Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức.
Hoàng tử Cảnh và giám mục Bá Đa Lộc
Cuối thế kỷ 18, trong giai đoạn Nguyễn Ánh còn long đong bôn ba khắp miền nam, có khi phải ra khỏi đất liền mưu việc phục quốc vì thất bại trước lực lương Tây sơn quá hùng mạnh. Có lúc, qua các giáo sĩ Tây phương làm trung gian, nhà vua phải cầu cứu Pháp.
Cầu viện thì cần con tin, Nguyễn Ánh phải gửi người con đầu là Nguyễn Phúc Cảnh theo Giáo sĩ Bá đa lộc (Pierre Pigneau de Behaine) vượt biển sang Pháp. Từ đó hình ảnh hoàng tử Cảnh và Bá đa lộc đi đôi trong sách giáo khoa lịch sử VN trước 1945.
Hoàng tử Cảnh tức Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801) là con trưởng của Nguyễn Ánh đã để cả tuổi thơ làm sứ giả ngoại giao. Xem đó, Đông cung cảnh có công lao rất nhiều trong việc tái lập Nguyễn triều sau bao nhiêu năm bị Tây sơn xóa sổ.
Lịch sử ghi rằng:
Mùa hạ năm Quý Mão (1783), Nguyễn vương nhờ giáo sĩ Bá Đa Lộc (tục gọi là Cha Cả) sang Pháp cầu viện, Hoàng tử Cảnh (khi đó mới 3 tuổi) theo làm con tin. Phái đoàn đã được vua Pháp là Louis XVI cho tiếp kiến và được phía Pháp hứa cấp 4 tàu chiến, 1200 bộ binh và 200 pháo binh… với điều kiện phía An nam phải nhường đất và nhường một số quyền cho Pháp. Nhưng hiệp ước không thành vì có quyền thần người Pháp cản trở. Tuy nhiên, Bá đa lộc quyết giúp Nguyễn vương nên mộ người mua súng sang giúp vua.
Tháng 7 năm 1789 Nguyễn Phúc Cảnh và Bá Đa Lộc về đến Việt nam. Cùng đi theo có một số người Pháp như: Philippe Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn), Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng). Nhóm này như thành tựu bước đầu của Nguyễn Ánh để chỉnh đốn lực lượng tranh giành vương quyền với Tây Sơn.
Tháng tư năm Tân Hợi (1791), bà thứ phi của Minh Mệnh sinh ra hoàng tử thứ tư là Đảm ở Sài gòn. Tháng ba năm Quý Sửu (1793) thì vương lập Hoàng tử Cảnh làm đông cung, phong chức nguyên súy, lãnh tả-quân doanh.
Nhưng khi Gia Long đã thống nhất được đất nước lại là lúc Hoàng tử Cảnh thiệt mạng vì bạo bệnh vào năm 1801. Cảnh để lại vợ góa rất trẻ là Tống thị Quyên có nhan sắc khuynh thành và hai đứa con thơ là Mỹ Đường (Hoàng tôn Đán) và Mỹ Thùy.
Theo thông lệ của chế độ phong kiến thì Gia Long phải truyền ngôi cho cháu đích tôn (Mỹ Đường) như trường hợp Minh thái tổ khi thái tử là Chu Tiêu chết sớm đã truyền ngôi cho con Chu Tiêu là Doãn Văn (Minh Huệ đế) nhưng Gia Long lại truyền ngôi cho hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mệnh hay Minh Mạng 1791-1841). Việc này quần thần có nhiều người không đồng ý, trong đó có Lê văn Duyệt.
Minh Mệnh lên ngôi năm 1820 không khỏi có mối lo dòng chính sẽ có người khuông phù và uy quyền của mình bị đe dọa nên nhà vua khôn ngoan này có kế hoạch diệt trừ mầm mống “nội loạn” bằng cách loại trừ con cái đông cung Cảnh ra khỏi cán cân quyền lực.
Trong hoàn cảnh này xảy ra một nghi án. Hoàng thái phi, Tống thị Quyên, góa phụ của Hoàng tử Cảnh bị buộc tội là thông dâm với con ruột.
