“MỘT THỜI MỘNG HOA” của Trần Quốc Bảo
RA MẮT SÁCH TRÊN ONLINE
“MỘT THỜI MỘNG HOA”
của Trần Quốc Bảo
RA MẮT SÁCH TRÊN ONLINE
Nay “Ra mắt Sách” trên online
Cái điệu này, tôi chẳng giống ai!
Nhiều tuổi, nên không ham hội họp,
Ít tiền … nào có muốn lai rai,
Vần Thơ yêu Nước, lời than vắn !
Nét Nhạc thương Quê, tiếng thở dài !
Sách mới in xong, Thơ phổ Nhạc
Mời thân hữu chiếu cố đề tài (*)
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Địa chỉ điện thư của Tác Giả:
(*)- Đề tài: “MỘT THỜI MỘNG HOA”
Xin giới thiệu cùng quý Thân Hữu: Sách mới của Trần Quốc Bảo
Với Sách nảy, quý bạn sẽ đọc Văn, xem Thơ, ngắm Tranh và hòa Nhạc: qua - Nội dung:
a) - Tựa: TS. Trần An Bài
b) - Phần Thơ và Nhạc: 9 Nhạc sĩ thời danh chọn lựa phổ nhạc, trên 50 bài thơ của Trần Quốc Bảo.
c) - Phần văn: 4 giai thoại đặc biệt, giao duyên Thơ, Nhạc và Tình Người.
d) - Phần Họa: Gồm nhiều Tranh minh họa của nhà Danh họa Nguyễn Nhật Tân.
Sách 160 trang, khổ lớn 8,1/2x 11 –giá $35 (bao gồm cước phí)
Liên lạc (order sách): TQB - 1912 Rolfe Way – Henrico, VA 23238
Chú ý: Chỉ gửi sách trong nội điạ Hoa Kỳ mà thôi. ( vì cước phí bưu điện quá cao , không thể gửi sách ra Nước ngoài được – xin thông cảm ) Đa tạ -
Một vài trang trong sách “MỘT THỜI MỘNG HOA :
LỜI TỰA (trang 5 - 7)
Các nhà nghiên cứu thơ nhạc trên khắp thế giới đã nhìn nhận rằng: Trong thơ đều có nhạc và trong nhạc đều phảng phất hồn thơ.
Khảo sát kho tàng văn chương Việt Nam, chúng ta gặp rất nhiều áng thơ đã là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành những tác phẩm bất hủ. Ví dụ: Trường ca Ave Maria, thơ Hàn Mạc Tử, nhạc Hải Linh, Trường ca Kim Vân Kiều của Vũ Đình Ân, Trường ca Chinh Phụ Ngâm, thơ Đoàn Thị Điểm, nhạc Hàn Thư Sinh và Vũ Đình Ân. Ngoài ra, còn có những bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và đã từng lắng sâu vào tâm hồn nhiều người, ví dụ: Phạm Duy với Lá Diêu Bông, thơ của Hoàng Cầm, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, thơ của Minh Đức Hoài Trinh; Ngô Thụy Miên phổ nhạc Áo Lụa Hà Đông và Paris Có Gì Lạ Không Em của Nguyên Sa, hoặc Anh Bằng với Trúc Đào của Nguyễn Tất Nhiên…
Cuốn sách nhạc phổ thơ “Một Thời Mộng Hoa” độc giả đang cầm trên tay đây cũng là một bằng chứng cụ thể về những nét thơ nhạc giao duyên rất tuyệt vời giữa thi sĩ Trần Quốc Bảo và nhiều nhạc sĩ.
Cuốn Thơ Nhạc này được xuất bản khi thi sĩ Trần Quốc Bảo đã ở tuổi 88. Do đó, có thể nói đây là thời điểm thích hợp nhất để người viết được nhắc lại vài nét về cuộc đời của ông.
Thi sĩ Trần Quốc Bảo được sinh trưởng trong một gia đình nề nếp nho phong. Thân sinh ông là cụ Trần Văn Phác - Cử Nhân Hán Học. Thi sĩ Trần Quốc Bảo được thân phụ dạy kèm chữ Hán từ nhỏ. Khi lớn lên, ông chăm chỉ tự học và đọc nhiều sách Hán văn, chuyên về Triết học Á đông và Đường Thi. Ông là một trong số rất ít các nhà văn thơ đương thời, còn thông thạo chữ Nho và chữ Nôm.
