Vừa bước vào tháng 12 là làng tôi đã đầy ắp không khí tết.
Ai cũng nôn nao trong lòng, ai cũng thấy mình sung sướng hơn tổ tiên ngày xưa nhiều. Tôi vẫn còn nhớ bố mẹ tôi khi xưa ngoài Bắc lo tết ghê lắm : tiền đâu mua gạo thịt để nấu bánh chưng, thổi xôi, bó giò, tiền đâu mua sắm lễ vật đi tết, tết ông bà, tết họ hàng, tết quan chức, tiền đâu mua sắm quần áo mới cho con cho cháu. Sang đời chúng tôi, bỗng phép lạ đã xảy ra. Chúng tôi may mắn tới được nước thiên đàng này. Các thứ lo của tổ tiên ngày xưa không còn nữa, mọi thứ đã được giải quyết dễ dàng nhờ vào quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí, quỹ tiền già.
Kỳ họp làng vừa qua, dân làng đã nói tới việc đón tiếp ông Từ Hoè từ miền Tây về ăn tết, Mấy bà mấy cô đã bàn tới việc nấu cỗ tết nấu chè, dựng cây nêu. Hai cô Huế hỏi bà cụ B.95 về công thức gói bành chưng. Cụ cười hì hì rồi bảo : Mấy cô chỉ cho tôi cách làm Dưa Món với đu đủ cà rốt, và cách làm chè đậu xanh đường cát trắng lối Huế, thì tôi sẽ chỉ cho hai cô cách nấu bánh chưng truyền thống lối Bắc Kỳ. Đây là một cuộc trao đổi công bằng, phải không các cụ.
Nghe mẩu nói chuyện trên đây xong thì tôi biết chắc là năm nay mâm cỗ tết làng tôi sẽ có bánh chưng xứ Bắc Kỳ, có dưa món và chè đậu xanh xứ Huế.
Đây là một chuyện nhỏ. Bây giờ xin được nói chuyện lớn. Đó là chuyện Canada rất quan tâm về cuộc bầu cử Tổng thống bên Mỹ vì Mỹ là ông hàng xóm khổng lồ dân số gấp 10 lần dân Canada cơ mà. Ngày xưa thủ tướng Pierre Trudeau của Canada đã nói một câu nổi tiếng : Ông hàng xóm khổng lồ mới chỉ hắt hơi một cái là Canada đã bệnh nặng ngay rồi. Canada và Hoa Kỳ sông liền sông núi liền núi đúng ý nghĩa nhất. Nay Cụ Obama vừa tái đắc cử, tiếp tục ngôi vua. Xin chúc mừng các cụ bên Hoa Kỳ. Cầu xin tình hữu nghị giữa hai nước vẫn tiếp tục tốt đẹp như xưa
Nhân vừa nói tới chuyện lễ tết, ở Canada này có lễ tết quanh năm các cụ ạ. Hôm nay là tết của nước tôi, mai là lễ tết của ông hàng xóm, mốt là lễ tết của bà bên kia đường. Canada đa văn hóa mà. Nhân cuối năm ngày rộng tháng dài xin trình các cụ cái nét đẹp trăm sắc của nước này nha. Ngoài ngôn ngữ chính thức là Anh văn và Pháp văn, Canada có tới 200 ngôn ngữ thiểu số. Theo thống kê mới nhất năm 2011 thì 40% di dân đến từ Âu Châu, 56% di dân đến từ Á Châu. Trên toàn cõi Canada, số người nói tiếng Anh ở nhà là 74%. Tại Quebec miền nói tiếng Pháp, số người nói tiếng Pháp ở nhà là 73%. Phần còn lại là phần của ngôn ngữ các sắc tộc. Ngôn ngữ thiểu số thông dụng nhiều nhất tại thủ đô Ottawa và Montreal là tiếng Ả Rập, còn ở Toronto là tiếng Quảng Đông, Quan Thoại,Tamil và Tagalog. Bốn sắc dân đến định cư Canada nhiều nhất trong 5 năm qua là dân Ấn Độ, Trung Hoa, Phi Luật Tân và Ả Rập.
