Cuộc tình càng buồn thì bài hát trong ngăn ký ức của họ càng bi thảm.
Chắc các bạn và nhiều người khác cũng vậy, khi có những cuộc tình không có một kết cục hạnh phúc; thì tâm hồn họ hay gắn theo một bài hát nào đó.
Cuộc tình càng buồn thì bài hát trong ngăn ký ức của họ càng bi thảm. Có thể lúc chúng ta càng lớn thì những bài hát đó cũng phai nhạt đi, khi chúng ta có một đời sống hạnh phúc thì quá khứ buồn bã đó cũng tan theo.
Cũng có khi, không nhất thiết là phải có tình hoặc không, như hồi đầu tiên được nghe nhạc, khi ba tôi mua giàn máy quay đĩa về, tôi mê mệt với bản Ngày đó chúng mình do Duy Trác hát.
Hồi đó nhỏ xíu, biết gì đâu mà yêu ai.
Nhưng bài hát thường gợi lại trong tôi những hạnh phúc lại chẳng vương vấn một mối tình nào, nó chỉ mang theo hình ảnh tươi đẹp của năm tôi mới 12 tuổi, tuổi của đá dế, chọi cỏ gà, đánh đáo, đánh khăng, và đôi khi đánh lộn với bạn bè vì những lý do bây giờ nghĩ lại thấy mình thật ngu ngốc, và đôi khi cậu bé 12 tuổi này cũng có những cảm xúc mơ mộng vu vơ mà chẳng hiểu nó là gì.
Buổi chiều khoảng gần 4 giờ là tôi thót lên xe đạp đi lấy tiền hàng cho mẹ, bây giờ nghĩ lại thấy cũng lạ, hồi đó lấy tiền hàng không phải là ít, thường là mấy trăm đồng, trong khi một gói thuốc lá Cotab chỉ có 4 đồng một bao.
Hình như hồi 59, 60 chẳng ai nghĩ đến chuyện đề phòng cướp bóc, hoặc ăn trộm. Khu nhà chứa gạo của mẹ tôi chỉ có một then gài bên trong bằng gỗ rất sơ sài.
Tôi thích chạy xe đạp trên đường chiều nắng đẹp, luôn mát mẻ và lộng gió, những năm xưa Sài Gòn cũng như vùng phụ cận khí hậu không nóng bức như sau này, những lúc nóng nhất cũng không làm mình khó chịu.
Hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt như một cái máy điều hoà nhiệt độ cho toàn miền Nam, còn bây giờ khí hậu sao quá nóng, nóng đến hết sức chịu đựng của con người.
Tháng 9 năm 2010 tôi về lại Sài Gòn, lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại như đang sống trong một lò bánh mì.
Khi đúng 4 giờ, tôi sẽ nghe thấy bản nhạc chuyển mục của đài phát thanh Sài Gòn, từ radio trong nhà bên đường phát ra.
Bản nhạc có âm thanh rất lả lướt mà có lúc tôi dừng xe lại để nghe.
Thích đến nỗi ghiền, nhưng tôi chỉ thích nghe nó ở ngoài đường như vậy thôi. Dù rằng tôi có thể ở nhà, đúng giờ bật radio lên là nghe được. Khi lớn lên sau này mới biết đó là bản Sonata số 16 en C major của Mozart.
Cháu ngoại Thiên Kim của tôi. Lúc học đàn Piano cũng rất thích bản nhạc này. Thích một cách đặc biệt như ông ngoại nó đã thích.
Rồi tôi canh khoảng gần 6 giờ chiều, lại lấy xe đạp đi thâu tiền hàng cho mẹ. Lần này cốt để nghe bản nhạc Bóng người đi của nhạc sĩ Văn Phụng, trình tấu bằng đàn Hạ Uy Di, không biết ai đàn, vì là nhạc chuyển mục nên không có lời giới thiệu.
Chẳng hiểu sao ngày ấy còn nhỏ nhưng tôi đã yêu thích hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ trong bản nhạc, và tình yêu thắm thiết của người con gái luôn mong chờ người yêu, người chồng trở về. Hình như tôi đã yêu đời lính từ ngày đó.
Tất nhiên chạy xe trên đường, nghe lúc được lúc mất, mà nhạc chuyển chương trình thường ngắn, chỉ chừng 1/3 bản nhạc thôi, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thích như vậy, tuổi trẻ hình như ai cũng có những sở thích thật kỳ khôi.
