Cô Thanh đang đứng nhởn nhơ trước cửa, có khi cầm cây chổi quét nhà, có khi ngó mấy chậu bông. Vừa thấy ông Tư Thà thì nói:
– Hello Hia Thà.
Sáng nào cũng vậy. Ông Tư Thà đều thả bộ trên đường Harrington Street, Cabramatta, để đi tới sân vận động St John tập thể dục như một thói quen. Khi đi ngang qua đường Edensor Rd thì y như rằng có cô Thanh đang đứng nhởn nhơ trước cửa, có khi cầm cây chổi quét nhà, có khi ngó mấy chậu bông. Vừa thấy ông Tư Thà thì nói:
– Hello Hia Thà.
Chỉ có vậy rồi thôi, chớ không nói thêm một lời nào nữa cả.
Vậy mà ông Tư Thà bước đi thoăn thoát với cõi lòng khoan khoái, dường như mới vừa uống được một thang thuốc bổ cũng không bằng. Cái nầy không biết có phải vì mắc chứng bịnh yêu đương hay không. Chớ bữa nào mà không gặp mặt cô Thanh, thì ông Tư Thà buồn lắm. Riêng cô Thanh thì cũng vậy chớ có khác gì. Cô đứng đợi cho Tư Thà băng qua cái vạch Crossing, thì cô đi vô nhà xỏ đôi giày Nike vô rồi đi tập thể dục ở nơi xẻo lá. Cái tên nầy nó chỉ mới có mấy năm nay thôi, do mấy ông già đi tập thể dục ở đây không kềm nén được nỗi nhớ nhà, nên mấy ổng họp lại đặt một cái tên. Thế là mấy bà, mấy ông đi tập thể dục ở vùng này đều kêu như vậy.
Con xẻo lá nầy tuy không sầm uất, nhưng nó là một con xẻo nhỏ. Nó bắt nguồn từ tuốt miệt trên Bonnyrigg Heights chảy xuống. Tới mùa mưa lớn, nước tràn lên mấp mé tới bờ đất ở đây, nên có lúc một đàn lươn bơi lội tung tăng ngay miệng cống của con đường Edensor Rd. Vì ở chỗ nầy Council Fairfield lâu lâu họ cho máy cạp đất chạy lại vét lên, nên lòi ra một khoảng trống nước trong xanh, để cho mấy con lươn từ dưới xẻo bò lên rồi bơi lội tung tăng theo dòng nước chảy, mấy ông mấy bà xúm lại đứng coi. Ông Tư Thà và mấy người bạn của ông, khi coi xong thì chỉ nói: “Lươn Úc này ăn cũng được, tuy hơi dai hơn lươn Việt Nam. Nhưng xào xả ớt, hay nấu canh chua thì nhậu cũng bắt mồi dữ lắm…”
Riêng phần cô Thanh không biết có phải lòng ông Tư Thà gì chưa, mà mỗi lần hai đàng gặp mặt nhau thì tỏ vẻ không tự nhiên, dường như bị chồng đi coi mắt cũng không bằng, chắc đó là một dấu hiệu yêu đương, nhưng ngặt nỗi cô đợi hoài mà chưa thấy ông Tư Thà nói một lời nào nên cô chỉ biết ôm nỗi buồn lặng lẽ.
Còn về ông Tư Thà thì cũng vậy, tuy biết rằng cô Thanh hiện nay là một người đàn bà Single Mum, có hai đứa con đã bị thằng chồng mắc dịch đi về Việt Nam mê bồ nhí rồi qua đây đòi ly dị. Càng nghĩ tới niềm kia nỗi nọ làm cho trong lòng của Tư Thà nó rối tợ tơ vò, bởi hoàn cảnh của ông cũng như vậy chớ có khác gì đâu. Anh lo vô làm trong hãng sắt cày chết cha chết mẹ, overtimes bao nhiêu giờ cũng ráng xin làm. Khi lương lãnh về giao hết cho vợ muốn làm sao thì làm, muốn xài việc chi anh cũng không cần ngó tới. Bởi từ ngày lấy nhau tới giờ như vậy đã quen. Nào ngờ con vợ của anh lấy cớ đi về Việt Nam thăm giếng mẹ già, để rồi sau đó nó cặp xách trai tơ, rồi qua bên đây kiếm cách chê anh là cái thằng già lạc hậu, tối ngủ ngái như bò rống làm nó muốn điếc cái lỗ tai. Thế là xin ly dị với lý do lảng nhách.
