Giới quan sát chính trị thủ đô xem những chuyến đi dồn dập này là dấu hiệu chứng tỏ “Washington đang thúc đẩy Bắc Kinh đến chỗ phải làm mạnh hơn với Bắc Hàn,” nhưng “tín hiệu từ Trung Quốc thì chưa ai thấy.”
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã có mặt tại Châu Á, thực hiện chuyến đi đầu tiên của ông đến vùng đất đang có những biến chuyển đầy căng thẳng khiến cả thế giới chú ý tới, gặp gỡ những nhà lãnh đạo “mới” của Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc với hy vọng giải quyết được chuyện thật “cũ”: Bắc Hàn và thái độ hung hăng, muốn gây chiến của lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un.
Ngoại Trưởng John Kerry (phải) bắt tay Tổng Thống Park Geun-Hye của Nam Hàn tại Dinh Tổng Thống ở Seoul. (Hình: Presidential House via Getty Images)
Một tuần lễ trước khi ông Kerry rời Washington D.C., chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một loạt quyết định quan trọng về quốc phòng, bao gồm việc bán 60 chiếc F-15 loại tối tân nhất cho đồng minh Seoul, tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn để bảo vệ các căn cứ quân sự ở đảo Guam. Trước đó Ngũ Giác Ðài cũng đưa thêm chiến hạm vào Thái Bình Dương, những chiếc oanh tạc cơ loại “tàng hình” của Mỹ cũng thay nhau xuất hiện trên bầu trời Nam Hàn trong cuộc tập trận hàng năm của quân đội 2 nước. Các hoạt động này nhắm vào 2 mục tiêu: xác định rõ hơn sự hiện diện về quân sự của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng Thống Barack Obama đặt ra từ nhiệm kỳ đầu, đồng thời ở tư thế sẵn sàng trong trường hợp cuộc chiến do Bắc Hàn gây nên xảy ra.
Trước những quyết định dồn dập về mặt quân sự đó, Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng nói gì về những quyết định của Washington. Thái độ “khá đặc biệt” của lãnh đạo Trung Quốc được một số viên chức Hoa Kỳ xem là “dấu hiệu ông Tập Cận Bình đang bực bội về đường lối hung hăng mà lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn đang thực hiện,” hoặc ít nhất cũng cho thấy “thành phần lãnh đạo mới ở Hoa Lục chưa biết phải xử thế ra sao để một mặt răn đe Bình Nhưỡng, mặt khác không gây khó khăn cho mối quan hệ với Washington.”
Một trong những người nghĩ “gió Bắc Kinh dường như đang đổi chiều” là ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tom Donilon. Tuần trước khi gặp gỡ báo chí, ông Donilon cho rằng thay vì lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ lợi dụng tình thế để gia tăng hiện diện quân sự như từng làm trước đây thì “hình như giới lãnh đạo Bắc Kinh đang cân nhắc, muốn chuyện được giải quyết khéo léo hơn” để thuận lợi cho cả họ lẫn Washington. Ông Donilon vừa thẳng thắn vừa thận trọng bảo “không vội nghĩ đến chuyện Bắc Kinh sẽ đồng ý đi chung đường với chúng ta (trong kế hoạch đối phó với Bắc Hàn)” nhưng “đang có những thay đổi” một phần vì “Chủ Tịch Tập Cận Bình vừa nhậm chức có một vài tuần lễ, Tổng Thống Obama cũng mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì của ông, tạo khó khăn ngay từ ngày mới nắm quyền chẳng có lợi gì cả.”
Suy nghĩ của ông Cố Vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ cũng là suy nghĩ của ông Cựu Phụ Tá Ngoại Trưởng Ðặc Trách Ðông Á Kurt Campbell. Trong bài nói chuyện đầu tuần này ở Ðại Học John Hopkins, ông Campbell cũng nghĩ rằng “thái độ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng có vẻ thay đổi” vì lãnh đạo Hoa Lục “hiểu những lời đe đọa của ông Kim Jong-un hoàn toàn không có lợi cho chính Trung Quốc,” mặt khác, “hình như ông Tập Cận Bình có cái nhìn thực tế hơn người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Ðào.” Cái nhìn thực tế đó, theo giải thích của ông Campbell, là quyền lợi Trung Quốc không chỉ bị đe dọa bởi Hoa Kỳ như họ vẫn thường nghĩ, mà “còn đang bị đe dọa bởi chính đồng minh của họ là Bắc Hàn.”
