main billboard

Chiều nay chị Bông ăn cơm sớm để đi họp tổ dân phố, ban trưa ông tổ trưởng đã đi rảo qua từng nhà để mời họp, ông tổ trưởng dân phố vừa khó tính vừa đầy nhiệt huyết, thuộc loại “ăn theo cách mạng” mà người ta gọi là “Cách mạng 30 tháng tư”...

hop to dan phoChiều nay chị Bông ăn cơm sớm để đi họp tổ dân phố, ban trưa ông tổ trưởng đã đi rảo qua từng nhà để mời họp, ông tổ trưởng dân phố vừa khó tính vừa đầy nhiệt huyết, thuộc loại “ăn theo cách mạng” mà người ta gọi là “Cách mạng 30 tháng tư” nên không ai dám lơ là bỏ họp nếu không có lý do cụ thể chính đáng

Rửa bát xong xuôi đã gần 7 giờ chiều. Chị Bông đi ngang qua nhà chị Bích cô bạn hàng xóm ngay bên cạnh tiện thể ghé vào gọi:

– Bích ơi, đi họp tổ dân phố…



Bích từ trong nhà đi ra, nàng mặc đồ bộ hở tay hở nách:

– Xong việc rồi. Nào đi, cứ mặc thế này cho mát mẻ.

– Tao cũng mặc bộ đồ cọc cạch trông như bà dở hơi, tổ dân phố toàn là hàng xóm mình mà.

hop-to-dan-pho
Thắm Nguyễn
Cả hai đi qua nhà chị Ngân thì thấy mẹ chị Ngân cũng vừa lấp ló ngoài cửa nên dừng chân đợi bà luôn. Tiếng chị Ngân nói như hét lên với mẹ:

– Khoan, mẹ đợi con một chút, mẹ ngồi họp thảnh thơi bế thằng cu Tí theo với.

Bà tai điếc nhưng nhờ con gái hét to chắc cũng nghe lọt. Bà một tay cầm cái quạt giấy, tay kia cắp thằng cháu nội 1 tuổi. Thế là một buổi đi họp tổ dân phố chẳng phí phạm thời gian và nhân lực tí nào.

Những buổi họp tổ dân phố không còn quan trọng như thời gian đầu mới “giải phóng” nữa mà trở nên nhàm chán, người ta đi họp cho có lệ để khỏi bị tổ trưởng và tập thể phê bình, chủ hộ đi họp hoặc cho thành viên trong nhà đại diện đi giùm, nhà thì cho đứa con mới 13 tuổi đến dự phiên họp làm như họp mặt thiếu niên nhi đồng, nhà thì cho ông già bà cả cứ làm như đi họp bô lão, mẹ chị Ngân vừa già vừa điếc thì làm sao mà nghe đầy đủ nội dung cuộc họp, đã thế bà còn kiêm luôn việc trông cháu. Nhà bác Hồng lại còn độc đáo hơn cho thằng con tàn tật bị què một chân đi họp. Toàn là những sức lao động dư thừa, sức lao động ế không sử dụng đến. Họ dự buổi họp tổ dân phố cho có mặt để ông tổ trưởng điểm danh .

Còn những chủ hộ như chị Bông, chị Bích thì đi họp cũng là dịp gặp nhau tán dóc… giết thì giờ. Trong lúc chờ đợi giờ họp hai chị tha hồ lôi đủ thứ chuyện vặt, cbuyện đời ra kể cho nhau nghe.

Ðịa điểm họp là nhà bà Nhiều, nhà bà có phòng khách rộng lát đá hoa, bà tình nguyện cho mượn làm nơi hội họp coi như có tinh thần tập thể nên luôn được anh công an khu vực ngợi khen

Chị Bông và Bích bước vào nhà bà Nhiều, sàn nhà đã được lau chùi nên mọi người ngồi bệt xuống thoải mái, dù cái quạt trần đang quay nhưng vài bà già vẫn mang theo quạt để phe phẩy cho mát mẻ thêm. Bà mẹ chị Ngân bế cháu ngồi xuống cạnh chị Bông, bà than thở:

– Buổi trưa ngồi nhặt một mâm gạo toàn bông cỏ và sạn lớn sạn nhỏ mỏi cả lưng bây giờ lại ngồi họp.

– Nhà nào chẳng thế, phải đổ gạo ra mâm nhặt bông cỏ, nhặt sạn cả giờ mới có gạo sạch nấu cơm. Thế sao bà không để chị Ngân đi họp ?

– Nói thế thôi, tôi đi họp vẫn hơn. Ở nhà nó còn bao nhiêu việc phải làm.

Thằng cháu nội của bà ngồi im trong lòng bà, hy vọng nó đã ăn no bú say không khóc ré lên trong buổi họp như mấy lần trước.

Chị Bông và Bích chơi thân nhau, ngoài tình hàng xóm còn đồng cảnh ngộ chồng đi “học tập cải tạo” và đứa con lớn bằng tuổi nhau học cùng lớp cùng trường..

– Này Bông mày đã mua mấy cục gạch cho thằng Tèo chưa? Lớp học của con chúng mình đang có phong trào “Mỗi trò một cục gạch cho kế hoạch nhỏ” đấy.

– Nhà trường cần xây sửa lại cái phòng học bị lở bị nứt bắt mỗi em học sinh phải nộp gạch chẳng khác nào moi tiền trong túi người ta, có đứa phải nhịn ăn để mua gạch. Bóc lột đến thế là cùng !

– Con tao cứ đòi mua cho nó mấy cục gạch, càng nhiều càng tốt để nó giao nộp cho trường.

Chị Bông cương quyết:

– Không, mày cứ mua cho nó 1 cục gạch đủ tiêu chuẩn tối thiểu thôi, tao cũng thế, gạch cũng là tiền. Thà kế hoạch nhỏ nộp giấy vụn, nộp lon ve chai thì tao còn ráng vơ vét cho con nó thi đua.

Hai bà ngồi trước mặt chị Bông cũng đang tâm sự đầy vơi:

– Thằng con em vừa mới có giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng em đã giải quyết tốt đẹp

– Biết rồi, chạy tiền chứ gì…

– Chính thế, phường đội bao giờ cũng gọi nhiều người đi nghĩa vụ để phòng hờ trừ hao kẻ bỏ trốn và nhất là để ăn hối lộ. Thế là số người lên đường vẫn đủ chỉ tiêu, vẫn đạt thành tích. Phường đội vừa được ăn hối lộ vừa được khen.

Ðến lượt bà kia kể chuyện nhà mình:

– Chị xem, căn nhà của bố chồng em muốn sang tên cho chồng em thế mà phường xía vào, vì bố em có hai con đi nước ngoài từ năm 1975, phường nói “nhà nước” sẽ quản lý phần tài sản của hai người “phản động” đó, nhà em chỉ được hưởng một phần ba trị giá căn nhà. Tóm lại sẽ mất toi hai phần căn nhà .

– Nhưng “nhà nước” là ai? Là thằng cha căng chú kiết nào? Hay tiền lại vào túi những đứa “nhà nước” chuyện hà hiếp và bóc lột của dân này?

Chị Bông chồm lên góp chuyện:

– Hai bác ơi, nhà nước quản lý chúng ta đủ mọi thứ, từ cái bao tử đến chuyện nhà cửa tiền bạc là chuyện thường tình.

Giọng một bà chua cay:

– Tức lắm cô Bông ạ, nhà tôi 2 người ở nước ngoài họ còn có cớ, nhà bà Hào thằng con đi vượt biên mất tích, căn nhà bà bán đi để chia phần cho 3 đứa con còn lại để yên tâm tuổi già khi bà nhắm mắt lìa đời cũng bị “nhà nước” quản lý phần đứa con mất tích ấy, thế có đau đớn cho bà Hào không, hở !

Lác đác có thêm vài người đến, ông tổ trưởng vẫn chưa khai mạc vì chưa đủ người dù giờ họp đã quá. Một bà chép miệng phê phán:

– Tôi đã trừ hao đi trễ 10 phút mà vẫn phải đợi. Sao lại có người bê trễ giờ giấc, không biết tôn trọng tập thể đến thế cơ chứ.

Chị Bông và chị Bích lại thêm chuyện:

– Hôm nay hình như ông tổ trưởng sẽ phổ biến thông báo của phường gọi đi làm thủy lợi và không ai được miễn cả.

– Thông tin ở vợ ông tổ trưởng rò rỉ ra phải không? may mà chồng bà chỉ làm tổ trưởng dân phố chứ làm việc đại sự quốc gia thì bà vợ này chỉ giỏi hại chồng. Tao đi làm thủy lợi một lần, nhớ lại mà còn ớn, nước con kinh đen thui đặc quánh những rác rưới lâu năm đã phân hủy nồng nặc mùi hôi thối thế mà người phải lội xuống đó nạo vét khai thông bằng tay. Chỉ được dăm ba tháng đâu lại vào đấy “con kinh ta đào” nước vẫn đen thui.

– Chẳng cần tới đào kinh làm thủy lợi, hôm chúng mình đi làm lao động trên đất mà cũng nhớ đời nè, mệt ơi là mệt.

Chị Bông suy nghĩ:

– À, cái hôm cả tổ dân phố đi lao động làm sạch vành đai hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất chứ gì?

Chị Bông hào hứng tiếp:

– Ban đầu tao cứ cảm tưởng như cả tổ dân phố được đi dã ngoại, hôm ấy là buổi xuất quân đầu tiên nên có cán bộ phường, cán bộ hội phụ nữ nữa mới oai. Họ dẫn chúng ta đi qua chợ Hạnh Thông Tây, qua chùa Huỳnh Kim đến một xóm nghèo mộc mạc, chúng ta ở cùng quận huyện mà chẳng có dịp nào đi sâu đi sát vào tận xóm làng đến thế.

Chị Bích tiếp:

– Rồi chúng ta băng qua bên kia đường đến một nơi vắng vẻ giáp ranh với hàng rào đầy những bụi bờ lùm cây cách ngăn phi trường Tân Sơn Nhất, có lèo tèo chục nóc nhà với bãi tha ma, có những ngôi mộ đã được bốc dỡ, có những ngôi mộ vô chủ nằm bơ vơ chờ nhà nước “càn quét” san bằng thấy mà thương.

Chính quyền địa phương di rời mấy hộ dân đi nơi khác, giải toả những ngôi mộ và bắt những tổ dân phố lần lượt “khai hoang” chặt cây thu gom rác rưới làm sạch mặt bằng mục đích làm thoáng để giữ an ninh khu vực phi trường.

Hôm ấy chị Bông và chị Bích cùng “tung tăng” thích thú chạy đi chỗ nọ chỗ kia vì lạ cảnh, những bụi cây mây mọc san sát nhau cao hơn đầu người chi chít những chùm quả xanh, hai người hái… ăn thử vừa chua vừa chát. Những cành mây dài và cong vút đâm ra tua tủa chắc là cành mây này dùng làm roi mây đây.

Ðến những lùm cây hoa dại màu vàng màu đỏ xinh xinh mọc bên một gò đất khô cằn.

Chị Bông thích quá vừa hái một hoa thì bà Năm Dung trưởng chi hội phụ nữ của phường ở đâu le te đi đến, bà mát mẻ:

– Chỗ này không phải để các chị hái hoa bắt bướm đâu nhé

Chị Bông chống đỡ:

– Em đang định hái xem nó là hoa gì để hỏi ý chị là có nên phạt phăng bụi hoa lạ này hay là… để hoa cho đời thêm đẹp hả chị?

Bà hội trưởng hội phụ nữ lên mặt giảng giải:

– Các chị ở thành phố quen phố quen đèn làm gì biết có những loại hoa lạ như những chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn chúng tôi. Thời chiến tranh ở trong rừng tôi thấy bao nhiêu là hoa đẹp thì giờ đâu mà mộng mơ hoa bướm, phải chiến đấu mới có ngày đại thắng hôm nay. Tóm lại các chị cứ cuốc hết mấy bụi hoa vớ vẩn này cho tôi.

Thẳng tay phũ phàng cuốc bụi hoa đẹp vô tội xong chị Bông và chị Bích cùng vài người khác ra cuốc nhổ những cây khoai mì trồng gần những nấm mồ đã được bốc dỡ, cánh đàn ông bới lên những củ khoai mì to tướng như cái bắp chân. Một ông nói:

– Các chị em phụ nữ thu gom củ vào một đống chốc nữa chia nhau bồi dưỡng. Cán bộ đã cho phép rồi

– Sao củ khoai mì to và tươi tốt thế nhỉ?

Ông kia đang đào bới dừng tay giải thích chẳng biết đùa hay thật:

– Cây trồng cạnh mồ mả thì tươi tốt nhờ người chết chứ sao, về làng quê cứ nhìn những mồ mả ngay trong vườn hay bên cạnh ruộng lúa tốt tươi cũng đủ biết. Các bà đi chợ mua cá trê mà có biết là cá trê bắt trong hang cạnh những gò mả sụp lở không. Chúng ta đang được nuôi sống từ cõi chết, từ sự luân hồi của thiên nhiên tạo hoá.

Một bà xuýt xoa :

– Có thật là cá trê chui rúc trong hang cạnh mồ mả không hả chú?

Ông kia vẽ vời thêm:

– Tôi còn nghe kể có người bốc mả đã bắt được mấy con cá trê đen bóng to tướng trong quan tài sũng nước của người chết kìa.

Các phụ nữ kêu rú lên và không ai muốn chia phần cái đống khoai mì vừa thu hoạch cạnh mồ mả nữa..

Chị Bông và Bích ngừng nói chuyện ở đây vì ông tổ trưởng đang đằng hắng lên cao giọng:

– Yêu cầu bà con yên lặng nghe điểm danh. Hộ Nguyễn Văn Chính có mặt không?

Ông Chính hớn hở khoe:

– Có Chính đây, tôi đến đúng giờ từ lúc sớm, đợi họp dài cả cổ.

Ông tổ trưởng tiếp tục điểm danh từng hộ:

– Hộ Trần Thị Tơ..

Tiếng rụt rè cất lên:

– Có ạ..

Ông tổ trưởng nhìn về hướng ấy, phàn nàn:

– Khổ quá, lần nào bà Tơ cũng “phái” con bé con mười mấy tuổi này đi họp, nó tiếp thu được gì !

Con bé cãi:

– Cháu hiểu chứ ạ

– Thế mẹ cháu đâu không đi họp?

– Mẹ cháu bị ốm…

– Lần nào họp bà Tơ cũng ốm. Thế là thế nào? Hộ chị Lê Thị Ngân có mặt không?

Chị Bông sợ bà không nghe liền hích tay vào mẹ chị Ngân, bà vội vàng lên tiếng:

– Tôi là hộ Lê Thị Ngân đây

Lần này là bà già thì ông tổ trưởng không thể phàn nàn chưa đủ tuổi khôn lớn tiếp thu buổi họp, nhưng ông vẫn có lý:

– Bà Ngân đã khỏi điếc tai chưa mà đi họp nhỉ ?

May quá bà nghe được câu này nên đáp ngay:

– Dù câu được câu mất nhưng nói chung là tôi hiểu được nội dung chính buổi họp.

Xong màn điểm danh ông tổ trưởng quét mắt nhìn một lượt mọi người và nhắc nhở:

– Yêu cầu chị Hưng nghiêm chỉnh không bắt chí rận cho người bên cạnh nữa. Buổi họp bắt đầu.

Chị Hưng ngồi cạnh ai là đòi bắt chí cho người ấy, bắt được con chí hay tuốt được cái trứng mẩy nào là chị đưa lên miệng cắn thú vị như người ta cắn hạt dưa ngày tết.

Bích nói nhỏ vào tai chị Bông:

– Hôm nay còn đỡ hơn kỳ họp trước, bà Hà đi họp tử tế không cho thằng em dở hơi đến ngồi dự, toàn hỏi những câu trên trời dưới đất mất cả thì giờ..

Ông tổ trưởng dân phố đang nghiêm giọng:

– Hôm nay tôi thông báo đến các hộ chương trình thủy lợi đợt hai ở vùng Thành Ông Năm Hốc Môn, chúng ta sẽ đi làm vài lần, tất cả các hộ dân đều được khuyến khích tham gia, không có chế độ ưu tiên tạm hoãn, vậy bà con nào nhiệt tình đăng ký đi trước thì giơ tay lên để tôi ghi tên vào danh sách “Người tốt việc tốt” của tổ dân phố mình… Theo ngày giờ ấn định chúng ta sẽ tập kết ở ủy ban phường và có xe chở đến nơi làm thủy lợi ở Thành Ông Năm Hốc Môn.

Một bà giơ tay góp ý:

– Xin ông tổ trưởng giải thích “Tập kết” là gì?

– “Tập kết” là “tập trung” có thế mà bà cũng không hiểu .

– Tôi chưa quen dùng từ của miền Bắc, chúng ta sống ở miền Nam ông tổ trưởng lần sau nói từ miền Nam cho dễ nghe.

Ông tổ trưởng khó chịu :

– Miền nào cũng là tiếng Việt Nam cả, đất nước ta đã thống nhất bà còn phân biệt Nam Bắc à. Thôi, ai đăng ký đi thuỷ lợi nào?

Người nọ nhìn người kia chẳng ai buồn giơ tay, rồi có vài tiếng thở than:

– Lúc này nhà tôi bận nhiều chuyện lắm cơ..

– Nhà em cũng thế, hết mẹ chồng ốm đến mẹ ruột đau không dám rời nhà nửa bước…

– Còn tôi, chính bản thân đang bị đau lưng, đứng lên ngồi xuống còn khó khăn nữa là…

– Chưa khổ bằng tôi, đang bị suy nhược cơ thể vì suy dinh dưỡng có giấy chứng nhận của bác sĩ đàng hoàng…

Cả phòng họp đang căng thẳng thế thì bỗng một tiếng trẻ con khóc ré lên làm mọi người không ai bảo ai cùng hướng về phía bà Ngân.

Thằng cháu nội nãy giờ ngồi trong lòng bà chắc nó chán rồi, khóc phản đối để thoát ra cảnh tù túng.

Ngồi trong một góc nhà đằng kia chị Sa đang ung dung vạch áo cho thằng con mấy tháng tuổi bú, chị nhanh nhẩu nói với bà mẹ Ngân:

– Lần sau bà để chị Ngân đi họp, con có khóc thì chị cho nó bú ngay tại chỗ như cháu đây, chứ bà lấy gì cho nó bú?

Tiếng ai đó phản đối:

– Ơ, cái cô Sa này ăn nói chẳng ý tứ gì cả.

Chị Sa chẳng chịu thua:

– Em chỉ nói điều thực tế chứ không có ý gì. Thử hỏi các ông các bà trong buổi họp mà thằng bé khóc ré lên mấy lần thì còn họp hành gì, ai cũng muốn họp xong về còn lo chuyện nhà chuyện cửa.

Ông tổ trưởng vội giữ gìn trật tự:

– Thôi, chúng ta trở về buổi họp, nếu không có ai tình nguyện đăng ký đi thủy lợi trước thì chúng ta sẽ bắt thăm cho công bằng …

Vài tiếng rên rỉ to nhỏ:

– Lỡ nhà tôi trúng thăm đi thủy lợi chẳng khác nào trúng…gió, rước họa vào thân.

– Nhà em đi thủy lợi một ngày về đau bệnh ba bốn ngày bác ạ, lợi nhà nước mà hại nhân dân. “Thủy hại” chứ “Thủy lợi” gì !

– Gạo bán tiêu chuẩn mỗi tháng 9 ký một đầu người ăn không đủ no còn phải đi làm thủy lợi không công…

– Cả hai vợ chồng tôi cùng đau bao tử vì ăn bo bo nhiều hơn cơm gạo, đi khám y tế phường cho uống thuốc Xuyên Tâm Liên trường kỳ mà vẫn không khỏi sức đâu mà thủy lợi..

Mặc cho những tiếng xì xầm than van ông tổ trưởng đang lải nhải bước sang các vấn đề khác như giữ gìn khu phố sạch đẹp, khu phố văn hoá, mọi người đang xuống tinh thần, lo lắng vì cái vụ thủy lợi đợt hai như một bóng ma đang ám ảnh họ. Nhưng một câu nói của ông tổ trưởng đã làm cả phòng họp lấy lại tinh thần:

– Ðể kết thúc buổi họp dân phố hôm nay tôi thông báo đến các hộ là sáng ngày kia đến lượt tổ chúng ta được mua bánh mì, vậy ngày mai bà con nhớ nộp sổ lương thực cho chị tổ phó nhé, ai không nộp sổ là mất quyền lợi đấy.

Ông tổ trưởng thật là khôn khéo và tế nhị, không gì vui bằng giây phút chấm dứt buổi họp mà lại kèm thêm tin đến ngày được mua bánh mì thì ai mà không phấn khởi..

Tiếng mọi người hồ hởi nhao nhao với nhau:

– Dù bánh mì tổ chẳng ngon bằng bánh mì chợ đen nhưng ăn bo bo mãi cũng chán, tôi sẽ mua vài quả trứng về rang lên ăn với bánh mì…

– Tôi sẽ cho lũ con đông nhà tôi ăn bánh mì với chuối trừ cơm, loại chuối bom từ Long Khánh đổ về ê hề ngoài chợ, vừa rẻ vừa tiện lợi đỡ nấu nướng, đỡ tốn củi lửa.

– Tôi sẽ đi mua lại bánh mì của hộ nào không ăn, phơi khô làm lương thực đi thăm chồng đang cải tạo, ở trong tù một miếng bánh mì khô quý như vàng.

Ai cũng có lý do để hớn hở với bánh mì là thế.

Mọi người lục đục đứng dậy ra về. Bà Ngân, chị Bông, chị Bích về cùng ngõ vừa đi vừa nói chuyện cho đến trước cửa nhà chị Ngân, chị ra bế con và hỏi thăm:

– Hôm nay mẹ họp cháu có khóc không?

– Ối giời, lần nào nó chả khóc, mà nhờ nó khóc buổi họp mới vui, nghe báo cáo nọ báo cáo kia nhàm cả tai..

– Mẹ tóm lại cho con biết hôm nay buổi họp nói vấn đề gì?

– Chẳng có gì quan trọng ngoài chuyện ngày kia tổ mình đến lượt được mua bánh mì, con nhớ nộp sổ lương thực kẻo mất phần

Chị Bông và Bích nháy mắt nhau và bước đi:

– Bà tai điếc, câu được câu không, cái phần chủ yếu của buổi họp là đi thủy lợi bà không nhớ chỉ nhớ cho cái bao tử là món bánh mì. Bà khôn thật.

oOo

Gia đình chị Bông và chị Bích đã định cư ở Mỹ. Hai người bạn thân xưa vẫn liên lạc, đến thăm nhau hay gọi phone, thỉnh thoảng họ lại nhắc đến khoảng thời gian sau 1975 nhiều vất vả đắng cay. Họ tỉ mỉ nhắc đến những lần xếp hàng mua gạo, mua mì sợi, bo bo, khoai lang khoai mì, mua thịt cá mua rau, những thực phẩm chẳng tươi tốt ngon lành gì nhưng vẫn cần có để mà ăn mà sống

Khi nhắc đến những buổi họp tổ dân phố nhàm chán lòng họ lại nao nao nhớ những gương mặt hàng xóm thân quen cũ.

Chẳng biết bây giờ ai còn ai mất, ai đang ở lại quê nhà và ai đã ra đi tận phương trời nào ??