Ðêm với cô là khoảng thời gian tuyệt vời nhất.
Người phụ nữ đến muộn, khi tiệc đã bắt đầu.
Buổi tiệc được tổ chức ngoài sân. Chủ nhà và khách mời đa số là những người trẻ trong giới ca nhạc sĩ.
Những câu chuyện của họ nổ ra như pháo cùng những ly rượu và tiếng “dô dô” mời nhau cụng ly sau mỗi trận cười.
Trong sinh hoạt của giới nghệ sĩ sân khấu, chuyện phiếm, chuyện vui thì nhiều vô số kể. Cả thanh lẫn tục, chuyện nào cũng linh động, lôi cuốn. Khó tính mấy cũng phải bật cười.
Cô chọn một chỗ ngồi ở đầu bàn, nơi ánh đèn không chiếu tới, để không ai có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt trơ trụi không một chút son phấn của mình.
Tuy đa số khách mời đều là những người tuổi vai vế em cháu, nhưng thế nào thì cô cũng cần phải giấu che đi điều có thể cho là sự tàn phai, chán chường, nếu như ai đó đã từng nhìn thấy cô một thời xa xôi trước.
Cô ngồi quan sát, lắng nghe từng mẩu chuyện vui của đời ca hát. Không quen uống rượu, nhưng cô cũng nhấp một chút cho vui với mọi người.
Có lúc cô cười thật to, cô như một con cá trong chậu vừa được thả về sông suối, biển khơi. Mặc tình tung tăng bơi lội.
Một cô ca sĩ trẻ nhìn cô lên tiếng:
– Cô An ơi, hình như cô cũng có đi hát đâu đó phải không? Cô hát một bài đi cho vui đi!
Cô nhìn khuôn mặt người ca sĩ trẻ, vừa rời phòng trà đến nhập cuộc. Dung nhan sân khấu với mắt tím, môi hồng. Tóc xõa trên hai vai trần, da thịt óng ánh những hạt phấn kim tuyến li ti.
Với chiếc áo đầm có những hạt kim tuyến nham nhám như được rải lên một lớp cát bạc, nhìn người ca sĩ lung linh rực rỡ như một ngọn pháo bông vui mắt. Chiếc áo làm cô nhớ đến những tấm áo lóng lánh dưới ánh đèn sân khấu mà xưa cô cũng đã từng nhọc công tìm kiếm. Cô ngắm người ca sĩ trẻ một cách thích thú, ánh mắt man man, mê muội.
Cô lắc đầu. Ðang vui lại bỗng dưng buồn hiu hắt. Không hẳn là một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng cô chẳng từng có những cuộc vui như đêm nay sao?
Buồn cũng phải! Bởi, mọi thứ đang nhắc nhở cô về một phần đời vui của mình đã không còn nữa.
– Lâu rồi, cô có biết hát hỏng là gì đâu cháu.
Cô trả lời cho qua.
Cuộc sống với những quy ước chuẩn mực đã dẫn cô về một nơi khác.
Nào ai biết! Cô vẫn ca, vẫn hát hàng ngày. Tự bắt giọng cho đúng bằng những hàng phím trên chiếc đàn organ cũ kỹ.
Cô vẫn hát hàng tuần. Hát ở một nơi không nhiều khán giả. Những khán giả này cũng hát, họ hòa theo cô rời rạc, không liền lạc lắm nhưng đấy là niềm đam mê trao gửi.
Cô hát bên những hàng ghế, bên những bình hoa tươi, và những ngọn bạch lạp.
Trời chưa khuya lắm, cô có thể ngồi với những người trẻ này đến hai ba giờ sáng. Cô có chứng mất ngủ kinh niên, càng khuya mắt cô càng tỏ.
Ðêm với cô là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Ðêm một mình, không ai khuấy động. Ðêm dẫn dắt cô đi về nhiều nơi chốn trong tâm tưởng. Nhưng cô xin phép trở về.
Cô ra khỏi nhà, bỏ lại mọi tiếng cười tiếng nói. Nhưng những âm thanh náo động ấy mải miết theo cô qua bao con đường, bao ngõ khuất.
