Được nghỉ 5 tuần, máu thèm đi nổi lên bèn quyết định cùng cô bạn và cô con gái rượu đi một vòng Mỹ và Canada...
Được nghỉ 5 tuần, máu thèm đi nổi lên bèn quyết định cùng cô bạn và cô con gái rượu đi một vòng Mỹ và Canada cho biết thế giới không chỉ có…một mình nước Úc !. Với cái nhìn dẫu sao cũng còn “cưỡi ngựa xem hoa”, có một chút chủ quan của “ếch ngồi đáy giếng”, chỉ xin được điểm qua một ít sự việc gây ngạc nhiên hay khác lạ so với tại nước Úc của riêng tôi mà thôi
Lối kiến trúc của các thủ đô Ottawa (Canada), Washington DC ( Mỹ), nhìn chung cũng không khác nhau là mấy và cũng đồng dạng với Canberra, đó là dạng kiến trúc tuy không là bản sao nhưng mang đậm dấu ấn của châu Âu. Vì đi dạo trong giờ làm việc của mọi người nên khách Úc thấy thành phố có vẻ êm đềm, vắng lặng tại Ottawa (giống như Canberra) , đa số các công sở , dinh thự cổ kính như chìm trong trầm lặng, xa vắng…ít người và xe cộ qua lại. Nhưng ngược lại, tại Washington DC, không khí có vẻ bồn chồn , không có dấu hiệu của an bình khi tiếng còi hụ, xe cảnh sát có mặt khắp nơi, không biết có phải là do đề phòng nạn khủng bố mà ra ? Nếu ngồi xe công cộng (xe lửa, xe bus) chắc hẳn những lời nhắc nhở người dân báo cáo những hành động khả nghi qua các loa phóng thanh trên xe vẫn còn không khác lần trước, cách đây vài năm, tôi có dịp đi xe lửa, xe bus ở đây nên có biết điều này.
Người Mỹ đa số lạnh lùng, dường như hơi vô cảm, nhất là Quan thuế Mỹ, trong khi người Canada và Úc thân thiện, vui vẻ hơn. Điều lạ là không hiểu sao các nơi phục vụ khách hàng lại chỉ toàn người da đen hoặc lớn tuổi, gây cho du khách một cảm giác xa lạ, băn khoăn và không lý thú. Nhớ lại trên chuyến bay United Airline ngày trở về Úc, khi nghe thông báo có một tiếp viên sẽ về hưu sau chuyến bay này, cô bạn đi cùng nói thầm : “Lẽ ra là …cả phi hành đoàn về hưu mới phải chứ !”.
Cùng là “Tây” nhưng sao hai người khách Úc cứ xuýt xuýt xoa xoa bảo nhau sao hàng Mỹ… rẻ quá thế! Ai dè lúc xem hóa đơn hoặc nhận tiền thối đôi mắt mới sáng ra mà vẫn ngỡ là mình đọc lầm!.Thì ra thuế hàng hóa dịch vụ đã được cộng thêm vào sau khi khách hàng đồng ý mua, tạo cảm giác ngỡ ngàng cho du khách khi phải bị tính thêm tiền. Ở xứ lạ này, khi thấy bảng giá thì đừng vội nghĩ đó là trọn số tiền mình phải trả, bởi ở Canada và Mỹ khách còn phải tính thêm phần trăm thuế (Canada đánh 17% còn Mỹ khoảng 9% -10% ).
Tiền tip cũng là cái gai …nho nhỏ cho du khách Úc, vì sao lại phải trả tiền tip nếu như mình không bằng lòng với cách phục vụ? Là người có tâm hồn ăn uống và mua sắm nên tôi thấy riêng bên Canada, ngành phục vụ khách hàng (nhất là ngành ăn uống), quả thật là đáng cho con số 0, tôi tự hỏi với cách làm ăn như thế tại sao thương vụ vẫn còn tồn tại và tiền tip dành cho họ có còn ý nghĩa nữa chăng? Trong khi ở Úc và Mỹ, văn hóa phục vụ in một dấu son đáng khen về cách tiếp đãi chu đáo, lễ độ , vui vẻ ân cần vô cùng!
Thêm một điều lạ nữa là mỗi khi cầm hóa đơn tính tiền ở các tiệm ăn, các bạn tôi ở cả Canada lẫn Mỹ đều nhìn rất kỹ để xem nhà hàng có tính sai hay không, hỏi ra mới biết thường các nhà hàng khi thấy thực khách đi một nhóm đông, họ hay tính thêm tiền vì tâm lý ít ai kiểm lại hóa đơn khi đãi bạn bè. Quả là đáng buồn cho tính lương thiện bị xóa mờ !
