main billboard

Nhân ngày 30 tháng 4, xin mời đọc một chuyện tù cải tạo


mien trang lu

  Vùng biên giới Miên - Việt, điạ đầu tỉnh Tây Ninh, giữa núi rừng hoang vu,
 xa hẳn thế giới loài người, trăng vẫn có nhưng sao u uất mờ nhạt .  .  .  

Đoạn 1:
    Hai cánh tay trói chặt
    Còn đưa lên khỏi đầu
    Đòi ôm lấy trời cao
    Đòi ôm hết các vì sao…

Đầu tháng 7 năm 1976, tuy đã vào thu nhưng trời vẫn còn oi bức trong trại cải tạo Cây Cày, vùng Tây-Bắc tỉnh Tây Ninh khu sát biên giới Miên - Việt.

Tối hôm đó, như thường lệ, chúng tôi họp tổ để thông báo công tác lao động cho ngày hôm sau. Vì là tổ trưởng - anh em luôn đẩy tôi ra làm tổ trưởng từ ngày nhập trại bên Trảng Lớn, chuyển sang Đồng Ban và rồi đến đây – tôi được dịp thao thao “lên kế hoạch” với anh em:
- Ngày mai công tác chúng ta vẫn là mỗi người chặt và mang về hai cây tre, dài ít nhất 10 mét, khúc ngọn nhỏ nhất cũng phải bằng một chít tay.

Rút kinh nghiệm hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ không làm như những tổ khác, nghĩa là sẽ không dùng thang leo lên khỏi lớp gai rồi mới chặt mỗi người hai cây, nhưng tổ chúng ta sẽ chia làm hai nhóm, mỗi nhóm sáu người, chọn hai bụi tre lớn gần nhau, sau đó áp dụng chiến pháp “công thành triệt mộc”, ta sẽ phá từ ngoài phá vào, gặp gì chặt đấy, không phân biệt tre hay gai. Cách này sáu thằng thay phiên chặt, chỉ ba, bốn tiếng đủ tre để nộp cho hai ngày.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng:
- Rồi! Kế hoạch như vậy, có thằng nào ý kiến gì không?

Tổ tôi may mắn gồm toàn những tay trẻ, độc thân, vì chúng tôi luôn tìm cách đứng chụm vào nhau nên sau mấy lần chuyển trại và “biên chế”, phần lớn vẫn còn chung một tổ và xưng hô “mày tao” thân mật.

Trong tổ cũng có vài anh ngoài ba mươi, như nhà tiến sĩ ngôn ngữ học, nói được năm thứ tiếng, mới từ Pháp về, hay anh bác sĩ quân y đã ra trường vài năm, có điều cả hai anh này đều cù lần, chậm chạp, sau một thời gian được kính trọng, giờ đây cũng đã được xếp đồng hạng… “thằng” và xưng hô  “mày, tao” tự nhiên. (1)     

Hùng, giặc lái L19, to con nhưng rất nhát, rụt rè lên tiếng hỏi:
- Mình “đạt chỉ tiêu”sớm qúa nó bắt mình làm nữa thì sao? Mày không nhớ...
Tôi lắc lắc đầu, chép miệng:
- Không trách tụi nó gọi mày là Hùng khờ! Ai bảo mày chặt được bao nhiêu nộp hết bấy nhiêu. Chỉ nộp mỗi thằng hai cây thôi, số dư dấu dười suối, hôm sau mình cũng làm bộ chặt như người ta nhưng chỉ hai thằng ở ngoài canh bi-đông (bộ đội) thôi, còn tất cả rúc vào bụi, nấu cà phê, châm thuốc lào nghe thằng Phong kể Jack London, thằng Hợp kể Leon Tolstoy hay tao kể Hồng Lâu Mộng. “Nắm bắt” được chưa? Còn thằng nào muốn hỏi nữa?

Hùng lẩm bẩm:
- Thì mày nói sao tao làm vậy, tao nhận chân . . khuôn vác, như tuần trước.

Hùng có sức vóc và rất hiền lành, chân thật. Tuần trước đi cắt tranh, mỗi người phải nộp hai gánh mỗi ngày. Cắt tranh tuy không quá cực nhọc nhưng rất nguy hiểm, ban quản giáo họ lùa chúng tôi vào cắt trong những chỗ vốn từng là mật khu, toàn mìn bẫy. Ngay bữa đầu đã có người mất giò, người bị thương.

Vì là công tác cả B (khoảng đại đội), sau vài ngày, đống tranh đã lên cao như trái đồi nhỏ. Tôi cũng chia tổ ra làm hai, một nửa gánh tranh về nộp, đang lúc chất tranh, chờ nếu thấy không ai để ý, sẽ đưa chân đạp những bó tranh cho lăn vào gần ruộng mì cao rậm bên cạnh.