Centre Island, Toronto, Canada
Trên đây là các sắc dân đang di cư tới Canada những năm gần đây, còn sắc dân đến đây lâu đời nhất, cách đây mấy chục ngàn năm, các cụ có biết là sắc dân nào không? Thưa là sắc dân Da Đỏ. Thực ra họ là dân gốc Á Châu, gọi Da Đỏ là sai, vì da họ vàng khè à. Mắt họ không xếch như mắt người Tàu người Cao Ly ,và không nhỏ như mắt người Nhật. Thế thì họ giống ai bây giờ ? Hình như ngày xưa GS Lương Kim Định đã nêu lên giả thuyết các người Da Đỏ thuộc dòng giống VN. Họ chính là đoàn con theo mẹ Âu Cơ đi lên núi phương băc.
Theo các nhà nhân chủng và khảo cổ học thì người Da Đỏ đã tới giải đất Canada này ít ra là 15 ngàn năm, vào thời đại băng đá, trước công nguyên. Mãi mãi về sau, tới đầu thế kỷ 11 sau công nguyên mới có một nhóm da trắng đầu tiên tới xứ này. Đó là nhóm cướp biển Vikings. Người Vikings tới đây ít lâu rồi bỏ đi vì không chịu được cái lạnh. Mãi về sau, khoảng thế kỷ 15, mới có người da trắng tới và quyết tâm ở lại. Đó là nhóm John Cabot, Jacques Cartier, rồi Samuel de Champlain.
Người Da Đỏ lúc đó đã ổn định, đã biết đi săn, đã biết trồng cấy. Người Da Đỏ đã đón người da trắng, đã cung cấp lương thực như bí đỏ, bắp ngô, các hạt đậu cho họ và đã trao đổi lông thú để lấy những dụng cụ bằng kim khí và nữ trang. Người da trắng trao đổi hàng hóa và cũng trao luôn cho người Da Đỏ nhiều chứng bệnh mà trước đó người Da Đỏ chưa hề có, như bệnh đậu mùa, bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh phổi. Sử sách còn ghi : Các bệnh này đã tiêu diệt phần lớn dân số Da Đỏ.
Người Da Đỏ có nhiều chủng tộc. Chủng tộc tiêu biểu nhất, đông nhất và tiến bộ nhất là chủng tộc Iroquois. Chủng tộc này gồm 5 sắc dân lớn : Mohawk, Oneida, Onondaga, Cayuga, và Seneca. Năm sắc dân này xưng mình là Liên Minh First Five Nations. Nhưng ngày nay, trên giấy tờ, người Canada da trắng xếp người Da Đỏ vào 3 loại : Người Inuit, người Indians và người Metis. Inuit là sắc dân sống ở miền Bắc Cực, còn Indians chỉ tất cả các sắc dân Da Đỏ khác, và Metis là dân Da Đỏ lai giống. Hiện nay dân số Da Đỏ ở Canada vào khoảng một triệu, bên Mỹ khoảng hai triệu.
Tôi đã dài dòng như trên là có ý nói tới một cô Da Đỏ Canada vừa được Giáo Hội Công Giáo tôn vinh lên bậc hiển thánh vào ngày 21.10.2012 vừa qua tại Roma. Đó là thánh nữ Kateri Tekakwitha, sinh năm 1656 và mất năm 1680. Kateri mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với ông chú. Kateri đã nhập đạo Công giáo và sống một đời thánh thiện gương mẫu. Kateri bị nhóm khác đạo qúa khích giết. Kateri gốc sắc tộc Mohawk mà tôi vừa nói ở trên. Thánh Kateri là vị thánh đầu tiên của người Đa Đỏ toàn cầu, có gốc Canada.
