Người bồi bàn nghiêng đầu, chớp mắt ngạc nhiên. Ông khách lập lại câu nói. Lần này thong thả từng chữ một. “Cho – tôi – một – tô – chữ – xào – dòn.”...
Quán đông. Ông khách nhìn quanh tìm chỗ. Tất cả mọi bàn đều có người ngồi. Chỉ riêng bàn tôi là còn dư một chỗ, bởi tôi có một mình. Người hầu bàn đi tới đi lui, ngóng cao cổ, tìm chỗ cho khách. Vẻ bối rối của anh ta gián tiếp nhắc khách ăn mau hơn để nhường chỗ cho những kẻ còn đang đói lòng. Người hầu bàn nhìn tôi, thoáng nét trông đợi. Mới gọi đĩa cơm, tôi không thể nào ăn hết trong vòng năm phút. Tôi nhìn người đàn ông. Tóc húi cua, lấm tấm những chân tóc muối tiêu. Thân thể gầy gò. Hai gò má nhô cao. Đôi mắt sáng. Vài sợi râu lún phún dưới cằm. Tôi ngước nhìn người hầu bàn và chỉ vào chiếc ghế trống trước mặt. “Nếu bác ấy muốn ngồi đây thì cứ tự nhiên. Tôi chỉ có một mình.”
Người hầu bàn hí hửng cảm ơn và nói nhỏ với người đàn ông. Ông ta gật gù đi luồn giữa những chiếc bàn đầy ắp người, về phía tôi, nhếch mép cười rồi kéo ghế. Ông ngồi xuống, nhìn quanh. Thiên hạ hoặc chăm chú ăn uống hoặc bận theo dõi hình ảnh chồng chéo trên màn hình hai chiếc ti vi treo trên vách tường, chẳng ai để ý đến ông. Ông liếc cuốn thực đơn có bìa cứng, dày cộm trên bàn. Người bồi bàn tiến lại chỗ ông ngồi. Đứng bên ông, chờ. Người đàn ông ngước nhìn người hầu bàn, tay gạt cuốn thực đơn qua một bên, dõng dạc, “Cho tôi một tô chữ xào dòn.”
Chắc đây là món mới. Hay là tôi nghe lầm. Chưa bao giờ nghe ai nói tới món ăn lạ lẫm này. Người bồi bàn nghiêng đầu, chớp mắt ngạc nhiên. Ông khách lập lại câu nói. Lần này thong thả từng chữ một. “Cho – tôi – một – tô – chữ – xào – dòn.”
“Tô gì, thưa bác?” Người hầu bàn nghiêng đầu, hỏi nhỏ.
“Cho tôi một tô chữ xào dòn.” Câu nói được lập lại với đầy vẻ trang trọng.
“Tô gì ạ?” Câu hỏi của người hầu bàn kèm theo cái cau mày mang nhiều nét ngạc nhiên hơn là khó chịu.
“Cho. Tôi. Một. Tô. Chữ. Xào. Dòn.” Ông khách dằn từng chữ.
Người hầu bàn chỉ vào cuốn thực đơn nằm trên mặt bàn, “Món số mấy trong thực đơn vậy bác?”
Người đàn ông lắc đầu, con mắt chứa đầy nét ngao ngán. “Tôi biết mà, thực đơn của cậu làm gì có món chữ xào dòn.” Và ông ta thở dài. “Thôi, cho tôi tô phở tái vậy.”
Tôi ngồi với đĩa cơm tấm. Những hạt cơm bỗng khô như thiếu nước. Người đàn ông đẩy cuốn thực đơn ra tận góc bàn, nhìn tôi, cười. Nụ cười khô và lạnh. Tôi cũng cười đáp lễ. Buổi sáng bỗng dưng trở nên bí hiểm bởi câu nói của người đàn ông và nụ cười khô lạnh ấy.
“Cảm ơn cậu đã cho tôi chỗ ngồi này.” Ông ta nói nhỏ.
