main billboard

Đến lúc này thì tôi thấy mình không thể yên lặng thêm được nữa, dù tôi có yên lặng họ cũng không để yên cho vợ chồng tôi.

huynhkhanhvyCô Huỳnh Khánh Vy. (Photo to courtesy Tưởng Năng Tiến Blog)

Trong số những người nhẩy núi đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, có hai nhân vật rất tăm tiếng (và cũng hơi hơi tai tiếng) mà nhiều người đã biết: ông Lữ Phương và ông Trương Như Tảng. Hai ông đều được trao cho những chức danh quan trọn.Tuy thế, những trang bút ký viết về cuộc “hành trình cách mạng” của cả hai nhân vật này lại chất chứa rất nhiều điều chua chát và cay đắng!

Đã có người nhận xét buồn phiền rằng ”A Vietcong Memoir by Truong Nhu Tang is about the death of a dream, a dream of an independent, peaceful and democratic Vietnam.” (Robert Manning. “Defeated by Victory.”  The New York Times 26 May 1985).  Dù vậy, ở điểm tận cùng của cái ước mơ (đã chết) này – nơi hai trang 260-260, trong cuốn hồi ký thượng dẫn –  nhà văn Phan Nhật Nam vẫn tìm ra được đôi chút  “an ủi” khiến người đọc cũng cảm thấy ấm lòng:

“Chỉ có điều an ủi khi ông nghĩ đến Loan, cô con gái đầu lòng hiện nay (năm 1978) đang ở Mỹ. Cô Loan đi Mỹ trước 1975 do Bà Nguyễn Văn Thiệu bảo lãnh vì Loan học cùng lớp với con gái bà ở Ðà Lạt từ tấm bé. Năm 1967, khi Trương Như Tảng vào tù, Ông Thiệu, tổng thống 'chế độ phản động Mỹ -Ngụy' có nói riêng với Loan: "Cháu yên tâm, ba cháu với tonton là kẻ đối nghịch. Nhưng, cháu luôn luôn được coi như là con cháu trong nhà nầy, chuyện kia không ăn nhằm gì cả..."

Trong cuốn bút ký “Những Chuyến Ra Đi” của ông Lữ Phương, nơi trang  56 và 57, cũng có vài câu “an ủi” tương tự:

“Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi!

Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hoá’ mọi quan hệ xã hội.”

Khác với ông Bộ Trưởng Tư Pháp Trương Như Tảng, ông Thứ Trưởng Văn Hoá Lữ Phương coi sự kiện “vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh,” và “được mọi người quen biết (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn) hết lòng giúp đỡ và che chở” một cách rất tự nhiên (và hơi khinh bạc) là “chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hoá’ mọi quan hệ xã hội.”

Hai chữ “ở đây” (trong đoạn văn dẫn thượng) tức là miền Nam Việt Nam, vùng địch tạm chiếm. Mảnh đất này, cuối cùng, cũng đã được giải phóng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Đến lúc này thì tôi thấy mình không thể yên lặng thêm được nữa, dù tôi có yên lặng họ cũng không để yên cho vợ chồng tôi.
    Huỳnh Khánh Vy

Ba mươi tám năm sau, sau cái ngày lịch sử đó – vào hôm 18 tháng 3 năm 2013 – trên trang Đàn Chim Việt có bài viết (“Cái “Tội” Vì Là Con Gái Của Người Bất Đồng Chính Kiến?!”) của một ngòi bút mới xuất hiện lần đầu:

“Tôi, Huỳnh Khánh Vy là một trong những trường hợp sống động của một nguyên tắc sống dưới chế độ Cộng sản: Bạn càng im lặng nhẫn nhịn, bạn càng bị đè bẹp bởi chính sách đàn áp của cộng sản. Họ không để cho một người sống khép kín như tôi được sống một cuộc sống bình thường, giản dị và yên tĩnh.

Sau một thời gian suy nghĩ, hôm nay tôi quyết định lên tiếng. Một phần để bày tỏ quan điểm cá nhân mà xưa nay vì nhiều lý do nên tôi phải yên lặng. Một phần nữa là để công khai những trò xấu xa mà chính quyền CSVN dùng để sách nhiễu tôi cũng như gia đình.