Ngoài tin lễ phong hiển thánh cho thánh nữ Da Đỏ Kateri, còn có tin này cũng liên quan tới dân Da Đỏ Canada. Đó là ngày 25 tháng Mười vừa qua, nhân dịp mừng lễ 200 năm chiến thắng lịch sử 1812 ngày xưa, tại thủ đô Ottawa, chính quyền Canada đã công khai tuyên dương sự đóng góp to lớn của người Da Đỏ trong chiến trận vinh quang này. Các cụ còn nhớ chuyện chiến thắng này chứ? Xưa nay Canada là quốc gia chủ trương hoà bình, không bao giờ cất quân đi đánh một nước nào cả, thế mà lần duy nhất trong lịch sử đã cất quân đí đánh đấy các cụ ạ. Các cụ có biết Canada đánh nước nào không ? Thưa, đánh Hoa Kỳ. Việc này sử Hoa Kỳ và sử Canada ghi chép khác nhau. Ha Ha ! Sử Canada chép rằng : Năm 1812 Hoa Kỳ toan tính mang quân lên chiếm trọn Canada để thành lập một nước Hoa Kỳ bao gồm toàn miền Bắc Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ đã lên đốt phá thành phố Toronto năm 1812 . Quân đội Canada đã kháng cự mãnh liệt và chiến thắng. Lúc đó quân đội Canada là một liên minh Anh-Pháp và Da Đỏ. Để trả thù, năm 1813 liên quân Canada đã sang đốt phá dinh tổng thống Hoa Kỳ ở Washington và hải cảng Baltimore. Danh từ ‘White House’ và bản quốc ca Hoa Kỳ hiện nay được sinh ra từ biến cố này. Đây là chuyện lịch sử, tôi chỉ chép lại để trình các cụ chứ không dám xúc phạm các cụ bên Hoa Kỳ đâu nha.
Anh John trong làng nghe tôi nhắc lại chiến thắng 1812 của Canada thì thích thú lắm. Anh lên tiếng thưa với cả làng : Người Da Đỏ đến đây ít là 15 ngàn năm. Tôi vừa nghe bác Trà Lũ nói tới giả thuyết của GS Luơng Kim Định cho rằng người Da Đỏ ở Canada chính là con cái mẹ Âu Cơ thì tôi cho đây là một sự kiện vĩ đại qúa sự ngờ của tôi.
Ông bồ chữ ODP trong làng lúc này mới lên tiếng : Anh John à, chưa hết những sự vĩ đại về dân VN quê vợ của anh đâu. Còn nữa. Tôi vừa mới đọc được một bài khảo cứu rất công phu của một học giả uy tín với một lập luận hết sức bất ngờ, rằng tiếng VN đã đẻ ra tiếng Tàu. Học giả này tên là BS Nguyễn Thành Đệ. Bài dài 41 trang, đăng trong ‘Tạp San Y Sĩ’* của Hội Y Sĩ VN tại Canada, số 195, tháng 10-2012. Tác gỉả đã căn cứ vào rất nhiều tài liệu của nhiều học giả uy tín trên thế giới với rất nhiều hình ảnh khả tín để chứng minh.
Nghe đến đây thì dân làng vô cùng sửng sốt vì lần đầu tiên nghe sự lạ. Chị Ba Biên Hòa nói ngay : Xưa nay ai cũng bảo tiếng Tàu đẻ ra tiếng VN, bây giờ lần đầu tiên nghe sự trái lại, tiếng VN đẻ ra tiếng Tàu. Xin bác nói ngay cho dân làng nghe đi. Ông ODP liền nói ngay :
- Theo những khám phá của ngành khảo cổ và nhân chủng học, tổ tiên VN ta ngày xưa ngoài tiếng nói còn phát minh ra chữ viết đầu tiên trên thế giới. Chữ viết có dạng lăng quăng như những con nòng nọc, con nòng nọc có tên chữ là ‘khoa đẩu’, do đó loại chữ này thường được gọi là chữ khoa đẩu. Theo những khai quật tìm được mang dấu vết dạng chữ khoa đẩu của tiền nhân ta có số tuổi trên 15 ngàn năm trước Tây Lịch. Chữ khoa đẩu có ghi trên nhiều mặt trống đồng và trên các mảnh xương gọi là giáp cốt. Còn chữ Hán thì mới có mặt 3 ngàn năm. Theo sử thì Vua Chu Tuyên Vương ( 827 BC - 782 BC) đã ra lệnh cho các Thái Sử hoàn chỉnh chữ viết. Chữ khoa đẩu đang phổ biến khắp nơi lúc bấy giờ nên các thái sử đã thêm bớt mà tạo ra chữ Hán. Lúc ấy chữ Hán này gọi là chữ Đại Triện. Người Tàu đã cố tình che dấu cái gốc chữ Hán xuất phát từ chữ khoa đẩu của Việt tộc mà ra. Việc này giống y như việc người La Mã ngày xưa đã lấy các chữ cái của dân Etruscan mà làm ra chữ cái ABC của mình vậy.
