main billboard

Trước đây ba tháng Nam đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ. Quá trình nhập tịch kéo dài gần nửa năm mới hoàn tất. Chỉ khi nào anh thành công dân Mỹ thì con trai và vợ anh mới có thể bắt đầu thủ tục nhập tịch của họ.

free lifeLời người dịch: Ha Jin (Cáp Kim) rời Trung Quốc năm 1985 để theo học tại đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của tác phẩm nổi tiếng quốc tế Waiting, cuốn sách đoạt giải thưởng PEN/Faulkner và National Book Award; Cuốn War Trash, giải National Book Award; The Crazed; In The Pond; tuyển tập truyện The Bridegroom, đoạt giải Asian American Literary Award, Under the Red Flag, đoạt giải Flannery O’Connor cho truyện ngắn, và cuốn Ocean of Words, đoạt giải PEN/Hemingway; cùng ba tập thơ. Ông là Giáo sư Anh ngữ tại Đại học Boston.

Tóm tắt nội dung tác phẩm: Nam, nhân vật chính, nghiên cứu sinh hậu đại học, cùng với vợ và con trai, quyết định ở lại Hoa Kỳ sau biến cố Thiên An Môn. Quay cuồng giữa những gian truân của một đời sống mới nơi xứ lạ, cùng với nỗi khắc khoải về một quê nhà đã thôi không còn là “quê nhà” và những vật vã với niềm đam mê thi ca, Nam bỏ học, cùng với vợ xoay mọi thứ nghề lao động chân tay cho đến khi làm chủ được một tiệm ăn nhỏ. Qua A Free Life, những người sống tha hương và nhiều trăn trở trong chúng ta có thể bắt gặp chính mình; những người chập choạng bước giữa lằn ranh cả địa lý lẫn tâm linh, giữa quê nhà với quê người. Đặc biệt qua trích đoạn dưới đây, người đọc có thể nhận ngay ra được những nét xào xáo quen thuộc thường thấy trong sinh hoạt của một cộng đồng di dân “bằng mặt nhưng không bằng lòng.”
Bài dịch trích từ phần 6, chương 21 cuốn A Free Life. Random House of Canada Ltd. xuất bản năm 2007. ISBN 978-0-375-42465-6.

Trước đây ba tháng Nam đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ. Quá trình nhập tịch kéo dài gần nửa năm mới hoàn tất. Chỉ khi nào anh thành công dân Mỹ thì con trai và vợ anh mới có thể bắt đầu thủ tục nhập tịch của họ. Nam đã không nộp đơn xin nhập tịch một cách nông nổi, nhưng anh xem đó là việc hợp lý nên làm. Cùng với nhu cầu phải trở thành công dân Mỹ của đứa con trai, Nam cảm thấy mình đã bị Trung Quốc từ bỏ từ lâu rồi. Chẳng còn chỗ nào anh và gia đình anh có thể sống và muốn sống nữa. Quê nhà và cuộc đời của anh là nơi này. Mùa xuân năm trước anh đã đọc một bài báo của một nhà thơ cao niên, dạy tiếng Hoa trong một trường cao đẳng ở Rhode Island, người mà sáu năm trước đó Nam đã gặp trong dịp tưởng niệm những nạn nhân trong cuộc thảm sát Thiên An Môn. Trong bài báo, “Vì sao tôi không muốn thành Công Dân Mỹ,” ông ta đã viết một cách chân thực rằng ông không biết phải đứng về phe nào khi có chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bổn phận công dân buộc ông sẵn lòng mang vũ khí để bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ và chiến đấu chống lại bất kỳ kẻ ngoại xâm nào, hoặc ít nhất cũng tham gia những hoạt động không trực tiếp chiến đấu trong thời chiến. Nhà thơ ấy xác nhận rằng trái tim ông không cho phép ông đứng ở phía chống lại đất mẹ, thế nhưng ông lại muốn sống lương thiện, vì vậy ông không muốn nhập tịch. Lúc này Nam không biết phải đứng về bên nào nếu như chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ. Điều bất định này tra tấn anh; nhưng anh cũng hiểu rằng một khi đã thề hứa trung thành trong buổi lễ tuyên thệ, anh sẽ phải sống đúng theo lời thề của mình. Với anh, một lời nguyền còn nặng nề hơn cả một xứ sở.
