...chúng ta chỉ còn một giấc mơ duy nhất : mơ được thấy những cái Tết và mùa Xuân thật sự sẽ về trên quê mẹ Việt Nam...
Khi nói hoặc nhắc đến mùa Xuân người ta liên tưởng ngay đến một mùa được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ nhất trong năm. Biết bao Văn sĩ, Thi sĩ, Nhạc sĩ đã không tiếc lời ca tụng mùa Xuân, đã đưa mùa Xuân lồng vào tác phẩm của mình với những hình ảnh đẹp nhất, biểu tượng cho yêu thương, hạnh phúc và rải rác đó đây với những nét chấm phá của hoa, của bướm, của nắng Xuân vàng !
Qua chuỗi thời gian dằng dặc của đời sống, cũng giống như mọi người, tôi đã sống, đã kinh qua những mùa Xuân trong đó có những mùa Xuân - dù không cố ý tô đậm nét - vẫn in dấu hằn nổi bật mỗi khi nhớ đến, mỗi khi nói về. Những mùa Xuân đáng ghi nhớ này không hoàn toàn tràn đầy hoa bướm, không hoàn toàn tràn đầy hạnh phúc, không hoàn toàn tràn đầy yêu thương mà ngược lại, có những mùa Xuân đánh dấu chia xa, khổ cực nhục nhằn, hơn thế nữa, có những mùa Xuân ngập ngụa trong tang thương với đầy máu và nước mắt …
Mùa Xuân xa nhà đầu tiên :
Tôi đi vào Quân đội năm chưa tròn 20 và rất thấm thía với mùa Xuân và cái Tết đầu tiên phải xa nhà. Giã từ Đà Lạt, thành phố đã ươm cho tôi trọn mộng mơ của tuổi học trò và trải đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, nơi đó còn cha mẹ và các em thơ với tình gia đình thiết tha gắn bó, nơi đó còn biết bao bạn bè thân thương đã vun lên trong tôi những kỷ niệm ngút ngàn…Chỉ mới hơn 4 tháng thưởng thức những lạ lẫm của đời lính, chưa kịp làm quen với đời sống gắt gao và đầy kỷ luật của Quân trường, chưa kịp làm quen với “mùi lính” qua các Quân trang, Quân dụng được cấp phát, chưa thể tách bạch trong bản thân mình giữa “cái tôi” của một cậu học trò và “cái tôi” của một người lính mới tò te… tôi bị rơi vào một cái Tết xa nhà!
Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đêm giao thừa năm 1960, ngồi ôm súng gác tại chòi gác gần cổng số 8 trên đồi Tăng Nhơn Phú (Trường Thủ Đức). Tôi nhớ cha mẹ, nhớ các em, với biết bao kỷ niệm êm đềm cuồn cuộn hiện về… Không có tôi ở nhà, ai sẽ đưa các em đi chơi chợ Tết ? Ai sẽ thay tôi dọn dẹp, trang trí bàn thờ Tổ tiên và đánh bóng bộ lư đồng năm nay ? Ai sẽ thay tôi ngồi châm nước và đun củi vào bếp lò để nấu nồi bánh tét vào đêm 29, 30 Tết ? Tôi nhớ đến chị Phin (Josephine), chị của thằng bạn thân Roland, người tôi thường viết thư tâm sự; tôi nhớ đến Yvonne, cô bạn gái người Pháp thuở còn học ở Petit Lycée với hai thằng em trai Christien và Philip, tụi nó rất thương và quấn quít tôi và tôi cũng thương tụi nó như thương các em ruột của mình. Nhớ đến những lần “cả đám” cùng đi xem phim ở rạp Eden, rạp Langbian hoặc Cinéma d’Annam ở đường Hàm Nghi. Nhớ những dịp cùng đi ăn kem hoặc đi ăn quà vặt, những lần đi Pedal’eau trên hồ Xuân Hương.
Ôi ! Cả vùng trời kỷ niệm của cảnh vật, của con người nơi Thành phố quê tôi cuồn cuộn hiện về… Không biết từ lúc nào, tiếng hát buồn não nuột của bài “Phiên gác đêm Xuân”, một bài hát thịnh hành vào thời điểm đó, đang rên rỉ trong tôi…
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền”….