Cũng như lớp thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX, đời sống của họ bị cuốn hút vào vận mệnh của Đất Nước, nên ông Trần Quốc Bảo gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam rất sớm (cuối năm 1951). Ông phục vụ trong quân ngũ gần 25 năm, phần nhiều ở những đơn vị địa đầu tuyến lửa, với đầy hiểm nguy, gian khổ và chiến công cho tới khi tàn cuộc chiến. Ông được ban tặng nhiều huy chương cao qúy, trong đó có Bảo Quốc Huân Chương do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 29-4-1974.
Thi sĩ Trần Quốc Bảo rất ham mê ca nhạc, nhưng lại đặt hết tâm hồn vào việc sáng tác thơ. Chính những bài thơ đó bay đi bốn phương, rồi cuối cùng thành hình nên tập sách thơ nhạc này. Có những nhạc sĩ là bằng hữu quen biết tác giả, như: nhạc sĩ Văn Duy Tùng, Nghiêu Minh, Nguyễn Tường Vân, Trần Thiện Ân và Phan Anh Dũng. Lại có những nhạc sĩ chưa một lần thân quen, nhưng chỉ đọc thơ Trần Quốc Bảo, rồi đem lòng mến mộ nên phổ nhạc cho thơ ông, và rồi mãi vài ba năm sau mới có dịp quen thân với nhau. Đó là trường hợp các nhạc sĩ Linh Phương, Vũ Thị Linh và Liên Bình Định. Nhưng có lẽ một nhạc sĩ đã cảm thông sâu đậm nhất với thơ của thi sĩ Trần Quốc Bảo, đó là nhạc sĩ Mộc Thiêng (Đa Nguyên). Rút từ kinh nghiệm bản thân, nhạc sĩ Mộc Thiêng đã tâm sự rằng: Ông có một sự đồng cảm với thi sĩ mỗi khi phổ thơ, tức là có một tâm linh gắn bó để tự đặt mình là thi nhân trong nhân vật của bài thơ. Mỗi khi nghe một bài nhạc của Mộc Thiêng phổ thơ Trần Quốc Bảo, thính giả không ai nghĩ rằng đây là một bài thơ được ngâm lên bằng tiếng nhạc, mà đó là một bài hát có nhạc tính như những bản nhạc thông thường. Nét thơ Trần Quốc Bảo và điệu nhạc của Mộc Thiêng quyện vào nhau rất đồng cảm, mặc dầu hai người chênh lệch nhau về tuổi tác khá xa và cho tới nay, hai người chưa một lần gặp mặt nhau.
Điểm đặc biệt là chữ “TÌNH” được thể hiện nổi bật trong tập thơ nhạc này. Trước hết là tình yêu quê hương. Ngay trang đầu của cuốn sách là bản nhạc “Quốc Tổ Hùng Vương”. Sau đó là “Dâng Hoa Tổ Quốc”, rồi liên khúc “Nhớ Hà Tiên”, “Saigòn Niềm Hy Vọng”, “Ai Về Thăm Cửu Long Giang” và lời kêu gọi cứu quê hương: “Xuống Đường Đi!”.
Hai bài tả lại thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản: “Mắt Biển” và “ Đừng Khóc Nữa Em Ơi!”.
Những bài còn lại là những bản tình ca đôi lứa.
Thi sĩ Trần Quốc Bảo là một cây bút lão luyện, đã thành danh từ lâu. Lời thơ của ông thường giản dị, rất ít khi dùng đến điển tích, một số bài mang âm hưởng ca dao như: “Tình ơi!”, “Kiến”, “Cuồng Ngâm”. Những bài thơ tình của ông biểu lộ một thứ tình yêu thật sâu đậm và chung thủy, những kỷ niệm yêu đương thời trai trẻ được phác họa lại bằng lời thơ trữ tình nồng nàn, đôi lúc sôi nổi, nóng bỏng như hiện thực.
Tâm sự của Trần Quốc Bảo dàn trải trong rất nhiều trang thơ. Nỗi niềm thầm kín riêng tư đã bộc lộ rõ ràng nhất trong các bài “Bốn Ngàn Năm Tuổi Đá” và “Mặc Cảm”.
