main billboard

“Chim chóc còn biết chọn nơi ấm để bay tới. Mùa đông sắp đến rồi, anh đem mẹ vào đây trốn rét, luôn tiện thăm em một chuyến.”

mh da den thitNguyễn Thị Ngọc vào Sàigòn được một năm thì người anh ruột đem mẹ vào.

Anh nói với em:

“Chim chóc còn biết chọn nơi ấm để bay tới. Mùa đông sắp đến rồi, anh đem mẹ vào đây trốn rét, luôn tiện thăm em một chuyến.”

Ngọc nhìn mẹ hồi lâu rồi nói với anh:

“Nếu anh đem theo một cháu nào giúp công việc riêng cho người già thì em bớt lo, em suốt ngày ở công sở, sợ không trọn chữ hiếu. Săn sóc một người già khó bằng ba trẻ nít.”

Người anh biết em không bằng lòng, xuống giọng:

“Các cháu đi học cả. Hay là em cho mẹ ở hết mùa đông, đến đầu mùa hạ, anh vào đem mẹ ra.”

Sau đó Ngọc hỏi thăm sức khỏe bà con làng xóm, công ăn việc làm của anh chị em nội ngoại. Hỏi ngắn gọn như không hỏi sẽ bị trách vô tình. Người anh từ nhỏ đến nay, chưa xa mẹ lần nào, nay thấy mẹ bối rối nơi xa lạ, đôi mắt già yếu của mẹ cứ bần thần nhìn về phía anh, làm cho anh não lòng lắm.

Mùa rét năm rồi, trong làng có mấy người tuổi già bằng mẹ không qua nổi. Ðể cho mẹ chết, anh mới nghĩ đến thôi, cũng là điều đau đớn tận cùng. Chết đói thê thảm, chết rét càng thê thảm hơn.

Ngọc năm nay cũng đã ngót nghét bốn mươi. Cả một thời xuân trẻ chị dâng hết cho đảng. Khi phục viên trở về quê cũ thì tóc trên đầu đã có sợi bạc. Người nghe chị phát biểu đầu tiên khi về chính là người anh ruột nầy đây:

“Ðội nữ san bằng hố bom dọc đường Trường Sơn của em có mười hai đứa. Khi thống nhất đất nước, hết bảy đứa nằm lại dọc đường, ba đứa vô nhà thương, chỉ có hai đứa được về đến nhà còn nguyên vẹn. Thấy được mẹ, anh chị và các em, làng xóm như thấy trong giấc chiêm bao.”

Nhìn nét mặt chưa phục hồi thần sắc của em, chị dâu nói:

“Cô nên kiếm chồng. Muộn còn hơn không.”

Người em gái lấy chồng làng bên bồng con về thăm, cũng góp lời:

“Anh Lân vẫn còn ở không, chị nên nối lại tình cũ.”

Trong bà con có người đốc vô:

“Phải, thằng Lân, tuy bị thương nơi chân đi đứng không thường nhưng lòng nó tốt. Hiện làm chủ một vườn đào cũng có đồng vô đồng ra.”

Người anh hưởng ứng:

“Nếu em muốn, mai mốt, anh đem em đến đó thăm cho biết, đào vườn anh ấy năm nào cũng nở rộ. Ðến Tết là thuê xe trâu, xe bò chở lên Hà Nội. Còn phải xem tình ý người ta như thế nào đã. Ngày xưa yêu nhau không phải là ngày nay cũng thế. Năm tháng có thể thay đổi lòng người.”

Bao nhiêu năm lăn lộn nơi rừng sâu nước độc, chung quanh chỉ nghe tiếng chim muông, thú rừng và gió thổi qua ngàn cây, Ngọc cũng cần tình người, nhất là cái tình chồng vợ như bao nhiêu người sinh ra trên đời nầy, cũng thử tìm cho mình một thứ gì khác hơn ngoài những điều nhàm chán đã làm mười mấy năm qua.

Không lâu sau, chị đi một mình đến nhà Lân. Gặp nhau họ nhanh chóng đả động đến tình xưa. Anh Lân:

“Cám ơn em còn nhớ anh, đến thăm. Dân gian có câu tình có sâu nghĩa mới nặng. Em đến tư thế vững vàng như thế nầy là quý. Hồi em mới đi, lúc đầu anh có viết mấy thư, không thấy hồi âm, lại thôi. Một thời sau, anh cũng lên đường xông pha nơi tiền tuyến, cống hiến cho sự nghiệp một phần thân thể. Nay bịt được cái chân nhôm đi đứng cũng tạm ổn. Thế em về có dự tính gì chưa?”

