Những xác heo nổi lên trên con sông Hoàng Phố chảy qua thành phố Thượng Hải là một hình ảnh làm xấu mặt một quốc gia và một chế độ.
Đây là một quốc gia đang hãnh diện về những tiến bộ sau ba chục năm xóa bỏ kinh tế chỉ huy để thả cho dân kinh doanh theo lối tư bản. Đây là một thành phố lớn nhất và giầu nhất nước, với 23 triệu dân, đông hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng trong hơn hai tuần qua, đã thấy hơn 16,000 xác heo trôi lềnh bềnh trên con sông, nguồn cung cấp nước uống, nước dùng cho dân chúng.
Trung Quốc
Những xác heo này phô bầy mặt trái của cảnh phồn thịnh tại Trung Quốc. Hoàng Phố là một chi lưu chảy vào Trường Giang (sông Dương Tử), sau khi phát xuất từ Thái Hồ, chảy qua các tỉnh Triết Giang và Giang Tô. Trên sông Hoàng Phố đã tìm thấy hơn 10,000 xác heo, trên các con sông nhánh hơn 6,000 xác nữa. Chính quyền Thượng Hải đã trấn an dân rằng nước sông lấy lên vẫn uống được, không nguy hiểm cho người dùng, có lẽ vì bệnh heo mang tên “porcine circovirus” không lây cho người. Nhưng dù người dân có cẩn thận đun sôi nước trước khi uống thì họ vẫn cảm thấy ghê ghê ngay cả khi dùng nước để rửa tay.
Tháng Giêng năm nay, dân cư bên dòng sông mới thấy xác heo trôi đã phải nhịn nước uống nhiều ngày sau khi một nhà máy thải chất benzene xuống dòng sông, hơn 20 người ngộ độc phải vào bệnh viện. Cũng trong tháng đó, ở tỉnh Quảng Đông gần 1,000 con heo phải đem giết và chôn sau khi phát hiện bị bệnh “mồm và móng.” Có lẽ các nhà nuôi heo ở Triết Giang thấy heo bị bệnh đã đem vứt xuống sông trước khi bị khám phá, để đỡ tốn tiền thuê người giết heo và chôn heo. Người dân phải tự hỏi không biết guồng máy y tế, cơ aun kiểm dịch gia súc của đảng cộng sản làm việc như thế nào mà để hàng chục ngàn xác heo trôi trên con sông chảy qua một thành phố lớn như vậy?
Tôi mới gặp một người bạn gốc Trung Hoa, đang làm giáo sư kinh tế học tại một đại học ở British Columbia, Canada; mỗi năm anh thường trở về lục địa Trung Quốc tuyển sinh viên từ nhiều thành phố. Anh nói không thể nào về nước dạy học được, vì môi trường sống quá xấu. Không cần nói tới những hình ảnh bụi, khói dầy đặc ở các đô thị như Bắc Kinh, Thiên Tân không thể nào thở nổi; theo anh, tai họa môi trường lớn nhất là nước bị ô nhiễm. Anh kể đã trở về nơi từng sống tại Vân Nam, khi cha mẹ anh bị tống khỏi Bắc Kinh, đầy đi lao động trong thời Cách mạng Văn hóa. Anh tìm lại cái hồ mà thủa nhỏ anh vẫn bơi lội dưới nước trong veo; nay thì cả hồ nước đục ngầu một mầu xanh, trông như đông quánh lại. Tại sao môi trường sống suy đồi như vậy? Lý do chính, theo anh, là bộ máy chính quyền chỉ lo cho chính họ, không lo cho đời sống của dân chúng.
Cảnh tượng 16,000 xác heo trôi sông khiến người dân Trung Hoa thấy rõ cảnh bất lực của chính quyền trong việc bảo vệ môi trường sống và bảo vệ sức khỏe của dân chúng. Sự bất lực đó là hậu quả của tình trạng cả bộ máy quyền hành chỉ do một đảng nắm giữ. Họ phân phát các chức vụ, địa vị cho các đảng viên. Chế độ độc quyền tạo nên một bộ máy cai trị không ai chịu trách nhiệm với người dân. Dân chúng không có quyền bỏ phiếu bãi miễn các quan chức, từ trên xuống dưới. Thái độ tự nhiên của các cán bộ là chỉ lo làm sao làm đúng chỉ thị của cấp trên, con đường duy nhất để được thăng tiến và tiếp tục hưởng các quyền lợi ưu đãi.
Hơn 16,000 cái xác heo trên sông Hoàng Phố sẽ khiến người dân Trung Hoa bình thường phải lo lắng và suy nghĩ, không những về môi trường sống mà cả về chế độ chính trị trên đất nước họ. Những xác heo nổi lên đúng vào dịp Trung Quốc trình diện chính phủ mới, có thể coi là một điềm báo động là người dân không thể tiếp tục sống dưới chế độ độc quyền chính trị mãi. Những vấn đề đe dọa uy tín của đảng Cộng sản đã tồn tại từ lâu, nếu không sớm giải quyết thì lòng kiên nhẫn chịu đựng của người dân sẽ đến lúc chấm dứt.
