Cái hỏng của giáo dục Việt Nam là từ gốc: hoàn toàn thiếu vắng một triết lý giáo dục.
Một lần nữa, những “căn bệnh trầm kha” của giáo dục Việt Nam lại được đưa ra mổ xẻ, từ chính “nạn nhân” của hệ thống giáo dục ấy - một em học sinh lớp 12. Video clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” được đưa lên mạng ngày 13 Tháng Tư, đến ngày 19 Tháng Tư đã có 151,158 lượt người xem, 5,648 phản hồi, 5,692 người thích/375 không thích.
Học trò trường Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn, xé đề cương môn sử. (Hình: Internet)
Mở đầu, “diễn giả” tự giới thiệu: “Tôi là một học sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời mỗi học sinh. Và chính sự khắc nghiệt này khiến cho những câu hỏi tích tụ qua bao tháng ngày dài sẽ phải bật ra ngoài thành những quan điểm...”
Trong video clip dài hơn 1 tiếng, với ngôn ngữ đầy bức xúc, cậu học sinh đã nói lên những suy nghĩ của mình về giáo dục Việt Nam. Một nền giáo dục chỉ chạy theo thành tích, điểm số, bằng cấp, chỉ nhăm nhăm nhồi nhét kiến thức cho học sinh trong đó không ít kiến thức vô bổ. Học sinh học để đối phó với những kỳ thi là chính, học rất nhiều nhưng biết rất ít về con người, học xong lại quên hết...
Có thể một vài quan điểm của em học sinh sẽ gây sốc như “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ,” bởi theo em, ở tuổi 14, 15, nhiều người đã biết xác định được khả năng và lối đi riêng cho mình; không nên tạo ra điểm số, hay không nên tuyển người qua bằng cấp... Nhưng nhìn chung, những điều em nói về các căn bệnh của giáo dục Việt Nam, về tâm trạng của học sinh là chính xác.
Tiếp theo sau vụ một số học sinh trường PTTH Nguyễn Hiền, TP.HCM xé đề cương thi môn Sử khi biết năm nay không phải thi tốt nghiệp trung học môn này, những lời tâm sự của em học sinh qua video clip trên liệu có thức tỉnh được những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục và cả những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam?
Khi họ đã và đang áp đặt lên bao thế hệ trẻ Việt Nam một nền giáo dục ngu dân, làm khổ học sinh và làm thui chột mọi đam mê học hành, cá tính, tư duy độc lập lẫn tài năng nếu có, trong từng cá nhân. Ðể cuối cùng sau 12 năm học chỉ đào tạo ra những con vẹt học thuộc lòng, những “sản phẩm người” có tư duy nô lệ.
Thật ra giáo dục Việt Nam là “chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Ðã có biết bao nhiêu cuộc hội thảo về giáo dục với sự tham gia của nhiều giới trí thức, chuyên gia, phụ huynh và học sinh, biết bao nhiêu ý kiến, bài viết phê phán, đóng góp chân tình... nhưng cuối cùng, mọi chuyện vẫn đâu vào đó.
Cái hỏng của giáo dục Việt Nam là từ gốc: hoàn toàn thiếu vắng một triết lý giáo dục. (Còn nhớ những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của miền Nam trước năm 1975 được ghi hẳn hoi trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967) là nhân bản, dân tộc và khai phóng). Là định hướng sai ngay từ đầu: học và dạy để làm gì.
Nếu nhìn vào giáo dục bậc trung học phổ thông và kể cả đại học ở Việt Nam, người ta dễ có suy nghĩ giáo dục hiện nay chỉ để có bằng cấp. Học lực được đánh giá qua điểm số. Suốt 12 năm học liên tục là bài kiểm tra, thi giữa học kỳ, thi học kỳ, thi kết thúc cuối năm, thi hết cấp... Chính vì chạy theo/coi trọng điểm số nên gây áp lực cho học sinh, và dẫn đến bệnh thành tích trong nhà trường.
Có người sẽ đặt câu hỏi nếu không kiểm tra, thi cử, không có điểm số thì làm thế nào để xếp loại học sinh, xét tốt nghiệp?
Thiết nghĩ, nếu chưa thể loại bỏ điểm số thì ít nhất ở bậc tiểu học cũng chưa nên chấm điểm học sinh, mà chỉ chấm đạt hay chưa đạt. Bởi vì mới ở bậc tiểu học mà đã bắt các em phải khổ sở vì điểm, nhiều em đâm ra tự ti nếu điểm kém, tự phụ nếu điểm cao... ngay từ khi còn ít tuổi thì không hay.
Từ bậc trung học cơ sở mới bắt đầu chấm điểm, mà cũng với một tinh thần bớt coi trọng điểm số, chẳng hạn không công khai điểm của học sinh, điểm của em nào chỉ có mình em đó và giáo viên biết, như nhiều quốc gia khác vẫn làm thế. Vừa tránh cho em bị điểm kém phải xấu hổ với bạn bè vừa tránh việc ganh đua chạy theo điểm giữa các em với nhau.
Bởi suy cho cùng, điểm số ở nhà trường trung học chưa thể đánh giá đúng, toàn diện năng lực của một học sinh và một con người sau này.
Ở bậc tiểu học cũng nên xóa bỏ chuyện trường điểm, hay trường này được đánh giá tốt hơn trường kia, làm sao tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở trong một thành phố đều có cùng chất lượng đào tạo như nhau. Như vậy sẽ bớt được nạn năm nào phụ huynh cũng phải chạy cho con vào trường tốt, trường điểm, sinh ra tệ đút lót, và các nạn tiêu cực khác.
Lẽ ra tất cả các trường trung học phổ thông trên toàn quốc phải có cùng một điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện học tập, chất lượng giáo viên,... mới là công bằng, nhưng đó là chuyện vẫn còn xa vời. Trước mắt, việc xóa bỏ trường điểm, trường chuyên ở bậc tiểu học, trung học cơ sở cũng đã bớt đi bao nhiêu sự bất công và nỗi khổ cho phụ huynh và học sinh. Trường chuyên, nếu còn giữ lại, chỉ nên ở cấp ba, khi bắt đầu đi vào phân ban cụ thể.
Dư luận xã hội đã kêu ca rất nhiều về chương trình giáo dục ở bậc trung học của Việt Nam quá nặng nề, lạc hậu, bất cập. Nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành khiến học sinh khó nhớ, thừa những kiến thức “chết,” vô bổ nhưng lại thiếu những kiến thức cần thiết như học về con người, về kỹ năng sống, phương pháp tư duy. Chưa kể, các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Ðịa, Giáo Dục Công Dân thì nặng tính tuyên truyền, tính chính trị khiến các em học không vào.
Từ đó các em đâm chán ghét luôn sự học, điều mà em học sinh trong video clip nói trên cũng đã đề cập. Việc học thay vì là niềm vui, niềm đam mê thì lại trở thành nỗi khổ kéo dài đối với học sinh.
Ngược lại, những ai có con em học ở các nước phát triển đều nhận thấy, học sinh đi học thật nhẹ nhàng, thoải mái. Bậc tiểu học vừa học vừa chơi, chả bị điểm số hay sức ép gì, mà bậc trung học cũng không bị sức ép của bệnh thành tích từ gia đình và nhà trường. Học sinh chỉ cần học ở trường là đủ, không có chuyện phải đi học thêm quanh năm suốt tháng, học không có ngày nghỉ, không có mùa hè, không có tuổi thơ... như ở Việt Nam.
Giáo dục cần thay đổi phương pháp dạy và học, bỏ lối dạy thụ động, ghi chép và học thuộc lòng quá nhiều, chỉ đào tạo ra những con người có tư duy nô lệ. Quan trọng là dạy cho các em phương pháp tự học, cho phép các em được tranh luận thoải mái với bạn bè, thầy cô, được có những suy nghĩ, chính kiến riêng, được thể hiện cái tôi, cá tính của mình.
Các em phải được tôn trọng như những con người ngay từ khi còn bé chứ không phải như hiện nay người lớn cứ có lối suy nghĩ đã là học sinh thì phải vâng lời, không được phép nói khác với thầy cô, với sách giáo khoa. Và đã có những trường hợp thầy cô xúc phạm các em, bé thì đánh đập, lớn hơn ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì chửi mắng, sỉ nhục khiến các em phẫn uất mà tự tử.
Ðó là mới nói đến giáo dục ở bậc phổ thông trung học, bậc đại học còn lắm vấn nạn khác. Nhưng chung quy cũng từ lối tư duy coi trọng bằng cấp, đánh giá con người qua bằng cấp chứ không qua năng lực thực sự khiến ai cũng lao vào kiếm cho được mảnh bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kể cả chạy bằng, mua bằng.
Ai cũng muốn làm thầy chứ không muốn làm thợ, rốt cuộc đào tạo nhiều vượt quá nhu cầu, dẫn đến cử nhân, thạc sĩ học xong bị thất nghiệp đầy rẫy, phải đi làm lao động phổ thông kiếm sống. Vừa tốn thời gian, tiền bạc của chính mình vừa tốn kinh phí đào tạo của xã hội, vừa lãng phí con người v.v...
Giáo dục là nền móng của xã hội. Hãy nhìn vào tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay và đừng thắc mắc vì sao đạo đức ngày càng xuống cấp, tội ác ngày càng gia tăng, trong đó không ít tội phạm tàn ác nhất vẫn còn ở lứa tuổi đang học trung học hoặc đã từng ngồi trên ghế giảng đường.
Nếu đặt triết lý giáo dục là nhân bản, khai phóng, nếu quan niệm giáo dục là đào tạo con người thì các nhà giáo dục sẽ biết sửa đổi từ đâu. Chỉ mong rằng sau những lời nói thống thiết của chính các em học sinh, những người có trách nhiệm sẽ quyết tâm sửa đổi. Ðừng như bao lâu nay giáo dục càng cải càng lùi, càng sửa càng rách nát!