Ngọc nhìn người tình cũ:

“Chưa. Dự tính cho một tương lai, có thể là một mình em dự tính không xong. Thời cuộc, thời gian làm cho con người ngày càng thụ động. Em bị dồn vào ở trạng thái ấy từ bao giờ. Còn anh, sao lâu không lo?”

Lân cười:

“Anh cũng rơi vào thế thụ động. Nếu có người phụ anh đỡ cái rơi đó thì may ra. Bao nhiêu năm về quê, người ta phụ đỡ cho anh vườn đào nầy, mà không ai phụ cho anh chuyện em vừa mới nói tới.”

Ngẫm nghĩ một hồi Ngọc vào thẳng đề:

“Thế anh còn nhớ thuở mình yêu nhau không?”

“Chao ôi, vàng son như thế làm sao quên!”

“Ðã đành thế rồi, nhưng em muốn hỏi anh về mức độ?”

“Nó tựa hồ như nung nấu, đeo đuổi.”

Cảm động, Ngọc nghe lòng thấp thoáng sống lại những ngày cũ.

“Cám ơn anh, em cũng nhớ anh. Con gái càng lúc càng thấm cái mất mát não nề của tuổi xuân. Hình bóng anh là cái lá chắn để ngăn không cho em rơi vào hố tuyệt vọng. Ít ra là những lúc em nghĩ về một thân phận.”

Nhớ lại năm xưa còn trai trẻ, Lân cũng không khỏi bùi ngùi:

“Anh cũng thế, khi về lại nơi nầy, dĩ vãng càng ráo riết nhắc anh nhớ đến một mối tình đã mất, điều khổ tâm hơn là mất trong cái thế không tự chúng mình gây nên. Tựa hồ như lẽ đương nhiên. Anh về trồng hoa không phải chỉ là kế sinh nhai, mà trong ấy nhớ đến tình anh. Anh không đủ khả năng tìm tình mình trong hương sắc hoa. Nhưng năm nào anh cũng mang hoa lên Hà Nội bán, hoa anh rải khắp cả một góc phố làm ánh lên hình ảnh em ngày ấy.”

Ðôi mắt Ngọc long lanh:

“Anh nhắc làm em nhớ đến nhà Thờ Lớn. Nơi anh gặp em lần đầu, đứng đó nghe được nhiều tiếng động lạ, trong đó có cả sóng thì thào của hồ Hoàn Kiếm. Chỉ có mấy bước đã thấy sóng ấy. Ðời em, cái lúc gặp nhau ấy em mới thấy có đấng Quyền Năng trên cao. Là một người không tin vào thế giới vô hình, thế mà thế giới ấy đã khuynh loát em gắt gao khi ở bên anh. Cũng như những ngày ở Trường Sơn, muốn nhớ anh, nhớ tình mình thì em nhìn lên trời, có thể là một vì sao, một áng mây, trên cao xanh ấy, nhắc nhở.”

Nói chuyện hồi lâu, anh Lân đem Ngọc ra vườn xem hoa đào nở. Cả mấy trăm gốc đào đều nở như nhau, rực rỡ, ánh mặt trời tỏa lên thêm làm cho hoa san sát gần gũi bên nhau. Ngọc nói:

“Hoa nầy đẹp hơn mai. Mai chỉ đẹp lúc mới nở, đào đẹp cả lúc tàn.”

“Nếu có bàn tay em săn sóc nữa thì vườn nầy trở thành nơi du lịch. Anh dự trù sau nầy trồng thêm nhiều thứ. Hồi anh đi bộ đội có những bụi lan rừng nở làm cho lòng người thổn thức.”

Biết câu nói như lời cầu hôn, Ngọc nói:

“Em mới về, chưa hết chao đảo. Anh cho em một thời gian ngắn nữa, rồi em quyết định, chắc là có chiều hướng lợi cho cả hai, hay ít ra lợi cho khu vườn nầy.”

Ðến khi gặp lại anh ở Sài Gòn, chị đem chuyện cũ nhắc lại như một sự phản đối mọi việc làm của gia đình ngày ấy:

“Anh à, trong đời em có nhiều sai lầm, lấy anh Lân là một sai lầm lớn, trong ấy anh và những người bà con ruột thịt chịu trách nhiệm một phần. Nhưng phần chính vẫn là bản thân em. Tại sao em phải lấy một người như anh ấy chứ?”

