Mưa rất dễ thương như mưa Xuân của những ngày tháng cũ, tay trong tay một thuở học trò.
Cuối tháng Bảy, ở Kingwood, Texas trời mưa!
Cuối tháng Bảy, trời mưa ở cái xứ nổi tiếng nóng bức là một hiện tượng lạ!
Mưa rất nhẹ như mưa bụi mùa Thu quê nhà. Hạt mưa đậu lại trên tóc, trên vai áo, trên hoa lá.
Hạt mưa làm trở giấc những ký ức nhạt nhòa đã ngủ yên từ trong sâu thẳm.
Mưa chỉ đủ để làm ướt mặt như mồ hôi rịn trong những ngày nắng Hạ Saigon!
Mưa rất dễ thương như mưa Xuân của những ngày tháng cũ, tay trong tay một thuở học trò.
Tôi nghe người ta nói “tháng Bảy mưa ngâu” nhưng tôi chưa hề biết mưa ngâu ra sao nên không biết mưa hôm nay có liên quan gì đến nó hay không.
Một điều tôi biết chắc rằng ở đây, Kingwood, Texas chưa nghe ai nói và dường như hiếm khi để thấy mưa trong khoảng thời gian này, thời gian mà đáng lẽ thời tiết nóng bức với độ ẩm rất cao, chứ không mát mẻ, thoải mái, dịu hiền như sáng hôm nay.
Hơn nữa, tôi cũng đã ở vùng này 16 năm qua, đâu nhớ có mưa bụi trong những ngày cuối tháng Bảy bao giờ!
Buổi sáng, nhà tôi và con gái đã đi làm từ sớm.
Đứa con trai út hãy còn ngủ yên trên lầu. Thanh thiếu niên thời nay thường hay thức ban đêm ngủ trễ ban ngày.
Nhà có hai người đàn ông và hai người đàn bà; thế mà hai đàn bà đi làm trong khi hai đàn ông lại ở nhà nhàn rỗi!
Tôi muốn bật cười mỗi khi nghĩ tới cái chuyện tréo cẳng ngỗng như vậy mà cười có được đâu!
Cái sự lỡ thầy lỡ thợ làm tôi cay đắng không ít!
Kiến thức, kinh nghiệm của mình có thua kém gì ai mà sao vẫn phải luôn tranh đấu, vật lộn với công việc làm ở một đất nước có quá nhiều ngành nghề, lắm cơ hội này!
Có thể một thời tôi đã như con ngựa không được che mắt; ngó chỗ nào cũng thấy có đường đi; lại thêm cái lưng quá thẳng, cái đầu quá cứng, tôi đã coi thường mọi khía cạnh “politic” của các hãng xưởng lớn!
Bạn bè thân thấy tôi năm lần ba lượt “rốt cuộc cũng trở về khởi điểm, bật cười xuân sắc đã phôi pha” nên cười bảo “tử vi nói mầy có số cư thê, thôi thì cứ hưởng nhàn đi, bon chen làm gì cho mệt, đàng nào rồi cũng về không”!
Biết rằng “đằng nào rồi cũng về không” nhưng tôi vẫn chưa cam lòng!
Giá trị đời sống con người dù không thể định nghĩa bằng sự thành công về tài chánh, nhưng con người sẽ kém cỏi biết bao nếu suốt đời cứ phải loanh quanh ba chuyện cơm áo!
Cũng may chỉ là mấy tháng hè ngắn ngủi; cũng may những buổi sáng đi qua rất nhanh!
Nhưng nghĩ cho cùng, việc dạy học của tôi vẫn chỉ là nghề bất đắc dĩ, và việc dạy võ cũng chỉ là sở thích trong khi tôi có thừa khả năng và có đủ điều kiện để làm một cái gì oanh oanh liệt liệt trong đời.
Nhưng cũng lắm khi tôi tự nhũ “có lẽ khả năng của mình chưa tới mức, tài giỏi của mình cũng chỉ hạn hẹp, nên cứ phải loay hoay, cứ phải thăng trầm”!
Cũng may tôi đã gặp được một người bạn đời hiểu biết và đảm đang với một tấm lòng vị tha, cao thượng. Những khi ngả lòng, nản chí, nhà tôi vẫn bền bĩ đứng bên cạnh với những câu nói quen thuộc: “con người ai cũng có số”, “cái gì cũng có hên xui”, “em hiểu anh cũng đã cố gắng hết mình, nhưng người định đâu bằng trời định”!
Tôi biết đó là những câu an ủi nhưng với tấm chân tình và cung cách đối xử của nhà tôi đôi khi cũng giúp tôi vơi bớt những nỗi muộn phiền đầy ắp trong tim!
Chờ cà phê phin nhỏ giọt trên chiếc bàn che dù phía sân sau, tôi rảo bước quanh khu vườn bên những cụm hoa đủ loại đang khoe sắc.
Bốn cụm bằng lăng tím, đỏ nở loa thành hình dáng những bình bông vĩ đại do một bàn tay khéo léo sắp xếp; mấy chậu sứ tím cũng đầy hoa bên cạnh cây ngô đồng xanh mướt lá, mấy cành hoa điệp cũng vươn mình hứng mưa cùng với cụm hoa phù dung rực rỡ…
Tôi đi rất chậm, mơn man từng nụ hoa trong khu vườn nhỏ. Vài con bướm bay liệng bên những nụ hoa ngậm đầy nước mưa như những chén rượu lưng chừng của người hào sảng.
Không gian vô cùng tĩnh lặng và mưa cứ lất phất bay.
Nhìn vẻ đẹp và cảnh sắc của vườn sau làm lòng tôi rung động. Đôi chân vui bước dần theo tiếng gọi vô tình nào đó về hướng bờ suối.
Suối là một con kênh khá lớn và sâu bên ngoài hàng rào, chia cách hai khu nhà, quanh năm nước chảy.
Nước suối chảy phẳng lặng, rất bình an qua những lau lách hai bên bờ. Thỉnh thoảng nhân viên bảo trì khu vực cắt xén rất tươm tất.
Mưa lấm tấm không đủ làm lu mờ mặt nước như tấm gương lớn phản chiếu khung trời thu hẹp với những tầng mây xám đục bay bay dưới mặt suối êm đềm.
Đó đây vài con ếch nhảy tùm xuống suối tạo nên những vòng tròn tỏa rộng rồi mờ nhạt dần với gợn sóng.
Con đường mòn bên bờ suối tưởng chỉ riêng tôi với những bước chân nhàn hạ nhưng thi thoảng cũng có người chạy bộ vượt qua trả lại cho tôi những câu đối đáp chiếu lệ.
Tôi cứ bước vui đến cuối lối mòn nơi cụm thông già nghiêng đầu rù rì năm tháng, rồi quanh về.
Mưa đã dứt hẳn hồi nào cũng trong tĩnh lăng. Đã gần nửa buổi sáng mà thôn xóm vẫn như còn chìm trong giấc ngủ làm cho tôi liên tưởng đến những xóm thôn xưa với những bờ tre khóm trúc, những hàng cau cao lêu nghêu, những cây đa to, những cụm dừa rợp lá; với khói lam chiều quyện bên mái nhà tranh.
Tai như thoảng nghe tiếng sáo diều, tiếng lịch bịch nặng nề của đàn trâu trở về từ đồng cỏ; mắt như thấy những tấm lụa nhung xanh mướt của đồng lúa non uốn lượn trong gió chiều!
Tôi bỗng nhớ thiết tha một thời ấu thơ bên dòng sông Vệ, nhớ đến rưng rưng, nghèn nghẹn vì hối tiếc một khỏang đời khi mà chữ “chiến tranh” chưa hề nghe ai nói!
Tôi lại nhớ tới cái bến sông mà người lớn thường hăm he trẻ nít rằng ban đêm có ma. Cái bến sông làm tôi nhớ đời vì một lần lén theo Mẹ đi học ban đêm.
Tôi nằm ngủ mê ở băng ghế trống phía sau mà không ai hay biết. Khi giật mình thức giấc thì đã quá khuya không còn một bóng người!
Tôi ù té chạy về ngang qua bến sông đó, vừa chạy vừa lắng nghe tiếng thình thịch của bước chân mình mà cứ ngỡ có ma đuổi theo sau làm rợn gáy.
Ngồi nhâm nhi tách cà phê đã nguội, nhìn cụm phù dung rực rỡ bên góc vườn! Hoa phù dung nở bốn mùa, đóa hoa rất đẹp, màu đỏ tươi, đài hoa khá lớn.
Mỗi sáng nở hàng trăm đóa hoa, rồi tàn lụi khi màn đêm buông xuống! Vài ba ngày tôi lại phải quét dọn những đóa hoa tàn rụng đầy cội.
Tôi trồng bụi phù dung ở góc nhà để xe mà bất cứ lúc nào ra vô, đi về đều nằm trong tầm mắt như là một ngẩu nhiên tình cờ nhắc nhở: “đời sống con người có khác chi những đóa phù dung!”.
Không, không phải tôi bi quan mà là chấp nhận cái lẽ sắc không của đời người, dù nhiệt huyết trong tôi vẫn chảy, ý chí phấn đấu trong tôi vẫn còn… tôi vẫn cố gắng tiếp tục làm được những việc ích lợi có thể làm để đời sống còn có ý nghĩa hơn.