Phương tiện di chuyển công cộng ở Mỹ thật là khó khăn, còn nhớ ngày tôi ở Cali, muốn đón chuyến xe bus để đi shopping (vì người nhà bận việc không đưa đi được) vậy mà chúng tôi đứng chờ hơn ½ tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang giữa trưa hè vẫn chưa thấy xe tới, đành bỏ cuộc quay về nhà. Phàn nàn điều này, một cô bạn ở đó cười nói đùa: “xứ nhà giàu mà, người ta dùng xe hơi chứ có ai đón xe công cộng đâu!”, bực mình ở chỗ là tại trạm xe không hề có bảng ghi giờ xe đến cho nên chỉ có kiên nhẫn đứng chờ nếu như cần đón xe đi. Trong khi ở Canada và Úc, phương tiện di chuyển rất tiện lợi, nhất là tại Úc, mua vé đi cả ngày, du khách có thể đón bất cứ xe lửa, bus hay tram và lên xuống bao nhiêu trạm cũng được, còn nếu từ 6 giờ chiều, chỉ cần mua vé hai tiếng là mình có thể đi suốt đêm.
Sinh hoạt văn học nghệ thuật thì ở Mỹ, nhất là Houston, thật là sôi động, hầu như tuần nào cũng có buổi hội họp, lúc thì ra mắt sách, lúc thì ca nhạc, trong khi Canada và nhất là xứ Úc , sinh hoạt èo uột, vắng lặng
Cách dùng chữ cũng có phần lý thú, phòng vệ sinh Úc gọi toilet, Mỹ :rest room còn Canada: wash room. Ngẫm nghĩ phòng vệ sinh không chắc có thoải mái để nghỉ ngơi chăng, còn nơi đó không hẳn chỉ để …rửa? Có chủ quan chăng , khi tôi nghĩ rằng Úc dùng chữ chính xác nhất cho chỗ này!
Một điều lạ là ở Canada, người Việt sống rải rác khắp nơi, chứ không tập trung vào một cộng đồng có nơi có chốn như ở Mỹ và Úc, do đó phố Tàu made in Canada vẫn có vô số người da trắng lẫn vào. Mọi người đều hay, ở Mỹ, Úc, lọt vào vùng Việt Nam thì tìm thấy một người ngoại quốc có khi là…cổ lai hi! Nói tới người Việt mình ở ngoài nước, tôi biết giới khoa bảng, số trí thức trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Canada có lẽ đông hơn Úc vì bắt buộc phải có trình độ, nghề nghiệp mới có thể tìm ra công việc hợp ý, tiền lương cao. Trong khi bên Úc chỉ cần có sức khỏe, chịu cày nhiều giờ thì tiền lương cũng cao chót vót, do đó không lạ gì khi thấy những người thợ, thậm chí là thất nghiệp quanh năm (thật ra họ cũng đi làm chui, lãnh tiền mặt để tránh thuế) vẫn chễm chệ lái những chiếc xe hơi đắt tiền, sang trọng như Mercedes, BMW.. ở nhà cao cửa rộng ở Úc, hình ảnh này chắc là khó thấy ở Mỹ, Canada.
Cuối cùng, điều còn “lấn cấn” trong lòng tôi là, không biết có phải vì cuộc sống phải tranh đua gay gắt như thế hay không mà một người quen của tôi nói rằng :“Người Việt ở Mỹ - nói chung và Cali nói riêng – khó tin lắm”. Chỉ nghe thôi làm sao trải nghiệm khi những ngày có mặt của tôi ngoài xứ Úc chỉ mau như gió thoảng! Trải qua 5 tuần ở cả hai nơi Canada và Mỹ, tôi may mắn gặp được những người bạn – dù là mới quen hoặc đã là bạn cũ từ thời xa xưa- dành cho những tình cảm nồng ấm, những chăm sóc ân cần chu đáo, chân tình những tưởng khó thể nào có được ở thời buổi này và ở lứa tuổi này.
Năm tuần lễ vị chi mới là hơn ba chục ngày nhưng với những gì không còn “văn kỳ thanh” mà đã “kiến kỳ hình” và “tận mục sở thị”, cũng cho tôi một ấn tượng là khi xử sự với nhau bằng tấm lòng thì dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ người nước nào thì tình cảm cũng chan hoà như những gì người về lại Úc mang theo trong hành trang của mình ! Cám ơn các anh chị, cám ơn các bạn mà tôi đã được gặp, được quen trong chuyến đi nhớ đời này. Những chân tình ấy làm sao mà phai lạt được ! Người Việt mình mà !