Tướng De Castries đã gửi một công điện về Hà Nội thông báo : « Hầm chỉ huy trung tâm sẽ bị chiếm. Không thể kháng cự được nữa »
Áp phích phim Điện Biên Phủ của Pierre Schoendoerffer
Ngày 07/05/1954, sau 56 ngày đêm chiến sự ác liệt làm gần 13 000 người thiệt mạng hoặc mất tích ở cả hai bên, pháo đài Điện Biên Phủ đã rơi vào tay Việt Minh. Ba ngày sau, đặc phái viên của AFP Bernard Ullmann, trên một chiếc máy bay của Hội Chữ Thập Đỏ bay vòng quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, đã miêu tả như sau : « Một sự yên tĩnh chết chóc trùm phủ lên chiến trường rộng lớn biến thành nghĩa địa ».
Các văn phòng của AFP tại Hà Nội, Sài Gòn và Paris, đã gửi về trụ sở của hãng tin nhiều bản tin về Điện Biên Phủ thất thủ.
Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ
Ngày 07/05/1954 – văn phòng AFP tại Hà Nội đưa tin : Tối qua, Việt Minh đã tiến hành các đợt tấn công dữ dội vào các mặt phía đông bắc, đông và tây nam của căn cứ cố thủ.
Đây là những điểm tựa hỗ trợ mà kẻ thù đã không đánh chiếm được qua các đợt tấn công liên tục trong đêm thứ Bẩy rạng sáng Chủ nhật.
Tại bộ chỉ huy tối cao, người ta tuyên bố là vẫn chưa biết liệu đây có phải là một cuộc tổng tấn công hay không. Tuy nhiên, quân Việt Minh dường như đã sử dụng các phương tiện hùng hậu, chắc chắn là hai sư đoàn.
Các điểm tựa bị tấn công nằm xung quanh hầm chỉ huy của tướng Castries ; các giao thông hào xuất kích của đối phương thì tiến sát vào chân hàng rào dây thép gai.
Do thời tiết xấu, không quân không thể can thiệp. Trong mọi trường hợp, các máy bay tiêm kích không thể xả súng vào quân Việt Minh vì các trận chiến diễn ra trên những vị trí xen kẽ giữa Pháp và Việt và các giao thông hào của đối phương thì đan xen vào nhau.
Các trận chiến tại Điên Biên phủ
Vào lúc 12 giờ 50 giờ địa phương, ngày 07/05/1954, văn phòng AFP tại Hà Nội gửi về trụ sở bản tin cho biết, các trận chiến ác liệt nhất ở Điện Biên Phủ vẫn đang diễn ra.
Khoảng cách giữa hai mũi tấn công gọng kìm của Việt Minh, từ phía đông và từ phía tây, bao vây hầm chỉ huy của tướng de Castries, chỉ còn là 800 mét.
Cuộc điện đàm cuối cùng
Bản tin ngày 08/05/1954 của AFP, cho biết, theo nguồn tin chính thức, nội dung cuộc điện đàm cuối cùng giữa tướng de Castries ở Điện Biên Phủ và tướng Cogny, Tổng chỉ huy các lực lượng tại Bắc Kỳ, vào lúc 17 giờ, giờ địa phương ngày 07/05 được công bố.
Tướng de Castries : « Tình hình cực kỳ nguy ngập. Các trận chiến diễn ra khắp nơi và không rõ ràng. Tôi nghĩ là hồi kết đã tới gần, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng ».
Tướng Congy : « Rõ. Các chiến hữu sẽ chiến đấu tới cùng. Không có chuyện kéo cờ trắng ở Điện Biên Phủ sau khi các chiến hữu đã dũng cảm kháng cự ».
Tướng de Castries : « Rõ. Chúng tôi sẽ phá hủy đại bác và tất cả các thiết bị liên lạc. Máy liên lạc qua đường dây điện sẽ bị phá vào lúc 17 giờ 30 phút. Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Tạm biệt tướng quân. Nước Pháp muôn năm ».
Quân đội kiểm duyệt thông tin và trung tâm chỉ huy rơi vào tay Việt Minh
Vào lúc 8 giờ 45 phút, giờ địa phương, từ Hà Nội, văn phòng AFP đưa tin : Hơn 12 tiếng sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), từ diễn đàn của Quốc hội, đã thông báo chính thức là trung tâm chỉ huy ở Điện Biên Phủ đã rơi vào tay Việt Minh, nhưng giới lãnh đạo quân đội tại Đông Dương vẫn không cho phép các hãng thông tấn đưa tin.
Tại các văn phòng của bộ phận kiểm duyệt, hàng trăm bức điện vẫn nằm chờ. Các bản tin này chỉ phát đi vào lúc 9 giờ sáng ngày 08/08, trong lúc các thông tin viên đã được thông tin từ 19 giờ ngày hôm trước, mồng 07/05.
Đối với giới lãnh đạo quân đội, Điện Biên Phủ đã cầm cự được cho tới ngày hôm nay, thứ Bẩy, 08/05, lúc 9 giờ sáng, giờ địa phương. Có hai lý do thông tin muộn màng về Điện Biên Phủ thất thủ : Đánh điện chuyển tin rất chậm và phía quân đội kiểm duyệt.
Tướng De Castries phá hủy máy liên lạc.
Vào lúc 9 giờ 25 phút, giờ địa phương, ngày 08/05/1954, văn phòng AFP từ Sài Gòn, cho biết : Vào chiều hôm qua, lúc 16 giờ 45 phút, giờ địa phương, tướng De Castries đã gửi một gọi điện về Hà Nội thông báo : « Hầm chỉ huy trung tâm sẽ bị chiếm. Không thể kháng cự được nữa ». Sau bức điện này, tướng de Castries đã phá hủy máy phát sóng. Từ đó, không còn có thông tin nào được gửi từ trung tâm chỉ huy Điện Biên Phủ hoặc từ một máy phát trong hầm chỉ huy.
RFI