Ở đây chỉ cần một người vợ, hoặc chồng quyết định với lý do thật hết sức mơ hồ, mấy ông Toà cũng chấp thuận. Thành thữ mấy người đàn bà Việt Nam bây giờ mới leo lên đầu lên cổ chồng. Thét rồi thành thói quen. Động một chút thì hăm “tôi muốn ly dị”. Nếu ông còn cà chớn… Như vậy mấy thằng chồng cà chớn thì cũng được đi, chỉ tội nghiệp cho mấy thằng chồng hiền từ như đếm. Chỉ tội có một cái là không biết ăn chơi, không biết nhảy đầm, không biết mua hột xoàn cho vợ trong ngày sinh nhựt!
Mỗi một gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có gia đình hạnh phúc như mơ, có gia đình như sống trong địa ngục. Riêng ông Tư Thà kể từ ngày bị vợ bỏ, ông ta buồn bã muốn đi tu. May nhờ còn có hai đứa con an ủi. Nhưng mấy tháng nay trong cái đám bạn bè đi tập thể dục với ông, ai nấy cũng biết rằng cặp nầy đang đá lông nheo với nhau đây. Nhưng đứng ra làm mai mối thì không ai dám lảnh. Bởi phần đông mấy ông này đều biết câu “Làm Mai, Lảnh Nợ, Gác Cu, Cầm Chầu”, nên đâu có ai dại gì mà lãnh chức ông mai. Họ sung sướng thì chẳng nói chi, còn lộn xộn thì lôi đầu ông mai ra mắng vốn.
Tội nghiệp cho ông Tư Thà làm gà trống nuôi con. Tuy hai dứa con của anh đã ăn học thành tài. Tụi nó một đứa thì đi làm bên nước Anh, còn đứa kia thì làm bên nước Mỹ. Mỗi lần hai thằng nhỏ gọi điện thoại về thăm, lần nào cũng hỏi:
– Dady. Do you have Girfriend chưa? Đừng ở vậy một mình buồn lắm!
Câu nói chơi nầy không biết nó học ở đâu. Nói xong rồi nó cười nghe hắt hắt…
Tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, tụi nó sống xứ Tây, nhiễm văn hoá của Tây, nên mới có tấm lòng cởi mở với cha mình như vậy. Chớ còn xứ Việt Nam thì phần đông con cái không bao giờ thấy được nỗi cô đơn của cha mẹ bao giờ. Mà tụi nó đánh hơi, cha mẹ gảy gánh giữa đường mà quen biết với ai, thì tuị nó rấp tâm phá đám. Tư Thà còn đang phân vân cân nhắc, không biết rồi đây bước thêm một bước nữa gia đình có được êm ấm gì hôn.
Dịp may đã tới, năm nay tức là năm 2018, ông Tư Thà mua vé máy bay Sale có 850 đô Úc mà thôi, dự định đi về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán chơi luôn hai tháng. Ông ta cũng không ngờ khi check-in hành lý xong xuôi, trong lúc chờ đợi tới giờ máy bay cất cánh, thì bất ngờ gặp cô Thanh đang kéo cái xách tay đi lại ngồi xuống kế bên. Tới lúc đó thì bốn mắt nhìn nhau, thiếu điều đui luôn cũng được…
Cô Thanh hỏi trước:
– Bộ anh Tư về Việt Nam ăn Tết hả?
– Tư Thà gật đầu…
– Hỏi lại. Bộ cô cũng vậy hả?
Phải nói rằng chưa có khi nào gặp dịp tốt như vầy, nên hai người nói chuyện huyên thuyên. Đến chừng hỏi ra Tư Thà thì ở huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre, còn cô Thanh ở huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh gần nhau quá xá…
Hai bên nói chuyện cà kê dê ngỏng. Bản tánh của ông Tư Thà từ nhỏ tới bây giờ là vậy. Khi Boading, thì trời ơi hai người ngồi chung một hàng ghế nơi cửa sổ. Thế là ông Trời ngó lại, nên mới có dịp nầy. Chớ còn bằng không, chưa chắc gì chạy chọt hối lộ mà có được. Cha má ơi! Cô nhân viên Checking Boarding nầy sao nhân từ quá sức. Họ biết được ý đồ của hai kẻ yêu nhau, nên cho ngồi sát bên nhau, để có cơ hội bày tỏ cảm xúc nỗi lòng thầm kín.
Phần cô Thanh tuy nói là xách tay, nhưng đã dồn đồ đạc chắc nặng trên 13 kí lô là cái chắc. Được dịp ra tay nghĩa hiệp giữa đường ông Tư Thà làm Lục Vân Tiên giúp đỡ Kiều Nguyệt Nga, nên đứng nhón gót lên để đúc cái xách tay vào trong hộc hành lý, đúc xong thiếu điều muốn sặc gạch. Xong xuôi đâu đó hai người ngồi vào hai cái ghế như một cặp vợ chồng đang đi du lịch đó đây. Thế mới biết khi gặp được vận may, ngay cả tới việc o mèo cũng đều là thuận lợi. Ông Tư Thà khoái quá, gương mặt sáng ngời. Như một người vừa mới trúng Lotto, rồi ông đảo mắt nhìn quanh, coi có gặp người quen nào hôn để lấy le luôn thể.
Thỉnh thoảng ông Tư Thà cũng choàng tay qua mà thắt sợi dây Belt, mấy khi đó tay anh chạm vào da thịt chỗ vòng một của cô Thanh, mỗi lần tháo ra rồi thắt lại là máu huyết bừng bừng chạy dồn lên trong cơ thể. Không có cảnh nào âu yếm cho bằng cảnh đi máy bay. Khi nó vọt lên trời, rồi bình phi bay êm re trong đường bay của bảng đồ có sẵn. Ông Pilot tài xế chiếc máy bay khi đó không biết làm gì, chắc mở màn tán dốc với mấy em tiếp viên đẹp như tiên, chớ còn làm gì nữa hả…
Tới bữa ăn thì ông Tư Thà hỏi:
– Em muốn ăn cơm với cá hồi rim mặn. Hay mì xào với thịt bò?
Cô Thanh mỉm cười nói:
– Anh ăn gì em ăn nấy. Qủy thần ơi. Khi tình yêu đến, thì nó không bao giờ báo trước. Khi nó chia tay thì cũng chẳng có dấu hiệu giả từ. Những câu nói thỏ thẻ đó nó êm tợ giấc mơ, khiến cho ông Tư Thà lim dim đôi mắt.
Phải nói đây là một giai đoạn đốt cháy tình yêu, nên ông Tư Thà mới hiểu ra rằng anh phải biết làm gì cho lịch sự. Ông ta đợi cô chiêu đãi viên đưa khai đồ ăn tới. Ông rước nó nhẹ nhàng, rồi đặt xuống trước mặt cô Thanh. Tới phần ăn của ông, cũng đều làm nhẹ nhàng và lịch sự như vậy…
Từng miếng thịt cá hồi vừa chín tới thật ngon, được ông cắt ra thành từng lát nhỏ. Hai người ăn uống no nê xong. Chừng 10 phút sau thì có hai cô chiêu đãi viên đi tới. Một cô thì cầm cái bình mời trà, một cô thì mời cà phê. Tư Thà khều vô bắp vế non cô Thanh hỏi:
– Em uống thứ nào?
– Anh uống cái gì, thì em uống theo cái đó…
Ăn xong một lúc sau, hai người bật ghế ngửa ra sau nằm thiu thiu ngủ được một lát, rồi thức dậy mở mắt mỉm cười. Trong lúc đó thì ông Tư Thà vái cho đường bay nó thật là xa, hay nó bay hoài đừng bao giờ đáp xuống sân bay cũng được nữa. Rồi Tư Thà móc cây viết Bic ra biểu cô Thanh cho địa chỉ. Tới khi nhắc tới huyện Trà Cú, thì ông buộc miệng hỏi:
– Như vậy thì ở chung một huyện với ông tỷ phú Trầm Bê rồi?
– Cô Thanh nói nhỏ. Ở chung huyện chớ hỏng có bà con…
Ông Tư Thà bạo dạn thò tay qua nắm lấy bàn tay ngọc rồi thỏ thẻ nói:
– Em là một nữa cuộc đời của anh. Lấy anh làm chồng nghen…
Cô Thanh để yên tay như vậy rồi nói nhỏ:
– Có thiệt hôn vậy đó. Không có ai ép anh nói câu đó đâu ghen. Hãy suy nghĩ cho kỷ kẻo sau nầy ân hận…
Tiếng máy bay vẫn ù ù lướt gió trong mây. Bên trong khoang có một cặp nhân tình tỏ tình ngoạn mục. Đây là những lời thề non hẹn biển trên mây, chắc được ông tơ bà nguyệt chứng giám. Cô Thanh day qua âu yếm nói:
– Về tới phi trường Tân Sơn Nhứt ai đón anh?
– Mấy đứa cháu. Còn em?
– Ông anh với đứa em gái và hai đứa cháu trai.
– Ông Tư Thà nói:
– Không biết sao ở Việt Nam khoái đi đón Việt Kiều quá. Chớ anh thấy đứng đợi đổ mồ hôi tội nghiệp biểu đừng đi mà có được đâu.
Cô Thanh nói tiếp:
– Bên em cũng vậy chớ gì. Chắc ai nấy đều nghĩ, đi đón cho chắc ăn. Sợ ở nhà mất phần quà. Chớ thật ra trước khi về mình đã tính trước hết rồi mà…
Bữa cơm chiều sắp sửa dọn ra. Có lẽ còn chừng nửa giờ đồng hồ nữa thì máy bay vô không phận Việt Nam. Mọi người bắt đầu mở nút bật, kéo cái khai chạy ra nằm ngay ngắn trước mặt mình. Một bữa ăn trên mây không phải ai cũng ăn được đâu, chỉ có Việt Kiều hoặc những ông bà lớn, hay người giàu có họ đua nhau đi du lịch.
Loa lại phóng thanh. Cho biết còn vài phút nữa máy bay hạ cánh. Yêu cầu tất cả hành khách Seat Belt đợi khi nào máy bay ngừng hẳn mới được đứng dậy mở hộc hành lý lấy đồ.
Tiếng bánh xe máy bay rít xuống đường băng nghe dễ sợ, nó nhồi lên nhảy xuống mấy vòng rồi mới chịu lăn bánh trên đường băng. Lúc đó thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, vì bao nhiêu lo sợ đã đi qua. Bởi máy may nó thường xảy ra tai nạn lúc cất cánh và hạ cánh. Chớ lúc nó bình phi rồi thì lơ lửng như cánh chim trời, hành khách cứ việc ăn, uống Café rồi ngủ cho nó sướng con mắt ở trên mây. Nhìn gương mặt hành khách, từ Tây cho đến Ta đều rạng rỡ…
Người nào đứng trước thì kéo hành lý đi trước. Người đi sau cứ việc nối đuôi, quả thật dân đi máy bay thuộc tầng lớp thượng lưu, trung lưu hay Việt Kiều họ đều lịch sự. Khi tới chỗ xuống cầu thang để bước lên chiếc xe Bus rước vô, thì có hai cô chiêu đãi viên đứng gật đầu chào thật là lễ phép. Đồng tiền nó có sức mạnh vạn năng, nó bắt mấy em chưn dài trước khi xin vô làm ở đây, phải học qua bao nhiêu lớp phục vụ hành khách cho dù bầt cứ trường hợp nào cũng đều là lịch sự. Họ nói như tiếng chim sẻ hót mùa thu, hai bàn tay của họ khi bưng khai thức ăn mời khách thì mềm như hai dảy lụa đào phất phơ trước mặt…
Mấy chiếc xe Bus đậu sắp hàng. Chiếc nào đầy khách thì chạy trước. Cứ như vậy mà chở khách vô sân. Nhưng tới khi vô đụng mặt mấy xếp hải quan rồi, thì hởi ơi những gương mặt nầy lại khó đăm đăm như đau bụng kiết. Để cái Passport trước mặt không biết họ đọc cái gì mà lâu quá xá, làm cho một dòng người đứng phía sau sắp hàng xót ruột quá chừng nhưng đâu biết làm sao. Chỉ có những cái Passport nào có kẹp theo tiền đô, thì mấy cái gương mặt của ông lính “hải quan” mới mở miệng cười rồi đóng dấu nghe cái cốp… quá đã…
Ông Tư Thà về tới nhà bên huyện Ba Tri Bến Tre rồi mà vẫn như mơ. Hai chai rượu Hennessy XO định để dành tới Tết, nhưng bà con tới thăm hứng quá, nên ông ta biểu mấy đứa cháu chạy xe lên chợ mua 2 con gà lai nòi về nấu cháo xé phai. Buổi đầu ông Tư Thà định khui một chai thôi. Nhưng ở Bến Tre dân nhậu uống rượu như nước lả…
Thế là ông phải đành khui thêm một chai nữa là hết, vậy mà cũng đâu có đủ. Ông phải biểu thằng cháu kéo thêm về 2 két bia Sàigòn cổ lùn nhãn xanh họ mới chịu. Thế là cuộc nhậu hát hò, sẵn dịp có ông kẹo kéo chạy ngang qua, thằng cháu chạy ra ngoắc vô làm thành một nhóm đờn ca tài tử.
