main billboard


Vừa ra khỏi phi trường Midway, tôi được đón tiếp bằng trận bão tuyết lớn...

duong-pho-tuyet


Vừa ra khỏi phi trường Midway, tôi được đón tiếp bằng trận bão tuyết lớn, dự đoán thời tiết cho biết có lẽ lên đến năm, sáu (5, 6) tấc ở vùng đất lạnh tình nồng nầy. Sau mười năm xa rời hôm nay trong dịp mừng Tết Nguyên Đán Quý Tỵ của dân tộc Việt, và thăm cô em gái còn tạm cư ở tiểu bang Illinois.

Cả bầu trời bao la một màu âm u nhòa nhạt, gió lạnh lùng đưa từng mảng tuyết lao chao lả chả rơi mau. Tuyết bám vào những cây trơ cành, trụi lá hai bên đường, trên nóc nhà, sân, bãi đậu xe và ngập cả các lối đi. Tuyết giăng mắc khắp nơi một màu trắng xóa như bột, và xốp như nước đá vừa mới bào. Bầu trời đục ngàu và tuyết rơi rơi, cuốn theo chiều gió lao chao trong cái lạnh lùng rét mướt, tái tê của trời mùa đông vùng Chicago.

Sáng nay, chiếc phi cơ dân sự Southwest chở gần 300 hành khách từ California qua tiểu bang Illinois vào chiều ngày 27 Tết, năm Nhăm Thìn Âm lịch, nhằm ngày 7, tháng 2 Dương lịch năm 2013. Phi cơ rời bãi đậu lúc 9. 50 AM, mãi đến 3. 50 PM mới đến phi trường Midway (Bởi vì Illinois đi trước California 2 giờ). Gia đình chúng tôi đi khỏi vùng đất lạnh nầy, thắm thoát 10 năm rồi. Hôm nay không gian lạnh lẽo quá thế, và tuyết rơi như đổ xuống nên cảnh vật xưa gần như nhạt nhoà trong tầm mắt và tâm tưởng tôi. Mặc dù tuyết lạnh với tôi không có gì xa lạ, bởi gần 25 năm gia đình tôi đã tạm cư ở đây.
Thời gian qua thật mau, năm tháng như dòng nước cứ trôi và trôi mãi. Chúng tôi dời đi nơi khác đã lâu, nay trở lại sao thấy lòng mình bồi hồi, thương cảm bâng khuâng? Vì nơi đây tôi có quá nhiều hồi ức...
Mỹ sắp hứng chịu siêu bão tuyết

Cũng vào giữa mùa đông lạnh lẽo của mấy mươi năm về trước, gia đình tôi đến nơi nầy. Một cảnh sắc khác biệt nơi chôn nhau cắt rúng một cách lạ lùng cho bốn người chúng tôi (vợ chồng và hai con) Những người ốm còi ốm cọc như những bộ xương biết đi từ hành tinh khác đến nơi nầy! Bởi mấy năm sống dưới chế độ Cộng sản, chồng bị tù, vợ mất việc, rồi thời gian vượt biên thừa chết thiếu sống, và những tháng ngày buồn rầu, thiếu thốn sống trên hoang đảo...

Vào thập niên 80, người Việt ở Chicago rất ít. Chỉ vào mùa lễ Tết lớn đến hội chợ, hoặc đi nhà thờ thì mới gặp được đồng hương, nhưng chỉ lác đác thôi. Mỗi khi gặp được người cùng nước ai nấy cũng cảm thấy mừng vui, niềm nỡ như gặp được họ hàng thân thuộc của mình.

Phu quân tôi không bà con ở Hiệp chủng quốc nầy, còn tôi may mắn có cô em gái theo gia đình bên chồng rời nước trước 30 tháng 4 năm 1975. Sau tôi khoảng ba tháng thì gia đình vợ chồng cô em út sanh con mới hai ngày thì vượt biên cũng lò dò đến đất nước nầy! Nhờ thế chị em chúng tôi đỡ buồn thương và ấm lòng hơn những người chung cảnh ngộ, lưu lạc nơi xứ lạ quê người mọi thứ đều khác biệt...
Nhớ thuở mới đến đây, thiệt khó khăn khổ sở cho chúng tôi trăm bề! Không phải khổ vì thiếu ăn thiếu mặc, mà khổ vì nhớ thương cha mẹ còn bên kia bức màn tre! Nhớ nhà, nhớ quê hương xứ xở hơn nửa cuộc đời bên đó! Các con tôi tuy còn nhỏ nhưng chúng cũng âm ỉ khóc lén, khóc thầm trong bao nỗi nhớ thương như cha mẹ chúng... Chúng tôi khổ vì chưa quen thời tiết lạnh lẽo quá sức tưởng tượng của mình!

Nơi đây vào mùa đông nhiệt độ thấp trừ ba mươi độ F (30 độ), trong nhà ấm nước nấu đang sôi sùng sục, bước ra khỏi cửa chế xuống đất! Eo ơi, nước không chảy xuống được? Vì gặp lạnh đến đổi nước quến lại từng cục rơi rớt lịt bịt. Khổ vì thức ăn, tiếng nói, phong tục, tập quán...