Anh nghĩ đến việc dùng ẩn dụ, so sánh Trung Quốc với người mẹ và nước Mỹ với người đàn bà anh yêu thương. Chắc chắn đã có người dùng cách ví von cũ kỹ ấy rồi, dù vậy, nó giúp anh giải tỏa tình cảm mình. Là người đàn ông trưởng thành, anh không thể sống mãi với mẹ mà phải chọn chia sẻ đời mình với người đàn bà anh yêu. Chắc chắn là anh sẽ không mắng nhiếc hoặc đánh đập mẹ mình nếu như có chuyện xung đột giữa mẹ và người yêu. Tất cả những gì anh có thể làm là giúp hai người hiểu nhau cho dù họ có thể không bao giờ đồng ý với nhau. Với ý nghĩ ấy anh đến dự buổi họp tổ chức trong trung tâm cộng đồng ở phố Tầu.
Mới đây, hai nhà báo trẻ ở Trung Hoa lục địa đã xuất bản một cuốn sách mang tựa đề Trung Quốc Có Thể Nói Không, với luận điệu hùng hồn quy kết nước Mỹ như kẻ thù truyền kiếp của Trung Quốc. Cuốn sách được viết một cách vụng về đầy lầm lẫn với những góc nhìn méo mó, nhưng đã được tái bản nhiều lần. Các tác giả còn tiến xa đến mức cho là Trung Quốc có thể “thiêu rụi Hollywood” và “cho nước Mỹ nếm mùi chiến tranh.” Hiển nhiên là vài viên chức cao cấp trong chính quyền đã đỡ đầu cho việc xuất bản cuốn sách này, dùng sự thù ghét cùng sự sợ hãi để kết hợp dân chúng. Cuốn sách gây xôn xao trong những cộng đồng người Hoa, vì vậy trung tâm cộng đồng Atlanta mời các học giả, các tác giả, sinh viên, và dân chúng đủ mọi thành phần đến dự buổi thảo luận về cuốn sách ấy một chiều thứ Bảy vào đầu tháng Giêng.
Phòng họp trung tâm cộng đồng chật ních người, nhiều người phải đứng dọc theo vách tường. Đến sớm được mười phút, Nam ngồi trên chiếc ghế xếp gần phía trước. Hai người đàn ông và một người đàn bà ngồi sau chiếc bàn thuyết trình hướng về phía cử tọa. Vì nhiều người tham dự không biết tiếng Anh, người ta chỉ dùng tiếng Tàu trong buổi họp. Sau khi nhân viên điều hợp giới thiệu các diễn giả, người đàn ông lớn tuổi nhất, một sử gia đeo kính giọng đồi mồi, hắng giọng, rồi bắt đầu nói bằng giọng nheo nhéo. Ông ta chỉ trích cuốn sách, cho rằng nó vang vọng thứ tình cảm của Nghĩa Hòa Đoàn và chủ nghĩa dân tộc độc tôn đầy hiếu chiến. Thêm vào đó, những điểm chính trong cuốn sách, hầu hết được phụ họa bằng những tin tức sai lạc và những thống kê không chính xác, đã được uốn nắn để phục vụ thứ chính trị đương thời tại Trung Quốc và không đem lại lợi ích nào cho việc nghiên cứu thực sự. Càng nói, ông ta càng bị kích động, cặp mắt kính của ông ta lấp lánh. Ông ta nhấn mạnh là Hoa Kỳ chưa bao giờ cướp đoạt Trung Quốc như những cường quốc khác đã làm, và chính nước Nhật và nước Nga là hai quốc gia mà Trung Quốc nên kết án và đề phòng. Bất kỳ người nào có chút kiến thức về lịch sử thời cận đại đều có thể thấy rõ điều đó. Tóm lại, cuốn sách ấy nông cạn, thiếu chuyên môn, vô trách nhiệm, và không đáng được quan tâm tới một cách nghiêm túc. Ông ta tiếp tục nêu tên một vài cuốn sách có thể giúp người ta thâu lượm những thông tin chính xác hơn về quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong lúc ông ta nói, tiếng cằn nhằn vang lên từ khán giả.

