main billboard

Hầu như người Việt Nam nào có bước chân tới trường, qua ngưỡng cửa trung học (cấp 2) cũng ít nhiều biết được tên thật của vua Gia Long (1802-1819), người khai sáng triều Nguyễn, là Ánh – Nguyễn Phúc Ánh.




nhanvat vuagialong
Chân dung vua Gia Long trên một tạp chí tiếng Pháp

Hầu như người Việt Nam nào có bước chân tới trường, qua ngưỡng cửa trung học (cấp 2) cũng ít nhiều biết được tên thật của vua Gia Long (1802-1819), người khai sáng triều Nguyễn, là Ánh – Nguyễn Phúc Ánh. Thế nhưng Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (sẽ gọi tắt là Thế phả) -- bộ tộc phả mới nhất của họ Nguyễn Phúc – lại ghi húy của vua Gia Long là Anh.

Sách viết, “Thế Tổ Cao Hoàng Đế húy Nguyễn Phúc Anh ” (tr.215) và giải thích ở chú thích (2) rằng, “Đức Thế Tổ [Gia Long] lúc nhỏ có tên Chủng 種 sau đức Hưng Tổ [Nguyễn Phúc Côn] chọn một chữ trong bộ 日 Nhật để đặt tên cho ngài, gồm bên trái là chữ 日 Nhật bên phải là chữ 英 Anh (theo Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu), bản dịch Đại Nam Thực Lục Chính Biên của Viện Sử Học Hà Nội thì chép bên trái chữ 日Nhật bên phải chữ Ương 央 . Nguyên hai chữ trên đều có cùng nghĩa, cùng âm. Theo phiên thiết ở Khang Hy Tự điển đọc là ánh nhưng âm Anh nên ngày trước đọc là Anh. Vì thế trong dòng họ đều kiêng và đọc trại ra chữ Anh thành Yên, anh em thì đọc thành yên em [VHA nhấn mạnh].” (tr.215)

Chúng tôi không nghĩ như thế và vẫn tin rằng húy của vua Gia Long là Ánh như xưa nay mọi người đều biết. Sao lại dám nói như thế? Xin dẫn chứng bằng 4 sự kiện sau:

1. Mùa Thu năm đinh dậu (1777), Định vương Nguyễn Phúc Thuần và cháu ruột là Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương đều bị Tây Sơn sát hại. Ngay mùa đông năm đó, truyền nhân uy tín nhất của chúa Nguyễn còn sống sót lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Ánh, cháu gọi Định Vương bằng chú ruột, khởi binh ở Long Xuyên, được các tướng tôn làm Đại Nguyên soái, quyền coi việc nước, cầm đầu cuộc trung hưng cơ nghiệp họ Nguyễn. Năm sau, 1778, ông lên ngôi vương, tục gọi Nguyễn Vương và sau 25 năm chiến đấu gian khổ, đã thống nhất đất nước năm 1802, lập ra triều Nguyễn. Vua Gia Long đã khởi nghiệp từ miền đất phương Nam. Theo truyền thống văn hóa Việt, để bày tỏ sự kính trọng và thương mến người chủ mới của đất nước, dân miền Nam đã kiêng tên Nguyễn Phúc Ánh nên họ gọi ánh sáng thành yến sáng từ đó.
 
2. Cho tới khi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Tây phương, thậm chí, cho đến tiền bán thế kỷ XX, việc kiêng húy là một tập tục căn bản và quan trọng của người Việt Nam. Ở thôn quê, làm dâu làm rể mà không biết kiêng những tên quan trọng bên vợ bên chồng thì có khi mất vợ mất chồng hay ít ra cũng phải nghe những lời trách cứ nặng nề. Đối với dân thường, để bày tỏ lòng tôn kính với người chết, người ta không gọi tên thật mà đặt tên mới, gọi là tên hèm (tên cúng cơm), tên thụy để khấn vái lúc cúng tế. Đối với người sống cũng thế, người ta ít khi gọi tên thật, chỉ gọi theo thứ bậc trong gia đình (Cả, Hai, Ba, Tư…); đặc biệt, với người có địa vị, người ta chỉ gọi bằng chức tước (ông Tham, cụ Thượng, ông Ấm Năm…). Dân mà còn thế huống gì với vua chúa. Dưới thời các chúa Nguyễn, việc kiêng húy chưa thấy nói đến, có lẽ vì còn ở dưới cái bóng của Nhà Lê nên còn e dè. Khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn năm 1802 thì qua năm sau đã ra lệnh cho Bộ Lễ phổ biến các chữ húy để quan dân đều biết mà tránh, “Phàm tên người tên đất có giống chữ thì đổi đi, hành văn thì tùy theo ý nghĩa mà thay chữ khác.”(Thực lục I, tr.551). Từ triều Gia Long (1802-1819) cho đến triều Thành Thái (1889-1907), các vua đã ban hành cả chục chỉ dụ về việc kiêng húy. Làm quan mà phạm húy thì bị giáng chức, mất chức. Đi thi mà phạm húy thì coi như “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” mà còn bị hình phạt roi vọt nữa.

