Sở dĩ cả Bắc Hàn và Trung Cộng muốn thử thách Hoa Kỳ vì dưới cái nhìn của hai nước Hoa Kỳ đang trên đường suy thoái.
Thái Bình Dương nổi sóng
Cậu Út Ân đọc sách “Quân Vương”
Ván cờ thế giới bất ngờ chuyển qua khúc quanh mới. Ngày 8 Tháng Tư, 2013 cựu thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, một trong bốn diễn viên chính cùng với cựu T T Hoa Kỳ, Ronald Reagan, Giáo Hoàng John Paul II và Tổng Bí Thư Ðảng CS Xô Viết MiKhail Gorbachev, đã qua đời.
Chiến tranh lạnh giữa Hoa kỳ và Xô Viết đã kết thúc, chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp diễn. Diễn viên phụ trong chiến tranh lạnh mới, ông Vua “nhi đồng” Cộng Sản Bắc Hàn Kim Chánh Ân, gương mặt đần độn giống như Trư Bát Giới, diễn kịch quá trớn ra ngoài sự kiểm soát của đàn anh Trung Cộng, cầm súng bắn thị oai, hăm dọa phóng hỏa tiễn tầm xa tưởng tượng qua Hoa Kỳ, đánh bom nguyên tử chưa làm. Hoa Kỳ phải đưa hỏa tiễn đến đảo Guam. Bắc Hàn đóng cửa các nhà máy vùng biên giới, tuyên bố sẽ không bảo đảm an toàn cho nhân viên các tòa Ðại Sứ và các cơ quan Quốc Tế ở Hàn Quốc. Hăm dọa lan qua đến Nhật Bản. Sự hăm dọa nguyên tử của Bắc Hàn là ván bài xì phé che lấp căn bản tranh chấp giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ từ sau trận chiến Triều Tiên như chủ tịch Kim Chánh Ân tuyên bố “giải quyết lần chót” nhằm đẩy 20,000 quân Hoa Kỳ ra khỏi vùng phi quân sự trong khi trận chiến với Hoa Kỳ và Nam Hàn ở vùng biên giới Bắc và Nam Hàn nếu xảy ra sẽ là một chiến bại chắc chắn cho Bắc Hàn. Với một triệu quân hiện dịch và 5 triệu quân trừ bị Bắc Hàn đối diện với 2000 xe tăng và 8000 hệ thống pháo binh phòng thủ, trận chiến sẽ kết thúc dưới ba ngày và Bắc Hàn sẽ biến mất trên bản đồ với một Triều Tiên thống nhất điều mà Trung Cộng không muốn.
Ván bài xì phé của cậu Út Ân lại có một kết quả tốt khác, Hoa Kỳ có lý do để mắt nhiều hơn vào vùng Thái Bình Dương và bá quyền Trung Quốc, sau khi Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Iraq và A Phú Hãn
Hoa Kỳ Dân Chủ
Sở dĩ cả Bắc Hàn và Trung Cộng muốn thử thách Hoa Kỳ vì dưới cái nhìn của hai nước Hoa Kỳ đang trên đường suy thoái. Nền dân chủ trẻ trung hai trăm năm của Hoa Kỳ đang bị thách thức. Hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ hỗn loạn sau kỳ bầu cử tổng thống Tháng Mười Một năm 2012, Hoa Kỳ đang mang món nợ khổng lồ hàng ngàn triệu Mỹ kim, ngân quỹ thâm thủng, chính khách được dân bầu không hiểu đứng về phía nào, dân chúng hay đảng? Cộng Hòa không hợp tác với tổng thống đảng Dân Chủ, ngay cả trong đảng Cộng Hòa cũng chia rẽ và hầu như không ông đại diện dân nào chú ý đến ngân sách. Trong vòng thập niên qua Hoa Kỳ, nhìn từ bên ngoài, kém hùng cường, kém phồn thịnh từ sau hai trận chiến Iraq và A Phú Hãn. Số thất nghiệp cao ở mức 7.6% không xuống dưới 6% như T T Obama đã hứa năm tranh cử 2008. Nhưng, nền dân chủ Hoa Kỳ trong hai trăm năm qua không bao giờ bằng phẳng.