Hiện nay, thi sĩ Trần quốc Bảo đã trọng tuổi, nên chúng ta không ngạc nhiên khi nghe lời ca trong bản “Dặn Dò” là những lời tâm tình của người sắp viên mãn cuộc nhân sinh. Cũng vậy, bản “Sám Hối” là lời kinh hướng về Đấng Tối Cao trong những ngày còn lại cuối đời.
Tóm lại, tập sách thơ nhạc này giống như một bản trường ca, minh họa trọn vẹn cuộc đời của ông Trần Quốc Bảo. Điểm đặc biệt không thể không nói tới là thơ Trần Quốc Bảo, bất cứ bài nào cũng tràn đầy nhạc tính, “thi trung hữu nhạc”. Chỉ nội những câu thơ của ông thôi đã tràn đầy âm hưởng êm đềm du dương như một khúc nhạc tự nhiên. Nay lại nhờ những âm điệu của các nhạc sĩ giao duyên kết hợp, tạo nên một tác phẩm đẹp, đẹp như cuộc đời “Một Thời Mộng Hoa” của chính tác giả vậy.
Jose, ngày 13-10-2017
Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI
--------------o0o--------------
Giai Thoại 3 (trang 147 - 150)
Bản Nhạc ĐẦY GÁNH ĐAU THƯƠNG
Từ lâu, tôi đã đọc nhiều sách báo, nói về cảnh “tù đầy”, do các Cựu “Tù cải tạo” viết. Nói chung, là các tác giả đã tường thuật lại nỗi thống khổ cùng cực, phải chịu đựng lâu dài trong lao tù Cộng sản. Nỗi thống khổ đó, cả thế giới đều đã biết đến. Và chuỗi đau thương đó, nay trở thành chuỗi “vòng hoa bất tử” gắn liền với tên tuổi mỗi người “Tù cải tạo”, được mặc nhiên coi như “Người Hùng”. Điều đó cũng là sự trả giá công bằng, và đúng thôi !
Có một điều, tôi thấy không công bằng, không đúng! mà sự bất công tệ hại đến mức “vô cảm !” - Là các bản văn nói trên chỉ nói về mình (nghĩa là chỉ kể lại khổ nhục của người Tù). Chưa hề có quyển sách nào nói đến nỗi đau thương của “Người Vợ Tù cải tạo”cả.
Mà tôi biết, rất nhiều người biết: Các Bà Vợ Tù cải tạo, chân yếu tay mềm, bỗng một ngày chồng ra đi, nhà cửa tài sản bị tịch thu , trong tay một bầy con dại. Làm sao mà sống đây? Vậy mà các Bà vẫn sống, vẫn nuôi bày con nên người và nhịn ăn nhịn mặc, dành tiền, để … vẫn đi “thăm nuôi” chồng.
Chồng “tù cải tạo”, ở trong nhà tù nhỏ. Còn Vợ ở ngoài, nhưng trong “nhà tù lớn” là cái guồng máy kìm kẹp khổng lồ, củaXã hội chủ nghĩa Chuyên chính Cộng sản. Chỉ cần nghe một câu tuyên bố của tên Phó Thủ tướng CSVN Đỗ Mười, thì ta hiểu cái dã man tàn ác của Xã hội Chủ nghiã, nó cực kỳ khốn nạn, mất dạy, tới mức nào. Hộ nói: “Nhà cửa của ngụy ta tịch thu, vợ của ngụy ta xài, con của ngụy ta sai, ngụy thì ta đày chúng nó lên vùng rừng thiêng nước độc” .
Tôi xót xa chạnh lòng, nghĩ đến nỗi đớn đau quá bi thảm, của các Bà Vợ Tù cải tạo, nên viết bài thơ sau đây, để vinh danh các Bà”. Và đã được Nhạc Sĩ Mộc Thiêng phổ vào cung nhạc lâm ly thống thiết (in trong Sách Thơ Nhạc này)
ĐẦY GÁNH ĐAU THƯƠNG
Tặng các bà Vợ “Cảnh Sát Quốc Gia Tù cải tạo”
Hai quang, một gánh
Tôi đi bán bánh chợ chiều
Bán thì chẳng được bao nhiêu
Công an đuổi đánh, lắm điều xót xa
Chồng tôi Cảnh sát Quốc gia
Ở tù cải tạo nay đà nhiều năm
Chắt chiu được đôi ba trăm
Tôi mua thực phẩm đi thăm nuôi chồng
Tay dẫn con, vai gánh gồng
Trại tù hiểm trở, băng sông vượt đèo
Thương chồng, chẳng quản gieo neo
Đường rừng hổ báo, cũng liều bước chân
Chồng tôi, vì Nước xả thân
Mẹ con tôi cũng góp phần thê lương
Tôi ngồi bán bánh đầu đường
Bánh thì bán hết, đau thương vẫn đầy!
