Trên những nhánh cây mọc nghiêng có bầy chim nhỏ soi mình xuống giòng nước thỉnh thoảng hót lên những âm thanh thật vui tai và thật thanh bình khiến Ngữ nhớ đến giòng sông êm đềm ngày thơ ấu.
Người ta nói có những giòng sông mãi hoài vẫn không chảy ra biển lớn.
Khi về định cư ở nơi đây, nhìn thấy con sông chạy quanh thành phố với những đoạn rất hẹp, chảy chậm chạp, Ngữ đã tự hỏi không biết nó có xuôi ra biển lớn nổi hay không. Người bảo trợ bảo đây là phụ lưu của Missouri river, một trong bốn con sông dài nhất Hoa Kỳ. Xuất phát từ rặng Rocky, trước khi đổ vào giòng Mississippi vĩ đại thì sông Missouri chảy qua mười tiểu bang của Hoa Kỳ và hai tiểu bang khác của Canada. Lúc ấy, với trình độ Anh ngữ non yếu của mình, cái tên giòng sông nhỏ này còn chưa nhớ nổi huống gì giòng Missouri xa xôi kia, nên Ngữ chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn những đóa bồ công anh vàng óng mọc trên đám cỏ non xanh mượt ở hai bên bờ.
Trên những nhánh cây mọc nghiêng có bầy chim nhỏ soi mình xuống giòng nước thỉnh thoảng hót lên những âm thanh thật vui tai và thật thanh bình khiến Ngữ nhớ đến giòng sông êm đềm ngày thơ ấu. Mắt ngấn lệ chỉ chực rơi, nếu như không phải đứng trước mặt người lạ, Ngữ đã òa lên khóc như trẻ nhỏ.
Ðó là những ngày hè năm đầu tiên Ngữ được định cư sau nhiều tháng nằm dài ở trại tị nạn. Không người thân, không bè bạn, Ngữ đã không hiểu mình có cái may mắn nào mà được lọt vào danh sách được bảo trợ trong khi vô số người cùng trại lại rớt mặc dầu giỏi hơn, có nhiều khả năng giao tiếp hơn và trả lời phỏng vấn nghe ra tốt hơn Ngữ rất nhiều. Bạn bè đùa “hay không bằng hên”, “giày dép còn có số huống gì người”, nhưng về đây một thời gian Ngữ đã bật cười, tự giễu mình rằng có lẽ không ai muốn sống ở cái thành phố vừa nhỏ vừa buồn còn hơn thành phố buồn của Lam Phương nên Ngữ mới được nhận như vậy.
Và Ngữ cũng nghĩ nếu không có những cảnh thiên nhiên, không có con sông giòng suối, không có cái thác nước bạc màu lãng mạn, hay không những cánh đồng bắp, những vạt đậu nành, cùng đám cây ngọn cỏ hiền hòa ở nơi này, thì mình có thể chịu đựng được lâu đến như vậy hay không.
Mùa thu đầu tiên, khi trời bắt đầu trở gió trên hàng cây đang chuyển màu trên đường và cái rét len lỏi vào giữa những sớ vải mặc trên người, Ngữ cứ như một đám cỏ héo úa bên đường. Một sáng trên đường đến lớp học tiếng Anh, Ngữ đã giật mình đứng sững lại chỉ vì bắt gặp cái mùi ngai ngái của rơm rạ và mùi oai nồng của phân bón phảng phất trong không. Ngữ không tài nào hiểu nổi tại sao cái hăng hắc từ đất ẩm, cái ngai ngái từ rơm rạ, và cả cái mùi khó chịu của phân bón ấy hoàn toàn chẳng phải là những thứ hương, thứ mùi của quá khứ, của ký ức mà lại có thể làm Ngữ nao lòng.
Ngữ tìm không ra nổi lời giải thích tại sao một người sinh ra và lớn lên ở thành phố lớn, thỉnh thoảng lắm mới có dịp về quê thăm bà con, không có nhiều kỷ niệm gắn bó với hương đồng gió nội, lại đứng ngồi không yên chỉ vì hình ảnh một giòng sông, một tiếng chim hót hay một mùi hương chẳng mấy quen thuộc như vậy.