Một toán khác do tôi hướng dẫn, gồm những tên liều và lì, chờ sẵn kéo tranh đi dấu.
Ngày đầu tiên chúng tôi đã “kiếm” được trên trăm bó, mấy ngày sau việc chính của tổ tôi là tìm chỗ thật kín, thật khuất, cắt vài thằng thay phiên gác còn phần lớn chui vào bụi, nhấp trà hay cà phê, phi thuốc lào, hát nhạc vàng, nghe kể chuyện.

 “Hùng khờ” và “tiến sĩ ngôn ngữ” chậm chạp nên tình nguyện gánh tranh về nộp chứ không dám tham dự màn chôm chỉa.           

Thấy anh em không ai có ý kiến gì nữa, tôi với bộ bàn đèn (điếu cày chế bằng vỏ bom), tính phi một hơi trước khi giải tán ngủ, bỗng có tiếng chân rập rập trước cửa, anh quản giáo xuất hiện với hai bộ đội, vừa qua cửa anh ta hô lớn:
- Tất cả ngồi nguyên tại chỗ.

Anh quản giáo xăm xăm tới trước mặt tôi, hai người bộ đội chĩa súng đi hai bên, anh quản giáo rút ra tờ giấy dõng dạc đọc:
- Chiếu sắc lệnh số . . ngày . . của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời . . . . Chiếu . . . của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố . . .  về chính sách HT CT các sĩ quan ngụy . . .    Tên PMT thời gian qua đã không thực tâm học tập để tiến bộ mà còn lén lút chơi và phổ biến nhạc vàng, lọai nhạc phản động, đồi trụy…

Anh quản giáo đọc “án lệnh” xong, tai tôi vẫn còn lùng bùng. Tôi đưa tay ấp úng:
- Quản giáo coi lại xem, tôi đâu có…  

Người quản giáo lớn tiếng cắt ngang:
- Anh muốn phản ứng hả?

Hai người bộ đội cùng lên cò súng. Cả tổ im phăng phắc. Tôi thoáng nhận ra, tôi có thể bị bắn bỏ như một con chó hoang.
Trong tầm mắt, Phong người bạn thân, khóa 25 Võ Bị, nhìn tôi lắc đầu.
Anh quản giáo lách người đến chỗ nằm của tôi, kéo ra dưới gối một quyển sách, quăng lên bàn trước mặt tôi lớn tiếng:
- Cái gì đây?!

Tôi lặng người, quyển độc tấu tây ban cầm viết bằng Anh ngữ của Segovia Tiến mới gởi vào!.
Tiếng anh quản giáo lại dõng dạc:
- Tôi cho anh một phút, mặc áo vào đi theo chúng tôi.

Tôi chỉ kịp khoác chiếc áo lành nhất, đưa mắt tạm biệt anh em, trước khi lủi thủi đi theo anh quản giáo. Hai người bộ đội chĩa AK-47 phía sau áp giải tôi lên “cây da xà”, chỗ biệt giam của trại Cây Cày.        


“Cây da xà”, một căn chòi thấp và dài, trống trải, bệ rạc hơn cả “lán” tôi đang ở, cột kèo, chõng nằm đều bằng tre nguyên cây chưa chuốt vót.

Trời bắt đầu nhá nhem tối nhưng cũng đủ cho tôi thấy nơi biệt giam này hiện đang giữ hai người.
Cách chỗ tôi vài chõng, một người đàn ông đang nằm, chân trong còng, coi quen quen . . À đúng rồi Hoàng Qúy người sáng tác thánh ca nổi tiếng tôi vẫn hằng ngưỡng mộ, dưới đáy vực thẳm thẳm lạnh căm, tôi thấy loé lên vài tia sang ấm.

Dẫy chõng bên kia, nơi gần cuối, hình dáng một cô gái, tóc xổ tung, dáng tiều tụy, nhếch nhác.
Trong khi tra chân vào còng để người bộ đội khóa, tôi đưa mắt tò mò hướng về cô gái, dáng cô như qủy dạ xoa, hai mắt toé lửa nhìn trừng trừng về phía hai người bộ đội.

Cô ta bỗng cất tiếng chửi, giọng khàn đặc, chắc vì đã la hét nhiều, lời chửi rất tục tằn, dữ tợn:
- Đồ khốn nạn, gian xảo. Đồ lưu manh côn đồ,…”
Một người bộ đội chỉ mặt cô gái chửi lại, lời lẽ hắn còn tục tĩu hơn:
- Câm ngay, con đĩ chó! Tao đập nát cái mặt L của mày ra bây giờ.
Cô gái vẫn tru tréo:
- Mày giết tao đi. Mày tưởng tao sợ chết hả? Nếu sợ tao đã không trốn trại, đã không dám chửi cha cái thằng Hồ Chí Minh…

Cô ta còn đang chửi, người bộ đội đã đến nơi, anh ta dơ thẳng tay táng vào mặt cô gái.
Tiếng “chát” rợn người, máu từ mũi và miệng cô trào ra, cô chỉ phát ra được những tiếng “ư. ử . .”.

