main billboard

Bây giờ là cuối mùa Thu, bên hồ Gươm, tôi ngồi cà phê với Tường Vy một người con gái Hà Nội.

em khong voi duoc dau
Bỗng nhiên tôi nhớ Hà Nội lúc nhìn màn sương lãng đãng che ngang bầu trời.
Hà Nội và nơi tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng, tuy rất xa nhau, nhưng hai nơi đều đã cuối mùa Thu.
Bên này buổi sáng, Hà Nội chiều đang buông.

 

Nhớ Hà Nội là tôi nhớ em và biết giờ này em đang ngồi ở hàng bún ngan Bà Béo bên hè đường. Em là fan hâm mộ bún ngan mà.

Với nhiều chị em Hà Nội khác, đi làm về thường tạt qua đây, vội vã ăn, vội vã húp nước lềnh bềnh hành xanh, mỡ nổi. Rồi về nhà… cũng vội.
Em thì không. Em vẫn ngồi đó xơi cái đùi ngan béo ngậy!

 

Tôi nhớ em nói “Hà Nội không vội được đâu! Việc gì phải vội?”. Tôi cũng ừ: “Ờ phải. Sao lại vội?”
Ðó là chuyện của mùa Thu mấy năm trước, lúc tôi còn ở Sài Gòn, đi chơi Hà Nội …

Anh bạn đồng nghiệp đưa tôi về nhà sau chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội và chuyến xe bus vào thành phố ngộp hơi người.
Anh bạn nói sẽ có một cô em đưa tôi đi một vòng giới thiệu Hà Nội vào ngày mai, vì mai anh ta bận.
Tôi đã đến Hà Nội mấy năm trước nhưng không nói ra, chỉ ừ. Ðêm, trời lạnh. Mưa bay lất phất ngoài phố cho tôi cảm giác mùa Thu Hà Nội chỉ có những cơn mưa buồn dai dẳng.

Sáng sớm cô em của anh bạn ào đến như cơn lốc, đẩy cửa vô nhà, hỏi liền:
– Anh Thanh, quà em đâu?
Thanh chỉ tôi:
– Hòa đấy!
Cô em khựng lại, cười xã giao:
– Quà của em đây à ? To thế?

Em tên là Tường Vy trang phục trẻ trung quần jean xanh, áo thun tay dài màu đỏ, áo khoác xám.
Tóc em nửa đen, nửa nâu bồng bềnh thời thượng.
Ðôi giày Nike em mang chắc không phải hàng Trung Quốc? Ðôi má em ửng hồng có lẽ do trời lạnh không phải em trang điểm.
Nói chung tông màu em phối cũng có gì đó hay hay! Em cũng xinh đấy chứ …!
– Anh bận. Em đưa anh Hòa đi chơi phố nhé. Nhớ điều này, anh Hòa… nhát lắm đấy!
Em cười tủm tỉm:
– Em cũng thế!

 

Mười phút sau, cô em Tường Vy tuổi ba mươi, và “anh giai miền Nam” tên Hòa, lớn hơn em mười tuổi, khoác áo ra phố.
Ðiểm đến đầu tiên là một quán phở nổi tiếng Hà thành: Phở Thìn!
– Phở là đặc sản của Hà Nội anh ạ! Người Hà Nội xưa nay đều thích ăn phở. Nơi nào ngon, hợp khẩu vị là khách nườm nượp, kẻ ăn người đứng xếp hàng chờ rất kiên nhẫn

Em nói về phở Hà Nội một cách tự hào vì đây là món ăn em và mọi người đều thích – Người Hà Nội ăn phở sáng, trưa, chiều tối… ngồi bàn ăn, đứng ăn, ngồi xổm ngoài vỉa hè ăn đều được!
Em nói lúc nhanh, lúc chậm có lúc nhấn mạnh một điểm nào đó như thể em là hướng dẫn viên du lịch. Ðây là một điểm nhấn của em:
– Quái quỷ Hà Nội lại có Phở Chửi, Phở Quát!
Khách gọi phở, ăn phở, trả tiền phở… đều bị mụ chủ quát vào mặt, chửi như tát nước. Vậy mà khách vẫn đến ăn, ngồi ăn bình thản

Em nhại lời thực khách – “Vô tư đi, mụ chửi cứ chửi, mình xơi cứ xơi!”. Và kết luận – Phở chửi, phở quát là hàng phở tệ nhất Hà Nội về mặt văn hóa.
Những gì em biết về phở Hà Nội tuy chưa đầy đủ nhưng là điều mà người đương thời gọi là “trải nghiệm”!

