main billboard

Canada đã vào thu, vào thật rồi. Ôi thời gian sao mà đi nhanh vậy.

Mới hôm nào rắc hạt ngò hạt tía tô, mới hôm nào gọi nhau đến nhà khoe vườn rau xanh, mới hôm nào gọi nhau đến xem cây táo cây lê ra hoa ra trái, thế mà bây giờ, rẹt một cái, gió lạnh đã len lén đến từ lúc nào. Dân làng tôi, không ai bảo ai, gặp nhau là than thời gian đi nhanh qúa. Nhớ ngày xưa còn bé, chờ hoài, mong hoài mà sao ngày tết trung thu, ngày tết nguyên đán lâu đến thế, và nhất là ngày nghỉ hè sao nó xa vời vợi. Cụ Chánh thấy dân làng than như vậy thì cười tủm tỉm rồi bảo : chúng mình già hết cả rồi các bạn ơi. Mà đúng vậy. Có lẽ chúng tôi già thật mất rồi.

muathu canadaNgày xưa đọc sách tôi thấy các văn nhân thi sĩ tả mùa thu với lá vàng, chỉ nghe tả lá vàng thì cái đầu ngây thơ của tôi đã cho là đẹp lắm rồi. Đọc câu thơ ‘ Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô’ thì tôi thấy mùa thu đẹp hết sức. Từ ngày sang Canada, tôi thấy lá cây ở đây không phải chỉ có mầu vàng rồi rụng, mà lá mùa thu biến ra một trăm thứ màu.  Lá phong gặp cơn gió se se lạnh thì tuần này màu xanh biến dần sang màu vàng, rồi tuần sau thành vàng sậm, rồi tuần sau nữa biến ra màu hồng, rồi đỏ hồng, rôi đỏ thắm, rồi mấy tuần sau mới hóa ra nâu, mãi rồi mới chịu bay theo gió. Mà lá cây phong không đổi màu đồng loạt. Chòm lá trên cây mang nhiều màu khác nhau tùy theo nó nhận ánh nắng và hơi gió nhiều ít. Xưa nay tôi vẫn cho đồi phong và rừng phong Canada là đẹp thơ mộng nhất. vì các hãng du lịch Canada đã dùng hình ảnh rừng phong trăm màu  để chiêu dụ du khách.

Năm xưa tôi nhìn mùa thu qua rừng phong, lâu nay tôi còn được gặp sứ giả mùa thu khác nữa, diễm tuyệt vô cùng, đó là sứ giả hoa cúc. Xưa nay cứ thấy cúc là tôi nghĩ ngay tới màu vàng. Tôi đã lầm các cụ ạ. Tôi biết tôi lầm là vì trên đường đi chợ bao giờ tôi cũng đi qua hai hiệu bán hoa. Bây giờ đầu thu, các chậu cúc đã được bày la liệt trên các kệ hoa. Chao ơi, bao nhiêu là màu. Đâu phải chỉ một màu vàng. Không, cúc xanh đỏ trắng tím vàng, đủ hết. Một chậu cúc thoạt nhìn ta tưởng nó mầu vàng, nhưng ngắm kỹ một chút ta thấy trong tim hoa nó màu hồng rồi màu trắng, ngoài cùng mới là vàng. Chậu cúc hồng bên cạnh cũng y như vậy, nhìn tổng thể thì chậu hoa màu hồng nhưng ngắm kỹ thì thấy tim hoa là màu trắng, rồi vàng, rồi mới màu hồng. Rõ ràng sứ giả cúc đẹp muôn màu. Tôi đem việc này ra kể cho dân làng nghe và nói lời ca ngợi Thượng Đế tài năng vô biên. Nghe đến đây thì ông già ODP góp ý : Không phải Thượng Đế làm cho hoa cúc ra muôn màu đâu. Thượng Đế cho con người có cái tài pha chế. Họ đã cho lai giống một cách tài tình, và ngày nay chúng ta có cúc trăm sắc là thế. Ngày xưa đâu có thế.

Ông ODP còn giảng thêm : Vì hoa cúc không chịu nở cùng thời với các loại hoa khác vào mùa xuân, hoa cúc  chỉ nở vào tiết thu lạnh lẽo. Do sự biệt lập này, các nhà nho xưa bảo hoa cúc tượng trưng tiết tháo của kẻ sĩ, không a dua siểm nịnh.

 Ngoài việc báo tin mùa thu, lá phong và hoa cúc còn nhắc chúng tôi một ngày lễ đầy ý nghĩa đang tới. Đó là lễ Tạ Ơn, Thanksgiving Day. Cụ Chánh tiên chỉ làng đã có chương trình mừng lễ này rất  chu đáo. Cụ bảo người dân Canada mừng lễ này trọng thể 100 thì dân làng mình phải mừng trọng thể 200. Lý do ư? Thưa, Người Việt chúng mình năm xưa đang sống dưới đáy vực sâu  thì không những được người Canada cứu lên, mà họ còn đưa bọn mình tới cõi thiên đàng hạ giới là nước Canada. Ơn này lớn qúa. Ngoài những ân nhân riêng phải ghi nhớ, người Việt chúng ta phải nhớ ơn các người bảo trợ. Như lão đây thì trọn đời
sẽ nhớ ơn Cha Paolo, nhà thờ của Cha và nước Canada thân yêu này.

Các cụ còn nhớ năm ngoái khi cả làng tôi kéo đến nhà thờ Cha Paolo thì chúng tôi được đón tiếp trọng thể hết sức không? Chúng tôi đến để bày tỏ lòng tri ân với Cha với giáo xứ, vì đa số dân làng chúng tôi đã do Cha và giáo xứ bảo lãnh từ trại tỵ nạn Pulao Bidong. Thật đúng là chúng tôi đang từ vực sâu đã được đem lên cõi thiên đàng. Ngày mới đến thì trắng tay và bơ vơ, nay thì ai cũng đầy tay, con đàn cháu đống, ai cũng có nhà có xe, con cái ai cũng thành đạt. Canada là đất thiên đàng. quả không sai chút nào.

Năm nay Cụ Chánh không muốn Cha và giáo xứ tiếp tục đón tiếp chúng tôi trọng thể như năm ngoái nữa, sợ mệt cho ngài. Cụ đã làm một việc thật là đẹp mắt. Cụ biết thói quen ở nhà thờ Cha Paolo là sau lễ thì bao giờ giáo dân cũng xuống tầng dưới để uống cà phê và nói chuyện. Cụ bảo cái thói quen này hay tuyệt vời vì chỉ có lúc này là lúc thuận tiện để bạn bè gặp nhau, cha xứ gặp giáo dân, bao nhiêu chuyện để nói để trao đổi. Vì thế cụ đã nhờ Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế trong làng làm một khay lớn bánh muffin. Cha Paolo vừa vào hội trường là Chị Ba mở ra và Cụ Chánh trao tặng ngài ngay. Ai cũng vỗ tay râm ran. Các cụ có mê cái bánh muffin, loại bánh bột nướng tròn tròn nho nhỏ này không? Tôi thì mê vô cùng. Cái này mà vừa ăn vừa nhâm nhi với cà phê nóng vừa nói chuyện thì trên đời không còn cái thú gì bằng. Cha Paolo và mấy bà trong giáo xứ ăn ngay và khen ngon rối rít. Cha Paolo lại ôm hôn Cụ Chánh rất nồng nàn. Cụ Chánh đã trọng tuổi  mà vẫn rưom rướm nước mắt. Cụ nói trong nghẹn ngào : Ơn của Cha và của giáo xứ, tôi và con cháu chúng tôi nguyện sẽ nhớ trọn đời.

Trong buổi gặp gỡ này, cả làng tôi đã hòa nhập với giáo xứ vừa ăn bánh vừa nói chuyện, không khí thân ái vô cùng. Khi ra về thì một ông trong hội đồng giáo xứ đã trao cho chúng tôi một thùng giấy đựng đầy táo. Ông vừa trao vừa nói : Đây là quà của nhóm trẻ trong giáo xứ. Ở đây, mùa lễ Tạ Ơn cũng là mùa hái táo. Nhiều trại táo họ không bán hết, họ gọi giáo xứ chúng tôi. Chúng tôi liền cử các em tới hái. Một phần các em đem về gia đình, một phần các em đem về cho giáo xứ. Vậy xin chia với qúy bạn. Chị Ba Biên Hòa đã nhận thùng táo. Trên đường về, chị báo tin chị sẽ làm bánh táo theo kiểu Canada, bánh apple pie, các cụ ạ.

Sau phần lễ ở nhà thờ thì dân làng kéo về nhà cụ Chánh để ăn trưa. Cụ đã chuẩn bị thực đơn. Ôi mấy món Bắc Kỳ của cụ sao mà ngon làm vậy. Món chính là món Nhựa Mận Giả Cầy. Các cụ có biết hương vị món này không? Ông ODP và các nhà quân tử chúng tôi thì thích vô cùng vì nó làm sống lại những ngày xưa thân ái. Ôi cái món Nhựa Mận này nó ngon làm sao. Gốc nó thế này : nhân chuyến đi Mỹ của anh H.O.vừa qua, cụ đã nhờ bạn bè bên đó mua sẵn cho cụ củ chuối non. Củ chuối chứ không phải quả chuối nha, bà con. Cái món nhưa mận phải nấu với củ chuối mới là chính thống. Chỉ có bên Cali thời tiết nắng ấm người ta mới trồng được chuối và cây chuối đủ lớn mới cho được củ ngon. Lại còn mua được cả lá ngổ nữa. Chị Ba Biên Hòa lần đầu tiên thấy món Bắc Kỳ nổi tiếng này. Cụ B.95 đã giúp Cụ Chánh nấu. Thay vì thịt chó thì cụ mua mấy cái chân giò heo, đem nướng trên than hồng, rồi rửa, rồi ướp với mẻ, với mắm tôm, với riềng. Tôi hỏi cụ Chánh tìm đâu ra mẻ thì cụ cười hì hì. Ta không có mẻ thì ta chế ra mẻ, dùng yogurt mua ngoài chợ rồi chế thêm bột me chua. Qủa là ngon.

Gần cuối bữa, ông ODP lên tiếng : Hôm nay được ăn ngon qúa nên xin làng cho tôi triết lý vụn một chút về miếng ăn ngon Bắc Kỳ này nha. Rằng về thực phẩm và cái ngon thì lịch sử thế giới ẩm thực chia ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn một là ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi. Giai đoạn hai là tìm ra lửa và dùng lửa nấu chin thức ăn. Giai đoạn ba là tìm ra gia vị để biến chế thức ăn. Giai đoạn bốn là biến việc nấu món ăn thành một nghệ thuật. Người Mỹ mới ở giai đoạn hai là đã tìm ra lửa và biết nấu chín thức ăn mà thôi. Người Pháp người Tàu, người VN đã đạt tới giai đoạn ba và bốn. Xin chứng minh. Này nha, người Pháp biết tọng thức ăn vào họng con ngỗng để nuôi cái gan ngỗng thành món gan béo ‘foie gras’. Này nha. người Tàu biết cho ngựa ăn búp trà non trên đồi cao rồi chém con ngựa để lấy ‘trảm mã trà’. Này nha, người Việt biết ngồi tỉ mẩn chọc đít con cà cuống để lấy cái tinh hoa của trời đất làm nước chấm bánh cuốn và tăng hương vị  bún thang. Người Việt còn đi xa hơn người Pháp người Tàu một bước nữa, là biết tổng hợp các gia vị để biến món ăn thành một miếng ăn ngon cực kỳ. Kìa xem, tại sao tổ tiên ta biết thui cái chân giò trên than hồng, rồi biết ướp nó với mắm tôm với mẻ với nước mắm, rồi nấu nó với củ chuối non, rồi ăn nó với rau ngổ ? Cái giai đoạn làm thử cái tổng hợp này phải trải qua một giai đoạn bao nhiêu thế hệ chứ, rồi mới tìm ra được công thưc nấu một tô nhựa mận ngon như bữa nay. Hay nói về món cuốn nha. Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành, cuốn vào bánh tráng lạt lạt, lại biết thêm một chút bún, chút rau thơm, ớt cay, chuối chát, khế chua, chấm vào tương ngọt mặn và cay. Ăn một miếng tổng hợp có 5 vị chính là ngọt mặn chua cay và béo, lại có cả ngũ sắc màu đen của tương, màu đỏ của ớt, màu xanh của rau thơm, màu trắng của bún. Ăn một miếng đại tổng hợp như thế mà ta không nghĩ tới cái thiên tài vĩ đại của tổ tiên VN sao. Hôm nay lễ Tạ Ơn, chúng con xin cúi đầu tạ ơn tổ tiên.

Làng tôi đã ăn một bữa cơm đầy hương vị quê hương. Món  Nhựa Mận  này phải ăn nóng với ngon. Hoặc cụ xơi với cơm trắng, hoặc với bún, hoặc với bánh mì, thứ nào cũng ngon hết. Cả làng đã ăn no nê. Lại còn món tráng miệng vừa nướng xong, bánh táo apple pie do táo nhà thờ vừa cho . Ui chao, món Việt đi với món Canada, sao mà chúng hợp nhau thế, các cụ ơi.

Bà cụ B.95 ăn xong đồng bánh táo liền khen bánh ngon và có hương vị lạ. Cụ bảo “ Bánh của nước thiên đàng có khác, lại do tay Chị Ba làm nữa thì thật là đặc biệt. Thưa dân làng, ngoài bánh, ngoài chị Ba ra, Canada còn có món nào ngon nữa không?  Ông ODP liền đáp ngay. Có, có đây. Món này ngon hơn thức ăn. Tôi vừa được báo chí cho biết là tác phẩm của nhà văn Kim Thuý ở Montreal đã lọt vào danh sách chung kết tranh Giải Giller, một giải văn học cao qúy của Canada. Các cụ còn nhớ cô nhà văn này không. Tôi có nói tới cô hồi tháng Tư đầu mùa xuân năm nay mà.

Cái miền đất hạnh phúc Canada này lạ lắm. Cô Kim Thúy theo mẹ vượt biên hồi còn bé xíu 9 tuổi, sống lay lất ở trại tỵ nạn rồi mẹ con được Canada nhận năm 1979. Cô gặp miền đất thiên thai một cái là cô phát triển thành một thiên tài. Cô học lên cao, cô thành luật sư, rồi cô viết nhật ký. Cô bảo cô đâu có định làm văn. Cô chỉ ghi chép lại những ngày thơ ấu được nghe mẹ hát ru ngủ, cô thấy những ngày còn thơ này thơ mộng và hạnh phúc qúa nên cô chỉ ghi chép lại, ghi chép để cho cô và cho con cháu sau này . Không ngờ tập viết này lọt vào mắt xanh một nhà xuất bản lớn ở Montreal. Ông này là người có mắt, ông nhận ra thiên tài trong tập bản thảo. Ông đã gặp cô Kim Thúy và đề nghị cô sửa đổi đôi ba chỗ, rồi ông đem in và phát hành. Cô Kim Thúy viết bằng pháp văn nhưng nhan sách là RU, RU là tiếng Việt, ru là bài hát ru em ngủ, . Sách vừa phát hành đã nổi tiếng ngay tức thì. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây ban Nha và nhiều thứ tiếng khác. Qủa là văn có thần. Tác phẩm RU của cô  đã được giải văn chương của Toàn Quyền Canada. Nay sách RU đang ở trong vòng chung kết Giải Giller là giải lớn nhất ở Canada.

Các cụ thấy cô Kim Thúy có nhiều phép lạ chưa ? Này nhá, một cô bé VN tỵ nạn nghèo khổ sang được Canada đã là một sự lạ, học lên tới luật sư là một sự lạ , rồi viết văn là sự lạ, tác phẩm đột nhiên nổi tiếng và được dịch ra nhiều thứ tiếng là sự lạ, rồi đưọc giải thưởng, tất cả đều là sự lạ. Bao nhiêu là sự lạ. Nhưng sự lạ về việc làm luật sư hay về việc viết sách nổi tiếng không lạ bằng việc quan trọng này :  Cô Kim Thuý hiện không hành nghề luật sư và viết văn mà đang làm nghề dạy nấu ăn trên đài truyền hình ỡ Montreal. Lạ qúa sức chứ, phải không cơ. Việc này làm tôi nhớ tới cô Christine Hà khiếm thị ở Texas vừa đoạt giải Vua Nấu Ăn - Master Chef ở Hoa Kỳ tháng trước. Chắc hai cô này có họ với nhau. Chắc hai cô này là hai miêu duệ và là 2 đại sứ của Thần Bếp VN gửi ra hải  ngoại.
Ông ODP kể xong chuyện cô Kim Thuý thì như có thêm nhiều hứng nên ông nói luôn sang một chuyện văn chương khác. Ông ăn nói rất lưu loát hùng biện. Ông bảo nhân chuyện sách vở và nhân chuyện được ăn món Nhựa Mận Giả Cầy Bắc Kỳ, ông liền nhớ tới một mẩu chuyện đầy giọng Bắc Kỳ mà ông thích mãi. Ông bảo ông đã đọc chuyện này cách đây mấy chục năm. Chuyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nay xin đọc một mẩu nhỏ của chuyện Bắc Kỳ này để đi kèm với món Bắc Kỳ vừa ăn.

 Chuyện kể về một anh con trai 17 tuổi từ Hà Nội về miền quê nghỉ hè với người bạn thân cùng lớp. Người bạn tên Lâm. Bô mẹ Lâm làm ruộng Trong nhà Lâm còn có bà nội, chị Hiên và hai người em, một gái 13 tuổi  tên Khanh và một thằng út Tiến lên bốn tuổi. Câu chuyện diễn ra vào buổi cơm chiều. Anh con trai Hà Nội kể :

…Gia đình Lâm đón tôi chân tình. Chị Hiên dọn hai mâm cơm. Mâm bưng lên hè dành cho hai bố con Lâm và tôi. Mâm bầy dưới sân dành cho bà Lâm, mẹ Lâm, chị Hiên, cái Khanh và thằng Tiến. Canh cua nấu với rau rút, cà pháo, tôm rang. Mâm của chúng tôi thêm vài củ lạc và hai qủa ổi xanh cho bố Lâm uống rượu.
Chị Hiên mời : Các cụ xơi tự nhiên ạ.
Thằng Tiến đòi : Cho em làm các cụ với!
Mẹ Lâm gạt đi : Hỗn nào! Chim bằng qủa ớt thì làm các cụ ra sao?
Cái Khanh bụm miệng cười. Tôi đỏ mặt. Bà Lâm thở dài : Các cụ toàn chim to. Mọi người cười lăn, chỉ có bố Lâm không cười. Khuôn mặt ông sạm đen, vất vả, nhưng không buồn tí nào, bình thản, vô sự. Thằng Tiến khóc. Chị Hiên dỗ : Nín đi! Chị cho Tiến cái càng cua này. Thằng Tiến lắc đầu : Ứ ừ, càng cua bé tí!. Chị Hiền bảo : Ngày mai chị đi chợ, chị mua cho Tiến bộ tam cúc nhé. Mẹ Lâm bảo : Cờ bạc là bác thằng bần. Đừng mua tam cúc cho nó. Lớn lên nó ham chơi thì chết! Cứ mua cho nó cái roi! Thằng Tiến lại khóc : Mua tam cúc cơ. Chị Hiên đưa mắt sang mẹ Lâm, giấu cái nhìn đồng lõa: Ừ, mua tam cúc. Bà Lâm bảo :  Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy giao cắt phăng hai hòn giái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại. Mẹ Lâm bảo: Đàn bà thế là bạc. Bà Lâm bảo: Bạc gì. Có hai hòn giái là của qúy thì mất rồi còn đâu! Chị Hiên cười : Gớm , chuyện của bà cứ rờn rợn là!
Bữa cơm qua nhanh. Cái Khanh vét nồi quèn quẹt. Chị Hiên hỏi tôi:” Em có ăn no không? Tôi gật đầu :” Em ăn được bốn bát. Ở Hà Nội em chỉ ăn được ba bát. Me Lâm bảo :” Trai tráng ăn bốn bát thì hèn. Ông nhà tôi phải chín bát lèn chặt. Tôi cũng sáu bát mới no. Chị Hiên bảo : Con chịu u. Con chỉ ba bát là hết mức. Bà Lâm bảo chị : Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình. Bố Lâm gắt :  Bà lão hay nhỉ! Bà Lâm lẩm
bẩm : Hay con mẹ mày. Tao tám mươi tuổi đi nói sai à?

Làng nghe xong đoạn văn, thích qúa, cười ầm lên, vui qúa sức. Cụ Chánh phát biểu : Đúng là cái giọng và cái tiếng Bắc Kỳ. Bây giờ nghe lại thấy nó vừa kỳ kỳ mà lại vừa hay hay. Thôi, tạm xong mục tiếng Bắc kỳ, ai cho tôi nghe chút giọng Huế coi. Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân lắc đầu rồi nói : Thưa bác, tiếng Huế là tiếng nhà vua, không có chỗ nào kỳ kỳ cả. Ông ODP đáp ngay : Cô nói đúng, tiếng Huế du dương ngày xưa khiến tôi xém chết vì cái du dương đó. Ngay cả tiếng bà mẹ la con gái cũng du dương lắm nha. Chẳng hạn câu này :
…Cái con ni, răng mi khùng rứa, chưa chi đã héo sầu người vì trai hỉ? Ối tau cũng phát rầu cả người đi. Thời buổi chi lạ lùng, có thứ con gái chạy theo con trai như ri bao giờ không?

Hết phần trình diễn tiếng Huế, ông ODP lại xin trở  về tiếng Bắc Kỳ, lần này là tiếng Hà Nội đương thời. Đây là đoạn một bức thư của anh chàng từ ngoài Bắc vào trong Nam công tác, anh gặp cô gái miền Nam đẹp quá, liền mê tít. Anh hết công tác nên phải về Bắc. Anh viết thư cho người yêu ở Saigon như sau :

… Từ ngày gặp em, anh đã có đối tượng, tuy đã nhiều lần liên hệ với em nhưng em vẫn chưa nắm được anh. Em biết vì công tác, tuy anh không có khả năng gặp em nhiều nhưng nói chung là anh rất căn, nhưng không cường điệu, và mặc dù có nhiều sự cố nhưng anh cũng khắc phục bố trí để khẩn trương gần em hơn, rồi sẽ đề bạt trên để anh quản lý em thì lúc đó mới đạt yêu cầu…

Các cụ đọc xong đoạn thư này có hiểu được hết không cơ? Tôi chỉ hiểu được qua loa, mãi về sau phải nhờ người bạn từ VN mới sang cắt nghĩa cho thì mới hiểu hết!

Đọc xong bức thư của anh cán bộ Hà Nội mà tôi thấy buồn. Ngôn ngữ phải biến đổi, đó là định luật chung, tôi đồng ý. Nhưng dưới chế độ CS, ngôn ngữ biến đổi theo chiều đi xuống. Chưa đầy nửa thế kỷ mà VC đã bôi xóa hết vẻ đẹp vừa bình dân vừa bác học của tiền nhân để áp đặt một thứ ngôn ngữ lai căng, chế biến ra những từ kịch cỡm.
Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng. Cụ bảo cứ nghe tới tiếng VC là cụ nhức đầu và chóng mặt. Xin cho lão nghe chuyện gì nhẹ nhàng và vui tươi. Chị Ba Biên Hòa liền nhìn chồng rồi nói lớn : Chỉ có Anh John là chữa được bệnh nhúc đầu và chóng mặt của Cụ. Anh John đâu. Kho chuyện cười của anh đâu?
Anh John đáp ngay, như đã chuẩn bị từ trước : Tôi chưa cần phải kể chuyện Canada, xin kể chuyện bình dân và quen thuộc trong văn chương bình dân VN nha. Rằng tôi đọc trong kho ca dao, tôi thấy câu này hay quá. Đó là câu trả thù của phe liền bà khi các bà bị liền ông đàn áp. Các bà bèn trút nỗi giận vào câu ca dao để trả thù như thế này:

Ba đồng một chục đàn ông,
Chị bỏ vào lồng chị gánh đi chơi

Tôi đã chủ ý đi tìm trong kho ca dao xem phe liền ông có đáp lại câu ca dao hỗn láo này không. Nó hỗn láo qúa chứ, phải không cơ. Ba đồng một chục, có nghĩa rằng mỗi anh liền ông chỉ đáng giá có ba hào hay sao? Cái hỗn láo thứ hai là phe nữ dám xưng mình là chị, ghê thế. Rồi lại còn bỏ liền ông vào lồng như bỏ con gà con vit. Rồi tưởng đem đi chợ bán mà hóa ra không, họ không cần tiền, các chị nhốt liền ông vào lồng như nhốt con gà để đem đi chơi thôi, just for fun. Phe liền ông ơi, tức không!
Mãi về sau, tôi mới thấy câu đáp lễ. Câu này nghe được quá:

Ba xu một mụ đàn bà
Anh mua về nhà, anh nhốt anh chơi

Câu này không thấy chép trong sách ca dao, chắc do một ông bị vợ ăn hiếp nhiều quá, không cách gì trả thù được, ông bèn đô cái giận vào câu thơ. Nghe thấm thía qúa, phải không cơ.
Rồi anh John xin hết. Anh xin Cụ B.95 cho ý kiến.

Cụ B.95 bảo : Thôi, đừng nói chuyện vợ chồng lục đục nữa, ta hãy nói chuyện cuộc đời. Rôi cụ tâm sự với mọi người : Cái đất Canada này là đất có vượng khí, có sinh khí. Con cá chép bên nhà lớn lắm là hai ký lô. Nó sang bên này nặng tới 40 kí lô. Con người cũng vậy. Tôi thấy người Việt mình sang đây hầu như ai cũng giỏi ra, và nhất là sống lâu thêm. Ở bên nhà, các bạn bè cùng lứa với tôi đều về với ông bà hết rồi.

Cụ Chánh cũng gật đầu đồng ý như vậy. Cụ Chánh xin nóí về sức khoẻ: Ta nên nghe lời khuyên của người Nhật. Họ khuyên thế này :
Bớt ăn thị, ăn nhiều rau
Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa qủa
Bớt ăn chất bột, uống nhiều sữa
Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
Bớt đi xe, năng đi bộ
Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
Bớt nói, làm nhiều hơn
Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn

Tuần qua lão đi thăm hội người già cũng nghe một vị cao tuổi 90 chia sẻ kinh nghiệm sống. Đại ý cụ khuyên mọi người như sau :
-    thể dục đếu đặn
-    đi tập tai chi
-    tiếp tục đọc sách, nghe băng, đi nghe diễn thuyết
-    ngủ đúng giờ
-    nên có dăm người bạn thân để nói chuyện tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm sống
-    uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh
-    gạt bỏ mọi căng thẳng cuộc đời, nên cởi, không nên buộc
-    Không tích trữ tiền bạc, nên làm việc phước thiện
-    Luôn có thái độ lạc quan
-    Và nhất là luôn luôn cười.

Ông ODP xin nói thêm : Tuần qua tôi cũng đưọc một bạn thân ở xa gửi cho một lời khuyên là về già ta nên phiến phiến với cuộc đời. Ông tóm tắt trong bài mang chữ ĐƯỢC sau đây:
    Sống một kiếp người, bình an là được
    Hai bánh, bốn bánh, chạy được là được
    Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được
    Người xấu người đẹp, dễ coi là dược
    Người già người trẻ, miễn khoẻ là được
    Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được       
    Tất cả phiền não, biết xả là được
Bạn bè gần xa, nhớ nhau là được
    Không phải có tiền, muốn gì cũng được
    Tâm tốt việc tốt, số mệnh đổi được
    Ai đúng ai sai, trời biết là được


 Người xưa có nói :
 Người già mà tâm không già thế là già mà không già
Người không già mà tâm già thế là không già mà lại thành già.

 Kinh chúc các cụ tâm không bao giờ già, và được các chữ ĐƯỢC trong bài kệ trên đây.