Anh John nghe đến đây thì xin góp ý kiến ngay : Nếu nói rằng chữ con nòng nọc hay chữ khoa đẩu của Việt tộc xuất hiện cách đây ít là 15 ngàn năm thì con số 15 ngàn năm này trùng hợp với thời gian xuất hiện của ngươì Da Đỏ ở Canada. Nói đến đây rồi anh John đắc chí cười lớn tiếng : Thế thì rõ ràng người Da Đỏ Canada con Mẹ Âu Cơ có gốc VN rồi ! Dân làng nghe đến đây ai cũng thích chí cười râm ran. Chị Ba Biên Hòa nói ngay : Như vậy thì ta có thễ suy diễn ra rằng người VN chúng ta hiện đang sống ở Canada là đang sống trên mảnh đất của quê hương nối dài, vì là đất của anh em mình mà, ha ha.
Nghe đến đây thì dân làng vỗ tay to và lâu qúa sức.
Rồi ông ODP xin được nói tiếp chuyện chuyện chữ Việt đẻ ra chữ Tàu. Ông bảo dân làng phải tìm mua cho được số báo trên đây mà đọc cho thoả lòng. Cũng trong số báo này còn có một bài viết về một vị giáo già rất nổi tiếng ở ngoài Bắc. Ông ta đã bỏ ra hơn 50 năm miệt mài khảo cứu về chữ con nòng nọc - khoa đẩu. Ông đã thành công. Ông đã tìm ra cách đọc được các chữ khoa đẩu. Tên ông là cụ Đỗ Văn Xuyền, giáo sư về cổ văn, gốc người tỉnh Phú Thọ. Cụ Xuyền cất công đi khắp nơi để tìm đọc các dòng chữ khoa đẩu của tiền nhân. Đọc được chữ tổ tiên, hiểu được ý tổ tiên viết cách đây mười mấy ngàn năm, tuyệt vời qúa chứ.
Chuyện người Da Đỏ có gốc VN và chuyện chữ Việt đẻ ra chữ Tàu đưa các cụ đi xa qúa rồi. Xin tạm ngưng để mời các cụ về làng tôi tham dự các sinh hoạt mùa giáp đông này. Đầu tháng 11 vừa qua là lễ giỗ cụ Ngô Đình Diệm. Cụ Chánh tiên chỉ tuy không theo đạo Công Giáo nhưng cũng xin cả làng đi lễ nhà thờ Cha Paolo. Mỗi người góp chút tiền gọi là một bó hương dâng vào lễ giỗ. Cụ nói: Số tiền này thật là nhỏ nhoi nếu so với số tiền của Ông Hồ Anh năm xưa. Nghe đến đây thì không ai hiểu gì cả. Tiền nào vậy và ông Hồ Anh nào vậy? Cụ Chánh để mọi người ngạc nhiên một lúc rồi mới nói : Lão được biết năm 1963 xác Ông Diệm và ông Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi Saigon. Sau 1975, VC dẹp nghĩa trang này. Người đã âm thầm bỏ tiền nhờ người thân cải táng hai lãnh tụ khả kính này ở Lái Thiêu chính là ông Hồ Anh tức Ông Nguyễn Thanh Hoàng chủ nhân báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ. Nghe nói số tiền này lên tới 50 ngàn mỹ kim. Bao nhiêu ngưòi mang ơn Cụ Diệm, nhưng ông Nguyễn Thanh Hoàng là người nhanh nhất đã làm một việc âm thầm nhưng đẹp mắt nhất và đáng ca ngợi nhất.
Xin ca ngợi và bái phục tấm lòng của Ông Nguyễn Thanh Hoàng.
Nhân nói tới các người đã nằm xuống, tôi chợt nhớ tới người bạn vong niên của tôi ở Cali, Mục sư Vũ Đức Chang. Cuối tháng 7 vừa qua, tôi được tới thăm MS Chang tại nhà. Lúc đó ông còn rất khoẻ mạnh. Hai anh em chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện thân ái ngày xưa. Khi bàn về ý nghĩa cuộc đời biển dâu, MS Chang đã ngâm cho tôi nghe một bài thơ mà ông cho là rất thâm thúy. Ông ngâm rất có hồn. Qủa là bài thơ hay. Nghe xong tôi muốn có bài thơ này. Ông liền lấy bút giấy đưa cho tôi ghi, và ông đã ngâm bài thơ này lần thứ hai. Tôi xin chép ra đây để các cụ cùng thưởng thức với tôi, nhân tiện xin đố các cụ ai là tác giả bài thơ này nha :
Nhớ nước thơ gieo những vận sầu
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau
Cờ chơi dư nước mà thua ức
Bạc đánh thừa lưng phải mất đau
Gọi họ làm tên quen hóa lạ
Viết ngày ra tháng trước thành sau
Đổi đời đất khách sanh lần nữa
Năm chục ta nay lại bắt đầu
Các cụ có thấy chính mình ở trong thơ không? Tôi thì có, thấy rất rõ. Ban đầu tôi cứ tưởng MS Chang là tác giả. Ông cười, một nụ cười rất nhân hậu, rồi bảo : Đó là bài thơ của Cao Tiêu, một thi sĩ nổi tiếng của Miền Nam chúng ta.