ĐẦY GÁNH ĐAU THƯƠNG (phiên bản 2)
Tặng các Bà Vợ “Quân nhân Tù cải tạo”
Hai quang, một gánh
Tôi đi bán bánh chợ chiều
Bán thì chẳng được bao nhiêu
Công an đánh đuổi, cũng liều cái thân
Chồng tôi là một quân nhân
Tù đầy cải tạo ngục trần bao năm
Chắt chiu được đôi ba trăm
Tôi mua thực phẩm đi thăm nuôi chồng
Tay dẫn con, vai gánh gồng
Trại tù hiểm trở, băng sông vượt đèo
Thương chồng, chẳng quản gieo neo
Đường rừng hổ báo, cũng liều bước chân
Chồng tôi, vì Nước xả thân
Mẹ con tôi cũng góp phần thê lương
Tôi ngồi bán bánh đầu đường
Bánh thì bán hết, đau thương vẫn đầy!
Trần Quốc Bảo
Bài “Đầy Gánh Đau Thương” được phổ biến rộng rãi trên Internet Cơ sở Truyền thông: Saigon-Echo (của TS. Trần An Bài - Tổng Giám Đốc).
Qua Điện Thư Văn Học (Vùng Thủ đô HTĐ) , GS. Phạm Văn Tuấn đã vắn tắt giới thiệu bài thơ lên Internet như sau:
“ Sau ngày MẤT NƯỚC 30/4/1975, những nạn nhân “đau khổ và âm thầm nhất” là vợ con của các cựu Quân Nhân VNCH, có lẽ tới con số 2 triệu người, họ phải chịu cảnh chết chóc, kỳ thị và đàn áp của chế độ Cộng Sản tàn bạo và nham hiểm. Trời có thấu chăng cho những người bị “thất thế” này?
Với bài thơ “Đầy Gánh Đau Thương”, Nhà Thơ Trần Quốc Bảo đã nói lên một phần nào “hoàn cảnh bi thảm” khi người vợ đi thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo tại Miền Bắc, Miền Trung VN, và để riêng tặng Đại Úy Nguyễn Văn Khôi, PB. PvTuấn. 08 Oct. 2017 ”.
Tôi cũng đã gửi tặng trực tiếp bài thơ này đến một số các thân hữu Cựu Tù cải tạo, hiện ở các Tiểu bang HK.
Rất nhiều điện thư (ở Hoa kỳ và từ nhiều Nước khác trên thế giới) gửi về chia sẻ ý kiến, khen ngợi bài thơ trên. Trong số đó, tôi đặc biệt lưu ý tới Email sau đây của độc giả, ký tên Kiều Nguyên:
- Oct 8 at 7:03 PM // Kieu Nguyen <kieutn xxx @hotmail.com> To:Bao Tran
Bài thơ cảm động, hay quá !
Nhớ cảnh Mẹ tôi ngày xưa cực khổ nhọc nhằn nuôi Ba tôi trong tù cải tạo và 7 chị em tôi ăn học trong chế độ cộng sản tàn ác bất nhân.
Bây giờ sống tha hương đầy đủ tự do dư ăn dư để thì Mẹ không còn nữa ! Xin cúi đầu kính phục cảm tạ "các Bà Vợ Quân nhân tù cải tạo ĐẦY GÁNH ĐAU THƯƠNG" Cám ơn tác giả bài thơ đã nêu cao tấm gương hy sinh của các BÀ MẸ VNCH. Rất kính, // Kiều Nguyên
Tuy không biết Kiều Nguyên là ai, nhưng tôi thật súc động, khi hay biết Mẹ Kiều Nguyên là một bà Vợ Tù cải tạo và Bà đã qua đời. Tôi đã gửi điện thư cho KN:
- quocbao xxx @yahoo.com To: <kieutn xxx @hotmail.com>
Cháu Kiều Nguyên (bác 87 tuổi, gọi KN là Cháu cho thân tình nhé) . Cám ơn cháu đã đọc “Đầy Gánh Đau Thương” và đã viết xuống cho bác biết hoàn cảnh của Mẹ cháu,(chồng, Tù cải tạo,nuôi 7 con thơ dại). Cũng như cháu nói, bác cúi đầu ngưỡng phục Bà vô cùng. Nhờ Kiều Nguyên dâng tặng bài thơ của bác lên Bàn Thờ Linh Vị của Mẹ cháu nhé. Qúi mến // Trần Quốc Bảo
Vài giờ sau, Kiều Nguyên trả lời :
- Sunday, Oct. 8, 2017, 10:23:36 PM EDT //From: <kieutn xxx @hotmail.com> To: Bao Tran
Kính Bác Bảo ,
Đọc bài thơ của Bác con đã khóc nhiều, nay được Bác cho phép đặt bài thơ lên bàn thờ của Mẹ con, con cảm động sung sướng lại không ngăn được dòng nước mắt !
