main billboard

Quân ta dứt điểm quét sạch địch, thượng quốc kỳ lên nóc cổ thành, lập kỳ tích chiến thắng.



vnch quanlinh1

1- Duyên khởi:

Vào năm 2001 lần đầu tiên ở Toronto có một số quý anh nguyên là Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH, tổ chức họp mặt ở nhà hàng Blue River . Hạnh ngộ có TQLC Thịnh và ND Hùng đến cư xá cao niên chỗ tôi cư ngụ nhờ viết diễn văn khai mạc.

Tôi đã trả lời khi đề cập đến binh chủng danh tiếng này, phải kiếm nhà văn chuyên nghiệp biết nhiều về quân sử thì viết mới được. Nhưng 2 anh cho biết là tổ chức cần thiết chu đáo hội ngộ chiến hữu, thân hữu, còn ngoài ra đơn giản. Nên tôi nhận lời viết rồi hẹn ngày đến lấy về tùy nghi nhuận sắc sử dụng. Thấm thoát đã mấy năm, đến nay đọc tin cộng đồng trên báo thấy hội TQLC Toronto tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập binh chủng (1954 ố 2004), vào ngày 6 tháng 11 năm 2004 ở Ace place số 821 Runnymede rd Toronto. Là lính già ngưỡng mộ binh chủng tổng trừ bị, đã một thời chiến đấu hy sinh góp công bảo vệ quốc gia miền nam chống cộng sản phi nhân. Những đơn vị hễ "xuống đông là đông tĩnh, lên đoài là đoài tan". Lập võ công oanh liệt đi vào văn học sử là “ Thiên Hùng Ca”. Ðã giữ an ninh hậu phương cho nông dân làm ruộng. Cho thợ thuyền sản xuất. Cho trẻ đi học. Cho sinh viên đến giảng đường, du học. Cho chợ họp đông. Cho rộn ràng mùa cưới... Tôi tham khảo sách báo và vận trí nhớ, viết tóm lược kể lại thiên hùng ca tái chiếm Quảng Trị, với ý thức giữ lửa và biết ơn liệt sĩ.

2- Quân lệnh tái chiếm cổ thành:

Vào ngày 30 tháng 5 năm 1972, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn văn Thiệu kiêm tổng tư lệnh quân lực. Từ thủ đô Saigon đáp phi cơ ra quân khu 1 quan sát tình hình” Dầu sôi lửa bỏng”. Tại ngọ môn cố đô Huế ông đã vinh thăng đại tá Bùi Thế Lân tư lệnh sư đoàn TQLC lên hàng tướng lãnh, tưởng thưởng chiến sĩ hữu công ở mặt trận Mỹ chánh và trong dịp này ban quân lệnh cho trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân khu tổng phản công tái chiếm Quảng Trị, đã bị cộng sản miền bắc tấn chiếm. Diễn tiến tại bộ tư lệnh sau khi hoàn tất kế hoạch chiến dịch được đặt tên“ Lôi Phong”, biểu tượng ý chí đánh đuổi xâm lăng lấy lại cổ thành và ấn định ngày D xuất phát.

3- Chiến lược gia và tướng quân:

Nói về chiến lược gia thì tây phương điển hình có Clausevitz (1780-1831) vriter on military strategies. Ở đông phuơng, Trung Hoa có Tôn ngô binh pháp. Việt Nam có binh thư yếu lược Trần Quốc Tuấn, nhờ đó nhà Trần đã 3 lần đánh thắng Mông Cổ phương bắc. Một triều đại tổ chức được đạo quân đi ngựa viễn chinh từ Á sang Âu.” Atila fléau de Dieu”. Ðề cập cấp bậc trong quân đội ngày nay từ hàng chuẩn đến thống tướng, thống chế đeo sao bạc trên mũ, cầu vai, cổ áo. Riêng cấp tướng ngày xưa cấp hiệu biểu tượng trên sắc phục, giáp trụ (*) và gọi là : Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung quân tướng, điển hình tả quân Lê Văn Duyệt. Khác biệt bên tây phương, ở đông phương đối với cấp tướng còn căn cứ tài chỉ đạo chiến lược, điều binh khiển tướng, đích thân xung trận, để lượng giá là Thần Tướng, Dũng Tướng, Mãnh tướng vv... Truyện tam quốc: Khổng Minh thần tướng, Quan Công dũng tướng, Trương Phi mãnh tướng. Hùng khí con nhà tướng nếu để mất thành là chết theo thành” Sinh vi tướng, tử vi thần”. Giống như thời bây giờ khi hải chiến nếu hạm bị đánh chìm, thì hạm trưởng phải hy sinh theo hạm, điển hình hải chiến Trường Sa. Ngày nay lịch sử đã sang trang nhưng trong các lễ hội của quân đội và cựu chiến binh H. Chủng Quốc Hoa Kỳ, vẫn trân trọng mời các nguyên tướng lãnh QLVNCH lưu vong đến dự. Ðiển hình có danh tướng Ngô Quang Trưởng, Lê Minh Ðảo lục quân, Lý Tòng Bá thiết kỵ binh vv... Các vị tướng của ta khi gập lại mấy cố vấn cấp Úy, Tá ngày xưa, bây giờ có một số đã thăng lên hàng Tướng Lãnh còn tại ngũ hoặc hưu trí. Họ đều nhắc QLVNCH và cho biết binh nghiệp của họ đã được trau dồi nhờ chiến trường VN.

4- Bóng dáng chiến tranh VN:

Nước Mỹ là siêu cường hàng đầu nên quân Mỹ thường trực hiện diện ở các điểm nóng trên thế giới. Ngày nay xem trên TV thấy quân Mỹ và đồng minh được trang bị và yểm trợ hiện đại, trả lương hậu, ưu đãi khi xuất ngũ. Nhưng các binh sỉ này chỉ tham chiến có thời hạn với nhiệm vụ canh phòng, tuần tiễu, khám xét, truy diệt đám quân hồi giáo bảo căn ô hợp ở Iraq và biên giới Pakistan . Quan sát lính Mỹ cầm súng ngồi quân xa chạy trên đường, di hành bộ và khám xét an ninh với tác phong lính nhà giầu. Thì mới thấy cuộc chiến đấu ngặt nghèo của CLQ-DPQ-NQ QLVNCH. Là công dân tổng động viên và lưu ngũ vô thời hạn, phải ủy nhiệm vừa phòng thủ diện địa vừa chống chiến tranh du kích, quy ước, với một đối phương được CS quốc tế yểm trợ dồi dào. Ngoài ra còn phải chịu ảnh hưởng bối cảnh chánh trị trong và ngoài nước thâm căn phức tạp. Như vậy mà chỉ được đồng minh yểm trợ tiếp vận, quân lương dưới nhu cầu. So sánh lương lính của 2 thời điểm năm 1954 và năm 1974 lúc cao điểm chiến tranh. Thì năm1974 lương đã thấp hơn năm 1954 mà còn lạm phát nên lính kiết quá! Nói về chiến lược, Nam quân không được bắc tiến, còn Bắc quân được xâm lăng miền Nam .

5- Quá trình xây cổ thành Quảng Trị và sử dụng:

Cổ thành khởi công xây từ thế kỷ 19, nếu tính từ ngày đắp tường thành bằng đất cho đến ngày xây kiên cố, phải qua thời gian 38 năm, trải 2 triều đại: Thế Tổ Cao Hoàng Gia Long và vua Minh Mạng. Khởi đầu vị trí thành ở phường Tiền Kiên huyện Thuận Xương nay là Ai Tử. Ðến năm Gia Long thứ 8 có lẽ vì địa thế kém tiện nghi, nên đã chọn rời qua xã Thạch Hãn huyện Hải Lăng có hình thế hoàn hảo rồi trụ ở đây.

