Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau.
Có khi nào bạn bị thất nghiệp chưa?
Chắc hẳn có nhiều người sẽ cười và không ngần ngại nói rằng, chuyện gì chứ thất nghiệp ở cái xứ Mỹ nầy chỉ là chuyện bình thường như bao nhiêu chuyện bình thường khác.
Vậy mà, trong chuyện bình thường không vui nầy thường là nguyên nhân tạo thành nhiều vấn nạn trong cuộc sống như những câu chuyện mà người viết đã biết.
“Tôi không thể tin rằng, ngày hôm nay tôi phải rời khỏi hãng nầy vô hạn định. Dù đã được báo trước cách đây một tháng, và tôi cố gắng chấp nhận như một chuyện bình thường, nhưng hôm nay, đến bàn giao máy móc, dụng cụ, ăn bữa ăn từ giã, bỗng thấy lòng nao nao một nỗi buồn.
Những cỗ máy khổng lồ hình như mười năm qua, tôi chưa thấy nó ngừng chạy, giờ đây nằm im lìm, trơ trọi quá.
Có lẽ, người ta sẽ tháo nó ra và đem đến một nơi nào đó. Cũng như khuôn mặt của thằng Larry da đen, lúc nào cũng lười biếng, thằng Risky “lại cái”, bà Mỹ già Rosaly nhăn nhó… hôm nay sao dễ thương chi lạ.
Rồi họ sẽ đi đến nơi nào? Tôi thật xúc động khi gặp Denny ở phòng ăn. Ông ta đã tiêu phí hơn nửa cuộc đời ở hãng nầy. Ba mươi sáu năm!
Ông chìa bàn tay chỉ còn ba ngón, vì một tai nạn ở hãng cách đây hai mươi năm và nói “David, quên đi nhé, nếu tao có lỗi lầm gì với mầy. Chúc mầy may mắn. Tao sẽ luôn nhớ đến mầy, một người tốt nhất mà tao được làm việc chung”.
Ðôi mắt ông đỏ hoe khi chúng tôi xiết chặt tay nhau. Khung cảnh nầy, những con người nầy, biết có còn gặp lại?
Tự nhiên, tôi cảm thấy rã rời, bao nhiêu ý chí, niềm tin, bỗng tan biến với ý nghĩ “không biết mình… rồi sẽ ra sao?”
Một người bạn khác tâm sự:
“Tôi không sợ layoff. Thật tình mà nói, tôi thầm mong ngày nầy xảy ra sớm hơn nữa kìa. Nói ra thì giống như một tên lười biếng, nhưng thực sự, hai mươi năm làm việc tôi đã quá mệt mỏi.
Tôi ở tù sáu năm, qua đây đi làm miệt mài, chưa bao giờ rời khỏi tiểu bang Texas nắng cháy da người này để du ngoạn ở một nơi nào đó, với những danh lam, thắng cảnh hữu tình.
Con cái tôi đã trưởng thành, đứa nào cũng có việc làm ngon lành hơn bố. Nhà của tôi cũng đã trả dứt nợ rồi. Vậy mà có yên đâu, mới tuần qua, bà vợ lại dở chứng, nói xa nói gần.
Nào là nhà cũ quá, bị hở tùm lum, nên máy “heat” chạy cả đêm không ngừng. Nào là chiếc xe đã hơn trăm ngàn “miles”, màu sơn đã bắt đầu bạc.
Nào là cái TV không còn sắc nét như hồi mới mua… “Nhìn người ta thấy bắt ham, nhìn lại mình thấy bắt chán”.
Tiếng thở dài thậm thượt của nhà tôi như có mang mũi dao nhọn hoắt xoáy một vòng vào trái tim tôi.
Tôi không biết cuộc sống nhàn hạ mà tôi hằng ao ước, rồi có thực hiện được không?
Nghĩ cũng lạ, hồi xưa, khi còn trẻ, tương lai đang xán lạn bỗng mất hết sau ngày 30 tháng 4, vậy mà nhà tôi vẫn an nhiên chấp nhận một cách độ lượng, với những lời âu yếm chân thành “Anh đừng lo, mình còn bàn tay, còn tất cả. Mình trắng tay, nhưng đâu có nghĩa là không có hạnh phúc”.