Thuở đó làng chúng tôi ở thôn dân rất tốt. Hội từ thiện hoặc các nhà thờ, cùng dân bổn xứ đem cho áo quần cũ nhưng còn tốt mặc cũng được vài năm. Mền, giường, nệm, nồi, chảo, tô dĩa, muỗng, nĩa... những dụng cụ để nấu ăn... nhưng không có chén và đũa.

Chúng tôi may mắn chân ướt chân ráo đến đây được quen với phụ nữ tên Nancy. Bà làm trong hội từ thiện là dân kỳ cựu trong làng, ngoài giờ làm việc ba đêm trong tuần bà đến dạy cho chúng tôi biết từ một cắc (cent) mười cắc (dime) hai mươi lăm cắc (quarter), một đồng, năm đồng, mười đồng... Bà chở đi bác sĩ khám sức khỏe cho cả gia đình... Và răng cỏ người nào cũng mọc vô trật tự, ba xí ba tú giống như hàng rào ấp chiến lược.

Bà xin cho hai con chúng tôi vào trường học... Lễ nào thì có quà cho cả gia đình theo ý nghĩa của lễ đó. Như là lễ Thanksgivings thì cho gà lôi, thịt nguội (ham). Giáng Sinh, Tết thì áo quần mới, bánh, kẹo... Chở các con tôi đi những sinh hoạt với các trẻ con trong làng để chúng sớm hội nhập hòa đồng vào trẻ em bản xứ. Cuối tuần thì rau cải của các cửa hàng cho dân nghèo bà cũng không quên chia phần cho gia đình chúng tôi. Rồi bà chở chúng tôi đi tìm việc làm... Nói tóm lại, trong nhà tối lửa tắt đèn gặp hữu sự thì bà bươn bã đến giúp đỡ ngay. Nếu bà bận việc không giúp được thì bà nhờ người tốt bụng khác ở trong làng đến giúp đỡ gia đình chúng tôi....

Một người không thân thuộc, không cùng chủng tộc, khác màu da, sắc tóc, khác biệt mọi thứ mà tận tình lo lường giúp đỡ cho gia đình tôi từ ngày bước chân vào cái làng nầy, quả thật là một việc chúng tôi hiếm thấy!

Xe rước tôi từ phi trường chạy qua ngang ngôi nhà cũ nằm lẻ loi bên trường Trung học. Ngôi nhà đã cho gia đình chúng tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm, là mái ấm để các con tôi an tâm suốt những năm dài mài miệt sách đèn. Ngôi nhà nhỏ đó đã che chở nắng mưa, tuyết phủ gần sáu tháng mùa đông. Để bây giờ các cháu đã có công ăn việc làm, có đứa chồng con, thê tử đùm đề trong một xã hội tự do, no ấm. Và chúng tôi cũng đã nghỉ hưu trí dời về miền Nam ấm mát ở California.

Tôi ghé thăm bà Nancy ở viện dưỡng lão trong làng. Thời gian cứ trôi qua và và tàn phá không chừa một ai! Bà Nancy không còn đi đứng lanh lợi, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng, nói cười vui vẻ nữa! Bà Nancy hôm nay là một người bịnh sống trong dưỡng lão...

Lòng tôi bùi ngùi xúc động thấy bà ngồi đó trên chiếc xe lăn! Dáng vóc gầy ốm hơn lúc bà đưa chúng tôi ra phi trường qua vùng đất ấm. Tóc bà vẫn cắt gọn, nhưng trắng phau phau như tuyết, da dẻ vẫn hồng hào tươi mát... Bà nhìn nhân viên, hay những người sống chung trại thỉnh thoảng qua lại trước mặt với đôi mắt thờ ơ, thơ dại, vô tư như đứa trẻ chưa biết nghĩ suy...

Tôi rướm nước mắt, bước đến nắm nhẹ tay thân thiện:

- Chào Nancy, bà có khỏe không?

Bà ngơ ngác nhìn tôi với đôi mắt xa lạ, ngơ ngác bảo:

- Cảm ơn! Tao khỏe, khỏe lắm...

Vội lấy tay quẹt dòng nước mắt, tôi bảo:

- Bà còn nhớ tôi là ai không, Nancy?

- Không, không nhớ... Mầy là ai vậy?

Tôi liền nhắc lại một vài kỷ niệm về mấy đứa nhỏ con tôi để gợi nhớ! Nhứt là thằng út tôi mang thai bên nầy, từ đi khám thai lần đầu cho đến sanh cháu đều do bà đón đưa, giúp đỡ đi bác sĩ, vào bệnh viện, rước về nhà... Rồi cháu đến tuổi đi học... ra trường Đại học và đi làm... Nhớ lúc chưa sanh cháu, có hôm phu quân tôi bảo:

- Ở Việt Nam thường thì ông bà đặt tên cho con cháu. Giờ ở đây chúng mình không có cha mẹ hay ông bà ở đây. Cho nên để ghi nhớ ơn bà Nancy, mình nói với bả đặt cho đứa con sắp ra đời cái tên...