Không biết ông nào thông minh xuất chúng, bày ra một giàn máy hát, chỉ có một cái thùng, rồi hằng trăm bản nhạc nằm sẵn trong cái Smartphone. Ai muốn hát bản gì cũng có. Ở thôn quê bây giờ quá đã, đâu cần phải đi xa. Chỉ ngoắc ông kẹo kéo quẹo vô, thì tức thời làm một ông bầu gánh. Còn mấy cô mấy bà ngày nay đâu còn e ấp mắc cở như ngày xưa. Ngày nay họ thèm ca tân nhạc còn hơn thèm thịt cá. Bà nầy ca chưa dứt, thì bà khác lại chực hờ. Còn mấy đứa thanh niên, hễ nhậu vô mút chỉ rồi thì vừa ca vừa nhảy. Có đứa nó nhảy giống rặt Nguyễn Hưng của Paris By Night hồi đó. Hỏi nó sao mầy nhảy hay dữ vậy, thì nó nói “Con luyện cũng mấy năm rồi chớ bộ”.
Cuộc vui nào cũng tàn. Tư Thà cỡi áo ra nằm trên bộ ván gõ hồi xưa, mà hồi nhỏ mỗi lần trốn học hoặc uýnh lộn với đứa nào thì bị ông già bắt nằm lên đây để mà trị tội. Còn hôm nay ông về đây như một con cá hồi về lại nhánh sông xưa, cha má ông đã mãn phần hơn 20 năm nay rồi. Bây giờ ông muốn làm Mạnh Tử khóc măng cũng không được nữa, ông chỉ báo hiếu cất được căn nhà từ đường cho người anh giữ gìn hương hoả mà thôi. Tiếng ngáy của ông phát ra mùi rượu, theo từng hơi thở phập phồng, một giấc ngủ của người say, với người Việt Kiều có khác gì nhau. Tới 5 giờ chiều ông Tư Thà thức dậy, mấy đứa cháu lăn xăn, nó gọt cho mấy củ khoai lang sống biểu ăn vào cho vã rượu…
Còn 4 tuần nữa thì tới Tết, Tư Thà mượn chiếc Honda của đứa cháu chạy qua huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, trước là thăm cô Thanh một mối tình vừa chớm nở. Sau nữa nhìn qua gia cảnh cho biết như thế nào để tính tới việc hôn nhơn. Vì ở giá đã mấy năm nay rồi, đã đến lúc đòi vợ nên đêm thường hay trằn trọc.
Mặc dầu đã liên lạc có địa chỉ trong tay, nhưng ông Tư Thà phải ghé vô quán Cà Phê vừa nghỉ mệt vừa hỏi thăm luôn thể. Về phần cô Thanh đã có thưa chuyện trước với gia đình, nên khi ông Tư Thà vừa tới ngỏ thì cả gia đình đon đả ra mời vô như chỗ thân quen nên ông Tư Thà cũng bớt ngại.
