Nếu trong các bộ võ hiệp trường thiên, Kim Dung khéo lồng chuyện chính trị vào nội dung, truyện ngắn Việt Nữ Kiếm là một sản phẩm lãng mạn thuần túy.
Kim Dung viết bộ truyện võ hiệp đầu tiên của ông ở tuổi 31, vào năm 1955. Ðó là Thư Kiếm Ân Cừu Lục, đặt trong khung cảnh lịch sử đời Càn Long, gần nhất với thời hiện đại. Ngoài 14 pho truyện đã nổi tiếng ở nhiều quốc gia và khá phổ biến trong người Việt mình, Kim Dung còn viết một truyện ngắn duy nhất thuộc loại võ hiệp và đẩy lui vào tận thời Xuân Thu Chiến Quốc, cách nay khoảng 2,500 năm. Ðó là Việt Nữ Kiếm.
Nếu pho Thiên Long Bát Bộ là cuốn dài nhất, có năm triệu chữ, thì Việt Nữ Kiếm là một đoản văn có hơn hai chục ngàn chữ. Ðấy là một đoản văn rất đẹp.
Ngày xưa ở nhà, chúng ta thường đọc truyện Kim Dung và gọi đó là “luyện chưởng.” Sau 75 thì chế độ mới đã “trúng độc Bắc Kinh” mà “tự phế bỏ võ công.” Họ cấm lưu hành truyện Kim Dung cùng mọi văn hóa phẩm khác của miền Nam.
Không chỉ cấm đọc mà còn mở chiến dịch đả phá truyện Kim Dung trên mặt báo là phản động. Trong khi ấy, cán bộ và nhà văn của họ đều kín đáo nhờ họ hàng trong Nam cho mượn truyện Kim Dung để... cũng luyện chưởng!
Cũng lại là chuyện “ai giải phóng ai.”
Những người ở lại bèn nhớ đến Nguyễn Mộng Giác và tập sách nhỏ như một lời tiên tri, là “Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung.” Cứ tưởng là chính vì có chính nghĩa mà hóa ra là tà. Cứ tưởng là tà vì lối sống phá cách và ăn nói bộc trực của dân miền Nam mới lại là chính nhân quân tử, nhưng đều được đưa vào cải tạo.
Sau này, chúng ta mới biết là Kim Dung đã băn khoăn từ lâu. Ông là nhà báo và học giả nổi tiếng tại Hương Cảng và tác phẩm võ hiệp của ông được các nước Ðông Nam Á say mê tìm đọc, nhưng lại bị cấm ở Hoa lục.
Trong 14 bộ truyện võ hiệp, Kim Dung dùng nhiều ẩn dụ có hàm ý chính trị làm các lãnh tụ độc tài bị chạm nọc. Họ biến tác phẩm của ông thành loại hàng quốc cấm dù vẫn tìm đọc hàng ngày. Mãi sau này, khi Bắc Kinh đã gỡ bức màn tre và cho phép đọc Kim Dung, người Việt mình ở trong nước mới bắt đầu được dịch, được đọc, và còn được xem phim bộ và thấy ra các nhân vật Kim Dung bằng xương bằng thịt.
Nếu trong các bộ võ hiệp trường thiên, Kim Dung khéo lồng chuyện chính trị vào nội dung, truyện ngắn Việt Nữ Kiếm là một sản phẩm lãng mạn thuần túy.
Ða số chúng ta đều biết chuyện Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật để phục thù và đánh tan nước Ngô của Phù Sai.
Trong chuyện này, chúng ta cũng thấy thấp thoáng bóng hình Tây Thi, một mỹ nhân giặt lụa ở thôn Trữ La đã làm Phù Sai điên đảo mà đi đến mất nước. Và ai cũng có thể nhớ đến người khôn ngoan bày kế Tây Thi để giúp Câu Tiễn đạt được mục tiêu diệt Ngô và báo thù trận Cối Kê cùng những năm dài phải làm tù nhân cho Ngô Phù Sai.
Ðấy là truyện hư cấu vì ngoài trận thư hùng giữa hai nước Ngô-Việt với bàn tay dàn dựng của Phạm Lãi thì lịch sử không hề có một chữ nào về người đẹp Tây Thi. Nàng là sản phẩm của truyền thuyết và tiểu thuyết, nhưng vẫn được coi là đệ nhất mỹ nhân kim cổ.
Trong truyện Việt Nữ Kiếm, Kim Dung cũng viết như vậy và dùng mọi thành ngữ đã trở thành ước lệ đến nhàm chán để mô tả nhan sắc Tây Thi, như người đẹp trong tranh. Các nhân vật nữ của Kim Dung thường có cá tánh nổi bật, như Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, hay Tiểu Long Nữ, hoặc Nghi Lâm hay Chu Chỉ Nhược, v.v... Tây Thi trong Việt Nữ Kiếm lại là người của cõi khác, có nét đẹp của sự vô cảm.
Nàng chỉ biết làm tròn nhiệm vụ do Phạm Lãi giao phó và trong lòng ôm ấp hình bóng của Phạm Ðại phu và mong ngày tái ngộ. Kim Dung làm đúng nhiệm vụ của người viết lại truyền thuyết.
Nhưng lồng trong chuyện phục thù, ông dựng ra một nhân vật khác. Cô bé chăn dê có cái tên rất phàm là A Thanh. Nếu Tây Thi có tên thật là Di Quang để nói đến cái sắc như một vang bóng, nàng A Thanh mới là âm thanh sẽ trường tồn mãi mãi.
Văn hóa Trung Hoa thường nói đến cái gốc của võ học là nước Việt và một nhân vật truyền kỳ đã phổ biến nền tảng võ học này là một nàng con gái. Kim Dung khai thác chuyện ấy và cho nàng một cái tên cùng một nghệ thuật là kiếm đạo.
Truyện Việt Nữ Kiếm gói ghém sự tích này và dùng Tây Thi làm khách để mô tả vai chủ.
Vai chủ thực sự là ai thì người viết xin tự kiểm duyệt để nhường lại phần khám phá cho độc giả.
Chỉ xin nói trên rằng tác giả Kim Dung rất khéo tạ lòng nàng Tây Thi. Ông dùng truyện để giải thích vì sao đời sau cứ loan truyền nét đẹp Tây Thi mỗi khi nàng ôm bụng.