…“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ về bên mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày Xuân
Cùng hương khói vương niềm thương”…
Tự dưng nước mắt tôi tuôn tràn, tôi khóc thật mùi mẫn. Nếu không có các vị Sĩ quan đốc canh lâu lâu đến kiểm soát chắc tôi vẫn khóc triền miên trong suốt 2 giờ thượng phiên. Tôi vẫn nhớ mãi nhớ hoài những dòng nước mắt cho cái Tết và mùa Xuân đầu tiên phải xa nhà, xa tất cả mọi người thân yêu và cả vùng trời ắp đầy kỷ niệm …
Mùa Xuân tang tóc trong chinh chiến :
Đi vào Quân đội, tình nguyện gia nhập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến - một trong những đơn vị Tổng trừ bị của Quân đội - được điều động đến những chiến trường sôi bỏng nhất của khắp 4 Vùng Chiến thuật. Bốn Vùng chiến thuật ở đây, đúng nghĩa của 4 vùng phân theo Địa lý và lãnh thổ, chứ không phải dùng chữ “4 Vùng chiến thuật” như một cường điệu hay cho hợp với thuật ngữ thời thượng ! Cuộc chiến ngày càng tăng cường độ cho nên vào các dịp Lễ, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, các đơn vị đều ngưng cấp giấy phép thường niên, các đơn vị tác chiến vẫn trong tư thế ứng chiến, ngay cả các đơn vị Hành chánh hay Yểm trợ cũng phải cấm trại một trăm em ơi… Mặc dù cả phe ta và phe địch vẫn thỏa thuận hưu chiến, nhưng biết bao lần địch đã vi phạm lệnh hưu chiến. Những lần vi phạm lệnh hưu chiến trắng trợn nhất, dã man nhất và đồng khắp nhất là dịp hưu chiến Tết Mậu Thân 1968…
Đơn vị tôi tạm nghỉ quân trong vùng Cai Lậy sau một cuộc hành quân trong vùng này, với chiến thắng và hơn 200 vũ khí các loại của địch bị Tiểu đoàn tôi tịch thu. Để trả thù và gây yếu tố bất ngờ, 1 Trung đoàn địch tấn công vào đơn vị tôi từ nửa đêm đến khi trời ửng sáng đúng vào đêm dân trong làng cúng đưa ông Táo về Trời (23 tháng chạp trước Tết Mậu Thân). Tôi bị thương vì mãnh B40 vào lưng và đùi và được đưa về bệnh viện Mỹ Tho trong ngày hôm đó. Ba hôm sau tôi và một số thương binh của đơn vị được chuyển về Bệnh viện TQLC ở Thị Nghè. Hôm 28 Tết, tôi trình bày với Bác sĩ Chỉ huy trưởng BV và xin được về Đà Lạt thăm nhà vì từ ngày nhập ngũ đến lúc đó, tôi chưa hề được về thăm nhà trong dịp Tết. Vì tôi đang trong tình trạng bất khiển dụng nên các vị Bác sĩ ở BV cũng đồng ý cho tôi về thăm nhà. Thế là tôi khập khiễng chống gậy “Về nhà ăn Tết ”… Đúng là số con rệp, được về thăm quê trong cái Tết ác ôn này. Cũng giống như các Tỉnh lỵ và Thành phố khác trên toàn quốc, Đà Lạt cũng bị Việt Cộng tấn công. Theo lệnh của Tiểu Khu Tuyên Đức, tôi phải chống gậy khập khiễng đi trình diện và được phân công chỉ huy “Một đạo quân” làm các chốt an ninh trong Thành phố và các vùng phụ cận. “Đạo quân” này gồm một số Quân nhân của hằm bà lằng Quân binh chủng và một số Quân nhân đi phép đặc biệt với hằm bà lằng lý do như quan hôn tang tế và một vài Quân nhân trong tình trạng như tôi: đang nằm Bệnh viện ở các nơi khác được “dzọt” về thăm nhà…