Năm Tự Đức thứ 3 (1850), theo đề nghị của đình thần, vua Tự Đức ban hành lệnh phạt phạm húy làm 3 bậc: “…phàm làm văn gặp đến chữ tên húy, lệ phải đổi dùng chữ khác, mà có người còn nhầm phạm phải đều phạt đánh 100 gậy, trong đó mà là cử nhân tú tài thì cách bỏ danh tịch đi. Còn các chữ tên húy lệ phải thêm dấu bộ xuyên và viết bớt nét đi và những chữ cùng âm có chữ húy ở bên cạnh, lệ phải đổi dùng chữ khác, mà có người nhầm cứ viết thẳng, thì phạt đánh 90 gậy, trong đó là cử nhân tú tài thì miễn không cho phải cách. Đến như những chữ lệ phải viết bớt nét hoặc dấu, và những chữ có chữ húy ở bên cạnh mà cùng âm, lệ phải đổi, tránh mà có người nhầm phạm đến, đều giảm cho một bậc, phạt đánh 80 gậy, trong đó, nếu là cử nhân tú tài, cũng đều miễn cho khỏi cách.” (Hội điển IVB, tr.340)

Từ đời Thiệu Trị (1841-1847) trở đi, một vua Nhà Nguyễn có 5 tên:

- danh tự: là tên khi cha mẹ sinh ra. Ví dụ vua Tự Đức có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
- ngự danh: là tên khi lên làm vua, lấy theo thứ tự trong Thánh chế mạng danh kim sách, làm ra từ đời Minh Mạng. Ngự danh của vua Tự Đức là Thì.
- Khi lên làm vua thÌ đặt niên hiệu. Ví dụ: Tự Đức.
- Sau khi băng hà thì triều đình đặt thụy hiệu (tên thụy) để khấn vái lúc cúng tế. Thụy hiệu của vua Tự Đức là Anh Hoàng Đế.
- Cùng với việc đặt tên thụy, triều đình cũng đặt miếu hiệu cho vua băng hà để thờ trong miếu và gọi trong sử. Miếu hiệu của vua Tự Đức là Dực Tông.

Danh tự và ngự danh là trọng húy, là quốc húy, cả nước phải kiêng phải tránh. Vì vậy từ sau năm 1848, là năm vua Tự Đức lên nối ngôi, dân Huế gọi hoa hồng là bông hường, màu hồng là màu hường, cả nước phải nói trách nhiệm thay cho trách nhậm, thời gian thay cho thì gian. Vì vậy, các sử thần Nhà Nguyễn khi chép sử, nói đến húy của các vua đã không dám viết ra chữ thật mà phải viết theo lối chiết tự, nghĩa là tách chữ ra để nói, ai muốn biết là chữ gì thì tự ghép lại.

Vua Gia Long có 3 tên, Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu đã viết như sau:

Tên húy Ngài là:

1. Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Viện [là chữ Noãn 暖]

2. Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Anh [là chữ Ánh, có thể viết bằng hai cách: 映 và 暎] [VHA nhấn mạnh]

3. Bên tả chữ Thái, bên hữu chữ Trọng [là chữ Chủng 種]

Nếu Anh là húy của vua Gia Long, Quốc Sử Quán sẽ không dám viết trắng ra như thế.

3. Ai đã vào thăm Đại Nội, Huế đều biết Cửu đỉnh. Đó là 9 cái đỉnh đồng lớn đúc vào năm 1836, đời vua Minh Mạng (1820-1840), hiện đặt trước sân Thế miếu trong Đại Nội, trước khi bước lên Hiển Lâm Các. Chín đỉnh này là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, và Huyền đỉnh.

Mỗi đỉnh tượng trưng cho một triều đại. Chỉ những vua băng hà lúc tại vị mới được triều đình thờ trong Thế miếu và được hưởng một đỉnh. Tên của đỉnh cũng là tên thụy (thụy hiệu) của vua đó.