Cô Thanh dẫn ông ta ra sau nhà tắm, biểu rửa mặt rồi chải đầu cho nó gọn gàng. Sau đó một mâm cơm dọn lên với nhiều món ăn đồng ruộng, mà món nào cũng ngon miệng làm sao, nhứt là món mắm kho ăn với bông súng tơ giòn rụm. Còn ếch thì làm lông để da nướng lửa than, chấm muới ớt sừng trâu nhậu đế ngâm chuối hột thì còn gì bằng. Chỉ tội nghiệp cho cô Thanh, cứ sợ ông Tư Thà nhậu say rồi sanh ra thất lễ với ông già, nên tới đứng gần nhắc khéo. “Anh còn hứa là chở em lên Ao Bà Om nữa đó nghen”. “Thôi em vô trong lo sửa soạn, còn anh uống thêm một ly nữa rồi lo đi tắm nghen hôn, đừng để đi ra ngoài đường mà bay mùi rượu thì coi kỳ giữa lắm”. Ông già hiểu ý, nói:
– Thôi thằng Tư cháu làm cạn ly đó nữa rồi thôi. Bây lo chở con Thanh đi Ao Bà Om chơi, đừng để nó giận mắc công dổ dành dữ lắm. Qua đã từng trải cái chuyện đó rồi, thằng nào mà thiếu kinh nghiệm về mặt đó, thì kể như dở ẹt…
Khi hai đưá nhỏ nổ Honda chạy khuất qua cua quẹo. Ông già nói khơi khơi. “Tao coi tướng thằng nầy cũng được đó chớ. Cầu cho hai đứa nó ăn đời ở kiếp với nhau. Chớ mỗi lần gảy gánh giữa đường, thì kể như một lần đau khổ…”
Chạy xe tới Ao Bà Om rồi Tư Thà lo tìm chỗ gởi xe, rồi nắm tay người yêu dắt đi theo con đường mòn cũng mệt. Vì cái Ao Bà Om nầy rộng tới cả 100,000m2, bề ngang rộng 300m bề dài tới 500m. Tương truyền rằng hồi xưa tỉnh Trà Vinh nầy thường hay hạn hán thất mùa, dân chúng quanh vùng không có nước nấu ăn, nên có một ông Hoàng tử tên là Pa – Tu – Ma vốn tánh tình độc ác hà khắc dân lành, thường hằng năm bắt dân chúng phải tuyển lựa dâng gái đẹp cho ông ta, nếu bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Duy chỉ có một cô gái đẹp tỏ thái độ phản đối với vị hoàng tử nầy, tên cô nầy là cô Om. Sau đó bị vị hoàng tử bắt đem ra chém, nên dân chúng nhớ tới tấm gương liệt nữ anh thư nên đặt tên là Ao Bà Om…
Còn một truyền thuyết nữa có lẽ hợp lý hơn. Đó là có một ông quan sau khi trấn nhậm đất Trà Vinh được vài năm, thì nhận thấy vùng nầy không có đủ nước ngọt để uống, nên ông mới huy động dân làng tề tụ lại để phân công đào ao lưu trử nước ngọt. Nhưng ông lại chia ra thành hai đội, một đội Nam và một đội Nữ với điều kiện là phải đào cho xong trước khi sao Mai rựng mọc ở phía trời đông. Trong đội nữ có cô gái tên Om, được cử ra làm đội trưởng. Cô nầy rất thông minh, cho chặt một cây tre dài treo lên một cái đèn lồng đem cắm ở hướng đông. Còn phía bên đội đàn ông, thì họ thấy cái đèn lồng cứ tưởng rằng sao Mai đã mọc, nên rủ nhau về nhà làm gà ăn nhậu nên thua. Sự tích Ao Bà Om bắt đầu từ đó, và còn nhiều truyền thuyết khác nữa…
Những cây dầu không biết ai trồng xuống đây từ thờ nào, mà cho đến ngày hôm nay bộ rễ của nó làm thành một cái thế chưn nôm nằm trên mặt đất rất là vững chãi. Đi tìm khắp đất nước Việt Nam chưa bao giờ thấy một đám cây dầu nào mà rễ của nó đã trổ nu, và đã tạo ra vô số hình thù kỳ dị, ai tưởng tượng ra ông tiên thì đó là tiên. Người khác nhìn nó là Tề Thiên thì nó là con khỉ chúa. Nói tóm lại kinh tế Trà Vinh thạnh hành nhờ tới Ao Bà Om và bãi biển Ba Động hiện nay cũng đang đem lại một nguồn kính tế hải sản dồi giàu. Nhờ thế mà Trà Vinh có lập nên trường Đại Học Y Khoa, còn nhà hàng khách sạn thì lần lượt mọc lên như nấm, dân ăn chơi khắp chốn đổ về. Nhứt là cua biển thật ngon, nghêu, sò ốc hến thứ nào cũng thuộc vào hàng cao cấp, nhưng giá cả rất mềm, gặp bạn hiền nhậu tới hoắc cầng câu, khi tính tiền thì mĩm cười trong bụng như vậy thì khỏe quá.
