So với các lãnh tụ Cộng sản khác, dòng họ Kim hoàn toàn không thua kém về mức độ độc tài và tàn bạo, về “thành tích” giết người và đày đọa dân chúng.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân (Kim Jong Un). Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân (Kim Jong Un).
Có rất nhiều điểm tôi không đồng ý với Karl Marx, nhưng thành thực mà nói, tôi rất phục ông, và có lúc, rất thích ông. Với tôi, ông là triết gia tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện đại với tham vọng, bằng thuyết biện chứng và duy vật lịch sử, xây dựng một đại tự sự (grand narrative) hoàn chỉnh về lịch sử và thế giới, qua đó, giải thích hầu như toàn bộ mọi khía cạnh lớn liên quan đến đời sống xã hội và sự phát triển của loài người. Tham vọng ấy được bổ sung bằng một tham vọng khác lớn không kém: muốn thay đổi thế giới. Đằng sau hai tham vọng ấy là một khao khát mang đầy tính đạo lý về sự công bằng và công chính cho tất cả mọi người.
Về hai tham vọng của Karl Marx, các nhà hậu hiện đại (postmodernist) đã chứng minh đó chỉ là một ảo tưởng khi cho thời đại của các đại tự sự đã qua; lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa từ Đông Âu đến châu Á chứng minh thêm: đó là một ảo tưởng đầy tai họa dẫn đến những cái chết thảm khốc của cả hàng trăm triệu người và sự đau khổ của cả tỉ người khác. Xuất phát từ sự khao khát công bằng và công chính cho mọi người, lý thuyết của Marx lại đẻ ra những chế độ độc tài và tàn bạo không thua bất cứ một chế độ độc tài và tàn bạo nào trong lịch sử.
Tuy nhiên, ở đây lại có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, về phương diện lý thuyết, bất chấp vô số những khiếm khuyết, Marx vẫn là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất trong nửa sau thế kỷ 19 và gần trọn thế kỷ 20; hơn nữa, nhiều quan điểm triết học và chính trị của Marx, cho đến nay, vẫn có những giá trị nhất định. Jacques Derrida có lần, trong cuốn Spectres de Marx, từng viết: “Sẽ là một sai lầm nếu [chúng ta] không đọc, đọc lại và thảo luận về Marx” (Dẫn theo Marcello Musto, “The rediscovery of Karl Marx”, IRSH số 52, 2007, tr. 496). Thứ hai, nói như Terry Eagleton, không nên bắt Marx phải chịu trách nhiệm về những vụ tàn sát tập thể, các trại cải tạo, các phong trào đại nhảy vọt và các cuộc thanh trừng đẫm máu dưới các chế độ Cộng sản, cũng giống như việc không thể bắt Chúa Jesus phải chịu trách nhiệm về các Tòa án xử những người bị xem là dị giáo (Inquisition) thời Trung cổ.
Thật ra, nghĩ cho cùng, không thể phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của Karl Marx được. Rõ ràng, quan điểm về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của ông đã là nền tảng lý thuyết làm nảy sinh sự độc tài và tàn bạo của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông cũng như vô số các nhà lãnh đạo Cộng sản khác. Bởi vậy, dù có ý thức hay không, Marx cũng đã để lại nhiều đứa con tinh thần, trong đó, có nhiều kẻ có thể xem là những quái thai. Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nicolae Ceauşescu (ở Rumania) là những quái thai như thế. Và dĩ nhiên, không thể không kể đến dòng họ Kim ở Bắc Triều Tiên, từ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) đến Kim Chính Nhật (Kim Jong-il, 1942-2011) và gần đây, Kim Chính Ân (Kim Jong-un).
So với các lãnh tụ Cộng sản khác, dòng họ Kim hoàn toàn không thua kém về mức độ độc tài và tàn bạo, về “thành tích” giết người và đày đọa dân chúng. Họ còn hơn hẳn những người khác trong việc duy trì một chế độ cha truyền con nối kéo dài, đến nay là ba đời, trên 60 năm (ở Cuba, Fidel Castro “truyền ngôi” lại cho em ruột, Raul Castro; tổng cộng thời gian trị vì của cả hai, đến nay, mới hơn 50 năm). Họ cũng nổi bật hơn hẳn những người khác về “tài” gây chú ý trên thế giới. Cứ vài ba năm một lần, họ lại làm cho cả thế giới thót tim hồi hộp theo dõi nhất cử nhất động của họ. Mới nhất, trong tháng Tư này, họ lớn tiếng đe dọa tấn công Nam Triều Tiên và cả Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Giới bình luận chính trị và có lẽ cả giới lãnh đạo Tây phương đều cho đó là những lời nói khoác lác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta không căng mắt ra theo dõi từng động thái ở Bình Nhưỡng. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng Tư, tên “North Korea” đứng hàng thứ ba trong số các từ được sử dụng phổ biến nhất trên Twitter, chỉ sau “Easter” và “Good Friday”. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy khoảng 36% người Mỹ theo dõi rất sát các diễn biến liên quan đến Bắc Triều Tiên và 56% dân chúng cho sự đe dọa của Bắc Triều Tiên là nghiêm trọng.
Các lãnh tụ của Nam Triều Tiên, Mỹ và Nhật đều cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng cũng không giấu được sự căng thẳng.
Một số nhà bình luận chính trị quốc tế gọi cha con Kim Chính Nhật và giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói chung là những bậc thầy trong nghệ thuật khiêu chiến (master of brinkmanship) và là những bậc thầy trong những cú đánh lừa (master of rope-a-dope). Kim Chính Ân có vẻ muốn nối gót cha mình, nhưng chưa ai dám chắc lần này ông có thành công hay không.
“Bậc thầy”, nghe rất sang trọng. Mà cũng phải. Những “bậc thầy” ấy đã thắng nhiều trận. Năm 1993, sau một lần đe dọa tấn công Nam Triều Tiên, họ được Mỹ hứa hẹn viện trợ lương thực để cứu đói dân chúng. Năm 2003, khi rút tên ra khỏi Hiệp ước phi hạt nhân (Non-proliferation Treaty, NPT), họ lại được dỗ dành. Năm 2005, khi từ chối tham gia vào cuộc Hội nghị sáu bên (Six Party Talks) về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, họ cũng lại được dỗ dành. Năm 2006, khi tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ nhất, họ cũng được dỗ dành. Năm 2008, khi trục xuất phái đoàn điều tra vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc ra khỏi Bắc Triều Tiên, họ cũng được dỗ dành. Năm 2009, khi thử hạt nhân lần thứ hai, họ cũng được dỗ dành. Năm 2010, họ đánh chìm tàu thủy của Nam Triều Tiên, giết chết 46 thủy thủ, Nam Triều Tiên và Mỹ cũng đều nhường nhịn, không có một phản ứng nào cả. Cứ mỗi lần như thế, bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên lại huênh hoang cho là họ đã thắng cả Nam Triều Tiên lẫn Mỹ.
Nhưng tất cả đều là những phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ của Lỗ Tấn. Nghèo kiết xác, lúc nào cũng bị người trong làng khinh bỉ, nhưng AQ vẫn tự hào là con cháu mình sau này sẽ giàu có hơn hẳn người khác. Bị người ta đánh, không dám đánh trả, AQ vẫn cứ tự hào “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó. Thật thời buổi này hết chỗ nói!” Thế là hắn lại hớn hở ra vẻ đắc thắng.
Bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên không ngừng tô vẽ các gã AQ chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực ở nước họ như những thần linh. Ngày Kim Chính Nhật chào đời có hai chiếc cầu vồng lấp lánh xuất hiện trên bầu trời. Ra đời được ba tuần, ông đã biết đi; tám tuần đã biết nói. Khi học đại học, trong vòng ba năm, ông viết được trên 1.500 cuốn sách và sáu bản opera. Các bản nhạc này được giới phê bình Bắc Triều Tiên khen là “hay hơn bất cứ một bản opera nào từng được viết trong lịch sử âm nhạc thế giới”. Các trạng thái tâm lý của Kim Chính Nhật có thể ảnh hưởng đến thời tiết: ông buồn, thời tiết xấu đi, ông vui, trời sẽ đẹp và ấm hơn. Người ta lại nói: cả đời ông không hề đi tiêu hay đi tiểu. Lần đầu tiên chơi golf, ông đã lập được kỷ lục thế giới và vì đã lập được kỷ lục nên ông không thèm chơi nữa. Bằng cách nhét miếng thịt vào giữa hai lát bánh mì để cầm ăn cho dễ, ông được lịch sử Bắc Triều Tiên ghi công là đã phát minh ra hamburger, sau đó, Tây phương bắt chước. Ngày ông chết, cả trời đất cũng tiếc thương: các mảnh băng tự động tan ra; chim chóc cất lên tiếng khóc.
Những chuyện như vậy, ở Tây phương, người ta xem như những chuyện buồn cười, lố bịch (ridiculous), thậm chí, điên khùng (crazy), nhưng ở Bắc Triều Tiên, do chính sách ngu dân và nhồi sọ triền miên, cả triệu người vẫn xem các quái thai ấy như những bậc thần thánh.
Kết quả là gì? Trước đây, trong bài “Nam và Bắc Hàn”, tôi có so sánh các thành tựu giữa hai miền Bắc và Nam của Triều Tiên từ sau năm 1953. Trên báo chí Tây phương thời gian vừa qua, nhân vụ đe dọa mới nhất của Kim Chính Ân, nhiều người cũng lại làm điều ấy. Cùng trải qua ba năm nội chiến (1950-1953) với những đau thương mất mát như nhau, mấy chục năm sau, trong khi Nam Triều Tiên, với thu nhập bình quân đầu người 32.000 Mỹ kim/năm, là một trong những quốc gia phát triển và giàu có nhất thế giới, Bắc Triều Tiên, với thu nhập đầu người 1.800 Mỹ kim/năm, vẫn là một trong những nước cực kỳ lạc hậu và nghèo nàn. Tuổi thọ trung bình ở miền Nam là 79.3; ở miền Bắc là 69.2; tỉ lệ tử vong trên 1.000 bé sơ sinh, ở miền Nam là 4.08, ở miền Bắc là 26.21; tỉ lệ sử dụng internet, ở miền Nam là 81.5%, ở miền Bắc là dưới 0.1%; số tiền đến từ xuất cảng mỗi năm ở miền Nam là 552.6 tỉ, ở miền Bắc là 4.71 tỉ. Kinh tế Bắc Triều Tiên yếu đến độ chỉ riêng thu nhập của công ty Samsung ở Nam Triều Tiên (247 tỉ năm 2011) đã nhiều gấp sáu lần tổng sản lượng nội địa của Bắc Triều Tiên!
Trong khi chính quyền Bắc Triều Tiên đổ tiền ra chế tạo vũ khí hạt nhân và không ngừng khiêu khích thế giới, dân chúng lúc nào cũng chìm đắm trong đói khổ. Năm nào cũng có người chết đói. Riêng năm 2010, có vùng số người chết đói đến ba phần trăm (hay 30 người trên mỗi 1.000 dân). Liên Hiệp Quốc ước lượng, trong năm 2011, khoảng một phần ba trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Với tư cách người Việt Nam, chúng ta chú ý đến sự nghèo đói, độc tài, tàn bạo và nguy hiểm của Bắc Triều Tiên cũng như những sự cách biệt một trời một vực giữa hai miền Bắc và Nam của Triều Tiên không phải chỉ là một tò mò bình thường. Mà còn là một nhu cầu nhận thức: Những sự khác biệt ấy, tự bản chất, là những khác biệt thuộc về chế độ.
Mà chế độ là một lựa chọn.Dĩ nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng được phép, trên thực tế, lựa chọn chế độ. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu sự lựa chọn ấy, trước hết, bằng nhận thức.
Ít nhất đủ để nhận diện được các quái thai chung quanh ta. Có khi rất gần với chúng ta.