Tôi cười. Tôi chỉ có thể cười, bởi đã lỡ ngậm một miệng cơm đầy. Người đàn ông lại nhìn quanh. Hai mắt ông ta dừng lại ở tấm tranh thiếu nữ có cái cổ dài ngoằng. Miệng lẩm bẩm, “Món gì cũng có, chỉ món chữ là không tìm đâu ra.”
Tôi nuốt vội miếng cơm tấm trong miệng. Món chữ. Lạ đấy chứ. Chưa bao giờ nghe. Mà còn là món chữ xào dòn. Chắc chưa ai nghe thấy bao giờ. Hay đây là món ăn mới, và vì còn mới nên chưa được người ta biết tới nhiều. Sau cùng, hết kiềm chế được cơn tò mò, tôi mở miệng, “Phải đồ biển không bác?”
“Đồ biển gì?” Người đàn ông trợn mắt, ngạc nhiên.
“Cái món xào dòn mà ban nãy bác gọi đó.”
Người đàn ông à lên một tiếng rồi gật gù, “Món chữ xào dòn.”
Chờ cho tôi nuốt hết cơm trong miệng, và hết luôn những ngạc nhiên xuống bao tử, người đàn ông mới lại mỉm cười, “Món chữ. Chữ mình học đó. Chữ cậu dùng để viết thư tán gái, để làm đơn xin việc, để tôi điền giấy tờ lãnh tiền hưu dưỡng. Chữ đó đó.”
Thấy tôi vẫn ngẩn người ra như thằng ngố, người đàn ông cười thành tiếng, “Chữ đó mà. Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Chữ. Cậu nhận ra chưa. Chữ đó. Tôi muốn món chữ ấy xào dòn mà không ở đâu có.”
Bây giờ thì tôi hiểu. Nhưng tôi vẫn ngẩn người ra mà suy nghĩ. Một đĩa chữ xào dòn. Làm cách nào để xào dòn những con chữ.
“Thiên hạ bây giờ không dùng tới chữ nữa rồi.” Người đàn ông nói. “Con người phải ăn mới sống được. Mà thức ăn thì có món ăn vật chất như cơm, phở, bún, bánh mì, hủ tíu, bánh bao, bánh chưng, bánh ít, bánh… đủ thứ; còn món ăn tinh thần thì căn bản là chữ. Nhưng cậu để ý mà xem. Tìm đỏ con mắt cũng chẳng gặp được một người yêu chữ nghĩa. Vậy mà người ta vẫn sống được, cũng lạ.”
Tô phở tái của ông khách ra tới. Mùi thơm ngào ngạt bốc lên, khiến tôi tự hỏi mình tại sao lại gọi món cơm tấm nhạt nhẽo thế này.
“Bác có ý nghĩ thật hay,” tôi nói. “Món chữ xào dòn. Hay quá. Giả dụ như chữ mà xào dòn được chắc ăn ngon lắm.”
Tiếng vỗ ay rào rào từ hai màn hình ti-vi treo ở hai vách tường đối diện nhau át cả tiếng nói của tôi. Người đàn ông hất hàm, “Coi kìa. Anh chàng đầu bếp được phong vương và được các em gái vây quanh xin chụp hình. Cậu có thấy người dồn được thức ăn vào dạ dày thiên hạ được trọng vọng hơn người đem thức ăn tinh thần đến cho bộ óc quá nhiều không nào?”
Tôi ngước nhìn màn hình ti-vi. Một buổi lễ gì đó, trong một nhà hàng nào đó – hình như một chi nhánh nhà hàng tôi đang ngồi đây thì phải – có đầy những tà áo đẹp, đầy những khuôn mặt phấn son. Tua tủa những cánh tay chĩa điện thoại di động vào một người đàn ông đội trên đầu chiếc mũ vải mà các anh đầu bếp thường đội. Anh chàng nói gì đó và sau đó vang dội tiếng vỗ tay.
“Cậu biết ai đó không?” Người đàn ông vừa ngắt cọng rau thơm bỏ vào tô phở vừa hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Vua ẩm thực ở thành phố mình đấy.”
Thì ra vậy. Hèn gì tôi thấy những khuôn mặt nhìn một hồi thấy quen quen; những khuôn mặt thường xuất hiện ở những hội hè, đình đám, lễ lạc nọ kia. Tôi thấy những khuôn mặt son phấn vây quanh anh chàng đội mũ vải màu trắng. Những cái điện thoại di động đưa lên. Đám đông làm cái sự selfie vung vít. Ánh đèn chớp tắt liên tục trên màn hình.
“Vậy bác đi tìm món chữ xào dòn bao lâu rồi?” Vẫn không giấu được tò mò, tôi buột miệng hỏi.
Người đàn ông dừng ngay đôi đũa vừa mới chấm vào tô phở tái. “Tôi tìm lung tung khắp nơi, mà chẳng ma nào biết làm món ấy. Món chữ thông thường người ta không thèm ăn nữa thì đành tìm món chữ xào lăn, chữ xào dòn, chữ nấu chao, chữ bảy món, chữ luộc, chữ hấp… may ra người ta ăn thấy ngon, thấy lạ, sẽ trở về với chữ nghĩa. Không có chữ mà thiên hạ vẫn sống được, thật tôi không tưởng tượng nổi.”
Tôi nhe răng, nhưng chẳng biết mình đang cười hay đang mếu, nên tôi ngậm ngay miệng lại Người đàn ông kỳ lạ. Người đàn ông có những ý nghĩ khác thường. Ông ta nhất định là một người yêu chữ nghĩa. Biết đâu ông ta là một nhà văn nổi tiếng mà tôi không biết mặt.
“Chắc cậu biết Kazuo Ishiguro chứ nhỉ?”
Tôi nhanh nhảu loan báo tình tôi với tuyệt tác The Remains of the Day, cùng sự quý mến dành cho Anthony Hopkins và Emma Thompson khi cuốn sách chuyển thành phim, “Dạ biết. Nobel Văn Chương năm vừa rồi.”
“Đúng. Tôi dám cá với cậu, giả như Ishiguro và cái anh đội mũ vải trắng trên ti vi mình vừa xem cùng bước vào quán ăn này một lúc thì thiên hạ sẽ ào lên vây quanh cái mũ vải trắng và tống Ishiguro ngay ra cửa cho đỡ chật nhà.”
Tôi gật đầu liên tục. Ông già này nói đúng. Quá đúng.
“Chẳng cần phải đốt sách mới hủy diệt được một nền văn hóa, chỉ cần làm cho người ta thôi đọc sách là đủ.” Ông già nói, đầu đôi đũa vẫn chọc sâu vào tô phở tái.
Câu nói nghe quen. Chắc ông già mượn của ai. Tôi tròn con mắt chờ.
“Cậu biết ai nói câu đó không? Ray Bradbury đó. Cậu biết Bradbury phải không?”
Tôi lại gật đầu. Biết làm gì hơn là gật đầu tán thành những chân lý không cần bàn cãi.
“Chúng ta rời bỏ quê hương tù ngục, mang theo một nền văn hóa đầy nhân bản. Bọn Mafia Đỏ trong nước tìm mọi cách để hủy diệt nền văn hóa đó.” Người đàn ông nhìn tôi đăm đăm, nhưng giọng nói thì rì rầm như để dạt vào một cõi đời khác, xa xôi, hoang lạnh. “Một trong những cách làm của bọn nó là tịch thu và đốt sách. Bây giờ, ở ngoài này, dường như người ta ly thân rồi ly dị với chữ. Chữ trở thành những vật thể xa lạ với con người. Không tiếp nhận món ăn tinh thần thì đời sống tinh thần sẽ teo tóp lại rồi biến mất thôi, chẳng biết bọn họ có nhận ra điều đó không.” Ông già ngừng nói, hít một hơi dài, nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi chậm rãi nói tiếp, như đang hiệu triệu với nhân gian, “Hỡi những con người miệng không ngừng rêu rao là đang nỗ lực duy trì nền văn hóa của nước nhà, nhưng tay chẳng bao giờ chạm lên bìa một cuốn sách, nói gì đến chuyện đọc…”
Tôi bỗng thấy hào hứng với những điều đang vây hãm người đàn ông. Và khi không tôi muốn thành tay thầy cãi lẻo mép, biện hộ cho cái điều không thể biện hộ, “Nhưng mà nếu thịt bò có bò nướng, bò thui, bò kho, bò tái, bò bảy món thì chữ nghĩa hoặc văn chương cũng có thơ, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, tùy bút, phiếm… chứ.”
“Đúng,” ông già nắm chặt đôi đũa trong tay như đang sắp lui vào tư thế tự vệ. “Nhưng thiên hạ có thể ăn hết món bò này đến món bò kia nhưng chúng nó chả đếm xỉa đến thơ, truyện, tùy bút gì hết ráo.”
Tôi lại vênh vang cái lý luận vô duyên (nhưng cũng đúng), “Cháu thấy anh đầu bếp và anh chàng viết văn làm thơ khác nhau ở chỗ đầu bếp không bao giờ dọn món ăn cũ, đã ôi… cho khách, còn mấy anh tự nhận là viết văn làm thơ thì không vậy. Bổn cũ soạn lại cả trăm lần không thấy ngượng.”
“Ấy là cậu nói về những tay tự huyênh hoang phong chức nhà văn nhà thơ cho chính họ. Thứ ấy thì nói làm gì. Toàn là cắt & dán rồi đem bán. Cậu thấy không?”
“Thì đầu bếp cũng vậy thôi. Có thứ thượng thặng, có thứ lem nhem. Món ăn trong tiệm bốc khói nghi ngút chưa chắc đã không phải là món ngày hôm qua hay còn dư lại từ tuần trước.”
Cứ thế, dù chưa chính thức tự giới thiệu, dù chưa biết tên nhau, dù chưa rõ lý lịch ba đời của nhau, hai chúng tôi đã say mê đấu lý và đỡ gạt vung vít như hai tay kiếm sĩ lụt nghề, song đấu bằng hai thanh kiếm gỗ. Chúng tôi lý sự quên cả ăn, đến lúc cả hai nhận ra điều ấy thì tô phở của người đàn ông và đĩa cơm của tôi đã nguội ngắt. Chung quanh lại đầy ắp những khách chờ bàn trống. Người đàn ông nhìn tôi dò hỏi. Tôi nhìn đĩa cơm, rồi nhìn tô phở chương sình, xuống giọng rủ rê, “Chắc mình đi chỗ nào kiếm ly cà phê nói tiếp câu chuyện nhỉ. Bác có bận gì không?”
Người đàn ông vừa lắc đầu vừa vồn vã, “Phải rồi, đi kiếm chỗ nào có món chữ xào dòn, cậu ạ.”
Tôi cười trừ. Người đàn ông nói tiếp, “Tôi hỏi cậu nhé. Giả dụ sau cơn hồng thủy, chiếc bè của cậu chỉ còn một chỗ mà cậu lại gặp hai người đang bơi một cách tuyệt vọng, một anh đầu bếp và một anh nhà văn thì cậu cứu ai?”
Tôi không có câu trả lời. Câu này mà hỏi những vị vây quanh anh chàng đội mũ vải trắng trên ti vi mà nhà hàng cứ cho chiếu đi chiếu lại để quảng cáo thì có ngay câu trả lời. Hỏi tôi, tôi chẳng tìm đâu ra câu trả lời. Tôi chịu thua. Trước những câu hỏi khó tôi thường hay nói lảng qua chuyện khác. Thế nên tôi rủ ông bạn vong niên vừa mới quen, “Mình đi tìm quán nào có món chữ xào dòn đi bác.”