 

Mấy năm trước tôi đã đến Hà Nội nên biết Hà Nội có hai hiệu Phở Thìn. Một là Phở Thìn cạnh bờ hồ có từ sau đình chiến năm mươi tư với món phở gia truyền bò tái mềm dai.
Hai là Phở Thìn ở phố Lò Ðúc nổi danh sau năm bảy lăm, hút khách với món bò xào tái lăn.
Ông Thìn chủ phở Lò Ðúc từng được mời sang Nhật nấu biểu diễn món phở Việt Nam rất được hoan nghênh.

Tôi và em đi ngang Bưu điện Hà Nội nên ghé phở Thìn bờ hồ tiện hơn.
Vẫn như mấy năm trước, hàng phở Thìn chiếm nửa bề ngang của cái ngõ hẹp, bên ngoài lấn trái, bên trong choán phải.
Năm bàn xếp, một bàn dài khách ngồi hết cả.

 

Khách đông mà không ồn. Mọi người mải mê xơi phở, không nói!
Chờ vài phút rồi tôi và em cũng được xếp chỗ ngồi, chật tí chẳng sao, và được thưởng thức tô phở bò tái mềm với mấy miếng gầu giòn, nước trong và ngọt. Rau thơm ít nhưng bù lại rất nhiều hành lá xắt nhỏ, em nói “đông như quân Nguyên”.

Tô phở tái nóng cho tôi cảm giác như chính nó vừa xua đi làn gió hiu hiu ngoài phố đưa vào.
Em ăn chậm, húp nước thư thả, từ từ thưởng thức cái vị đậm đà của tô phở tái.
– Hà Nội không vội được đâu! Việc gì phải vội? Cứ từ từ… anh ạ!
Thấy tôi ăn xong, em nói như biện hộ cho mình về sự không vội với mấy động tác cũng chậm: nhặt thêm rau, gắp thêm ớt, cho chút tương lõng bõng vào tô, dùng đũa khuấy nhẹ.

– Em cứ từ từ nha…!  – Tôi nói mà không nhìn em vì nhìn sẽ làm em mất tự nhiên – Phở Hà Nội ngon, nhưng… tại sao ngon, em biết không?
Em không đáp vì bận hít hà có lẽ nước phở có nhiều ớt làm em bị cay.
Tôi giải thích luôn điều tôi vừa nêu:
– “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì… chỉ ở Hà Nội phở mới ngon! ”

Tôi nói cũng khá giống hướng dẫn viên du lịch?
Tóm lại phở Hà Nội ngon vì hợp khẩu vị người Hà Nội. Sài Gòn cũng có hàng phở Hà Nội nhưng không đông khách. Sự sành ăn, khẩu vị của người Sài Gòn tạo cho phở Sài Gòn sự khác biệt…

 

Giải quyết xong tô phở em hỏi:
– Phở Hà Nội ngon chứ anh? Ý anh vừa khen…
– Ðồng ý! Phở ngon lắm. Nhưng câu “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội…” là của ông Thạch Lam viết trong quyển “Hà Nội Ba mươi sáu phố phường” không phải ý anh…

Em rút khăn giấy lau miệng ngạc nhiên tí:
– À ra vậy. Sao anh biết cái ông gì… gì đó? Quen à?
Em không biết gì về ông Thạch Lam nhóm Tự Lực Văn đoàn thì thôi…
Tôi nói như bọn trẻ mê iPad:
– Tối qua tra Google!

 

Tính tiền xong tôi hỏi:
– Xong phở đi đâu em?
– Cà phê Thủy tạ bờ hồ nhé?
– Vậy đi…
Chúng tôi băng qua đường, đi dọc bờ hồ. Tháp Rùa xa xa nhỏ xíu. Trời lạnh. Em kéo vạt áo ôm sát người.

Trên lối đi có mấy gánh xôi lạc, xôi xéo người bán hàng ngồi bệt dưới đất co ro, nhỏ nhắn làm sao.
 Bên cây phượng lá lưa thưa có một cụ già râu bạc, đầu đội nón nỉ bạc thếch, tay cầm cây trúc treo mấy món đồ chơi bằng giấy thiết tha mời khách.
– Trẻ con bây giờ chơi game online chả mua đồ chơi giấy nữa đâu? – Em lắc đầu lấy làm ái ngại cho cụ già bán đồ chơi giấy, có lẽ bước ra từ một truyện cổ tích nào đó của làng quê Bắc bộ, và cuộc mưu sinh của ông!

Trên lối đi này, Tết năm xưa Ông Ðồ Già của ông Vũ Ðình Liên “bày mực Tàu, giấy đỏ” còn ngơ ngác “giữa phố đông người qua” mà!
Hà Nội “thời hiện đại” đã đẩy lui những nét đẹp văn hóa dân gian về quá khứ ?
Ðường phố đông hơn với người đi bộ, kẻ phóng xe vun vút.
– Hà Nội đang tăng tốc sao bảo “không vội”? – Tôi hỏi em vì muốn biết câu nói đó có phải là quan điểm sống của người Hà Nội không?
Em nhún vai, làm thinh.