Ngữ quắt quay nhớ nhà. Nhớ những điều chưa bao giờ nhớ. Từ tiếng chim chiều trong vườn quê nội thuở bé, cây cầu tre bắc ngang con sông trước mặt nhà người nào đó tình cờ nhìn thấy, đến tiếng ru, giọng hò, câu hát. Ðến cả tiếng rao hàng, tiếng mưa rơi trên mái tôn, tiếng gió trở mình trên rặng cây già…
Tối hôm ấy về nhà, Ngữ đã vùi đầu vào gối khóc nức nở như chưa từng khóc trong đời. Ngữ không tưởng tượng nổi ngay cả những ngày buồn tẻ và đầy tuyệt vọng ở trại tị nạn vẫn chưa thể làm Ngữ cảm thấy lẻ loi, cô đơn đến như vậy. Ngữ nhận ra tình yêu của mình dường như đã hết còn bé nhỏ, hết còn gói gọn trong phạm vi gia đình, mà lớn hơn, trừu tượng hơn. Một thứ tình cảm Ngữ chưa hề tưởng tượng mình sẽ có, thường được gọi là tình yêu quê hương, đã xôn xao trong lòng Ngữ từ ngày này qua ngày khác. Cái nỗi nhớ cũng vậy, không chỉ còn quẩn quanh ở những gương mặt người thân, bè bạn, mà lan sang cảnh, sang vật, sang những cái hơi hướm khó có thể tìm thấy được ở quê người.
Mùa đông đầu tiên là những ngày tháng cùng khủng nhất trong cuộc đời tị nạn của chàng thanh niên mới vừa đủ quyền công dân, không người quen, không người thân ở một nơi ra đường gần như chẳng bao giờ thấy bóng dáng người châu Á huống gì là đồng hương. Trừ những hôm bắt buộc phải đến lớp học tiếng Anh, Ngữ bị gió tuyết giam hãm trong nhà như tù nhân đang lãnh án chung thân. Cuối tuần trong năm bảy lớp áo trên người, lại quàng thêm một tấm chăn lớn, Ngữ co ro ngồi bên cạnh cửa sổ ngó ra ngoài. Tuyết rơi rụng như hoa trắng mịt mù trong không khiến Ngữ sầu héo đến độ chảy nước mắt. Ngữ gọi cái mảnh trời nhỏ đùng đục màu sữa pha, loáng thoáng ánh mặt trời ngoài khung cửa kính là nơi níu trái tim mình xuống.
Dường như Ngữ quên mất những mục đích chính khi vượt biển là muốn tìm một hướng đi tốt hơn cho tương lai, quên luôn cả cái hy vọng có thể giúp đỡ cho gia đình vẫn còn đang phải đương đầu với nợ nần và nghèo khó ở quê nhà. Thậm chí cũng không nhớ đến cái niềm vui và hạnh phúc của mình khi được “đậu” phỏng vấn.
Mọi thứ chết cứng lại trong lòng Ngữ hệt như con đường đóng băng trước mặt nhà. Ðâu đó trong trí Ngữ, chỉ còn thoi thóp cái ước mơ có được một hôm trời hanh nắng, chút thời tiết ấm áp để ra ngồi nơi khúc sông vắng vẻ ấy mà nhìn những chú sóc nghịch ngợm đuổi nhau trên cây, nhìn giòng nước lặng lẽ trôi để tưởng tượng ra quê nhà của mình giờ ấy như thế nào.
Ngữ xác xao nhớ đám vịt trời bơi lội quanh bờ, nhớ đàn cá hương cá vược quẫy đuôi làm xáo động mảng nước yên tĩnh, nhớ mớ cỏ xanh, và thèm được ngửi lại cái mùi ngai ngái, oi nồng của những ngày hè.
Nỗi buồn trong Ngữ không còn man mác nữa mà nặng trĩu. Không còn râm ran hay mơ hồ không có tên nữa. Ngữ biết chắc mình nhớ nhà, nhớ quê. Muốn được ăn những món ăn mộc mạc, đơn sơ như thể tương tư một con người và bắt đầu thấy sợ những miếng thịt gà mềm nhao nhão ướp những thứ gia vị lạ hoắc lạ huơ với khứu giác, những tô xà lách đầy kem, những món ăn không mặn, không cay, không chua, không ngọt, đôi khi chẳng có cả tỏi hành. Câu ca dao vẫn thường bị Ngữ chê quê mùa thuở nhỏ, “anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” bỗng dưng như lột tả cặn kẽ đến từng mili mét nỗi lòng của Ngữ.