Câu chuyện bại hoại khó tin này xảy ra vào khoảng năm 1825, năm thứ năm khi Minh Mệnh đã củng cố quyền lực. Vụ án xảy ra chỉ theo lời đồn đại vô bằng cớ và không được xét xử vì là chuyện xấu trong cung… Truyền thuyết kể rằng một hôm một cung nữ hầu trong phủ Hoàng tôn Đán (tức Mỹ Đường) thấy đôi giày đàn bà lạ ở dưới gầm giường của hoàng tôn và sau đó mới biết là giày của hoàng phi Tống thị Quyên… Phát giác động trời này đến tai vua. Nhà vua nổi giận phán rằng: “Hành vi của nó hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình của Anh Duệ Hoàng thái tử nên lượng thứ phần nào nhưng không thể không làm tội !”
Vua tức tốc sai Lê văn Duyệt điều tra và bản án loạn luân được ban ra như sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép sự kiện thê thảm này như sau:
Năm Minh Mạng thứ năm (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị. Tống thị vì thế bị dìm nước cho chết, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân, con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất. Năm Minh Mạng thứ bảy (1826), Mỹ Thùy lại bị quân lính ở đạo Dực Chẩn kiện, sắp bị đưa cho đình thần nghị tội thì Mỹ Thùy bị bệnh mà mất, lúc ấy chưa có con cái gì. Vua cho lấy con trưởng của Mỹ Đường là Lệ Chung, tập phong làm Ứng Hòa Hầu để lo việc phụng thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử (tức Hoàng tử Cảnh )…
Tưởng bi kịch đến đó là hết, nào dè đến năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vì sợ con cái của Lệ Chung nhờ cha mà hưởng phúc ấm, nên triều thần lại tiếp tục nghị tội, buộc con trai con gái của Lệ Chung là Lệ Ngân, Thị Văn, Thị Dao đều phải giáng làm thứ dân. Mãi đến năm Tự Đức thứ hai (1848), khi Mỹ Đường bị bệnh mất, dòng dõi của Hoàng tử Cảnh mới tạm yên ở phận dân thường!
Trong Việt Sử Giai Thoại tập 8, tr.12, NXB Giáo Dục, Tác giả Nguyễn Khắc Thuần có lời bình đáng suy gẫm như sau: …Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh (tức Đán) chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ!…”
Theo Nguyễn thị Chân Quỳnh chép từ Đại Nam Việt Quấc Triều Sử ký, không rõ tác giả, ấn bản 1879, cũng đã nhận định như sau:
Minh Mệnh lên ngôi là do sự quyết định của Gia Long, không phải do mưu mô, giành giật mà chiếm được ngai vàng. Nhưng đối trước những phản ứng bất thuận lợi của một số triều thần mà sau 5 năm trị vì nhà vua vẫn không dẹp nổi, có thể Minh Mệnh đã ra tay “trừ hậu hoạn”. Nếu các con Đông Cung chết, hoặc không còn hy vọng lên nối ngôi thì bọn phản thần, bọn làm giặc… sẽ như rắn không đầu, còn dựa vào đâu mà mưu mô mà chống đối?
Các nhà nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn không tin vào cái án loạn luân mà triều đình đưa ra mà cho rằng đó là thủ đoan diệt trừ mầm họa vì Mỹ Đường có thể bị lợi dụng như một biểu tượng tranh chấp quyền bình với Minh Mệnh như sau này Lê văn Khôi đã sử dụng.
Nhưng nếu chỉ muốn diệt trừ Mỹ Đường thì thiếu gì cách khi Minh Mệnh có uy quyền trong tay. Tại sao lại lôi Tống thị Quyên, một giai nhân bạc mệnh vào tội loạn luân? Hẳn nhà vua muốn nhổ cỏ nhổ tận rễ, không còn họa nào do ngành chính gây ra nữa vì kẻ phạm tội loại này bị coi như không còn xứng đáng trong hoàng tộc nữa.
Một học giả nổi danh, sống không xa vụ án Mỹ Đường là Pétrus Ký, trong một cuốn sách giáo khoa về sử viết bằng tiếng Pháp dành cho học sinh Việt nam đã viết về vụ này và giải thích tại sao Minh Mệnh lại muốn giết Tống thị Quyên.