Người bộ đội xốc lại súng, một tay quấn tóc cô gái rị xuống xạp, tay kia thẳng tay tống vào mặt cô. Cảnh tượng quá dã man, tôi quên hết vị thế của mình, buột miệng:
- Các anh phải tôn trọng…

Chưa dứt câu tên bộ đội đang xiềng chân tôi hét lên:
- Mày nói gì?
Tôi lập lại:
- Các anh…
Một báng súng vung lên hết cỡ đập mạnh vào quai hàm tôi. Ánh chớp lóa lên trước mặt, tiếng “kịch” vang trong đầu, tôi té bật ngửa ra xạp, gáy đập vào sàn tre người rũ ra vô cảm.          

Tôi nằm bất động không biết bao lâu, lúc tỉnh lại, cảm giác đầu tiên nhận được là cơn đau nhức khủng khiếp từ cằm và hàm dưới.

 Lờ mờ tôi nhận ra Hoàng Qúy đang cúi nhìn. Tôi há miệng, định đưa tay sờ cằm, cơn đau nhói bùng lên, máu từ miệng ứa ra, tôi một lần nữa đi vào hôn mê. . .
Thượng đế thật kỳ diệu, khi cơn đau trở nên qúa đỗi, Ngài cho giấc ngủ ập xuống, tê liệt mọi thần kinh, tránh bớt cho con người sự chịu đựng đớn đau.           

Lần thứ hai tôi tỉnh lại, người vẫn như đang ngồi trên thuyền chao đao, nhưng trí nhớ đã dần hồi phục, tôi biết mình bị đánh một báng súng vào cằm dưới, quai hàm không biết có bị bể không nhưng chắc chắn đã bị trật khớp.

 Tôi không dám điều khiển hàm dưới vì mỗi lần thử ngậm miệng, cơn đau nhói lại bùng lên. Thấy tôi mở mắt, H.Q. đứng bên cạnh từ lúc nào thì thầm:
- Tạ ơn Chúa, bạn đã tỉnh lại, bạn mê sảng cả đêm.

Anh ta đến gần tôi hơn, chắc vì tôi bị thương, cả hai chúng tôi đều được mở còng. Anh đưa mảnh vải nâu cũ lên lau máu chung quanh miệng tôi và thiết tha hỏi:
-Bạn bị trật khớp quai hàm, tôi cố nắn lại cho bạn nhá? Cũng khá đau đấy.

Tôi chớp mắt cám ơn và ráng gật đầu. Hoàng Qúy một tay giữ hàm trên một tay nắm chặt hàm dưới bóp mạnh. Tôi đau đớn như bị một báng súng nữa, mặc dù nghĩ trong đầu mình phải “ngon” hơn Quan Công (một tay đánh cờ, một tay đưa ra cho mổ), tôi vẫn giãy giụa.

 Lần đầu chưa thành công, HQ cố bóp lần hai rồi lần ba, càng những lần sau càng ráng sức hơn. Tôi vùng vẫy trong đau đớn, miệng tuy không hét được thành tiếng chắc cũng kinh khủng như tiếng heo bị chọc tiết.

 Người bộ đội gác ngoài cửa thấy vậy cũng phải quát lên:
- Thằng kia! đếch biết làm thì thôi đi. Đ. được việc gì!

HQ thõng tay buồn rầu nhìn tôi, mồ hôi đầy mặt. Nằm im một lúc, tôi ra dấu muốn viết, HQ với tay lấy bút chì và tập giấy trên đầu xạp (dùng để viết kiểm thảo) đưa tôi. Tôi nguệch ngoạc: “Thiên, tổ 11, B2 giúp”.  

Tôi nghĩ đến anh BS quân y cùng tổ. Mãi đến chiều, Thiên đi lao động về mới có thể lên giúp tôi. Hắn mang theo mấy viên thuốc, chắc gom được của anh em dưới lán, hòa vào ly nước lạnh, trút từng muỗng sâu vào họng tôi.

Trong lúc Thiên đưa tay mò vào miệng tôi lấy ra hai, ba chiếc răng gẫy, anh giải thích:
- Tao không có thuốc tê, nhưng những viên thuốc này cũng làm mày bớt đau và ngủ yên đêm nay.