Trong vòng 6 tháng qua, kinh tế có vẻ như đã ổn định, dân chúng có vẻ tin năm 2013 là năm kinh tế hồi phục như định luật kinh tế Vernon, trong đó theo chu kỳ trồi sụt mỗi hai mươi năm , năm 2013 là năm bắt đầu của chu kỳ mới bắt đầu lên và vì vậy quỹ đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán Wall St.
Nhưng những dấu hiệu xấu và tốt hầu như ngang nhau. Những dấu hiệu tốt đang diễn ra trong sáu tháng qua có thể chỉ là một cái “nhảy mũi” của thập niên xấu. Không ai có thể đoán được tương lai của một Hoa Kỳ có lịch sử trẻ trung. Những người yêu nước Mỹ, khác với Trung Cộng và Bắc Hàn, thì nhận thấy nước Mỹ mỗi ngày một phồn thịnh và hùng cường hơn sau những “bước vấp” nhờ hệ thống chính quyền dân chủ hữu hiệu. Dân các nước như Trung Hoa, Việt Nam vẫn muốn đến Hoa Kỳ và chưa có ngọn sóng di dân nào qua Trung Hoa. Nền dân chủ Hoa Kỳ trong hai trăm năm vẫn đứng vững qua những biến động như trận nội chiến Nam Bắc, thập niên 1960 với nạn kỳ thị da màu, ám sát TT John F. Kennedy và Martin Luther King. Tổng cộng gia tài quốc gia và tài sản tính trung bình trên đầu người Hoa Kỳ vẫn giàu nhất thế giới (Na Uy là nước giàu nhất thế giới tính theo đầu người.)
Không ai biết rõ lịch sử sẽ đi về đâu nhưng Hoa Kỳ vẫn là một nước giàu, năng động, quân lực hùng mạnh nhất thế giới với sức mạnh quân sự không có đối thủ, các trường đại học đứng đầu thế giới vẫn là mơ ước của những sinh viên trẻ trên khắp thế giới, đồng Mỹ lim vẫn là căn bản tiền tệ mặc dù các nước đang lên BRICS (Ba Tây, Nga, Ấn, Trung Hoa) muốn thay đổi hệ thống tiền tệ.
Tình trạng Hoa Kỳ hiện nay đúng như Arthur Schlesinger mô tả trong sách “Chu kỳ của nền Dân Chủ Hoa Kỳ” năm 1986, chu kỳ đi từ thụ động qua chủ động, trong thời kỳ tốt như thời kỳ Reagan thì độc lập, tự do cá nhân, tự do kinh tế không tùy thuộc chính quyền, khi kinh tế suy thoái như thời kỳ Obama thì dân chúng trở lại cần chính quyền.
Ðiều khôi hài khác biệt nhất giữa nền dân chủ Hoa Kỳ và các chế độ độc tài Nga và Trung Cộng là “Bí Mật.” Các chế độ cộng sản cố tình giấu giếm, ngăn chặn tin tức từ quân sự đến kinh tế nhưng dân chúng đều rõ tất cả những điều chính quyền cố tình giấu giếm còn chính quyền Hoa Kỳ giữ bí mật (những bí mật chỉ được giải sau 50 năm) và không ai rõ chính quyền dân chủ Hoa Kỳ giấu bí mật nào và giấu bao nhiêu? Chính quyền ấy khác các chính quyền độc tài ở một điều chính là dân không bao giờ mất tin tưởng vào chính quyền và có phản ứng quá độ trong một xã hội cởi mở và kinh tế thị trường tự do.
Trung Quốc bá quyền
Trung Hoa với năm nghìn năm lịch sử khác với lịch sử của Hoa Kỳ. Trong năm nghìn năm, Trung Hoa cũng theo những chu kỳ lịch sử như những quốc gia khác, mỗi lần suy, con Rồng nằm ngủ, khi thịnh con Rồng vùng dậy và xâm lăng các nước láng giềng. Trong lịch sử cận đại, Trung Cộng vẫn có một thái độ cố hữu của người Hoa. Thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970, trong hai mươi năm, Trung Cộng gây hấn với Xô Viết, Mao gây chiến tranh biên giới với Ấn Ðộ và năm 1979 đại bại khi Ðặng Tiểu Bình dạy Việt Nam một bài học, từ Indonesia qua Phi Châu những can thiệp quân sự của Trung Cộng đều mang đến kết quả thảm hại.