“Xét đoán hay suy đoán thái độ của Trung Quốc đối với Bắc Hàn đều là điều không dễ làm,” chuyên gia Peter Singer của Viện Nghiên Cứu Brookings Institution nói. “Ngay lúc này, tôi cũng tự đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh lại im lặng đến thế, nhưng tôi không vội lạc quan là họ đã thay đổi đường lối với Bắc Hàn đâu.” Ông Singer dẫn chứng: đã nhiều lần được các viên chức hành pháp và lập pháp Mỹ cho biết “Trung Quốc gật đầu với Hoa Kỳ là không thể để Bắc Hàn muốn làm gì thì làm,” nhưng sau đó “họ thay đổi thái độ ngay, không thực hiện đúng những gì họ đã bàn thảo với chúng ta hoặc những gì chúng ta đã bàn thảo với họ.” Chẳng hạn mới 2 tháng trước đây Bắc Kinh tán thành việc Hoa Kỳ soạn thảo bản nghị quyết lên án Bắc Hàn, bỏ phiếu ủng hộ bản nghị quyết với những biện pháp chế tài gắt gao hơn đối với Bình Nhưỡng, “nhưng rốt cuộc họ lại dùng dằng không muốn thi hành, đó là điều cả thế giới đều thấy.”
Ðiều ông Singer nói ra cũng là điều được đồn thổi ở Washington. Lý do là vì mới tháng trước, Tổng Thống Obama cử ông Tổng Trưởng Tài Chánh Jack Lew sang Bắc Kinh để bàn nhiều vấn đề, “trong đó có cả chuyện thi hành nghị quyết chế tài với Bình Nhưỡng,” theo lời một thành viên trong phái đoàn có mặt trong cuộc đàm phán. “Phía Trung Quốc ghi chép cặn kẽ những gì chúng tôi trình bày với họ, yêu cầu cho cả toán đại diện Ngân Hàng Quốc Gia của họ tham dự cuộc họp, nhưng cuối cùng chẳng thấy họ nói gì cả,” rốt cuộc phái đoàn tài chánh Hoa Kỳ ra về mà “gần như không được một hứa hẹn nào” dù trước đó Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc bắn tín hiệu cho biết “có thể sẽ áp dụng một số biện pháp chế tài với Bình Nhưỡng nhưng không ở mức độ chính phủ Obama mong muốn.”
Viên chức mới từ Bắc Kinh về tiết lộ thêm trong tất cả những cuộc tiếp xúc ở Washington D.C., tại New York cũng như ngay trong phiên họp ở Bắc Kinh, “chúng tôi chỉ yêu cầu Trung Quốc có 2 điều: thứ nhất là kiểm soát những chiếc tầu chở hàng đến Bắc Hàn để đảm bảo không có những loại hàng hóa trong danh sách bị Hội Ðồng Bảo An cấm, thứ nhì là dùng uy thế của họ để ngăn cản không cho Bắc Hàn tiếp tục chương trình chế tạo võ khí nguyên tử, thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn hội nghị 6 bên.” Lên án thái độ hung hăng của lãnh tụ Bắc Hàn và đòi Bình Nhưỡng trở lại bàn hội nghị để giải quyết căng thẳng do chính họ gây nên “được sự ủng hộ công khai của cả Nga” nhưng rất tiếc, “Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng một cách quyết liệt về chuyện này.”
