Vatican là một tổ chức cai trị khối giáo dân Công giáo 1,3 tỷ về mặt tôn giáo, đồng thời là một thứ Siêu Quốc gia hay một thứ Chánh phủ của Chánh phủ toàn cầu về mặt thế tục.
Về nhận thức này, Tiến sĩ Trần An Bài, một trí thức Công giáo, tự đặt cho mình câu hỏi “Giáo hoàng hay Quốc trưởng Vatican: một Đầu hai Mặt” để suy luận sự việc Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã từ chức hay bị Vatican cách chức mà đang đêm phải vội vã lên máy bay đi ra nước ngoài chữa bịnh? Mà Ngài lại đi trong tư thế của một con người khỏe mạnh bình thường! Nhưng thầy thuốc ở Vatican đã phát hiện căn bịnh nguy ngập thập tử nhứt sanh của Ngài và Vatican chánh thức thông báo cho Ngài biết qua văn thư ngày 30/01/2008 đó là yêu cầu Ngài “ngưng tay và hạ giọng trong việc hỗ trợ giáo dân Hà Nội thấp nến cầu nguyện đòi Công lý”. Và cũng chính Ngài, trong một lần khác, sau vụ một nhóm cán bộ đảng viên đảng cộng sản Hà Nội ồ ạt ăn cắp ở Nhựt Bổn bị bắt, đã lớn tiếng “Thật là nhục nhã khi ra nước ngoài cầm hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Thầy thuốc ở Vatican nhận thấy bịnh tình này phải đưa Ngài ra ngoại quốc để chữa trị mà thôi. Ở lại thêm nữa, không phải lo sợ Ngài sẽ vong mạng mà chính vì lo sợ nhiều hơn về sự truyền nhiễm từ Ngài có thể lây lan qua tới Vatican.
Quốc gia Vatican
Trong thời gian đầu, Giám mục La Mã là người có uy tín ở địa phương do tín hữu cử ra. Một thời gian sau các Hoàng đế La Mã chỉ định kẻ thân cận giữ chức Giáo hoàng để phục vụ đắc lực cho quyền lợi của đế quốc. Khi Giáo hội trở nên độc lập hơn đối với các nhà cầm quyền thế tục, Giáo hoàng lại được người đồng đạo bầu ra. Ngày xưa cử tri đoàn bầu Giáo hoàng có thể họp bất cứ nơi nào thuận tiện tùy theo tình hình, hoặc ở nơi Giáo hoàng qua đời, không nhất thiết phải ở La Mã.
Là Giám mục La Mã trong niềm tin kế nghiệp Thánh Pierre, Giáo hoàng cai quản giáo dân và tài sản của giáo xứ. Tín đồ thường hiến đất và tiền cho Thánh Pierre, nghĩa là cho Giám mục La Mã. Nhờ đó mà điền sản của Thánh Pierre mở rộng nhứt hồi thế kỷ 18, kéo dài từ Naples tới Venise, thêm một số nơi ở Pháp. Giáo hoàng trở thành vua của các Nước Giáo hoàng, với đầy đủ những vấn đề của một nhà cai trị thế tục.
Vào thế kỷ 19, dân trên bán đảo Ý bắt đầu muốn lập một nước Ý thế tục và thống nhất. La Mã lần lần trở thành thủ đô của một nước Ý đang định hình, những tiểu vương quốc trên bán đảo bắt đầu phải chịu giải thể và sáp nhập vào nước Ý, trong đó Giáo hoàng là một trong những vương quốc đó có thế lực hơn hết.
Giáo hội La Mã là lực lượng cuối cùng phản đối nỗ lực của người dân muốn thành lập nước Ý. Giáo hoàng Pie IX (1846-78) không công nhận vương quốc Ý, vì thế ông bị tước mọi quyền thế tục và bị đuổi khỏi lâu đài Quirinale, phải vào ở trong Vatican. Để chống lại, Pie IX tuyên bố rút phép thông công những ai đi bầu hoặc tham gia vào chánh quyền Ý. Năm 1905, Pie X (1903-14) mới chánh thức cho giáo dân quyền bầu cử, và phải bầu cho các đại biểu không thuộc phe xã hội. Năm 1929, không thể đi ngược với trào lưu tiến hoá nữa, Tòa thánh phải chấp nhận ký hiệp ước Lateran với nhà độc tài phát xít Benito Mussolini, giao tất cả đất đai của các Nước Giáo hoàng trên bán đảo và thành phố La Mã cho chánh phủ Ý, đổi lại, chánh phủ Ý công nhận "Vatican là một nước độc lập có đầy đủ chủ quyền" về mặt thế tục. Từ nay, Giáo hoàng không còn quyền sinh sát như trước, mà lo chú trọng nhiều hơn vào trách nhiệm tinh thần, dẫn dắt Giáo hội qua hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20 và đối diện với những tiến bộ mới về khoa học tự nhiên và nhân văn và nhứt là những trào lưu xã hội bùng nổ tiếp theo về sau này.
Vài nét đối ngoại
Giáo Hoàng cùng các vị Hồng Y và các chức sắc tại Vatican thông thường thì như lúc nào cũng phải chu toàn phần vụ về cả hai mặt: đạo là Giáo Hội và thế tục là Quốc gia Vatican. Nhưng trên thực tế, dường như vai trò "quốc gia Vatican" nặng ký hơn, lẽ ra nó chỉ là "phương tiện" để phục vụ cho cứu cánh là Giáo Hội. Trái lại, Giáo Hội hầu như phải tùy thuộc theo chánh sách cai trị của quốc gia Vatican, quan trọng là về đối ngoại, nhứt là đối với chế độ độc tài, quan hệ quốc gia Vatican với Cộng sản Hà Nội từ ít lâu nay thể hiện rõ nét về cái nhìn này.
Vatican, về mặt chính trị, có nhiều nhân nhượng với Cộng sản Hà Nội dù thấy rõ bao thảm họa mà giáo dân cùng nhân dân Việt Nam phải gánh chịu do Cộng sản gây ra. Vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, vụ Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, vụ Thái Hà, Đồng Chiêm và bao nhiêu vụ khác ở Việt Nam, Vatican chẳng những chưa hề có một can thiệp nào mạnh mẽ để kiềm hãm bàn tay đẫm máu của Công sản đối với giáo dân, mà còn chỉ thị các nơi, như Giáo xứ Paris, tránh lên tiếng ủng hộ. Năm mươi ngàn lá đơn của Giáo dân Thái Hà xin Giáo Hoàng lưu giữ Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt lại tại Tổng giáo phận Hà Nội, không được đáp ứng. Chắc nội vụ đã bị Giám mục Cao Minh Dung, được xem là một tình báo của Hà Nội tại Tòa Thánh, can thiệp. Rồi lần lượt Giáo Hoàng tiếp kiến giới lãnh đạo ở Hà Nội, điều này càng thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước thì dĩ nhiên sự chết sống của giáo dân ở Việt Nam phải để ở Việt Nam giải quyết.
Với Trưởng Nữ của Giáo hội
Ở La-Mã, Giáo hội Pháp từ lâu bị xem là không còn ảnh hưởng. Thời mà Giáo hoàng Paul VI trọng dụng nền thần học pháp với vai trò được đề cao, tham dự Cộng đồng Vatican II nay trở thành một kỷ niệm của quá khứ xa xôi.
Trưởng Nữ của Giáo hội lâm bịnh, Giáo sĩ, chủng sinh, lễ rửa tội trên đà trượt dốc. Hình ảnh Trưởng Nữ không chỉ là xứ Pháp trở thành hoàn toàn thế tục, mà, với quan niện sự thế tục hóa, còn xung đột với ý tưởng Thiên Chúa nữa. Phải chăng nước Pháp đã dẫn đầu Âu châu từ khước ghi những giá trị Thiên chúa giáo vào Hiến pháp?
Thảm hại hơn nữa, ngay từ đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của Giáo hoàng Benoit XVI, Pháp tỏ ra là một gương xấu dưới mắt Giáo hoàng và Vatican trong việc đón nhận Cộng đồng Vatican II.
Pháp có quan hệ đã không nồng ấm với Vatican ngay từ đầu thế kỷ. Năm 1904, Chánh phủ Combes của Tổng thống Loubet cắt đứt ngoại giao với Vatican để qua năm sau, ban hành luật tách Giáo hội với Nhà nước. Từ đó quan hệ giữa Pháp và Vatican ngày càng thêm lạnh nhạt.
Người ta còn nhớ Giáo hoàng Jean-Paul II, tại Bourget năn 2008, đọc một bài diễn văn quan trọng trong đó có một câu bộc lộ rõ thực chất của chánh sách đối ngoại của Vatican đối với Pháp "Nước Pháp, Trưởng Nữ của Giáo hội, ngươi có nhớ những lời thề của ngươi khi làm lễ rửa tội không?".
