main billboard

Chiều nay trời trở lạnh, cái lạnh nhẹ của những ngày xuân, tôi ngáp dài, hết muốn ngồi nhà,… 

                                                                  Tập truyện ngắn “và tôi cười khóc”

mh dat lanh chimChiều nay trời trở lạnh, cái lạnh nhẹ của những ngày xuân, tôi ngáp dài, hết muốn ngồi nhà,… Thôi! Ra ngoài ăn tối, tìm gì uống.

Tới cái tiệm ăn nhỏ quen thuộc ở Victoria, nơi tôi thường ghé uống vài chai bia, nói chuyện trôi nổi thế gian với ông chủ, người thiếu tá Dù năm nào tuy lớn tuổi vẫn còn nóng bỏng khí thế một thời, hoặc lâu lâu gặp bạn cũ, ngồi khề khà, quanh quẩn chuyện đời xưa nay.

– Ê! Lâu quá không thấy?

– Dạ bận, bữa trước ghé, không có anh.

– Ừ! Ăn gì? Hay uống thôi.

Thật ra đây không phải là quán nhậu, là nhà hàng chuyên bán đồ Huế, nhưng ông anh vui tính, thấy có bạn là nhường hết chuyện buôn bán tiếp khách cho bà vợ, kéo ghế ngồi khề khà luôn.

– Làm chai đi, bữa nay có món lạ, từ xa nhập về, hiếm lắm, anh mời, nhưng phải kín đáo vì thứ này quốc cấm!

Tôi chọc

– Bàn tay gấu? Hay pín cọp?

Anh nhìn tới nhìn lui, thì thầm.

– Không bán cho người nước ngoài, chỉ dành cho bọn Giao Chỉ thôi!

– Thứ gì mà dữ quá anh?

– Chậc! chú ăn tạm cái tré đi, tao vô làm, chút mang ra… biết liền.

Ông anh biến sau cửa bếp.

Quán bắt đầu vắng, tôi uống tới chai bia thứ ba thì ông ra, trên tay một dĩa đầy

– Thấy gì chưa?

– Sao rau không vậy?

– “NÓ” ở dưới.

Tôi lấy đũa đẩy lớp rau trên mặt.

– Ủa! Cút con?

– Bá láp! Cút đâu mà cút….

Ảnh ghé sát tai tôi, nói nhỏ

– C… h… i… m… s… ẻ… rô -ti

Tôi nhìn lại, đúng rồi! Ðúng đúng… những con chim sẻ rô-ti nằm xếp hàng dài trên chiếc dĩa.

– Sao anh có được vậy?

Ông cười lớn.

– Ha! Làm sao có được! Vậy mới hay chớ chú em, ăn thử đi. Ðúng là chim sẻ không? Hà! Hà!

Tôi gắp con chim bỏ vô miệng nhai cái rột…thịt xương ngọt lịm, giòn tan.

…Xưa, ai về miền Tây mà không nhớ bắc Mỹ-Thuận, nhớ bắc Mỹ-Thuận thì làm sao quên được chim sẻ rô-ti, gà nước nướng… Mười con chim bằng ngón tay cái cong cong phơi cái bụng vàng ngậy, thơm phức trên chiếc xiên tre. Nhớ Mỹ-Thuận đã đành, tôi còn nhớ cô con gái xinh xắn, dễ thương con chủ tiệm MKphoto… ngày nào tôi về dạy làm phim hoạt hình cho Ðài Truyền Hình Cần Thơ. Ðêm sân thượng, hoa kiểng thoang thoảng, bàn rượu ngon. Trí, Tòng, Bá những người bạn Cần Thơ. Ðĩa khô sặc rằn xé nhỏ, trộn bưởi chua, chục xâu chim sẻ giòn rụm.Bàn tay trắng xanh, còn dấu vết học trò của cô gái lớn, con anh chủ nhiệm khéo léo bày biện. Ngày về Sài Gòn, tôi nhận thêm món quà kín đáo, giấu riêng trong túi xách, tới nhà khui ra, mấy chục xâu chim rô-ti, bao cá sặc khô xé sẵn và mảnh giấy nhỏ: “biết anh thích, em làm để anh mang về trển nhậu với bạn.”

