main billboard

“Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật...”


Mấy hôm nay dư luận hết sức bức xúc về những cái chết liên tiếp của trẻ sơ sinh, trong đó trừ một bé ở Hà Tĩnh là chưa rõ có liên quan hay không, còn lại 3 bé ở Quảng Trị và một ở Bình Thuận đều tử vong ngay sau khi tiêm vaccine viêm gan B.

Ðiều làm mọi người phẫn nộ là cách hành xử vô cảm của các nhân vật có trách nhiệm trong ngành y tế, đặc biệt là người đứng đầu, bà Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

nguyenthikimtyuenBộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Hình: Báo Giáo Dục Việt Nam)

Ngay sau cái chết của 3 cháu, bà bộ trưởng từ Sài Gòn bay ra Quảng Trị để dự lễ khởi công nhà tháp chuông tại một nghĩa trang liệt sĩ và đi thắp nhang tại hai nghĩa trang liệt sĩ khác. Nhưng lại không hề bỏ chút thì giờ ghé qua thăm hỏi, an ủi các gia đình có con xấu số.

Khi báo chí đề nghị phát ngôn về vụ việc thì bà từ chối và cho biết: “Bộ Y Tế đã cử đoàn của Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương vào Quảng Trị chiều 21 Tháng Bảy. Ðoàn này sẽ nắm thông tin và trả lời báo chí.”

Thái độ và lời phát ngôn của bà bộ trưởng bị nhiều người chỉ trích gay gắt.

Sáu đó, bà Tiến đăng đàn trả lời báo chí để biện hộ vì sao không đến thăm các gia đình có con mất, rằng do lịch trình, chuyến bay đã được bố trí kín, không có thời gian. Và “Bộ Y Tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi,” bà Tiến nói. (“Bộ trưởng Y Tế lý giải không thăm 3 trẻ tử vong,” Khám Phá)

Vẫn là cách trả lời ngụy biện, không thành tâm nhận ra cái sai của mình. Ðúng tính cách của đa số quan chức Việt Nam từ trước đến nay: không bao giờ thừa nhận mình sai, không bao giờ nhận lỗi, càng rất hiếm hoi có được một lời xin lỗi.

Bà còn nói mạnh: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật...”

Cái câu “lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin” này cũng lại nhận được rất nhiều lời bình loạn, khôi hài đen của dư luận.
Nếu ở bất cứ một quốc gia văn minh, dân chủ nào khác, sau những chuyện như vậy, bà bộ trưởng chắc chắn không thể nào còn tại vị, thậm chí chưa cần ai cách chức, người lãnh đạo ngành đã phải xin lỗi các gia đình có con vừa mất và tự động xin từ chức.

Nhưng nếu ở nước khác thì một con người kém cả tài lẫn đức như bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm gì có cơ hội leo cao?

Riêng vụ tử vong vì tiêm vắc-xin, đây không phải lần đầu. Theo báo chí, “Trong vòng hai năm qua, hàng loạt ca tai biến sau khi tiêm vắc-xin đã cướp đi sinh mạng gần 20 cháu bé. Cả người lớn cũng thiệt mạng sau khi chích ngừa.” (“Gần 20 em bé đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin,” VNExpress)

Trước tình hình có nhiều ca tai biến sau tiêm chủng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem, Bộ Y Tế đã từng có quyết định ngưng sử dụng Quinvaxem nhưng sau đó lại cho sử dụng lại. Ðể bây giờ, thêm những trẻ sơ sinh phải chết oan, mà nguyên nhân chính là do nước ta còn nghèo, không đủ tiền mua những loại vaccine đời mới! (Bài “VN sử dụng nhiều loại vắc-xin quá cũ,” VietNamNet)

Thử hỏi có đồng tiền nào quý hơn mạng sống con người, nếu cùng lắm phải kêu gọi người dân trả tiền cao hơn để chích vắc-xin tốt hơn, chắc người dân cũng ráng mà trả, vì sinh mạng của con em mình.
Trở lại bà bộ trưởng Y Tế. Thật ra tâm và tầm của bà Tiến đã tự bộc lộ ra từ trước, qua rất nhiều việc làm cũng như phát ngôn gây sốc.

Còn nhớ năm 2011 khi dịch tay chân miệng đã bùng phát tại 63 địa phương trên cả nước, trong đó, 20 tỉnh, thành có ca bệnh tử vong với con số 119 người, thì tại buổi gặp mặt giữa Bộ Y Tế và báo chí, bà bộ trưởng vẫn “khẳng định Việt Nam chưa cần công bố dịch vào thời điểm hiện nay.”

Rằng “khi một địa phương, một quốc gia công bố dịch sẽ liên quan tới hoạt động của tất cả các ngành khác như giao thông vận tải, an ninh, du lịch. Nhiều nước trong khu vực, dịch bệnh tay chân miệng còn nặng hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ cũng chưa công bố dịch.” (“Việt Nam chưa cần công bố dịch tay chân miệng,” báo Gia Lai)

Có nghĩa là sợ ảnh hưởng tới giao thông, an ninh, du lịch, sợ mất uy tín cho ngành hơn cái chết của hàng trăm con người! Nên nhớ phần lớn trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi!