Người anh nói:

“Em không nên nhắc chuyện xưa, cũng đừng trách ai, ai vẫn nghĩ lấy chồng còn hơn ở góa. Vả lại, trước đó, em với người ta cũng đã có một thời yêu nhau.”

Ngọc nói như tiếc rẻ:

“Ðã đành thế. Nhưng anh ấy, năm tháng và thời cuộc đã thay đổi, tàn nhẫn hơn quay về phía em để hành hạ, như chính em đã làm anh ấy mất đi thời trai trẻ hay là vì có em mà anh ấy thấy được sự dằn vặt trong mất mát. Có người nói vì anh ấy có nhiều năm sống với hoa thì không thể sống với đàn bà. Hoa hớp hồn anh ấy hết rồi. Nhưng, hoa có thể thay thế đàn bà được đâu, có chăng chỉ là một phần nào, một diện nào. Hoa có thể làm cho người đàn ông nghi ngờ về sự tuyệt hảo không nền tảng của thân xác đàn bà. Anh ấy tự lượng không đủ sức mình để chăm sóc hoa khi có em. Em không hề ích kỷ khi đòi hỏi anh ấy dành thì giờ chăm sóc em hơn hoa, nhưng em muốn anh ấy đừng lẫn lộn em với hoa. Cái biên giới vợ và hoa cần cắm mốc minh bạch. Ðến hồi gay cấn, em chỉ mong anh ấy để dành riêng cho vợ mình một khoảng thời gian cố định, một phần mười trong hai mươi bốn giờ một ngày, về đêm, chẳng hạn. Nhưng anh ấy hứa mà không làm được. Hết mùa đào, đến cúc, đến lan, đủ thứ lan, rồi mai tứ thời, thậm chí những cây không có hoa như trúc, tùng, kim giao… rồi đến nấm, anh thuê người lên rừng đốn về nhiều cây để mục gây nấm. Phải công nhận rằng, anh ấy làm việc vì say mê, cần tiếng tăm, cần người ta khen ngợi hơn là để làm ra tiền. Nhưng anh ấy không biết nghĩ về hạnh phúc cho riêng mình hay là những điều trên đã tạo cho anh ấy hạnh phúc rồi. Em thì anh đã biết, cuộc đời không còn là bao, nên em cũng phải tự đấu tranh dành dụm cho riêng mình chứ. Khi tóc bạc còn ít thì còn nhổ đi được, cũng đến lúc nhiều, cả đầu, làm sao nhổ. Chuyện đã quá khứ rồi, nay nhắc lại với anh, để đỡ tức, thế thôi.”

Nghe em gái nói một mạch, người anh thật thà chất phác lớn lên nơi ruộng đồng không hiểu gì nhiều. Ngày em ly dị chồng anh cũng chỉ xem như số tình duyên em chừng đó thôi. Ngay cả tòa án cũng tìm cách hòa giải cho sự chia tay ấy không đến, hai vợ chồng đều có tuổi đảng, đều hy sinh một quãng đời đẹp nhất cho lý tưởng của họ, không chỉ vì một nguyên do đơn giản về chuyện lẩn quẩn trong vườn hoa mà xa nhau. Nay nghe em lý luận khúc mắc như thế anh làm sao hiểu nổi. Chỉ hiểu rằng, ngày nay tính tình em đã đổi khác. Vào Sài Gòn lâu không viết một lá thư về thăm gia đình cũng là chuyện hy hữu rồi, đằng nầy gặp mẹ, gặp anh, cũng không mừng rỡ mà còn có vẻ lúng túng, không vui. Chấp nhận nuôi mẹ để cho qua mùa đông là một chuyện chẳng đặng đừng. Khi đưa anh ra bến xe về quê còn nhắc lại: “Mùa hè đến anh nhớ vào đem mẹ về nhé.”

Ðể chắc ăn, Ngọc còn hứa: “Chuyến sau vào em biếu anh cái tông đơ hàng ngoại để cắt tóc.”

Khi anh đi rồi, Ngọc nói với mẹ:

“Ở thành phố nầy, khi chết người ta đem thiêu.”

Bà mẹ hỏi:

“Sao không chôn?”

“Không có đất mẹ ạ. Rồi đây chính quyền còn giải tỏa các nghĩa trang trong thành phố để lấy đất cho người sống.