Tôi ra khỏi nhà đúng giờ đến nỗi mẹ tôi cũng để ý, và mẹ nói với các bá của tôi: cái thằng Việt này nó giờ giấc lắm. Mẹ không biết là tôi phóng ra khỏi nhà chỉ để nghênh ngáo nghe nhạc mà thôi. Lấy tiền hàng cho mẹ là chuyện phụ. Đôi khi cũng đánh nhau với trẻ con trên đường đi, nhưng đó lại là chuyện khác.
Đến năm 62 ở Vũng Tàu, thì tôi lại có một bản nhạc chuyển mục khác để lắng nghe và mơ mộng, chắc lúc này tôi đã “phải lòng” cô bạn nhỏ gần nhà, cô có gương mặt khả ái, cười có duyên, giọng nói hơi đớt rất dễ thương. Nhưng không sao, cô chỉ cần nụ cười là đủ hớp hồn tôi rồi.
Đó là bản nhạc Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, cứ đúng 8 giờ tối được trổi lên với tiếng đàn Tranh não nuột, hồi ấy tôi cứ ao ước được biết, hoặc nhìn thấy người nhạc sĩ chơi bản nhạc đó.
Mà không biết rằng chỉ cần nói với ba tôi là sẽ biết ai ngay, vì ông quen biết rất nhiều người là bạn lính ở đài phát thanh Sài Gòn cũng như đài Quân Đội.
Trong đêm, tiếng đàn Tranh và “Tiếng Xưa” luôn tạo cho tôi cảm giác buồn bã của một hạnh phúc đã mất, thật là mơ hồ khó tả.
Đến 10 giờ tối, lại tiếng đàn Hạ Uy Di truyền cảm quen thuộc, với bài Đàn chim Việt của Văn Cao, bài này thì tôi thích đã lâu, từ hồi lớp Nhì thì phải, vì cuối năm lớp Nhất đi thi Tiểu học, trong phần thi nhạc tôi chọn bài này, bài Sơn Nữ Ca, và Nụ cười Sơn cước.
Thầy giám khảo lật qua 3 bài hát, nhìn tôi và cười ngạc nhiên. Rồi ông nói, hát bài Đàn Chim Việt đi em.
Chắc ông thấy 3 bài hát này chẳng hợp với tôi chút nào, tôi cũng nghĩ vậy, vì những bạn đồng thi với tôi toàn hát mấy bài của con nít. Tôi sở dĩ thích nghe mấy bài này là do ảnh hưởng các bá của tôi, bá Thu chị của mẹ tôi hay hát Nụ cười Sơn Cước và đánh Banjo rất hay.
Còn mẹ tôi thì chỉ thích ngâm nga bản ruột là Dạ Khúc- Đàn ai lên cung oán tang tình, gieo buồn…
Sau bản nhạc Đàn Chim Việt, là giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm của cô xướng ngôn viên: Bây giờ là 22 giờ, xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng hàng xóm. Xin cám ơn quý vị.
Ngày ấy cả hai đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội đều có những chương trình nhạc chủ đề, nhạc thính phòng, nhạc vui buổi sáng, nhạc chọn lọc, nhạc hoà tấu.
Chương trình nhạc lúc 0 giờ. Chương trình nhạc ngoại quốc như Pháp, Mỹ đều rất chọn lọc và không nhiều lắm.
Hồi tôi nằm Tổng Y Viện Cộng Hoà cũng nhận thấy là người phụ trách để nhạc cho thương binh nghe rất cẩn thận, nhạc luôn êm dịu, thường là nhạc tiền chiến, hoặc của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh.
Còn nhạc Việt trong nước bây giờ, tôi đã nghe qua đôi lần cho biết, ngoại trừ một số nhạc sĩ đếm đầu ngón tay tạm nghe được, đều toàn những chắp nối vay mượn nhạc của Đài Loan và Đại Hàn nhiều quá, lời lẽ kém cỏi ngô nghê, nói lên trình độ nhạc lý và học thức cũng như cảm nhận thấp kém của người viết nhạc.
Người ta không bao giờ tắm được hai lần trong một dòng sông. Và tôi không bao giờ có thể trở về con đường thơ ấu lung linh hoa nắng, gió mát, với những bài hát đầy mơ mộng bình yên ngày đó.