Còn hôm nay, tay đeo hột xoàn, vàng vòng đầy nhóc mà hạnh phúc sao bỗng mong manh!
“Nhà em theo nghề Nail đã hơn chục năm. Ngộ thiệt đó nha, là đàn ông mà ổng lại có khiếu về công việc thẩm mỹ, nên được nhiều khách thích.
Ổng và em cùng theo học nail, nhưng em không hợp chút nào hết, phần bị dị ứng với mùi thuốc, phần tay chân vụng về, nên em bỏ cuộc.
Em xin được việc làm ở một hãng lớn. Nhưng lúc nghề nail “hot” nhất, anh ấy muốn em nghỉ hãng, để hai vợ chồng mở tiệm, làm chủ lấy mình.
Anh lập luận rằng, việc làm ở hãng xưởng bấp bênh, không chắc ăn và không kiếm tiền nhiều như nghề nail. Ðiều đó hoàn toàn đúng, vì bạn bè em, ai theo nghề nail cũng ăn nên, làm ra.
Nhưng thật sự em không có khả năng đó. Xui xẻo em lại bị thất nghiệp ngay lúc này, mà bây giờ đâu dễ gì tìm được việc làm khác với đồng lương như hãng em làm lúc trước.
Ông chồng lại được dịp nói ra, nói vô nghe nhức nhối, nhiều khi tủi thân em muốn đi một chỗ nào khác cho rồi”.
Bạn thân mến,
Có đáng gọi là một vấn nạn về mặt tinh thần của những người thất nghiệp không?
Ðâu đó ở quanh bạn, những người thân trong gia đình hay chính bạn cũng đang ở vào hoàn cảnh tương tự.
Có thật sự chúng ta phải lo âu quá sức chỉ vì bị mất việc? Có thật sự những người bị thất nghiệp là nạn nhân của nền kinh tế quốc gia đang suy yếu, không được ai nâng đỡ, mà lại còn là nạn nhân dưới con mắt của người thân yêu của mình không?
Ðôi khi, những cử chỉ, lời nói của những người thân yêu như vợ hay chồng, trong lúc người phối ngẫu của mình đang mất việc, tưởng như bình thường, nhưng có thể là những cú đá chính xác vào vết thương đang rỉ máu.
Chẳng hạn, bạn nói với ông chồng đang thất nghiệp “Thấy chị H chạy chiếc Lexus mới toanh, đẹp và sang quá, nhìn lại xe mình mà bắt chán.”
Hay “Hôm qua đi ăn tiệc sinh nhật nhà anh chị T, bước vào nhà, nhìn bộ sofa là ‘phê’ liền…”
Có thể, ông chồng bạn sẽ làm thinh, nhưng ai biết được trong lòng ông, hình như vừa có một vết cắt khá sâu.
Mất việc chưa hẳn là một điều quá xấu, biết đâu ta sẽ có dịp thay đổi công việc khác tốt hơn, hay nghĩ cho cùng, cũng nên lợi dụng cơ hội này để nghỉ ngơi hoặc có thể dùng thời gian này để thực hiện bao nhiêu điều mà từ lâu bạn chưa làm được.
Thật sự, chưa có sự mất mát nào bởi tình trạng thất nghiệp có thể thê thảm hơn sự mất mát của biến cố 30-4-75 mà người ta gọi là “đổi đời”.
Chưa bao giờ một người sĩ quan trong quân đội VNCH nghĩ rằng, có ngày mình sẽ đạp xích lô, đi bán vé số. Vậy mà có người, khi mướn được chiếc xích lô đạp để kiếm cơm, họ lại sung sướng không thua gì ngày xưa được thăng cấp!
Rời khỏi quê hương với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không biết một tiếng Anh, ngoài hai chữ Yes và No, mà biết bao nhiêu người không bao lâu đã xây dựng một cơ ngơi, để rồi có được một cuộc sống sung túc, thảnh thơi.
Hãy đứng lên, tiếp tục bước đi, nâng đỡ những người thân yêu đang khổ đau vì hai chữ “layoff” bằng những an ủi chân tình.
Cuộc đời vẫn còn nhiều cơ may phía trước trong tầm tay mình bạn ạ. Tôi chợt nhớ lời thơ của Bùi Giáng:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau.