Gần một tháng nay căn chung cư số 13 của bà Trang cửa đóng im ỉm, cũng không thấy xe bà đậu ở parking lot.
Có tiếng động mạnh trên tầng lầu 2. Tôi bước vội ra sân nhìn lên, nhưng chỉ kịp thấy cánh cửa căn chung cư đóng sầm lại rồi im bặt.
Ánh đèn từ khung cửa sổ cũng phụt tắt. Tôi đang bối rối không biết phải làm thế nào thì điện thoại trong nhà bật reo.
Tôi vội nhấc máy và sững sờ khi nghe tiếng bà Trang ở đầu dây bên kia:
– Anh Hải lên khóa cửa giùm em.
Tôi hỏi nhanh:
– Chị đang ở đâu vậy?
– Em đang ở Dallas, khi chiều ra đi em quên khóa cửa. Anh lên khóa giùm em nhé, cám ơn, bye.
Tôi chưng hửng, càu nhàu:
– Con khỉ! Chưa kịp hỏi gì đã cúp, đồ điên…
Hôm sau, khi gặp bà Trang, tôi chưa kịp mở lời phân trần… thì bà nhìn tôi tươi cười:
– Cảm ơn anh đã khóa cửa giùm em.
Nghe bà Trang nói, tôi chới với không biết phải ứng đáp thế nào vì tôi có khóa cửa giùm bà bao giờ đâu! Chìa ở đâu mà khóa!
Bất chợt, tôi nghĩ đến một điều: “Ở Mỹ chìa khóa nhà ai nấy giữ. Đâu có tùy tiện đưa cho người khác. À, mà sao bà ta lại nghĩ là mình có chìa khóa nhỉ? Nếu bà ta bị mất đồ thì sao?”
Nghĩ đến đây tôi đâm hoảng nhưng cố lấy bình tĩnh hỏi:
– Chị có bị mất mát gì không?
Bà Trang cười tươi như hoa:
– Dạ không. Nhờ anh khóa cửa nên không xẩy ra chuyện gì.
– Này chị Trang, khóa cửa của chị có mấy chìa vậy?
Bà Trang trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên:
– Anh hỏi làm chi vậy? Anh Hải ơi, ở Mỹ đừng hỏi những việc như vậy, không tốt đâu.
Tôi kêu trời không thấu, cười dở, khóc dở, miệng méo xẹo:
– Đúng… đúng…, chị nói đúng! À này chị Trang, tôi làm gì có chìa khóa của chị mà chị nhờ tôi khóa cửa? Chị có chắc là khi trở về, cửa của chị đã được khóa không?
Bà Trang nhìn tôi với vẻ ngơ ngác, cặp mắt láo liên hình như bà đang nghĩ đến một điều gì đó, rất quan trọng. Bà thở dài sườn sượt nói:
– Xin lỗi… xin lỗi… em lẩm cẩm quá.
Bà Trang không nói gì thêm, vội vã quay lưng bước lên thang gác…
Gần một tháng nay căn chung cư số 13 của bà Trang cửa đóng im ỉm, cũng không thấy xe bà đậu ở parking lot.
Tôi không rõ bà đi xa hay đã đổi chỗ ở?
Tuy căn nhà bỏ trống, nhưng thỉnh thoảng tôi lại nghe có tiếng chân người đi tới, đi lui, nện gót giầy thình thịch trên sàn nhà. Đôi khi lại có ánh sáng lờ mờ của loại đèn ngủ phát ra từ khung cửa sổ.
Tôi vốn là người không tin ma quỷ, nhưng với những hiện tượng kỳ lạ trên tầng lầu 2, khiến tôi khó tìm được giấc ngủ thanh thản, nhất là về đêm.
Tôi đâm lo và không biết tại sao lại cảm thấy buồn buồn sau những ngày không gặp bà Trang!
Nhiều đêm tôi cứ trằn trọc, thao thức mãi cho đến gần sáng mới chợp mắt được. Tôi dọn đến ở đây gần được sáu tháng. Tôi không vợ con và cũng chẳng có bạn bè, thân thuộc gì.
Có thể nói bà Trang là người thân quen duy nhất của tôi. Nghe đâu bà ta ở đây đã trên bốn năm rồi. Bà cũng như tôi. Độc thân. Tính tình trầm lặng. Không giao du bạn bè. Bà làm thu ngân viên cho một trung tâm bán lẻ. Ngoài thời gian đi làm và đi chợ, hầu như lúc nào bà cũng có mặt ở nhà.
Trong suốt thời gian quen biết nhau, vì nhà đơn độc, nên tôi chỉ trò chuyện với bà ngoài hành lang, chứ không dám mời vào nhà.
Tôi không phải là thần thánh gì, nên biết mình khó giữ được “bình tĩnh” khi đứng trước một người đàn bà xinh đẹp trong một căn phòng vắng vẻ, nhất là khi đối diện với đôi mắt mơ màng, đôi môi hé mở, như mời mọc, như sẵn sàng, chờ đợi…
Cho xe vào chỗ đậu xong. Tôi phát hiện chiếc xe bên cạnh là của bà Trang. Tôi xuống xe nhìn lên căn nhà số 13. Cửa đóng. Không có ánh đèn chiếu ra từ khung cửa sổ.
Nhìn đồng hồ mới 9 giờ 15. Tôi vào nhà nhấc điện thoại gọi mấy lần nhưng không có ai trả lời. Cell phone của bà cũng không liên lạc được từ lâu.
Tôi đi tới đi lui, nghĩ ngợi lung tung một hồi, rồi quyết định lên nhà bà gõ cửa. Không có ai trong nhà. “Bà Trang đi đâu nhỉ? Chắc chắn là bà đã về rồi. Xe bà đang đậu dưới parking lot kia mà! Hay là có ai đến chở bà đi…”
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi thấy nóng bừng cả mặt, một nỗi hờn giận vô cớ xuất hiện trong đầu. Tôi lững thững bước xuống thang gác mà hồn thì thả tận đâu đâu…
Sau lần đó, căn nhà số 13 yên tịnh lạ thường và bà Trang cũng bặt vô âm tín. Tôi đánh liều đến văn phòng hỏi thăm về tin tức của bà.
Cô thư ký lật sổ xem rồi chtôi biết bà Trang vẫn đóng tiền thuê căn gác hàng tháng đều đặn, đúng kỳ, còn việc bà đi đâu thì cô cũng không rõ.
Tôi ra về với những nghi vấn đầy ắp trong lòng. Tôi biết bà Trang không giàu, tại sao lại bỏ tiền mướn nhà mà không ở?
Tôi lại tự trách “việc của người ta, mắc mớ gì đến mình mà sao cứ đèo bồng, nghĩ ngợi lung tung!”
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng hình ảnh của bà Trang cứ chập chờn ẩn hiện trong đầu tôi không thể nào xóa tan đi được.
Một hôm khi ở sở về, tôi thấy một miếng giấy nhỏ dán ở trên cánh cửa. Đọc xong tôi kêu trời không thấu. Miếng giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ “ngày 13 tháng này, nhờ anh lên nhà thắp giùm em ba nén hương trên kệ thờ. Cảm ơn anh nhé. Trang”.
Mực dùng viết trên miếng giấy màu đỏ, hình như từ một cây bút bi gần hết mực, nên nét chữ chỗ đậm, chỗ lợt, chỗ nhòe ra từa tựa như viết bằng máu.
Tôi đứng thừ người lẩm bẩm: “Không biết con khỉ này chơi cái trò gì đây?!” Tôi tính nhẩm, từ đây đến ngày 13 còn khoảng hơn một tuần.
Tất nhiên là tôi không thể làm theo lời nhờ vả của bà được. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Đã ở căn nhà số 13 lại nhờ mình thắp nhang cũng vào ngày 13; Ôi chao, con số 13 ở Mỹ đâu có đem ra đùa cợt được!”.
Thế là tôi cứ nơm nớp chờ đến ngày 13 xem có việc gì xẩy ra hay không?
Đang ngồi đọc báo ở phòng khách thì điện thoại reo. Tôi nhấc lên nghe nhưng điện thoại cứ rít rít, è è không làm sao nghe được.
Giọng nói ở đầu dây bên kia cũng nhòe nhoẹt, đứt quãng, chỉ nghe được mấy tiếng “Trang đây… Trang đây…” rồi sau đó là những tạp âm nghe đến rợn người.
Đó là vào một chiều Chúa nhật trời nhá nhem tối. Bên ngoài mưa tầm tã. Những giọt nước từ trên hành lang căn gác nhỏ xuống khóm bạc hà trước hiên nghe lộp độp, lộp độp, thật buồn.
