Cuộc chiến kéo dài 56 ngày ở thung lũng nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam chấm dứt vào ngày 7 tháng Năm, năm 1954 và là một biến cố quan trọng trong sự vươn lên của Việt Nam như một nước độc lập.
Thứ Sáu, 08 Tháng 5 Năm 2009
HÀ NỘI – Ông có cái đầu toàn cả tóc đen. Cặp mắt kiếng hơi nhuốm màu, và ông đeo sợi dây chuyền bạc quanh cổ mình. Ông cựu đại tá đã về hưu Phạm Xuân Phương 80 tuổi vẫn mạnh khỏe ở lứa tuổi của mình.
Cựu đại tá Phạm Xuân Phương. Nguồn: AFP
“Tôi may mắn được mạnh khỏe như thế này,” ông Phương nói, ông là một trong số những cựu chiến binh Việt Nam ngày càng ít đi sẽ tham dự kỷ niệm lần thứ 55 vào thứ Năm này, nhân ngày chiến thắng thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Cuộc chiến kéo dài 56 ngày ở thung lũng nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam chấm dứt vào ngày 7 tháng Năm, năm 1954 và là một biến cố quan trọng trong sự vươn lên của Việt Nam như một nước độc lập.
Suốt trận chiến, trọng pháo tưới thung lũng như mưa và đã có đánh xáp lá cà. Điện Biên Phủ và các đồi bao vây chung quanh được phủ đầy với xác lính thối rữa từ cả hai phía.
Giờ đây đó là một thành phố nhỏ nơi lễ tưởng niệm được dự định tổ chức ở một sân vận động để đánh dấu ngày chiến thắng.
Ông Phương nói ông đã hy vọng là lễ tưởng niệm được tổ chức ở thủ đô Hà Nội, nhưng rất nhiều người trong số những người còn sống sót từ chiến trận Điện Biên không có được sự sinh lực tràn trề như ông Phương và họ sẽ không tham dự được.
“Có lẽ đa số họ sẽ ở nhà và theo dõi qua truyền hình,” ông Phương nói. Cuộc đời của chính ông phản ảnh sự đảo ngược mối quan hệ Pháp Việt trong 55 năm qua.
Là một người nói tiếng Pháp trôi chảy, ông Phương nói ông trở thành bạn một trong những người cựu thù của ông, đó là tướng Marcel Bigeard của Pháp đã trở về thăm chiến trường này 15 năm về trước.
Ông Phương cũng là đại diện Việt Nam cho hội Le Souvenir Francais, là hội chuyên gìn giữ mộ phần cho những người Pháp chết trong chiến tranh ở Pháp cũng như ở ngoại quốc.
Ở Điện Biên Phủ, mồ của những người lính Pháp bỏ mình ở đây lên tới hằng ngàn.
Cuộc chiến Điện Biên Phủ bắt đầu cho sự sụp đổ của đế chế thực dân Pháp nhưng cũng đã lấy đi khoảng chừng 10.000 sinh mạng Việt Nam. Khoảng 3.000 binh lính của đủ mọi nước đã chiến đấu dưới lá cờ Pháp đã bỏ mình hoặc bị mất tích.
“Chúng tôi đã chiến thắng, nhưng gía chúng tôi đã trả cũng quá đắt,” ông Phương nói, ông đã từng chỉ huy một đại đội hơn 100 người lính trong cuộc trận đánh đó.
Cựu chỉ huy trưởng nhảy dù quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ Marcel Bigeard. Nguồn: fncv.com
Ngoại trừ 27 người còn lành lặn, đa số binh lính trong đại đội ông đã bỏ mình hay bị thương vào lúc tiếng súng chợt im lặng và “cả một rừng cờ trắng” dựng lên của hằng ngàn người lính còn sống từ phía chiến tuyến Pháp, ông Phương nhớ lại.
Sự thất trận của Pháp đã đưa đến chuyện chia đôi đất nước thành miền Bắc cộng sản và miền Nam được Hoa Kỳ hậu thuẩn, tạo một chiến trường mới cho một cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ và ông Phương cũng tham dự trong trận chiến này.
Cuộc chiến tranh chống quân đội Hoa Kỳ và chế độ miền Nam đã lấy đi tối thiểu 3 triệu sinh mạng người Việt Nam và 58.000 người lính Mỹ trước khi chấm dứt vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi đất nước được thống nhất.
“Tôi vẫn còn sống sót. Đó là sự may mắn không ngờ,” ông Phương, một con người nhã nhặn nói khi mắt ông nhìn thẳng vào người phỏng vấn mình.
Một người sống sót khác trong trận chiến Điện Biên Phủ là vị chỉ huy trưởng lính nhảy dù Bigeard, là người ông Phương đã đi cùng khi ông ta trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ trước đây.
“Ông ta đã 80 tuổi khi ông trở lại đây. Lúc đó tôi 65 tuổi. Chúng tôi đùa với nhau suốt,” ông Phương vừa nói vừa đưa cho xem bản tin bằng tiếng Pháp nói về chuyện gặp gỡ của họ.
“Tôi tìm thấy một người bạn mới,” ông nói ở một chung cư của nhà nước nơi ông sống cùng vợ.
Ông Bigeard đã để lại cho ông Phương một ấn bản hồi ký của ông, vời lời tặng cho “chiến hữu” của mình thời chiến chinh.
“Chúng ta đã sống cùng cuộc đời trong những điều kiện Dantesque,” ông Bigeard viết. “Hãy biết là tôi hãnh diện về bạn như thế nào.”
Chiến trường Điện Biên Phủ, quân nhảy dù tiếp viện của Pháp nhằm tăng cường lực lượng đang bị bao vây. Nguồn: uncp.edu
Mối quan hệ riêng tư giữa ông Phương và ông Bigeard phản ảnh mối quan hệ ở cấp quốc gia, khi cuộc chiến là một điều gì đã xưa lắm rồi.
"Chúng tôi quyết tâm xây dựng tương lai,” một viên chức Pháp nói, diễn tả mối quan hệ giữa hai nước là tốt bao trùm nhiều lãnh vực khác nhau.
Pháp là nước viện trợ song phương cho Việt Nam lớn đứng hàng thứ nhì.
Hai nước cũng có mối quan hệ quân sự cùng nhau. Một chiến hạm Pháp sẽ viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng này – và ông Phương nói là ông đã được mời thăm tàu.
Sẽ không có sự tham dự của viên chức người Pháp ở buổi lễ đánh dấu này ở Điện Biên Phủ, và cũng không có mặt họ trong buổi lể tưởng niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức to lớn hơn nhiều.
Tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ đạo cuộc chiến Việt Nam thắng Pháp này, cũng sẽ không có mặt.
Ông Phương nói rằng ông thích tình chiến hữu thầm lặng với những người bạn đã sống sót sau cuộc chiến, hơn là những lễ tưởng niệm rầm rộ.
Cho những người đã hy sinh, ông Phương nói ông có thói quen đi thăm gia đình họ nhân ngày kỷ niệm chiến thắng này để tặng họ một món qùa nhỏ và thắp nhang cho người đã khuất.
“Tôi nhớ những đồng chí của mình,” ông nói.