- Cao đỉnh là đỉnh dành cho triều Gia Long (1802-1819), vua có thụy hiệu là Cao Hoàng đế và miếu hiệu là Thế tổ.

- Nhân đỉnh là đỉnh dành cho triều Minh Mạng (1820-1840), vua có thụy hiệu là Nhân Hoàng đế, miếu hiệu là Thánh tổ.

Tương tự, ta có :

- Chương đỉnh dành cho Hiến tổ Chương Hoàng đế (Thiệu Trị, 1841-1847) ;

- Anh đỉnh dành cho Dực tông Anh Hoàng đế (Tự Đức, 1848-1883) ;

- Nghị đỉnh dành cho Giản tông Nghị Hoàng đế (Kiến Phúc, 1883-1884) ;

- Thuần đỉnh dành cho Cảnh tông Thuần Hoàng đế (Đồng Khánh, 1885-1889);

- Tuyên đỉnh dành cho Hoằng tông Tuyên Hoàng đế (Khải Định, 1916-1925).

- Hai đỉnh còn lại là Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không dành cho ai cả vì triều đại đã chấm dứt vào tháng 8 năm 1945.

Khi ta đã biết việc kiêng húy được vương triều tuân thủ nghiêm túc như thế nào, thì việc vua Minh Mạng đặt tên cho đỉnh thứ 4 là Anh đỉnh và triều đình tôn thụy hiệu vua Tự Đức là Anh Hoàng Đế đã chứng tỏ rằng Anh không phải là húy của vua Gia Long, bởi không ai dám cả gan làm môt việc như thế.
 
4. Nói rằng dòng họ vì kiêng húy Anh của vua Gia Long nên mới đọc trại anh em thành yên em là không đúng.

Ai đã có dịp tiếp xúc với mấy Mệ ở Huế (người Hoàng tộc), nhất là dưới thời quân chủ trị vì, trước tháng 8 năm 1945, đều biết các mệ tránh chữ anh và nói trại thành yên, như Thế phả đã ghi nhận. Mấy ông Hoàng gọi anh mình là đức yên và trong gia đình chữ yên hoàn toàn thay cho anh khi nói tới. Thậm chí, người Hoàng tộc, có khi cũng gọi đức yên đối với người ngoài Hoàng tộc mà họ yêu mến, coi như đàn anh, một cách gọi nửa đùa nửa thật, rặt Huế, biểu lộ một tình cảm vừa thân mật vừa kính trọng.

Cách gọi anh em thành yên em này chỉ có từ sau năm 1883, sau khi triều đình tôn miếu hiệu và thụy hiệu cho vua Tự Đức là Dực Tông Anh Hoàng Đế nghĩa là kiêng húy Anh của vua Tự Đức chứ không dính gì đến húy của vua Gia Long cả. Do lệ kiêng húy, từ trọng húy đến khinh húy, mà việc băng hà của Dực Tông Anh Hoàng đế (Tự Đức) năm 1883 đã dẫn đến vài thay đổi trong bài Phiên hệ thi dành cho dòng Hoàng tử Cảnh tức Anh Duệ Hoàng Thái Tử (Phiên hệ thi là bài thơ 4 câu 20 chữ do vua Minh Mạng đặt ra năm 1823, ban cho mỗi dòng anh em, dùng làm chữ lót theo thứ tự cho các đời để biết rõ thế thứ trên dưới)

Trên đây là bài thơ nguyên thủy. Sau năm 1883, vì kiêng húy nên chữ Anh 英 (câu 1) đổi làm Tăng 增. Tương tự, chữ Khiêm 謙 trong câu cuối đổi thành Khôn 坤 vì kiêng tên Khiêm lăng là lăng của vua Tự Đức đồng thời cũng là danh hiệu Khiêm Hoàng hậu của bà Trung phi Võ Thị Duyên, vợ vua Tự Đức, do vua Hiệp Hòa tấn tôn năm 1884, theo di chiếu.

Bởi các lẽ trên, tôi vẫn tin rằng húy của vua Gia Long là Nguyễn Phúc ÁNH.

Võ Hương-An

Tài liệu tham khảo:

- Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế phả, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, ấn bản điện tử PDF.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập Một, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tĩnh, Viện Sử Học, Hà Nội, NXB Giáo Dục, 2002.
- Võ Hương-An, Từ điển Nhà Nguyễn, sắp xuất bản.