Căn nhà im ắng, người chồng đã ngủ say. Những bóng đèn ẩn trên trần nhà vẫn cháy sáng. Chúng đợi cô về vì mỗi đêm, chỉ có cô là người sau cùng tắt đèn đi ngủ, như một luật lệ dưới mái nhà này.
Những cọng rau thơm đủ mọi loại trong cái mẹt tre, những lát dưa leo đã được trần qua lớp nước ấm, xếp gọn gàng trong khay, khô ráo mà vẫn giữ được sự tươi giòn, những lá bắp cải trắng được bào mỏng vun đầy trong rổ…
Ðám rau cải được bày trên cái island dài rộng giữa phòng khách và phòng ăn. Tất cả như được chuẩn bị cho một bữa cỗ và được nâng niu cắt tỉa bởi một tay đầu bếp khéo léo.
Quả thật cái island quá lớn, chiếm hết một khoảng diện tích của phòng ăn này đúng như tên gọi của nó. Một vùng đảo của riêng cô. Cô đứng ngồi với nó nhiều hơn những chỗ khác trong căn nhà. Dường như mọi thứ sinh hoạt của cô đều diễn ra ở cái mảnh đảo bằng đá phẳng này.
Bây giờ thì mới đến lượt rau muống. Cô ngắt hết những lá rau muống bằng chiếc kéo nhỏ. Những nhát kéo bấm nhẹ nhàng như sợ thân cành bị đau. Và những ngọn rau muống trụi lá đang được cô rửa sạch dưới vòi nước, từng cọng, từng nhánh nhỏ.
Mọi thứ dành cho việc bếp núc cô đều làm hết trong ngày. Nhưng cứ đêm về, là cô mang rau muống ra chẻ. Vì chỉ có rau muống mới có thể giúp cô tiêu hao khoảng thời gian chờ giấc ngủ.
Không vội vàng, không bận bịu bất cứ một thứ gì. Cô chậm rãi chẻ, từ cọng lớn tới cành con và nhìn từng sợi rau quăn xoắn đều đặn tuôn theo từng lưỡi dao nhẹ nhàng, rớt xuống khay một cách thú vị.
Không biết từ bao giờ cô có niềm “đam mê” rất ư khốn khổ, tội nghiệp như thế?
Dĩ nhiên cô không ăn rau muống chẻ mỗi ngày, nhưng cũng như những thứ rau tươi khác, chúng không thể thiếu trong tủ lạnh.
Cái tủ lạnh to đầy ắp những gói rau, những hộp thức ăn nấu sẵn dù nhà chỉ có hai vợ chồng.
Năm khi mười họa mới có cô con gái hay cậu con trai về dùng cơm chung với bố mẹ. Lắm lúc cô thấy mình như một chị bếp siêng năng, luôn chu đáo với chủ nhà.
Và những hộp thức ăn thường được cho đi ngày hôm sau, khi cô bắt đầu nghĩ đến chuyện nấu một món khác.
Chồng cô không bằng lòng. Anh tiếc gì vài ba chục bạc tiền chợ để làm những thứ thức ăn ngon lành rồi lại mang đi phân phát.
Anh chỉ tiếc cho công sức của cô. Một việc làm mà anh thường chế nhạo cô là bị “trời hành.”Anh hiểu vợ anh là một người tử tế, nhân hậu. Nhưng anh đâu hiểu cô đã hạnh phúc thế nào khi cho đi những món ăn tự tay cô nấu. Bởi vì cô đã nhận từ đó, từ nơi người được cô trao tặng một thứ tình cảm mà cô luôn cảm thấy mình thiếu thốn.
Dù tất cả chỉ gói trọn trong hai chữ cám-ơn. Hai chữ ngắn cụt tưởng là đơn giản lại mang nhiều sắc thái. Lịch sự đãi bôi hay đậm đà tình nghĩa đều tuỳ thuộc nơi từng người diễn đạt.
Một điều hiển nhiên, sự tận tụy bếp núc của cô phần chính là cho anh. Thực lòng, cô sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn nếu nghe được một lời cám ơn từ anh khi cô nấu một món mà anh vừa ý.