Vợ chồng tôi cùng đồng ý. Khi nghe phu quân tôi nói về ý nghĩa ở xứ tôi, ông bà được kính yêu tôn trọng thì thường đặt tên cho con cháu, nên bà Nancy vui vẻ nhận lời. Tuần sau đó bà viết ra hai tên: “David Alan Dư (trai) nếu sanh gái thì tên Amy Christina Dư”

Chúng tôi cũng không sao quên, năm đó trong ngày cưới của đứa con gái lớn, bà cảm động nắm lấy tay tôi mà bảo rằng:

- Tao rất hãnh diện và hạnh phúc nhìn các con mầy lớn khôn, ra trường lập nghiệp và thành thân. Xin thành thật chúc mừng, chúc mừng...

Phu quân tôi cũng nhẹ giọng bảo:

- Mọi sự việc tốt của gia đình tôi có được ngày hôm nay, phần lớn cũng nhờ ơn giúp đỡ của bà và xóm thôn nầy...

Bà Nancy là một phụ nữ khác màu da, sắc tóc, không đồng ngôn ngữ với chúng tôi... Bà hiền lành, chân thật, thương người và có lòng nhân. Giờ đây bà ngồi đó như một đứa trẻ, mặt mày thảnh thơi, ai hỏi gì trả lời nấy... nhưng nói đó rồi lại quên đó. Bà đi đứng, vệ sinh cá nhân... đều phải nhờ giúp đỡ. Kể từ sau khi bà bị cơn stroke nhẹ của hai năm về trước!

Trận bão chiều hai hôm trước tuyết còn giăng mắc trên nóc nhà đường sá, cây cỏ một màu trắng xóa. Theo kinh nghiệm lâu năm ở vùng trời mùa đông nhiều tuyết, tôi nghiệm thấy rằng: Ngay trong lúc tuyết rơi thì thời tiết không lạnh lắm vì mưa mà gặp nhiệt độ bên ngoài dưới 30 độ F thì mưa sẽ trở thành tuyết. Và những ngày tiếp nối sau đó nhiệt độ sẽ thấp hơn lúc tuyết đang rơi. Có lẽ vì hơi lạnh từ tuyết phát ra tỏa bay trong không gian, nên cái lạnh tê tái tâm hồn, lạnh se thắt rút vào cơ thể như cắt da xé thịt, khiến cho bộ hành không sao đi xa được. Mặc dù trên người đã mặc áo quần, giầy, vớ, khăn choàng, nón, bao tay... chống lạnh đúng mức. Đi bộ xa lắm thì cũng từ bãi đậu xe vào nhà hay vào chợ, vào sở làm mà thôi!

Năm nay tôi trở lại vùng đất lạnh vào mùa đông là để thăm em gái không được khỏe và ở lại ăn Tết cùng cô trong khi các con đi làm xa không về được, và chồng cô qua đời hai năm trước.

Sáng sớm hôm nay tôi đến nhà hàng xóm, để quá giang con anh đi giúp Cộng Đồng Người Việt Illinois tổ chức hội chợ Tết Quý Tỵ. Ngày xưa anh là Biên tập viên CSQG.VNCH, bị tù cải tạo ngót mười lăm năm. Có lần trong lúc trà đàm chúng tôi được nghe anh kể chuyện xưa ở quê nhà bị vòng lao lý sau khi giạc tràn vào. Đồng đội cùng khóa, chỉ cải tạo mười một hoặc mười hai năm thôi, còn anh chúng cho vớt thêm ba cuốn lịch nữa mới thả về, với lý do đơn giản của chúng bởi vì anh theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo chỉ vậy thôi! Thiệt hết nói! Năm rồi vợ anh bị stroke, bây giờ hàng ngày anh lo cơm cháo và săn sóc chị để cho mấy đứa con đi làm...

Chúng tôi rời nhà đi về miệt thành phố đông dân Việt Nam cư ngụ. Trời hôm nay mới sáng mà mưa rơi lác đác, và mưa mỗi lúc mỗi nặng hột hơn vì mưa bong bóng sẽ dai dẵng suốt ngày nay. Màu trời đục ngàu, âm u bởi mây xám nặng chình chịt giăng mắc tứ phía. Cây cối hai bên đường vẫn trơ cành trụi lá run rảy trong cơn gió đông rét buốt. Nếu thời tiết hạ thấp vài độ nữa thì mưa sẽ trở thành tuyết rơi ngập đường phố...

Mỗi một giây của kim đồng hồ trên thế gian nầy biết bao nhiêu là thay đổi. Ngày xưa gần tôi ở chỉ có một chợ của người Tàu bán các thứ gia dụng cần thiết của ngời Á Đông. Bây giờ có sáu tiệm của người Việt, một tiệm của người Lào và một tiệm của người Miên... Còn có quán ăn, quán cà-phê, tiệm cho mướn phim bộ, hớt tóc, uốn tóc, làm móng tay, tiệm sửa xe hơi... của người Việt. Những nơi tắm mát tâm linh của người Việt như nhà thờ có cha, chùa có thầy, Hội Thánh Tin Lành có mục sư người Việt... Và dân số người Việt bây giờ ở đây đông hơn trước rất nhiều...