Sau hơn 1 tuần, khi tình hình an ninh và trật tự của thị xã Đà Lạt được tạm ổn và khi phi trường Quân sự Cam Ly được tái lập đường bay, tôi “xoay xở” được 1 chỗ trong ngày đầu tiên có chuyến bay để về Sài Gòn… tái nhập viện. Khoảng 10 hôm sau, vì nhu cầu hành quân, tôi được xuất viện và bay ra Huế. Tôi được trở về đơn vị để tham gia các trận đánh cuối cùng để tái chiếm Thành Nội Huế. Sau 28 ngày đêm chiến đấu, giành giựt từng con đường, từng căn nhà từ vùng Mang Cá, xuyên qua vùng Tây Lộc, qua cửa Nhà Đồ cho đến cửa Ngọ Môn… Việt Cộng bị đánh bật ra khỏi Thành Nội, ra khỏi Huế nhưng trước khi rút chạy chúng đã giết hàng ngàn người dân vô tội của Cố Đô và vùi dập thân xác họ dưới các mồ chôn tập thể. Huế Mậu Thân với đổ nát, điêu tàn, với sục sôi căm thù, với khói, với lửa, với máu và nước mắt…
Mùa Xuân đầu tiên trong lao tù :
Khi Cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris và cưởng chiếm Miền Nam vào cuối tháng 4/1975, các thành phần Quân, Cán, Chính được lùa vào các trại Cải tạo qua cái thông cáo… “Mang theo đồ cá nhân đủ dùng trong 1 tháng…” Mấy tháng đầu tôi bị nhốt ở trại Long Giao, Long Khánh, hầu hết phe ta bị phù thủng vì “được” ăn gạo mục được đưa về từ các chiến khu của Việt Cộng. Sau đó tôi được chuyển về khu K2, trại Suối Máu, Biên Hòa; đây là “Trại giam Tù binh Phiến cộng” trước tháng 4/1975. Về đây được thưởng thức trọn vẹn cái “đổi đời” về thực tế và tâm lý : chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây trại này để nhốt tù binh Phiến cộng, bây giờ Việt Cộng dùng trại này để nhốt Ngụy quân…
Tôi được thưởng thức cái Tết đầu tiên trong lao tù tại trại Suối Máu này. Thoát được cái phù thủng ở Long Giao thấy hơi mừng trong bụng, ai dè khi tới Suối Máu phải đương đầu với kiết lỵ đang hoành hành tại đây. Khoảng 70% tù ở K2 bị kiết lỵ, nhiều người đã bị chết, nhiều người được “Chuyển đi viện” nhưng không biết số phận ra sao. Thời gian mấy tháng còn ở trong Nam, tù không phải lao động nhiều; lâu lâu mới phải ra đồng trồng sắn hoặc lao động vớ vẩn. Phe ta khoái đi ra đồng lắm vì mỗi lần đi lao động như vậy mới có dịp “gặp” “mấy chị vợ Ngụy”. Mà các bà “đánh hơi” cũng hay thật, cứ giả dạng “Thường dân Nam bộ” lảng vảng trong vùng phe ta có thể ra lao động, mặc dù các bà có cải trang cách mấy, như mặc đồ bộ, đồ bà ba, thậm chí “diện” cả bộ đồ bần cố nông vào nhưng cái “air” của mấy bà vẫn là cái “air” của mấy bà vợ Ngụy ! Có vài người trong phe ta, may mắn “gặp” được thân nhân, cách nhau khoảng năm mười thước, chỉ còn cách duy nhất là “Đá lông nheo” một cái cho đỡ nhớ nhung. Và chỉ có thế!
Trong thời gian này ở K2 có một nhân vật khá đặc biệt làm cho tôi nhớ mãi, anh ta tên Thông, anh này là một anh khùng, khùng thật chứ không phải thuộc loại Tôn Tẩn giả điên ! Trong ngày 30 tháng 4/1975, Thông lượm được một cái áo nhà binh trên xa lộ, gần Thủ Đức, (Ngày đó quần áo trận phe ta bỏ đầy đường) anh ta ngang nhiên bận và đi lang thang về Sài Gòn. Ngày hôm sau, Thông bị bắt với tội danh “Sĩ quan Ngụy” và sau này được chuyển lên trại K2 Suối Máu. Dòm “bộ gió” của anh ta, biết ngay là một thằng khùng, nhưng chủ trương của Việt Cộng là “Bắt lầm còn hơn tha lầm” cho nên Thông bị ghép vào tội Sĩ quan Ngụy và bị nhốt chung với các Sĩ quan Ngụy. Tôi (Và chắc chắn những người ở K2 lúc bấy giờ) không thể quên anh Thông khùng này vì anh ta cứ lảng vảng tại khu nhà bếp, tình nguyện phụ giúp làm mọi việc như chẻ củi, xách nước từ giếng đưa vào nhà bếp, quét dọn và chùi mấy cái chảo đụn trong nhà bếp v.v..Các “anh nuôi” thấy tội nghiệp nên “bồi dưỡng” cho Thông vài miếng cơm cháy mỗi ngày. Tuy nhiên Thông vẫn còn quá đói và anh ta thường lượm các loại rau cải nhà bếp vứt đi để ăn thêm, dĩ nhiên là ăn sống, ăn xong ra giếng lấy gàu kéo nước lên uống tỉnh bơ. Trong trại mọi người đều uống nước sôi và ăn chín mà vẫn bị kiết lỵ dài dài, còn Thông cứ ăn uống thoải mái như vậy mà không bị bệnh gì cả. Mọi người đặt cho anh ta cái tên mới : “thằng Thông Vô Kỵ”…
Suốt đời, tôi không thể nào quên được cái Tết đầu tiên trong lao tù Cộng sản! Chưa đầy một năm kể từ ngày miền Nam sụp đổ, tôi vẫn chưa thoát khỏi tâm trạng bàng hoàng, những khổ đau và nhục nhằn đang dày xéo và ám ảnh mãnh liệt. Tôi cứ nhớ và nghĩ về gia đình và bà con thân thuộc. Bây giờ cha mẹ và các em tôi ra sao? Gia đình tôi có 4 anh em là Sĩ quan, cuối tháng 4/75 tôi gặp được 2 em và đưa các em ra xe đò về Đà Lạt vào những ngày đầu của tháng 5; còn một người em thứ ba, đơn vị đóng ở miền Trung nên không có tin tức, không biết sống chết thế nào ?
Lại thêm một cái Tết và một mùa Xuân xa quê hương và xa gia đình, khác với những mùa Xuân xưa, dù xa quê và nhớ nhà nhưng tôi vẫn được an ủi và tự hào vì mình đang làm nhiệm vụ của một người lính : bảo vệ Tự do, bảo vệ Đất nước.
Nhưng lần này, mọi thứ đều xoay chiều, mọi thứ đều sụp đổ; thân phận của mình, của gia đình mình, của đất nước mình đang bị rơi vào hoàn cảnh bi đát, buồn tủi, nhục nhằn một đời không thể nguôi ngoai…
Một điều rất lạ lùng mà tôi không hiểu được, khác với bản tánh cố hữu của tôi, con người nặng về tình cảm và dễ bị xúc động; bị rơi vào một cái Tết xa nhà, mất mát đến như vậy, khổ đau đến như vậy, nhục nhằn đến như vậy mà tôi không khóc được ! Những tố chất vật lý để tạo thành nước mắt trong cơ thể tôi chắc đã đông đặc, đã biến thành thể rắn để làm cho tôi nhức nhối, đau đớn, xót xa trong chất ngất buồn tủi và đầy ắp hận thù…
Mùa Xuân ly hương nơi đất khách :
Sau hơn 9 cái Tết và mùa Xuân “nằm ấp” tôi được tha về vào trước dịp Tết 1985. Năm cuối cùng tôi được chuyển vào Nam sau những năm lao động khổ sai ở Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa… và được tha ra từ trại Gia Rai, Long Khánh. Nhờ có anh chị nuôi tôi “xoay xở” nên địa chỉ trong hồ sơ cải tạo của tôi được thay đổi, thay vì phải về Đà Lạt, tôi được tạm trú ở Thị Nghè, Gia Định với gia đình ba má nuôi. Tôi phải chấp nhận hy sinh về phần tình cảm của mình để thực hiện cho được điều này : chấp nhận sống xa cha mẹ và các em ở Đà Lạt để được tạm trú tại Sài Gòn, vì từ đây mới có nhiều “đường binh” để vượt biên…
Thành ra, vào 2 dịp Tết 1985 và 1986 tôi chỉ được về thăm nhà có mấy ngày, tôi đâu dám khai báo là gia đình tôi đang ở Đà Lạt và tôi đã “điếu đóm” với tên Công an khu vực vùng tôi tạm trú để được “Đi thăm bà con” trong 2 dịp Tết đó. Gặp lại cha mẹ và các em là điều sung sướng nhất như hằng ấp ủ và ước mơ trong những năm tháng lưu đày trên đất Bắc, tuy nhiên niềm vui không trọn vẹn vì người em thứ ba của tôi đã bị "bọn Fulro" thảm sát cùng vợ và đứa con gái tại một vùng quê ở La Ba, gần Đà Lạt.
Tôi về thăm nhà vào 2 dịp này chỉ đáp ứng được phần nào nỗi nhớ thương chất chứa trong lòng, nhưng nhìn chung với thân phận một “ngụy quân” như tôi, với thân phận “Gia đình ngụy” như gia đình tôi và cả miền-Nam-chạy-theo-Đế-quốc-Mỹ bị thua trận sao nghe toàn cay đắng, não nề. Tất cả đều đang xuống dốc, đang cúi đầu, đang đi vào vùng tăm tối… Lần sau cùng về thăm quê hương Đà Lạt, hình ảnh làm cho tôi thấy mất mát nhất là hồ Xuân Hương lúc bấy giờ đang khô cả nước, một con đường đất được đắp lên, chạy ngang hồ từ nhà Thủy tạ và nối sang bờ đối diện. Đà Lạt đẹp phần lớn nhờ vào cái hồ này, nhưng khi tôi về, còn đâu mặt hồ soi bóng những hàng thông, còn đâu mặt hồ soi bóng Nhà thờ Con gà, còn đâu mặt hồ soi bóng cái tháp của trường Yersin… Hồ Xuân Hương lần đó đã làm tôi buồn và thất vọng, tôi bị ám ảnh bởi cái hồ xinh đẹp và đầy kỷ niệm kia qua hình ảnh một người con gái có nét mặt đẹp tuyệt vời đang bị một nhát mã tấu chém phập ngang mặt. Nhát mã tấu này đang chém vào quê hương Đà Lạt của tôi. Nhát mã tấu này đang chém vào cả quê hương Việt Nam của tôi…
Hình ảnh đau buồn của quê hương Đà Lạt, của quê hương Việt Nam đã theo tôi trên đường vượt thoát …
Trong khoảng 2 năm nương náu và sống lây lất với gia đình ba má và anh chị nuôi với biết bao phập phòng, trông chờ sự gia hạn của tờ giấy tạm trú từng 3 tháng một. Tôi đã vượt biên tất cả 4 lần, 3 lần đầu bị “bể” và may mắn đã đến vào chuyến vượt biên lần thứ tư từ Rạch Giá vào tháng giêng năm 1987 !
Tôi được hưởng cái Tết và mùa Xuân năm 1987 tại trại Phanat Nikhom, Chonburi, Thái Lan (Khoảng 30 dặm phía Nam Bangkok). Thời gian đó, trại này có khoảng 16 ngàn người Việt tị nạn còn kẹt lại. Trại dưới quyền sinh sát của “Anh Chô”, một Trại Trưởng thuộc Bộ Nội Vụ Thái Lan. Anh Chô đã dùng loại kỷ luật sắt để điều hành, đặc biệt là dùng “lực lượng Aran” làm trật tự nên toàn trại lúc nào cũng trong tình trạng lo âu, không biết sẽ bị hành hạ, đánh đập hay nhốt xà lim bất cứ lúc nào ! “Lực lượng Aran” gồm khoảng hơn 100 người, họ là những anh Bộ Đội Việt Nam, phần lớn vượt biên bằng đường bộ qua ngã Kampuchia. Lúc đầu họ ở các trại ở Aran, một tỉnh phía Nam Thái Lan, về sau được chuyển về trại Phanat Nikhom. Lý lịch của họ dĩ nhiên không thể nào phối kiểm được : họ là thường dân phải đi Nghĩa vụ Quân sự, phải qua chiến đấu ở Kampuchia, chán nản, đào ngũ rồi vượt biên ? Hoặc họ là những cán bộ Việt cộng được gài vào các thành phần này để hoạt động ở hải ngoại ? “Lực lượng Aran ” đã ở trại này khá lâu, có nhiều người đã ở đây cả 6,7 năm, dĩ nhiên không thể nào “đậu” được qua các kỳ phỏng vấn và thanh lọc. Anh Chô xử dụng “Lực lượng Aran” này như những “Đội xung kích”, những “Đội hành động” đi lùng sục, uy hiếp, bắt bớ, đánh đập bất cứ ai vi phạm kỷ luật trại hoặc có những hành vi xấu. Vì vậy toàn trại lúc nào cũng lên cơn sốt, lúc nào cũng lo sợ phập phòng; bù lại tình trạng trật tự và an ninh của trại được coi là ổn định và đi vào khuôn phép… Vì số người tị nạn còn đọng lại quá đông nên mọi người phải nằm dưới sàn xi măng trong các lán trại, thức ăn và nước uống, nước tắm giặt được phát mỗi ngày theo tiêu chuẩn. Dù sao so với các trại cải tạo ở Việt Nam thì đây vẫn là một Thiên đàng vì được ăn cơm có rau, có cá, có thịt và nhất là mỗi ngày khỏi phải lao động khổ sai!
Phần tôi dù đang buồn vì phải xa cha mẹ, xa các em và nghĩ rằng không bao giờ có thể gặp lại các người thân, nhưng điều an ủi lớn nhất là tôi đã đặt chân đến đầu cầu của Tự do, niềm ước mơ đã từng ôm ấp trong những năm tháng đọa đày trong lao tù Cộng sản ! Và tôi càng nôn nao hơn với tràn ngập niềm vui vì người tôi thương và người thương tôi đang vẫy gọi, đón chờ từ bên kia bờ Thái Bình…
Vào dịp trước Tết 1987 tôi được gọi phỏng vấn lần đầu tiên và qua lần phỏng vấn này tôi được mời làm Thông dịch viên cho phái đoàn. Trong trại lúc bấy giờ có hơn 100 người Việt tị nạn được chọn ra làm việc (Thông dịch viên hoặc Nhân viên văn phòng hay Thư ký v.v..) cho 2 tổ chức : Văn phòng Cao ủy Tị nạn do Thái Lan điều hành và Văn phòng Điều hành người tị nạn do phái đoàn Mỹ phụ trách, tôi làm Thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ. Sau khoảng 2 tháng làm việc cho phái đoàn Mỹ, tôi là một trong 4 Thông dịch viên được chọn làm “Out-of-Camp Interpreter” để làm việc với Phái đoàn Sở Di trú Hoa Kỳ. Chúng tôi rời trại Phanat và được đưa lên Bangkok để làm việc cho Chương trình Tị nạn do tòa Đại sứ Mỹ tại Bangkok phụ trách. Chúng tôi thoát khỏi cảnh nằm đất ở trại và được sống với các viên chức sở Di trú Mỹ tại Hotel ở Bangkok. Ngoài công việc văn phòng tại Bangkok, chúng tôi phải theo phái đoàn Sở Di trú Mỹ đi về các tỉnh ở miền Nam Thái Lan để phỏng vấn người Việt tị nạn tại các trại như Dong Creg, Platform I, Platform II v.v.. Sau mỗi lần đi phỏng vấn ở miền Nam xong, lại trở về Bangkok vào làm việc ở Văn phòng. Bốn Thông dịch viên chúng tôi được trả lương bằng tiền Thái, mỗi người mỗi tháng đổi ra khoảng 220 hoặc 230 đô la gọi là tiền dằn túi, thôi thì như thế cũng ấm lòng… tị nạn trong mùa Xuân ly hương ! Ở trại Phanat, người tị nạn sau khi được phái đoàn Mỹ nhận, mọi người bắt buộc phải qua Phi Luật Tân học Anh văn khoảng 6 tháng trước khi vào Mỹ. Riêng bốn “Out-of-Camp Interpreters” chúng tôi được coi như “Qualified”, khỏi phải qua Phi học Anh văn, tiếp tục ở lại làm việc cho phái đoàn Mỹ ở Thái Lan và chúng tôi từ Bangkok được bay thẳng sang Mỹ vào tháng 8/1987.
Kể từ năm 1987 ở Thái Lan, đánh dấu cho cái Tết và mùa Xuân ly hương đầu tiên từ sau tháng 4/1975; tiếp nối là những cái Tết và mùa Xuân ly hương trên xứ tạm dung này. Cứ mỗi lần Tết đến Xuân về lòng tôi vẫn quặn thắt, đặc biệt mỗi năm lúc dâng hương lên bàn thờ gia tiên trong đêm Giao thừa, lúc nào cũng vậy, tâm tư ngập tràn xúc động và tôi không thể nào ngăn được dòng nước mắt.
Tôi, cũng giống như hầu hết mọi người Việt tạm dung trên đất nước này, chúng ta chỉ còn một giấc mơ duy nhất : mơ được thấy những cái Tết và mùa Xuân thật sự sẽ về trên quê mẹ Việt Nam để mọi người dân Việt được thoát khỏi ách thống trị của bọn Cộng sản độc tài; được sống trong Tự do, Dân chủ thật sự; được có những mùa Xuân tươi đẹp của đất trời hòa nhập với mùa Xuân bất tận của lòng người với tràn đầy tin yêu và hy vọng…