Như vậy, phải chăng Bắc Kinh vẫn theo chủ trương “giơ cao đánh khẽ” với Bắc Hàn? Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khéo léo trả lời theo kiểu nước đôi “không ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra” vì “chẳng ai lạ gì với thái độ đó của nhà nước Trung Quốc cả.” Viên chức yêu cầu không nêu tên này cho rằng từ lâu, “chủ trương của Trung Quốc đối với đàn em Bắc Hàn vẫn là đe dọa Mỹ thì cứ đe dọa nhưng đừng gây chiến tranh với miền Nam, đừng thống nhất đất nước với miền Nam.” “Họ (Trung Quốc) rất ngại những điều này xảy ra,” viên chức hành pháp nói tiếp, “không muốn Hoa Kỳ có cớ gia tăng thế lực quân sự ở bán đảo Triều Tiên.”
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trong 2 ngày ở Bắc Kinh, Ngoại Trưởng John Kerry sẽ cùng Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường bàn thảo về nhiều vấn đề khác, như thay đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyện kinh tế, thương mại, nhắc nhở Trung Quốc định lại tỷ giá đồng nhân dân tệ để Hoa Kỳ không tiếp tục bị thiệt thòi khi mua hàng. Ngoài chuyện Bắc Hàn, hai bên còn thảo luận về cuộc chiến Syria, chuyện Iran và triển vọng hòa bình của vùng Trung Ðông.
Tất cả những điều hai bên đồng ý đặt trên bàn thương thuyết đều không dễ làm, bằng chứng là ông Kerry chưa lên máy bay đi Bắc Kinh, Tòa Bạch Ốc đã thông báo ngay sau đó sẽ gửi Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Demsey sang thăm Hoa Lục, đầu tháng tới đến lượt ông Cố Vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Tom Donilon. Giới quan sát chính trị thủ đô xem những chuyến đi dồn dập này là dấu hiệu chứng tỏ “Washington đang thúc đẩy Bắc Kinh đến chỗ phải làm mạnh hơn với Bắc Hàn,” nhưng “tín hiệu từ Trung Quốc thì chưa ai thấy.”
Cũng chính vì thế nên giới theo dõi thời cuộc cho rằng khi chiếc máy bay chở ông Kerry mới tiến vào không phận Hoa Lục, người đang điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ nghĩ đây không phải lần đầu tiên ông đến Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng chưa có chuyến đi nào khó khăn và vất vả như chuyến đi lần này.
Những gì Hoa Kỳ làm trước khi ông Kerry đến Bắc Kinh
Ðầu năm 2012 Hoa Kỳ đã có kế hoạch xây dựng lực lượng hùng mạnh hơn ở Châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ khi Bắc Hàn lên tiếng đe dọa tấn công nước Mỹ và Nam Hàn, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã thực hiện những điều sau đây:
1-Tăng cường hệ thống phòng thủ hỏa tiễn ở Alaska và đảo Guam.
2-Giúp Nhật đặt các hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn ở thủ đô Tokyo và vùng phụ cận.
3-Ðồng ý bán những dàn radar và 60 chiếc F-15 loại tối tân nhất cho Nam Hàn, thay thế những chiếc F-4 không quân Nam Hàn đang sử dụng.
4-Ðưa hàng trăm xe bọc sắt phá mìn đến Nam Hàn. Ðây là loại xe binh sĩ Hoa Kỳ đã sử dụng trong 2 cuộc chiến Afghanistan và Iraq, được dự đoán sẽ sử dụng nếu Washington và Seoul quyết định mở cuộc “Bắc tiến” đưa quân từ miền Nam vào lãnh thổ Bắc Hàn, tránh những trái mìn quân đội Bình Nhưỡng gài lại trên đường rút lui.
5-Các phi đội B-1 đồn trú ở căn cứ không quân Dyess Air Force Base, Texas, được huấn luyện đặc biệt để thực hiện những chuyến bay dài đến Châu Á-Thái Bình Dương, thay thế chương trình huấn luyện dành cho chiến trường Afghanistan.
6-Ðưa thêm hàng trăm binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến từ Mỹ sang căn cứ Darwin, Úc, tham gia chương trình huấn luyện tác chiến đặc biệt.
7-Loan báo tạm ngưng chương trình phóng thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Minutenam 3, lấy lý do không muốn bị hiểu lầm là cố tình đưa tình hình tới mức căng thẳng hơn.