Bà mẹ sợ lửa đốt, thở dài:

“Ngoài quê mình có nhiều đất lắm. Khi nào mẹ yếu quá, con cho mẹ ra.”

Ngọc cũng nói theo ý mẹ:

“Sau nầy già bằng tuổi mẹ hay ít hơn năm bảy tuổi con cũng về quê thôi. Cái lạnh lẽo vì xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn nó hành hạ cũng không thua gì cái lạnh lẽo của thời tiết khắc nghiệt.”

Bà mẹ già đã ngoài bảy mươi tuổi ấy sống những ngày bên con no đủ, vật chất không thiếu gì, mẹ được nằm nệm êm, mền len nhãn hiệu cá sấu đàng hoàng. Khi đau ốm chị lo thuốc thang đầy đủ.

Nhưng từ ngày vào đây tính mẹ đổi ra thất thường, khi vui khi buồn, khi nói huyên thuyên không dứt, chị đi làm về bụi bặm, mệt mỏi cần tắm rửa nghỉ ngơi bà bắt phải ngồi nghe bà kể chuyện đời, toàn là những chuyện không đâu từ mấy đời xa xưa. Bà nói: “Ngày xưa bà ngoại kể cho mẹ, nay mẹ kể lại, sau nầy con cũng kể cho các cháu nghe. “Cũng có khi cả tuần bà không mở miệng nói một câu, cứ ngồi im nhìn đăm đăm những hạt cơm trắng trong chén kiểu, lúc nào bà cũng để hai chiếc đũa gác chéo thành hình chữ X trên miệng chén, nói là cúng cho “thằng-cha-tụi-bây.”

Nhưng điều làm cho Ngọc sợ nhất những lúc vắng nhà, ai gõ cửa mẹ cũng mở. Cửa trước, cửa sau mẹ đều mở toang để đón người đến, bất kể lạ hay quen bà đều vồn vã chào mời vào nhà, có khi thuận đà vui vẻ dẫn họ đi lòng vòng xem những vật lạ, quý hiếm mà chồng chị Ngọc mua sắm. Lợi dụng sơ hở nầy, trong xóm có kẻ xấu, đánh cắp nhiều thứ. Ngọc biết chuyện, đi làm khóa ngoài cửa lại. Bà mẹ lại mở cửa sổ chẩu môi khỏi song sắt nói chuyện với những đứa trẻ lối xóm. Bọn chúng hỏi xin bà nhiều thứ, có thứ bà lấy ra cho, có thứ bà không cho. Cái tốt bụng của người mẹ hiền đôn hậu làm đảo lộn trật tự của cả xóm có nhiều nhà giàu. Trẻ con vào ra đông. Người lớn đến săn mua những đồ vật mà bọn trẻ lấy hay xin được từ nhà chị Ngọc.

Chị Ngọc phải thuê một đứa giúp việc ở miền quê lên. Vừa canh chừng mẹ vừa giúp việc nhà. Lâu lâu chị đưa tiền để nó thuê xích lô chở mẹ đi xem đua ngựa hay vào sở thú nhìn voi cọp. Về sau mẹ không thích trường đua vì người chen lấn xô bồ, còn ngựa đua thì chạy nhanh quá làm cho bà chóng mặt. Bà cũng không thích nhìn những con vật dữ dằn trong sở thú. Voi to lớn dềnh dàng gây cho bà cảm giác không vui, còn cọp và sư tử thì hầm hừ khi thấy bà làm cho nhịp tim bà đánh loạn xạ như hồi chạy giặc Pháp càn. Chỉ còn một nơi bà muốn đến là về Phú Lâm hay qua miệt Thủ Ðức để bà nhìn thấy cảnh ruộng vườn. Nhưng xa quá, tiền xích lô nhiều Ngọc tiếc.

Khi thấy phố xá xa hoa đông đảo, bà hỏi đứa giúp việc:

“Ngày nào cũng thế phải không, họ đi đâu mà xuôi ngược?”

Ðứa bé cười to:

“Bà hỏi gì ngộ, người ta đi làm ăn mà.”

Bà hỏi thêm:

“Ở quê mầy có thế không?”

“Không, quê cháu vắng hoe à. Còn ở quê bà?”

“Quê tao cũng vắng hoe, nhưng ra đường là gặp bà con, vui.”

Ðứa bé sinh trưởng trong Nam chưa hình dung được đất Bắc, hỏi thêm:

“Ngoài ấy nghèo lắm phải không?”

Ờ, nghèo.”

“Thế bà có muốn về không?”

“Sao lại không.”

“Cháu thấy bà ở đây càng ngày càng mập ra. Nhưng lưng đi còm hơn ngày cháu mới đến.”

“Ừ, càng ngày càng già thêm, ai cũng thế thôi.”

Nhớ lời cô chủ dặn, đứa giúp việc nói thêm:

“Cháu mà bằng tuổi bà thì không chịu đi đâu hết. Xỏ thừng vào mũi kéo cũng không đi. Lỡ chết nơi quê người thì khổ. Mẹ cháu nói, dù lang bạt kỳ hồ ở đâu cũng về quê mình mà chết. Chết ở nơi khác quỷ nhai xương.”

Ðó là lúc tỉnh, lúc không tỉnh, khi qua đường Hậu Giang, thấy chó mèo, bà hỏi:

“Chó chạy ra ngoài đường để làm chi mà vội?”

Ðứa bé trả lời:

“Ðể tìm thức ăn.”

“Còn mèo?”

“Cũng vậy.”

“Cả hai thứ ấy đều đói à?”

“Dạ.”

Khi thấy một con hẻm đưa vào chợ đen nghịt người, bà hỏi nữa:

“Trong ấy có đình làng à?”

“Không, chợ.”

“Giữa chợ có đình làng à?”

Thiếu kiên nhẫn, đứa bé gắt:

“Không phải đình làng mà đình chợ.”

Chẳng bao lâu, con giúp việc biến đi mất. Nó không báo trước cũng không lấy gì trong nhà để đi, chị Ngọc cho là vì tính tình mẹ thất thường làm cho nó sợ, phải trốn.

o O o

Người chồng sau của chị Ngọc là giám đốc cơ sở chế biến đồ phế thải thành vật dụng tái sinh. Chị chỉ cần bịt khẩu trang ngồi bên cái cân để thu mua. Công việc nhàn hạ mà được trả lương cao. Ông còn hứa sau nầy sẽ mua riêng cho chị một căn nhà có mặt tiền. Ông gốc người Hoa sống nhiều đời ở Miền Nam, chưa biết Cộng Sản là gì, nhưng có đóng góp ít nhiều của cải cho “cách mạng” sau khi “giải phóng”.

Ông lấy chị không ngoài mục đích để biết gái Bắc Kỳ như thế nào. Ðời ông đã biết được gái Nam Kỳ, gái Tàu, gái Miên, gái Thái, gái Mỹ lai, gái Lào… Cái biết được nầy còn hơn cả sức tưởng tượng của ông, làm cho ông càng rong ruổi tìm kiếm.

Một lần, trong chỗ riêng tư, ông tâm sự với người bạn thân:

“Ðàn bà cũng ba bảy hạng. Như tôm tép cũng ba bảy hạng. Tôm hùm, tôm càng, tôm he, tôm rảo, tôm đất cũng là tôm, nhưng mỗi tôm khi kho nấu lên thì mùi vị khác nhau, không cần đầu bếp giỏi. Tôm càng ở nước ngọt, tôm he, tôm rảo ở nước lợ, tôm hùm ở nước mặn. Nhờ cái nơi tôm sống mà mùi vị khác nhau. Nó (tức là Nguyễn Thị Ngọc) khác lắm. Tôi thích không phải nó sinh ra nơi bùn lầy nước đọng mà thích cái mùi đá núi, rừng sâu, thác hiểm, cái bí ẩn nơi sơn lâm cùng cốc mà bọn mình chưa từng nếm. Gom lại nhiều thứ, quyện lại với nhau thì tuyệt hảo. Thì ra họ (đây là cộng sản) cũng khôn. Ðưa con người vào cuộc chiến như đưa vào ổ mạng nhện chằng chịt không tìm ra lối thoát, họ biến con người thành những cỗ máy chỉ biết tuân phục…”

Người bạn hỏi:

“Còn nó lấy ông chỉ vì tiền?”

“Có lẽ, cũng một phần như thế.”

Người bạn tiếp:

“Nghe đâu cô ta không chỉ có một đời chồng mà nhiều đời. Hay là muốn có một đứa con?”

“Tôi cũng không có thì giờ để tìm hiểu nhiều. Chỉ biết có nó, tôi thấy làm ra đồng tiền có ý nghĩa.”