Tôi thích cô gái và càng mê chim sẻ rô-ti hơn từ đó, sau này mỗi lần muốn ăn phải ra Chợ Cũ tìm cho bằng được, nhưng không phải lúc nào cũng có, riêng cô gái ở Cần Thơ nhưng bận bịu với công việc nên cũng dần dà quên đi.

– Sao? Ngon không chú em?

– Ngon anh, gần hai mươi năm mới thấy, thêm bia đi anh!

Cả két bia nằm dài dưới quầy, hơn 12 giờ đêm.

– Làm sao mua được?

– Ai bán mà mua, Ở đây đụng tới chim nhỏ ra Tòa!

Ông anh cười hà hà.

– Chim lớn ly dị…Vô tù! Có người ở xa mang tới bán lậu!

– Tây?

Ông trợn mắt

– Không! Tây mà biết ăn vụ này thì xứ này đâu còn chim nữa, người Việt, anh cũng không biết chả ở đâu, một hai tuần tới một lần, hỏi muốn bao nhiêu, hôm sau mang giao, lấy tiền liền, không giờ giấc chính xác, lúc nào cũng nhỏ nhẹ: “Anh làm ơn đừng cho ai biết tui bán cái này, ở tù không ai nuôi vợ và năm đứa con”. Tướng chả hiền lành lắm, khi nào em muốn ăn ghé đây, hoặc anh mua giùm cho.

Tôi ăn bữa tối: Toàn chim, bia và chuyện đời buồn vui, chuyện Sài Gòn mới cũ.

Hai tháng sau, tôi đi Ottawa nghỉ hè, đang lang thang dọc bờ sông, định vào tiệm Ý ăn thì tình cờ gặp Ðực, người em hàng xóm lúc ở trại tị nạn Palawan, Phi-Luật-Tân.

– Trời ơi! Anh H, ở đâu? Mười mấy năm rồi, tụi em nhắc anh hoài, ôi ông thầy của tui, làm gì đứng đây? Tính nhảy sông hả?! Không được, còn lạnh lắm, thôi về nhà em chơi đi! Ðực kéo tôi lên xe.

Những ngày buồn bã ở trại tị nạn, tôi làm việc buổi sáng cho Cao-Ủy, chiều vẽ tranh, Ðực tới trại sau ngày đóng cửa, trại quá đông, không còn chỗ ở, tôi cho Ðực cất cái chái nhỏ bên hông nhà. Ðực hay quanh quẩn coi tôi vẽ, nó không thân nhân, họ hàng, sinh ra ở cái làng nào đó của quận Ðức-Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ðực làm nghề biển từ nhỏ, ăn nói chất phác, hiền lành như muối hột, một hôm nó lấy phần lương thực bán cho tụi Phi, mua được sáu chai bia, đem tới mời tôi uống.

– Tiền đâu em mua bia?

– Em bán phần thịt.

Ðực tỉnh bơ.

– Thấy anh hay uống bia, em mời!

– Lần sau đừng làm vậy, thích uống bia, vô đây uống với anh.

Ðực cúi đầu.

– Hổng giấu gì anh, em tính xin anh học…

– Học gì?

– … Dạ! dạ!…Học chữ….Em mù chữ….

Tôi xúc động, yên lặng…

Khi làm hồ sơ phỏng vấn cho Cao Ủy, tôi đã biết có nhiều người mù chữ, chừng hai người lớn tuổi, ba cô gái, và hai thanh niên, không ngờ Ðực ở trong số người đó. Tôi nhìn Ðực, tội nghiệp.

– …Mỗi tối em vô đây anh dạy cho.