Thời vua Minh Mạng là minh quân nên xã hội được canh tân tạo thế nước hùng mạnh, Triều đình đã đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở chính diện trong nội thành, để biểu tượng truyền thống văn hiến và thượng võ Lạc Việt. Tuy nhiên, phải đến năm 1838 do nhu cầu phòng thủ diện địa, vì biên giới miền trung Việt phía tây ở chỗ hẹp nhất chỉ cách bờ biển đông khoảng 50 cây số ngàn. Do đó, thành mới được xây kiên cố bằng đá núi, gạch nung, chu vi 1926 mét 40, cạnh khoảng 500 mét, tường cao 4 mét, bề dày 12 mét. Hào đào chung quanh chiều ngang 18 mét 40, độ sâu 3 mét 20. Chu vi nội thành khoảng 2 cây số vuông 300, thành có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu. Từ ngày xây thành, thời quân chủ là vị trí trú phòng quân sự, hành chánh của quan binh tỉnh Quảng Trị. Thời Việt Nam Cộng Hòa đặt bộ chỉ huy chiến thuật quân đoàn 1, bộ chỉ huy tiểu khu Quảng Trị.

Ðặc biệt triều vua Hàm Nghi vào năm 1885 sau thất bại chống Pháp, đã có lúc vua và phò tá trú quân ở đây, rồi mới bôn đào lên vùng Tân Sở hạ chiếu Cần Vương chống Pháp. Thời VNCH cổ thành được đặt tên thành Ðinh Công Tráng, là tên một sĩ phu nổi danh chống “Bạch quỷ” xâm lăng thống trị.

6- Tóm lược phân nhiệm tổng phản công lấy lại thành:

Ấn định ngày D 09 tháng 9 năm 1972, phát pháo ra quân do chuẩn tướng Bùi Thế Lân tư lệnh sư đoàn TQLC lãnh ấn tiên phong, đã phân nhiệm 2 mũi nhọn công thành, mà trong đó cố thủ bởi Trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320, Tiểu đoàn 6 thuộc sư đoàn 325 Bắc Việt và phụ lực còn có Tiểu đoàn địa phương K8 thuộc tỉnh đội Quảng Trị. Mũi nhọn 1 phía bắc giao Lữ đoàn 147 TQLC do Đại tá Nguyễn Năng Bảo làm lữ Đoàn trưởng, sự phân nhiệm đến cấp tiểu đoàn: TÐ 3 sói biển tiên phong nỗ lực chính xuất phát từ làng Trí Bưu tấn công góc đông bắc cổ thành. TÐ7 hùm sám nỗ lực kế tiếp tiến quân theo dọc bờ sông Vĩnh Ðịnh tấn công góc tây bắc cổ thành. TÐ 8 ó biển xung lực thanh toán tàn quân địch và làm trừ bị. Mũi nhọn 2 phía nam giao lữ đoàn 248 TQLC do đại tá Ngô Văn Ðịnh làm Lữ đoàn trưởng, đã nổi danh chặn địch cả tháng ở tuyến lửa Ðông Hà, đơn vị thuộc lữ đoàn phân nhiệm sau: TÐ 6 thần ưng tiền phong nỗ lực chính tiến quân về phía đông quốc lộ 1 tấn công góc đông nam cổ thành. TÐ2 Trâu Điên nỗ lực kế tiếp tấn công góc tây nam cổ thành. TÐ 5 Hắc Long càn quét các mục tiêu ở thôn Long Hưng cửa ngõ phía nam thị xã. TÐ1 quái điểu điều quân dọc bờ sông Thạch Hãn tấn công khu vực tòa hành chánh tỉnh Quảng Trị.