Cuối tháng Bảy giữa mùa hè, ông ngâm bài thơ này. Trung tuần tháng Mười giữa mùa thu, ông đã ra đi về cõi Thiên Thu, về nước Chúa.
Ngoài bài thơ trên đây, MS Chang còn kể cho tôi chuyện ông Nicôđimô trong Thánh Kinh. Các cụ biết chuyện này không? Ông Nicôđimô là một lãnh tụ uy tín của dân Do thái thời đó. Ông là người ái mộ Chúa Giêsu nhưng ông không dám công khai đến với Chúa. Ông thường bí mật đến thăm Chúa vào ban đêm. Nhưng ngay khi hay tin Chúa Giêsu bị giết treo trên thập tự thì ông mở mắt. Ông hết sợ dư luận, giữa ban ngày ông công khai đến xin quan tổng trấn Philatô cho ông được phép tháo xác Chúa xuống và ông đã an táng Chúa trong một ngôi mộ lớn. Cái gì đã làm ông Nicôđêmô mở mắt và hết sợ vậy?
Chuyện này sao giống chuyện ông Nguyễn Thanh Hoàng báo VNTP xây mộ cho Tổng Thống Diệm và ông cố vấn Nhu qúa!
Chuyện an táng trên đây lại làm tôi nhớ tới 2 bài thơ nổi tiếng cũng liên hệ tới việc an táng. Bài đầu tiên của Du Tử Lê :
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi, sao trở lại quê nhà
…
Và bài thơ thứ hai của Nguyển Văn Phan :
Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá
…
Tôi thích hai bài thơ này qúa. Thoạt nghe câu đầu thì ta có cảm tưởng hai bài thơ này đối chọi nhau, nhưng đọc hết bài thì thấy hai thi sĩ giống hệt nhau về sự ao ước hồn mình được trở về quê hương VN. Một thi sĩ muốn về quê theo lối biển, một thi sĩ muốn về quê theo lối bộ. Cả hai đều mong gặp lại gia đình và đồng đội ngày xưa.
Nghe dân làng miên man bàn chuyện thơ phú, bà Cụ B.95 bèn lên tiếng : Các bạn nói chuyện gì mà nghiêm trang và khô khan thế. Xin cho lão nghe chuyện gì tươi mát xem nào. Các cụ thấy rõ nha, càng gìà người ta càng cần tươi mát đó nha. Anh H.O. liền nhảy vào ngay. Anh nói :
Nhân làng đang nói về những người mới khuất, tôi xin được nói về một thi nhân lớn của chúng ta, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện vừa mất đầu tháng Mười vừa qua. Danh tiếng của thi sĩ đất Bắc bất khuất này ai cũng rõ rồi. Mỗi lời thơ là mỗi lời tố cộng. Riêng tháng vừa qua tôi được người bạn thân bên Hoa Kỳ gửi cho một bài chuyện ngắn, dưới ghi là ‘ý của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện’. Không biết thực hư thế nào về bản văn xuôi này, nhưng ý tưởng thi đúng là ý tưởng chống cộng thâm thúy của ông. Chuyện khá dài, tôi xin thu ngắn lại. Chủ đề là lễ an táng Cụ Tôn Đức Thắng, nhân vật số 2 của CSVN.
…Khi bác Tôn hấp hối thì Bộ Chính Trị họp khẩn để chuẩn bị tang lễ. Tổng bí thư Lê Duẫn dặn người bí thư riêng của bác phải túc trực bên giường bệnh, hễ bác trối trăn điều gì thì phải ghi chép rồi trình ngay lên Bộ Chính Trị.