Người bạn cho như thế là đủ rồi, không hỏi tới nữa. Chị Ngọc lấy ông giám đốc, một phần như thôi thúc của bản năng.

Trước hết là lấp cái hố quá sâu nhạt phèo trong những ngày làm vợ ông chủ vườn đào. Ông giám đốc nầy săn sóc chị nhiều, lắm khi chở chị lên tận núi Bửu Long để ngồi bên nhau nhìn dòng nước sông Ðồng Nai chảy. Ông thích những lời chị nói lúc xa thành phố, lúc nét mặt chị bị phủ lên một lớp sương mù cô đơn, nào là sông nầy sâu mà nước không trong, nào là núi Châu Thới không cao bằng Tam Ðảo, Ba Vì. Con đường từ Bình Triệu ra bằng mà cong. Dừa trời sinh ra để lấy trái chứ không phải lấy lá che mát mặt đất, lá dừa không đẹp vì răng cưa quá sâu. Ngày xưa chúa Nguyễn chỉ mộ lính đánh giặc ở miền nầy, trả lương chỉ vài chục đấu lúa và ít ký cá khô sặc…

Ðại để những câu nói không đầu không đuôi như thế làm cho ông thích thú, khi về Chợ Lớn, vào nhà hàng Ðại La Thiên lại ăn được nhiều thức ăn béo bổ. Ông lấy chị càng ngày càng béo phệ. Chị cũng lên được mấy cân.

Từ khi có mẹ chị Ngọc vô, ông giám đốc lui tới với chị thưa dần. Ông không mấy yên tâm khi thấy gương mặt bà ấy nhăn nheo quá và có nét hao hao giống người ông đang yêu, một câu hỏi lại nảy sinh ra là, rất có thể sau nầy già Ngọc cũng có nét mặt như thế. Ông khác người ở cái chỗ là rất sợ hãi những cái gì không trọn vẹn sẽ xảy ra trong tương lai, với mình.

Chị Ngọc thừa biết chuyện đó. Nên dung hòa bằng cách mua nhiều lồng chim treo ở hành lang. Và cả mấy chậu thủy tinh nuôi cá cảnh nữa. Mỗi lần ông tới, hồi đứa giúp việc chưa đi, chị bảo nó đem mẹ ra đó xem chim và cá. Toàn là chim và cá bà biết tên nên bà vui lắm. Có hôm bà hỏi:

“Chim nầy ăn chi?”

“Cơm rang, mè, đậu, lúa.”

Nhìn qua cá, bà cũng hỏi:

“Còn lũ nầy?”

“Mua lăng quăng.”

Bà già vui ra mặt:

“Lăng quăng ngoài tao kêu là bọ gậy. Bọ gậy ao nhà tao nhiều vô số, đến nỗi phải đổ dầu hôi lên châm lửa đốt, khỏi phải tốn tiền mua như ở đây.”

“Lăng quăng không quý nhưng quý công người đi bắt nó. Có khi phải lên tận Hóc Môn, Bà Ðiểm. Ði xe đò bất tiện lắm bà ạ.”

Trong lúc đứa bé với bà mẹ nói chuyện vui vẻ thì bên trong căn phòng ấm áp chị Ngọc cùng với ông giám đốc bày cuộc vui riêng của họ. Cũng có hôm bà chạm mặt ông giám đốc. Ông gật đầu lễ phép chào bà, nói vài câu thăm hỏi. Bà dửng dưng chào lại. Bà thấy thương mấy thằng con rể thiệt thà ngày trước hơn. Nhất là thằng Lân, năm nào gần Tết cũng mang đến biếu bà cành đào lớn, kèm theo trầu cau, gọi bà bằng mẹ, còn ông nầy cũng biếu bà quà, nhưng quà gói ghém cẩn thận quá mà bên trong toàn những thứ cha sinh mẹ đẻ chưa ăn lần nào, có nhiều thứ kẹo cứng răng cỏ cũng không còn để nhai, lại gọi bà bằng bà. Trịnh trọng quá làm bà ái ngại. Chị Ngọc cũng có trấn an mẹ:

“Ông ấy là người tốt. Mẹ tin con. Con cũng đã gần già rồi, không đòi hỏi gì nữa. Lúc bằng tuổi con, mẹ có đến bảy con.”

Suy nghĩ một hồi, bà mẹ xích gần con, hỏi nhỏ:

“Sau nầy thằng anh con vào đem mẹ ra bằng xe đò hay tàu lửa?”