Nam đồng quan điểm với diễn giả, nhưng anh không thích giọng nói gây chói tai cùng với thái độ kẻ cả của ông già, nhất là khi ông ta dùng ngón tay trỏ mập lù chỉ vào khán thính giả như thể họ là học trò của ông vậy.
Diễn giả thứ nhì là một người đàn ông trẻ hơn với đôi mắt to đầy mệt mỏi, một nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Kỹ Thuật Georgia. Ông tin rằng cuốn sách quá nặng về cảm xúc, tuy nhiên ông ta có thể thấy được hai nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc tuyệt vọng mà các tác giả đã bày tỏ: Trước hết, nhà cầm quyền Trung Quốc đã hủy hoại hình ảnh của mình bằng thảm kịch Thiên An Môn, khiến dân chúng phương tây bắt đầu nhìn Trung Quốc như một nhà nước chuyên chế; về việc này các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản phải nhận trách nhiệm. Thứ hai, trong những năm gần đây, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thiếu sự nhất quán. Điều đó làm tổn thưong đến lòng tự trọng của dân tộc Trung Hoa. Ví dụ, vào tháng Năm 1995 chính phủ Mỹ cho phép Lý Đăng Huy, cựu Tổng Thống Đài Loan viếng thăm Hoa Kỳ, và như vậy đã đi lệch chủ trương công nhận một nước Trung Quốc và làm tăng khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.
“Câm đi!” một người đàn ông mảnh khảnh hét vang, rồi đứng bật lên ở cuối phòng. “Anh đang nói chuyện rác rưởi và cố làm hài lòng bọn Dân Quốc ở Đài Loan, cái lũ đang nắm đầu cộng đồng của chúng ta. Tại sao anh lại muốn hạ giá trị những tác giả cuốn sách này chỉ vì họ còn trẻ và đầy cảm xúc? Người Trung Quốc chúng ta phải có niềm tự hào của chúng ta và chống lại người Mỹ. Tôi đã ở xứ này được hai năm rồi. Tôi đã phải nuốt đi bao nhiêu đắng cay? Tôi đã từng là bác sĩ ở thành phố Thiên Tân, vậy mà ở đây tôi là người gác dan lau cửa sổ và chùi cầu tiêu. Ai sẽ nghĩ đến tôi? Ai là người hiểu tôi? Ai sẽ nói giùm tôi? Ai có thể biết được người Trung Quốc thực sự cảm thấy thế nào ở xứ này? Tại sao anh chống đỡ cho người Mỹ thay vì cho đồng bào của anh?”
Người đàn ông bật khóc và không thể nói thêm gì nữa. Anh ta ngồi xuống, hai tay ôm lấy mặt. Người nào đó ở phía trước cười rống lên.
Trong khoảnh khắc sự im lặng bao phủ căn phòng. Rồi mọi người bắt đầu tranh nhau nói, lên án chính phủ Hoa Kỳ hoặc bài bác tác giả cuốn sách. Nam quay ra sau để nhìn người đàn ông lớn tiếng ban nãy, anh ta vẫn còn đang khóc. Người điều hợp viên có khuôn mặt tròn quơ tay ra dấu cho khán giả im lặng, để người phụ nữ trong ban thuyết trình, một nhà biên khảo Đài Loan, phát biểu.
Nhà văn tuổi trung niên dời máy vi âm lại gần và hơi cúi ra phía trước. Bà nói, “Tôi muốn khóc. Một cuốn sách thô lỗ và trống rỗng như thế lại trở thành một cuốn bán chạy. Điều đó chứng tỏ tình trạng suy thoái tinh thần mà người dân ở lục địa đã đắm chìm vào. Làm cách nào mà những tác giả ấy lại có thể dùng những ngôn ngữ thô tục như thế để mô tả Đài Loan chứ? Tôi không hiểu chữ ‘sichu,’ thành ra tôi tra tự điển. Làm cách nào mà họ dám nói Đài Loan là bộ phận kín của Trung Quốc và không thế lực ngoại lai nào được đụng đến. Các tác giả quả là thô lỗ và ngu ngốc nếu không nói là điên cuồng. Họ không nghĩ rằng dân Đài Loan cũng là những con người. Họ chỉ nghĩ đến cái gọi là quốc gia Trung Hoa, cái gọi là Trung Quốc vĩ đại. Họ làm tôi muốn nôn mửa! Họ còn tiến xa tới mức gọi Đài Loan là hòn dái của Trung Quốc và đang bị Hoa Kỳ bóp. Họ ngu dốt và trơ trẽn biết chừng nào! Trong phần phụ chú họ còn dám nói xa lộ ở New York thua kém xa lộ của Trung Quốc, và New York không có kiến trúc gì mới. Tất cả quý vị đã thấy nước Mỹ và quý vị có thể phát biểu ý kiến của riêng mình. Nếu quý vị không mù, quý vị có thể phán đoán cho chính mình.”