Lúc đó, ở đoạn đường cong, một xe tay ga ôm cua quá nhanh trượt bánh ngã nhào, người lái văng vô lề đường. Em lắc đầu nói như nhà tiên tri:
– Ðã bảo… “Hà Nội không vội được đâu”. Cố thì chịu!
Nhà hàng Thủy tạ bên bờ hồ là một chỗ ngồi “cũng hay đấy” – chữ của em – vì sự sang trọng nửa mùa của nó. Cà phê cũng chảnh với phong cách Tây, pha phin ( filter) sẵn, ly sành nhỏ xíu.

 

Tôi gọi “đen nóng”, chờ. Em gọi “nâu đá”, có liền. Tiếng khuấy đá của em rọt rẹt, rọt rẹt nghe… chán chết!
Trời lạnh. Gió nhẹ. Tôi đốt một điếu thuốc. Em không phản đối.
Mặt hồ Gươm sương chưa tan hẳn, bên kia phố là bầu trời nhiều mây, là nhà cao tầng.

Tôi nhìn mãi lâu vẫn không tìm được một nét gì đó hài hòa giữa hồ và phố gần giống như Hồ Gươm trong “Áo mơ phai” của ông Nguyễn Ðình Toàn, những nét đẹp mà tôi biết vẫn còn trong hoài niệm của người Hà Nội xưa.

 

Vâng, có hơn sáu năm rồi, kể từ ngày ông Nguyễn Ðình Toàn cảm cái sắc Thu bên hồ Gươm và luyến tiếc cánh phượng hồng thời hoa bướm cũ:
“Cái mặt nước xanh biếc, nhìn qua một lớp sương mới hôm nào đỏ rực như than hồng, vì in bóng những cây phượng vĩ, những cây phượng chỉ bẵng đi mấy bữa chàng quên không để ý đến, lúc nhìn lại đã rụng hết cả hoa lẫn lá, chỉ còn trơ những cành đen đủi in bóng yên lặng xuống mặt hồ và bầu trời ẩm đục.

Những cây phượng đã rụng hết lá, nhưng những cây khác quanh hồ và bên công viên Chí Linh lá vẫn xanh dày và đan liền cành với nhau …
Cái màu xanh của lá sẫm lại trong mùa Thu kéo dài sang mùa Ðông sắp tới, bao giờ cũng làm cho Hà Nội có một vẻ xanh xao và ủ ê…
Cái màu xanh thắm lẫn vào sương đục, tản mạn trong không khí, bám trên các lớp rêu phong của gạch ngói, nhập vào linh hồn Hà Nội, trở thành một phần nhan sắc của con gái Hà Nội…”
Ðó là cái nhìn của người Hà Nội về Hà Nội thời thanh bình đã xa. Một phần nhan sắc ấy nay còn không?

Bây giờ là cuối mùa Thu, bên hồ Gươm, tôi ngồi cà phê với Tường Vy một người con gái Hà Nội.
Với em, một phần nhan sắc không chỉ là “màu xanh thắm lẫn vào sương đục” mà đậm đà hơn với màu đỏ tươi tắn, trẻ trung của hoa Tường Vy cánh mỏng.
– Chiều tầm sáu giờ mình ăn bún ngan nhé, anh Hòa! – Em lên tiếng vì thấy tôi im lặng khá lâu.
– Ngan là con gì? Ngon không? – Tôi biết ngoài Bắc gọi con ngan, trong Nam là con vịt Xiêm nhưng vẫn hỏi cho có hỏi.
– Ngan là vịt đấy mà to hơn anh ạ! Bún ngan hay miến ngan đều ngon tuyệt đối. Tùy chọn!
Em là fan hâm mộ bún ngan nên lời khen chẳng chê vào đâu được.
Tôi lại giả bộ:
– À ngan là vịt. Da vịt cholesterol… “trên cả tuyệt vời” đó nha!
Nhìn đồng hồ, tôi hỏi em:
– Từ giờ đến sáu giờ chiều em làm gì, anh làm gì?
Em đáp rất hồn nhiên:
– Lại ra phố. Phố Cổ ấy!

Lang thang Phố Cổ tôi thấy ngộp vì ồn, chật chội.
Phố Cổ tức ba mươi sáu phố phường ông Thạch Lam kể trong sách đã biến mất rồi!
Hàng Than, Hàng Bạc, Hàng Bồ… có nhiều nhà mới xây năm sáu tầng, khách sạn ba bốn sao lắp máy điều hòa cái cao, cái thấp.
Hàng phở, quán cơm, hàng quần áo, vải vóc…  xô bồ, nhếch nhác. Phố bị thu hẹp như tâm hồn con người ta ở đây: dân kẻ chợ.