Có lẽ, anh đã cho cô quá nhiều thứ, những thứ mà bao người mơ ước đã không dễ gì có được. Nên những việc của cô làm, thế nào thì cũng chỉ là bổn phận.
Sống với anh, không cần anh phải nói ra, cô hiểu những sở thích, cần thiết của anh. Món ăn nào anh thích ăn cho buổi điểm tâm, cho buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Ấy là những điều tầm thường nhỏ nhặt, nhưng thực lại là một việc làm cũng cần đến trí óc để suy tính, sắp đặt của một người vợ đảm đang.
Quan trọng hơn hết là tình cảm. Nhưng chưa bao giờ anh hỏi cô, xem cô thích gì trong cuộc sống. Anh hiểu đấy chứ! Ý nghĩ luôn làm cô tủi thân.
Cô không có bạn. Chữ “bằng hữu” với cô gần như là một điều gì quý giá, xa vời, khó lòng nắm bắt.
Chẳng phải cô đã từng cho đi rất nhiều những thứ xa hoa đắt tiền. Từ một chiếc khăn quàng cổ, một chai nước hoa, một cái đồng hồ… cô mua trong những dịp đi xa.
Cái cho, tặng của cô mang cả một sự chăm chút trân quý với những con người, từng được gọi là “đồng hội, đồng thuyền” với cô.
Nhưng trớ trêu, những tình cảm ấy lại trở thành sự cầu cạnh, van xin từ những con tim kiêu căng, cạn cợt. Cầu cạnh để có những cuộc vui. Họ nghĩ thế vì biết cô buồn.
Và bởi họ là hiện thân của những ánh đèn, là sân khấu nhộn nhịp, là sàn nhảy linh động tươi vui mà tâm hồn, tuổi trẻ ngông cuồng phá phách ẩn nấp trong cô từ những ngày son trẻ, khó lòng từ khước.
Quả thật cô thiếu niềm vui trong cuộc sống. Cô luôn cảm thấy mình cô đơn. Cô lao vào những cuộc vui nhưng không ai hiểu được sự buồn tủi, cô đơn của cô luôn phát sinh từ những giờ khắc vui chơi đó.
Mỗi người có một đời để sống. Nếu cô muốn sống vui, chẳng ai có thể ngăn cản. Cô có dư điều kiện để vui chơi tới mọi bến bờ.
Tuy nhiên, cô sống không phải chỉ sống đời cô, mà là đời của những người khác.
Cô không thể cười cợt hồn nhiên, nhộn nhịp dưới ánh đèn trong khi có người đợi cô ở nhà, ngủ gà, ngủ gật trước màn ảnh truyền hình.
Nhà, một nơi với cô quá là buồn tẻ, nhưng thử tìm những khiếm khuyết dưới mái nhà này thì chẳng bao giờ cô tìm thấy.
Nó vẫn là một nơi ấm cúng cho cô trở về nghỉ ngơi sau những mệt mỏi. Nơi chữa lành những vết xước ghét-ganh sau những va chạm sây sát với đời.
Số phận luôn bị chà đạp, ức hiếp đã đeo đuổi cô từ những ngày thơ ấu. Một đứa bé luôn đứng một mình ở một góc sân nhìn đám bạn đồng trang lứa đang tụ tập chơi đùa trong sân nhà trọ.
Căn nhà trọ tư nhân, dành cho những đứa trẻ mà cha mẹ bôn ba công việc không thể kề cận chăm sóc, có khác nào một trại mồ côi.
Không ai chơi với con bé đen đủi, xấu xí đó. Nó không được đến gần. Nó sẽ bị đuổi ra chỗ khác vì nó chỉ là một con bé nhếch nhác, nhút nhát.
Nó như đứa trẻ bị bỏ rơi dù luôn có chị có em quây quần bên nó. Một cô chị nhỏ nhít, tuổi mười ba, mười bốn còn ham chơi lêu lỏng, đã thẳng thừng ngắt véo, tát tai đứa em gái nhỏ của mình cho hả những điều không làm chị Hai vừa ý.
Ðứa bé gái tội nghiệp, không có cha để mách, không có mẹ để ngã vào lòng khóc lóc ầm ĩ minh oan.