Khi sanh tiền Mẹ con yêu ca nhạc văn thơ tao đàn, nếu còn sống năm nay Bà cũng đã 83 tuổi. Con cám ơn Bác nhiều lắm, tối nay trước ban thờ con sẽ đọc bài thơ này cho Mẹ con nghe ...
Con kính chúc Bác luôn dồi dào sức khỏe, quý quyến vạn an may mắn. Xin Bác tiếp tục viết văn, làm thơ ghi lại những sự kiện lịch sử của dân tộc VNCH oai hùng để mãi mãi lưu truyền cho con cháu mai sau. Con kính Bác, KiềuNguyên
Gửi tiếp bản Nhạc “Đầy Gánh Đau Thương cho Kiều Nguyên”
- Bao Tran to kieutn xxx @hotmail.com
Cháu Kiều Nguyên,
Bác gửi cháu, Attach. kèm Email này, Bản Nhạc: “Đầy Gánh Đau Thương” của Nhạc Sĩ Mộc Thiêng, (phổ nhạc thơ của bác). Ns/Môc Thiêng nhờ bác chuyển
đến KN, với ý niệm dâng kính Hương Hồn Mẹ cháu. Bác nghĩ, KN có giọng ca tốt, hãy hát lên (như ngày xưa còn bé) cho Mẹ nghe nhé!
Mộc Thiêng là một nhà soạn nhạc tài ba, KN có thể liên lạc thăm hỏi, địa chỉ Email là: < diepn xxx @gmail > Bác / TQB
Kiều Nguyên gửi Email cám ơn Nhạc sĩ Mộc Thiêng
- Oct 10 at 11:34 PM // kieutn xxx @hotmail.com To: Bao Tran, diepn xxx @gmail.com
Kính gởi : NS Mộc Thiêng - Bác Quốc Bảo kính quý .
Trước hết con kính cám ơn bác đã gửi cho con một bài nhạc thật truyền cảm, nhịp điệu du dương, êm dịu...tuyệt vời!
Rất cảm kích chân thành cám ơn nhạc sĩ Mộc Thiêng đã gửi tặng mẹ Kiều bài hát thật hay phổ từ bài thơ ca ngợi người phụ nữ VN làm rung động hàng vạn trái tim những người trong cảnh ngộ !
Trân trọng cám ơn tác giả sáng tác bài thơ và nhạc sĩ tài ba đã phổ nhạc thành công. Mong bài nhạc được hoà âm thật hay, ca sĩ diễn tả xuất sắc để phổ biến rộng rãi cho giới yêu văn nghệ thơ ca cùng thưởng thức .
Rất kính, Kiều Nguyên
Đã trên 70 năm, sáng tác thơ văn, tôi có khá nhiều kỷ niệm, vui buồn, về những bài viết của mình - Tôi đã được chia xẻ tâm sự cùng Độc giả - Tôi đã thu tập và học hỏi nhiều điều từ người đọc tôi - Tôi được chỉ dẫn những khuyết điểm vấp phải - Đôi lúc tôi cũng nhận được khích lệ và lời khen.
Tuy vậy, sự súc động cao độ, vì ảnh hưởng từ ngòi bút của mình, xúc tác tới độc giả, thì chỉ lần này tôi cảm nhận được một cách sâu sắc nhất.
Cũng như người đọc thơ tôi, trước Bàn Thờ Mẹ, cô Kiều Nguyên đã khóc; - tôi đã ngậm ngùi ứa lệ khi nghe lại thơ mình, qua bản Nhạc “Đầy Gánh Đau Thương”.
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia