“Gió mưa là bệnh của Trời ... Chia rẽ là tật của người Việt Nam!”
Chưa có một dân tộc nào mà sự chia rẽ, phân hóa đã nằm ngay trong khởi thủy, từ lúc mới tạo lập, thành hình. Ðó phải chăng là chuyện trăm trứng của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ ngày xửa ngày xưa! Trăm trứng ấy nở thành trăm người con trai. Ðang ăn yên ở yên, hòa thuận một nhà thì một ngày kia, bỗng Lạc Long Quân “trở chứng” nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được.”
Thế là hai người bèn chia con, kéo nhau đi mỗi người mỗi ngã, năm chục người theo mẹ về núi, năm chục người theo cha xuống biển. Truyền thuyết này không giải thích anh em khắc nhau như thế nào đến nỗi không ở với nhau được mà phải ruột thịt cắt đứt, thân ái chia lìa?
Từ đó, cùng là dòng dõi Rồng Tiên, nhưng họ khinh ghét nhau, xem nhau như thù địch.
Mảnh đất miền Trung chật hẹp lại hiểm trở, núi non lại gần biển cả, được cắt ra nhiều mảnh bằng những con sông, người Việt trong lịch sự đã nhiều lần dùng những con sông này, để cắt đất, dựng lên biên giới cho sự thù nghịch, không đội Trời chung.
Con sông chia cắt Nam-Bắc đầu tiên trong lịch sử là sông Gianh, còn được gọi là Linh Giang, nằm về phía Bắc tỉnh Quảng Bình là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672). Ðất nước chia cắt, bên kia sông là Bắc Hà, bên này sông là Nam Hà, bên ấy là Ðàng Ngoài, bên này là Ðàng Trong.
Trong thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia ra làm ba kỳ: Nam Kỳ (Cochinchine) đặt dưới quyền cai trị của Pháp, Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin) thuộc chế độ bảo hộ. Hầu hết người bình dân Việt Nam vẫn nghĩ đây là ba nước riêng biệt. Người Nam vẫn coi mình là người Việt (Diệt), còn Huế và Hà Nội là nước Huế, nước Bắc. Nhiều người cho đây là chính sách “chia để trị” của Ðế Quốc Pháp, nhưng người Việt Nam, khi không ai “chia để trị” cũng tự mình chia năm, xẻ bảy.
Sau hơn mười năm, cuộc chiến tranh Quốc-Cộng dằng dai, làm tan nát đất nước, ngày 20 Tháng Bảy 1954, kết thúc bằng Hội Nghị Geneve, Thụy Sĩ, đã chia cắt Việt Nam ra hai miền Nam-Bắc, lấy con sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị, gần với vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới. Sau gần 21 năm, đất Việt Nam “gọi là thống nhất” nhưng thực sự lại càng chia rẽ sâu xa về nhân tâm, chính kiến khó hàn gắn được.
Cái chế độ quái đản phát xuất từ Liên Xô đã làm nhiều quốc gia tan nát, chia rẽ trầm trọng. Nước Ðức đã sớm thức tỉnh vì dân trí cao, thống nhất trở thành một đất nước không cộng sản, nhưng Bắc Hàn còn mê ngủ với chế độ bưng bít, phong kiến, so với Nam Hàn còn cách biệt quá xa về kinh tế, văn hóa, khó lòng cho người dân được mở mắt mở lòng, tự do đến với loài người văn minh.
Cuộc đấu tranh giai cấp của chế độ cộng sản đã xô đẩy đất nước và con người Việt Nam vào chỗ chia rẽ hết sức khốn nạn. Dù trong thời Pháp thuộc, ở Việt Nam, nông nghiệp là chủ yếu, dù là có phú nông, trung nông nhưng không hề có chế độ nông nô, người có của, kẻ có công, đã tạo nên sự no ấm và thái bình cho xóm làng. Sau khi chiếm được miền Bắc, dưới chỉ đạo của đàn anh Trung Cộng, Bắc Việt đã cho phát động chiến dịch cải cách ruộng đất. Ðội Cải Cách Ruộng đất ra mắt làng xã, chiến dịch này chủ trương tất cả các gia đình trong xã làng phải được phân loại thành 5 thành phần: địa chủ, phú nông, bần nông, cố nông. Gia đình có hai con lợn đã có thể gọi là phú nông.
Thành phần địa chủ còn được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành: địa chủ gian ác, địa chủ thường, địa chủ có ủng hộ kháng chiến.
Chia rẽ nông dân, để giảm sức chống đối, đó là đường lối của chiến dịch. Khẩu hiệu của chiến thuật là: “Dựa vào bần cố nông, tranh thủ trung nông, cô lập phú nông, tập trung mũi nhọn vào địa chủ.” Ðó là chiến thuật “bẻ đũa thì bẻ từng chiếc.” Ai gây chia rẽ thâm độc bằng bọn cộng sản. Theo con số của nhiều nhà nghiên cứu, 15,000 người đã bị xử tử công khai hay bị bỏ đói cho đến chết. Theo báo Nhân Dân thì chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức, hoặc chưa kịp trả thù thì đã bị thủ tiêu trước.
Cộng sản luôn luôn hô to khẩu hiệu “Ðoàn Kết, Ðoàn Kết, Ðại Ðoàn Kết,” nhưng thực tế cộng sản là chế độ tìm cách phân loại nhân dân trầm trọng, chia rẽ dân tộc. Sau khi chiếm miền Nam, chế độ phân chia thành phần nhân dân thực hiện gay gắt, ai là “có công với cách mạng,” ai là “có nợ máu với nhân dân” rạch ròi, minh bạch. Chế độ tuyển sinh vào đại học cũng phân chia ra 13 thành phần, trong đó con cái “Ngụy” được xếp “ưu tiên” vào hạng chót. Chúng kêu gọi đoàn kết “để xây dựng đất nước,”nhưng dùng “hồng” thay “chuyên” nên bao nhiêu trí thức đã phải bỏ nước ra đi, chết sông chết biển, nay chúng lại nhọc công mở chiến dịch kêu gọi nhân tài về “phục vụ đất nước!”
Ðối với ngay trong hàng ngũ cán bộ, ăn ở cũng chia thành phần “đại táo” “tiểu táo,” chết cũng phân biệt chỗ chôn, như nghĩa trang Mai Dịch là một nghĩa trang liệt sĩ ở Hà Nội, chỉ dành cho những nhân vật có “đóng góp” cho đảng như các thứ trưởng, bộ trưởng, các ủy viên trung ương đảng trở lên; các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh xuất sắc; anh hùng lực lượng vũ trang v.v... trong khi ở miền Nam, tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, Ðại Tướng Lê Văn Tỵ cũng có thể nằm gần một người dân thường.
Không có một chế độ nào chia cách phân biệt bằng chế độ cộng sản. Hà Nội đã có câu ca dao sau đây để chỉ nơi tiêu thụ, mua bán hàng hóa:
“Hàng Bài là chợ Vua Quan, (Bộ Chính Trị)
Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần (bộ trưởng và đảng viên cao cấp)
Ðồng Xuân là chợ thương nhân,
Vỉa hè là chợ nhân dân, anh hùng!”
Dưới mắt người miền Nam thì sau năm 1975, người miền Bắc được chia làm ba loại: Bắc Kỳ Cũ (mộ phu vào những năm 41-42 hay di dân vào Nam sinh sống,) Bắc Kỳ 54 và Bắc Kỳ 75.
Có lẽ trong các loại chia rẽ, kỳ thị, đối với người Việt Nam Nam Bắc có lẽ là vấn đề nhậy cảm nhất. Vì miền Nam khí hậu tốt, đất đai màu mỡ, nên sau năm 1975, cộng sản đã chủ trương đưa hàng triệu người Bắc vào Nam, chiếm cứ đất đai, nhất là vùng cao nguyên, vừa là để đồng hóa miền Nam vừa để giãn dân miền Bắc. Tuy vậy, miền Nam ngày nay vẫn mang mặc cảm Bắc thuộc.
Trở lại với bản tính dân tộc, người Việt được xem là một dân tộc thông minh, cần cù, chăm chỉ nhưng đại... chia rẽ. Một người Việt Nam là tuyệt hảo, nhưng ba người Việt ngồi lại là... sinh chuyện, vì không ai phục ai, không ai nhường ai. Cổ nhân nói “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư- trong ba người cùng đi, tất phải có một người là thầy ta!” nhưng chúng ta phải nói lại: “Trong ba người Việt cùng đi, ai cũng cho mình là thầy cả, chẳng ai nhận là học trò của ai.”
Trong hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi, dựa vào sự chết để tìm sự sống, đáng lẽ người Việt hải ngoại phải đoàn kết hết lòng để tìm ra sinh lộ, nhưng ở đâu chúng ta cũng thấy phơi bày sự chia rẽ, bất phục lẫn nhau. Tình trạng các hội đoàn, cộng đồng ở hải ngoại, không nói riêng gì nước Mỹ, đã có nhiều nơi chia rẽ, phân hóa trầm trọng, dùng mọi cách để bêu xấu, công kích nhau. Nhiều hội đoàn tuy cùng một màu áo, cùng một mục đích đấu tranh, nhưng lại không thể ngồi chung với nhau, mà chia thành hai ba hội đoàn, làm mất đi sức mạnh đoàn kết.
Ngay trong một địa phương, một cộng đồng đại diện người Việt đã được tổ chức bầu bán, nhưng cũng còn một cộng đồng khác, khi ẩn khi hiện, nay ra tuyên cáo này, mai có thông cáo khác, để chứng tỏ sự có mặt của mình, cũng như để cho những ý kiến cộng đồng kia đưa ra là sai. Tình trạng tôn giáo ở nhiều địa phương cũng vậy!
Trên Internet mỗi ngày, người đọc gặp phải những bài viết chửi bới, với loại văn phong hạ cấp, không phải dành cho kẻ thù đã khiến cho anh phải bỏ nước ra đi, mà chính cho bạn bè, đồng hương, đồng ngũ của anh hay là những người chỉ vì không... đồng ý với anh. Vậy mà chúng ta luôn luôn cho mình là người yêu nước, kêu gào, đòi hỏi “giải thể” chế độ, đòi hỏi những chuyện long trời lở đất, trong khi chính cá nhân nhỏ bé, ích kỷ của mình chưa bước qua nổi cái tôi, cái danh, cái ích kỷ đang đè nặng trong lòng, thì mong gì chúng ta làm nổi được chuyện lớn.
Bản chất của cộng sản là chia rẽ, nhưng cũng dùng chính sách “chia để trị” nhất là trong chính sách đối với người Việt hải ngoại. Nhưng bản chất chia rẽ trong máu huyết của những con người gọi là “con Rồng, cháu Tiên,” đã có từ nguồn gốc, từ thời khai thiên, lập địa, chắc ngày một ngày hai, khó lòng mà gột rửa.
“Gió mưa là bệnh của Trời
Chia rẽ là tật của người Việt Nam!”
“Bệnh” hy vọng chữa lành, còn “tật” phải còn xem lại.