Trước tiên phải kể tới việc tôi được sinh ra trong một gia đình được coi là “phản động”. Năm 1992, ba tôi bị chính quyền CSVN bắt giữ với tội danh “tuyên truyền chống chế độ XHCN” theo điều 88 (bây giờ là “chống Nhà nước”). Ông bị kết án 10 năm tù giam và 4 năm quản chế. Lúc bấy giờ chị em tôi vẫn còn rất nhỏ. Chị tôi, Huỳnh Thục Vy mới lên 8, tôi 6 tuổi và em trai tôi Huỳnh Trọng Hiếu 4 tuổi. Tuy mới 6 tuổi nhưng hình ảnh ba bị đám công an còng tay bắt đi vẫn hằn sâu trong ký ức non nớt của tôi.

Rồi sau đó, gia đình tôi sống trong lo lắng và hoang mang. Cô tôi – Huỳnh Thị Thu Hồng không ít lần bị mời lên đồn công an để “làm việc” và họ đã hù dọa sẽ bắt bỏ tù luôn cả cô tôi. Bởi ai cũng biết rằng tình hình Việt Nam lúc đó rất tối tăm, cộng sản VN chưa bị áp lực từ cộng đồng quốc tế như bây giờ, nên họ rất hung hăng và lộng hành.

Đến năm 2002, ba hết hạn tù nhưng vẫn còn 4 năm quản chế nên ba không thể làm bất cứ việc gì, gánh nặng kinh tế đều đổ dồn lên vai hai cô tôi. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cùng với sự sách nhiễu không ngừng của nhà cầm quyền cộng sản, nên việc học hành của 3 chị em chúng tôi đều bị gián đoạn.

huynhkhanhvy giadinhGia đình Huỳnh Thục Vy: từ trái anh Huỳnh Trọng Hiếu, ông Huỳnh Ngọc Tuấn và blogger Huỳnh Thục Vy

Năm ba tôi ra tù, chị Thục Vy của tôi học lớp 12 nhưng chị phải bỏ không thi đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh gia đình không cho phép, dù chị là một học sinh học rất khá của một trường tốt nhất tỉnh Quảng Nam lúc đó. Em trai tôi – Huỳnh Trọng Hiếu thì bị cấm thi tốt nghiệp cấp 2 sau khi học hết lớp 9 với xếp loại giỏi, vì lý do mà Hiệu trưởng và Hiệu phó đưa ra là “thiếu tuổi” và nhà trường tuyên bố: nếu không học lại một năm lớp 9 nữa thì vẫn tiếp tục không được thi tốt nghiệp.

Sau sự việc này, con trai thầy Hiệu phó của trường em trai tôi nhận được việc làm ngay trong một công ty quốc doanh lớn, rồi được thăng chức thành trưởng phòng không lâu sau đó, rồi được cấp đất ở thành phố Tam Kỳ. Sự việc này đường như khó tin nhưng đó là sự thật – một sự thật về sự đàn áp bẩn thỉu mà chính quyền này đã áp đặt lên việc học hành của em trai tôi. Nhưng lúc đó gia đình tôi không biết kêu gọi sự giúp đỡ của ai. Từ một vùng quê nghèo khổ, cả gia đình tôi phải sống trong sự sách nhiễu thường xuyên, trong sự nghèo đói và bị bỏ rơi.

Tôi là người duy nhất trong gia đình được đi học đại học sau 3 năm đi làm công nhân cho một công ty của Nhật Bản. Gia đình đã đặt rất nhiều hy vọng vào tôi, rằng sau khi tốt nghiệp đại học tôi có thể có việc làm tốt và chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế của gia đình. Nếu tôi cũng lên tiếng, tôi sẽ bị đuổi học và ai sẽ là người hiểu cho hoàn cảnh thất học của tôi?

Đó là lý do khiến cho tôi phải yên lặng, không hề tham gia bất cứ hoạt động lên tiếng nào cùng với gia đình. Mặc dù, tôi nhận thức rõ những bất công cũng như tội ác kinh khủng của CSVN đã gây ra với đất nước và dân tộc này. Tôi nghĩ rằng nếu mình yên lặng thì họ sẽ để yên cho tôi và như vậy tôi có thể đi làm và giúp đỡ gia đình và đó cũng là cách tôi ủng hộ những việc làm của ba, của chị Hai và em trai tôi.