Ngữ thèm được nghe được nói bằng tiếng mẹ đẻ với ai đó hằng ngày. Cái thành phố nhỏ, dân thưa, thời tiết lạnh lẽo làm người ta không muốn ra đường, càng khiến cơ hội gặp đồng hương của Ngữ nhỏ lại. Thỉnh thoảng nhìn thấy một dáng dấp quen thuộc, mái tóc đen, màu da nâu vàng, đôi mắt một mí hay mí lót…, là Ngữ lại nghe tim mình lại chộn rộn đập, dẫu có đôi khi Ngữ đã tự hỏi với cái bản tính nhút nhát, rụt rè của mình thì Ngữ có dám tiến đến làm quen người lạ ấy hay không.
Vào thời công nghệ thông tin còn chưa mấy phổ biến, không có tiền, nói tiếng Anh chưa thông, để mày mò tìm ra cái cửa hàng tạp hóa Á châu duy nhất nằm tận ở ngoại ô thành phố này quả thật vô cùng gian nan khổ sở với Ngữ. Một anh bạn người Lào, cùng học chung đã cho Ngữ địa chỉ, nhưng không có xe, không có bằng lái, cũng không biết hỏi ai về phương tiện công cộng vốn rất hiếm hoi ở nơi này, Ngữ đã thấp thỏm không yên như đang lỡ hẹn với ai đó. Nhiều khi định bụng hễ có dịp gặp người bảo trợ, sẽ liều mình nhờ ông chở cho một chuyến, nhưng cuối cùng Ngữ đã không dám. Ngữ sợ làm phiền ân nhân của mình. Phần khác sợ bị… rủ đi nhà thờ, thay vì đi chợ.
Thuở ấy đối với Ngữ, một tuần mấy ngày ngồi trong lớp tiếng Anh đã đủ làm Ngữ tối tăm mặt mũi, cuối tuần đến nhà thờ, ngoài bốn mươi lăm phút ngồi nghe giảng và hát hò, điều Ngữ sợ hơn hết là có những người thấy Ngữ đứng một mình là đến trò chuyện, thăm nom, hỏi han. Người đã từng gặp qua, sẽ xăng xái, nói cười thân mật, sẽ nói nhanh như thể sau vài ba tháng đến trường thì khả năng tiếng Anh của Ngữ đã… giống như họ. Người chưa gặp bao giờ thì trìu mến trò chuyện rồi đi theo Ngữ vào tận chỗ ngồi, tận tình hỏi han từng li từng tí trong khi càng nghe hỏi, lưỡi Ngữ lại càng như cứng lại. Cái cảm giác xấu hổ cứ bừng bừng trong người mặc dầu chẳng có ai trêu ghẹo, dè bỉu, hay nhỏ to chê bai Ngữ điều gì.
Tự ti mặc cảm đi với Ngữ theo ngày tháng khá lâu. Ngữ sống trong sự ảm đạm như vậy cả cho đến lúc đã quen dần với ngôn ngữ, hiểu biết ít nhiều văn hóa lẫn tôn giáo mình được tiếp cận, vẫn không thấy tự tin dẫu có thể đã tự đi mua sắm và nấu được vài ba món ăn quê nhà.
Mãi cuối cùng khi bắt đầu quen với cô, một cô bé đồng hương vừa được bảo trợ đến, Ngữ mới mất hẳn cái cảm giác cô đơn. Cô nói cô phải hên lắm mới gặp được Ngữ. Phải hên lắm mới đánh liều hỏi một câu tiếng Việt khi thấy Ngữ. Cô kể, tưởng mình sẽ chết mất ở thành phố này vì cô đơn và lo sợ không có ai dìu dắt, giúp đỡ.
Cô nói cô không được học ngoại ngữ trong thời gian đi học ở quê nhà, rồi thời gian ở đảo cũng chẳng mấy khá hơn nên không thể hiểu, không thể trò chuyện và càng không thể bày tỏ tâm tư mình với vợ chồng người bảo trợ ngoài câu “tôi buồn” hay “tôi nhớ má”. Ngày cô gặp Ngữ là do họ cất công tìm ra địa chỉ của tiệm tạp hóa Á châu ấy trong niên giám điện thoại. Hai người nói với Ngữ không chỉ mình cô vui mà chính họ cũng vui vì quen biết với Ngữ.
Người bảo trợ của cô nói vậy, cô nói vậy, nhưng Ngữ lại thấy mình mới là người hạnh phúc và may mắn hơn. Sự có mặt của cô làm bừng sáng lên cái góc trời lẻ loi, mờ tối của Ngữ. Ngữ thấy cuộc đời đáng sống hơn và tươi mới hơn. Ngữ viết thư về nhà khoe, từ nay con đã hết đơn độc. Cái mơ ước trước khi ra đi như bừng bừng trở về, Ngữ hăng hái học hành, rồi vào college. Hăng hái đi làm thêm và cả hăng hái đến nhà thờ tạ ơn Chúa đã cho mình cơ hội được “hồi sinh”.