Ngọc đưa đẩy:

“Tàu lửa. Con mua cho mẹ cái vé nằm hạng sang.”

Nhưng chờ mãi chẳng thấy anh vô. Mùa đông qua. Mùa đông, mùa hạ cũng qua. Ðến mùa thu thì chị nhận được điện tín ngoài quê gửi vào cho hay anh ấy đã qua đời. Bức điện vắn tắt không cho biết chết vì nguyên do gì. Chị Ngọc giấu không cho mẹ biết.

o O o

Trong mỗi đời người chỉ có một người mẹ.

Chỉ có chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ là không lo đói rét, bệnh tật và tai họa.

Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng thoát khỏi nanh vuốt của chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra…

Một hôm, đi làm về, chị Ngọc ghé đường Tôn Thọ Tường mua một con vịt quay béo với mấy ổ bánh mì về đãi mẹ. Ăn xong, chị vào phòng riêng viết một tờ giấy xếp lại gói chung với ít tiền. Chạng vạng tối, chị lấy xe honda chở mẹ đi. Chị nói với mẹ là mùa thu trăng đẹp mẹ nên đi một lần cho biết, trăng ở quê mình cũng có, nhưng trời rộng, chung quanh cảnh vật cằn cỗi nhìn thấy trăng không đẹp. Ít khi được ngồi với con bà mừng, nhưng không dám hỏi gì như những lần đi chung với đứa ở, chỉ việc ôm chặt bụng con cho khỏi té.

Khi đến trước nhà thờ X. Ngọc dừng xe, bảo mẹ xuống, bỏ gói nhỏ vào túi áo mẹ rồi nói nhỏ:

“Mẹ ngồi ở gốc cây chờ con một lát, con đến nhà người quen có tí việc khoảng mười phút sau trở lại, mẹ nhớ đừng đi đâu mà lạc. Ðường sá ở đây chằng chéo khó tìm. Nếu rủi ro con bị trở ngại vì xe cộ dọc đường thì mẹ cứ việc vào cái cổng phía sau lưng mẹ. Ngoài cổng ấy, không đi đâu hết, mẹ nhé.”

Người mẹ ngồi núp sau gốc cây có sơn màu trắng. Ngọc quay xe về nhà và quyết tâm bỏ mẹ.

Bỏ mẹ, xót đau như có bàn tay vô hình nào bứt miệng chị thời ấu thơ ra khỏi núm vú mẹ. Rút được cái dằm ra khỏi xương tủy không khó khăn mấy, nhưng chị buồn lắm, không sao ngủ được, liền lên xe đến nhà người bạn gái cùng sở tổ chức ăn uống, gắng gượng vui cho qua đêm.

Bà mẹ già vừa thấp thỏm chờ con vừa lén lút nhìn trăng. Quả như lời con nói, trăng ở đây đẹp hơn nhiều, tròn vành vạnh, rải xuống mặt đất một thứ bột óng ánh mịn màng. Phố xá che hết chân trời nên bầu trời cao hơn, hết canh nầy đến canh khác, không thấy con đến. Nhớ lời con dặn bà mẹ quay lui, cổng vô nhà thờ không đóng, lá vàng trút đầy trên sân, tượng Ðức Mẹ Maria đứng trong sương, buông hai cánh tay xuống phía dưới, cả hai bàn tay mở ra, không cầm một thứ gì. Những giọt sương khuya từ mười ngón tay ấy chảy rỉ xuống, ánh đèn đường vàng hắt vào như máu trong. Xa phía sau, nhà Cha sở và viện dưỡng lão cửa đóng kín. Từ ngày Miền Nam mất viện ấy đóng cửa, chỉ còn cái bảng hiệu treo để mong có ngày tái lập.

Nhớ lại, cách đây mấy chục năm, hai mẹ con có việc lên Hà Nội, con có đưa mẹ đi ngang qua nhà thờ Chánh Tòa nói đây là nơi con gặp tình đầu. Ðức Mẹ đứng phía trong xa không nhìn thấy rõ như lúc nầy. Tuổi già làm cho bà quên nhiều thứ, nhưng phía trước nhà thờ ấy bà không quên, nhớ đàn kiến lửa lầm lũi bò quanh đám rêu, cả những chiếc lá bàng lặng lẽ rụng xuống trên bàn chân bà rồi gió vội vàng thổi bay đi.