Nhưng mọi việc không như tôi nghĩ, đến tháng 12 năm 2011 sau hai trận bố ráp của an ninh tỉnh Quảng Nam và sau đó là ba Quyết định xử phạt được áp đặt cho ba, chị Hai và em trai tôi là những trò xấu xa đối với vợ chồng tôi. Đầu tiên, an ninh thành phố Đà Nẵng tới Công ty tôi thực tập (ở Đà nẵng) đe dọa Giám đốc để họ không ký giấy thực tập Tốt nghiệp cho tôi. Cũng may Hồ sơ thực tập của tôi đã được ký trước đó hai ngày.

Tiếp đó, họ đến khoa Ngoại Ngữ trường đại học nơi tôi đã từng theo học, để “làm việc” với Khoa trước khi tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Luận văn Tốt nghiệp của tôi là Bản dịch thuật một báo cáo hằng năm của Human Rights Watch về tình hình đàn áp Nhân quyền ở Ai Cập trước khi chế độ Hosni Mubarak sụp đổ. Họ cố tình can thiệp, đe dọa Nhà trường nhằm mục đích không cho tôi tốt nghiệp, nhưng do kết quả học tập cũng như sự bảo vệ của cô giáo chủ nhiệm, tôi đã được ra trường với kết quả bảo vệ luận văn không cao như tôi nghĩ.

Đến ngày 1/7/2012 hai vợ chồng tôi cùng với vợ chồng chị Thục Vy và em trai tham gia biểu tình chống Trung Quốc để bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đổi lại, những gì chúng tôi nhận được từ chính quyền CSVN là sự bắt bớ và đánh đập, chị gái tôi bị bắt cóc đưa về Quảng Nam, riêng chồng tôi bị tịch thu laptop chuyên dụng trị giá gần 20 triệu với lý do là “khấu trừ vào tiền phạt” của chị Thục Vy.

Cũng từ khi đó, họ tăng cường sách nhiễu vợ chồng tôi như: nửa đêm đến đập cửa quát tháo đòi kiểm tra tạm trú, chặn xe giữa đường kiểm tra xe và đòi tịch thu giấy tờ xe, cho côn đồ lấy cắp máy tính ở nhà trọ của vợ chồng tôi, áp lực với chủ nhà không cho tôi thuê nhà, gọi điện sách nhiễu giám đốc Công ty nơi chồng tôi làm việc, nghe lén điện thoại…

Còn buồn cười hơn nữa là ngày đám cưới tôi có một tên an ninh Đà Nẵng tới “hỏi thăm” và đi theo chúng tôi tới tận nhà hàng, đợi đến khi hết tiệc mới ra về. Những sách nhiễu đó không đủ để truyền thông quan tâm đến vợ chồng tôi nhưng là quá nhiều để vợ chồng tôi có thể sống một cuộc sống bình thường.

Bao lâu nay, vợ chồng tôi vẫn âm thầm chịu đựng những sách nhiễu bẩn thỉu như thế, vì không có sự quan tâm của truyền thông, cũng vì chúng tôi là những người vô danh. Những lần lên tiếng của ba và chị tôi về tình hình bị sách nhiễu của vợ chồng tôi cũng không được ai quan tâm, chúng tôi cảm thấy vô cùng cô đơn. Tôi thực sự muốn biết mình đã làm gì khiến chính quyền này phải “bận tâm” như vậy.

    Bạn càng im lặng nhẫn nhịn, bạn càng bị đè bẹp bởi chính sách đàn áp của cộng sản. Họ không để cho một người sống khép kín như tôi được sống một cuộc sống bình thường.
    Huỳnh Khánh Vy

Gần đây, tôi làm hồ sơ xin học bổng du học tại Úc. Cách đây hơn hai tuần tôi có nhờ giáo viên chủ nhiệm – người mà xưa nay tôi thầm kính trọng về tư cách – làm người viết thư giới thiệu tôi. Ban đầu cô vui vẻ đồng ý nhưng hai hôm sau tôi đến gặp, cô nói có một vài việc gia đình nên chưa ký được. Cô hẹn tuần sau sẽ ký. Nhưng hai ngày sau thì tôi sinh em bé. Tôi nhờ chồng liên lạc với cô. Qua điện thoại, cô nói đã có việc rắc rối và cô mời chồng tôi lên Khoa Ngoại ngữ của trường nói chuyện. Chồng tôi lên, được cô cho biết là công an Đà Nẵng đã gửi công văn xuống cho trường yêu cầu không được dùng con dấu của trường vào mục đích khác (?!) và cấm sinh viên dùng Facebook.