Tôi mua tặng em chiếc nón beret đỏ để xứng với tên em là Tường Vy, loài hoa đỏ duyên dáng, kiêu sa.
Em cám ơn tôi, đội chiếc nón nỉ làm vài động tác tinh nghịch rồi cười:
– Thiên thần mũ đỏ đây nhé!

 

Xế chiều em đưa tôi đến hàng bún ngan có tên “Bún Bà Béo”đang lúc đông khách.
Ðúng như tên gọi, bà chủ hàng bún béo thật, mặt láng bóng nung núc mỡ không rõ mỡ của bà ứa ra hay mỡ từ mấy con ngan béo ngậy kia.
Trong tủ kiếng thịt ngan chặt ra chất đầy. Ðùi, ức, đầu, cổ, mề, gan đều to, hấp dẫn.
 Nghe lời em, tôi xơi một tô bún có rau, có măng với cái đùi ngan ngập mỡ. Ăn một lần ngán tới giờ!

– Mai em bận tour rồi. Mất hai hôm không xơi bún ngan được…
– Em bận tour?
– Dạ bận. Em là hướng dẫn tour mà!
Sáng nay em nói về phở Hà Nội tôi có nhận xét em là một hướng dẫn viên du lịch.
Vậy là không sai. Mai em sẽ không thất nghiệp, cũng mừng…

 

Em nói có vẻ miễn cưỡng:
– Dắt bọn khách Tàu đi vòng vòng Hồ Gươm, vào đền Ngọc Sơn xem rùa, đến Văn Miếu xem bia tiến sĩ. Chiều cho bọn nó ăn bún chả cá…
– Sao không ăn bún ngan?
Em nhún vai:
– Bọn nó mê ăn nuốt cả xương mắc cổ chết ai chịu?

 

Tôi rời Việt Nam mấy năm nay, không liên lạc với em nên không biết bây giờ em ra sao?
Nhà tôi có trồng hoa Tường Vy làm thành giàn hoa đẹp ở miếng đất nhỏ sau vườn.
Hoa đẹp, dễ trồng thì trồng thôi chớ tình cảm giữa tôi và em “cũng hay đấy” – chữ của em – nhưng đã “kết thúc có hậu”– chữ của tôi – sau tô bún nóng ngọt ngào với đùi ngan mềm mại nửa nạc, nửa mỡ.

Nhớ Hà Nội, tôi nhớ câu “Hà Nội không vội được đâu!” suy nghĩ mãi mà không hiểu được điều không vội của Hà Nội là gì?
Là phong thái đất Thăng Long ngàn năm văn vật, là sự điềm tĩnh, lịch lãm của dân Hà Nội “chính gốc” hay không vội là thái độ dửng dưng, vô cảm của người Hà Nội “thời hiện đại” để không bị điều gì đó làm cho cuộc sống thêm mỏi mệt?
Tôi vẫn chưa có lời giải đáp …

Bây giờ thì… dù vội hay không vội, bầu trời Hà Nội vẫn phủ nhiều bụi mịn, nhiều tuyến đường cây xanh bị chặt bỏ, tiếng còi xe, khói bụi quá mức, mưa lớn là phố thành sông.
Rồi thì nước sông Ðà nhiễm bẩn theo đường ống vào tận nhà dân. Không khí, đường phố, nước bẩn như vậy thì Hà Nội không khác gì người bệnh đang vật vã trong cơn ô nhiễm toàn phần?

Tôi đọc tin trên mạng biết AirVisual đo không khí Hà Nội đã chấm Hà Nội là một trong mười thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Phố xá thì vậy, con người thì sao, liệu có cách nào đo được độ ô nhiễm của tâm hồn, nhân cách người Hà Nội “thời hiện đại” không?

Buổi sáng em ngồi cà phê Thủy Tạ nhìn đường phố bên kia khói xe mù mịt đừng tưởng là sương mờ trên mặt hồ Gươm nhé?
Em cứ ngồi mà thư thả nhìn, rồi nghĩ vẩn vơ một điều gì đó hay lấy smartphone ra chat với bạn bè.
Vô tư đi! Giữa phố phường ồn ào nhiễm bẩn em không vội được đâu!

Không vội để bình thản nhìn rõ cuộc sống, vun đắp tâm hồn và gìn giữ nét đẹp vốn có của con gái Hà Nội, một phần nhan sắc trong “Áo mơ phai”, nay có thêm một phần tính cách hồn nhiên, dạn dĩ của em “Thiên thần mũ đỏ” Tường Vy ạ?

Hình minh họa: Bảo Huân