Tôi mở cửa bước ra ngoài. Một cảnh tượng làm tôi suýt đứng tim đang hiện ra trước mắt. Những giọt máu từ trên hành lang căn gác rơi xuống đọng trên mấy phiến lá bạc hà, rồi nhểu từng giọt xuống bộ xương người
làm bằng chất nhựa màu trắng mà tôi đã đặt ở dưới mái hiên trong ngày Halloween.
Tôi bước vội vào nhà định gọi 911. Nhưng kịp nghĩ lại “không lẽ có kẻ giết người vào giờ này?”
Tôi do dự một chút rồi quyết định lên gác xem việc gì đã xẩy ra. Tôi cẩn thận từng bước đến trước căn nhà số 13. Tôi ngẩng người khi phát hiện ra ngay ở mép hành lang, ai đó đã để một hộp sơn màu đỏ (loại pha nước).
Nước mưa tạt vào làm tràn hộp sơn rồi theo kẽ hở chảy xuống tầng dưới.
Tôi lững thững bước xuống cầu thang, vừa cười vừa mếu Vào nhà ngả lưng trên sofa, tôi ngẫm nghĩ “có lẽ gần đây mình cứ bị ám ảnh bởi căn nhà số 13, nên không kịp nhận định, quan sát kỹ càng, nên mới tưởng tượng ra cái chuyện buồn cười, lãng nhách này!
Nhưng rồi tôi lại nghĩ “tại sao hộp sơn để ngay trước căn nhà số 13 mà không để ở một căn chung cư nào khác? Tại sao hộp sơn lại mở nắp ra? Tại sao lại chọn đúng vào buổi tối nhá nhem, trời mưa tầm tã này?
Hay là có kẻ dùng sơn đỏ để hăm dọa, cảnh cáo mình? Tại sao và tại sao?…
Hàng loạt câu hỏi khó trả lời lần lượt hiện ra trong đầu tôi… Cuối cùng ngày 13 cũng đến.
Khi làm về, tôi đứng ở parking lot rất lâu để quan sát kỹ càng căn nhà bà Trang. Cửa vẫn đóng. Không thấy có hiện tượng gì khác lạ.
Tôi vào nhà thay quần áo rồi vô bếp lục thức ăn. Bưng tô cơm có trộn xì dầu và cải mặn vào phòng khách, tôi vừa ăn vừa nghĩ đến những mẫu chuyện rùng rợn mà người ta đã kể cho tôi nghe về con số 13.
Câu chuyện đầu tiên xẩy ra vào thời Đệ nhị Thế chiến, một quả đại pháo của quân Đức rớt ngay giữa một nhóm lính Mỹ gồm 13 người, tất cả đều tử thương.
Từ đó về sau người ta rất úy kỵ con số 13 và cũng từ đó người ta thêu dệt ra không biết bao nhiêu chuyện ly kỳ quái đản có liên quan đến con số 13, với một kết luận chắc nịch: “13 là con số xui tận mạng!”
Mở cửa ra ngoài cho thư giãn một chút, nhưng bầu trời xám ngắt, cảnh vật âm âm, tôi vội trở vào nhà vì thấm lạnh. Ngồi một mình ở phòng khách, tôi cảm thấy buồn bã, cô đơn, trống vắng vô cùng.
Thật ra, cái cảm giác này chỉ đến với tôi trong những ngày không gặp bà Trang. Tôi đã yêu bà? Đúng, điều này tôi biết rõ. Nhưng lắm lúc tôi lại cảm thấy băn khoăn vì những hiện tượng quái lạ trên tầng lầu 2.
Ngày xưa, khi còn trẻ, tôi đã say mê đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Vì vậy, không ít thì nhiều, cũng bị ảnh hưởng bởi những mối tình tuyệt đẹp giữa người và yêu tinh.
Tôi không phải là một anh học trò nghèo mải mê đèn sách. Bà Trang cũng không phải là một con chồn tinh. Ấy thế mà tôi cứ thấp tha thấp thỏm trong lòng. Tôi uể oải đứng lên, khoác cái áo lạnh lên người, định lái xe chạy một vòng cho khuây khỏa, nào ngờ mới mở cửa ra, thì bà Trang đang từ nơi đậu xe lù lù bước tới.
Tôi đứng sững như trời trồng, miệng cứ ú ớ mãi. Bà Trang hơi ngạc nhiên nhưng cũng kịp nhận ra ở tôi đang có một việc gì đó, không được bình thường. Bà đoán như vậy rồi vội vàng lên tiếng:
– Làm sao vậy anh Hải? Không hoan nghênh em trở về à?
Tôi vội lấp liếm cho qua chuyện:
– Đâu có! Chỉ hơi ngạc nhiên thôi.
Bà Trang tiếp:
– Lạnh quá! Em vào nhà được không?
Tôi miễn cưỡng mời bà vào nhà mà lòng thì băn khoăn không ít. Ngồi vào ghế xong xuôi, bà Trang cất giọng hỏi:
– Hôm nay anh có lên gác thắp mấy nén hương dùm em không?
Nghe bà Trang hỏi tôi đăm ra bực mình nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:
– Chị Trang ơi! Chị biết tôi không có chìa khóa của chị mà sao cứ nhờ… hoài vậy?!
Bà Trang hơi ngơ ngác một chút rồi lên tiếng:
– Chết! Em lại lẩm cẩm nữa rồi. Xin lỗi anh nhé.
Tôi nói:
– Không có gì.
Im lặng một chút. Bà Trang nhìn quanh căn nhà với một vẻ chăm chú khác thường.
Tôi đánh tan sự im lặng:
– Này chị Trang, mấy tháng nay chị đi đâu vậy? Tôi có gọi cell phone mấy lần mà không được.
Bà Trang nhìn tôi với nét buồn vời vợi:
– Mấy tháng nay em không dùng cell phone anh à!
Tôi định hỏi bà thêm một câu, nhưng chưa kịp mở miệng thì bà Trang tiếp:
– Anh Hải à! Nếu em có một việc đáng buồn nào đó muốn tâm sự cùng anh thì anh có chịu nghe không?
Tôi trả lời không do dự:
– Nghe chứ! Nhưng tôi sợ không giữ được bí mật khi nghe những điều ấy!
Bà Trang thở dài nói:
– Thực ra cũng chả có gì bí mật cả.
Bà vừa nói dứt câu thì gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Tôi đâm hoảng, bối rối không biết phải ứng xử thế nào trước sự việc xẩy ra đột ngột thế này.
Tôi còn đang ngồi chết trân thì bà Trang ngước mặt lên vừa đưa tay quẹt nước mắt vừa thì thầm qua hơi thở:
– Anh lên gác với em được không?
Tôi nghĩ thầm “Chết mẹ! không lẻ bà ta muốn… Nhưng nếu muốn thì ở đây cũng được, cần gì phải lên trên ấy”.
Tôi nhìn bà gật đầu nhưng trong thâm tâm có một chút băn khoăn, ngần ngại. Đây là lần đầu tiên bà mời tôi lên nhà.
Bà Trang mở cửa rồi vói tay vặn nút điện.
Ánh sáng từ chiếc đèn màu vàng nhạt trên trần nhà tỏa xuống một thứ ánh sáng yếu ớt, nhờn nhợn nhưng cũng đủ cho tôi quan sát tường tận mọi vật bày biện trong nhà.
Tôi để ý đến cái kệ thờ bằng gỗ, sơn màu đỏ gắn trên tường nhà. Trên kệ thờ là ảnh một người đàn ông còn khá trẻ, khoảng ba mươi, ba mươi lăm gì đó. Phía trước tấm ảnh là một lư hương bằng đồng, đầy ắp chân nhang.
Bà Trang loay hoay trong bếp một hồi rồi bưng ra ba ly cà phê. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra ngay. Bà Trang lấy một ly để lên kệ thờ rồi đốt nhang cắm vào lư hương.
Bà làm mấy việc này một cách tự nhiên và thành thạo. Bà nhìn tôi với một chút ngạc nhiên hỏi:
– Anh Hải làm gì mà ngồi thừ người ra vậy?
Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì bà chỉ ly cà phê nói tiếp:
– Mời anh. Em không biết uống cà phê, nhưng hôm nay trời lạnh, em uống với anh một ly.
Tôi tò mò:
– Không biết uống mà sao chị có sẵn cà phê trong nhà vậy?
Bà Trang trả lời một cách tự nhiên:
– Dạ hôm nay là ngày giỗ anh Lượng, hồi nãy, trên đường về, em ghé chợ mua một gói để cúng anh ấy.
Tôi tò mò hỏi:
– Anh Lượng nào vậy?
Bà Trang vừa đưa tay chỉ lên kệ thờ vừa trả lời hồn nhiên như một đứa bé:
– Ảnh đó, chồng em đó.
Tôi “ồ” lên một tiếng rồi lảng sang chuyện khác:
– Mấy tháng rồi chị Trang đi đâu vậy?
Bà Trang trả lời ngay, không một chút suy nghĩ:
– Em đi lấy chồng.
Tôi chưng hửng. Ngồi trân. Bà Trang nói tiếp:
– Mà không được đâu anh à, thà ở vậy còn sướng hơn.
Bà Trang nói như để phân bua, còn tôi thì như một quả bóng, bị bà ta “nhồi” tới “nhồi” lui đến tối tăm mày mặt!
Một phút im lặng. Mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Bỗng dưng bà Trang giương cặp mắt tròn xoe nhìn tôi nói nhanh:
– Mấy hôm trước em có về nhưng không gặp anh. Em về để thắp nhang cho anh Lượng và sơn lại cái kệ thờ. Hôm đó em lu bu quá nên để quên cái hộp sơn ở trước nhà bị trời mưa trôi đi hết lại còn bị office cằn nhằn đòi em phải kêu người đến “clean!”
Tôi ngớ người lẩm bẩm: “Thì ra là vậy!” Bà Trang nhìn tôi ngơ ngác:
– Anh lầm bầm cái gì đó?
Tôi nói nhanh:
– Ờ không, tôi định hỏi chị Trang chừng nào đi lại?
Bà Trang thở dài sườn sượt nói:
– Còn đi đâu nữa, em sợ quá rồi.
Những câu úp mở của bà Trang càng gợi thêm tính tò mò của tôi. Tôi quyết định, từ Trang, phải khám phá cho bằng được những việc kỳ quái mà mấy tháng nay nó luôn ẩn hiện trong đầu tôi:
– Chị Trang à! Có việc này tôi hơi tò mò một chút, chị đừng giận nhé.
Bà Trang nhìn tôi với vẻ thản nhiên:
– Anh cứ hỏi, có sao đâu!
Tôi mạnh dạn hỏi:
– Chị nói đi lấy chồng sao còn tính về đây ở luôn?
Bà Trang trả lời một cách tự nhiên, thật thà:
– Chuyện hơi dài dòng, anh chịu khó ngồi nán lại một chút nhé.
Cách đây khoảng năm sáu tháng gì đó, tình cờ em gặp một người đàn ông. Nhà ông ta ở cách đây chừng một giờ lái xe. Ông ta là chủ một công ty sản xuất đồ gỗ. Ông ta vung vãi tiền bạc để chinh phục em.
Nhắc đến thật xấu hổ. Lúc đó em bị tiền bạc làm mờ mắt nên đồng ý gả cho ông ta.
Tuy đã làm vợ người ta, nhưng hình ảnh của anh Lượng không làm cách nào xóa mờ trong tâm hồn em được. Vì vậy, em quyết định dùng số tiền moi được từ người chồng mới này để trả tiền hàng tháng cho căn chung cư hầu duy trì nơi thờ phụng anh ấy được tháng nào hay tháng đó.
Nào ngờ, người chồng mới này của em là một người ghen bậc nhất trên đời. Ông ta kềm kẹp, giám sát, theo dõi em còn hơn một người tù, thậm chí còn cấm không cho em nói chuyện điện thoại với bất cứ người nào.
Tuy vậy, thỉnh thoảng, em cũng tìm cách lén về nhà dọn dẹp đồ đạc, thắp nhang cho anh Lượng rồi trở về ngay. Những lần như vậy, em biết anh có ở nhà, nhưng không dám quấy rầy giấc ngủ của anh.
Với cái cảnh sống như ở tù này làm tinh thần em sa sút trầm trọng, cho đến sáng hôm nay, như tức nước vỡ bờ, em tranh cãi với ông ta một trận dữ dội rồi cuốn gói trở về đây.
Nghe bà Trang kể xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Đồng hồ trên tường gõ nhẹ 12 tiếng. Tôi thấy ngồi thêm bất tiện nên cáo biệt bà Trang ra về với một niềm vui thấp thoáng trong lòng…