Bà ta quá xúc động nên không thể tiếp tục. Rồi một người đàn ông tinh mắt như mèo rừng, chắc là một học giả thăm viếng, dành lấy máy vi âm trong đám khán giả và hét to: “Đồng bào và các bạn, chúng ta phải nói không với chính sách ngoại giao chao đảo của nước Mỹ về vấn đề Đài Loan!”
Mọi người vỗ tay.
Ông ta oang oang nói tiếp, “Chúng ta phải nói không đối với những hành động chống Trung Quốc của Nhật Bản!”
Tiếng vỗ tay lại vang lên.
“Chúng ta phải nói không với thái độ bôi bác Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ!”
Thêm nhiều người vỗ tay.
“Chúng ta phải nói không với Chủ Nghĩa Đế Quốc và đường lối bá quyền của nước Mỹ!”
Tiếng vỗ tay lại rầm rộ vang lên.
“Chúng ta phải nói không với tất cả những kẻ thù nghịch với Trung Quốc!”
Vài người trong khán giả đứng dậy vỗ tay. Sau đó người đàn ông nói một cách từ tốn như muốn làm sáng tỏ quan điểm của mình. Ông ta nói với cử tọa, “Cho dù chúng ta nói không, chúng ta vẫn phải sáng suốt và dựa những ý kiến cũng như những phán đoán của mình trên các thông tin và những sự kiện chính xác. Bằng không chúng ta sẽ vướng phải những lỗi lầm nghiêm trọng. Trong khi chúng ta phê phán kẻ khác là thành kiến và hai mặt, chúng ta phải thận trọng để không trở thành nóng nảy, bộp chộp.”
Ông ta tin chắc rằng thế kỷ hai mươi mốt thuộc về Trung Quốc, nghĩa là quốc gia sẽ phát triển thành cường quốc số một của thế giới, vì vậy, người dân Trung Quốc, ông ta nói, phải tin vào chính mình và không hùa theo lối sống của người Mỹ.
Nam rất ngạc nhiên vì những lời nói của người đàn ông này; anh thầm hỏi ông ta thực sự đứng về phe nào. Người đàn ông nói giống hệt một viên chức dạn dày của nhà nước vận động, lôi kéo cảm xúc của khán giả, trong số đó có nhiều người không ngừng gật đầu tán thành.
Rồi một người đàn bà gầy gò trong chiếc áo len màu cà phê đón lấy máy vi âm. Chị ta đeo ngang thắt lưng một cái bình thuỷ nhỏ bằng loại thép không rỉ sét. Dù kiểu tóc người đàn bà ấy có khác đi Nam vẫn nhận ra chị ta – Mỹ Hồng. “Tôi không đồng ý với quý vị trong ban điều hành,” chị ta nhấn mạnh. “Quý vị nói những tác giả ấy còn trẻ, nặng tình cảm, và dốt nát. Quý vị có biết rằng trẻ người không hẳn là non dạ chứ? Napoleon bắt đầu chinh phục Âu Châu khi còn là một thanh niên. Quý vị nói họ nặng tình cảm. Có sự thành tựu nào không cần đến cảm xúc chân thành và sâu xa? Cách đây vài năm, tôi ghé thăm Công viên Nguyên Minh ở ngoại thành Bắc Kinh nơi mà Bát Quốc Liên Quân đã thiêu rụi vào thế kỷ trước. Nhìn những trụ đá ngả ngiêng với những đà gỗ cháy thành than, tôi không cầm được nước mắt. Lòng tôi nhói đau và tim tôi ứa máu. Làm sao tôi không cảm động cho được? Quý vị bảo những tác giả ấy ngu dốt, tuy nhiên họ đã thu hết can đảm để đối đầu với đế quốc Mỹ. Trong khi quý vị được học hành đến nơi đến chốn có kiến thức có nghề nghiệp chuyên môn, tại sao quý vị không làm gì để vạch trần những âm mưu chống lại Trung Quốc? Tại sao quý vị phát ngôn như những con chó cảnh được nuôi bởi chính phủ Mỹ? Quý vị đáng xấu hổ!”