Ba mươi năm sau, niềm tin và bản sắc Công giáo của Pháp tiếp tục xuống dốc và quan hệ giữa Pháp và Vatican ngày thêm mờ nhạt. Theo kết quả của một Ủy ban điều tra của Quốc hội pháp thì sự mờ nhạt đó do nhiều lý do và những quan điểm khác biệt. Năm 2004, Pháp từ chối đưa nguồn gốc thiên chúa giáo vào tiền văn của Hiến pháp âu châu. Thế là dưới mắt Giáo hoàng Benoit XVI, Pháp không có những đầu óc sáng suốt và từ đó trong hàng giáo sĩ pháp không có mấy ai được cất nhấc phẩm trật. Và cũng từ đó, Pháp không còn tiếng nói trong ngoại giao của Vatican.
Ngày nay, với chánh phủ xã hội và ảnh hưởng mạnh của Thợ Hồ, Pháp theo đuổi chánh sách thế tục ròng, hoạt động của Giáo hội ở Pháp càng bị giới hạn hơn nữa. Khi nhận đươc tin Giáo hoàng từ nhiệm, T.T François Hollande liền diễu trước báo chí và trước vị quốc khách Phi châu "Cộng hòa Pháp không giới thiệu ứng cử viên cho chức vụ Giáo hoàng mới". Bà Bộ trưởng Người già góp thêm tiếng cười "Dù đúng hay sai, Giáo hoàng Benoit XVI, trước khi lấy quyết định, đã không hỏi ý kiến của tôi". Và chính thành phần cử tri có tư tưởng chống Giáo hội Vatican đã đưa cánh tả lên nắm chánh quyền hồi năm rồi ở PháHồi giáo.
Sự nghiệp của Triều đại Giáo hoàng Benoit XVI
Theo giới lãnh đạo Công giáo, sự nghiệp của Giáo hoàng Benoit XVI để lại có nhiều tranh luận về giá trị phục vụ Giáo hội. Đa số những nhà thần học đều nhìn nhận Giáo hoàng Benoit XVI có nhiều nỗ lực để cải tổ Giáo hội, điều tra những vụ bê bối của Giáo hội như về tài chánh mờ ám, về vi phạm đạo đức như những vụ ấu dăm ở Ái nhỉ lan, Huê kỳ, Anh, Ý,...và cải thiện đường lối ngoại giáo với thế giới,... Theo nhà thần học Vito Mancuso thì "Giáo hoàng Benoit XVI đúng là người của Thiên chúa nhưng Ngài lại thể hiện sự yếu kém của Giáo hội trước thế giới bên ngoài". Nhà thần học còn nêu ra một số vấn đề mà Giáo hoàng đã không đề cập tới trong nhiệm kỳ của Ngài: sự độc thân của linh mục, sự khủng hoảng nghiêm trọng niềm tin, vai trò phụ nữ trong Giáo hội, vấn đề quan hệ nam/nữ tự do. Ông Marco Politi, nhà vatican học, nhận định: "Trên thực tế, đó là những vấn đề mà người Công giáo trên thế giới đang phải đối đầu trong đời sống hằng ngày của họ. Sự hướng dẫn có lẽ thiếu vắng hoặc lại theo chủ trương bảo thủ truyền thống và khép kín trước thời đại".
Một số nhà thần học làm tổng kết 8 năm trị vì của Giáo hoàng Benoit XVI: "Đó là một triết gia, một người đặc trách tôn giáo đủ can đảm từ nhiệm. Nhưng người ta không thấy rõ Ngài là một vị Giáo hoàng: Ngài đã không muốn là Giáo hoàng nên Ngài không phải là Giáo hoàng".
Vậy vị Giáo hoàng ngày mai này sẽ như thế nào? Sử gia chuyên về Vatican, Ông Philippe Levillain, phát họa: "Đó phải là người trẻ, từ 60-65 tuổi, đủ nghị lực để có thể cho thấy Giáo hội thật sự được lãnh đạo chặt chẽ. Và đồng thời người đó cũng phải năng động và cởi mở. Vấn đề thật sự của Giáo hoàng mới là giải quyết cho Giáo hội tính thời đại: biết tiếp xúc với xã hội truyền thông và toàn cầu".
Những bổ nhiệm sau cùng của Giáo hoáng Benoit XVI tuy không đủ để giữ xu hướng cử tri bảo thủ nhưng hình ảnh một vị Giáo hoàng cấp tiến vẫn chưa thấy hiện rõ nét.