Chẳng bao lâu Ðực học xong chữ cái, bắt đầu đọc và viết, tôi xuống thư viện tìm tòi sách về cho Ðực tập đọc, nó rất thích những câu châm ngôn, ví von và hay hỏi tôi về phép lịch sự thường thức cuả cuộc sống. Mấy tháng ở trại, Ðực thay đổi hẳn, bây giờ nó biết chào hỏi, thưa gởi mọi người rất lễ phép, ăn mặc tề chỉnh hơn, tôi cho Ðực bộ đồ mới của gia đình ở Sài Gòn mới gởi qua.

Ðực thút thít.

– Từ xưa tới giờ em chưa bao giờ có được bộ đồ đẹp này, em nhớ ơn anh.

Từ hôm đó, khi nào ra ngoài, Ðực cũng diện bộ đồ mới, tuy không ủi, nhưng sạch và đẹp, nó giống như cậu học sinh ở làng xa ra tỉnh trọ học.

Một tuần sau, nhân có dịp, tôi lén lấy hồ sơ Cao Ủy, đổi tên cho nó.

Ðực bây giờ là: ÐỨC!

Ðực có cái thiên tính của dân đi biển chuyên nghiệp, ngày nào cũng vậy, đúng con nước xuống là nó xách cái chĩa nhọn ra biển, một hồi trở về với ốc nhảy, ghẹ, sò, đôi khi có mấy con chình cỡ bằng cườm tay, Ðực loay hoay làm cả buổi chiều, đến tối mang qua dĩa gỏi chình và tô cháo thơm ngát hành cho tôi nhậu, Ðực ít uống, nó ngồi nhìn tôi uống và nghe đủ chuyện, từ Sài Gòn ngày xưa lúc tôi còn đi học, học nhạc, học vẽ… học làm phim hoạt hình cho tới khi làm ở hãng phim Lidac, chuyện tôi với bạn bè, với hai đứa con gái ở bên Pháp, chuyện đi Nga, đi Pháp…Chuyện làm đạo diễn… đến khi vượt biên, Ðực khoái câu: trời sinh voi, sinh cỏ, nó học nằm lòng để ví von với thân mình.

Biết đọc, biết viết, Ðực cố học thêm tiếng Anh, lúc nào cũng: how are you, I love you, yes sir, no sir…

Ðến khi Ðực biết tra tự điển để cố đọc những mẩu tin ngắn trong mục thế giới của tờ báo Time tôi mang trên văn phòng Cao Ủy về thì có tin định cư Canada. Hai tuần sau, tôi giã từ trại, giã từ Ðực với món gỏi chình, cháo chình hành lá, I love, I like, yes sir, no sir.

Mười mấy năm trôi qua, hôm nay tình cờ gặp lại người em, và bây giờ đang ngồi bên Ðực với gia đình trong căn nhà ở vùng nông trại gần thành phố Ottawa.

– Dạ thưa anh đây là con vợ em, Hường, phải hồi đó gặp nhau sớm, em đã nhờ anh đổi lại thành tên Hương rồi…. Hường nghe màu mè quá!…

Ðực cười hè hè

– Mấy con đâu? ra chào bác.

Ðực quay qua tôi.

– Năm đứa cả thảy anh.

Năm đứa, hai trai, ba gái đứng xếp hàng trước mặt, năm khuôn mặt mang nét của Ðực cùng cúi xuống thật đều…

– Dạ! Kính chào bác.

Tụi nhỏ chạy vô trong.

Tôi nhìn Ðực, bước tới vỗ vai nó.

– Giỏi đó em.

Ðực rơm rớm nước mắt.

– Em cảm ơn anh.

Trên bàn dọn sẵn bia và đồ ăn, vợ Ðực chắp tay mời tôi…

– Tụi em ngồi ăn với anh cho vui….

Ðực ngồi xuống bàn, cô vợ bước ra sau.

– Anh biết không, tụi em qua đây khó khăn lắm, vì còn phải thanh lọc, nhờ bài bản anh chỉ cho, nên tụi em đi được, mừng quá nên tới đây chừng tháng là em có bầu.

– Lấy nhau bên trại hả?

– Dà!