Tôi nghĩ việc xác nhận và giới thiệu cho một sinh viên cũ của mình là một việc hoàn toàn bình thường và không có gì là khó khăn cả. Nhưng cả đến việc nhỏ như vậy chính quyền CS cũng phải dùng tới một công văn chỉ đạo cấm đoán. Chắc hẳn, họ phải thù ghét gia đình tôi đến tột cùng nên muốn chặn mọi đường sống và tiến thân của chúng tôi như thế.

Đến lúc này thì tôi thấy mình không thể yên lặng thêm được nữa, dù tôi có yên lặng họ cũng không để yên cho vợ chồng tôi. Thế nên hôm nay tôi quết định lên tiếng và từ nay về sau tôi sẽ còn tiếp tục nói để họ thấy rằng tôi không bị đè bẹp như họ nghĩ. Tôi sẽ lên tiếng bảo vệ cuộc sống của vợ chồng tôi, cũng là để bảo vệ cuộc sống của cô con gái mới sinh của mình, góp phần vạch trần những bất công trong xã hội cộng sản này, đặc biệt là những sách nhiễu nhắm vào những gia đình bất đồng chính kiến như gia đình tôi. Tôi sẽ làm tất cả để sát cánh cùng gia đình mình lên tiếng phản đối những thối nát của hệ thống cộng sản này. Và tôi rất mong công luận sẽ ủng hộ, bảo vệ vợ chồng tôi.

17/3/2013


Mấy hôm sau, vào ngày 20 tháng 3 năm 2013, cũng trên trang Đàn chim Việt, độc giả lại được đọc thêm một bài viết nữa (“Những Sách Nhiễu Bẩn Thỉu”) của cô Huỳnh Thục Vy, trưởng nữ của ông Huỳnh Ngọc Tuấn:

“Em gái tôi-Huỳnh Khánh Vy mới sinh em bé được 20 ngày. Em bé sinh thiếu tháng nên rất yếu và bị nhiễm trùng từ lúc mới sinh ra. Gia đình chúng tôi lại mới đưa em bé mới sinh nhập viện lần thứ hai ở Đà Nẵng cách đây hai ngày, vì sau khi về nhà cháu lại bị thiếu máu, nhiễm trùng rốn và vàng da. Các em tôi phải trở lại Đà Nẵng để chăm lo cho cháu bé.

Giữa lúc chúng tôi đang lo lắng cho sức khỏe của cháu bé và của em gái tôi Khánh Vy thì công an lại dở trò bẩn thỉu. Sáng nay, công an Đà Nẵng đã tới phòng trọ của Khánh Vy gây rối đòi Khánh Vy, Hiếu và Minh Đức xuất trình giấy tờ. Các em tôi không cho công an vào phòng trọ vì Khánh Vy chưa hết thời gian ở cử, rất yếu và dễ bị bệnh hậu sản. Họ  đã quát tháo to tiếng và  đe dọa sẽ bắt các em tôi vì tội chống người thi hành công vụ.

Sự sách nhiễu này của an ninh đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của Khánh Vy. Bây giờ Khánh Vy đang bị chặn ở nhà trọ không lên bệnh viện thăm cháu bé được. Ngay lúc tôi viết những dòng này, an ninh Đà Nẵng đang làm việc với chủ nhà trọ. Trong những ngày sắp tới, không biết các em tôi sẽ ở đâu? Nếu không được lưu trú ở Đà Nẵng, Khánh Vy làm sao đến  thăm em bé đang nằm bệnh viện? Những đàn áp xấu xa này nhắm vào sản phụ và trẻ sơ sinh đã cho thấy bộ mặt phi nhân cùng cực của Chính quyền Cộng sản Việt Nam.

“Bộ mặt phi nhân cùng cực của chính quyền Cộng Sản” thì rất nhiều người Việt Nam đều đã rõ, và rõ ngay cả trước ông Huỳnh Ngọc Tuấn chào đời – vào năm 1959. Tuy thế, sự phi nhân này vẫn có thể tiếp tục ngự trị và di lụy đến hết thế hệ này sang thế hệ kế khác!

Tại sao? Có lẽ đã đến lúc mà tất cả chúng ta nên vấn tâm tự hỏi có phải vì vận nước tới hồi suy hay chỉ vì dân tộc nào thì số phận đó thôi?