Những tiếng vỗ tay lác đác vang lên trong hội trường. Ba thành viên trong ban điều hành đầy vẻ ngỡ ngàng. Nhà văn nữ thở dài, hết lắc đầu đến nắn sống mũi mình.
Mỹ Hồng tiếp tục nói, “Hôm nọ con gái tôi kể cho tôi nghe là một thằng bé người Hàn Quốc trong lớp nó đã bật khóc khi vài học sinh khác bảo nó là Chinese. Điều đó làm tôi nhớ lại một lần một gã vô gia cư đã mắng tôi là Chinese chỉ vì lúc hắn xin tiền tôi đã lờ đi. Chắc chắn là hắn ta không biết sắc tộc của tôi nhưng tại sao hắn lại mắng tôi như thế? Và vì sao thằng bé Hàn Quốc kia lại cảm thấy hổ thẹn khi bị gọi là Chinese? Tôi đã bỏ thời gian ra tham khảo và đây, để tôi chia sẻ với quý vị phát hiện của tôi.”
Chị ta moi trong túi quần ra một mẩu giấy hình vuông, mở ra, và bắt đầu giải thích, “Trong tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ‘-ese’ mang ý nghĩa ‘hạ đẳng, vô giá trị, yếu đuối, kỳ quái, và nhỏ bé.’ Quý vị đều đã biết ‘China’ nghĩa là gì rồi. Nó có nghĩa là ‘đất thường hay đất sét cứng.’ Vì vậy kết hợp hai phần lại với nhau, “Chinese’ những thứ nhỏ bé, tầm thường, kỳ quặc làm bằng đất thường hay đất sét.’ Sau khi tra tìm nguồn gốc của chữ trong tự điển Anh Ngữ Oxford, cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng ‘Chinese’ là chữ có tính miệt thị sắc tộc, nguyên thủy được dùng bởi bọn đế quốc Anh nhằm hạ thấp nhân dân ta và đánh tan tinh thần của chúng ta. Không riêng gì sắc tộc chúng ta mà còn những sắc tộc khác nữa, như Japanese và Vietnamese, như thể tất cả chúng ta là những sắc dân bé con, nhỏ nhít. Khi so sánh với tiếp vĩ ngữ ‘-an’ là thứ chỉ định những sắc dân ‘thượng đẳng’ ví dụ như, Roman, American, và German. Sự mâu thuẫn trong cách đặt tên này có nghĩa là sự kỳ thị chủng tộc đã khắc cốt trong Anh ngữ. Nước Đức sản xuất xúc xích – sao không gọi dân Đức là Sausagese? Nước Ý nổi tiếng về pizza – sao không gọi dân Ý là Pizzese? Anh quốc trước đây sản xuất vải len mà tiếng Anh là wool, sao không gọi dân Anh là Woolese? Nước Mỹ sản xuất nhiều hạt ngô mà tiếng Anh là corn – sao không gọi dân Mỹ là Cornese? Hoặc gọi người Thụy sĩ là Cheesese vì Thụy sĩ sản xuất phó mát mà tiếng Anh gọi là cheese?”
Nhiều người trong cử tọa rú lên cười trong lúc Mỹ Hồng nhìn quanh, nét mặt căng thẳng, lồng ngực phập phồng, như thể cô ta là một giáo viên đứng trước một lớp học ồn ào, huyên náo.
Chờ cho đám đông im lặng bớt, cô ta tiếp tục, “Rõ ràng là tiếng Anh có ý đồ kỳ thị chúng ta và những chủng tộc da màu khác. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao nhiều người ở lục địa tự nhận mình là Asian thay vì là Chinese, bởi vì tự đáy lòng họ hiểu rằng những chữ như Chinese, Vietnamese và Japanese được đặt ra để miệt thị họ. Vì vậy chúng ta, nhân dân của Trung Quốc Vĩ Đại đừng để ai gọi mình là Chinese, như người da đen không cho phép ai gọi họ là Niggers nữa.”