Bức tranh của ngành y tế Việt Nam từ lâu đã lem luốc với nhiều vấn đề nổi cộm chưa giải quyết, với tình trạng đạo đức nghề nghiệp ngày càng xuống cấp.

Chẳng hạn, nạn hối lộ, đưa “phong bì” cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên.

Mới đây, Tổ chức theo dõi tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới Minh Bạch Quốc Tế-Transparency International, đã công bố bản báo cáo thường niên hôm 9 tháng 7, 2013 tại Berlin (Ðức). Liên quan đến Việt Nam, bản báo cáo “Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013” đã ghi nhận ý kiến người dân trong nước, nêu bật công an-cảnh sát, giới bác sĩ-y tá, và cán bộ nhà đất là các thành phần tham nhũng nhất... (Theo bài “Việt Nam: Công An, Y Tế, Nhà Ðất tham nhũng nhất,” RFI)

Nhưng khi trả lời chất vấn phiên họp Quốc Hội vào ngày 14 tháng 11, 2012, bà bộ trưởng Y Tế, sau khi “trình bày hoàn cảnh” dài dòng vì sao nạn phong bì lại trở thành một “căn bệnh trầm kha,” đã đưa ra một trong những giải pháp để nâng cao y đức lương y là:

“Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi.” (“Bộ trưởng Y Tế: 'Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi” VNExpress)

Bà bộ trưởng lại bị dư luận chỉ trích vì giải pháp thiếu thực tế, không thể thực hiện được này. Ai đã từng, hoặc có người nhà vào các bệnh viện khác nhau ở Việt Nam đều hiểu chuyện đưa phong bì gần như là “luật bất thành văn.” Có tiền dúi cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng thì được chăm sóc tốt, không có thì họ để cho nằm chờ đó, mặt nặng mày nhẹ, đối xử chẳng ra sao.

Hoặc nạn quá tải ở các bệnh viện lớn, bệnh viện trung ương, cũng đã tồn tại từ lâu.

Bà Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng có những chuyến vi hành đến các bệnh viện, báo chí đưa tin chụp ảnh, bà bày tỏ cảm xúc nào sốc, nào đau lòng khi nhìn thấy người dân chen nhau nằm la liệt, bò cả dưới gầm giường ra chào bà.

Nhưng khi được hỏi về vấn đề này và thời điểm cụ thể để giải quyết, bà bộ trưởng đã trả lời: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y Tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua thiết bị” (“Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước?” Người Lao Ðộng)

Có vẻ như bà Tiến thuộc loại người chuyên né tránh trách nhiệm. Hỏi ý kiến về vụ trẻ sơ sinh tiêm vaccine bị chết thì né cho đoàn của Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương, hỏi về nạn quá tải thì chuyển câu hỏi của dân cho... Nhà nước. Vậy với tư cách, vai trò của người đứng đầu ngành, bà ngồi đó để làm gì?

Còn nữa, rất nhiều việc làm, lời nói phản cảm khác của bà Tiến mà trong khuôn khổ một bài báo không thể kể hết.

Không chỉ vô cảm, bà Tiến còn bất tài. Từ khi bà nhậm chức cho đến nay, những vấn đề bức xúc của ngành y vẫn không hề được cải thiện, y đức thì ngày càng xuống cấp tệ hại hơn.

Thỉnh thoảng chúng ta lại đọc thấy thông tin một bệnh nhân bị chết oan vì sai sót hoặc sự tắc trách của y bác sĩ, khiến người thân bức xúc phải bao vây bệnh viện, làm dữ.

Ngay cả chuyện đi sanh bây giờ cũng không an toàn. Năm ngoái, có 9 ca tai biến xảy ra trong vòng gần 2 tháng khiến 6 sản phụ và 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng, mà cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Năm nay lại các trẻ sơ sinh bị tử vong vì tiêm vaccine. Khiến người dân ngày càng lo lắng, bất an.

Ðọc bài báo “Mỗi ngày, 70 trẻ sơ sinh tử vong” (Người Lao Ðộng), tức khoảng 27,000 trẻ tử vong vì những nguyên nhân khác nhau trên 1.5 triệu trẻ được sinh ra hàng năm mà lạnh người.

Trên mạng mấy hôm nay đang có những lời kêu gọi, kiến nghị yêu cầu bà Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức. Dù biết rằng có kêu gọi bà Tiến cũng chẳng chịu từ chức, mà nếu trong trường hợp hiếm hoi bà bị cách chức do sức ép của dư luận, thì cũng sẽ có những con người vô cảm, bất tài khác lên thay trong cái cơ chế xã hội mà quan không do dân bầu ra này. Nhưng ít nhất, phải phẫn nộ và lên tiếng.

Mọi sự thay đổi bắt đầu khi người dân biết cách bày tỏ sự căm giận của mình.