Chủ tịch quốc Hội Trường Chinh đề nghị ướp thi thể bác và xây lăng kỷ niệm.
Lúc đó đột nhiên bác Tôn tỉnh dậy và hỏi : Ngoài kia họp gì thế? Anh bí thư đáp : Bộ Chính Trị quyết định ướp xác bác như đã ướp xác bác Hồ. Bác nghĩ sao ?
Bác Tôn thều thào trả lời : Ướp cái con c. tao nè! Nói xong thì bác tắt thở.
Anh bí thư liền chạy ra báo tin Bộ Chính Trị : Bác bảo ướp cái con c. của bác.
Cả bộ chính trị bối rối vì không biết tại sao bác Tôn lại dặn ướp ‘cái ấy’.
Chủ tịch quốc hội Trường Chinh tỏ ra thông thái giải thích :
- Bác Tôn dặn như vậy là có ngụ ý sâu sắc. ‘Cái ấy’ tượng trưng sức sinh sản của nòi giống. Chúng ta phải tôn trọng ý nguyện cuối cùng của bác. Cái khó là phải xây một cái lăng lớn như lăng Bác Hồ, lại phải có quân đội canh gác, mà chỉ đặt ‘cái ấy’ bên trong.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu :
- Chúng ta sẽ làm một cái hộp pha lê lớn, bên trong có cờ búa liềm và cở đỏ sao vàng, rồi đặt ‘cái ấy’ của bác lên trên. Tôi sẽ chỉ thị cho mấy nhà sử học viết bài giải thích ý nghĩa của sự trưng bày này.
Tổng bí thư Lê Duẫn nói tiếp;
- Chúng ta đã nhất trí về việc ướp và trưng bày ‘ cái ấy’ , việc tiếp theo là nên đặt cái hộp đựng’cái ấy’ ở địa điểm nào?
Thủ tướng Phạm văn Đồng đề nghị ngay :
- Bác Tôn là người Nam Bộ, vậy ta nên để bác ở Thành phố HCM. Tôi nghe bộ trưởng Nội Thương bá cáo rằng dân chúng đến mua hàng ở cửa hàng ‘Bách Hóa tp HCM’ khi ra về đều nói ‘ Chẳng có cái con c. gì cả!’. Nay ta đặt ‘cái ấy’ tại cửa hàng thì dân chúng sẽ không còn kêu ca vào đâu được nữa.
Các bộ trưởng vỗ tay khen ngợi ý kiến thâm thúy của thủ tướng.
Đọc đến đây xong, anh H.O. bá cáo hết chuyện tươi mát.
Cả làng bò ra cười. Phe các bà cười mãnh liệt nhất. Các bà vừa đấm nhau thùm thụp, miệng vừa hét lên : Đồ qủy ! đồ quỷ!
Tôi nghe các bà la ‘đồ quỷ!’ mà không biết các bà muốn chửi ai. Chẳng lẽ chửi ‘cái ấy’ của bác Tôn, hay chửi Cụ Phạm Văn Đồng, hay chửi cái anh H.O. vừa kể chuyện ấy.
Thấy các bà tỏ ra thích chuyện tươi mát, anh H.O. xin kể thêm một chuyện . Rằng một người bạn thân của anh mới về thăm quê Hà Nội. Khi trở lại Canada ông đã kể cho anh nghe rất nhiều chuyện tếu. Một trong những chuyện nghe thì tếu nhưng đã làm nhiều ngườì suy nghĩ. Chuyện về tiếng ‘đéo’, lời chửi thề. Ở Hà Nội hiện nay, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ, hầu như ai cũng nói tiếng này. Ngay cả nơi trường học, cái gì cũng đéo. Nghĩa là đéo có cái gì mà không đéo. Ở sạp báo, bạn tôi hỏi : Cô ơi có báo Nhân Dân không. Cô hàng đáp lại ngay : Đéo có Nhân Dân, chỉ có Hà Lội Mới mà thôi.
Ông ODP sinh quán Hà Nội nghe xong liền bảo : Những người gốc Hà Nội ngày xưa đâu có nói thế. Năm 1954 họ vào trong Nam hết rồi. Bác Hồ cho gia đình các dân quân du kích Thanh Nghệ Tĩnh và Hà Nam Ninh ri cư vào Hà Lội thay vào chỗ trống đó, cộng với mấy ông răng đen mã tấu ở trên rừng xuống, nên đã tạo ra cái nông nỗi này.