Bài đả kích làm Mỹ Hồng hụt hơi. Cô ta ngồi xuống, hai má đỏ và phình ra. Khán giả quá hoang mang, nên đa số ngồi lặng thinh. Số còn lại cười khúc khích.
Nam đứng dậy cầm lấy máy vi âm. Anh nói, “Tôi không muốn tranh luận về sự chính xác của phần nghiên cứu về ngôn ngữ của Mỹ Hồng, bởi từ lâu lắm rồi tôi không chạm đến cuốn tự điển Oxford. Tôi chỉ muốn thảo luận với quý vị về những cảm nhận thông thường. Là con người, chúng ta nên suy nghĩ cho hợp tình hợp lý. Nhà thơ vĩ đại Czeslaw Milosz nói, ‘Sự suy luận của con người thì tươi đẹp và vô địch,’ vì vậy chúng ta không nên dựa vào thứ gì khác ngoài trí thông minh của chính mình. Nước Mỹ đâu có ép chúng ta đến đây, đúng không? Trung Quốc là quê hương của chúng ta, trong khi nước Mỹ là đất nước của con cháu chúng ta – điều đó có nghĩa là, xứ sở của tương lai. Nếu có một cuộc chiến bùng nổ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, những người như chúng ta sẽ hưởng thứ lợi lộc gì?”
“Ý anh muốn nói gì? dẹp đi!” Một giọng phụ nữ bật lên từ đám khán giả ở phía sau.
“Ý tôi muốn nói là chúng ta phải ngưng khuấy động sự hiềm khích và phải nhớ là các tác giả của cuốn sách giả trá này không đại diện cho chúng ta. Họ chỉ là những kẻ đi gieo rắc hận thù. Chúng ta có những lợi quyền khác với họ vì chúng ta không còn sống ở Trung Quốc nữa. Chúng ta không thể hùa theo họ để bôi bác nước Mỹ một cách mù quáng.”
Mỹ Hồng hét lên, “Điều đó không nằm trong khuôn khổ đề tài tôi thảo luận.”
Giọng kẻ cả của cô ta làm Nam bừng bừng nổi giận. Anh bùng nổ, “Cô còn chưa trả nồi súp cho tôi đấy! [1] Cô hứa sẽ trả cách đây năm tháng rồi – tại sao cô không giữ lời? Tôi không bao giờ còn tin lời cô nữa. Cô nói không ngừng về niềm tự hào cũng như danh dự quốc gia, vậy thì tại sao lời hứa của chính cô mà cô không giữ? Tại sao cô không cư xử đàng hoàng hơn một chút như một con người?”
Anh hết sức ngạc nhiên vì những câu hỏi của anh đã làm cô ta cứng họng. Mỹ Hồng nhìn xuống nền nhà, khuôn mặt đen xạm. Vài người trong khán giả cười khúc khích.
Rồi một người đàn bà đứng dậy thách thức Nam, “Anh có phải là người Trung Quốc không?”
“Tôi sinh ra ở Trung Quốc, và –”
“Hãy trả lời ngắn gọn có hay không!”
“Tôi sắp thành công dân Hoa Kỳ. Tôi tin tưởng đa số trong chúng ta cũng sẽ …”
“Đi cho khuất mắt, thằng Mỹ trơ trẽn!” một giọng đàn ông hét vang.
“Để cho anh ta nói,” một người đàn ông ngắt lời. “Tôi cũng sắp thành công dân Mỹ đây.”
“Dân Mỹ cút xéo! Dân Mỹ cút xéo!” Vài người đồng thanh nói.
“Đây là một đất nước tự do và tôi có quyền tự do phát biểu.” Nam nói.
“Chúng tao không muốn nghe mày nói.”
“Đúng vậy! Đi cho khuất mắt!”
“Để ông ta nói xong đã.”
“Hắt-xì!”
“Nghe đây,” Nam tiếp tục nói. “Quý vị luôn nói về tổ quốc của quý vị, về Trung Quốc của quý vị, như thể người nào trong quý vị cũng là một trụ cột của quốc gia đó. Có bao giờ quý vị nghĩ rằng sự ám ảnh ấy nguy hiểm lắm không? Tôi muốn nói là quý vị để nhà nước chi phối đời sống cá nhân và tất cả mọi thứ khác. Định nghĩa của chủ nghĩa Phát Xít là gì, quý vị biết không?”
Sự im lặng tràn ngập căn phòng.
Rồi ai đó buột miệng nói, “Ngưng những lời xảo trá đi!”
Nam trầm tĩnh trả lời, “Nguyên tắc đầu tiên của chủ nghĩa Phát Xít là áp đặt nhà nước và sắc tộc lên trên cá nhân. Không tin tôi quý vị có thể tra tự điển Merriam-Webster, ấn bản thứ mười. Nếu chúng ta không ngưng cái niềm tự hào nhảm nhí về Trung Quốc, chúng ta sẽ hủy hoại đời sống của chúng ta ở xứ này.”
“Tôi chẳng lạ gì anh cả.” Mỹ Hồng đứng dậy, “Anh chính là một thằng điên. Tôi nói cho anh biết này, anh đúng là một quả chuối; da vàng, ruột trắng!” Cô ta trỏ ngón tay về phía Nam. “Lúc nào anh cũng khinh bỉ Trung Quốc và ngôn ngữ của chúng ta. Chính vì thế mà anh viết bằng Anh ngữ và mơ ước trở thành một Conrad hay Nabokov mới. Tôi nói cho anh biết, anh chỉ làm trò hề mà thôi! Tỉnh dậy đi – đừng tự đánh lừa mình bằng hình ảnh một nhà thơ vĩ đại nữa!”
Nổi nóng, cổ họng Nam tắc nghẽn. Nhưng anh cố trả lời, “Viết bằng tiếng Anh là quyền chọn lựa cá nhân của tôi. Không như cô, tôi muốn trở thành một con người đích thực.”
“Ừ, hãy thành một con chó sói đơn độc đi,” Mỹ Hồng mỉa mai.
“Đúng vậy!”
Câu trả lời của anh cách nào đó khiến cô ta nghẹn họng, vài người trong cử tọa cười khúc khích. Nam nói với cử tọa, “Điều tôi muốn nói là trước hết chúng ta phải là những con người tử tế đã, phải công bằng và thẳng thắn với người khác và với chính bản thân mình.”
Người điều hành gõ cái bút lên bàn, nhưng chẳng ai để ý đến bà ta. “Đừng đôi co nữa!” Bà ta năn nỉ, nhưng lúc này càng có thêm nhiều người nói huyên thuyên. Phòng họp trở thành hỗn loạn. Nhiều người trong cử tọa đứng dậy, nhìn ngang nhìn dọc và hú vang. Ba người trong ban chủ tọa cũng đứng dậy, gom góp đồ của mình, sửa soạn ra về. Căn phòng tràn ngập tiếng kéo ghế và tiếng chân lê trên nền nhà.
Vài cặp mắt nhìn Nam một cách hằn học, trong khi anh làm như không trông thấy họ. Phải như anh nghe lời vợ ở nhà coi cửa tiệm với nàng thì hay biết mấy. Anh chẳng nên tìm đến chỗ hỗn độn này để tìm những sự không vui. Chẳng có cách nào để lý luận với một số người trong cái đám đông này, cái đám đông mà anh thấy chẳng còn gì gắn bó. Đám đông này có cái tâm thức bầy đàn nơi mà cái tôi chỉ được lấp đầy khi có sự lớn mạnh và tăng trưởng của bộ lạc. Nam tự hỏi không biết anh có nên đến chỗ ban điều hành để chuyện trò với vị sử gia lớn tuổi một lúc không, nhưng rồi anh bỏ ý định ấy.
Anh tự chọn làm một người cô độc.

[1] Mỹ Hồng là một người hoạt động chính trị thuộc cộng đồng người Hoa trong thành phố. Trước đây cô ta có đến quán ăn của Nam để mượn nồi nấu súp cho các lực sĩ Trung Quốc đến tham dự Thế Vận Hội Atlanta vì nhà cầm quyền Trung Quốc sợ các lực sĩ trong đoàn của mình bị đầu độc.