Mùa đông, Ngữ không ngại ngần dậy sớm xúc tuyết, làm thức ăn sáng rồi lái chiếc xe cà tàng của mình đến đón cô đi học, đi chợ, đi mua sắm. Chúa Nhật lại rủ cô đi nhà thờ. Mùa xuân, Ngữ rộn rã đưa cô ra giòng sông bắt đầu tan tuyết ở hai bên bờ, huyên thuyên kể cho cô nghe về cảm xúc, về những nỗi buồn vui của mình ngày mới đến định cư. Cái ước mơ giản dị thuở ấy của Ngữ lúc ấy là có một mái nhà, một người để yêu thương có thể… nói và hiểu được mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, một đời sống bình yên hiền hòa… Mọi thứ như thể được cô chắp thêm cánh, Ngữ rộn ràng với những hình ảnh tưởng tượng trong trí mình về cuộc sống bình yên và êm đềm tương tự con sông hiền hòa của thành phố.
Ngữ không nghĩ có những con sông vẫn chảy ngược giòng. Không nghĩ đời sống vốn dĩ vẫn xảy ra những điều mình không bao giờ ngờ đến.
Ðó là ngày Ngữ đưa cô đi xuống miền Nam, nơi đông đảo đồng hương, cuộc sống xem có vẻ rất dễ chịu vì không cần phải giỏi tiếng Anh, không cần phải lo lắng trời sẽ nhiều tuyết đổ hay gió rét run mỗi sáng bước ra khỏi nhà, cũng không cần phải khắc khoải thèm một mớ rau xanh, một món ăn quê cũ… Ngữ hớn hở nói với cô mỗi năm hai người sẽ lại xuôi Nam một lần.
Khi thấy cô có vẻ ngập ngừng không muốn về lại thành phố cũ, Ngữ vẫn hân hoan vẽ ra cho cô những hình ảnh ấm cúng hơn, nói với cô về những dự tính tương lai nhiều màu hồng hơn. Mua một căn nhà gần bờ sông, làm khoảnh vườn mùa hè, một ô cửa mùa đông đầy nắng…
Nhưng cô đã lặng thinh không trả lời. Cũng không góp thêm câu nào như vẫn thường làm khiến Ngữ khá ngạc nhiên nhưng hỏi lại. Mãi cho đến khi về tới nhà, Ngữ mới ngờ ngợ, mới nhận ra có điều gì đó khác nơi cô. Và linh tính như báo cho Ngữ sẽ có một sự thay đổi nào đó, nên Ngữ vội vàng đến thăm người bảo trợ, nhờ ông hướng dẫn cách thức mượn tiền của nhà băng, và nói cho ông biết dự tính mua một căn nhà nhỏ của mình.
Hẳn nhiên tất cả những điều ấy, Ngữ muốn làm cho cô, nhưng cũng khiến người bảo trợ rất vui mừng. Ông hăng hái chỉ vẽ cho Ngữ và hỏi giúp Ngữ nhiều nơi. Ông bảo thấy vui vì đôi cánh của Ngữ đã lớn ra, đủ rộng để tự bay một mình giữa bầu trời này, thấy những tháng ngày ủ rũ của Ngữ đã biến mất nhường chỗ lại cho những khoảnh trời tươi đẹp. Ông hứa sẽ là người làm chủ hôn cho Ngữ và cô.
Ngữ đã vâng dạ và thầm mong ước mọi điều sẽ được như ông nói, nhưng đâu đó cuối lòng, Ngữ lại cảm thấy như mình đang lao chao. Ngữ cố làm ngơ không nghĩ đến những bất trắc, những điều không may mắn nào đó. Ngữ cặm cụi đi làm. Một job, hai job, ba job. Thì giờ rảnh rang của Ngữ nhiều lắm là chỉ đủ đưa cô đi chợ. Không đủ để ngủ một giấc yên lành.
Và rồi điều cuối cùng cũng đến. Ngày Ngữ nhận được mảnh giấy viết vội của cô gắn trên cửa nhà mình, “Em đi Cali. Sẽ liên lạc với anh sau”, trái tim chàng thanh niên chừng như thắt lại. Cổ họng Ngữ khô rát. Cái chuyến đi không hề được bàn tính trước với nhau, cũng không hề có một dấu hiệu nào chứng tỏ cô sẽ đi, và không một lời giải thích tại sao lại có chuyến đi ấy khiến Ngữ lặng người. Cả tâm lẫn trí Ngữ đều biết rằng chắc chắn là cô sẽ không về, cũng sẽ không liên lạc như lời nhắn.
Ngữ đã chôn chân trước cửa nhà rất lâu. Trên tay như đang nắm chặt những mảnh thủy tinh vỡ. Mùa hè, trời nắng rưng rưng, chín giờ tối vẫn sáng rực rỡ như bình minh vừa lên, nhưng lòng Ngữ tăm tối và lạnh. Không một ý nghĩ, một xúc cảm nào khác chạy qua ngoại trừ những cơn đau. Ðiếng rát cả người. Ngữ đã không hề nhớ mình làm gì sau đó. Vào nhà nằm vật trên ghế, hay trở ngược ra đường chạy tới chạy lui kiếm tìm? Ngữ chỉ nhớ mình đã không choàng dậy nổi vào sáng hôm sau, người nồng nặc mùi bia rượu bên cạnh mớ vỏ chai hỗn độn trên sàn, trên ghế…
oOo
Phải lâu lắm Ngữ mới trở lại thành phố ấy. Cái thành phố giờ đã lớn hơn thêm với nhà cửa mọc lên, vươn ra đến ngoại ô. Có những con đường ngày trước đi mãi vẫn chỉ thấy đất mênh mông hai bên lề, giờ đông đúc quán hàng, rộn rã ngựa xe khiến Ngự khá ngỡ ngàng. Trừ down town và một số dinh thự đặc trưng của thành phố, nhiều nơi Ngữ đã không nhận ra mình từng ngang qua nhiều lần, thậm chí từng cư ngụ ở đó.
Ngữ ghé lại thăm người bảo trợ. Bùi ngùi tự đặt câu hỏi nếu như không nghe tin ông bịnh nặng sắp qua đời, thì chẳng biết đến bao giờ mình mới trở về lại nơi này.
Chiều hôm ấy, sau khi ngồi cạnh cho đến lúc ông cụ ngủ say, Ngữ bảo với người nhà ông là mình sẽ trở lại vào chập tối. Ngữ chạy lòng vòng quanh phố một hồi, rồi xuống bờ sông. Ðã bắt đầu vào Xuân nên mặt sông hết đóng băng mà chỉ còn vài mảng tuyết đọng trên những vạt cỏ khô hai bên bờ, hay bám trên những nhành cây vươn trên mặt nước. Một quang cảnh hệt như thuở Ngữ mới đến định cư khiến Ngữ xao lòng.
Ngữ chạy vào công viên, đậu xe ở đó, rồi chậm rãi đi xuống con đường mòn, cuối cùng dừng lại ở đầu cầu nhìn xuống giòng nước trôi. Con sông vẫn hiền hòa, giòng nước vẫn lặng lẽ không sóng xô, khiến Ngữ chợt nghĩ đến một bài hát từng được nghe ở đâu đó, “Ði qua giòng sông. Nụ hôn rơi đã quên lâu rồi. Giòng sông trôi giống em lặng lẽ. Mặc tình yêu hóa thân trong lòng…”. (*). Ngữ thừ người nhớ lại những ngày tháng chiến đấu cật lực để quên cô, quên mối tình đầu và quên cả cái ước mơ xây ngôi nhà bên bờ sông của mình…
Ngữ thở ra một hơi dài, nhận ra đời sống của con người, dẫu có thế nào đi chăng nữa cũng phải trôi như giòng sông phải trôi về một nơi nào đó. Ðược, hay không ra được biển lớn, cũng chẳng thể nào ngừng lại ở giữa lưng chừng. Cô đã trôi đi theo giòng đời. Và Ngữ cũng đã phải trôi.
Lần đầu tiên sau bao nhiêu tháng năm dài, Ngữ tự hỏi cô hiện đang ở nơi nào. Không biết có hạnh phúc với nơi cô đã chọn lựa hay không. Ðã ra được biển lớn hay chưa, và có bao giờ nhớ đến thời gian từng sống ở nơi này. Bất giác Ngữ khẽ mỉm cười khi nghĩ chắc là cô đã quên mất rồi. Hoặc nếu vẫn còn nhớ, có lẽ chỉ nhớ đến những cơn gió rét, những mảng tuyết, những mảng băng trên đường và một mảnh trời gầy, màu khói xám…
HN