“Bà đã làm tất cả chúng ta thay đổi. Chúng ta đi từ một dân tộc vốn tự cho rằng đang mãi mãi đi trên con đường suy thoái sang một dân tộc có thể tự hào trở lại. Trên chính trường thế giới cũng vậy, bà đã làm cho nước Anh trở thành mọt quốc gia ngưòi ta phải nhắc đến.”
Đó là nhận xét của ông Charles Powell. một trong những cộng tác viên thân cận nhất của bà Margaret Thatcher khi bà còn nắm quyền. Và quả thật, bà Margaret Thatcher, vốn từ trần hôm thứ hai tuần này thọ 87 tuổi đã không những làm đảo lộn trật tự xã hội của chính nước bà mà còn đóng góp rất nhiều trong việc làm thay đổi chính trị thế giới vào lúc đế quốc Liên Sô bắt đầu suy thoái và sụp đổ.
Vị thủ tướng phụ nữ đầu tiên của Anh quốc, được mệnh danh là “người đàn bà thép” (The Iron Lady) đã làm thay đổi nền kinh tế bị sơ cứng của nước Anh, hầu như trung hòa hết ảnh hưởng của nghiệp đoàn và “cắt giảm tầm mức của nhà nước” với một chính sách tư hữu hóa các công ty quốc doanh và bán các khu nhà cửa công hữu cho những người dân đang ở thuê mua. Bên ngoài bà là một nhà lãnh đạo kiên cưòng đã dẫn nước Anh chiến thắng Argentina trong cuộc chiến Falklands và là nguồn cảm hứng cho học thuyết Thatcher, một quan điểm triết học chính trị mà thực sự hầu như không được chính nước Anh của bà chấp nhận.
Nhưng mặt trái của lòng can đảm, sự kiên trì và tính cách mạng đó của bà lại là một thói tự kiêu, sự cố chấp và một sự sa vời đối với người chung quanh mà càng ngày càng trở nên rõ rệt hơn cùng với thời gian mà bà nắm quyền lãnh đạo nước Anh. Bà đã tập trung quyền lực vào trong tay đến mức chưa bao giờ thấy ở nước Anh hiện đại. Một hậu quả của cung cách bà chi phối chính phủ là sự thất bại của bà trong việc hàn gắn những vết thương mở ra ngay chính bên trong đảng Bảo Thủ của bà chung quanh việc bà đưa ra một loại thuế thân và thái độ tiêu cực của bà đối với châu Âu và vai trò của Anh tại châu Âu. Nhưng cũng bởi vì chính cái sức mạnh của những tư tưởng và con người của bà mà tất cả những chuyện gì xảy ra về sau đều được thấy qua lăng kính của bà.
Sinh năm 1925 tại Grantham, Lincolnshire, Magaret Hilda Roberts là con gái út một gia đình chủ tiệm tạp hóa nhỏ, ông Alfred Roberts và bà Beatrice. Ông Alfred là một người tự lập mà quan niệm sống tự lập, lương thiện và cần cù đã là những ảnh hưởng quan trọng đối với bà. Tuy rằng nhà nghèo, nhưng bà Margaret và chị Muriel lúc nào cũng được ăn mặc tươm tất – bà mẹ làm thợ may – và tại một xã hội rất chú trọng đến giai cấp, bà được gởi đi học xướng âm khi vào được trường nữ Kesteven and Grantham Girls School. Bà sau đó vào học hóa học tại Somerville College thuộc viện đại học Oxford. Đây là một thành tựu to lớn đối với một cô gái con nhà nghèo như bà ở thời điểm đó.
Tốt nghiệp Oxford, bà làm việc cho một công ty với tư cách là một nhà nghiên cứu hóa học tại Luân Đôn đồng thời tham gia chính trị với tư cách một đảng viên đảng Bảo Thủ. Trong giai đoạn này, bà gặp người chồng tương lai, ông Dennis Thatcher, một nhà doanh nghiệp giầu có đã ly dị vợ, hơn bà 10 tuổi. Hai người lấy nhau sau khi bà thất cử dân biểu lần thứ hai tại hạt Dartford thuộc Kent. Năm 1953 họ có được hai người con sinh đôi Carol và Mark. Lấy chồng rồi bà tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chính trị và đến năm 1959 thì trở thành dân biểu hạt Finchley tại Luân Đôn.
Ngay từ đầu bà đã nổi bật trong Quốc Hội Anh. Westminster không có bao nhiêu nữ dân biểu; và những dân biểu này thường già nua và độc thân trong lúc bà, bên ngoài khả năng ăn nói lại không những là một người đàn bà trẻ, có chồng con mà còn có sắc đẹp giống như một người mẫu.Bà được bổ làm thứ trưởng đặc trách liên lạc với quốc hội cho ông bộ trưởng bộ hưu trí và khi đảng Bảo Thủ dưới lãnh tụ Edward Heath thắng cuộc tuyển cử năm 1970 bà được cử làm bộ trưởng bộ giáo dục. Trong con mắt của những đồng bào của bà lúc đó, bà được coi như là tiêu biểu của “sự hiện diện cho có” của phụ nữ trong chính phủ Anh.
Bà có thể vẫn còn giữ vai trò đó nếu không nhờ khả năng của mình. Với tư cách là bộ trưởng giáo dục bà đã cho thành lập nhiều trường trung học tổng hợp nhất so với tất cả các bộ trưởng giáo dục trước và sau mình. Nhưng bà cũng bắt đầu gây tiếng xấu khi chấm dứt việc cung cấp sữa miễn phí cho các học trò trên 8 tuổi “Maggie Thatcher, kẻ cướp sữa của trẻ em” là một trong những khẩu hiệu nói xấu bà đầu tiên trong suốt cuộc đời chính trị của bà.