Ðực kể.

– Lúc mới tới, tụi em làm nhổ hành, hái dâu cho nông trại, làm quá nên tay chân hai vợ chồng cứ cong lại như càng cua cũng vì ham tiền, làm bất kể ngày đêm nên vợ em sinh non…

– Chắc hồi đó em hay bắt ghẹ cho anh ăn nên tay cong là đúng rồi, đâu phải tại nhổ hành.

– Khổ lắm anh, em như “anh hùng mạt vận” không biết làm sao có tiền sống, trợ cấp của chính phủ như muối bỏ biển.

Tôi vui khi nghe Ðực biết thêm nhiều câu ví von.

– Em nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ” như anh dạy, nhưng sao thấy cỏ càng ngày càng ít, mà voi nhà em thì càng đông! Em phải tìm cách cho có “Cỏ” lẹ lẹ.

Rồi như nhớ ra điều gì, Ðực đứng dậy

– À! nhân tiện em mời anh nhậu cái này chơi.

Ðực vô bếp, tôi ngửi thấy mùi thơm quen thuộc.

– Ðây! Dạ mời ông thầy.

Những con chim sẻ rô-ti vàng ngậy, xếp vòng quanh trong chiếc dĩa đầy xà lách son.

– Ở đâu em có thứ này? Chỗ nào bán?.

Ðực cười

– Ông anh thích lắm hả?

Nó gắp hai con bỏ vô chén tôi.

Tôi cắn một con, cái đầu tan rau ráu trong miệng, mùi thịt thơm lừng, rộn ràng qua cổ họng, tê tê chân răng….

– Anh biết không, con vợ em…

Tôi sửa sai.

– Vợ em, không phải con vợ em.

– Dà! Cám ơn anh, vợ em biết em thèm con, cuối năm đó làm hai đứa, em hơi run, đầu gối không còn dẻo để lom khom nhổ hành nữa…

Ðực rót thêm bia.

– … Hôm đó đi nhổ hành về, em buồn buồn ngồi ngoài công viên ăn bánh mì, bỗng đám bồ câu, chim sẻ bay lại, em thương chim lắm, nên bẻ bánh cho tụi nó, cả chục con tham ăn, dạn dĩ chui vô tận trong cái xách của em, lúc đứng lên em vô tình kéo khóa lại mấy ảnh kẹt cứng, tự nhiên ‘’Bần cùng sinh đạo tặc’’!

Ðực chúm chím cười với câu ví von.

– Ðầu em nghĩ ra chuyện khác, nên chạy về nhà, lén vợ nhổ lông, rô-ti đám chim, kêu thằng bạn tới nhậu.

– Ngon quá mầy! Làm sao có món này vậy?

– Bạn cho!

– Mầy mua giùm ít con được không?

– Hổng biết nữa, để tao hỏi, mai tao phone!

Hôm sau cái lưng đau quá, em nghỉ nhổ hành, mò ra công viên, nhìn trước, ngó sau thiệt kỹ, tìm chỗ ngồi kín đáo.

Em lôi ổ bánh mì Việt Nam, ăn hết nửa, còn phân nửa bẻ nhỏ ném vòng quanh dụ chim, cả bầy chim đáp xuống ăn, từ từ chui hết vô giỏ xách một cách ngoan ngoãn, em làm năm chuyến, cả thảy 60 con, mang về nhà, giấu dưới basement, tối lén vợ nhổ lông, bắt chảo rô ti!

– Anh chiên gì vậy?

– À! Cút con, mua ở chợ, làm giùm cho bạn!

Chiên xong, em gọi thằng bạn.

– Hêlô! Có rồi, 60 con, làm sẵn, chỉ việc đem tiền tới nhà tao lấy, một đồng một con… mắc gì! Của quý, của hiếm mà mầy, không lấy thì thôi!…

Ðực kể tiếp.

– Nói cho ngon, thằng bạn không lấy thì làm sao em nuốt hết sáu chục con! 10 phút sau nó lấy đãi bạn bên Mỹ qua, ăn xong ai cũng khoái nên nhờ đặt dùm cho mỗi người vài chục, làm thêm đi anh! Chim mùa này thịt nhiều, béo lắm!

Tôi gắp con chim, nốc ly bia ngọt lịm, Ðực lấy thêm rau xà lách son.

– Sáng hôm sau, em mang cái xách bự hơn, thay đổi nhiều công viên khác nhau, tốn tới ba ổ bánh mì…

Tôi hỏi.

– Em biết như vậy là phạm luật không?

Ðực cười.

– Biết! Cho nên em kín lắm, có gì xảy ra ai nuôi vợ, con! “Ðói, đầu gối phải bò”!

– Giỏi!

Ðực tiếp.

– Có điều lạ, chim ở đây cũng thích bánh mì của mình như Tây, nên em làm luôn tám chín chuyến, hôm sau kiếm được 400 ngon ơ! Em thành thật khai với vợ, và từ đó vợ em phụ một tay…

Ðực gắp thêm chim cho tôi, rót đầy ly bia.

– Làm đi anh! “Cây nhà lá vườn” mà, xuống đây em cho coi!.

Tôi theo Ðực xuống hầm.

– Nhờ bán chim sẻ rô ti, ba năm sau em mua cái nhà ở vùng nông trại này, bề ngoài trồng trọt bậy bạ, em dân biển, biết canh tác gì đâu… Anh coi đó!

Ðực chỉ tay.

Trong căn hầm mốc meo, cả đàn chim bay, chim đậu tứ tung…

– Bây giờ em bắt chim tại nhà, phương pháp hiện đại hơn. Em làm thêm nhiều cửa sổ, bốn mùa mở rộng, đồ ăn rải đầy từ ngoài tới trong, mấy anh chị chim tha hồ bay vô ăn, tối bay vô ngủ, mùa Ðông bay vô tránh tuyết, gần chín mười giờ tối, em ra ngoài quan sát kỹ càng rồi đóng cửa sổ lại…

Ðực cười, xoa tay.

Một phút yên lặng. Tôi nhìn hai vợ chồng Ðực.

Ðất vàng đãi công người chịu khó.

– Uống em!

Tôi đưa cao ly bia.

– Rồi cuộc đời sẽ cho vợ chồng em nhiều tốt đẹp nhất.

– “Có công mài sắt… Ừ… Có ngày nên kim” phải không anh.

– À! không em, “Ăn cái súp mà mình nấu.”

Ðực xoa hàm, nheo mắt…

– Khó hiểu ông Thầy.

Ðực rờ râu

Một phút.

– À! Em hiểu. Em hiểu, em làm sao thì sẽ hưởng như vậy, đúng anh?

– Ðực cụng ly.

– Nông trại này ở nơi hẻo lánh, chim nhiều, tụi nó ăn toàn hoa quả ngũ cốc nên thịt rất ngon và vệ sinh, hơn nữa chung quanh không ai dòm ngó, họ chỉ biết tụi em trồng rau thôi! Nhờ vậy em có “Cỏ” nuôi bầy con ăn học.

Vợ Ðực đem ra một đĩa lớn hơn

– Dạ! Tụi em mời anh.

Ðực chồm sát tôi.

– Mời ông thầy món đặc biệt hảo hạng.

Sáu con chim lớn nằm trên lớp rau xanh điểm những lát cà chua đỏ…

– Cút?

Ðực lắc đầu.

– Thưa ông anh, món bồ câu rừng rô ti.

Tôi ngạc nhiên, bao tử ngứa ngáy.

– Xin mời anh!

Tôi gắp một con, nhai cái đùi. Ðây là con bồ câu ngon nhất trong những lần ăn của tôi kể cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Nam, và cái nhà hàng nhỏ xíu Tân Nhã gần khách sạn Ðông Kinh, khu Cảnh Sát Ðô Thành năm xưa

Thịt da giòn tan, rùm rụm trong miệng, trôi nhẹ qua cổ họng, để lại vị thơm thoảng mùi rô ti dính khe răng.

