- Thú thật với ông, tôi biết được tuổi già mà sống cái cảnh này thì tôi không bao giờ qua Mỹ cả!...
Gia đình bà Hai dọn tới căn nhà mới mua ở cạnh nhà tôi đã vài tháng nay. Bà khoảng hơn 60 tuổi, nhìn dáng vẻ bề ngoài, bà có vẻ cằn cỗi, từng trải nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp thanh tú và nói năng một cách lịch sự, hiểu biết của người đàn bà có học.
Bà Hai sang Mỹ đã gần 2 năm do Tuấn, con trai bà bảo lãnh. Tuấn làm nghề chạy Taxi, vợ thì làm việc cho một hãng mỹ phẩm của người Nhật, hai đứa con còn nhỏ mới vào học tiểu học. Vì nhu cầu chi phí của gia đình cũng như muốn kiếm thêm tiền để sắm sửa và bù đắp vật chất cho mẹ mới từ Việt Nam qua, nên cả hai vợ chồng làm việc ngày đêm, để lại hai con nhỏ cho bà Hai chăm sóc.
Một hôm đi làm về, tôi nhìn thấy hai đứa nhỏ đang đùa giỡn ngoài sân, chúng nói năng gì đó tíu tít, vui vẻ. Bà Hai thì ngồi buồn thiu, đôi mắt ngó mông lung về một phương trời xa xăm vô định. Thấy vậy tôi dừng lại chào hỏi với bà.
Mừng vì có người để tỏ bầy tâm sự, bà nói:
- Thú thật với ông, tôi biết được tuổi già mà sống cái cảnh này thì tôi không bao giờ qua Mỹ cả!
Tôi ngạc nhiên hỏi lại bà:
- Tại sao vậy? Tôi thấy vợ chồng cháu Tuấn đều hiếu thảo với bà, hai đứa nhỏ này cũng ngoan đấy chứ.
- Đúng, vợ chồng thằng Tuấn rất thương tôi. Hai đứa nhỏ cũng ngoan lắm, nhưng nếu chúng nói tiếng Việt được với tôi thì tôi sung sướng biết bao. Đằng này, chúng nói chúng nghe, tôi nói gì chúng cũng chẳng hiểu mà chỉ cười khúc khích với nhau rồi bỏ đi. Từ ngày qua đây tôi chỉ hiểu được hai tiếng Răng Ma (Grandma) tức là chúng kêu tôi khi cần thiết. Nhiều khi tôi muốn bộc lộ những lời lẽ yêu thương mà tôi hằng mong ước nhưng không biết cách nào nói cho chúng nó hiểu được, thật buồn bực vô cùng!
Ông nghĩ coi, dù là đàn bà tôi cũng thiết nghĩ, với tình trạng con em Việt Nam không nói được tiếng Việt là một vấn nạn hàng đầu của các gia đình người Việt cần được quan tâm và giải quyết. Nếu không nói được tiếng Việt thì làm sao các em giao tiếp được với người Việt khi trở lại quê hương. Làm sao học hỏi được phong tục, tập quán và phục vụ đất nước hữu hiệu khi cần thiết. Đặc biệt làm sao để những người lớn tuổi chúng ta không rành tiếng Mỹ có thể truyền đạt những ý niệm, tư tưởng, lý tưởng cho chúng, để chúng hướng về cội nguồn dân tộc, và hiểu những hy sinh bằng máu và nước mắt của cha ông đã phải vất vả, khổ cực như thế nào, để chúng có mặt hoặc được sinh ra và lớn lên trên xứ sở tự do, tiên tiến này.
Bà Hai thốt ra những lời lẽ, băn khoăn ấy với những vết nhăn cằn cỗi trên mặt của bà càng rõ nét hơn, trông thật là tội nghiệp.
Tôi đang tìm cách lựa lời an ủi thì bà tiếp:
- Được biết ông bà là gia đình HO (cựu tù nhân chính trị) nên nhiều lúc tôi lại nhớ và thương xót cho ông nhà tôi. Ông ấy trước kia cũng là sĩ quan cấp tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đi "cải tạo" ở miền Bắc được gần hai năm thì nghe tin ông ấy chết. Có lẽ không chịu nổi sự đầy đọa, tàn ác của Cộng Sản trong trại tù. Trong khi ấy thì tôi không đủ điều kiện thăm nuôi, tiếp tế, cho nên ông ấy đã chết vì khổ cực và đói khát, bỏ lại tôi và thằng Tuấn lúc đó mới có 13 tuổi.