Ðặng Tiểu Bình có tinh thần của một anh “quân tử Tàu” người quân tử đợi mười năm trả thù không muộn, và người Tàu, như trong các truyện cổ, thù rất dai. Họ Ðặng trong thập niên 1980 ra chính sách cho đảng Cộng Sản Trung Hoa: “Giấu khả năng và tiềm lực để chờ đợi thời cơ,” chính sách tiên quyết của đảng. Bộ mặt hiền lành của Trung Cộng thể hiện trong hai thập niên từ 1980 đến năm 2000: Trung Cộng củng cố kinh tế, theo thị trường tự do, hòa hoãn với Hoa Kỳ. Năm 2011, được thế giới đánh giá là nền kinh tế Trung Hoa đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ, vượt qua Nhật Bản, Trung Cộng trở mặt không còn giữ thái độ “xã hội hài hòa” của Khổng Tử, gây hấn trên biển Ðông, giành đất với láng giềng, vẽ bản đồ “lưỡi bò” trên Thái Bình Dương.
Kẻ thù số một của TC là Nhật, gây hấn trên Thái Bình Dương, Trung Cộng gây ra cuộc chạy đua vũ khí vĩ đại tại vùng Thái Bình Dương từ Malaysia, Indonesia, Brunei, Úc, Việt Nam, Philippines, nước nào cũng sắm tiềm thủy đĩnh. Philippines và Nhật thành đồng minh, đối tác chiến lược chống lại Trung Cộng nhưng chỉ có Nhật là cường quốc Hải Quân đối đầu với Trung Cộng, muốn trả thù Nhật về mối thù thời thế chiến thứ hai, Hải Quân Trung Cộng chưa đủ sức đối đầu với Nhật trên biển. Giành quần đảo Ðiếu Ngư, quần đảo nằm giữa TC, Ðài Loan và Nhật, Trung Cộng gây hấn cả mấy tháng. Tàu chiến nhắm vào các tàu Nhật, tàu tuần đi vào vùng Nhật kiểm soát không xin phép. Từ mùa Thu 2011 tổng cộng có 28 lần vi phạm hải phận. Năm 1895, sau chiến tranh Hoa Nhật, Nhật đã giành được Ðiếu Ngư, đến sau Thế Chiến Thứ Hai Hoa Kỳ kiểm soát đảo, năm 1972 Hoa Kỳ giao đảo cho Nhật làm cả Trung Cộng lẫn Ðài Loan giận dữ. Từ 1969 vùng đảo cho thấy có nhiều mỏ dầu hỏa, tương tự như ở Hoàng Sa vùng đảo có nhiều tài nguyên, nhưng khác với Nhật và Philippines đã đứng đối đầu với kẻ thù, bắt tàu đánh cá vũ trang, bắt giữ tàu chiến, Việt Nam nhượng bộ kẻ thù để Trung Cộng lập quận Tam Sa và đưa du khách ra du lịch Hoàng Sa.
Thủ đoạn của Trung Cộng trong hai năm qua đối với các nước láng giềng giống nhau: dùng thuyền đánh cá giả dạng đến các đảo để thử sau đó đến tàu thám thính với Hải Quân Trung Cộng đứng từ xa.
Trung Cộng với nền kinh tế đang lên, đang nghĩ là Nhật cần Trung Cộng hơn là TC cần Nhật. Năm 2010, Trung Cộng phản ứng Nhật bắt giữ thuyền đánh cá TC vi phạm hải phận bằng cách ngưng bán các loại “đất hiếm” (rare earth elements), bắt giữ thương gia Nhật, gây phong trào chống Nhật. Kết quả trái với Trung Cộng mong đợi, đây là bài học cho VN, TC không lấn tới ở Philippines và Nhật. Phong Trào chống Nhật gây kết quả ngược là năm 2012, thống đốc của Tokyo muốn mua những đất đai tranh giành bởi Trung Cộng và cuối cùng chính quyền Nhật đã mua những đảo đó. Bắc Kinh càng gây hấn càng thua, nếu chịu nhục như chính quyền CSVN thì Bắc Kinh làm tới.