Chính quyền Bảo Thủ của ông Edward Heath càng ngày càng bị mất lòng dân và cuối cùng bị đổ vào tháng hai năm 1974. Tháng 10 năm đó, ông Heath và đảng Bảo Thủ của ông lại bị thua một cuộc tuyển cử thứ hai nhưng ông Heath đã từ chối không chịu rút lui khỏi chức vụ lãnh tụ đảng.
Khi không một lãnh tụ nam nào dám đứng ra thách thức ông Heath dành chức lãnh tụ đảng, bà đã đứng ra vì “phải có một người nào đứng ra làm chuyện đó”. Bà đã thắng ông Heath ngay sau đợt bỏ phiếu đầu tiên và sau đó dành được chức lãnh đạo sau một loạt các thách thức của những người khác. Với tư cách là lãnh tụ đối lập, bà và những người ủng hộ thảo ra một bản tuyên ngôn nguyên tắc có tên là “The Right Approach to the Economy” mà căn bản là các chính sách tiền tệ và thuế vụ thận trọng, cắt bỏ vai trò của nghiệp đoàn trong việc quản lý các vấn đề của quốc gia và giảm thiểu vai trò của nhà nước. Đó là tài liệu căn bản của cái gọi là chủ nghĩa Thatcher. Chẳng bao lâu bà đã trở thành nổi tiếng, không những trong nước mà cả ở nước ngoài nhờ vào một bài diễn văn chỉ trích Liên Sô khiến cho tờ báo của Hồng Quân Liên Sô đặt cho bà cái tên là “Thiết Phu Nhân” (Iron Lady).
Đối lập muốn thắng thường phải trông cậy vào bên chính phủ tự hại mình. Và năm 1979, chính phủ Lao Động đã làm như vậy. Mùa đông năm 1979, một đợt đình công của công nhân viên chức đã để rác rưởi chất đầy trên các đường phố và người chết không được chôn tại các nghĩa địa. Các hy vọng thắng cử của đảng Lao Đông tại nước Anh đã tiêu tan trong suốt trên mười năm.
Khi bà Thatcher lên nắm quyền năm 1979, nước Anh đang ở trong một tình trạng thê thảm. Lạm phát và thất nghiệp gia tăng trong khi các nghiệp đoàn lũng đoạn các xí nghiệp. Bất chấp những lời khuyên của các nhà chính trị đàn anh, bà cho thực hiện một chính sách khắc khổ, cắt giảm công chi. Liều thuốc đắng này thoạt đầu tưởng sẽ làm con bệnh chết. Số người thất nghiệp tăng lên trên 3 triệu, sản suất công nghiệp đi xuống. Nhưng đến năm 1983, lạm phát đã từ 22% xuống còn 4% và kinh tế Anh đã tăng trưởng mạnh trở lại.
Khi Argentina đánh chiếm quần đảo Falklands năm 1982, bà đã không ngần ngại gởi một đạo quân 25,000 người đánh chiếm lại. Chiến thắng tại Falklands đã hoàn thiện hình ảnh của bà như một con người kiên quyết tại trong nước cũng như nước ngoài. Tại Âu châu cũng vậy, bà đã tranh đấu thành công trong việc cắt giảm đóng góp của Anh vào ngân sách Cộng đồng châu Âu khiến cho ông Francois Mitterrand, tổng thống Pháp lúc đó gọi bà là có “cặp môi của Marilyn Monroe, nhưng con mắt của Caligula.” (Caligula là một hoàng đế rất tàn bạo của cổ La Mã).
Chính sự chống đối của bà với chủ nghĩa Cộng Sản đã giúp mang lại điều mà bà tự hào là thành quả lớn nhất trong đời mình: sự sụp đổ của đế quốc Sô Viết. Mười năm làm thủ tướng của bà trùng với 8 năm tổng thống của ông Ronald Reagan và hai người trở thành đồng minh chính trị. Chính bà đã khuyến khích ông Gorbachev thực hiện chương trình cải tổ của mình, cho rằng nó sẽ giúp hủy diệt chủ nghĩa cộng sản từ bên trong
Tuy nhiên, trong nước, những chính sách và sự độc đoán của bà đã càng ngày càng làm chia rẽ đảng Bảo Thủ của bà. Lần lượt những cộng tác viên quan trọng nhất của bà đã quay sang chống lại bà. Cuối cùng dự án đưa ra một đạo luật thuế thân (poll tax) đã tạo một phản ứng chống đối rộng rãi. Và rốt cuộc chính nội các của bà đã làm điều mà không ai ngờ tới: tất cả đều nói đã đến lúc bà phải ra đi.
Tấn bị kịch của việc lật đổ bà Thatcher đã ảnh hưởng đến sự thống nhất của đảng Bảo Thủ trong suốt hơn mười năm. Bà Thatcher còn sống để thấy đảng của bà trở lại nắm quyền vào năm 2010, nhưng bà không bao giờ phục hồi được tinh thần cũ sau vụ truất phế đột ngột của mình. Năm 2010, chồng bà, ông Dennis mất và bà chỉ còn lại một mình. Bà tiếp tục sống nhưng những lúc vui nhất của bà chỉ là khi gặp lại những người bạn cũ và nói tới những chiến thắng ngày xưa.