Không thể nào ngồi yên nhìn đứa con nối nghiệp duy nhất của mình sống trong cảnh vô vọng dưới chế độ phi nghĩa, phi nhân của Việt Cộng, nên tôi đã cố gắng gom góp, vay mượn tiền bạc để lo cho thằng Tuấn theo một người bà con đi vượt biên. Năm đó nó mới vừa 15 tuổi. Khi nó ra đi lòng tôi đau như cắt, không biết gian nguy, sống chết của nó thế nào nhưng cũng đành phải liều vì tương lai của nó. Những ngày tháng chờ đợi tin con trong lòng tôi phập phồng lo sợ không sao kể siết. Cho đến khi được tin nó đã qua đến Mỹ tôi mới yên lòng. Ngày nó cưới vợ tôi cũng buồn vì không có mặt trong ngày vui nhất đời của nó. Đến năm được tin nó có đứa con trai đầu lòng làm tôi vui mừng, hớn hở và mong sớm có ngày đoàn tụ để chăm sóc các con, lo lắng, vỗ về đứa cháu nội yêu quí. Với tuổi già, còn gì an ủi cho bằng được sống lo cho con, bên cạnh những đứa cháu nội, ngoại để bồng ẵm, tâng tiu chúng và được nghe chúng bi-bô những tiếng nội, ngoại mà chúng thốt ra hàng ngày. Thế nhưng với tôi, mong ước đoàn tụ đã thành, nhưng trong lòng tôi cảm thấy buồn tẻ, chán chường trong cảnh sống này. Ông nghĩ coi, thằng Tuấn thì chạy Taxi từ sáng sớm đến khuya mới về, nhiều đêm phải ngủ luôn tại bến chờ khách. Vợ nó thì làm việc sáu ngày một tuần, chỉ nghỉ ngày Chúa Nhật với bao việc nhà cần giải quyết. Chỉ có hai đứa nhỏ thường ngày gần gũi bên cạnh, nhưng chúng nó giống như những đứa trẻ Mỹ ngoài đường, vì chúng đâu có nói chuyện được với tôi, ngược lại tôi nói gì nào chúng có hiểu. Suốt ngày bà cháu coi như người xa lạ và tôi cứ tha thẩn, lủi thủi một mình.
Những lời tâm sự đơn thuần của bà Hai thật sự đã làm tôi suy nghĩ và xúc động. Đành rằng vợ chồng Tuấn rất hiếu thảo với mẹ, nhưng vì mải mê kiếm tiền đã quên bổn phận gần gũi, phụng dưỡng mẹ già khi bà mới tới xứ lạ quê người. Đã thiếu sót trong việc giáo dục con cái, để những đứa con của mình quên đi tiếng Việt, làm tình cảm gia đình, ruột thịt bị sút giảm và sẽ trở ngại nhiều cho các con khi đất nước không còn Cộng Sản, trở về giao tiếp với người thân, đem tài năng phục vụ xứ sở, kiến tạo một quê hương tự do, dân chủ và phú cường mà toàn dân đang mong đợi.
Nỗi lòng của bà Hai kể trên cũng là nỗi lòng của rất nhiều bà mẹ Việt Nam đã gặp ở hoàn cảnh này, nhất là những bà mẹ ấy thật sự không bao giờ muốn con cháu mình quên đi tiếng mẹ đẻ, xa nguồn cội dân tộc... Là người Việt, dù có mang quốc tịch Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát cũng vẫn chỉ là công dân Mỹ chứ chẳng bao giờ thành người Mỹ chính gốc được. Một nhà thơ nào đó đã viết ra những vần thơ vô cùng chí lý như sau:
Ở đây cho đến mãn đời,
Cũng chưa thành Mỹ, vẫn người Việt Nam
Da này còn mãi da vàng,
Tóc này vẫn mãi hàng hàng tóc đen
Là người Việt, chúng ta có quyền hãnh diện về dân tộc Việt của mình với trên 4000 năm văn hiến; với phong tục tập quán, đạo đức cổ truyền; với nền văn hóa nhân bản; với ngôn ngữ mẹ đẻ, một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, thống nhất chống ngoại xâm, giữ vững giang san, bờ cõi mà cha ông ta đã tốn bao công lao, xương máu để giữ gìn. Việc làm sao để con em của chúng ta đừng quên tiếng Việt là một trong những vấn nạn hiện nay vẫn chưa được mọi gia đình, tổ chức của người Việt đặt nặng và quan tâm. Cũng như các cộng đồng người Việt ở các địa phương hầu như tới nay vẫn chưa có kế hoạch, chương trình, trường lớp thực hiện việc giảng dạy cho con em của chúng ta cả về trí dục lẫn đức dục theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Giải quyết được vấn nạn con em của người Việt không biết tiếng Việt là trách nhiệm của mọi gia đình, đoàn thể và cộng đồng chúng ta ở từng địa phương. Đây là một trong những việc làm cấp thiết để đầu tư cho tương lai của cộng đồng và dân tộc trước khi quá trễ, và cũng là để thể hiện tấm lòng yêu nước mến quê hương của tất cả người Việt tỵ nạn Cộng Sản chúng ta.