Phong trào quốc gia quá khích do đảng CSTQ tạo ra nhằm để đoàn kết tất cả người Hoa trên thế giới dùng lại những bản đồ cũ của một đế quốc trước khi bị Ngũ cường chiếm. Cả Trung Cộng lẫn Kim Chánh Ân của Bắc Hàn áp dụng sách “Quân Vương” (The Prince) của Niccolo Machiavelli dạy cho ấu chúa Lorenzo de Medici thế kỷ 16, những nhà độc tài và những chính phủ độc tài muốn cai trị dân phải tạo ra một kẻ thù chung tưởng tượng để giữ chế độ và ngôi vua.
Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai thường hay bị gọi là Ðế Quốc Mỹ, nhưng khác với Ðế Quốc La Mã, Hoa Kỳ không chiếm đất bất kỳ quốc gia nào trong khi con rồng đỏ Trung Quốc đang lên giống như Ðại Tần (thời Tần, Trung Hoa gọi La Mã là Ðại Tần), chiếm đất (như vùng biên giới Việt Nam) dành đảo. Trung Cộng với nền kinh tế kỹ nghệ đang lên dường như không thể ngừng. Nhà bình luận Pháp nổi tiếng Martin Jacques năm 2009 nghĩ Trung Cộng sẽ qua mặt Mỹ và thế giới không thể nào chặn được con Rồng đang bay lên. Ông Arvind Subramarian thuộc viện nghiên cứu Peterson cũng cho là Trung Cộng sẽ qua mặt Hoa Kỳ, làm chủ thế giới vì Hoa Kỳ hiện giờ giống như Ðế Quốc Anh sau Thế Chiến Thứ Hai bị cuộc khủng hoảng kinh đào ở Suez Ai Cập năm 1956. Iraq và A Phú Hãn là bước đầu dẫn đến sự suy sụp cho Hoa Kỳ như Anh ở Ai Cập. Hai nhà bình luận Jacques và Subramarian thiên về kinh tế còn nhà phân tích Edward Luttwak không phải là kinh tế gia có cái nhìn khác. Ông cho là Trung Cộng có lợi thế kinh tế nhưng không thành siêu cường vì “định luật sắt về chiến lược” áp dụng cho mọi quốc gia, mọi văn hóa trong mọi thời kỳ cho thấy khi một quốc gia đang lên trở nên hùng mạnh và phách lối thì các quốc gia láng giềng sẽ đoàn kết chống lại như ở Âu Châu vào thế kỷ thứ 19, khi nước Ðức trở nên giàu có nhờ nền kinh tế lớn mạnh thì Pháp và Anh trở thành đồng minh ngăn chặn Ðức. Hiện nay ở Á Châu người ta đã thấy phản ứng tương tự, Philippies và Nhật đã liên kết ngăn chặn CSTQ, đồng minh của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên dang tay chào đón Hoa Kỳ trở lại Thái Bình Dương không như CSVN vẫn xem anh CSTQ kẻ thù chung của dân Việt là đồng chí.
Bản chất người Hán không thay đổi. Ngày xưa Trung Hoa xem các nước láng giềng miền Bắc là Rợ, các nước miền Nam như Việt Nam là Man thì nay TC vẫn tự xem mình là Trung Quốc cái rốn của thiên hạ.
Năm 2011, Vương Kỳ Sơn (Wang Qi Shan) hiện là một trong bảy ủy viên Trung Ương đảng CSTQ, cầm đầu phái đoàn đối thoại kinh tế và chiến lược tới Hoa Kỳ đã tuyên bố “Trung Quốc có nền văn hóa cổ thâm sâu khó hiểu còn dân Hoa Kỳ là dân của một nước mới giản dị thiếu văn minh.” Ông Lattwak đem ví dụ lịch sử mà tất cả người Việt Nam đều thuộc: đời nhà Nguyên và nhà Thanh, Rợ ngoài biên cương chiếm Trung Hoa dù người Hán cố xây bức Ðại Trường Thành để ngăn chặn.
