Hải ơi! Tao viết lách kiểu này, không biết thơ có bị kiểm duyệt và mày có bị phièn phức gì không?...
Hải thân!
Nhận được thư mày vào một ngày trời lộng gió tháng Tư, thơ của mày làm cho tháng Tư đen của tao, của một người Việt lưu vong buồn, càng buồn hơn. Cái lạnh còn rớt lại của mùa đông, không lạnh bằng cái lạnh trong tâm tư, trong trái tim, mỗi khi nghe đài phát thanh, đài truyền hình hay báo chí Việt Ngữ nhắc lại những ngày di tản nhốn nháo, những hình ảnh vượt biển, vượt biên đầy kinh hoàng. Những người vượt biên bằng đường bộ thì không có hình ảnh, nhưng hình và phim của những con thuyền mong manh đi tìm cái sống trong cái chết , như ngọn lá trôi theo giòng thì có rất nhiều, trong khi nghe mày nói bên đó đang rộn ràng chuẩn bị tổ chức “ngày thống nhất đất nước”!
“Ngày Thống Nhất đất nước”, trước đây được gọi là “Chiến thắng mùa xuân” của miền Bắc Cộng Sản là những nỗi đau không rời của người miền Nam Quốc Gia. Mỗi lần nhìn những hình ảnh này, tao lại thắc mắc, bây giờ những người trên những chiếc ghe, thuyền ấy đang ở đâu, cuộc sống của họ ra sao? Con cái của họ như thế nào? Những đứa bé con trong những hình ảnh đó bây giờ chắc đã lớn khôn, có gia đình và những thuyền nhân đó, có nhớ đến những cơn giông tố phũ phàng của những chuyến vượt đại dương cam go không? Còn những người lớn, những người già còn hay mất?
Và bây giờ, dầu không chờ, không đợi, một lần nữa, tháng Tư lại về và nỗi đau, dầu ba mươi tám năm trôi qua, vẫn còn hiển hiện, vẫn còn mưng mủ bên dưới mỗi trái tim - dầu hoàn cảnh đưa đẩy có tô son, thếp vàng lên trên bề mặt của làn da.
Hải thân! Cách ngôn tây phương có câu “cuộc đời giống như cuộn giấy vệ sinh càng tới cuối, càng chạy nhanh hơn” quả thật không sai. Khi còn nhỏ chúng ta mong lớn nhanh để được làm người lớn, nên thời gian có vẻ như chạy chậm, nhưng khi lớn rồi mới hối tiếc thấy tuổi xuân trôi quá nhanh, mới thấy rằng không có cách gì ngăn cản thời gian giảm bớt tốc lực được và tuổi già đến một cách thần tốc; soi gương thấy thời gian đã vẽ lên mặt, lên cổ, lên tay những lằn ngang dọc, nếu may mắn không có nhiều dấu vết thì thân thể cũng ê ẩm, chân tay cũng chậm chạp hơn lúc còn trai trẻ. Nhìn lại quê hương vẫn thấy xa mãi ngút ngàn mà không biết mình còn có đủ thời gian chờ đợi ngày “thống nhất đất nước” thật sự hay không?! Ước gì mình có thể quay ngược bánh xe đồng hồ!
Cũng vì thời gian chạy nhanh hay chậm, ngắn hay dài tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh nên năm nay những người ở lứa tuổi sáu mươi trở lên thấy ngày Ba mươi tháng Tư hình như về quá nhanh, càng ngày càng nhanh, vì mới đó mà đã ba mươi tám năm trôi qua, kể từ khi miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam! Mày có nhớ đứa con út của tao, lúc ấy mới có hai tháng rưỡi, bây giờ đã là một người bắt đầu đi vào tuổi trung niên - nếu mình tính cuộc đời là sáu mươi năm - cháu đã có vợ ba năm rồi, nhưng chưa muốn có con. Còn đứa lớn nhất lúc ấy đã tám tuổi, đứa thứ hai bảy tuổi, đứa con gái thứ ba, lúc ấy bốn tuổi, đứa nào, đứa nấy giờ đều có gia đình. Những đứa cháu bây giờ đã lớn hơn cha mẹ chúng khi mới qua Mỹ và những đứa con của tao tóc cũng bắt đầu đã có vài sợi bạc. Tao bây giờ đã có tới bảy cháu, cả nội lẫn ngoại!
Mày lại nhắc đến những người bạn của mái trường trung học làm tao cũng nhớ quay quắt những hình bóng trong dĩ vãng. Có lẽ những người ở vào lớp tuổi của tụi mình thì thời gian học trung học là khoảng đời thơ mộng nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất. Mày hỏi có khi nào tao gặp những người bạn cũ hay không? Tao chỉ gặp được trong hình mà thôi khi trường Nguyễn Huệ của mình có những đại hội, tao vì hoàn cảnh bận rộn quá, nên không tham dự lần nào cả, tuy nhiên lại được xem những hình ảnh họp mặt trên các trang web, hay trong các email chuyền tay nhau. Tao cũng biết dạo này ở Việt Nam, mày cũng nhận được email nếu mày có ghi danh trong danh sách học sinh Nguyễn Huệ, hay mày cũng có thể vào website của trường để xem bài vở và hình ảnh. Mày có nhắc đến tên anh N. và hỏi anh ấy giờ ra sao, tao có tin tức gì không? Thú thật với mày, thỉnh thoảng hình bóng người xưa và những kỷ niệm cũng hiện về đầy ắp, nhưng tao chưa một lần nào nhìn thấy anh bằng xương, bằng thịt hay cả trong hình - mà theo những ghi chú của nhiều tấm hình chụp chung, tao cũng không hề nhìn thấy tên anh. Không hiểu anh lưu lạc nơi đâu!? Còn người đàn ông mà mày yêu thầm nhớ trộm - mặc dầu lúc ấy mày chối leo lẻo - thì tao lại thấy trong hình. Mày muốn biết anh giờ ra sao và vóc dáng thế nào hả? Mày muốn biết không? Nếu không có những lời ghi chú thì tao không thể nào nhìn ra anh H. được! Tao nhớ lúc xưa, tóc anh dày và chải bồng bềnh cũng như N., nhưng bây giờ thì tóc anh lơ thơ trên vầng trán hói, anh lại mang đôi kính cận khá dày, không có dáng dấp gì là một anh chàng điển trai mà đã từng làm cho tim mày điên đảo cả! Và tao cũng được biết anh đã bị ở tù Cộng Sản mười năm vì anh là lính pháo binh của Quân Đội miền Nam! Thôi thì mày cứ giữ mãi hình ảnh hồi xưa của anh cho đẹp, chắc mày không muốn mất đi hình ảnh thần tượng của mày đâu, nhưng tao chỉ nói sự thật thôi. Còn những người bạn khác thì cũng vậy, nếu không có ghi chú tên, lớp thì tao chẳng nhận ra được ai cả. Khi đọc tên, nhìn kỹ hình mới nhớ thấy hao hao giống hồi xưa. Phần đông dung nhan họ tàn tạ hết, lớp thì bụi thời gian đã quá dầy và trước đó phần đông bị đi tù Cộng Sản, còn những người bạn gái của chúng mình thì vừa phải đi thăm nuôi chồng, vừa bươn chải bán buôn nuôi con, nên ai nhìn cũng hom hem, còm cõi, những ai qua sớm thì nhìn có vẻ khá hơn đôi chút!
Thời gian thật là tàn nhẫn, nó giết chết tuổi xuân, giết chết nhan sắc không thương tiếc phải không Hải! Những người bạn của tụi mình một thời là những hoa khôi đã làm cho bao trái tim tan nát, trong đó bạn học cùng lớp cũng có, các anh học nhiều lớp cao hơn cũng có và trong số những người trồng cây si, cũng có những giáo sư nữa. Tao nhớ con M., nó được thầy H. giáo sư Pháp văn để mắt tới nhưng M. đồng thời cũng được một chàng trong lớp là T. theo đuổi, thế nhưng T. nhận biết thân phận học trò của mình không địch nổi với ông thầy vừa tài ba, vừa hào hoa, gia thế lại hơn xa, nên T. lặng lẽ bỏ đi xứ khác; nhưng cuối cùng, con M. lại lên xe bông với người khác, là một anh Không Quân, làm thầy H. thất tình, phải bỏ Tuy Hoà, về Huế trở lại và nghe nói đã bị giết trong vụ Tết Mậu Thân, bởi Việt Cộng lùng bắt quân dân cán chính miền Nam trong làng của thầy ở. Không biết họ giết lầm thầy, hay có người thù oán gì với thầy rồi chỉ điểm cho Việt Cộng?! Tao nhớ lúc đó nghe tin, mắt con M. đẫm lệ, bạn bè ai nấy cũng nghẹn ngào thương xót cho thầy H.
Trở lại với hình ảnh, tên tuổi của những người bạn trong những tấm hình, tao còn thấy con Q. , một thời nhan sắc nổi tiếng tại Tuy Hòa! Mày không thể tưởng tượng nổi đâu! Nếu gặp nó ngoài đường, chắc chắn tao không có cách gì nhìn ra nó đuợc! Tao thấy hình chị Ch. Khi nhìn thấy tên xong, tao nhìn đi, nhìn lại hình chị thì có thấy những nét xưa kia ở khoé mắt, nụ cười nhưng những nét khác thì đều không thể tưởng tượng được. Nói về những nguời khác như thế, không có nghĩa là tao trẻ hơn họ đâu Hải ạ. Nhiều khi tao không dám nhìn vào trong gương, tao cũng như bạn bè của tụi mình vậy thôi, thời gian không tha cho ai cả. Tao biết mày khen cho tao vui thôi. Tao cảm ơn mày đã gởi hình của mày và ông xã, tao đã để tấm hình ngay trên bàn làm việc, cứ xem đi, xem lại hoài.
Thơ của mày, tao cũng đọc đi, đọc lại nhiều lần. Mày lại hỏi tao câu hỏi như anh tao vẫn hằng hay hỏi khi anh còn sống, là chừng nào tao về thăm quê hương? Mày tả quê hương đẹp lắm, và ví von “quê hương là chùm khế ngọt” sao tao không về thăm, và mày hỏi sao con cháu của tao không về tiếp tay xây dựng đất nước!? Câu hỏi này khó trả lời. Khi anh tao còn sống tao cũng trả lời với tính cách câu giờ, cho đến khi nhận được phone nhắn, anh đã qua đời thì tao mới tức tốc mua vé máy bay trở về, nhưng dĩ nhiên không được nhìn thấy mặt anh lần cuối. Lần tao về, nghe nói mày không có nhà vì theo chồng ra bắc thăm gia đình. Chắc mày nhớ anh N. của tao phải không? Ông anh nghiêm nghị ít khi cười của tao, tao sợ cây thước kẽ của anh còn hơn sợ cây roi của mạ tao. Cuộc đời ngang dọc của anh đã kết thúc thê thảm với bệnh ung thư gan. Mày cũng biết ở Việt Nam làm gì có tiền chạy chữa những cái bệnh nan y. Tiền tao gởi về cũng như nước muối bỏ biển vì gia đình anh con cháu đầy nhóc, số tiền chia đều thì cũng chỉ giúp đỡ tạm thời. Lúc bệnh anh trở nên trầm trọng, anh cũng chỉ viết thư kể sơ sơ thôi - tánh anh vẫn vậy, rất tự trọng. Anh kể “anh đang uống thuốc nam, khá lắm”. Hải ơi, khi tao về, tao mới biết những thuốc nam anh nhắc trong thơ là lá đu đủ, hay những loại lá cây rừng, hay xác những con rắn độc phơi khô rồi sắc thành “thuốc” để uống! Toàn là những thứ uống để cầu may. Anh đã qua đời trong đau đớn.
Mày biết tao chỉ có một người anh duy nhất, nhưng tao không về thăm vì tao ghét và thù Cộng Sản vô cùng! Chúng nó là nguyên nhân làm cho người dân phải bỏ xứ ra đi, như tao đây, bỏ lại bao nhiêu người thân kẻ thuộc, nên tao thề nhất định không về khi còn chế độ Cộng Sản! Mạ tao cũng hỏi hoài câu đó, thế mà tao đã bất hiếu không về để nhìn thấy mạ, thấy anh trước khi những người thân yêu nhắm mắt. Ba tao thì chắc mày không biết, đã chết ở Huế, không lâu sau khi Việt Cộng chiếm, mạ tao ở lại trong nam với gia đình anh chị tao. Khi anh mất, lũ cháu đã kêu gào thảm thiết, bảo tao phải về thăm, nên tao cũng nhắm mắt làm một chuyến trở về và chỉ được dự lễ mở cửa mả cho anh. Tao cầu mong anh biết cửa nào đi về tiên cảnh và có đầu thai, thì biết tìm một cửa nào có tự do, dân chủ, chứ đừng bao giờ đi đầu thai làm người Việt Nam sống dưới chế độ Cộng Sản, vì đó lại là cửa tử nữa! Cuộc đời lính chiến của anh kết thúc bi thảm với sự thất thủ miền Nam, anh bị đi tù, bị ngược đãi, bị trả thù, về sống không bao lâu thì mắc bệnh gan không thuốc chữa. Con cái của anh không được đi học tới nơi, tới chốn vì là con của “ngụy quân, ngụy quyền” có bà con là tao đây, “chạy theo đế quốc Mỹ”. Tao cũng không mong Việt Cộng thương tao để được chúng gắn cho danh từ “Việt Kiều”, hay “Khúc ruột ngàn dặm”- cũng như mày kêu gọi trong thơ!
Hải ơi! Tao viết lách kiểu này, không biết thơ có bị kiểm duyệt và mày có bị phièn phức gì không? Nhưng mày nói bây giờ chế độ đã thay đổi nhiều lắm, đảng và nhà nước cởi mở với nhân dân, phố phường cũng đã sửa sang lại thật đẹp đẽ, khang trang và mày nói nếu tao về, tao sẽ không có thể nào nhận diện được những chỗ thân quen nữa! Dĩ nhiên là vậy rồi! Ba mươi tám năm đủ để cho nương dâu biến thành cồn cát hay ngược lại. Khi tao về dự tang lễ cho anh tao, tao đã bảo tài xế xe - của đám cháu bao cả ngày - chạy xuống biển Tuy Hoà, tao thất vọng vô cùng vì đường xá, phố phường gần biển thay đổi hoàn toàn, hình ảnh biển của những ngày tụi mình đạp xe đạp xuống biển không còn nữa. Tuy biển muôn đời là biển nhưng sao biển bây giờ không giống một chút nào của biển năm xưa?! Những lớp sóng to hung hãn như cái chế độ hung hãn đã xoá tan đi bao nhiêu di tích đẹp đẽ của thời chúng ta mới lớn! Tao cố hình dung lại những tà áo trắng phất phơ trong gió lộng, đám nữ sinh tụi mình xắn quần, cột áo, lội xuống nước nô đùa, đám con trai tạt nước vào đám con gái, cả bọn cười đùa vang vang trên bãi cát trắng, có những con dã tràng nhỏ ủi đất trồi lên… Những hình ảnh quá khứ nhòe nhoẹt trong đầu óc chơi vơi của tao.
Tao cũng đi ngang qua ngã Năm, mầy nhớ Ngã Năm không? Đó là trung tâm thành phố Tuy Hòa, được chia ra năm ngã đường, ở mỗi góc đường có bán nào là nem, chả, cháo, phở, hột vịt lộn, chè, cà rem. Lũ tụi mình mê nhất là nem nướng được bán tại đây, mùi nem nướng sực nức qua không khí từ xa. Ngã Năm khi tao về sao không giống cái ngã Năm của tuổi học trò chúng mình chút nào! Ngã Năm trong trí nhớ đồ sộ, sầm uất bây giờ nhìn nhỏ xíu; các tiệm quen thuộc năm xưa, giờ thay tên đổi chủ. Đổi chủ như những con đường mang tên thật xa lạ, mà tao chẳng biết những nhân vật đặt cho tên đường là những anh hùng liệt sĩ nào của Việt Cộng!
Hồi nãy giờ tao chỉ lo mải mê với quá khứ nên chưa hỏi thăm mầy ra sao với người chồng chiến binh của “phe thắng cuộc”. Trước đây mầy cũng có nói sơ về hoàn cảnh của mầy là mầy đã tìm được người chồng tốt, dầu anh ấy là cán bộ nhưng không phải là cán bộ sắt máu. Tao cũng mừng cho mầy, thật ra chế độ nào cũng có người tốt, người xấu, nhưng may mắn lấy được người thuộc loại tốt trong một chế độ ác ôn thì quả thật cũng là phước đức ông bà để lại phải không Hải! Tuy nhiên chi tiết về ông xã của mày, tuy mày không nói rõ, mày bảo tao đoán đi, nhưng khi nhìn ánh mắt, nụ cười thì tao sững sờ khi nhận ra đó là người bạn cùng lớp của tụi mình, anh L. - người đã vô bưng khi tụi mình lên lớp đệ tam! Nếu mày không viết úp úp mở mở, và cho vài chi tiết như anh đã là một trong những người bạn trai hay tặng cho tụi mình những trái me dốt, hay những trái cốc ngâm đường và hay làm thơ rồi ngâm nga đọc cho đám con gái mình nghe, thì chắc chắn tao không thể nào nhận ra - cũng như tao sẽ không bao giờ nhận ra đám bạn của tụi mình trong những bức hình tại những đại hội bên Mỹ. Thời gian đã đặt thêm ít nhất là gấp hai lần lên thân hình anh L. Tao nhớ hồi ấy anh ốm nhom và có đôi mắt sắc như dao. Tao nhìn lại ánh mắt của anh trong tấm ảnh, hình như ánh mắt của anh có tối hơn thời trung học phải không mày?!
Cảm ơn mày đã gởi cho tao hình của gia đình mày. Mày có khoe là mới sửa mũi sửa mắt và nói bây giờ ở Việt Nam sửa sắc đẹp rẻ lắm, nên về mà sửa; hèn gì nhìn mày còn trẻ đẹp chán, vòng vàng đeo đầy tay rất sang trọng. Mừng cho mày nghe Hải! Những đứa con của mày coi bộ cũng béo tốt như ba của tụi nó. Những đứa cháu nội ngoại của mày nom dễ thương và bụ bẫm ghê, con trai thì bận đồ vest, con gái mặc áo đầm. Đám cháu mày xem ra may mắn hơn nhiều trẻ em khác, được có xe hơi đón đưa đi học, tao đoán vậy vì cả nhà của mầy chụp hình bên cạnh chiếc xe hơi và trước căn nhà khá đồ sộ. Cả nhà mày trông tươi tỉnh và hạnh phúc ghê, chứ không ủ dột, thảm não như phần đông những người dân, nhất là những dân oan khiếu kiện, lôi thôi lếch thếch, hết vỉa hè nọ, tới vỉa hè kia, hết tháng nọ, tới năm kia mà không được ai xét đến, con cái của họ phải đu dây băng qua sông, qua núi mới tới được lớp học, không biết mày có biết không? Chắc mày không biết đâu vì mày nói nhiều lần trong thư là đất nước phát triển ra, thứ gì cũng tốt đẹp cả! Tao không biết “tốt đẹp” đến mức nào, nhưng một cây cầu cho học sinh đi học cũng không có! Nhiều nơi học sinh phải tự bơi lội qua sông. Nhìn thân thể ốm đói của các em học sinh một tay bơi, tay kia phải đỡ sách vở khỏi rớt ra trong các bọc quần áo đội lên đầu cho khỏi ướt mà tao rớt nước mắt!
Ông xã mày ngoài ánh mắt có vẻ u tối hơn hồi xưa, cũng có vẻ oai ra phết! À! Thì ra đó là anh L., tao nhớ ra lúc ấy anh ủng hộ phong trào phản chiến của sinh viên, học sinh. Tao nhớ lại những bài thơ của anh, anh hay nhắc đến một xã hội công bằng không có giai cấp giàu nghèo, một xã hội anh mơ ước như một thiên đàng chủ nghĩa, mọi người bình đẳng! Sau đó anh biến mất, không ai biết anh đi đâu! Sau này có tin chuyền miệng nhau là anh vào bưng kháng chiến! Chắc chắn đảng và nhà nước đã ghi công ơn to tát của anh!
Ngồi nhìn lại tấm ảnh, đọc lại thơ của mày, tao thắc mắc, không biết ông xã của mày có thật sự vẫn nghĩ đảng và nhà nước đã thành công san lấp được hố chia cách giữa người giàu và người nghèo, tạo dựng nên một xã hội ưu việt? Anh ấy có thật sự hãnh diện vì đã góp công để thống nhất đất nước, đem lại sự no ấm thịnh vượng cho toàn dân? Anh có nhận ra rằng chỉ có những cán bộ nòng cốt như anh mới được phì da ấm thân mà thôi!? Nếu còn chút lương tri của loài người, không lẽ không bao giờ anh ân hận đã tiếp tay với bọn vô thần cưỡng chiếm miền Nam, xô dân chúng vào con đường khốn khổ, không nhà, không cửa, mất cha, mất mẹ, mất con, mất anh em? Và những kẻ tiếp tay cho tội ác lại được vinh danh!
Tao quên chưa kể cho mày nghe, lần về khi anh tao mất, ra Huế thăm mồ mả ông bà, tao có ghé lại từ đường của gia đình tao để thắp nhang. Trong từ đường cũng có treo hình của bao nhiêu liệt sĩ của giòng họ tao, cũng đi tập kết hay vô bưng gì đó, tao cũng đã hỏi thầm, dưới chín suối họ có ân hận đã góp công cướp miền Nam, xô dân chúng vào con đường đói khổ hay không?
Tao sẽ gởi cho mày hình những mái tranh xiêu vẹo của con cháu tao, của những vùng chỉ quanh ven đô thành, chứ không xa xôi gì mấy, để mầy thấy quê hương của chúng ta sau mấy chục năm trời thay đổi ra sao! Chế độ chỉ có thay đổi cho những kẻ ăn trên ngồi trốc, cho những người có tuổi đảng lâu năm như anh L., ông xã của mày trở nên giàu sang phú quý kiểu tư bản đỏ, còn dân chúng, trong đó có gia đình tao, được đảng lãnh đạo, hướng dẫn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà con đường này là con đường chạy ngược kim đồng hồ, là con đường đưa đất nước thân yêu của chúng ta xuống hố!
Hải thân! Trong một phút xúc động trong mùa đau thương của dân tộc, mà người Quốc Gia gọi là Tháng Tư Đen, nên tao đã viết lung tung không đầu không đuôi và xúc phạm đến mày và người chồng của mày, nên tao quyết định lá thư này sẽ không bao giờ gởi đi. Cầu mong cho mày được bình yên với giấc mộng vàng “quê hương đã đuợc thay đổi theo đường lối tốt đẹp”! Dầu sao, cũng cầu mong là như vậy!