Môi trường sống suy đồi chỉ là một vấn đề. Nạn tham nhũng vẫn hoành hành, vụ vợ chồng Bạc Hy Lai nhanh chóng bị đưa ra tòa chỉ khiến người dân thấy còn rất nhiều quan chức cũng làm giầu bất chính như họ, nhưng chưa bị tố giác chỉ vì không nuôi tham vọng lớn và vội vàng quá như họ Bạc. Tình trạng bất công xã hội vẫn hiển hiện, con cái các quan chức ăn chơi phung phí với xe mới, quần áo, trang sức đắt tiền càng gây thêm bất mãn. Chênh lệch giầu nghèo giữa nông thôn và các đô thị vẫn được bảo vệ với chế độ hộ khẩu khiến hàng trăm triệu nông dân ra thành phố sống bị đối xử phân biệt không khác gì chế độ kỳ thị da trắng, da đen ở Nam Phi trước đây. Vấn đề nóng bỏng nhất cho hàng ngũ lãnh đạo mới là tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt buộc phải giảm bớt, để cho nền kinh tế không quá lệ thuộc vào việc xuất cảng, trong khi dân tiêu thụ không được chiếu cố. Nhưng muốn cho kinh tế quân bình hơn thì phải gảm bớt không cho các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục vay những số tiền chung của quốc dân rồi không trả lại được. Việc cải tổ đó sẽ đụng chạm quyền lợi mà các cán bộ đương thụ hưởng.
Ông Lý Khắc Thành, tân thủ tướng, cố ý chứng tỏ ông không giống người tiền nhiệm. Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông đã nói phải làm việc, thay vì hô hào suông. Rõ ràng, ông ám chỉ cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, người vẫn lên tiếng hô hào dân chủ hóa bao nhiêu lần nhưng không làm gì để người dân được thi hành các quyền dân chủ, ít nhất là trong việc bầu cử các quan chức địa phương. Người dân dù bị ngăn cản thông tin nhưng cũng biết là bà mẹ, bà vợ, các con, và anh chị em của Ôn Gia Bảo đã tích lũy được tài sản nhiều tỷ đô la Mỹ trong 10 năm ông ta cầm quyền. Lý Khắc Thành đã ngồi trong hàng ngũ lãnh đạo từ mươi năm nay, làm phó thủ tướng từ năm năm, nhưng hiện nay tài sản rất khiêm tốn. Bà vợ ông là một nhà giáo, không tham dự vào việc kinh doanh nào cả; đó chắc là điều ông sẽ cố giữ. Ông còn bảo muốn làm trong sạch chế độ thì phải tự mình bắt đầu trong sạch đã; rồi nói rõ hơn: “Sau khi bước vào bộ máy công quyền, chúng ta phải chấm dứt không nghĩ tới việc kiếm tiền nữa.” Những ý kiến đó nhắm vào ông Ôn Gia Bảo, ai cũng thấy. Nhưng ông Lý Khắc Thành sẽ làm gì, trong năm, mười năm nữa người dân Trung Hoa mới biết.
Liệu dân Trung Hoa có đủ kiên nhẫn để chờ đời thêm 10 năm nữa hay không? Nhiều người nghĩ là không, vì xã hội đang thay đổi với 500 triệu người có thể hàng ngày vào internet theo dõi các tin tức. Một tầng lớp trung lưu đã thành hình, bắt đầu cảm thấy cuộc sống cần phải có tự do thì mới bảo đảm được tương lai. Theo kinh nghiệm lịch sử, khi kinh tế phát triển tới một mức đủ ăn, đủ mặc thì người ta sẽ đòi dân chủ hóa. Tất nhiên, không phải chỉ những nước mà kinh tế tiến đến hàng “trung lưu” mới dân chủ hóa, nhưng ở các nước mà người dân đã đạt được “lợi tức trung lưu” thì các phong trào đòi dân chủ lên cao. Trong số 31 quốc gia đã dân chủ hóa trong mấy chục năm cuối thế kỷ 20, có 27 nước kinh tế thuộc loại này.
Cuối thập niên 1980, lợi tức đầu người ở Nam Hàn là trên 6,500 đô la, ở Đài Loan là gần 8,000 đô la (cả hai đều tính theo lối PPP – purchasing power parity – để điều chỉnh theo giá sinh hoạt địa phương). Đó là thời kỳ dân hai nước này nổi lên đòi dân chủ. Năm 1999, lợi tức đầu người ở Nga cũng lên tới 9,000 đô la, ở Hungary tới 6,000 đô la. Cả hai nước cộng sản đó cũng bắt đầu tiến trình dân chủ hóa.
Hiện nay lợi tức bình quân của người Trung Hoa ở lục địa đã lên tới hơn 7,500 đô la. So với lợi tức của người Nam Hàn và Đài Loan thời 1988 thì vẫn còn thấp, vì đồng tiền bây giờ chỉ có giá trị bằng một nửa đồng tiền thời đó. Nhưng theo đà tăng trưởng hiện nay, đến năm 2017 thì lợi tức của dân lục địa sẽ lên tới 12,000, tới năm 2020 sẽ lên tới 15,000 đô la mỗi đầu người, tương đương với dân Nam Hàn và Đài Loan lúc họ bắt đầu bước vào chế độ dân chủ.
Năm 2017 sẽ có một đại hội của đảng Cộng sản Trung Hoa. Đó có thể là một thời điểm để dân chúng tạo áp lực trên nhóm lãnh đạo Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường ngay từ trước khi họp đại hội, đòi phải dân chủ hóa. Nhưng người ta không nhất thiết phải chờ đến lúc đó. Vì 16,000 xác heo chết nổi lềnh bềnh trên sông là một điềm xấu, cho thấy cả chế độ đã “ung thối” đến mức không thể nào che đậy được.