Ông Tư Thà nắm tay cô Thanh đi một vòng cũng mỏi giò, nên hai người dắt đi lại chỗ vắng vẻ rồi lựa chỗ có rể cây nằm vắt ngang qua ngồi xuống. Hai người ngồi nói chuyện một hồi, thì Tư Thà nói:
– Mình đi Thái Lan chơi một chuyến đi em…
Cô Thanh lưởng lự một hồi rồi nói:
– Để em xin phép cha má coi được hôn cái đã, em chỉ sợ ổng bả nói chưa cưới hỏi gì mà sao lại tự nhiên…
Ông Tư Thà bóp nhẹ tay người yêu:
– Chắc được mà em. Nói xong rồi ông ta thò tay vô cái bóp móc ra xấp tiền. Em cầm để bữa nào mình đi qua bên Mỹ Tho lại văn phòng Sàigòn Tourist đặt vé đi Thái Lan chơi. Coi dĩa băng Vân Sơn, thấy cái đám Pê đê tụi nó mổ xẻ làm sao, mà đẹp còn hơn người mẫu nữa…
Cô Thanh cầm tiền lên rồi nhét vào túi Tư Thà nói nhỏ:
– Anh cất để dành xài, khi nào có phép cha má thì em gọi Phone cho anh. Tới chừng đó tụi mình đi qua Mỹ Tho chơi rồi đặt vé luôn, anh đừng lo cứ giữ tiền đó xài đi, tiền thì em đã chuẩn bị đủ rồi, hai ngưòi nhìn nhau âu yếm…
Ông Tư Thà choàng tay qua vai người yêu hôn lên mái tóc rồi nói:
– Đi chơi chuyến nầy. Anh cầu mong em có bầu, em có mong muốn như vậy không em?
Cô Thanh Giựt mình ngước lên hỏi lại:
– Anh nói cái gì. Anh đã có hai đứa con trai rồi. Còn em cũng có sẵn cho anh hai đứa con gái. Như vậy bộ chưa đủ hay sao mà còn muốn nữa vậy ông tướng của em…
Tư Thà ôn tồn giải thích:
– Đành rằng tụi mình đều có con riêng, nhưng tụi nó sau khi khôn lớn sẽ lập gia đình hết trọi, chớ đâu có đứa nào mà chịu ở với mình, hơn nữa tụi mình có con với nhau, sẽ cột chặt tình nghĩa vợ chồng không thể nào vùng vẫy…
Cô Thanh lườm con mắt có đuôi rồi nói:
– Sao nhắm có kiếm con nổi hôn mà nói nghe cho sướng dữ. Em chỉ sợ tới khi đó rồi lại đầu hàng, con nít bầu bì đâu em không thấy, mà lại thấy anh nằm than mệt rồi đòi đấm bóp mới khổ thân em.
Ánh nắng chiều đã ngả về Tây, từng đàn cò trắng vỗ cánh tung bay về tổ. Tư Thà còn nấn ná muốn ngồi thêm, nhưng cô Thanh giục:
– Thôi mình về đi anh, đưa em về nhà rồi, anh còn phải chạy về dưới Ba Tri xa lắm…
Chiếc Honda tay ga rồ máy, lần nầy cô Thanh ôm chặt hơn. Dường như người vợ ôm chồng, nên Tư Thà khoái chí chạy xe một tay, còn tay kia bóp tay người yêu mà trong lòng dâng lên niềm cảm khoái. Tình yêu sẽ cho con người một cảm giác êm đềm, cảm giác bình an, mà hai người mới vừa tìm lại được sau mấy mươi năm thất lạc ./-