Thiên quay lại HQ giải thích:
- Tuấn nó bị trật hàm chứ may chưa bể, có thể bị nứt nhưng sẽ lành. Muốn bỏ lại khớp mình phải kéo hàm dưới ra, chớ bóp ngang vào, hai xương cấn nhau, không vào được.”

Sau khi Thiên giúp bỏ lại khớp xương, những gân và thần kinh chung quanh miệng như những giây đàn đang căng thẳng nay được buông chùng, cơn đau của tôi giảm đi qúa nửa, chỉ còn ê và miệng còn xưng vù, hết hẳn những cơn đau nhói, tôi đi vào một giấc ngủ sâu.

Trưa hôm sau anh em dưới lán quạy cho tôi một loong Bích Chi đường hột gà. - Dưới lán tôi “tư bản” hơn phần lớn anh em, vẩn còn vài chục gói bột Bích Chi Tiến mới tiếp tế và con gà mái đẻ.
Tuy rất đuối sức tôi vẫn có thể tự ăn, nhưng lạ làm sao, người bộ đội gác cho phép cô gái “nhân phẩm” - Tệ đoan xã hội, đi cải tạo để phục hồi nhân phẩm - giúp đút bột cho tôi (2).

Hoàng Qúy vừa lấy gối tre kê vào lưng tôi vừa thì thào:
- Ông được người đẹp chăm sóc chắc sẽ mau lành.

Tôi gượng cười cám ơn ông nhạc sĩ có dáng như thầy tu, đến nước này mà ông còn ráng nói diễu cho tôi vui.
Đưa tay sờ cằm, miệng tôi xưng lớn quá, nửa mặt dưới vẫn tê dại như người vừa ra khỏi phòng nha sĩ. Cô gái trước mặt gầy gò đen đủi, mặt cô ta chỗ bầm tím chỗ xưng vù, lúc đưa muỗng bột lên cao tôi mới để ý: áo cô mặc chỉ còn một tay, tôi nhớ đến miếng vải cũ HQ hay dùng lau máu, tôi nhìn cô cảm kích.

Trong hoàn cảnh này, những ý tưởng và phán đoán về danh giá, đẹp xấu hình như không còn nữa, tương quan giữa người và người chỉ còn lại nỗi cảm thương.

Đột nhiên người con gái đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt cô vừa linh hoạt vừa nhu mì trái hẳn vẻ trợn trừng hằn học ngày hôm qua.
Cô im lặng chậm rãi đút từng muỗng bột vào miệng tôi, toát ra vẻ kiên nhẫn cũng khác hẳn nét dữ tợn hôm qua khi cô gào lên những câu chửi dữ tợn, chua ngoa.

Trong tâm trạng đớn đau pha lẫn nỗi sợ hãi và niềm cô đơn tuyệt vọng, khi nhìn ánh mắt hiền dịu của cô, tôi liên tưởng đến mẹ tôi với tình yêu thiết tha, đến những ân tình của nhiều người đã dâng tặng tôi.

Tôi nhắm mắt nhủ thầm: “Nguyện cam tâm chịu những thống khổ này để bù lại phần nào ân tình người đã trao ban.” Những kỷ niệm mang nhiều xúc động thoáng hiện về, nước mắt tự nhiên ứa ra, tôi cố lẩm bẩm tự bào chữa cho mình: “Nhưng anh luôn sống thật, chưa hề lừa dối ai.”

Có tiếng nấc trước mặt, tôi mở mắt, người con gái đang đút bột cho tôi cũng nước mắt lưng tròng, tay cầm muỗng bột run run. Chúng tôi đăm đăm nhìn nhau chắc cùng thương cho hoàn cảnh và tội cho số phận của nhau.

Tiếng kẻng bỗng vang lên đưa chúng tôi về thực tại. Người bộ đội gác ngoài cửa lớn tiếng:
- Hết giờ ăn, đến lúc ra ngoài.
 Hoàng Qúy giải thích:
- Mình được tháo cùm, xuống suối tắm giặt, đi lại một giờ.  
----------------------------
(1)Tổ cải tạo chung với tôi tại trại Cây Cày, Đồng Ban gồm 18 người, may mắn qua Mỹ được hơn nửa. Nguyên tại vùng San Jose chúng tôi có dịp gặp lại 6 người. (UTT, UTL, NCH, CS, NTN, NVN).  
(2)Khi còn trong các trại tù cải tạo tôi tưởng lầm các cô “nhân phẩm” toàn là chị em ta. Nhưng khi ra tù tôi mới biết, có rất nhiều vợ con của “ngụy quân, ngụy quyền”. Có người bị bắt vì bán chợ trời, người vì phát biểu phản động chống phá cách mạng, v.v...

Xin xem tiếp kỳ sau