Cô đã biết thế nào là cô đơn ngay tự thuở ấu thời.
Những cọng rau non rời khỏi lưỡi dao, cong vòng mềm mại rơi xuống khay lại làm cô chợt nhớ những lọn tóc mỏng của mình hôm nào rơi xuống nền nhà bởi một cơn giận không kiềm chế.
Những sợi tóc cũng quăn quăn, cong cong như thế. Tóc thuở ấy được cắt đi như cắt bỏ, như chia lìa. Cắt rời, đúng nghĩa của một đổi thay từ nhân dáng.
Nhưng cũng là một thứ vượt thoát, vượt thoát chính mình.
Và nay thì tóc đã dài ra. Mọi thứ lại đang quay trở về, có phải ?
Cô tự hỏi và thầm nhủ nhê: Không đâu, sự thay đổi đã có, đã từng. Và bây giờ là yên vui vĩnh viễn.
Những tiếng nói cười trong buổi tiệc vẫn còn vang vang.
Tôi tiến về phía cửa chính, mở cửa bước ra vườn.
Ðêm mùa Hè trong vắt. Sân vườn rộng mênh mông, đầy những chậu hoa đủ màu, đủ loại.
Ban ngày nhìn chẳng khác nào một trại bán cây cảnh. Nhưng bây giờ chỉ là những lùm tối, sáng, se sẽ lay động. Tôi thực sự không biết chủ nhân ngôi nhà này yêu thích cây cỏ hay chỉ thích mua. Những sở thích nhất thời, bốc đồng mà tôi từng chứng kiến.
Trời không gió, đám hoa lá im lìm, nhưng hẳn đã có những đóa quỳnh nào đó đang âm thầm nở ở một góc sân.
Lũ bàn ghế nơi một góc hiên mà người chồng thường ngồi với điếu thuốc, ly cà phê và chiếc máy nghe nhạc mỗi khi rảnh rỗi.
Một chỗ ngồi lý tưởng cho một tách trà nóng, vài chiếc bánh thơm, nghe một khúc nhạc hoặc tiếng chim ngủ muộn, ríu rít trong vòm mái ngôi nhà, hay tàn cây nào đó trong đêm.
Sao cô chẳng bao giờ tận hưởng niềm vui an nhiên, tao nhã này? Sao cô cứ mải miết chẻ những cọng rau không nhất thiết cần phải có?
Tôi theo chân cô từ nhiều năm. Gọi là theo chân vì mỗi năm dăm ba ngày, hay dài hơn là một tuần lễ khi tôi đến thành phố này.
Tôi trọ ở nhà cô và chúng tôi thường ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Tôi theo cô đến những quán hàng ăn uống, mua sắm những thứ tôi khó tìm được nơi tôi đang sống, mà cô tận tình tìm kiếm cho tôi.
Tôi cũng đã ngồi hàng bao nhiêu giờ với cô ở mảnh đảo phẳng bên trong ngôi nhà, nghe bao nhiêu câu chuyện về nhân tình thế thái mà không màng tới một chỗ ngồi trong không gian êm đềm xanh mát phía ngoài này.
Tôi chỉ là một người bạn phương xa, thân thiết của cô. Cái thân tình đủ để chia sớt, san sẻ những vui buồn của đời nhau mà dường như không có thứ rào cản nào chèn chận.
Lần đầu gặp cô, nhí nhảnh, nghịch ngợm ngang tàng trong chiếc quần jean vải lính, áo thun rộng với dây nhợ chằng chéo.
Và những lần gặp lại sau này, nhân dáng, tâm tính cô vẫn không có gì thay đổi.
Vẫn huyên thuyên, vô tư cười nói. Vẫn ôm đồm đủ thứ chuyện người nọ, người kia mà đôi khi ngôn ngữ cũng rất là bã bỗ, bặm trợn.
Nhớ có lần cô nói với tôi, vì anh B. lớn tuổi hơn em nhiều, em gọi bằng anh nên mới gọi ML bằng chị. Thực ra bà chỉ bằng tuổi mấy đứa bạn của em. Thực lòng, em muốn “mày tao” với bà hết sức!
Tôi không lạ khi nghe sau này cô thường hát ở nhà thờ.
Thỉnh thoảng hát văn nghệ giúp vui cho những người già ở nhà dưỡng lão, mà theo cô thì cô cảm thấy rất thoải mái.
Chẳng cần phải chuẩn bị quần là áo lượt. Ðến giờ phải đi, chỉ cần khoác lên người một chiếc quần đen, một chiếc áo kín cổ, dài tay nào đó cho tươm tất. Ðeo bóp lên vai, ra xe chạy thẳng đến nơi hẹn là xong.
Thoải mái nhất là cứ vô tư đưa tay lên dụi mắt, dụi mũi mà không sợ đường chì vẽ mắt, mascara lấm lem lỡ như có bị cay mắt, dị ứng với một thứ bụi bặm, phấn hoa gì đó trên đường.
Tôi không lạ vì tôi biết, có hoang đàng cỡ nào cô vẫn là một con chiên ngoan. Cô vẫn giữ lễ mỗi Chủ Nhật và làm dấu thánh giá trước khi dùng bữa.
Thế mà đêm nay, tôi như vừa nhìn thấy cô, thật lạ. Áo đen, khuôn mặt từ lâu không son phấn. Hình ảnh thường ngày của một cô hát trong ca đoàn nhà thờ. Khi dâng lên Chúa những bản thánh ca, cô có buồn, hiu hắt như đêm nay? Những câu hỏi lẩn quẩn trong đầu tôi mãi.
Cô là một người phụ nữ hạnh phúc với một cuộc hôn nhân vẹn toàn, có những đứa con đẹp đẽ khôn ngoan.
Chồng cô là một người đàn ông có sự nghiệp, thành đạt giỏi giang. Anh chẳng những cho cô và các con một cuộc sống sung túc mà còn bảo bọc cả gia đình cha mẹ, chị em của cô nữa.
Nhìn xung quanh, những người bạn của cô, mấy ai có được đời sống an nhàn, không chút lo âu như thế. Nên tình yêu của cô cho anh, có cả ơn sâu nghĩa nặng mà sống hết đời cô không trả nổi.
Anh là người ít ra ngoài giao thiệp. Nhưng anh đã đối đãi với bạn bè của vợ, bạn cũ bạn mới như nhau đều tận tình chu đáo, nói chi đến gia đình cốt nhục.
Cô mang ơn anh. Tôi nghe mãi chữ “mang ơn” khi cô nói về chồng mình.
– Tối nay nhìn An, sao chị thấy buồn quá!
Ðấy là một câu nói mà cả đời tôi chưa bao giờ nói trực tiếp với ai và không tin là mình lại có thể thốt ra được.
Bởi vì, tôi luôn lúng túng, vụng về không biết phải bày tỏ thế nào trước những vấn đề thuộc về tình cảm của người khác.
Tôi luôn chọn cách im lặng khi nghe họ chia sớt, bày tỏ với mình.
Thật là bậy bạ ! Hình như tôi vừa châm cho cô một điếu thuốc mà cô đã không hút từ lâu.
– Tại sao, tại sao vậy? Em thấy mình rất hạnh phúc mà.
Hạnh phúc mà sao đôi mắt như lạc vào một cõi nào thênh thang.
Ðời sống của cô như hàng trăm hàng ngàn đời sống khác. Ðầy đủ vui, buồn, bi, hận. Những thứ gia vị đậm nhạt cay đắng không thể thiếu trong mỗi đời của mỗi người.
Nỗi phiền muộn của cô kể ra, có đáng là gì nếu đem so sánh với bao cuộc đời bất hạnh của những ai kia.
Khi buồn, người ta thường hay gửi nỗi buồn bên ly cà phê, bên ly rượu cay hay trong khói thuốc. Nhưng có người phụ nữ nào đã hằng đêm ngồi trải từng nỗi ưu tư sầu muộn của mình trên những cọng rau xanh, chẻ thành trăm sợi nhỏ.
Tôi nghĩ, dung nhan của người đàn bà ngồi mân mê chẻ từng cọng rau muống trước mắt tôi, hình như cũng đẹp không thua gì một phụ nữ dịu dàng ngồi chải tóc đêm khuya.