mở nút, quần tây, kiểu ta gọi là “office casual”. Nghĩa là trang phục không cứng nhắc quá nhưng cũng không lè phè quá, kiểu “lưng chừng” “coi được” nên chẳng mấy ai để ý!
Thoải mái và tiện dụng nên Allbirds ăn nên làm ra nhanh chóng, chỉ mới xuất hiện vài ba năm mà đã tranh giành được nhiều khách hàng của Nike dù kiểu giày Runner của họ không khác kiểu Roshe Ones của Nike cho lắm.
Dế Mèn “chấm” Runner vì đôi giày ấy không đính logo ồn ào như giày của Nike, đã phải mua giày lại phải… quảng cáo dùm công ty chế tạo thì phe ta không hảo cho lắm!
Đôi giày quả là mềm mại, uốn theo hình thể của bàn chân, thoạt trông có vẻ giống mấy đôi giày của … các cụ với đế cao su, lại nhẹ hẫng.
Xỏ đôi giày vào chân đi thử, phe ta cứ tưởng mình đi chân đất nhưng lòng bàn chân lại được chống đỡ bằng một lớp mousse rất êm.
Thế là Dế Mèn thơ thới ra về, quên luôn là mình vừa trả một món tiền khá khá cho sự thoải mái dễ chịu kia.
[Phe ta quảng cáo dùm cho công ty nọ dù chẳng có cổ phần nào với họ cả].
Thích kiểu làm ăn của Allbirds, thích đôi giày mới mua nên Dế Mèn mày mò tìm hiểu thêm về thế giới giày dép và bất ngờ trước các con số thương mại.
Chỉ mới ba năm làm ăn mà Allbirds đã bán ra cả triệu đôi giày! Những công ty khác chế tạo kiểu giày dép tương tự cũng ăn nên làm nhanh chóng. Nghĩa là kiểu giày “thoải mái” (sensible) đang chiếm lãnh thị trường giày dép.
Tự lúc nào thì bá tánh tạm ngưng sử dụng những giày đôi giày kiểu cọ đẹp mắt nhưng chẳng mấy êm chân?
Kiểu giày dép thoải mái tất nhiên là có mặt tự bao năm nay, kiểu giày nhà nông như Birkenstocks, clog hoặc cục mịch như Crocs hiện diện, bán khá khá nhưng vẫn chỉ để sử dụng những khi ta lè phè đi bộ, làm việc nhà chứ chẳng mấy ai vào nơi làm việc với bộ cánh âu phục, chân đi Crocs hay Birkenstocks.
Nhưng công ty non trẻ kia lại thành công quá xá, chỉ với vài lần bán cổ phần, Allbirds đã “tậu” được một số “vốn” 1.4 tỷ mỹ kim, vượt kỷ lục cho một công ty không thuộc kỹ nghệ truyền thông điện tử!
Những gì khiến Allbirds thành công như thế?
Đôi giày thoải mái nhưng… vừa mắt, bạn ạ!
Bá tánh ai cũng thích đẹp, đẹp từ đầu đến chân lại càng tốt. Nhất là mấy bà mấy cô, giày dép có gò bó, khó ưa đến đâu cũng ráng gồng mình chịu đau miễn là đôi chân ngó đẹp đẹp, kiểu giày tương xứng với bộ quần áo trên người.
Cứ chịu đau như thế nên lâu ngày, chày tháng rồi cũng quen, và ta có những bàn chân méo mó, lệch khớp.
Bình thường, càng có tuổi, bàn chân lại càng thay đổi, chẳng những ta mất dần những lớp mỡ, lớp bắp thịt mỏng ở gan bàn chân, đường cong trở nên bớt cong và bàn chân phẳng ra trở thành “flat feet”, các khớp xương ngón chân khó lòng chuyên chở trọng lượng của cơ thể mỗi khi cất bước.
Tệ hại hơn, khi các khớp xương nọ lại biến dạng vì bị giày dép bó buộc, việc đi đứng trở nên càng thêm phần khó khăn. Hèn chi mấy bà cụ Hoa Lục đi đứng không xong vì lúc nhỏ bị bó chân, khi về già con cháu phải khiêng, phải cõng!?
Sự “vừa mắt” và “dễ chịu” kể trên tất nhiên không xuất phát từ cái nhìn của những tay thiết kế thời trang mà đến từ …kỹ thuật.
Từ khi kỹ thuật “số” hay “digital” ra đời thì ta có vô số các phương thức áp dụng kể cả việc thu hình sự chuyển động của các khớp xương, mô liên kết, bắp thịt bàn chân khi con người cất bước.
Và các chuyên viên, kỹ sư sinh học (bioengineer) đã đo lường được sức nặng, lực kéo của mỗi bộ phận mà tính toán ra độ chịu đựng của các cơ phận ấy.
Khi bàn chân mỏng hơn độ mô [mỡ, bắp thịt] cần thiết thì ta cần những gì để đền bù?
Lớp vật liệu (foam, gel…) nào có thể dùng thay thế để mỗi khi cất bước, khớp xương ngón chân không bị cọ xát với mặt đất hoặc chịu một trọng lượng quá tải?
Voila, các chuyên viên tìm kiếm và thử nghiệm rồi tìm ra cách chế biến các đôi giày thoải mái.
Nôm na là khoa học vật liệu, material sciences, đã liên kết với kỹ thuật sinh học, bioengineering, để mang lại sự thoải mái cho con người ngay cả trong một việc vô cùng giản dị nhưng thiết yếu như di chuyển, đi đứng hoặc chạy nhảy.
Tất nhiên, kiểu trang phục “vừa mắt” và “thoải mái” không chỉ xuất hiện ở giày dép, quần áo mà cả trong nếp sống ngày nay.
Xã hội Huê Kỳ thủng thẳng chấp nhận những thứ bên ngoài mẫu mực xưa cũ. Từ khi ông Steve Jobs xuất hiện trước báo chí để giới thiệu sản phẩm mới trong chiếc quần jeans xanh, áo cổ lọ đen và đôi giày thể thao như tiếng nói của sự đột phá (break-out).
Theo sau là những con người xuất chúng nhưng cũng giản dị khác. Chính khách đi xin phiếu cũng chỉ áo sơ mi quần tây mà không cần đóng bộ lên khung như xưa!
Người giàu có không còn khoe của cải qua vàng bạc kim cương, xe cộ, tàu thủy máy bay hay cả những bồn cầu bằng cẩm thạch nữa mà họ kín đáo hơn, âm thầm hơn; kẻ bàng quan phải nhìn ngắm kỹ càng mới nhận ra.
Một tầng lớp mới, giàu có nhờ kỹ thuật, technocratic class, xem ra ít ồn ào hơn. Họ lái những chiếc xe gây ít tiếng động, chạy êm ru; sống trong những ngôi nhà trang bị kỹ thuật “theo dõi” đến tận răng và tránh né những va chạm xã hội.
Với quan niệm sống “thoải mái nhưng giản dị” như thế, không lạ là kiểu trang phục cũng theo sau, dẫn đầu là những người trẻ và bạn bè họ.
Sản phẩm của Allbirds dường như được chế tạo dựa trên quan niệm sống ấy nên công ty này thành công?