Lúc này cụ Chánh mới lên tiếng. Xin ngưng chuyện tiếu lâm VC vì chuyện này nói đời đời chẳng hết. Lúc nãy dân làng ta nói nhiều đến những ngưòi đã ra đi. Lão xin nhắc thêm tên một người mà chúng ta phải luôn ghi nhớ và cầu nguyện cho người này sớm siêu thoát về Cõi Vĩnh Hằng. Đó là Pam Baker, một nữ luật sư danh tiếng bên Anh. Thập niên 1990 khi có phong trào thuyền nhân VN ồ át tới các trại tỵ nạn ĐNA, bà đã tình nguyện sang phục vụ người tỵ nạn chúng ta. Bà đặt văn phòng tại Hong Kong. Bà giúp miễn phí mọi người đến gõ cửa. Hồi đó mấy nước chủ nhà có ý định đuổi người tỵ nạn về nước, như Mã lai, như Thái lan, như Indonesia. Bà luật sư Pam baker cho việc này là vô nhân đạo. Ngoài ra hằng ngày bà còn vào các trại giam người tỵ nạn, đã tận mắt thấy cảnh sống nheo nhóc tù hãm bẩn thỉu, Bà đã làm đơn thay mặt dân tỵ nạn kiện chính quyền Hong Kong ra toà. Tòa dưới toà trên ở Hong Kong bác đơn của bà. Bà không nản chí. Bà đã kiện lên tòa tối cao ở Anh và bà đã thắng kiện. Tòa tối cao ở London đã lên án việc trục xuất tỵ nạn về VN. Từ đó đồng bào ta không bị đuổi về, được đối xử nhân đạo hơn trước và được cứu xét cho đi định cư ở các nước tự do. Công ơn bà luật sư Baker lớn biết là chừng nào. Một chứng nhân còn sống, đã làm việc với bà, đã được bà huấn luyện, đó là LS năng động Trịnh Hội. Trịnh Hội đã viết: công ơn sinh thành là công ơn ba má tôi, còn công ơn dạy dỗ là công ơn Pam Baker. Bà Pam Baker sinh quán ở Tô Cách Lan, theo đạo Công Giáo. Bà mất ở quê nhà năm 2002, hưởng thọ 71 tuổi. Theo di chúc, bà muốn thán cốt của bà được rải xuống Biển Đông, nơi nhiều người tỵ nạn VN đã không gặp may mắn. Và thân nhân của bà đã làm như vậy.
Ôi tình yêu của bà Pam Baker, khi sống cũng như khi chết, dành cho người tỵ nạn VN lớn biết chừng nào.
Thấy cả làng im lặng nghe chuyện tình cảm động này, cụ Chánh nói tiếp : Lão nhớ cách đây mấy năm nhóm chúng ta được Cha Paolo mời đến dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ. Trong bài giảng, cha kể chuyện một cuộc thi ở một trường trung học. Đề bài thi : ‘Em hãy viết về những kỳ quan của thế giới’. Em nào cũng nói tới 7 kỳ quan mà LHQ đã chọn như Kim Tự Tháp Ai Cập, Đền Taj Mahal bên Ấn Độ, Dãy núi Grand Canyon bên Hoa Kỳ, Vịnh Cam Ranh ở VN… Bài được chấm giải nhất là của một nữ sinh 16 tuổi. Bài này em không nói tới 7 kỳ quan của LHQ mà em nói tới 7 kỳ quan khác. Em viết : Theo em nghĩ thì Con Người là nơi có 7 kỳ quan vĩ đại hơn 7 kỳ quan trên thế giới. Đó là Ngũ Giác và tiếng cười và Tình Yêu.
Lễ Giáng Sinh và Tết đang tới. Xin kính chúc các cụ nghĩ thêm về 7 kỳ quan mà cô bé vừa nói. Có đúng chúng ta đang mang trong người 7 kỳ quan này không, thưa các cụ?.
Trân trọng.
TRÀ LŨ
• Tập San Y Sĩ Canada,
Chủ nhiệm : BS Lê Quang Tiến, Chủ bút : BS Thân Trọng An.
Tòa Soạn : CP 117 Snowdon, Montreal, Quebec, H3X-3T3, Canada
Email : tsys&videotron.ca