Rạng sớm hôm sau, người đi lễ phát hiện ra một xác chết ướt đẫm sương, nằm dưới chân tượng Ðức Mẹ, miệng há ra ngay dưới năm ngón tay của tượng.

Trong túi áo có tờ giấy viết:

Người già nầy, một số cơ quan trong thân thể không thực hiện đầy đủ chức năng, lúc khùng lúc tỉnh, nói năng tùy tiện. Ði theo đứa con gái mới chết. Ai có lòng nhân hoặc đã từng phụng sự cuộc đời trên danh nghĩa thương yêu đồng loại trong cơn hoạn nạn, thì nên giúp. Hoặc cho bà sống trong viện dưỡng lão, hoặc bằng cách nào đó cho bà được về làng Ðông, xã Ðoài, huyện Hải Hậu, tỉnh Hải Hưng, là quê hương của bà.

Bí chú: Người viết giấy nầy là bạn của con bà già nầy.

Ngoài lá thư còn có thêm ít tiền. Một cụ già di cư năm 1954, rành về địa dư miền Bắc tính nhẩm cho rằng số tiền nầy có thể mua đủ vé tàu ra sân ga Hàng Cỏ, xuống bến xe đò về thị xã Hải Hưng, kể cả tiền ăn đi đường tiện tặn.

Cha xứ đọc qua tờ giấy biết nạn nhân là người cùng đường nên cho rung chuông báo tử và huy động con chiên trong họ nhanh chóng dồn toàn lực để lo chôn người chết.

Cha đích thân đến nhà một người già trong họ đạo mượn tạm cỗ hậu sự bằng gỗ tốt. Chị nữ tu tắm gội cho bà bằng nước nóng mới đun với lá bạc hà rồi lấy chiếc áo choàng trắng của mình mặc ngày khấn trọn đời liệm cho bà. Quan tài được đem đặt trịnh trọng giữa nhà thờ. Thánh lễ mi-sa trễ mất mấy tiếng, trở thành buổi lễ cầu hồn.

Bài giảng hôm đó, Cha xứ xăn tay áo lễ, chỉ vào cỗ áo quan:

“Thưa quý ông bà và anh chị em, đây là thêm một trang nữa của trần thế đã gắn thêm vào Thánh Kinh mà Thánh Kinh của chúng ta vẫn không thêm không bớt một chữ. Ðây cũng là một trát đòi khẩn cấp mà Thượng Ðế gởi đến tất cả chúng ta, không chừa một ai. Ông bà và anh chị em hiện diện ở đây đã thấy tận mắt những giọt sương từ mười đầu ngón tay Mẹ đồng trinh chảy xuống miệng một người đang khát. Có thể người mới qua đời nầy là ngoại đạo, nhưng khi tìm đến dưới chân Mẹ mà chết, tình thương vô bờ và nhịp đập ngàn đời tinh khiết của trái tim Mẹ đã rửa tội rồi. Những giọt sương kia hẳn là nguồn nước tinh khiết của một dòng sông từ trời cao đổ xuống. Ðịa ngục thưa thớt người lầm than, khó nghèo, bị hất hủi thì thiên đường lại rộn rã bóng họ.

“Cha đã cho người trong hội Các Bà Mẹ Công Giáo lên Bình Hưng Hòa mua đất và thuê xe đám rồi. Sau lễ, ai rỗi, theo Cha đưa người nằm đây đi một đoạn đường. Còn số tiền trong túi người nầy nhờ khối Quản Trị nhà thờ cất giữ để sau nầy có dịp về quê người nầy gửi tận tay cho con cháu.

“Lạy Thiên Chúa và mẹ Maria. Chúng con là những người phàm, thân xác tồi tàn cũng như người nằm đây thôi, chẳng khác gì, chẳng hơn gì. Cũng ở trong chiếc quan-tài-đời đầy mối mọt chờ ngày đậy nắp thôi. Làm việc nầy chính là làm cho chúng con đây. Thân cây lúc mục nát thường ngã về phía có cây sống. Cát bụi bay tứ tán nhưng cuối cùng cũng chỉ có một nơi để tụ về…”

Ðến đây thì nước mắt Cha chảy ra nhiều quá không giảng được nữa. Ðôi mắt ấy ngơ ngác, vời vợi nhìn quanh không biết muốn tìm kiếm gì.

Cả nhà thờ im phăng phắc, có người nức lên rất nhỏ cùng với tiếng ruồi đập cánh vo vo trên quan tài.

                                                                                                                                      HMD