Năm 2007, một ví dụ khác cho thấy thái độ cao ngạo của chính quyền Trung Cộng, Ấn Ðộ gởi một phái đoàn trí thức trẻ đến Trung Hoa trao đổi văn hóa, Trung Cộng đã từ chối cấp giấy chiếu khán cho một thành viên Ấn vì ông ở trong vùng đang tranh chấp giữa Ấn và Hoa.
Cái xã hội hài hòa của Trung Cộng giống như nước Ðức thời Bismack. Ở biển Ðông, Trung Cộng không còn dùng sức mạnh kinh tế mềm dẻo, bộ mặt xâm lăng càng ngày càng hiện rõ. Ngược lại Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, sau khi Pháp và Anh trở lại sau khi Nhật thua, đến vùng Thái Bình Dương với viện trợ kinh tế và sau chiến tranh Việt Nam đã có bộ mặt tử tế hơn. Trung Cộng phải đối đầu với Hoa Kỳ chẳng những ở Biển Ðông mà còn ở Phi Châu và A Phú Hãn vì lòng tham, xây hải cảng, lập ống dẫn dầu ở Phi Châu và A Phú Hãn. TC bị cái gai căn cứ quân sự Mỹ ở lại A phú Hãn đến 2024 sau Hoa Kỳ rút quân năm 2014.
Ông Odd Arne Westad cho thấy tương lai không có gì là sáng chói cho CSTQ về phương diện ngoại giao. Hồi thập niên 1960 Trung Cộng lên chân nhờ thế giới ghét Mỹ ghét Xô Viết nhưng sau đó vì Mao Trạch Ðông làm mất tình bằng hữu như ngăn viện trợ cho Bắc Việt thời chiến tranh Việt Nam (tài liệu của ông Westad khác với luận điệu bán nước, bán Trường Sa Hoàng Sa của đảng CSVN vì CSVN có nợ với Trung Cộng) sau đó Ðặng Tiểu Bình làm mất lòng VN vì trận chiến biên giới 1979. Ở Phi Châu hình ảnh Trung Cộng cũng bắt đầu đen tối khi TC ủng hộ chiến tranh du kích kiểu Mao ở Ghana. Kinh tế xây dựng của TC cũng khác với viện trợ Hoa Kỳ, chương trình kinh tế ngắn hạn chủ trương hối lộ, vơ vét nguyên liệu chở về Trung Hoa, xây đường sá cẩu thả sập đổ khi Trung Cộng rút về, vắt chanh bỏ vỏ.
Ông Luttwak nghĩ Trung Cộng chỉ có một cách giải quyết là cải tổ một nước Trung Hoa trở thành một nước hoàn toàn dân chủ.
Các học giả Tây Phương nghiên cứu thiếu ý kiến của người VIệt. Trên bốn nghìn năm ở cạnh Trung Hoa, người Việt hiểu thế nào là tình hữu nghị Trung Quốc. Ở thế kỷ thứ 21, Trung Cộng giống như triều nhà Minh vào thế kỷ 16, các nước “man rợ” nổi dậy chống Trung Hoa. Thời ấy Việt Nam có Vua Lê Lợi, với lòng yêu nước và dũng cảm, mười năm kháng chiến ở vùng Nghệ An. Thời nay, Việt Nam có đảng Cộng Sản, xuất phát từ Cách Mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, với 14 tân thái thú có lòng yêu tiền cực độ. Gần đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã giận dữ với nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên và dân Việt Nam khi dân đòi bỏ điều bốn Hiến Pháp, ông Trọng đã kể công đảng từ ngày kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, làm tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn con cóc và con bò cạp: “Con bò cạp không biết bơi nên nhờ con cóc cõng qua sông. Qua được bên kia sông, con bò cạp quay lại trở mặt cắn chết con cóc và mắng: ‘Mày ngu nên đã nghe lời tao!’” Tội nghiệp cho con cóc Việt Nam!