Ðực lôi ra chai Remy Martin.

– Hồi đó ở trại tị nạn, anh nhận quà người bạn bên Pháp qua thăm, chai Cognac Remy, anh cho em một ly và nói chuyện với em về rượu ngon của Pháp, em còn nhớ cái hiệu này, mua một chai để dành mời khách, hôm nay mời anh. Ông thầy!

Tôi cảm động.

Những ngày trại tị nạn bỗng về!…. Từ văn phòng Cao Ủy, phỏng vấn Mỹ, phỏng vấn thanh lọc, Ðực và những người khác, đám du côn trùm Trại, con em cựu quân nhân biểu tình, Chủ Tịch bị chém đứt ngón tay, anh em Hải Phòng… tôi vẫn rất vui khi nhớ những gì mình đã làm.

Ðực ngà ngà.

– …. Bữa kia em thấy trong đám chim vô nhà, có mấy chị bồ câu rừng…

Ðực cụng ly.

– Vậy là em có ý mới!

Tôi ngà ngà.

– Em đóng hai chuồng chim thiệt to, bỏ đầy đồ ăn, đặt sau vườn, sát bên rừng, hôm sau cả chục con bồ câu bay về chen chúc, ngủ đó, đẻ ở đó cho tới bây giờ đã thành vài trăm con!…

– Dzô cái anh!.

Tôi làm hết ly.

– Hàng này chỉ đặc biệt cho tiệc tùng ở nhà của dân Việt Nam ở Montreal, ai biết, có ngay, lâu lâu tiệc cưới dân giàu, em trúng cả vài trăm Ðô một ngày!

Tôi cười lớn, bước tới ôm Ðực.

– ..Giỏi! Em giỏi thiệt.

– Còn nữa anh, em có số sống nhờ chim, mùa hè chim trĩ ở rừng kéo tới, em làm thêm hai chuồng, tuần nào cũng bán vài chục cho nhà hàng, hoặc dân ăn nhậu Montreal, chim trĩ xé bóp gỏi, ngon hơn gà tươi trăm lần.

Tối đó tôi có dịp coi hai vợ chồng Ðực làm việc tới khuya, và cũng là lần đầu tiên tôi với nó say quá trời.

Sáng hôm sau, Ðực gói cho tôi một bao lớn cả mấy chục con chim sẻ, bồ câu rô ti, trĩ.

– Anh về vui vẻ, lúc nào rảnh ghé tụi em, à! Em cũng lên đó giao hàng hoài, em còn giao tới Toronto nữa mà, cho em số phone, khi qua Montreal, em ghé anh nhậu chơi.

Tôi cảm động nhìn Ðực.

– Anh mừng cho vợ chồng em… Nhưng cẩn thận.

– Nhờ hồi đó anh chỉ dạy, cho nên em cũng khôn ra, cũng biết lo thân chứ anh, ‘’Xứ lạ quê người’’ mà!

Tôi chợt nghĩ về mình, bao nhiêu năm đổ mồ hôi vì cuộc sống, cũng may tôi vẫn còn nghề nghiệp, nhẹ nhàng hơn nhiều.

Quay lại hai vợ chồng Ðực

– Tụi em giỏi lắm!

Ðực tần ngần nhìn tôi.

– Cám ơn anh, thì tụi em cũng cố, có gì đâu “Chim trời cá nước”, em dân biển, sống bằng “Cá nước’’, bây giờ đổi đời, sống qua “Chim trời’’ cũng ra trò vậy… “Ðất lành chim đậu” mà anh!..

– À!… Giỏi quá. Mấy câu đó em học hồi nào?

– Dạ! từ ngày sống nhờ chim.

– Nhưng chim vô nhà em đều ngỏm! Thì đâu là “Ðất lành?!

– Noooo! My teacher! “CHIM” is me!

Tôi quàng vai Ðực, hai anh em cười lớn, bước ra xe.

                                                      HĐV

                                                 Melrose, MA