Pétrus Ký trong tập Cours d’ histoire annamite thuật lại rằng theo lời đồn vua Minh Mạng “đi lại” với chị dâu góa (tức Tống Thị Quyên, vợ Hoàng tử Cảnh), khi chị có thai, bèn kết tội lang chạ và ghép án tử hình, chết chung với hai đứa con trai (Hoàng tôn Đán tức Mỹ Đường và Mỹ Thùy). Học giả lại còn phụ chú rằng vua cho chọn “tam ban triều điển”: tự tử bằng thuốc độc, thắt cổ, hoặc dao găm cho mẹ con họ Tống.
(Son frère Cảnh était mort, laissant deux fils; leur perte fut résolu. Minh Mang, dit-on, eut des relations avec la veuve de son père et la rendit enceinte. Quand la grossesse fut apparante, il a condamné à mort pour inceste, elle et ses deux fils, ses deux propres neveux. Il leur accorda cependant la faveur de choix du genre de mort.)
Pétrus Ký nhận xét rằng đây là một “tội ác” vì Minh Mạng là người có bản chất “ác độc, lạnh lẽo, tối tăm và gian xảo” [nature méchante, froide, sombre et fausse]
Một số nhà nghiên cứu vẫn sao chép lại nguồn tin trên nhưng dời ngày Hoàng tôn Đán bị giết từ 1824 tới 1835.
Giáo sư Nguyễn văn Trung trong hồ sơ Lục châu học cũng như Trần Trọng Kim, bác nguồn tin rằng Minh Mạng ăn nằm với chị dâu sau đó khi bà Tống mang bầu thì tìm cách giết người bịt miệng.
Giáo sư lập luận:
“Cái chết của vợ và hai con Đông cung Cảnh, học giả Trương vĩnh Ký (cours d’histoireAnn II.p-260, Saigon 1877) đã cho rằng nhà vua tư thông với bà mẹ, cho tới lúc có bầu viện cớ lỗi loạn luân mà giết cả ba mẹ con” là không chính xác.
Ông Trung lý luận “hậu sinh có thể chê trách gì về Minh mệnh thì cứ chê nhưng về tình dục thì có lẽ không. Minh Mệnh là một nho sĩ nghiêm túc, lại có đủ vợ, hơn nhiều là khác cho nhu cầu sắc dục, không lẽ gì mà tằng tịu với bà chị dâu đã quá thời xuân sắc.”
Lý luận của giáo sư Trung không thuyết phục được mọi người. Trước hết bà Tống thị nổi tiếng là danh hoa triều Nguyễn, tam cung lục viện của Gia Long và Minh Mạng không ai sánh bằng và khi chồng chết tuổi mới chừng hai chục (1801). Mười năm sau chồng chết, Tống thị ở tuổi ba mươi, trong khi khi ấy hoàng tử Đảm (Minh Mạng) ở tuổi thanh niên cường tráng (sinh 1791). Như thế việc qua lại giữa hoàng tử và chị dâu góa bụa (hoàng tử Cảnh là anh khác mẹ của hoàng tử Đảm) đã có từ lâu và có thể diễn tiến bí mật trước khi Minh mạng đăng quang. Có thể ông hoàng tử khôn ngoan này cho rằng đó là cách nắm giữ quyền hành cho dù Mỹ Đường có lên ngôi chăng nữa vì mình là hoàng thúc được hoàng thái hậu tín cẩn hẳn được giao hết quyền bính. Hơn nữa, Minh Mạng là ông vua hiếu dâm nổi tiếng trong lịch sử VN.
Vua Minh Mạng
Lịch sử đã ghi ghi lại ông có tới có 43 bà vợ, 142 người con, 78 trai, 64 gái dù chỉ thọ 50 tuổi.
Một vị vua cường tráng như thế thì việc dan díu với một đóa hoa hương sắc trong tuổi nửa chừng xuân không hẳn là chuyện lạ nhất là khi có toàn quyền “chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!” (So sánh với chuyện mẹ con thông dâm thì khó tin hơn nhiều!)
Hiển nhiên học giả tiền bối Trường Vĩnh Ký (1837-1898) khi nhắc tới nghi án Tống thị Quyên cũng chỉ thuật lại lời đồn đại mà thôi và giáo sư Nguyễn văn Trung bác thuyết này cũng chỉ do lý luận thuần túy. Cả hai đều không có bằng cớ xác đáng bênh hay chống Minh Mệnh. Sự thực thế nào có lẽ hậu thế chẳng bao giờ biết được!
Chu Nguyễn