7- Ðiển hình giao tranh dưới trời có dớt bảo Flossie :

a- Trước ngày D 02 ngày, hải pháo, không yểm Hoa Kỳ và phi pháo VN, liên hợp tạo bão lửa bằng hỏa lực cấp tập và có cả bom định hướng laser. Lên vị trí dàn quân, đường xâm nhập tiếp viện của Bắc Việt từ giới tuyến phía bắc vào. Ta triển khai yểm trợ mở đường cho đại quân công thành. Còn về phía địch phản pháo bằng đại bác 130 ly, dàn hỏa tiễn 122 và 152 ly vv... đặt trong Trường Sơn và bên kia giới tuyến, đã tạo địa chấn trên chiến trường. Có bình luận là cường độ hơn cả trận đánh giữa quân phát sít Ðức và hồng quân Nga, ở 2 thành phố Leningrad và Stalingrad bên Liên sô thời đệ nhị thế chiến. Hai bên vận dụng phi pháo tối đa và đấu trí giao tranh, giành dật từng pháo đài, góc phố, công sở, nhà dân vv... đến thời bây giờ do tối tân của bom đạn và cải tiến chiến thuât, chiến lược nên đã khốc liệt hơn.

b- Khu vực sư đoàn dù trách nhiệm đã bị địch đặc biệt quan tâm, vì trước đó qua chiến dịch trên chiến trường 4 vùng chiến thuật, đơn vị “Thiên Thần Mũ Đỏ” đã từng gây kinh hoàng cho bộ đội chính quy cộng sản. Nên lần này để phòng xa chúng đã điều động lực lượng vượt trội gồm: 4 Trung đoàn chính quy mang số 66, 24, 102, 209 và Trung đoàn số 141 thuộc Sư đoàn 325 được tăng cường cấp tốc từ bên Lào qua. Ðơn vị bắc việt tổ chức đội hình tứ chế nên 1 Trung đoàn có 4 Tiểu đoàn, trong lúc 1 trung đoàn của ta đội hình tam chế chỉ có 3 tiểu đoàn. Lực lượng địch được bố trí bám sát, áp dụng chiến thuật “Xa Luân Chiến” đã nghênh cản và phản công quân ta kể sau: TÐ1 dù điều quân về hướng bắc La vang mới được 600 thước đã bị trung đoàn địch 66 nghênh cản bằng pháo dồn dập và chạm súng dữ dội, đồng thời 2 tiểu đoàn 6 và 7 dù cũng bị pháo và giao tranh với các cánh quân địch thuộc 3 trung đoàn 24, Trung đoàn 102 và 209.
Sau đó qua ngày kế tiếp, áp lực tăng dần do địch điều động cả 5 trung đoàn có chiến xa yểm trợ, thay phiên tấn công vào phòng tuyến sư đoàn dù. Trước tình hình nghiêm trọng nhờ được phi pháo hỗn hợp Mỹ Việt yểm trợ và tinh thần chiến đấu cao. Nên quân dù đã giữ vững được đội hình tác chiến gây tổn thất địch và còn chặn đường tiếp viện từ hướng tây, nhưng đã phải chịu đựng quá sức và hy sinh cao độ. Trong bài binh bố trận thì đơn vị được phân nhiệm theo quân số, nhưng về mặt trận nặng thì SÐ dù còn lãnh thêm phần bị địch trả miếng, vì Mũ Đỏ đã từng làm chúng phải tháo chạy vắt giò lên cổ.

c- Khu vực Biệt động quân, về mặt bắc nhờ đại tá Lê Quang Lưỡng phụ tá hành quân Sư đoàn dù và trong lúc tình hình găng nhất, còn nhận nhiệm vụ Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2. Thay thế đại tá Nguyễn Quốc Lịch được bộ Tổng tham mưu thuyên chuyển nhận nhiệm vụ khác.Vị chỉ huy kinh nghiệm này đã điều động các đơn vị trực thuộc linh hoạt giữ an toàn mặt tây nam, giúp 2 tiểu đoàn 37 và 39 thuộc liên đoàn 1 BÐQ được rảnh tay tấn công vào các vị trí đơn vị bắc việt. Kết quả chỉ nửa ngày quân mũ nâu đã chiếm được mục tiêu và đẩy lui địch ở vùng đồng bằng Triệu phong, án ngữ mặt bắc thành phố khóa cửa ngõ tiếp tế của địch từ hướng bắc xuống. Ðồng thời liên đoàn 1 BÐQ dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn văn Ðại vị tân chỉ huy mới đáo nhiệm, mặc dù quân số kém dồi dào vẫn trách nhiệm đóng trốt ở đây để giữ mặt tập hậu cho Lữ đoàn 147 TQLC công thành. Các mũi nhọn công thành xung trận cùng thời gian, đã bị địch áp dụng chiến thuật tiền pháo, hậu bung ra ngoài thành quyết nghênh cản tạo thế ngang ngửa lúc đầu. Nhưng trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch đã yếu dần co cụm lại rồi bị dứt điểm tóm lược kể sau: TÐ3 và TÐ7 thuộc LÐ147 mặt bắc giao tranh ác liệt với đơn vị cố thủ, đã phải dừng lại chiến thuật cách tường thành mấy trăm mét để chỉnh đốn đội hình phản công. LÐ248 mặt nam khả quan hơn, có TÐ 2 trâu điên tiến được cách tườmg thành 400 mét và TÐ1 quái điểu đã chiếm được khu vực cầu ga cách tường thành 300 mét. Quân ta áp dụng chiến thuật khi địch ngưng pháo là xông lên. Qua ngày thứ 2 TÐ6 thần ưng tiến sát được cách tường thành 200 mét và lúc đó còn phấn khởi được chi đoàn 2/20 thuộc thiết đoàn 20 thiết kỵ tăng cường yểm trợ hữu hiệu. Qua ngày thứ tư TÐ 2 trâu điên có vị chỉ huy nổi danh là trung tá Nguyễn Xuân Phúc tiến được cách thành 200 mét vv... Nói chung các mũi nhọn công thành khác đều gian nguy giống nhau, áp dụng chiến thuât khi địch ngưng pháo là quân tiến lên bám chặt địa thế, thà hy sinh chứ không lui rồi cứ thế lấn tới khép kín vòng vây. Cuộc chiến tổng phản công kéo giài từ ngày D 09 tháng 9 đến ngày sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, thì quân ta dứt điểm quét sạch địch, thượng quốc kỳ lên nóc cổ thành, lập kỳ tích chiến thắng.

vnch quanlinh

8- Tiểu đội trưởng quyết định chiến trường:

a- Tư tưởng trên đây được phổ biến nằm lòng trong quân trường Hạ Sĩ Quan hiện dịch Ðồng Ðế, Dục Mỹ. Mang nét tư tưởng lớn gặp nhau, vì trong binh thư của nước Pháp, nơi sản sinh danh tướng Napoléon lập nghiệp đế, có câu: “Les sous officiers font l’armée”.

Ngẫu hứng liên tưởng giai thoại quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu và lãng mạn trữ tình. Khóa sinh thụ huấn lớp hạ sĩ quan, hoặc bổ túc khóa” Rừng núi sình lầy” ở quân trường này. Ðều nhìn thấy ở đây có một quả núi hình thể giống người đàn bà nằm nghiêng, nổi bật trên nền trời lúc hoàng hôn. Ðây là đề tài hấp dẫn của khóa sinh kể tếu mà có thật là do gợi cảm của núi, nên đã có anh nằm ngủ mơ thấy “Ðêm mầu hồng”. Giật mình thức giấc thì chỉ là mộng ảo giải tỏa dồn nén. Mặc dù chỉ là “Ảo mơ hoa” nhưng vẫn phải trả giá, vì hôm sau ra bãi tập đã ngáp sái quai hàm trong giờ lý thuyết, nên bị huấn luyện viên phạt hít đất cho tỉnh ngủ. Vị thầy dạy lính này người xứ Nghệ hơi lớn tuổi, tính nghiêm nghị, thâm thúy như cụ đồ nho ngày xưa, ông là Huấn luyện viên quân kỷ và cơ bản thao diễn. Sau khi phạt xong còn hỏi: "đêm qua mi nằm mơ thấy núi nằm nghiêng phải không"? Trong hàng khóa sinh nghe thấy cười cái rần làm quê một cục. Ông kinh nghiệm biết tẩy của đàn em đã không thông cảm mà lại còn làm trò riễu. Biết đâu trong quá khứ ông đã từng giống như tôi, Lòng vả cũng như lòng sung, cùng là “Masculine” mà...

b- Cổ thành Ðinh Công Tráng chất liệu bằng đá, gạch đất sét nung già, vữa mạch chế bằng vôi thầu trộn mật mía. Xây cao 4 m, dày 12 m, nên độ kiên cố chịu đựng bom không thể san bằng mà chỉ làm thủng được lỗ hổng, hoặc sạt lở nhưng vẫn phải trèo qua, chướng ngại này đã làm trở ngại quân công thành. Nhưng với quyết tâm dù khó khăn nào cũng phải vượt qua, rồi ngày dựng cờ đã đến. Nhưng đặc biệt vinh quang đến kỳ diệu, khởi đầu bởi 2 bán tiểu đội TQLCƯ , đã khoảnh khắc làm nên quân sử (**).“CHIẾN SĨ VÔ DANH”.

Vào ngày 23 tháng 8 sau cả ngày quần thảo với quân cố thủ bất phân thắng bại, quân ta ghìm súng ở vị trí. Trung Tá Tùng tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 thần ưng ra lệnh cho trung sĩ Trịnh Thành Tấn biệt danh Tôn Tẫn thuộc Đại đội 3, dẫn một toán khinh binh xâm nhập vào thành thám sát và dặn kỹ phải tự chế nổ súng. Thi hành lệnh, TS Tấn nhờ bóng đêm đã dẫn thuộc cấp bơi lặn qua hào nước, lăn bò luồn lách chốt gác địch, quan sát rồi về trình lên cấp chỉ huy lúc 9 giờ khuya: Báo cáo cho biết góc nam cổ thành có 1 lỗ bom đủ người chui lọt, cách đó khoảng 20m có khúc bờ thành bị bom làm sạt lở dễ leo qua. Ðịch cắt gác kép và đổi gác giờ lẻ, thắp đèn thức truyện trò nói nhỏ với nhau rất thận trọng và cảnh giác cao...

c- 10 ngày sau đến ngày 09 tháng 9 khi tiểu đoàn Thần Ưng tấn công tiến được đến sát chân thành giao chiến với quân cố thủ giằng co quyết liệt. Trung tá Tùng lại ra lệnh cho một bán tiểu đội thuộc đại đôi 4 gồm: trung sĩ TRÌNH trưởng toán, là một hạ sĩ quan nổi tiếng can đảm và các binh nhất TÀI, binh nhì SƠN, CHÂU, TÂM, CHƯƠNG. Giao nhiệm vụ như trên phim “Mission impossible” xâm nhập vào thành lập đầu cầu bằng cách chui qua ngả lỗ bom hoặc vưọt khúc bờ thành sạt lở kể trên để mở lối cho tiểu đoàn. * Mở nút champagne mừng chiến thắng*.

Toán cảm tử lại nương bóng đêm lặn lội qua hào nước lạnh cóng vì ảnh hưởng bão, kiếm được lổ kể trên chui vào. Bất hạnh cho toán là vừa lọt vào trong thành được khoảng 20 giây, là bị địch phát giác bắn sả bằng súng AK và B40 trúng trung sĩ TRÌNH, Binh nhất TÀI tử thương tại chỗ, rồi chúng ào ra kéo xác xuống giao thông hào. Ngoài ra còn gây trọng thương cho binh nhì BÌNH và CHƯƠNG, toán chỉ còn binh nhì SƠN và TÂM sống sót. Binh nhì TÂM báo máy tình hình về Đại đội, liền được lệnh phải tử thủ cái lỗ bom này.

Sau đó kết quả đã giúp quân của đại đội 3, hàng một chui vào đánh cận chiến hy sinh thêm 09 chiến sĩ nữa, mới chiếm được khoảng 100m trong nội thành. Ðại đôị 3 thực tế quân số chỉ còn 1 trung đội nguyên vẹn, nhưng đã xuất thần giữ đầu cầu cho tiểu đoàn 6 thần ưng. Nhờ đó, BCH tiểu đoàn đã điều động được các đại đội cơ hữu áp dụng thích ứng chiến thuật từng ngày, tuần tự xâm nhập vào thành, sử dụng lựu đạn, bắn trực sạ tiêu diệt các ổ kháng cự. Trong lúc đó lại được chi đoàn thiết kỵ 2/20 điều động 05 chiến xa M48 đến sát chân thành, sử dụng hoả lực ghim cứng lực lượng địch dưới giao thông hào. Nhờ vậy, quân ta vào diệt gọn bằng cận chiến tiểu liên, lựu đạn vv... nên đến ngày 15 tháng 9 , thì tiểu đoàn đã quét sạch địch và làm chủ được góc thành phía nam bằng đẫm máu mặn xót xa...

d- Quy luật thủ thành phải giữ vững đẩy lui địch, trường hợp bị thủng phòng tuyến mà không trám được, là thất thủ chỉ nhanh chậm tùy theo kháng cự. Do đó, khi cổ thành Ðinh Công Tráng bị khai khẩu, thì lập tức lực lượng tổng tấn công như thác lũ, thủy triều dâng, như lò so hoàn lực bung ra. Tất cả các chiến sĩ thuộc 2 lữ đoàn TQLC, được Thiết đoàn Kỵ binh 18 thuộc quân khu 2 tăng cường yểm trợ có súng phun lửa. Ðã hiên ngang tay súng cắm lưỡi lê nhất tề bất chấp dưới làn pháo dày đặc của địch, ào ạt tràn vào thành xung sát, bắt sống tù binh dứt điểm quân cố thủ. Ðến đúng ngọ 12 giờ ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán 08 TQLC đã kéo cờ chiến thắng lên cột cờ cao 07 thước ở cửa chính tây cổ thành Ðinh Công Tráng, sau 135 ngày lọt vào tay giặc. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa nền vàng 3 sọc đỏ phấp phới tung bay dưới bầu trời nhiều mây do ảnh hưởng bão Flossie vừa qua, quanh 4 mặt thành tiếng quân ta reo hò chiến thắng, có người dưng dưng ánh mắt. QK1-QÐ1 đã thi hành quân lệnh của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Lực.

9- Nhiệm mầu:

Vương cung thánh đường La Vang bị trúng đạn pháo kích tan nát, nhưng mầu nhiệm có tượng đức bà Maria vẫn đứng nguyên vẹn trên bàn thờ, Mẹ âu sầu nhìn ở thềm thánh đường nằm la liệt quân sĩ bị thương rên la, hấp hối. Chị Thạch Thị Ðịnh nhân đức và can đảm, đã che dấu cứu sống 03 chiến sĩ ta bị thất lạc lúc xung trận. Ðạt thành tích chiến thắng, quân ta còn vượt bậc thu phục nhân tâm che chở, bảo vệ và di tản dân chúng trong vòng lửa đạn.

10- Tương quan lực lượng ta và địch:

Ðịch đã điều động lực lượng đông gấp bội tấn công trong mùa hè để chiếm cổ thành Quảng Trị, rồi tận dụng tung các đơn vị thuộc sư đoàn 320 và 325 vào trận cố thủ, phản công . Những Sư đoàn của quân đội nhân dân mang phiên hiệu số 3 đầu, chỉ đem sử dụng khi đòi hỏi ở tầm mức chiến lược. Ðiển hình như chiến dịch đánh Pháp ở chiến trường Cao Bắc Lạng, Ðiện Biên Phủ vào thập niên 1950 . Mặc dù ở thế công với lực lượng mạnh áp đảo, nhưng vẫn bị thảm bại trước tinh thần chiến đấu kiên cường của QLVNCH. “Giai thoại trong chiến tranh Triều Tiên“Kháng Mỹ viện Triều” giữa quân Trung Cộng và Mỹ vào thập niên 1950. Trong tác chiến, Đại tướng Mac Arthur tư lệnh quân Mỹ đã bị bất ngờ đụng chiến thuật biển người “ Nhân hải” của Trung Cộng. Nên có trường hợp trong lúc hầm hơi, ông Đại tướng này đã ra lệnh cho pháo binh yểm trợ kể sau: “Chấm tọa độ UTM chiến trường giao tranh, rồi giót cấp tập trên mỗi thước vuông 01 trái nổ chụp, nghe rõ trả lời”? Ngày nay, trong tái chiếm cổ thành có chu vi 02 cây số vuông 300. Mà cả ta và địch đều pháo tối đa công phá, yểm trợ, phản pháo, trực sạ, quấy rối... ròng rã gần 02 tuần lễ, nên số luợng trái đạn bắn ra nếu + lại có thể tương đương với số thước vuông trên diện tích chiến trường.

11- Tổng quát số đơn vi tham chiến:

Toàn thể lực lượng tổng trừ bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Sư đoàn Nhẩy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn 1 và 7 Biệt Động Quân. Trung đoàn 4 ,Sư đoàn 2 Bộ binh. Chi đoàn 2/20, Thiết Đoàn 18 Thiết Kỵ Binh. Các toán Viễn thám Bộ Tổng Tham Mưu. Không Quân, Hải Quân, Pháo Binh, Tiếp Vận vv...

12- Tóm lược tổn thất, thương vong điển hình trong mùa hè đỏ lửa và mùa thu chiến dịch Lôi Phong : SÐ Thủy quân lục chiến tổn thất 5000 quân, trong đó có 3568 chiến sĩ thương vong trên quân số cơ hữu 13.000 quân.

SÐ Dù, để giữ vững An Lộc, Kontum và kế tiếp yểm trợ cho thủy quân lục chiến mặt tây nam Quảng trị, đơn vị này đã tổn thất 12.000 quân, trong đó có 2900 tử trận và 300 mất tích.

Liên Đoàn 1 Biệt động quân bị thiệt hại nặng hồi đầu chiến dịch Lôi Phong, trong giao tranh với lực lượng địch đông áp đảo ở bờ sông Ô Lâu, phải tái trang, bổ vũ khí, quân số.

TỔ QUỐC TRI ÂN. ÐỜI ÐỜI BIẾT ƠN LIỆT SĨ.

Từ đình Trần Bá Ðàm. Email:

Chú thích: (*) Thời Quốc Gia thấy ở Bảo tàng viện trong Thảo cầm viên, có trưng bày võ phục, giáp trụ và vũ khí gươm dáo cổ xưa. (**) Lịch sử lập lại, thời vua Chàm Chế Bồng Nga tại ngôi có 30 năm (1360-1390). Khai thác tình hình lúc triều đình nước ta có truyện rối ren, đã tấn công vào tận thành Thăng Long 03 lần cướp phá rồi rút về. Ðến lần thứ ba đã bị ta phản gián và tướng Trần Khát Chân phái cảm tử quân tấn công hạ sát được vua Chàm tại chiến thuyền lúc đang di chuyển trên khúc sông Hồng thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, chấm dứt tình trạng quấy phá giúp dân an cư lạc nghiệp.

Ðã đọc bài : Cuộc quyết chiến tái chiếm cổ thành Ðinh Công Tráng của đại quân VNCH, của tác giả Phạm Phong Dinh đăng báo. Một số tư liệu trong tiểu phẩm trích trong bài báo này. Ðây chỉ là kể truyện của lính già, quý độc giả muốn xem đầy đủ thiên hùng ca QLVNCH, tìm mua sách viết về chiến tranh Việt Nam của các nhà văn QÐ Phan Nhật Nam, Phạm Phong Dinh, Lê khắc Anh Hào vv...