Xe chạy qua những con đường tôi thường đi lại mười năm trước, nay thay đổi nhiều. Có những khu chợ Mỹ, hãng xưởng mới được xây cất hiện đại trong những khu đất rộng lớn trước kia bỏ trống. Và cũng có những tiệm, chợ buôn bán nhỏ trong những khu chợ liên kết từng dãy đã đóng cửa ,vì ảnh hưởng nền kinh tế ế ẩm mấy năm gần đây. Xe qua trung tâm Thành Phố Gió với những khu chợ cao chọc trời ở các con đường lớn mà hàng năm có cả triệu du khách đến thăm. Ngôi nhà cao và nổi tiếng đó đây vẫn là ngôi Sears tower. Xe chạy vòng theo bờ hồ Michigan để vào khu chợ Việt Nam, mặc dù trời đang mưa nhưng tuyết vẫn chưa tan hết. Từng tốp năm bảy người, đôi ba người mặc gọn gàng màu sắc xanh, đỏ, vàng, tím... Những loại áo quần đặc biệt chống lạnh cho người đi bộ, hoặc chạy... thể dục thể thao trong mưa gió ở vùng lạnh lẽo khắc nghiệt nầy.

Khu chợ Việt Nam ở Chicago trên con đường Argyle, Sheridan, Broadway và những con đường lân cận bao quanh... được mở mang rộng thêm. Các chợ, các cơ quan dịch vụ thương mại càng nhiều, chứng tỏ khu Việt Nam ở Thành Phố Gió ngày càng phồn thịnh và phát đạt hơn lên... Đó cũng là việc mừng lớn cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Đã mấy mươi năm rồi, ở Thành Phố Gió luôn tổ chức Tết truyền thống đúng ngày mùng một Tết, cho dù đó là ngày đi làm như thứ hai, thứ ba, thứ tư... Và cũng có hội chợ của các hội đoàn, lãnh đạo tinh thần, đoàn thể khác... tổ chức vào cuối tuần trước, hoặc sau Tết. Năm nay Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Illinois tổ chức hội chợ Tết trong hội trường trên lầu hai của một trường Trung học, ở ngã tư hai con đường Foster và Damen.

Hội chợ Tết ở Chicago năm nay, cũng như các hội chợ Tết nhiều tiểu bang trên đất Mỹ tôi có dịp tham dự. Khu hội chợ hoặc các hội đoàn tổ chức quy tựu đông đồng hương, cũng dễ phân biệt và tìm thấy nhờ cờ Mỹ, cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Quốc Gia treo nhiều bên ngoài khu hội, và quanh các con đường lân cận đưa vào địa điểm tổ chức. Ở các vùng lạnh như Chicago, Minnesota, Origan, Michigan... luôn tổ chức trong những balbroom, hay các phòng lớn chứa nhiều người như phòng đánh banh, tập thể dục thể thao... của Mỹ. Tổ chức bên trong để tránh mưa bão và có sưởi ấm, và các gian hàng phục vụ cho khách du xuân thưởng Tết. Những dãy bàn dài được kê sát vào nhau, đặt quanh trong khu chợ Tết đó là ở vùng rét mướt lạnh lẽo...

Ở những vùng ấm áp, các gian hàng trong những lều che nắng che mưa, đặt rải rác bên ngoài như: Texas, Arizona, San Fransico, Nam và Bắc California... và dựng cả sân khấu lộ thiên...

Tiết trời ngày mùng một Tết ở Chicago năm nay không tốt cho mấy! Mưa sụt sùi, rơi mãi rơi suốt từ sáng đến chiều... Nhưng người đến dự hội chợ Tết vẫn đông, rất đông... mặc dù có hội đoàn khác, chùa, nhà thờ... cũng tổ chức hội Tết cùng ngày.

Số là trong dịp trở lại chốn cũ thăm cô em, cái nơi gia đình tôi tạm cư hai mươi lăm năm. Năm nay mùng một Tết lại lọt vào ngày chủ nhựt, nên trước khi đi, tôi có gọi điện thoại hỏi thăm anh Lưu Toàn Trung (đương kiêm Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Illinois) Anh có nhã ý dành một chỗ cho tôi đặt bàn sách, để trình làng, phổ biến những tác phẩm của mình trong hội chợ Tết nầy.

Ngày hội chợ từ sáng đến chiều đông khách vãng lai. Các chị, các thanh nữ mượt mà trong những bộ quốc phục áo dài thời trang thật đẹp. Những vị mày râu trong ban cúng tế khăn đóng áo dài tươm tất... Hội chợ Tết nhiều người tựu lại vui xuân rất đông đảo. Tuy hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, và thời gian ngắn ngủi nhưng cũng thể hiện được ấm nồng trong tình đồng hương, tình người xa xứ...

Sau thủ tục chào cờ Việt Mỹ, phút mặc niệm những người vị quốc vong thân, thi lời chúc xuân của Chủ Tịch Cộng Đồng, cùng những lời chúc an bình hạnh phúc thật ấm nồng của các hội đoàn, đoàn thể, các lãnh đạo tinh thần đến mọi người. Rồi quý cụ cao niên tặng lì xì cho các cháu, cho trẻ em, và một chương trình văn nghệ đặc sắc: Múa lân, đơn ca, song ca, những màng múa vũ dân tộc xen lẫn thi áo dài trẻ em, trẻ em nói tiếng Việt giỏi... Người lớn vui xuân trong các gian hàng ăn uống, bánh trái, hoa xuân, sách báo... muốn thử thời vận còn có bốc số lô tô, lắc bầu cua cá cọp... Tết nhằm ngày chủ nhựt, nhờ thế tôi gặp lại bạn bè và những người quen thân...

Thời gian qua mau, có nhiều chú bác, anh chị đã qua đời! Một số người bịnh tật nhứt là bị stroke, ngồi một chỗ di chuyển bằng xe lăn. Hỏi thăm những người ngày xưa tôi gọi bắng bác, bằng chú... thì nay có người đã qua đời. Một số người đang bịnh trầm kha không còn sinh hoạt đi đứng được đang ở nhà con cháu chăm sóc hoặc viện dưỡng lão... Những bạn trẻ năm xưa chưa có gia đình, giờ thì tay bồng tay bế... Con của bạn bè đứa năm xưa học Trung học nay đã ra Đại học đi làm. Có đứa tiến xa hơn trong ngành nghề cần nhiều năm học... hoặc đang tiếp tục lên cao học...

Trong hội chợ Tết năm nay những bạn trẻ đìều khiển chương trình, chào cờ. Phân chia các gian hàng, treo cờ, biểu ngữ... các bạn làm việc rất nhiệt tình và năng động. Tôi gặp lại những người quen biết và bạn bè ngày xưa đã cho tôi nhiều kỷ niệm: Anh Thạnh (bạn chị Nguyễn Khoa Diệu Dung) Họa sĩ Hồ Ý, anh Hồ Đắc Ngọc (vẫn hồng hào khỏe mạnh), anh Hồ Khuynh, anh chị Ly, anh chị Nhựt, anh chị Ngật, anh Tấn... anh chị Phượng&Hải ở vùng Wheaton, anh Tâm (một thanh niên trẻ trong ban tổ chức hội Tết), Thái (em nhà văn Vũ Uyên Giang) ngày tôi đi vẫn còn độc thân, nay được ba cháu với cô vợ xinh xắn.

Gia đình anh chị Vũ Thi ở ngoại ô cũng vào dự hội chợ Tết. Nhớ năm nào chúng tôi dự đám cưới Trung con trai anh chị, hôm nay con của Trung đã học lớp bốn, đưa nhỏ học mẫu giáo và đứa nhỏ còn ẵm trên tay... Chịu khó học hành, bươn chải làm ăn con trai anh chị Vũ Thi đang là ông chủ, sở hữu của một tiệm sửa xe lớn ở vùng Wheaton thuộc quận Du Page.

Vợ chồng anh chị bạn thân mến Đặng Thêm đã gợi nhớ trong tôi. Bởi nghe tôi sắp rời Chicago (mười năm trước), lúc giã từ anh đến tặng tôi thật nhiều (một hộp lớn) dụng cụ giữ gìn răng. Như là bàn chải đánh răng đủ loại... tăm xỉa răng bằng ni-long (toàn là thứ tốt, mắc tiền khó tìm ở các chợ bình thường). Hôm nay nghe tôi về, anh dắt chị đến thăm và cũng tặng tôi một gói nặng tay cũng những dụng cụ giữ gìn răng.

Chị gặp tôi tay bắt mặt mừng hỏi chào, và chân thành tươi vui bảo:

- Tặng chị để dành dùng nghe, lần nầy thì hết rồi. Vì mình đã hưu trí nên không mua được giá rẻ như lúc đi làm họ bớt tới 70% lận...

Tôi cảm động với tấm chân tình của chị:

- Cảm ơn chị Thêm, bao nhiêu đây quá đủ chúng tôi dùng không biết đến bao giờ mới hết, và tấm lòng anh chị vẫn còn mãi trong chúng tôi. Bao giờ anh chị có qua vùng California, thì nhớ ghé tệ xá của chúng tôi nghe... Cảm ơn anh chị, cảm ơn thật nhiều...

Trong hội Tết tôi gặp lại chị Lưu Toàn Trung. Vóc dáng chị vẫn mãnh mai, tánh tình nhũng nhặn, nụ cười hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ của người phụ nữ miền sông Hậu (Vĩnh Long). Thoạt nhìn chị yếu mềm như nhánh liễu cành mai! Nhưng không đâu, chị vững chắc như cây tùng cây bá trước cơn gió bão ngập trời! Tôi cũng gặp lại bốn đứa con trai của anh chị, chúng nhổ giò cao hơn ba má và có đứa đã ra trường đi làm, có đứa vào quân đội Mỹ...

Thật sự không ngờ, và vui mừng là tôi gặp lại anh chị Đào Thanh Phong (CSQG.VN). Tôi vẫn nhớ ngày đến xứ người theo diện H.O anh chị dìu dắt bầy con nhỏ. Nay thì cháu ngoại sắp vào Đại học, anh chị vẫn phong thái an vui, bằng lòng trong cuộc sống hiện tại ở xứ tự do. Anh chị hạnh phúc nhìn đàn con khôn lớn, thành nhân. Dù thời gian qua mau, có bao nhiều đổi dời, nhưng chị vẫn vui vẻ hoạt bát, anh vẫn khả ái, vẫn nhũng nhặn... vẫn đượm nét phong trần của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa của thuở ngày xưa.

Anh Đào Thanh Phong bị mười bảy (17) năm tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản! Khi gặp anh chị lần đầu và nghe kể, tôi thật sự thảng thốt, cảm thấy đắng cay, thương cảm, ngậm ngùi! Bởi kiếp con người sống được bao nhiêu cái mười bảy năm trên cõi đời nầy đây, mà bị giam cầm như vậy? Tôi đã thầm nghĩ: “Những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo Cộng sản Việt Nam tội gì đây? Phải chăng các anh tội làm bổn phận người trai Việt Nam Cộng Hòa trong thời cộng sản cùng bọn tay sai lẻn vào đánh phá miền Nam? Các thanh niên dưới Chánh thể Công Hòa không ngại thân mình nhập ngũ, tùng chinh giữ gìn an bình cho gia đình, cho xã hội và bảo tồn lãnh thổ Việt Nam...”

Vì thế đó, trong lòng tôi luôn kính trọng, nhớ ơn và ngưỡng mộ những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa một lòng một dạ vì quê hương tổ quốc. Bởi trong những chiến binh đó, có cha, chú, anh em, bạn bè tôi... Nay họ đã già, có người bị thương tật, có kẻ đã hy sinh trên chiến trường!

Phát sinh từ tấm lòng của một phụ nữ bình thường có chồng làm lính chiến, bị thương (phế binh) tù cải tạo, và chạnh lòng hoàn cảnh anh Đào Thanh Phong, cùng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị dập vùi đày đọa trong ngục tù. Mười mấy năm trước tôi mạo muội đã viết:

“...............................
Giặc vào… cải tạo dãi dầu ba khổ!

Tủi nhục tột cùng, uất hận riêng mang

Thanh xuân theo mười bảy mùa lá đổ

Mười bảy năm trong lao ngục nhọc nhằn...”

...................................................”

Cảm phục và ngưỡng mộ chị Đào Thanh Phong, cùng vợ những người tù cải tạo. Trong khi chồng sa cơ thất thế bị trù dập nghiệt ngã, các chị phải lam lủ, chắc chiu... để thăm nuôi chồng, dạy dỗ con:

“..............................

Ba tù đày, nhà chỉ còn có mẹ

Đôn đáo sớm chiều cũng chẳng đủ ăn

Rừng Việt Bắc ba mõi mòn kiệt quệ

Mẹ héo hon trong năm tháng cỗi cằn...

.................................................

Lời mẹ dặn, con khắc ghi tâm trí:

…Học làm người dân tốt nước Việt Nam

Phải hãnh diện cha con tù Chánh trị
Hoàn cảnh nào… không thẹn với lương tâm...

...............................................................”

Sáng mùng ba Tết Chicago còn trong cơn mưa bụi và bầu trời ui ui, tôi ra phi trường xa rời thành phố thân thương một thuở gia đình tạm cư, đi chuyến phi cơ sớm trở về vùng đất ấm California.

Lòng tôi man mác buồn chợt nhớ đến ông bác đến ngồi bên cạnh, khi hội chợ Tết gần bế mạc. Tôi biết bác mười mấy năm trước đến xứ người với diện H.O. Bác là một cựu sĩ quan Tình Báo trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa năm xưa, cũng đã gỡ mười mấy cuốn lịch trong tù... Gặp lại bác, tôi vui mừng đưa hai tay mình nắm đôi tay bác chào mừng như gặp lại người thân...

Bác cười hiền, cảm động nhẹ giọng:

- Ông xã chị về vùng ấm chắc khỏe chớ? Lạnh lẽo thế nầy chị cũng chịu khó về đây ăn Tết nữa à? Tôi vẫn theo dõi bài vở chị trên Internet, nhớ giữ vững lập trường như thế mà viết nghe...

Tôi cười, kéo ghế kế bên mời bác ngồi:

- Cảm ơn bác, thưa hai bác vẫn khỏe, bác gái đâu, không đi hội Tết với bác hôm nay sao?

- Có chớ bả ngồi bên trong xem văn nghệ nãy giờ. Tôi ra đây chào chị và chờ mấy đứa nhỏ đến rước... Bây giờ già yếu rồi chị ơi, lâu lâu lễ lộc, Tết nhứt cộng đồng nếu khỏe tôi vẫn hay đi. Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên bên nầy giỏi lắm, có thể thay thế bọn già chúng tôi rồi. Ở đây người Việt mình chia năm xẻ bảy với nhiều lý do thường tình: Quyền lợi, địa vị, ganh tị, bằng mặt không bằng lòng... Giờ già như tôi thì chỉ có lòng chớ không còn sức nữa nên thấy buồn lắm chị à...

Tôi cười nhẹ:

- Hơi sức đâu buồn thưa bác! Bổn phận, và trách nhiệm của bác với gia đình xã hội đã xong! Bây giờ bác mạnh giỏi sống vui, sống khỏe vui vẻ với gia đình con cháu là được rồi...

Ông thở dài, bảo:

- Vùng chị ở đó chắc không có lộn xộn, tranh chấp như bên nầy hả?

Tôi cười lắc đầu:

- Không đâu bác, chỗ nào có người Việt đông cũng gần giống nhau thôi. Chỗ cháu ở còn sôi động hơn bên nầy nhiều! Theo cháu biết nơi nào dân Việt mình đông, thì hay bất đồng nhiều thứ... Nhưng nơi nào càng bất đồng với nhau nhiều thứ, thì chắc chắn họ chống Cộng dữ lắm thưa bác... Vì nơi đó dân sẽ thấy rõ ai là bạn...

Bác trầm ngâm một hồi, rồi chép miệng:

- Tôi thật mong muốn các đoàn thể cùng tổ chức chung hội chợ Tết thì đông và vui biết mấy! Nhưng thôi cũng được “Chín người mười ý/ Chén trong sóng còn khua” mà, mỗi người một cõi, nhưng cùng chống bọn Việt cộng trà trộn ở đây thì được rồi! Và những người có về nước thì cũng được nhưng đừng làm lợi, hoặc đừng có hùa và theo Cộng! Chị cũng thấy đó, tổ chức một hội chợ Tết quy tựu mấy ngàn người đâu phải dễ dàng! Nhứt là tội nghiệp những hội đoàn, đoàn thể nào không xin được sự tài trợ của Chánh phủ, của mạnh thường quân... Còn bỏ tiền túi, bỏ công sức thì cũng mệt ứ hơi chớ không phải chơi đâu. Ở đời rất hiếm hoi có người chịu làm việc công không chị ơi... nhưng cũng có hả chị!

Tôi cười, ngồi lắng nghe bác tâm sự tiếp:

- Chị cũng thấy, điễn hình nhứt hội trường nầy là phòng đánh banh của học trò. Tôi nghĩ mà tội nghiệp những người có lòng và chịu khó, chịu hy sinh! Đừng nói chi mấy chuyện giấy tờ, và những việc linh tinh khác... Trước mắt ban tổ chức hội Tết phải dàn dựng khán đài bằng cây, mướn cả ngàn cái ghế... Ai trả tiền đó, ai bỏ công sắp ra, khi xong ai dọn? Còn nhiều thứ khác phải trả, phải bỏ công sức ra để tổ chức hội Tết... Lợi lộc chi, còn chưa nói đến kẻ ghét người không ưa, bởi người ta làm thì không giúp đỡ, không hợp tác... Thế mà đôi khi còn chụp mũ, còn xì xầm những lời khó nghe, lời qua tiếng lại... cũng bực bội và nhức đầu lắm chớ!

Bác ngừng lại hớp ngụm nước trong ly, tiếp:

- Đó cũng là cái nghiệp, chị nhìn coi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mình, đang lau sàn nhà để trả phòng lại cho trường học... Còn kia kẻ đang lúi húi tháo khán đài, thu dọn cờ, tranh, ảnh treo... Trời lạnh lẽo thế nầy, ngồi ở nhà sum họp gia đình ăn Tết sướng hơn phải không? Thật họ là những kẻ có lòng cũng là cái nghiệp đó chị... Tôi thấy những vị tổ chức hội chợ Tết, làm những việc cho cộng đồng người Việt... Tôi không nói riêng một đoàn thể hay hội đoàn nào nghe chị, mà tôi muốn nói chung những vị đã bỏ công, bỏ sức, tiền tài... làm những việc lợi ích cho người Việt tha hương, là họ nghĩ đến truyền thống dân Việt để gợi nhớ, nhắc nhở, và truyền lại cho lớp trẻ tiếp nối... Xa hơn nữa là những người đó có lòng giữ thơm quê mẹ cho những thế hệ mai sau nơi xứ người... Thiệt tôi hết sức cảm phục và biết ơn họ tổ chức những hội chợ cho người Việt trong vùng vui xuân thưởng Tết... nên tôi mới gặp lại chị hôm nay đây! Chắc cũng đã mười năm hơn chị mới trở lại vùng lạnh lẽo nầy, phải không chị Diễm?

Chưa kịp trả lời, bác nhìn tôi gật gù mỉm cười ý nhị:

- Con tầm thì phải nhả tơ, như chị viết, làm ra sách được bao nhiêu cuốn rồi, có bán được đủ vốn in ấn không? Tôi cũng ngưỡng mộ chị lắm, và cũng là cái nghiệp dĩ của chị đó chị Diễm à...

Tôi cảm động, cười nhẹ bảo với bác:

- Cháu chỉ viết theo sở thích, đam mê và sự đòi hỏi của tâm tư mình thôi, chớ không ai bắt buộc. Cháu viết cũng gần 30 tác phẩm ra đời rồi thưa bác. Thật ra cũng tốn kém lắm, và bác cũng biết “văn chương hạ giới rẻ như bèo” mà, làm sao đủ vốn được bác ơi. Chắc bác nói đúng, đây có lẽ là cái nghiệp của cháu! Vì đã mấy lần định gát bút không viết nữa, nhưng cháu vẫn chưa ngừng viết được thưa bác!

Tôi nghe lòng bùi ngùi kính phục thương cảm, và nhìn bác. Một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa ra vào sanh tử trên quê hương chinh chiến triền miên... Nay tuổi xế chiều, lòng già xót xa cho vận nước nổi trôi, giờ đây bác sống trong hồi tưởng dấu yêu của quãng đời còn lại nơi đất khách.

Tôi nhẹ giọng bảo:

- Như bác đã nói: “Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại giỏi lắm, có thể thay thế bọn già chúng tôi rồi...” Thiệt thế bác ạ, tre tàn măng mộc, lớp trẻ Việt lớn lên ở bên nầy rất tài giỏi trong mọi ngành nghề. Rồi đây khi quê hương không còn Cộng sản, chúng ta ngại gì không có những thanh niên Việt Nam ưu tú lèo lái con thuyền Quốc Gia...

Nhìn bầu trời Chicacgo vẫn còn mưa gió bão bùng. Nghĩ quẩn nghĩ quanh một chập, giờ thì tôi cũng tới phi trường để trở về vùng nắng ấm. Đã qua những ngày mừng Tết Nguyên Đán Quý Tỵ tròn tình ấm nồng với em gái, và được gặp gỡ lại một số anh chị, bạn bè... trong hội Tết Chicago.

Sau phần thủ tục, trình giấy tờ, khám xét qua trạm xong, tôi nhanh chân đến phòng chờ đợi...

Phi cơ cất cánh đảo mấy vòng trên vòm trời Chicago đất lạnh tình nồng! Rồi Thành Phố Gió và cả vùng trời đầy kỷ niệm đang có thời tiết u ám, mờ mịt mưa bay... xa dần, xa dần trong tầm mắt tôi. Sau mười năm xa cách trở về thăm mấy ngày rồi ra đi, tôi nghĩ chắc là lâu lắm, hoặc có thể khó có dịp trở lại nơi đây nữa... Vì cô em gái tôi sắp bán nhà dời theo con qua tiểu bang khác! Tôi cảm thấy lòng bồi hồi, nao nao, như mất mát một thứ gì đó khó mà hình dung được!

Bỗng tôi nghĩ về bà Nancy, được gặp bà thật là một may mắn cho gia đình tôi. Với chúng tôi đây như một đoạn phim ngắn đầy nghĩa tình, mặc dù bà khác chủng tộc, khác lời nói, mắt, mũi, màu da, sắc tóc, vóc dáng... Nhưng bà có tấm lòng lương thiện, nhân hậu của người và người được sanh ra trên thế gian nầy... Những tình nghĩa ơn sâu dày của bà Nancy đong đầy, với chúng tôi mãi mãi sẽ không bao giờ quên!

Dẫu biết rằng đời người không sao tránh khỏi sanh, lão, bịnh, tử... Nhưng hình ảnh bà Nancy ngồi trên xe lăn, nụ cười, ánh mắt đờ đẫn, vu vơ như một trẻ em mới bập bẹ nói, chưa biết nghĩ suy... Đã khiến lòng tôi cảm thấy xót xa, héo hắt, u buồn...

Rồi từ máy CD nhỏ (bỏ túi) văng vẳng bên tai giọng hát đặc biệt nhẹ nhàng, đong đưa, êm ái, lã lướt, bay bổng... của cố ca sĩ Thiếu Tá Không Quân, Sĩ Phú “...Anh biết chiều nay em anh buồn lắm.../...Đã hẹn nhưng chẳng thấy bóng anh sang.../... Đây áo bay màu xanh xanh như tình ái.../ Thắt lại khăn ấm chính em đan/ Khi gió quay cuồng sau cánh bay /Con tàu thét gầm cho tim ngất ngây/ Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên/ Ngả nghiêng cánh chim /Con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi/ Mây giăng thật thấp/ Mây đan lụa trắng/ Mây pha màu nắng...” Tiếng máy nổ lụp bụp rè rè của phi cơ như xé không gian, càng lúc càng bay vút lên cao!

Tôi nhắm mắt dưỡng thần, và đắm hồn trong bản nhạc “Tuyết Trắng” của cố nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa“Nhật Trường-Trần Thiện Thanh”. Đây là một trong những bài hát về lính Việt Nam Cộng Hòa, có lời ca ngọt ngào, mượt mà, trữ tình... đã đi sâu vào lòng người dân Việt ở mọi từng lớp của thuở ngày xưa, ôi những ngày xưa thân ái...